Cựu Thứ trưởng Quốc phòng Iran bị xử tử vì cung cấp bí mật hạt nhân cho Anh

Iran vừa xử tử một cựu quan chức cấp cao trong quân đội nước này, Alireza Akbari, vào tháng 1 vừa qua. Theo các quan chức tình báo phương Tây, Akbari đã cung cấp cho nước Anh những thông tin tình báo giá trị về các chương trình hạt nhân và quân sự của Iran trong suốt hơn một thập kỉ.

Tháng 4/2008, một quan chức tình báo cấp cao của Anh bay tới Tel Aviv để tiết lộ một bí mật gây chấn động cho các đồng nghiệp của mình ở Israel: nước Anh có một gián điệp ở Iran với khả năng tiếp cận các bí mật quốc phòng và hạt nhân của nước này ở cấp cao.

Theo các quan chức tình báo, điệp viên này đã cung cấp các thông tin giá trị – và sẽ tiếp tục làm như vậy trong nhiều năm nữa – những thông tin tình báo sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc loại bỏ bất kỳ hoài nghi nào ở các thủ đô phương Tây rằng Iran đang theo đuổi vũ khí hạt nhân và thuyết phục thế giới áp đặt các biện pháp trừng phạt sâu rộng đối với Tehran.

Danh tính của điệp viên này từ lâu vẫn được giữ bí mật. Nhưng vào ngày 11/1/2023, vụ hành quyết cựu Thứ trưởng Quốc phòng Alireza Akbari ở Iran với cáo buộc làm gián điệp đã làm sáng tỏ điều từng bị che giấu trong suốt 15 năm: Ông Akbari chính là điệp viên Anh được cài cắm.

Alireza Akbari (1961-2003), cựu Cựu Thứ trưởng Quốc phòng Iran vừa bị xử tử vì tội làm gián điệp. Ảnh: Khabar Online News Agency

Ông Akbari từ lâu đã sống một cuộc sống hai mặt. Đối với công chúng, ông là một người cuồng tín tôn giáo và một chính trị gia diều hâu, một chỉ huy quân sự cấp cao của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo và một Thứ trưởng của Bộ Quốc phòng Iran, sau đó chuyển đến London và làm việc trong khu vực tư nhân nhưng chưa bao giờ đánh mất niềm tin của các nhà lãnh đạo Iran. Nhưng theo các quan chức, từ năm 2004, ông bắt đầu chia sẻ các bí mật hạt nhân của Iran với tình báo Anh.

Theo hai nguồn tin của Iran có mối liên hệ với Lực lượng Vệ binh Cách mạng, Alireza Akbari dường như đã làm trót lọt cho đến năm 2019, khi Iran – với sự hỗ trợ của tình báo Nga – phát hiện ra rằng ông ta đã tiết lộ sự tồn tại của một cơ sở làm giàu hạt nhân bí mật của Iran có tên là Fordo (hay Fordow), nằm sâu trong vùng núi gần Tehran. Các cường quốc phương Tây tin rằng Fordo là một chương trình vũ khí khi họ được nghe về nó.

Ngoài cáo buộc ông Akbari các tiết lộ bí mật hạt nhân và quân sự, Iran còn cho biết ông ta đã tiết lộ danh tính và hoạt động của hơn 100 quan chức, quan trọng nhất là Mohsen Fakhrizadeh, nhà khoa học hạt nhân hàng đầu mà Israel đã ám sát năm 2020.

Nước Anh chưa bao giờ công khai thừa nhận rằng ông Akbari, người đã trở thành công dân Anh vào năm 2012, là gián điệp của nước này. Một phát ngôn viên yêu cầu giấu tên của Bộ Ngoại giao Anh cho biết chính sách lâu đời của họ là không bình luận về “các vấn đề liên quan đến tình báo”.

Tháng 9/2019 tờ New York Times từng đưa tin rằng nguồn tin tình báo về cơ sở hạt nhân được gọi là Fordo là một điệp viên người Anh. Thông tin tình báo về Fordo mà ông Akbari cung cấp là một trong những tiết lộ mà quan chức tình báo Anh đã chuyển cho các đối tác Israel và các cơ quan thân thiện khác vào năm 2008, theo 3 quan chức an ninh quốc gia và tình báo phương Tây.

Bộ Ngoại giao và Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ cho biết họ không thể bình luận về các câu hỏi liên quan tới ông Akbari.

Phần tường thuật sau đây về các hoạt động của ông Akbari được dựa trên các cuộc phỏng vấn với các quan chức tình báo và an ninh quốc gia và các nhà ngoại giao cấp cao của Mỹ, Anh, Israel, Đức và Iran, cả đương nhiệm và đã thôi giữ chức. Một số người yêu cầu giấu tên vì họ không được phép phát biểu công khai.

Lên như “diều gặp gió” ở Iran

Ông Akbari, 62 tuổi khi bị hành quyết, không hề giống một điệp viên. Theo các cuộc phỏng vấn với người anh trai Mehdi Akbari và những người biết ông ta, ông ta thể hiện lòng trung thành cuồng tín với lý tưởng của Cộng hòa Hồi giáo Iran và sự ủng hộ kiên định đối với các nhà lãnh đạo nước này.

Đặc điểm ngoại hình nổi bật nhất của Akbari là một vết lõm trên trán – một dấu hiệu cho thấy ông ta rất sùng bái tín ngưỡng Hồi giáo Shia – do việc áp trán vào viên đất sét mohr để cầu nguyện hàng ngày. Ông ta có quan điểm chính trị cực đoan, thể hiện trong các bài viết, bài phát biểu và các cuộc phỏng vấn rất gay gắt và, theo một nhà ngoại giao cấp cao của Iran và là cố vấn của chính phủ, trong các cuộc họp chính thức, ông ta lập luận rằng Iran nên sở hữu vũ khí hạt nhân.

Mehdi Akbari nói: “Em trai tôi rất sùng đạo và rất cách mạng, hơn bất kỳ ai trong gia đình chúng tôi”.

Theo người anh trai, ông Akbari sinh ra trong một gia đình trung lưu bảo thủ ở thành phố Shiraz, vẫn là một thiếu niên khi cuộc cách mạng Iran năm 1979 lật đổ chế độ quân chủ và chiến tranh với Iraq xảy ra sau đó. Với nhiệt huyết cách mạng, Akbari và một người anh trai nhập ngũ, và khi rời tiền tuyến gần 6 năm sau, ông là một chỉ huy được trao tặng huân huy chương của Lực lượng Vệ binh Cách mạng.

Sau đó ông Akbari tiếp tục được thăng cấp, lên tới chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và giữ các vị trí Cố vấn trong Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran và các cơ quan chính phủ khác. Ông ta đã tạo dựng mối quan hệ thân thiết với hai người đầy quyền lực: ông Fakhrizadeh, nhà khoa học hạt nhân và Ali Shamkhani, người đứng đầu Hội đồng An ninh, mà ông ta từng là cấp phó và là cố vấn. Foad Izadi, một nhà phân tích chính sách thân cận với chính phủ ở Iran cho biết: “Ông ấy có quyền tiếp cận rất nhiều thông tin bí mật, nhạy cảm về các chương trình hạt nhân và quân sự”.

Năm 2004, trong bối cảnh Israel và phương Tây ngày càng nghi ngờ rằng Iran đang bí mật theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân, ông Akbari chịu trách nhiệm thuyết phục các đại sứ quán chủ chốt ở Tehran rằng điều đó không đúng sự thật, và thường xuyên gặp gỡ Đại sứ các nước Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức và Nga.

Câu chuyện tuyển dụng và làm gián điệp

Trong 8 đoạn video ngắn được truyền hình nhà nước Iran phát sóng sau khi Alireza Akbari bị hành quyết, ông Akbari trình bày chi tiết các hoạt động gián điệp của mình và việc ông được người Anh tuyển dụng tại một buổi lễ ở Đại sứ quán Anh ở Tehran. Nhưng sau đó, trong một tin nhắn âm thanh được phát trên kênh BBC tiếng Ba Tư – mà theo lời anh trai ông Akbari thì tin nhắn đó do gia đình ông thu được – thì ông Akbari nói rằng đó là những lời thú tội bị ép buộc.

Động cơ cho hành động của ông Akbari vẫn chưa rõ ràng. Trong video ông ta nói rằng mình bị thúc đẩy bởi “lòng tham và quyền lực”, dù cũng phủ nhận việc gặp rắc rối về tài chính. Iran nói rằng ông Akbari đã phản bội đất nước và đổi bí mật quốc gia để lấy tiền. Gia đình Akbari phủ nhận việc ông ta là gián điệp và nói rằng nhiều khẳng định trong các video là do Chính phủ Iran bịa đặt. Tuy nhiên, họ nói rằng nhiều ngày tháng và sự kiện trong các video là chính xác.

Trong các video, ông Akbari cho biết ông được tuyển dụng vào năm 2004 và nói rằng ông và gia đình sẽ được cấp thị thực đến Anh. Năm sau, ông ta sang Anh và gặp một người phụ trách MI6. Trong vài năm sau đó, ông Akbari cho biết ông đã thành lập các công ty bình phong ở Áo, Tây Ban Nha và Anh để tạo vỏ bọc cho các cuộc gặp với những người quản lý của mình. Iran cho biết MI6 đã trả cho ông Akbari gần 2 triệu bảng Anh, hiện vào khoảng 2,4 triệu USD.

Người anh trai Mehdi Akbari nói rằng ông Akbari chỉ gặp Đại sứ Anh tại Tehran trong khuôn khổ công việc chính thức của mình và thường xuyên tới châu Âu để làm ăn do mở rộng ra nhiều lĩnh vực kinh doanh khác trong khi vẫn làm việc cho Chính phủ, giống như nhiều quan chức Iran khác.

Ông này cũng cho biết, ông Akbari đã nghỉ hưu từ năm 2008 nhưng vẫn tiếp tục làm cố vấn cho ông Shamkhani và các quan chức cấp cao khác; cuối năm đó, ông ta bị bắt và bị giam giữ 4 tháng với cáo buộc làm gián điệp cho Anh nhưng sau đó đã được tại ngoại. Rồi vụ án khép lại và ông ta được phép đi lại tự do.

Tháng 4/2008, người Anh nhận được và đã chia sẻ với Israel và các cơ quan phương Tây thông tin tình báo về Fordo, một cơ sở làm giàu uranium nằm sâu bên trong một khu liên hợp quân sự dưới lòng đất, mà các cường quốc thế giới tin rằng đó là một phần trong nỗ lực chế tạo bom hạt nhân của Iran. Phát hiện về Fordo đã làm thay đổi suy nghĩ của thế giới về chương trình hạt nhân của Iran cũng như các kế hoạch quân sự và không gian mạng của phương Tây để chống lại chương trình này. “Thông tin về Fordo khiến chúng tôi bị sốc”, Yoni Koren, Chánh Văn phòng của Bộ trưởng Quốc phòng Israel vào thời điểm đó, cho biết trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2019.

Thông tin tình báo mà Anh chia sẻ với Israel năm 2008 nhanh chóng được chuyển cho các cơ quan tình báo phương Tây, theo một người từng giữ vị trí cấp cao trong tình báo Đức vào thời điểm đó. Tháng 9/2009, tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Pittsburgh, Mỹ, Tổng thống Barack Obama cùng với lãnh đạo các nước Anh và Pháp đã tiết lộ rằng Fordo là một nhà máy làm giàu hạt nhân.

Thông qua hình ảnh vệ tinh, từ lâu các cơ quan tình báo phương Tây đã biết rằng Iran đang xây dựng một cơ sở sâu bên trong những ngọn núi ở Fordo. Nhưng họ lại cho rằng địa điểm này là một cơ sở lưu trữ quân sự và không biết rằng nó đã bị biến thành một địa điểm làm giàu hạt nhân bí mật.

Hình ảnh vệ tinh của nhà máy làm giàu nhiên liệu Fordo của Iran, ở phía đông bắc thành phố Qum. Ảnh: Maxar Technologies

Norman Roule, cựu Giám đốc tình báo CIA tại Iran cho biết: “Việc phát hiện ra Fordo đã làm thay đổi hoàn toàn thái độ của cộng đồng quốc tế đối với Iran”. Ông nói thêm rằng nó đã giúp thuyết phục Trung Quốc và Nga rằng Iran đã không minh bạch về chương trình hạt nhân và thúc đẩy việc áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt.

Theo một nhà ngoại giao cấp cao của Iran, ngay cả sau khi Akbari đã bị giam giữ trong vài tháng và đã nghỉ hưu, các quan chức Bộ Ngoại giao Iran vẫn tiếp tục xin lời khuyên từ ông ta, đồng thời thông báo cho ông ta về các cuộc họp kín về chính sách và đàm phán hạt nhân.

Ông Akbari cũng thường xuyên tới London. Theo lời người anh trai, năm 2010, ông ta bị đau tim ở đó và ở lại luôn. Rồi vợ và hai con gái ông ta nhanh chóng sang cùng, và cuối cùng ông ta nhập quốc tịch Anh, sống nhờ lợi nhuận từ các khoản đầu tư và vẫn về Iran để duy trì liên lạc với các quan chức cấp cao. Trong các đoạn video, ông Akbari nói rằng ông giả đau tim để được ở lại Anh.

Tuy nhiên, ông ta đã đi về giữa London và Tehran ít nhất 3 lần từ năm 2010 đến năm 2019 và ở tại ngôi nhà của gia đình mà ông ta vẫn giữ ở Tehran, theo lời người anh trai.

Trở lại Iran lần cuối

Anh trai ông Akbari cho biết vào năm 2019, ông Akbari đã bay tới Iran lần cuối sau khi ông Shamkhani, người đứng đầu Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran, nói với ông rằng đất nước cần ông vì một vấn đề quốc phòng và hạt nhân khẩn cấp. Vài ngày sau khi trở về Tehran, Akbari bị triệu tập đến Bộ Tình báo. Lo lắng, ông ta đã gọi cho Shamkhani, ông này nói với ông ta rằng chính quyền đã nghe nói rằng ông ta có liên hệ với MI6 và thúc giục ông ta hợp tác để chứng minh mình vô tội. Sau vài lần thẩm vấn, ông ta bị bắt.

Tại một thời điểm nào đó, Iran đã phát hiện ra rằng ông Akbari là nguồn rò rỉ thông tin về Fordo, theo hai người Iran có liên hệ với Lực lượng Vệ binh Cách mạng. Thông tin này cũng đã được tình báo Nga xác nhận. Không rõ bằng cách nào mà Nga, một đồng minh thân cận của Iran, lại phát hiện ra thông tin trên.

Năm 2020, một năm sau khi ông Akbari bị bắt, Israel đã ám sát nhà khoa học hạt nhân hàng đầu Iran Mohsen Fakhrizadeh khi ông này đang lái xe về ngôi nhà nghỉ cuối tuần ở một ngôi làng miền núi gần Tehran.

Nhà khoa học hạt nhân hàng đầu Iran Mohsen Fakhrizadeh bị Israel ám sát cuối năm 2020 tại Absard, phía đông Tehran. Ảnh: IRIB/EPA-EFE/Shutterstock

Anh trai ông Akbari cho biết ông Akbari đã bị Bộ Tình báo giam giữ và biệt giam trong nhiều tháng trong một nhà giam dưới lòng đất và sau đó là nhà tù Evin khét tiếng của Tehran. Gia đình được yêu cầu giữ bí mật về vụ bắt giữ. Các quan chức Iran thông báo trên phương tiện truyền thông nhà nước sau khi ông ta bị hành quyết rằng họ yêu cầu ông ta thường xuyên đăng nhập vào một máy tính do người Anh cung cấp và liên lạc với những người quản lý của mình trong cơ quan tình báo Anh để đánh lừa họ.

Tháng 1/2023, hơn 3 năm sau khi ông Akbari bị bắt, khi Iran đang quay cuồng với các cuộc biểu tình chống chính phủ kéo dài suốt nhiều tháng, với cuộc đàn áp của chính quyền và một đợt trừng phạt quốc tế mới, chính quyền Iran đã tuyên bố rằng Akbari là gián điệp.

Việc hành quyết các quan chức cấp cao là cực kỳ hiếm ở Iran. Lần cuối cùng một nhà kỹ trị cấp cao bị hành quyết là vào năm 1982. Theo các nguồn tin và các nhà ngoại giao Iran, chỉ vài ngày sau khi vụ bắt giữ ông Akbari được công khai, ông ta được đưa đến đến một không gian ngoài trời có tường bao quanh; một sợi dây thừng được quấn quanh cổ ông ta và chỉ trong vòng vài phút, cơ thể ông ta đã bị treo trên giá treo cổ.

Ông Akbari được chôn cất tại một nghĩa trang rộng lớn ở ngoại ô Tehran mà người thân của ông không hề hay biết.  Vợ ông ta nói: “Chúng tôi không thể tưởng tượng được điều này, và tôi không hiểu chính trị đằng sau nó”.

Nước Anh lên án việc Tehran hành quyết ông Akbari, triệu hồi Đại sứ trong một thời gian ngắn và áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Iran.

Gia đình ông Akbari được phép tổ chức lễ tưởng niệm ở Tehran 40 ngày sau khi ông qua đời. Họ đã thuê một hội trường trong một nhà thờ Hồi giáo, chuẩn bị hoa và bánh. Họ ngồi trên những chiếc ghế xếp dọc theo các bức tường, sẵn sàng chào đón đoàn khách gồm những bạn bè, đồng nghiệp và cộng sự của Akbari sau 40 năm ông phục vụ nước Cộng hòa Hồi giáo trên nhiều cương vị khác nhau.

Nhưng không ai đến, họ cho biết. Chỉ có gia đình ông ta tham dự.■

Farnaz Fassihi Ronen Bergman

Minh Thư dịch

(Theo New York Times)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN