Học thuyết mới về ngoại giao của Nga tác động gì đến thế giới

Ngày 31/3/2023, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký Sắc lệnh phê duyệt “Đường lối chính sách đối ngoại của Liên bang Nga”, thay thế Sắc lệnh 640 ký ngày 30/11/2016, dài 42 trang, bao gồm 6 phần và 76 điểm. Tài liệu này được Nga tuyên bố là “một tài liệu hoạch định chiến lược và thể hiện một hệ thống quan điểm về lợi ích quốc gia của Liên bang Nga trong lĩnh vực chính sách đối ngoại, các nguyên tắc cơ bản, mục tiêu chiến lược, nhiệm vụ chính và các lĩnh vực ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Liên bang Nga”. Tạp chí Phương Đông tóm lược những vấn đề chính giới thiệu tới bạn đọc để tiện theo dõi.

I. Nhận định về tình hình thế giới hiện nay, tài liệu nhấn mạnh các vấn đề sau đây:

1. Nhân loại đang trải qua một kỷ nguyên thay đổi mang tính cách mạng. Quá trình hình thành một thế giới đa cực, công bằng hơn vẫn đang tiếp tục diễn ra. Cơ hội cạnh tranh của các cường quốc thế giới ngoài phương Tây và các nhà lãnh đạo khu vực đang gia tăng.

2. Vai trò của Liên hợp quốc và các tổ chức đa phương khác như là nền tảng để điều phối lợi ích của các cường quốc hàng đầu đang bị can thiệp làm giảm giá trị. Sức mạnh của hệ thống luật pháp quốc tế đang bị thử thách: một nhóm nhỏ các quốc gia tìm cách thay thế nó bằng khái niệm trật tự thế giới dựa trên các quy tắc (áp đặt các quy tắc, tiêu chuẩn và chuẩn mực mà trong quá trình phát triển các quy tắc đó đã không đảm bảo sự tham gia bình đẳng của tất cả các quốc gia có liên quan).

3. Khủng hoảng toàn cầu hóa kinh tế ngày càng gay gắt. Các vấn đề hiện tại, bao gồm cả thị trường năng lượng và lĩnh vực tài chính, là do sự xuống cấp của nhiều mô hình và công cụ phát triển trước đây, các quyết định kinh tế vĩ mô thiếu trách nhiệm (bao gồm phát thải không kiểm soát và tích tụ các khoản nợ không có bảo đảm), các biện pháp hạn chế đơn phương bất hợp pháp và cạnh tranh không lành mạnh. Việc các quốc gia riêng lẻ lạm dụng vị trí thống lĩnh của họ trong một số lĩnh vực làm gia tăng tình trạng phân mảnh nền kinh tế thế giới và sự bất bình đẳng trong quá trình phát triển của các quốc gia. Các hệ thống thanh toán quốc gia và xuyên biên giới mới đang mở rộng, sự quan tâm đến các loại tiền dự trữ quốc tế mới đang tăng lên, các điều kiện tiên quyết đang được hình thành để đa dạng hóa các cơ chế hợp tác kinh tế quốc tế.

Tổng thống Nga V. Putin chủ trì một cuộc họp Hội đồng An ninh tại Moskva, tháng 3/2023. Ảnh: Aleksey Babushkin

4. Vai trò của nhân tố vũ lực trong quan hệ quốc tế ngày càng lớn, không gian xung đột ngày càng mở rộng ở một số khu vực có vị trí chiến lược quan trọng.

5. Mỹ coi việc củng cố nước Nga như là một trong những trung tâm phát triển hàng đầu của thế giới hiện đại, coi chính sách đối ngoại độc lập của Nga là mối đe dọa đối với bá quyền phương Tây, nên Mỹ và các vệ tinh của họ đã vin vào thực tế rằng Liên bang Nga đang áp dụng các biện pháp để bảo vệ lợi ích sống còn của mình theo hướng Ukraine để lấy cớ làm trầm trọng thêm chính sách chống Nga trong nhiều năm qua và mở ra một kiểu chiến tranh hỗn hợp mới. Nó nhằm mục đích làm suy yếu nước Nga bằng mọi cách có thể, bao gồm làm suy yếu sức mạnh, vai trò sáng tạo và văn minh Nga, năng lực kinh tế và công nghệ của Nga, hạn chế chủ quyền của Nga trong chính sách đối nội và đối ngoại, đồng thời phá hủy sự toàn vẹn lãnh thổ. Quá trình này của phương Tây đã có được một đặc tính toàn diện và được đưa lên cấp độ học thuyết. Đó không phải là sự lựa chọn của Liên bang Nga. Nga không coi mình là kẻ thù của phương Tây, không tự cô lập mình khỏi phương Tây, không có ý định thù địch với phương Tây và hy vọng rằng trong tương lai, các quốc gia thuộc cộng đồng phương Tây sẽ nhận ra sự vô ích của chính sách đối đầu và tham vọng bá quyền của họ, tính đến thực tế phức tạp của một thế giới đa cực và quay trở lại tương tác thực dụng với Nga, dựa trên các nguyên tắc bình đẳng chủ quyền và tôn trọng lợi ích của nhau. Trên cơ sở này, Liên bang Nga sẵn sàng đối thoại và hợp tác.

6. Trước những hành động không thân thiện của phương Tây, Nga có ý định bảo vệ quyền tồn tại và phát triển tự do của mình bằng mọi cách có thể. Liên bang Nga sẽ tập trung năng lượng sáng tạo vào các vectơ địa lý trong chính sách đối ngoại của mình, vốn có triển vọng rõ ràng về việc mở rộng hợp tác quốc tế cùng có lợi. Hầu hết nhân loại quan tâm đến mối quan hệ mang tính xây dựng với Nga và củng cố vị thế của Nga trên trường quốc tế với tư cách là một cường quốc thế giới có ảnh hưởng, đóng góp quyết định vào việc duy trì an ninh toàn cầu và đảm bảo sự phát triển hòa bình của các quốc gia. Điều này mở ra nhiều cơ hội lớn cho các hoạt động thành công của Liên bang Nga trên trường quốc tế.

II. Lợi ích quốc gia của Liên bang Nga trong lĩnh vực chính sách đối ngoại, các mục tiêu chiến lược và những nhiệm vụ chính của chính sách đối ngoại của Liên bang Nga

1. Căn cứ vào các xu hướng dài hạn trong sự phát triển của tình hình thế giới, lợi ích quốc gia của Liên bang Nga trong lĩnh vực chính sách đối ngoại được xác định bằng 9 điểm, trong đó nhấn mạnh tới:

– Bảo vệ trật tự hiến pháp, chủ quyền, độc lập, nhà nước và toàn vẹn lãnh thổ của Liên bang Nga khỏi ảnh hưởng mang tính phá hoại của nước ngoài;

– Duy trì ổn định chiến lược, củng cố hòa bình và an ninh quốc tế;

– Bảo vệ các quyền, tự do và lợi ích hợp pháp của công dân Nga và bảo vệ các tổ chức Nga khỏi sự xâm phạm bất hợp pháp của nước ngoài;

– Thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế Nga trên cơ sở công nghệ mới;

2. Dựa trên các lợi ích quốc gia và các ưu tiên chiến lược quốc gia của Liên bang Nga, các hoạt động chính sách đối ngoại của nhà nước nhằm vào 3 mục tiêu chiến lược sau:

– Đảm bảo an ninh, chủ quyền trên mọi lĩnh vực và toàn vẹn lãnh thổ của Liên bang Nga;

– Tạo điều kiện bên ngoài thuận lợi cho sự phát triển của Nga;

– Củng cố vị trí của Liên bang Nga với tư cách là một trong những trung tâm có trách nhiệm, có ảnh hưởng và độc lập của thế giới hiện đại.

3. Chính sách đối ngoại của Liên bang Nga được thực hiện thông qua 14 nhiệm vụ chính, đặc biệt là:

– Hình thành một trật tự thế giới công bằng và bền vững;

– Duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, sự ổn định chiến lược, bảo đảm sự chung sống hòa bình và phát triển tiến bộ của các quốc gia và dân tộc;

– Chống lại các hoạt động chống Nga của các quốc gia nước ngoài và các hiệp hội của họ, tạo điều kiện để chấm dứt các hoạt động đó;

– Hỗ trợ các đồng minh và đối tác của Nga trong việc thúc đẩy các lợi ích chung, đảm bảo an ninh và sự phát triển bền vững của họ, bất kể các đồng minh và đối tác có được quốc tế công nhận và họ có là thành viên của các tổ chức quốc tế hay không;

– Củng cố vị thế của Nga trong nền kinh tế thế giới, đạt được các mục tiêu phát triển quốc gia của Liên bang Nga, đảm bảo an ninh kinh tế, hiện thực hóa tiềm năng kinh tế của nhà nước;

– Đảm bảo lợi ích của Nga ở đại dương thế giới, không gian bên ngoài và vùng trời;

– Củng cố tầm quan trọng của Nga trong không gian nhân đạo toàn cầu, củng cố vị thế của tiếng Nga trên thế giới, thúc đẩy việc bảo tồn sự thật lịch sử và ký ức về vai trò của Nga trong lịch sử thế giới ở nước ngoài;

– Bảo vệ hiệu quả toàn diện các quyền, tự do và lợi ích hợp pháp của công dân Nga và các tổ chức Nga ở nước ngoài.

III. Phương hướng ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Liên bang Nga

1. Nga nỗ lực hình thành một hệ thống quan hệ quốc tế đảm bảo an ninh đáng tin cậy, bảo tồn bản sắc văn hóa và văn minh, cơ hội phát triển bình đẳng cho tất cả các quốc gia, bất kể vị trí địa lý, quy mô lãnh thổ, nhân khẩu học, tài nguyên và tiềm năng quân sự, chính trị, kinh tế và xã hội, dựa trên các nguyên tắc: từ chối bá chủ trong các vấn đề quốc tế; hợp tác trên sự cân bằng lợi ích; không can thiệp vào công việc nội bộ; các quốc gia có chủ quyền có vai trò đưa ra các quyết định trong lĩnh vực duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.

2. Để tạo điều kiện thích ứng trật tự thế giới với thực tế của một thế giới đa cực, Liên bang Nga dự định có 10 ưu tiên, tiêu biểu là:

– Xóa bỏ dấu tích thống trị của Hoa Kỳ và các quốc gia không thân thiện khác trong các vấn đề thế giới, tạo điều kiện để bất kỳ quốc gia nào từ chối tham vọng tân thực dân và bá quyền;

– Khôi phục vai trò của Liên hợp quốc (LHQ) như một cơ chế điều phối trung tâm trong việc điều phối lợi ích của các quốc gia thành viên LHQ và hành động của họ để đạt được các mục tiêu của Hiến chương LHQ;

– Tăng cường tiềm lực và nâng cao vai trò quốc tế của tổ chức liên kết các nước BRICS, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS), Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU), Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), RIC (Nga, Ấn Độ, Trung Quốc) và các hiệp hội đa quốc gia và các tổ chức quốc tế khác, cũng như các cơ chế có sự tham gia đáng kể của Nga;

– Đối thoại mang tính xây dựng, hợp tác và cùng làm giàu cho các nền văn hóa, tôn giáo và văn minh khác nhau.

Nga ưu tiên tăng cường tiềm lực và nâng cao vai trò của các tổ chức như BRICS, SCO, CIS, EAEU… Hình ảnh Ngoại trưởng Nga Lavrov (trái) và Ngoại trưởng Ấn Độ Jaishankar bên lề Hội nghị Thượng đỉnh SCO tại Goa, tháng 5/2023. Ảnh: Bộ Ngoại giao Nga

3. Về pháp quyền trong quan hệ quốc tế:

– Bảo đảm pháp quyền trong quan hệ quốc tế là một trong những nền tảng của một trật tự thế giới công bằng và bền vững, duy trì sự ổn định toàn cầu, sự hợp tác hòa bình và hiệu quả giữa các quốc gia và các hiệp hội của họ, là nhân tố làm giảm căng thẳng quốc tế và tăng tính có thể dự đoán của sự phát triển thế giới.

– Nga nhất quán ủng hộ việc củng cố nền tảng pháp lý của các mối quan hệ quốc tế và thực hiện các nghĩa vụ pháp lý quốc tế của mình một cách thiện chí. Đồng thời, các quyết định của các tổ chức đa quốc gia được thông qua trên cơ sở các quy định của các điều ước quốc tế của Liên bang Nga theo cách giải thích trái với Hiến pháp của Liên bang Nga sẽ không được thi hành tại Liên bang Nga.

– Cơ chế hình thành các quy phạm pháp luật quốc tế phổ quát phải dựa trên ý chí tự do của các quốc gia có chủ quyền, và Liên hợp quốc nên tiếp tục là nền tảng chính cho sự phát triển và pháp điển hóa dần dần của luật pháp quốc tế. Sự phát triển hơn nữa của khái niệm về một trật tự thế giới dựa trên các quy tắc sẽ dẫn đến sự phá hủy hệ thống luật pháp quốc tế và những hậu quả nguy hiểm khác đối với nhân loại.

– Tăng cường tính ổn định của hệ thống luật pháp quốc tế, ngăn chặn sự phân mảnh và suy yếu của hệ thống này cũng như ngăn chặn việc áp dụng có chọn lọc các nguyên tắc và chuẩn mực được thừa nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, Liên bang Nga dự định một số ưu tiên cụ thể.

4. Về tăng cường hòa bình và an ninh quốc tế

– Liên bang Nga xuất phát từ tính không thể chia cắt của an ninh quốc tế (ở khía cạnh toàn cầu và khu vực) và tìm cách đảm bảo an ninh đó một cách bình đẳng cho tất cả các quốc gia trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại. Trên cơ sở này, Nga sẵn sàng hành động chung để hình thành một cấu trúc an ninh quốc tế mới, ổn định hơn với tất cả các quốc gia quan tâm và các hiệp hội liên quốc gia.

– Liên bang Nga xuất phát từ thực tế là Lực lượng Vũ trang của mình có thể được sử dụng theo các nguyên tắc và chuẩn mực được công nhận chung của luật pháp quốc tế, các điều ước quốc tế của Liên bang Nga và luật pháp của Liên bang Nga. Nga coi Điều 51 của Hiến chương Liên hợp quốc là cơ sở pháp lý đầy đủ và không cần sửa đổi cho việc sử dụng vũ lực để tự vệ. Đặc biệt, việc sử dụng Lực lượng Vũ trang Liên bang Nga có thể được hướng tới để đẩy lùi và ngăn chặn một cuộc tấn công vũ trang vào Nga và (hoặc) các đồng minh của Nga, để giải quyết các cuộc khủng hoảng, để duy trì (khôi phục) hòa bình theo quyết định của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, các cơ cấu an ninh tập thể khác có sự tham gia của Nga trong phạm vi trách nhiệm của họ, nhằm đảm bảo việc bảo vệ công dân của họ ở nước ngoài, chống khủng bố quốc tế và cướp biển.

– Nếu các quốc gia nước ngoài hoặc hiệp hội của họ thực hiện các hành động không thân thiện gây ra mối đe dọa đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Liên bang Nga, Liên bang Nga cho rằng việc áp dụng các biện pháp đối xứng và bất đối xứng cần thiết để hạn chế các hành vi thù địch như vậy, cũng như để ngăn chặn chúng tái diễn trong tương lai, là hợp pháp.

– Để đảm bảo ổn định chiến lược, loại bỏ các điều kiện tiên quyết dẫn đến chiến tranh toàn cầu và nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác, đồng thời hình thành một cấu trúc an ninh quốc tế mới; và Để tăng cường an ninh khu vực, ngăn chặn chiến tranh cục bộ và khu vực, giải quyết xung đột vũ trang nội bộ (chủ yếu trên lãnh thổ của các quốc gia láng giềng), Liên bang Nga xác định một số ưu tiên cụ thể.

– Nga chống lại việc buôn bán và tiêu thụ bất hợp pháp các loại thuốc gây nghiện và các chất hướng thần gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh quốc tế và quốc gia, sức khỏe của công dân và nền tảng tinh thần và đạo đức của xã hội Nga.

– Nga sẽ giảm thiểu rủi ro trên lãnh thổ Liên bang Nga liên quan đến sự xuất hiện của thiên tai và tai nạn do con người gây ra bên ngoài biên giới của mình, đồng thời tăng cường khả năng chống lại chúng của các quốc gia nước ngoài.

– Để chống lại tình trạng di cư bất hợp pháp và cải thiện quy định về quy trình di cư quốc tế, Liên bang Nga dự định ưu tiên tăng cường hợp tác trong lĩnh vực này với các quốc gia thành viên CIS đang theo đuổi chính sách mang tính xây dựng đối với Liên bang Nga.

5. Về việc bảo đảm lợi ích của Liên bang Nga ở đại dương, không gian và vùng trời thế giới

– Nga nghiên cứu, phát triển và sử dụng các đại dương trên thế giới vì lợi ích đảm bảo an ninh và phát triển của Nga, chống lại các biện pháp hạn chế đơn phương của các quốc gia không thân thiện và các hiệp hội của họ liên quan đến các hoạt động hàng hải của Nga.

– Nga thăm dò và sử dụng không gian một cách hòa bình, đảm bảo vị trí hàng đầu trên thị trường hàng hóa, công trình và dịch vụ vũ trụ, củng cố vị thế của một trong những cường quốc hàng đầu về vũ trụ.

Lễ duyệt binh kỷ niệm Ngày Chiến thắng phát xít Đức trong Thế chiến II tại Quảng trường Đỏ ở Moskva ngày 9/5/2023. Ảnh: Pelagia Tikhonova/Moscow News Agency

6. Về việc hợp tác kinh tế quốc tế và hỗ trợ phát triển quốc tế

– Nga đảm bảo an ninh kinh tế, chủ quyền kinh tế, tăng trưởng kinh tế bền vững, đổi mới cơ cấu và công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh quốc tế của nền kinh tế quốc gia, duy trì vị trí hàng đầu của Nga trong nền kinh tế toàn cầu, giảm thiểu rủi ro và nắm bắt cơ hội do những thay đổi sâu sắc trong nền kinh tế toàn cầu và quan hệ quốc tế, cũng như liên quan đến các hành động không thân thiện của các quốc gia nước ngoài và các hiệp hội của họ.

– Nhằm tăng cường sự ổn định của hệ thống quan hệ quốc tế trước các cuộc khủng hoảng, cải thiện tình hình kinh tế – xã hội và nhân đạo trên thế giới, loại bỏ hậu quả của xung đột vũ trang, thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và tăng cường nhận thức tích cực về nước Nga trên thế giới, Liên bang Nga mong muốn đóng góp cho sự phát triển quốc tế, ưu tiên phát triển kinh tế xã hội của Cộng hòa Abkhazia, Cộng hòa Nam Ossetia, các quốc gia thành viên EAEU, các quốc gia thành viên SNG duy trì quan hệ láng giềng tốt quan hệ với Nga, cũng như các quốc gia đang phát triển theo đuổi chính sách mang tính xây dựng đối với Liên bang Nga.

7. Về việc bảo vệ môi trường và sức khỏe toàn cầu

– Để bảo tồn môi trường thuận lợi, nâng cao chất lượng, thích ứng hợp lý nước Nga với biến đổi khí hậu vì lợi ích của các thế hệ hiện tại và tương lai, Liên bang Nga xác định 6 vấn đề ưu tiên.

– Nga tăng cường bảo vệ sức khỏe và đảm bảo phúc lợi xã hội của người dân Nga và các quốc gia khác.

8. Về hợp tác nhân đạo quốc tế

– Nga củng cố vai trò của mình trong không gian nhân đạo toàn cầu, hình thành nhận thức tích cực về Nga ở nước ngoài, củng cố vị thế của tiếng Nga trên thế giới, chống lại chiến dịch bài Nga do các quốc gia nước ngoài không thân thiện và các hiệp hội của họ thực hiện, cũng như tăng cường hiểu biết lẫn nhau và củng cố lòng tin giữa các quốc gia.

– Nga chống lại sự xuyên tạc lịch sử, kích động hận thù đối với Nga, truyền bá hệ tư tưởng của chủ nghĩa phát xít mới, độc quyền chủng tộc và quốc gia, chủ nghĩa dân tộc hiếu chiến và củng cố nền tảng đạo đức, pháp lý và thể chế của quan hệ quốc tế hiện đại, chủ yếu dựa trên kết quả được công nhận rộng rãi của Chiến tranh Thế giới Thứ hai.

9. Về việc bảo vệ công dân và tổ chức Nga khỏi sự xâm phạm bất hợp pháp của nước ngoài, hỗ trợ đồng bào sống ở nước ngoài, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nhân quyền

– Nga bảo vệ các quyền, tự do và lợi ích hợp pháp của công dân Nga (bao gồm cả trẻ vị thành niên), bảo vệ các tổ chức Nga khỏi sự xâm phạm bất hợp pháp của nước ngoài, cũng như chống lại chiến dịch bài Nga do các quốc gia không thân thiện phát động.

– Nga phát triển mối quan hệ với đồng bào sống ở nước ngoài và cung cấp cho họ sự hỗ trợ toàn diện (có tính đến đóng góp đáng kể của họ vào việc bảo tồn và phổ biến ngôn ngữ Nga và văn hóa Nga) liên quan đến sự phân biệt đối xử có hệ thống với họ ở một số quốc gia.

– Nga công nhận và đảm bảo các quyền và tự do của con người và công dân phù hợp với các nguyên tắc và chuẩn mực được công nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, coi việc các quốc gia bác bỏ hành vi đạo đức giả và thực hiện có lương tâm các nghĩa vụ của họ trong lĩnh vực này là một trong những điều kiện cho sự phát triển tiến bộ và hài hòa của nhân loại, thúc đẩy sự tôn trọng và tuân thủ các quyền và tự do của con người trên thế giới.

10. Về việc hỗ trợ thông tin về các hoạt động chính sách đối ngoại của Liên bang Nga

Nga có mục tiêu hình thành nhận thức khách quan về Nga ở nước ngoài, củng cố vị thế của mình trong không gian thông tin toàn cầu, chống lại chiến dịch phối hợp tuyên truyền chống Nga được thực hiện trên cơ sở có hệ thống bởi các quốc gia không thân thiện và bao gồm cả thông tin sai lệch, vu khống và kích động hận thù, cũng như để đảm bảo quyền truy cập tự do cho người dân của các quốc gia nước ngoài đối với những thông tin đáng tin cậy.

IV. Định hướng khu vực trong chính sách đối ngoại của Liên bang Nga

1. Khu vực lân cận

Điều quan trọng nhất đối với an ninh, ổn định, toàn vẹn lãnh thổ và phát triển kinh tế – xã hội của Nga, củng cố vị thế của nước này với tư cách là một trong những trung tâm có chủ quyền có ảnh hưởng đối với sự phát triển và văn minh thế giới là việc cung cấp các mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, ổn định lâu dài và việc tập hợp các tiềm năng trong các lĩnh vực khác nhau với các quốc gia thành viên CIS và các quốc gia láng giềng khác được kết nối với Nga bởi truyền thống hàng trăm năm chung một nhà nước, sự phụ thuộc lẫn nhau sâu sắc trong các lĩnh vực khác nhau, một ngôn ngữ chung, các nền văn hóa gần gũi. Tiếp tục biến vùng lân cận thành một khu vực hòa bình, láng giềng tốt, phát triển bền vững và thịnh vượng.

2. Bắc Cực

Nga mong muốn duy trì hòa bình và ổn định, tăng tính bền vững của môi trường, giảm mức độ đe dọa đối với an ninh quốc gia ở Bắc Cực, tạo điều kiện quốc tế thuận lợi cho sự phát triển kinh tế xã hội của vùng Bắc Cực của Liên bang Nga (bao gồm cả việc bảo vệ môi trường sống nguyên bản và lối sống truyền thống của người bản địa sống trong khu vực này), cũng như cho sự phát triển của Tuyến đường biển phía Bắc như một huyết mạch giao thông quốc gia có khả năng cạnh tranh cao, với khả năng sử dụng quốc tế để vận chuyển giữa châu Âu và châu Á.

3. Lục địa Á Âu

Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Cộng hòa Ấn Độ

– Yếu tố quan trọng đặc biệt để đạt được các mục tiêu chiến lược và hoàn thành các nhiệm vụ chính trong chính sách đối ngoại của Liên bang Nga là tăng cường toàn diện quan hệ và sự phối hợp với các trung tâm quyền lực và phát triển toàn cầu có chủ quyền và thân thiện nằm trên lục địa Á-Âu và cam kết thực hiện các cách tiếp cận mà về cơ bản trùng khớp với cách tiếp cận của Nga đối với trật tự thế giới trong tương lai và giải pháp cho các vấn đề chính trong chính trị thế giới.

– Nga hướng tới tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác toàn diện và hợp tác chiến lược với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, ưu tiên phát triển sự hợp tác cùng có lợi trên mọi lĩnh vực, hỗ trợ lẫn nhau và tăng cường phối hợp trên trường quốc tế vì lợi ích bảo đảm an ninh, ổn định, phát triển bền vững ở cấp độ toàn cầu và khu vực cả ở Á-Âu và các khu vực khác trên thế giới.

– Nga sẽ tiếp tục xây dựng quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt ưu đãi với Cộng hòa Ấn Độ nhằm nâng cao mức độ và mở rộng tương tác trên tất cả các lĩnh vực trên cơ sở cùng có lợi, đặc biệt chú trọng tăng kim ngạch thương mại song phương, các mối liên kết về đầu tư và công nghệ, đảm bảo khả năng chống lại các hành động phá hoại của các quốc gia không thân thiện và các hiệp hội của họ.

– Nga nỗ lực biến Á-Âu thành một không gian hòa bình, ổn định, tin cậy lẫn nhau, phát triển và thịnh vượng trên toàn lục địa.

4. Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương

Với tiềm năng nhiều mặt đang phát triển năng động của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Liên bang Nga dự định ưu tiên:

– Xây dựng hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, an ninh, nhân đạo và các lĩnh vực khác với các quốc gia trong khu vực và ASEAN;

– Thúc đẩy sự hình thành trong khu vực một cấu trúc an ninh toàn diện, cởi mở, không thể chia cắt, minh bạch, đa phương và bình đẳng và hợp tác cùng có lợi trên cơ sở tập thể phi khối, cũng như sử dụng tiềm năng của khu vực để hình thành quan hệ đối tác Đại Á – Âu;

– Khuyến khích đối thoại phi chính trị hóa mang tính xây dựng và tương tác giữa các quốc gia trong các lĩnh vực khác nhau, bao gồm cả việc sử dụng các khả năng của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương;

– Chống lại các nỗ lực phá hoại hệ thống khu vực gồm các hiệp hội đa phương được thành lập xung quanh ASEAN trong lĩnh vực an ninh và phát triển, dựa trên các nguyên tắc đồng thuận và bình đẳng của các bên tham gia;

– Phát triển sự hợp tác quốc tế rộng rãi để chống lại chính sách nhằm vạch ra các đường phân chia trong khu vực.

5. Thế giới Hồi giáo

Các quốc gia thuộc một nền văn minh Hồi giáo thân thiện, mà trong thực tế là thuộc một thế giới đa cực, có nhiều triển vọng trở thành một trung tâm độc lập của sự phát triển thế giới, đang ngày càng trở thành những đối tác được mong đợi và đáng tin cậy của Nga trong các vấn đề đảm bảo an ninh, ổn định, và giải quyết các vấn đề kinh tế ở cấp độ toàn cầu và khu vực. Nga mong muốn tăng cường hợp tác toàn diện cùng có lợi với các quốc gia thành viên của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo, tôn trọng cấu trúc chính trị xã hội và các giá trị tinh thần và đạo đức truyền thống của họ.

6. Châu Phi

Nga đoàn kết với các quốc gia châu Phi trong nỗ lực thiết lập một thế giới đa cực công bằng hơn và xóa bỏ sự bất bình đẳng kinh tế – xã hội đang gia tăng do chính sách thực dân mới tinh vi của một số quốc gia phát triển đối với châu Phi. Liên bang Nga dự định đóng góp vào sự phát triển hơn nữa của Châu Phi với tư cách là một trung tâm phát triển thế giới mới và có ảnh hưởng của sự phát triển của thế giới.

7. Châu Mỹ Latinh và Caribe

Tính đến việc tăng cường dần chủ quyền và tiềm năng nhiều mặt của các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe, Liên bang Nga dự định phát triển quan hệ với họ trên cơ sở thực dụng, phi ý thức hệ và cùng có lợi.

8. Khu vực Châu Âu

– Hầu hết các quốc gia châu Âu đang theo đuổi chính sách hiếu chiến đối với Nga nhằm tạo ra các mối đe dọa đối với an ninh và chủ quyền của Liên bang Nga, giành lấy các lợi thế kinh tế đơn phương, phá hoại sự ổn định chính trị trong nước và làm xói mòn các giá trị tinh thần và đạo đức truyền thống của Nga, tạo ra những trở ngại cho sự hợp tác của Nga với đồng minh và đối tác. Về vấn đề này, Liên bang Nga có ý định kiên định bảo vệ lợi ích quốc gia của mình.

– Điều kiện tiên quyết khách quan để hình thành một mô hình chung sống mới với các quốc gia châu Âu là sự gần gũi về địa lý, mối quan hệ văn hóa, nhân đạo và kinh tế sâu sắc được thiết lập trong lịch sử giữa các dân tộc và quốc gia thuộc khu vực châu Âu của lục địa Á – Âu. Yếu tố chính làm phức tạp hóa quá trình bình thường hóa quan hệ giữa Nga và các quốc gia châu Âu là quá trình chiến lược của Hoa Kỳ và các đồng minh riêng lẻ nhằm vạch ra và đào sâu các đường phân chia trong khu vực châu Âu nhằm làm suy yếu và làm tổn hại khả năng cạnh tranh của các nền kinh tế của Nga và châu Âu, giới hạn chủ quyền của các quốc gia châu Âu và đảm bảo sự thống trị toàn cầu của Hoa Kỳ.

9. Hoa Kỳ và các quốc gia Anglo Saxon khác

– Đường hướng của Nga đối với Hoa Kỳ có tính chất tổng hợp, có tính đến vai trò của quốc gia này là một trong những trung tâm có chủ quyền có ảnh hưởng đối với sự phát triển của thế giới, đồng thời là người truyền cảm hứng, tổ chức và điều hành chính của chính sách chống Nga tập thể của phương Tây, là nguồn gốc của những nguy cơ chính đối với an ninh của Liên bang Nga, thế giới quốc tế, với sự phát triển cân bằng, công bằng và tiến bộ của nhân loại.

– Liên bang Nga quan tâm đến việc duy trì sự cân bằng chiến lược, cùng tồn tại hòa bình với Hoa Kỳ và thiết lập sự cân bằng lợi ích giữa Nga và Hoa Kỳ, có tính đến vị thế của họ là cường quốc hạt nhân chính, có trách nhiệm đặc biệt đối với sự ổn định chiến lược và tình trạng an ninh quốc tế nói chung. Triển vọng hình thành mô hình quan hệ Nga – Mỹ như vậy phụ thuộc vào mức độ sẵn sàng của Hoa Kỳ trong việc từ bỏ chính sách thống trị bằng vũ lực và sửa đổi đường lối chống Nga để ủng hộ tương tác với Nga dựa trên các nguyên tắc bình đẳng chủ quyền, tương hỗ lợi ích và tôn trọng lợi ích của nhau.

– Liên bang Nga dự định xây dựng quan hệ với các quốc gia Anglo-Saxon khác tùy thuộc vào mức độ sẵn sàng của họ trong việc từ bỏ đường lối không thân thiện đối với Nga và tôn trọng lợi ích hợp pháp của nước này.

Chính sách ngoại giao mới của Nga coi Mỹ là nguồn gốc của những nguy cơ chính đối với an ninh của Nga và của toàn thế giới. Ảnh minh họa

10. Nam Cực

Nga quan tâm đến việc bảo tồn Nam Cực như một không gian hòa bình, ổn định và hợp tác bình đẳng phi quân sự, nhằm duy trì tính bền vững của môi trường và mở rộng sự hiện diện của Nga trong khu vực. Để đạt được mục tiêu này, Liên bang Nga dự định ưu tiên bảo tồn, thực hiện hiệu quả và phát triển dần dần hệ thống Hiệp ước Nam Cực ngày 1/12/1959.

***

Một số nhận xét

1. Tổng thống Nga Putin ký sắc lệnh 229 phê chuẩn chính sách đối ngoại mới của Liên bang Nga vào thời điểm thế giới đầy biến động. Mâu thuẫn giữa Mỹ với Nga, Mỹ với Trung Quốc đang được đẩy lên ở đỉnh cao. Thế giới chia thành 2 tuyến và nhiều khối qua cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Nga vẫn đứng vững trước sự tấn công của Mỹ và phương Tây, khẳng định sức mạnh của Nga không thể bị đánh bại. Tiếng nói không ủng hộ Mỹ và Liên minh châu Âu trừng phạt Nga vẫn chiếm số đông, trong đó có nhiều nước lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi, Brazil… Họ vẫn coi Nga là đối tượng hợp tác chiến lược. Vì vậy, tầm nhìn mới về chính sách đối ngoại Nga công bố lúc này là một thông điệp gửi tới phương Tây và có ảnh hưởng lớn đến trật tự thế giới hiện tại.

2. Chính sách ngoại giao mới của Nga như là sự hoạch định một nước Nga mới mạnh mẽ theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Nó định vị một nước Nga rộng lớn nằm trải dài Á – Âu và Âu – Thái Bình Dương. Điều này nói lên vai trò, quyền lợi của Nga ở khu vực này; an ninh của nước Nga bao trùm và rộng mở; khẳng định Nga là cường quốc và là trung tâm của thế giới. Chính sách này của Nga sẽ là thách thức lớn đối với chiến lược Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương của Mỹ.

3. Chính sách ngoại giao mới của Nga có sự phân hóa và sách lược rõ rệt, trong đó khẳng định coi Mỹ là nguồn rủi ro không chỉ đối với Nga mà đối với toàn thế giới. Mỹ coi Nga là kẻ thù nên mục tiêu của Nga là chống lại đường lối của Mỹ và xây dựng một thế giới đa cực. Trong khi đó, luận điểm của Nga không coi mình là kẻ thù của phương Tây. Chính sách ngoại giao của Nga chỉ rõ không nhầm lẫn giữa xã hội phương Tây với giới tinh hoa phương Tây. Sự ngăn chặn của phương Tây qua sự kiện Ukraine không phải là dấu chấm hết cho Nga. Điều này nhằm phân hóa phương Tây, và phục vụ cho chiến lược tập họp lực lượng nhằm loại bỏ vai trò một siêu cường lãnh đạo thế giới do Mỹ thiết lập sau Chiến tranh Thế giới thứ II.

4. Trong chính sách đối ngoại mới của Nga cũng xác định biến Á – Âu thành một không gian toàn lục địa hòa bình, ổn định, tin tưởng lẫn nhau, phát triển thịnh vượng; phản đối chính sách nhằm vạch ra các đường phân chia ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Chính sách này cũng xác định mở rộng hợp tác với Trung Quốc, Ấn Độ, các nước châu Phi, Mỹ Latinh; củng cố các tổ chức quốc tế và khu vực nhằm mục tiêu vì một quan hệ quốc tế bảo vệ bản sắc, điều kiện bình đẳng cho sự phát triển của tất cả các quốc gia và sự tham gia của các quốc gia vào nền kinh tế thế giới. Điều này cho thấy Nga tự xác định cho mình vai trò trung tâm và trách nhiệm trong việc xây dựng một thế giới đa cực, và theo đuổi chính sách đa chiều.

5. Nga gửi thông điệp ngăn chặn, kiểm soát các hành động dẫn tới xung đột quân sự bao gồm cả phổ biến, sử dụng hạt nhân và vũ khí giết người hàng loạt. Nga cũng gửi thông điệp cảnh báo tới phương Tây, giờ đây Nga sử dụng lực lượng vũ trang đánh trả và ngăn chặn một cuộc tấn công vào Nga và đồng minh của Nga. Đảm bảo an ninh, bình đẳng cho tất cả các quốc gia trên cơ sở nguyên tắc có đi, có lại. Điều này cho thấy Nga thể hiện sức mạnh vượt trội vê quân sự, sằn sàng tuyên chiến với các nguy cơ đe dọa quyên lợi côt lõi của Nga.

Có thể thấy rằng sắc lệnh về chính sách ngoại giao Nga ban hành cuối tháng 3/2023 thực chất là học thuyết mới về ngoại giao do tình hình thế giới đang thay đổi. Những khái niệm mới nêu trong học thuyết là nền tảng cho lĩnh vực quan hệ quốc tế của Nga cho nhiều năm tiếp theo. Tuy nhiên, học thuyết này của Nga có liên quan tới nhiều lĩnh vực, nhiều quốc gia, có thể dẫn tới đồng thuận và không đồng thuận, thậm chí sẽ có phản ứng gay gắt đến từ phương Tây. Có một thực tế là Nga đang dồn sức vào cuộc chiến ở Ukraine; với một tiềm lực quốc gia đang bị hao mòn thì hiệu ứng tích cực từ học thuyết này của Nga cần phải có thời gian để nhận biết sự thành công của nó.■

Xuân Sơn

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN