Tầm nhìn của Tổng thống Pháp Macron về “châu Âu tự chủ chiến lược”

“Tự chủ chiến lược” là một khái niệm được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhiều lần kêu gọi châu Âu cần hướng đến. Thời gian gần đây, nhà lãnh đạo Pháp thường xuyên nhấn mạnh chủ đề này trong các tuyên bố của mình.  

1. Trả lời phỏng vấn với các tờ báo Les Échos, Politico và đài phát thanh France Inter ngay trên chuyến bay từ Trung Quốc trở về Pháp hôm 7/4/2023, Tổng thống Pháp cho rằng châu Âu cần phải trở thành một cực quyền lực thứ 3 trên thế giới, chứ không phải là các nước chư hầu, là kẻ theo đuôi và phải thích ứng với nhịp điệu chính sách của Mỹ hay các phản ứng thái quá của Trung Quốc. Rõ ràng, ông Macron đang cố gắng xác lập “con đường thứ 3” của châu Âu. Theo đó, EU cần phải hướng đến việc tự đưa ra quyết định chứ không phải tuân theo các luật lệ do bên khác đưa ra. Ông Macron cũng kêu gọi châu Âu cần phải thức tỉnh, cần phải gia tăng sự tự chủ chiến lược và cho rằng sự tự chủ về chiến lược phải là cuộc chiến của châu lục này vì EU ngày càng phụ thuộc vào Mỹ về vũ khí và năng lượng và hiện cần phải tập trung vào việc thúc đẩy các ngành công nghiệp quốc phòng của châu Âu. Thực tế, ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu đã suy giảm năng lực nghiêm trọng sau hàng chục năm các nước duy trì mức chi tiêu thấp cho quốc phòng. Vấn đề lớn hơn là EU không có thị trường quốc phòng chung để đáp ứng nhu cầu về an ninh của khối và đó là lúc các nhà thầu quốc phòng Mỹ nhảy vào và hưởng lợi từ các hợp đồng vũ khí khắp châu Âu. Khi xung đột tại Ukraine nổ ra, các nước châu Âu đã nỗ lực nhằm tăng cường năng lực quốc phòng, nhưng vẫn không thể thoát khỏi sự phụ thuộc vào Mỹ. Ông Macron nói: “Chúng tôi không muốn phụ thuộc vào người khác trong các vấn đề quan trọng” bởi vì: “Nếu không có quyền lựa chọn về năng lượng, cách thức phòng thủ, mạng xã hội hay trí tuệ nhân tạo do chúng ta không còn cơ sở nào cho những lựa chọn này, bạn sẽ bị loại khỏi lịch sử trong giây lát.”

Đáng chú ý hơn, Tổng thống Pháp đề cập đến vấn đề Đài Loan (Trung Quốc) và nhận định châu Âu cần phải tránh cái bẫy là phải chọn phe và bị lôi kéo vào những cuộc khủng hoảng không phải của châu Âu. Tách Pháp khỏi lập trường đối đầu của Washington đối với Bắc Kinh, Tổng thống Macron nói rõ rằng các ưu tiên của ông là ngăn chặn bất kỳ sự leo thang mất kiểm soát nào trong căng thẳng Trung – Mỹ và cho phép châu Âu trở thành một bên có thể đóng vai trò là cực quyền lực thứ ba trong trật tự thế giới mới nổi.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình duyệt đội danh dự trong chuyến thăm tới Trung Quốc vào tháng 4/2023. Ảnh: Ng Han Guan/Getty Images

Chuyến thăm Hà Lan của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vào ngày 11/4 chỉ sau chuyến thăm Trung Quốc 3 ngày cũng đang thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận quốc tế, một phần vì bài diễn văn quan trọng của ông tại The Hague tái khẳng định sự cấp thiết của quá trình “châu Âu tự chủ chiến lược”. Đây là tầm nhìn táo bạo, quyết đoán của ông Macron về một châu Âu trong tương lai, qua đó cho thấy nhà lãnh đạo Pháp mong muốn Liên minh châu Âu (EU) sẽ giảm bớt sự phụ thuộc vào Mỹ, qua đó trở thành thế lực cân bằng với Mỹ và Trung Quốc trong bối cảnh thế giới phức tạp. Trong bài phát biểu này, Tổng thống Macron đầu tiên nhấn mạnh đến chủ quyền kinh tế của châu Âu. châu Âu cần phải hướng đến việc trở thành những người ra quyết định chứ không phải là những người phải chịu đựng các luật lệ do bên khác đưa ra. Tổng thống Pháp đã phác thảo tầm nhìn về tương lai châu Âu với sự tự chủ về kinh tế và công nghiệp dựa trên 5 trụ cột: khả năng cạnh tranh, chính sách công nghiệp, chủ nghĩa bảo hộ, cơ chế “có qua có lại” và thúc đẩy hợp tác.

Theo ông Macron, châu Âu cần thúc đẩy sự hội nhập để tăng khả năng cạnh tranh thông qua việc giảm bớt hay đơn giản hóa các quy chế hiện có. Ông Macron nói: “Chúng ta có thể thiết lập học thuyết an ninh kinh tế mới cho phép tạo việc làm, tài trợ các mô hình xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như bảo đảm quyền tự quyết mạnh mẽ hơn. Điều này rất quan trọng trong giai đoạn xung đột ở Ukraine tiếp diễn và kinh tế của chúng ta đang bị vũ khí hóa”. Một thực tế rõ ràng rằng từ đại dịch Covid-19 đến xung đột Ukraine, châu Âu đã để lộ rõ điểm yếu của châu lục này là phụ thuộc quá nhiều vào bên ngoài, từ thuốc men cho đến các sản phẩm khác và điều cấp thiết bây giờ là phải cắt giảm sự phụ thuộc đó. Đáng chú ý, ông Macron kêu gọi châu Âu cần phải gia tăng sự tự chủ chiến lược, tránh phụ thuộc vào đồng USD.

Tiếp đến, ông Macron ủng hộ việc châu Âu xây dựng chính sách công nghiệp khuyến khích phát triển các công nghệ mới, nhất là trong lĩnh vực chống biến đổi khí hậu cũng như phòng ngừa nguy cơ đến từ công nghệ của Mỹ và Trung Quốc; xây dựng chiến lược công nghiệp xanh ở cấp độ toàn châu lục, tiến tới mục tiêu loại bỏ toàn bộ năng lượng hóa thạch ra khỏi nền kinh tế châu Âu.

Ông Macron cho rằng Châu Âu cũng cần phải xây dựng chủ nghĩa bảo hộ riêng trong một số lĩnh vực then chốt, viện dẫn các chính sách tương tự đang được chính quyền Mỹ áp dụng nhằm ngăn chặn việc các doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm các công ty nội địa trong những ngành công nghệ chiến lược. Đây được xem như phản ứng của Tổng thống Pháp đối với Đạo luật giảm lạm phát (IRA) của Mỹ mà châu Âu cho rằng có tính bảo hộ và gây thiệt hại cho các công ty châu Âu.

Bên cạnh đó, Ông Macron cũng chỉ ra cần có sự tương thích, cơ chế “có qua có lại” trong quan hệ giữa các nước thành viên EU cũng như trong quan hệ giữa châu Âu với các đối tác lớn nhằm xây dựng quan hệ thương mại công bằng. Đây cũng là vấn đề từng được nhiều lãnh đạo châu Âu đề cập nhiều năm qua trong quan hệ với Trung Quốc, khi cho rằng Trung Quốc không mở cửa thị trường cho các công ty châu Âu, dẫn đến thâm hụt thương mại lớn trong quan hệ giữa hai bên.

Cuối bài diễn văn, Tổng thống Pháp cho rằng yếu tố trụ cột cuối cùng là “hợp tác”, rằng các nước châu Âu cần phải hợp tác cùng nhau để tập hợp toàn bộ châu Âu, phải nhất thể các thiết chế châu Âu về đầu tư và phát triển chứ không chỉ tập trung vào thương mại.

Tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte hôm 12/4, Tổng thống Macron nói, Pháp là đồng minh, chứ không phải chư hầu của Mỹ.  Ông Macron nhấn mạnh: “Là đồng minh không có nghĩa là chư hầu, không có nghĩa là chúng ta không có quyền suy nghĩ cho chính mình”. Pháp ủng hộ chính sách Một Trung Quốc và tìm kiếm giải pháp hòa bình cho vấn đề Đài Loan. Một quan chức ngoại giao cấp cao của Pháp cho biết, ông Macron sẽ không rút lại phát ngôn về vấn đề Đài Loan và khẳng định lập trường của nhà lãnh đạo Pháp về điều này không thay đổi.

2. Cần khẳng định, “tự chủ chiến lược” là khái niệm không mới trong chính sách đối ngoại của Pháp. Ngay từ nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, ông Emmanuel Macron đã xác định “tự chủ chiến lược của châu Âu” là một trong những ưu tiên đối ngoại lớn nhất trong chính sách châu Âu của mình, thể hiện rõ nhất qua bài Diễn văn Sorbonne vào tháng 9/2017, tức chỉ 3 tháng sau khi nhậm chức Tổng thống Pháp. Nhìn rộng hơn trong quá khứ, “tự chủ” cũng là tư duy đối ngoại chủ đạo của nước Pháp từ thời Tổng thống Charles De Gaulle. Khi Chiến tranh Lạnh đang ở trong thời kỳ cao điểm, ông De Gaulle vẫn chủ trương xây dựng cho nước Pháp một sự “tự chủ tương đối” so với Mỹ. Nhìn chung, tư duy phổ biến của giới tinh hoa chính trị Pháp bao lâu nay vẫn là “đồng minh nhưng không liên kết”, tức coi Pháp là đồng minh của Mỹ nhưng không đi theo mọi chính sách của Mỹ.

Câu hỏi đặt ra là tại sao Tổng thống Pháp quyết định “hâm nóng” lại kế hoạch tự chủ chiến lược của châu Âu, muốn EU thành thế lực cân bằng với Mỹ và Trung Quốc vào thời điểm này ? Có những nhận định cho rằng, chuyến công du Trung Quốc gần đây đã khiến ông Macron nhận thức rõ hơn bao giờ hết sự phân cực ngày càng nguy hiểm của quan hệ quốc tế, xoay quanh sự đối đầu ngày càng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc, một kịch bản có thể tái diễn thời “chiến tranh lạnh” khi thế giới chia làm các phe phái đối địch nhau. Sự phân cực gay gắt trong quan hệ quốc tế và sự cạnh tranh khốc liệt giữa Mỹ và Trung Quốc đang tác động đến tất cả các bên và lợi ích kinh tế của châu Âu bởi Bắc Kinh vẫn là đối tác thương mại quan trọng của họ, nên châu Âu không thể chỉ theo Mỹ và chia cắt trong quan hệ với Trung Quốc. Tổng thống Pháp từng nhiều lần cho rằng sự chia cắt này vừa phi thực tế trong thời đại ngày nay, vừa gây tổn hại cho tất cả các bên và tại châu Âu, không chỉ có nước Pháp mà đa số các nước đều cho rằng lợi ích của châu Âu không nằm ở việc cắt đứt quan hệ với Trung Quốc. Điều này được thể hiện bởi tầm nhìn được Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, Ursula von der Leyen, một người được cho là có đường lối cứng rắn với Trung Quốc, nêu ra trước chuyến thăm Trung Quốc, đó là châu Âu cần tìm cách “giảm thiểu rủi ro” trong quan hệ với Trung Quốc thay vì tách rời Trung Quốc. Do đó, cũng như nhiều lãnh đạo cấp cao châu Âu khác, ông Macron đang cố gắng xác lập “con đường thứ 3” của châu Âu, không ngả hẳn theo Mỹ cũng không nghiêng về Trung Quốc.

3. Giới phân tích tại châu Âu còn đưa ra nhiều lý giải khác cho việc ông Macron cố gắng làm sống lại “sự tự chủ chiến lược của châu Âu” vào thời điểm này, đó là các lo ngại ngày càng tăng từ nhiều nước châu Âu rằng chính quyền Mỹ đang muốn mở rộng tầm hoạt động của NATO sang châu Á nhằm đối đầu Trung Quốc, hay việc châu Âu đánh mất động lực cải cách an ninh – quốc phòng khi quá phụ thuộc Mỹ về quốc phòng, năng lượng vì xung đột tại Ukraine, một tình huống mà nhiều học giả và quan chức châu Âu, như Ngoại trưởng Italy, từng nhận định, rằng chỉ phục vụ cho lợi ích của Mỹ và chư hầu hoá toàn bộ châu Âu.

Tư duy tự chủ mà các đời chính quyền Pháp theo đuổi từ thời Tổng thống De Gaulle xuất phát từ hai nguyên nhân chính. Đầu tiên, mặc dù là đồng minh lâu đời của Mỹ, nhưng giới tinh hoa chính trị Pháp vẫn cho rằng Pháp có những giá trị khác biệt so với Mỹ và các nước trong khối Anglo-Saxon. Nguyên nhân thứ hai, quan trọng hơn, đó là Pháp vẫn luôn coi mình vẫn là một cường quốc có ảnh hưởng trên thế giới, ít nhất là về mặt ngoại giao, văn hoá. Do đó, khi không còn có thể cạnh tranh với các đối thủ lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản… về quân sự, kinh tế, nước Pháp hiện nay hướng đến việc xây dựng mình như một cường quốc hoà giải, một lực lượng có vai trò bình ổn các biến động trong quan hệ quốc tế. Muốn xây dựng và đảm nhiệm được vai trò đó, Pháp cần phải lựa chọn một con đường riêng, không bị ràng buộc quá nhiều vào chính sách của các cường quốc khác.

Tuy nhiên, thách thức đối với tham vọng này ngày càng nặng nề hơn. Nguyên nhân đầu tiên, đó là nội lực của nước Pháp. Dù vẫn là cường quốc hạt nhân và là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nước Pháp hiện chỉ còn vị thế một cường quốc khu vực, không đủ tiềm lực kinh tế – quân sự để phóng chiếu sức mạnh ra xa biên giới. Do đó, giữa tham vọng và thực lực của Pháp có một khoảng cách lớn. Ý thức được điều này nên từ nhiều năm qua, nước Pháp muốn biến “tự chủ chiến lược” thành ưu tiên hành động của cả Liên minh châu Âu chứ không chỉ riêng nước Pháp. Điều này thể hiện rất rõ trong các nỗ lực của Tổng thống Emmanuel Macron khi luôn muốn lôi kéo các lãnh đạo cấp cao châu Âu và Đức vào các đối thoại với Mỹ và Trung Quốc, như khi ông Macron mời cựu Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Jean-Claude Juncker và cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel cùng đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Pháp năm 2019 và mới nhất là việc ông mời bà Ursula von der Leyen cùng công du Trung Quốc.

Nhưng, cản trở lớn nhất với tham vọng của Pháp là tại châu Âu, khái niệm “tự chủ chiến lược” vẫn được đón nhận một cách dè dặt và ngờ vực. Một số nước cho rằng đây chỉ là nỗ lực của Pháp nhằm giành vai trò lãnh đạo lớn hơn tại châu Âu, phục vụ lợi ích của Pháp. Một nhóm nước khác ở Đông Âu, Trung Âu, Baltic thì giành ưu tiên lớn nhất là quan hệ với Mỹ do cần có ô an ninh của NATO.

Trong chuyến thăm Hoa Kỳ giữa tháng 4/2023, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki (bên trái) tiếp tục khẳng định việc xây dựng mối quan hệ đồng minh gần gũi hơn với Hoa Kỳ. Ảnh: Olivier Douliery/AFP

Pháp dường như khó có thể tìm tiếng nói chung với Đức, đầu tàu lãnh đạo EU cùng Pháp, để cùng hiện thực hóa tầm nhìn do loạt khúc mắc giữa hai bên. Đức cũng khá lạnh nhạt với nỗ lực của Pháp bởi trong nhiều thập kỷ từ sau Thế chiến II, chủ nghĩa Đại Tây Dương áp đảo trong chính giới Đức và sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, nước Đức được hưởng “lợi tức hoà bình” nên chủ yếu tập trung vào các vấn đề kinh tế – thương mại, không coi trọng khía cạnh an ninh – quốc phòng. Chỉ đến khi ông Donald Trump lên làm Tổng thống Mỹ năm 2016 và có thái độ sòng phẳng hơn với châu Âu, đặc biệt là với Đức, thì chính giới Đức mới bắt đầu có sự thay đổi quan điểm, quan tâm hơn đến các đề xuất của Pháp về xây dựng “tự chủ chiến lược” cho châu Âu.

4. Tuy nhiên, cuộc xung đột tại Ukraine lại một lần nữa đảo lộn tất cả các tính toán tại châu Âu bởi với việc chiến tranh quay lại châu Âu, vai trò của NATO trở nên quan trọng hơn bao giờ hết và nhiều nước châu Âu thời điểm này thậm chí còn xem việc thảo luận về “tự chủ chiến lược của châu Âu” là một điều phi thực tế. Những phát ngôn của Tổng thống Pháp trong chuyến thăm Trung Quốc và những quan điểm trong bài diễn văn tại Hà Lan vừa qua về tầm nhìn tự chủ chiến lược của Châu Âu dường như đang làm chia rẽ khối đồng minh phương Tây, đã gây ra nhiều tranh cãi và dư luận trái chiều ở cả châu Âu. Một số chính trị gia theo quan điểm thân Mỹ tại Đức và Nghị viện châu Âu đã chỉ trích các phát biểu của ông Macron, cho rằng chuyến thăm Trung Quốc của ông Macron là một “thảm hoạ” và ông Macron đang tự cô lập mình tại châu Âu.

Một số chuyên gia đánh giá, tầm nhìn này không nhất quán và không liên quan đến thực tế địa chiến lược của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và có thể làm giảm uy tín của Pháp với các quốc gia trong khu vực. Hơn nữa, lập trường của Tổng thống Pháp có vẻ gây bất lợi cho lợi ích của quốc gia này ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Điều này có thể tạo cơ hội cho Bắc Kinh sử dụng sức thuyết phục của mình để cố gắng chia rẽ các đồng minh phương Tây.

Ngoại trưởng Czech Jan Lipavsky nói “Mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương mạnh mẽ giữa châu Âu và Mỹ là nền tảng cho an ninh của chúng ta”. Tương tự, ông Marcin Przydacz, cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Ba Lan, khẳng định Warsaw sẽ không ủng hộ bất kỳ sự chuyển hướng nào khỏi Washington.

Ngoài ra, ông Rorbert Roettgen, cựu lãnh đạo Ủy ban Đối ngoại quốc hội Đức nhận định, châu Âu có năng lực hạn chế và chưa sẵn sàng để định vị mình là một cực thứ ba. Mặc dù Liên minh châu Âu có thể là một khu vực kinh tế lớn, nhưng hiện không có sự đồng thuận giữa các quốc gia thành viên về cách đối phó với Bắc Kinh. Ngoài ra, cuộc chiến ở Ukraine đã làm nổi bật vai trò thiết yếu của Mỹ và NATO với tư cách là những người bảo đảm an ninh ở châu Âu. Vì vậy ông này đã chỉ trích: “ Ông Macron dường như đã mất trí. Ông ấy chia rẽ và làm suy yếu châu Âu với những tuyên bố ngây thơ và nguy hiểm. Phải chăng là trong chính sách ngoại giao, ông ấy cũng không còn khái niệm gì về thực tế giống như trong chính sách đối nội ?”.

Một lãnh đạo của đảng Dân Chủ Xã Hội của Đức thì nói: “Nếu Macron muốn giữ khoảng cách với Mỹ bằng cách ve vãn Trung Quốc thì ông sẽ thất bại. Chúng ta cần một mối quan hệ mang tính phê phán với các quốc gia độc đoán như Trung Quốc, chứ không phải một sự ve vãn ngây thơ”.

Về phía Washington, khi được hỏi về những bình luận của ông Macron, Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng Pháp là một đồng minh lâu đời và những bất đồng sẽ không làm suy giảm mối quan hệ đối tác sâu sắc giữa Washington và Paris. Phát ngôn viên Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Mỹ John Kirby tuyên  bố Nhà Trắng vẫn hoàn toàn tin tưởng vào mối quan hệ “rất tốt đẹp” với nước Pháp. Nhưng nhiều nghị sĩ đảng Cộng hòa đã chỉ trích Tổng thống Macron và coi lập trường của ông là bằng chứng cho sự thiếu thận trọng của châu Âu. Trong bài đăng trên Twitter cá nhân, Thượng nghị sĩ John Cornyn lên tiếng: “Ông Macron muốn Mỹ tới giải cứu châu Âu khỏi Nga, nhưng lại tuyên bố quan điểm trung lập với những hành động của Trung Quốc ở châu Á – Thái Bình Dương”.  Nghị sĩ Cộng hòa Mỹ Marco Rubio, bình luận trên Twitter ngày 9/4 rằng: “Nếu ông Macron đại diện cho châu Âu và lập trường của họ là không chọn phe giữa Mỹ và Trung Quốc trong vấn đề Đài Loan, Mỹ nên tập trung chính sách đối ngoại vào kiềm chế Trung Quốc, để châu Âu tự giải quyết cuộc chiến ở Ukraine”. Theo tờ Wall  Streetl Journal, quan điểm trên của tổng thống Pháp sẽ khiến Mỹ khó chịu khi vô hình trung làm suy yếu khả năng răn đe của Mỹ và Nhật Bản đối với Trung Quốc ở phía tây Thái Bình Dương, đồng thời khuyến khích các chính trị gia ở Mỹ tìm cách giảm bớt các cam kết an ninh của Washington ở châu Âu.

5. Tuy nhiên, nhiều cựu quan chức và học giả Pháp lại lên tiếng ủng hộ ông Macron. Cựu Đại sứ Pháp tại Mỹ và Liên hợp quốc, ông Gérard Araud cho rằng Tổng thống Pháp đã khởi động một cuộc thảo luận rất quan trọng vào thời điểm đang có những xu hướng lôi kéo lập thành một khối phương Tây dưới sự lãnh đạo của Mỹ như thời Chiến tranh Lạnh.

Bà Caroline Galacteros, một chuyên gia phân tích chính trị Pháp cũng cho rằng, ông Macron đã đúng khi lên tiếng trở lại về sự tự chủ chiến lược của châu Âu vào thời điểm này. “Chúng ta đang trong một tình huống mà châu Âu và nước Pháp đang gần như bị chư hầu hoá hoàn toàn trong quan hệ với Mỹ vì cuộc xung đột Ukraine. Chúng ta cũng bắt đầu hiểu rằng châu Âu đã ít nhiều thất bại về mặt quân sự trong xung đột này và không thể làm gì nhiều. Chúng ta cũng lo sợ bị lôi kéo vào chủ nghĩa phiêu lưu của Mỹ khi muốn dùng NATO chống lại Trung Quốc, với những khiêu khích liên quan đến Đài Loan buộc Trung Quốc phản ứng. Vì thế, có thể nói rằng đây là một điều tốt khi cuối cùng Tổng thống Macron đã hiểu ra rằng cần phải có những quốc gia không liên kết, là nước Pháp và châu Âu, cũng như cần có sự tự chủ chiến lược của châu Âu”.■

Ngọc Vũ (tổng hợp)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN