BRICS đang nỗ lực hướng tới một trật tự thế giới đa cực

Nhìn lại lịch sử hình thành và phát triển của khối, nhiều nhà quan sát thế giới cho rằng: BRICS (Nhóm các nền kinh tế mới nổi) đang nỗ lực khẳng định vai trò và ảnh hưởng của mình như một hình mẫu cho quan hệ hợp tác đối tác cùng phát triển, là cơ chế hợp tác của các quốc gia đang phát triển và mối quan hệ ngày càng gắn kết chặt chẽ giữa hai nước nòng cốt của BRICS là Nga và Trung Quốc sau những tác động của cuộc chiến ở Ukraine đã cho thấy BRICS đang nỗ lực hướng tới một trật tự thế giới đa cực.

Ngày 16/6/2009, cuộc đối thoại cấp cao đầu tiên ở thành phố Yekaterinburg của Nga đã đánh dấu sự ra đời chính thức của một lực lượng mới: Nhóm các nền kinh tế mới nổi – BRIC trên vũ đài quốc tế bao gồm các quốc gia là Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. BRIC là từ ghép bởi chữ cái đầu tiên của tên 4 nước thành viên và cũng chính là tên gọi được dùng để chỉ liên minh giữa các nước này. Cũng kể từ đó hội nghị cấp cao của khối được tổ chức thường niên theo hình thức đăng cai luân phiên của các nước thành viên. Đến ngày 24/12/2010, Nam Phi chính thức gia nhập nhóm các nền kinh tế mới nổi này và từ đó tên gọi BRIC chính thức được đổi thành BRICS gồm 5 nước thành viên là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.

Lãnh đạo các nước BRICS năm 2019 (từ trái sang): Trung Quốc, Nga, Brazil, Ấn Độ, Nam Phi. Ảnh: Alan Santos/PR

Các nước trong nhóm BRICS có đặc điểm chung là dân số đông, diện tích rộng, tiềm lực quân sự hùng mạnh, chiếm 26% diện tích lãnh thổ toàn cầu và hơn 40% dân số thế giới (hơn 3 tỷ người). Đây cũng là các nền kinh tế đang nổi, có tiềm lực lớn, đang cải cách mạnh mẽ và đều có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao. Tất cả thành viên BRICS đều là thành viên Liên hợp quốc, trong đó có 2 thành viên Nga và Trung Quốc là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Không chỉ đơn thuần là một tập hợp của một số quốc gia, BRICS còn là sự hội tụ của các quốc gia mạnh trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Brazil mạnh về sắt và nông nghiệp; Nga sở hữu nguồn năng lượng khổng lồ; Ấn Độ duy trì lợi thế về công nghệ thông tin; Trung Quốc nổi tiếng với danh hiệu công xưởng của thế giới và Nam Phi được xem là một trung tâm tài chính mạnh trên bản đồ kinh tế toàn cầu. Một khả năng tương tác mạnh mẽ nội khối như vậy đã và đang biến cơ chế từng bị nghi ngờ về sức mạnh khi mới ra đời trở thành một diễn đàn có tiếng nói ngày càng lớn bên cạnh những thể chế như Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu (G7) hay G20.

Đến nay BRICS đã chiếm 1/4 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu. Việc BRICS thành lập Ngân hàng Phát triển mới (NDB) và Quỹ dự trữ ngoại tệ với tổng trị giá 200 tỷ USD thực sự là bước tiến trong quá trình khẳng định vị thế của nhóm. Mặc dù quy mô của hai định chế tài chính mới của BRICS chưa thể sánh ngang với WB và IMF, nhưng những động thái trên được coi là nằm trong những bước đi đầu tiên của các thành viên là các nước đang phát triển nhằm hướng tới thiết lập trật tự thế giới mới công bằng và bình đẳng hơn, dần loại bỏ vị thế độc quyền của phương Tây. Chính vì thế, trong bối cảnh trật tự kinh tế thế giới đang thay đổi với tốc độ nhanh chóng, BRICS được các nước thành viên kỳ vọng sẽ nổi lên như là một đại diện cho các quốc gia đang phát triển, củng cố hơn nữa hợp tác Nam – Nam. Không những thế, BRICS được xem là “bệ phóng” để mỗi nước thành viên nâng cao vị thế và ảnh hưởng trên trường quốc tế. BRICS là diễn đàn khá mới nhưng đang ngày càng được cộng đồng quốc tế quan tâm.

Đáng chú ý, số lượng các quốc gia muốn trở thành thành viên của nhóm BRICS tăng lên đáng kể trong 2 năm qua, bao gồm cả trong năm đầu tiên Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Theo hãng thông tấn TASS ngày 27/2, Ngoại trưởng Lavrov cho biết: hiện tại, có khoảng 20 quốc gia muốn gia nhập tổ chức BRICS và SCO”. Những quốc gia này bao gồm Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Indonesia, Argentina, Mexico và một số quốc gia châu Phi. Ông nhấn mạnh đây đều là những quốc gia đóng vai trò rất quan trọng trong khu vực của họ và trong đó có cả những nước vốn là đồng minh của Mỹ như Saudi Arabia. Điều này được coi là dấu hiệu cho thấy tiềm năng mở rộng đáng kể của khối và có thể việc mở rộng BRICS có khả năng cao sẽ được đề cập tại hội nghị thượng đỉnh của khối vào tháng 9/2023 tại Nam Phi.

Sự kiện năm nay dự kiến thông qua mô hình hợp tác “BRICS+”, mời thêm nhiều đại diện từ các nước đang phát triển tới tham gia đối thoại, đồng thời tổ chức nhiều cuộc thảo luận giữa lãnh đạo các nước BRICS và châu Phi. Lãnh đạo Argentina, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20), Ai Cập, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ… cùng Tổng thống một loạt nước châu Phi như Namibia, Gabon, Angola, Senegal, Togo… là khách mời của hội nghị thượng đỉnh BRICS năm nay. Cơ chế hợp tác “BRICS+” được đánh giá là một nền tảng quan trọng cho hợp tác Nam – Nam, giúp các nước đang phát triển có tiếng nói lớn hơn cũng như góp phần bảo đảm trật tự thế giới dựa trên nền tảng đa phương. Việc củng cố hợp tác BRICS cũng như hợp tác Nam-Nam sẽ là động lực thúc đẩy lớn nhất nhằm nâng cao vị thế quản trị toàn cầu của khối. Việc kết nạp thêm những nền kinh tế tăng trưởng mạnh còn giúp tạo một thị trường rộng lớn với mối liên kết mạnh mẽ hơn thay vì phụ thuộc vào thị trường Mỹ. Việc mở rộng nhóm BRICS có thể giúp “lấp đầy” khoảng trống do chính sách bảo hộ mậu dịch do Mỹ để lại.

Nhiều quốc gia đang thể hiện mong muốn gia nhập khối BRICS như Ai Cập, Iran, Saudi Arabia, Argentina…

Những năm qua, quan hệ giữa các thành viên nhóm BRICS liên tục được làm sâu sắc thêm. Ngoài các hội nghị thượng đỉnh thường niên – sự kiện cho ra đời những tuyên bố chung về mọi vấn đề toàn cầu, từ các vấn đề hòa bình và an ninh đến việc cải tổ Liên hợp quốc, nhóm BRICS đã tổ chức các hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao và tiến hành các cuộc tham vấn giữa các viện nghiên cứu chính sách.

Sự nổi lên của nhóm BRICS vào thời điểm nhiều người ngày càng thiếu tin tưởng vào tương lai của hệ thống quốc tế vốn đã tồn tại từ sau Chiến tranh thế giới thứ Hai. Trong hơn bảy thập niên qua, hệ thống đó nhìn chung đã đạt được các mục tiêu của mình trong các vấn đề như bảo đảm hòa bình, giảm bớt xung đột, thúc đẩy phát triển, cũng như tìm cách tạo chỗ đứng các quốc gia mới nổi. Tuy nhiên, dường như nó đã không còn phù hợp với thực tế hiện tại. Trung Quốc và Ấn Độ đang tìm kiếm tầm ảnh hưởng toàn cầu tương xứng với sức mạnh kinh tế của hai quốc gia này. Brazil và Nam Phi đang nổi lên như những cường quốc của châu lục, trong khi nước Nga – với sức mạnh dầu khí – tỏ ra không hài lòng về vị trí bên lề hệ thống quan hệ quốc tế do phương Tây lập ra. Đây cũng là những bước đi khởi đầu hướng tới tầm nhìn về một trật tự thế giới đa cực, vì lợi ích đa số và tránh tình trạng hậu thuẫn đơn phương chỉ phục vụ lợi ích của một số nước.

Đặc biệt trong chuyến thăm Nga gần đây của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hai nước đã nhấn mạnh cam kết xây dựng một thế giới đa cực và dân chủ hóa các quan hệ quốc tế, góp phần vào sự phát triển toàn cầu theo hướng công bằng và hợp lý hơn. Cùng với sự suy yếu của hệ thống quản trị toàn cầu và sự gia tăng về mức độ xung đột nước lớn, thế giới đang ở trong kỷ nguyên bất định và tái sắp xếp. Cam kết của Nga và Trung Quốc về xây dựng trật tự thế giới đa cực là một phần quan trọng của quá trình tái sắp xếp này. Tình hình địa chính trị thay đổi tạo cơ hội và cả thách thức cho các nước vừa và nhỏ, đặt họ trước nhiều lựa chọn khéo léo về đa dạng đối tác để bảo vệ tăng trưởng kinh tế và an ninh quốc gia. Thực tế mấy năm qua cho thấy, các nước vừa và nhỏ, trong đó có cả các đồng minh truyền thống của Mỹ cũng đã lựa chọn đa dạng hóa liên kết để tối ưu hóa lợi ích của mình. Sự hợp tác giữa Nga và Trung Quốc đang mang lại sức hút lớn với một hình mẫu hợp tác mới.

Nga đang hướng tới một trật tự thế giới, với vai trò đang nổi lên của Trung Quốc hay của các quốc gia nhỏ hơn như Iran. Ông V. Putin hy vọng sự phẫn nộ trước phương Tây sẽ tiếp nhiên liệu cho việc phát triển một tập hợp các quan hệ quốc tế mới thách thức sự thống trị của phương Tây. Ông Putin cho rằng Nga chấp nhận các cách sống khác nhau và không có ham muốn áp đặt “bá quyền văn hóa” lên các nước khác. Trái lại, ông lập luận, phương Tây làm hủ bại, chuyển hóa và tìm cách phá hủy lối sống khác biệt với họ. Do vậy, theo ông, phương Tây tự nhiên trở thành kẻ thù đối với các nền văn hóa Nga – Slav, Hồi giáo và châu Á, cũng như các đất nước và dân tộc tương ứng với các nền văn hóa đó. Nga bảo vệ các giá trị truyền thống, giương cao “tiêu chuẩn dân chủ thực sự” như được định nghĩa trong biên bản ghi nhớ chung của Nga và Trung Quốc – một quan điểm tôn trọng các trung tâm quyền lực khác nhau.

Mới đây nhất, ngày 31/3/2023, Tổng Thống Nga V. Putin đã thông qua chiến lược đối ngoại mới của Nga, đặt mục tiêu xóa bỏ thể chế thống trị của Mỹ và phương Tây trên trường quốc tế. Trong chiến lược này, “Liên bang Nga sẽ ưu tiên xóa bỏ dấu vết về sự thống trị của Mỹ và các quốc gia không thân thiện khác trên trường quốc tế”. “Nga sẽ hướng tới tạo điều kiện cho bất cứ quốc gia nào phản đối chủ nghĩa thực dân kiểu mới và tham vọng bá quyền”. Trong thực tế, Nga vẫn giữ được mối quan hệ hữu nghị với các nước châu Phi từ thời Liên Xô để lại. Nga vẫn là nguồn cung cấp chủ yếu cho các nước châu Phi và viện trợ an ninh cho khu vực. Các nước châu Phi đã không tham gia lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây. Điều đó nói lên ảnh hưởng của Nga với châu Phi là rất lớn. Trong lúc Mỹ và phương Tây cô lập Nga, vẫn có lãnh đạo của 40 nước châu Phi đến Mascơva tham dự Hội nghị Nga – Châu Phi. Tại Hội nghị này ông Putin tuyên bố xóa nợ gần 20 tỷ đô la cho các nước châu Phi và tiếp tục cung cấp lương thực, phân bón cho châu lục này.

Giữa lúc cuộc cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ đang nóng lên từng ngày, Trung Quốc đã nỗ lực thúc đẩy những dự án chung với các nước khác, về cả kinh tế lẫn an ninh. Trung Quốc đã đề xuất một thỏa thuận thương mại tự do trong nội khối BRICS, đồng thời thúc đẩy một sáng kiến về trật tự an ninh mới do Bắc Kinh dẫn dắt.

Trong phát biểu tối 23/6/2022, tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề cập đến “một số quốc gia” đang theo đuổi những “xu hướng nguy hiểm”, ngôn từ dường như ám chỉ Mỹ. ông Tập nói: “Một số quốc gia cố gắng mở rộng các liên minh quân sự để tìm kiếm an ninh tuyệt đối, kích động sự đối đầu theo khối bằng cách ép buộc các quốc gia khác chọn phe và theo đuổi sự thống trị đơn cực gây thiệt hại cho quyền và lợi ích của các quốc gia khác”. Từ đó, nhà lãnh đạo Trung Quốc cho biết Bắc Kinh muốn thúc đẩy hợp tác trong BRICS để vận hành Sáng kiến ​​An ninh Toàn cầu (GSI), “tạo ra con đường mới” dẫn đến trật tự an ninh trong đó “đối thoại thay vì đối đầu, quan hệ đối tác thay vì quan hệ đồng minh và cùng thắng thay vì tổng bằng không”.

Theo Financial Times, sáng kiến an ninh toàn cầu (GSI), được Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng hồi tháng 4/2022, là tập hợp các nguyên tắc chính sách như không can thiệp, thách thức “chủ nghĩa bá quyền” của Mỹ. Bắc Kinh đã nỗ lực thuyết phục các nước khác tham gia kế hoạch này và kêu gọi các nước trong nhóm “củng cố tin cậy chính trị và hợp tác an ninh… thúc đẩy các lợi ích cốt lõi và mối quan tâm lớn của nhau, tôn trọng chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của nhau, phản đối chủ nghĩa bá quyền và chính trị cường quyền, phản đối tư duy chiến tranh lạnh và đối đầu theo khối và cùng nhau xây dựng một cộng đồng toàn cầu vì an ninh cho tất cả mọi người”.

Trong những ngày sau đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã dẫn lại những tuyên bố ủng hộ GSI từ Uruguay, Nicaragua, Cuba, Pakistan, Syria và Indonesia. Các nhà ngoại giao Trung Quốc cũng đã quảng bá GSI ở các nước khác bao gồm Ấn Độ, Philippines, Uganda, Somalia và Kenya thông qua các bài viết trên truyền thông địa phương và trên website của đại sứ quán Trung Quốc. Theo các chuyên gia, GSI là một phần trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm hạ bệ vai trò toàn cầu của Mỹ, với trọng tâm chủ yếu là ở các nước đang phát triển. Và việc Bắc Kinh tập trung vào an ninh đánh dấu sự rời bỏ cách tiếp cận truyền thống của họ về quan hệ quốc tế khi thường nhấn mạnh đến sự phát triển kinh tế để giải quyết xung đột và các vấn đề an ninh trên thế giới.

Tuy nhiên, Trung Quốc cũng thúc đẩy đề xuất về việc thành lập khối tự do thương mại trong các nước BRICS. Theo Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn, thương mại giữa Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi có tiềm năng mở rộng rất lớn, vì mới chỉ chiếm 6% tổng kim ngạch thương mại của các nước này hiện nay. Phát biểu tại Diễn đàn Kinh doanh BRICS hôm 22/6/2022, ông Vương Nghị khẳng định: “Xây dựng một hiệp định thương mại tự do là biện pháp rất quan trọng để khai thác tiềm năng thương mại này và Trung Quốc sẵn sàng thảo luận với các nước BRICS khác”.

Sau chuyến thăm Nga mới đây của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhiều nhà quan sát cho rằng: “Mối quan hệ hữu nghị Nga – Trung Quốc hiện nay được đánh giá là chưa từng có trong 100 năm qua và sẽ thúc đẩy sự thay đổi của thế giới trong 50-100 năm tới”. Nga và Trung Quốc đã tuyên bố quan hệ đối tác “không giới hạn” vào tháng 2/2022. Tại cuộc gặp thượng đỉnh ở Moscow, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố sẵn sàng “vạch kế hoạch và các biện pháp mới” với Tổng thống Nga V. Putin nhằm mở ra triển vọng mới cho quan hệ đối tác toàn diện và tương tác chiến lược giữa hai nước. Mặc dù Tổng thống Putin tuyên bố, ưu tiên của hai nước là hợp tác kinh tế – thương mại, nhưng kết quả các cuộc đàm phán là mối quan hệ không chỉ về kinh tế mà còn về chính trị ngày càng sâu sắc. Theo giới chuyên gia, giai đoạn mới của mối quan hệ Nga – Trung Quốc, trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của phương Tây chỉ mới bắt đầu. Các nước phương Tây theo dõi rất sát sao chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc tới Nga. Một từ khóa được các nhà phân tích chính trị phương Tây đặc biệt chú ý đó là cam kết xây dựng thế giới đa cực của hai nước. Theo CNBC, Nga và Trung Quốc đang xích lại gần nhau khi hố sâu ngăn cách với phương Tây ngày càng sâu sắc. Trung Quốc và Nga chia sẻ sự mất niềm tin đối với phương Tây và phản đối những gì họ coi là “bá quyền” của Mỹ trong các vấn đề quốc tế. CNN kết luận: “Tổng thống Putin và Chủ tịch Trung Quốc quan tâm đến việc xây dựng một trật tự thế giới mới trong đó không có chỗ cho quyền bá chủ của phương Tây. Ông John Kirby – Người phát ngôn Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ nhấn mạnh: “Không còn nghi ngờ gì nữa, cả Trung Quốc và Nga là hai quốc gia đang chống lại trật tự quốc tế mà Mỹ cùng rất nhiều đồng minh và đối tác đã xây dựng kể từ khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc. Họ không thích điều đó, họ muốn viết lại luật chơi trên toàn cầu. Và họ đã tăng cường sự hợp tác và mối quan hệ của họ trong thời gian gần đây”.

Kể từ năm 2014, khi Mỹ áp đặt các hạn chế kinh tế đối với Nga và tạo ra rào cản trong thương mại, các quốc gia bắt đầu nghĩ đến các lựa chọn thay thế để tránh sử dụng đồng USD. Hợp tác kinh tế – thương mại Nga và Trung Quốc là một điển hình. Trong chuyến thăm Nga của Chủ tịch Trung Quốc, hai bên đã đưa ra những mô hình hợp tác mới nhằm nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên trên 200 tỷ USD/năm. Điều đáng nói là hai bên sẽ tiếp tục mở rộng phạm vi trao đổi hối đoái bằng đồng nội tệ để giảm tối đa sự phụ thuộc vào đồng USD, mở ra một xu hướng đa phương tiện thanh toán quốc tế, có tác dụng hỗ trợ quan trọng về kinh tế cho mô hình trật tự thế giới đa cực.

Nhà phân tích chính trị Nga, ông Nikolai Vavilov nói, nỗ lực xây dựng một hệ thống trật tự quốc tế mới có thể bắt đầu từ việc làm suy yếu những vũ khí chiến lược của đối phương. Đồng bạc xanh là một vũ khí quan trọng của Mỹ đóng vai trò chi phối toàn cầu. Nga và Trung Quốc có lợi ích chung trong việc phi đô-la hóa trong trao đổi thương mại quốc tế. Phi đô-la hóa đã giúp Nga hạn chế tác động của các lệnh trừng phạt. Còn với Trung Quốc, cạnh tranh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc trong những năm gần đây cũng thúc đẩy nước này muốn làm suy yếu sức mạnh của đồng USD và nâng cao tính quốc tế hóa của đồng Nhân dân tệ.

Đồng đô la Mỹ và euro chỉ còn chiếm lần lượt 34% và 19% trong thanh toán xuất khẩu của Nga tính đến tháng 9/2022, so với 52% và 35% vào tháng 1/2022, trước khi có các lệnh trừng phạt. (Ảnh minh họa)

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng: “Niềm tin vào đồng USD, đồng euro và đồng bảng Anh với tư cách là những loại tiền tệ để thanh toán tài khoản, dự trữ, định giá tài sản, đã bị mất. Từng bước chúng ta đang dần tránh xa việc sử dụng những loại tiền tệ không đáng tin cậy đó. Ngay cả các đồng minh của Mỹ cũng đang giảm dần lượng tài sản bằng USD của họ, điều đó được thấy trong các số liệu thống kê”. Ông Putin đã lên án hệ thống tài chính quốc tế hiện nay. Theo ông, Mỹ áp đặt “quyền lực của đồng USD như đồng tiền dự trữ toàn cầu”và“không thể cứ nuôi sống người dân bằng đồng đô la và đồng euro”. Ông nhấn mạnh đến hệ thống kinh tế mới song song với hệ thống Âu-Mỹ.

Nỗ lực phi đô-la hóa cũng được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thúc đẩy. Hồi tháng 12 năm ngoái, trong Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc và Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh GCC, Chủ tịch Tập Cận Bình đã giới thiệu một cách thức giao dịch mới gọi là “petroyuan” (giá dầu tính bằng đồng Nhân dân tệ). Với việc giới thiệu khái niệm Petro Yuan, theo các chuyên gia, Trung Quốc muốn viết lại các quy tắc của thị trường năng lượng toàn cầu. Gazprom và các đối tác Trung Quốc đã quyết định chuyển sang đồng Ruble và Nhân dân tệ với tỷ lệ 50-50 khi thanh toán cho việc mua khí đốt của Nga.

Kết quả của các động thái phi đô-la hóa là tổng lưu thông của đồng USD trên thế giới giảm đáng kể và dự trữ đồng USD cũng giảm. Theo ước tính, thương mại toàn cầu của đồng USD đã giảm hơn 20% chỉ trong 4 năm qua. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế, tỷ trọng của đồng USD đã giảm từ 71% vào năm 1999 xuống chỉ còn 57% vào năm 2021 và tiếp tục giảm. Thực tế cho thấy, dòng chảy kinh tế đi đến đâu sẽ thúc đẩy liên kết mạnh đến đó. Các khối kinh tế mới nổi như BRICS đang mạnh lên, thúc đẩy quá trình phi đô-la hóa. Các mô hình xuất khẩu năng lượng từ Nga sang châu Âu đang chuyển hướng sang vịnh Arab, đồng thời sang Nam Á và Đông Á đã kéo theo những liên kết về chính trị. Giới quan sát cho rằng, cấu trúc của liên kết mà Nga và Trung Quốc là hạt nhân sẽ linh hoạt hơn nhiều so với các khối trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, nhưng hoàn toàn có thể làm thay đổi động lực của chính trị thế giới.

Giáo sư Carl Thayer – Nhà nghiên cứu chính trị quốc tế, Đại học New South Wales, Australia cho rằng: “Mỹ, NATO, EU cùng các đồng minh như Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc đã tạo thành một cực, trong khi Nga và Trung Quốc đang hình thành quan hệ đối tác không giới hạn. Vì vậy, đây là một trật tự thế giới phân cực với đa trung tâm”. Tình hình địa chính trị thay đổi mang lại cơ hội cho nhiều cường quốc khu vực và toàn cầu mới nổi. Không chỉ Nga và Trung Quốc, mà các nước như Ấn Độ, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Argentina, Nam Phi… và thậm chí cả các đồng minh của phương Tây như Saudi Arabia và các nước Arab vùng Vịnh cũng sắp xếp và đa dạng hóa lợi ích nước mình, thoát khỏi trật tự thế giới mà phương Tây chi phối như hiện nay.■

Ngọc Vũ

(Theo Tạp chí Phương Đông)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN