Khinh khí cầu Trung Quốc và quan hệ Mỹ - Trung

Ngày 02/2/2022, Lầu Năm góc thông báo Mỹ đang theo dõi một quả khinh khí cầu bay qua lãnh thổ Mỹ để thu thập tin tức tình báo. Ngày hôm sau, quan chức Mỹ cho biết Nhà Trắng đã hoãn chuyến thăm Bắc Kinh của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ dự kiến bắt đầu ngày 5/2/2023. Cả Washington và Bắc Kinh đều hy vọng rằng chuyến thăm này củng cố thêm quan hệ song phương tiếp theo cuộc gặp của Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tháng 11/2022 bên lề Hội nghị Cấp cao G20 tại Indonesia.

Sự cố khinh khí cầu của Trung Quốc bay vào đất Mỹ bị không quân Mỹ bắn rơi đã làm hỏng cố gắng của chính quyền Biden nhằm giảm căng thẳng trong quan hệ Mỹ – Trung. Đây lại là một sự cố nữa khiến cho dư luận nhận định siêu cường lớn nhất thế giới và đối thủ cạnh tranh đang bước tới đối đầu.

Giả sử Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ vẫn đi Bắc Kinh thì các cuộc hội đàm giữa hai bên sẽ chỉ tập trung vào sự cố khinh khí cầu thay vì các vấn đề chủ chốt trong quan hệ hai nước như tranh chấp thương mại, Đài Loan, việc Trung Quốc ủng hộ Nga trong xung đột Nga – Ukraine. Do vậy, chúng ta phải tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi: “Tại sao Trung Quốc lại gây ra sự cố này ngay trước khi Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ sang thăm Trung Quốc?”.

Theo thông tin của Bộ quốc phòng Mỹ thì khinh khí cầu đã bị theo dõi vài ngày trước khi bị bắn rơi. Quan chức Bộ Quốc phòng cho rằng khinh khí cầu bay cao hơn đường bay dân sự và quân sự và không là mối đe doạ tình báo lớn. Có lẽ đây có vẻ là quan điểm có thể hợp lý nhất vì đây không phải khinh khí cầu Trung Quốc đầu tiên bay trên bầu trời Mỹ và đây cũng chẳng phải lần đầu tiên Mỹ theo dõi khinh khí cầu của Trung Quốc trong những năm gần đây, kể cả những năm Biden chưa làm tổng thống. Một vấn đề nữa là thu thập tin tức tình báo bằng khinh khí cầu cũng không tốt hơn thông tin thu thập bằng vệ tinh mà vệ tinh Trung Quốc thì vẫn thường xuyên bay trên nước Mỹ.

Bức ảnh do Hải quân Hoa Kỳ cung cấp cho thấy các thủy thủ đang thu hồi một khinh khí cầu giám sát tầm cao của Trung Quốc ngoài khơi bờ biển Nam Carolina, tháng 2/2023.

Về phần mình, Trung Quốc đã nhanh chóng đưa ra một tuyên bố hiếm thấy, tỏ ý tiếc “xâm nhập lãnh thổ không có chủ định” của khinh khí cầu khí tượng dân sự. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết “sẽ tiếp tục liên lạc với phía Mỹ và xử lý thích hợp sự việc không mong muốn vì lý do bất khả kháng”. Điều này cho thấy Trung Quốc vẫn mong muốn giảm tầm quan trọng của sự cố nhằm tiếp tục đối thoại với Mỹ.

Tuy nhiên, quan hệ giữa hai nước đã căng thẳng đến mức bất kỳ một sự cố nào cũng có thể khởi đầu vòng cáo buộc nhau mới. Đây cũng là kết luận của bản ghi nhớ của tướng không quân Michael Minihan. Ông đã cảnh báo rằng Mỹ phải chuẩn bị chiến tranh với Trung Quốc không chỉ về lý thuyết mà trong vòng hai năm tới. Lời cảnh báo này không phù hợp với đánh giá của chính phủ Mỹ về căng thẳng địa chính trị ở Thái Bình Dương hay những diễn biến ở khu vực này. Tuy vậy, cảnh báo này cho thấy sự cố riêng lẻ có thể đẩy căng thẳng giữa hai nước lên rất cao đến mức xung đột.

CẠNH TRANH THAY VÌ ĐỐI ĐẦU

Một vấn đề liên quan là ông Joe Biden không muốn mình bị coi là không cứng rắn với Trung Quốc như ông Donald Trump. Trên thực tế, có cách tiếp cận vấn đề là khác nhau giữa hai tổng thống. Tháng 3/2021, chỉ hơn một năm sau khi lên cầm quyền, chính quyền Joe Biden đã công bố “Hướng dẫn chiến lược an ninh quốc gia” và cùng với tuyên bố về chính sách đối ngoại của Bộ trưởng Ngoại giao Anthony Blinken tháng Năm cùng năm, hướng dẫn này đã tạo ra trụ cột về lý thuyết cạnh tranh với Trung Quốc. Hướng dẫn xác định: Trung Quốc “ngày càng có nhiều hành xử mạnh mẽ hơn. Trung Quốc là nước cạnh tranh duy nhất có tiềm năng kết hợp sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ để đưa ra thách thức lâu dài đối với trật tự quốc tế mở và ổn định”. Nói một cách khác là Trung Quốc là nước cạnh tranh duy nhất có khả năng thách thức vai trò của Mỹ trên thế giới. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ đã mô tả một nước Mỹ không đối đầu. Ông nói Mỹ “không tìm kiếm xung đột hay một cuộc chiến tranh lạnh mới. Trái lại chúng ta quyết tránh cả hai”. Ba cột trụ hành động để thực hiện lý thuyết này là “Đầu tư, đồng nhất và cạnh tranh”, giảm nhiều so với lập trường của Mỹ dưới thời Trump là “đối địch khi phải như vậy”.

Chiến lược an ninh quốc gia có hai yếu tố quan trọng là tập trung xây dựng nền kinh tế nội địa mạnh để có thể cạnh tranh với Trung Quốc và giải quyết vấn đề Trung Quốc thông qua chiến lược phối hợp và đa phương. Như vậy, trong vấn đề Trung Quốc, hai tổng thống đã có cách đề cập vấn đề khác nhau.

Biden cũng đã khẳng định lại những điều này trong Diễn văn Tình hình liên bang năm 2023. Ông nhấn mạnh:”Chúng ta tìm kiếm cạnh tranh, không phải là xung đột”. “Chúng ta đầu tư để xây dựng một nước Mỹ mạnh. Đầu tư vào sáng kiến cải tiến, vào những ngành công nghiệp định rõ tương lai và chính phủ Trung Quốc đang rắp tâm đóng vai trò áp đảo”. “Đầu tư xây dựng liên minh và hợp tác với đồng minh để bảo vệ công nghệ tiên tiến để những công nghệ này không bị sử dụng để chống chúng ta”.

Nhiều nhà phân tích cho rằng nước Mỹ dưới thời Biden vẫn đang tiến hành cạnh tranh địa chiến lược với Trung Quốc. Mỹ sẵn sàng hợp tác khi có thể. Tuy nhiên, Mỹ luôn sẵn sàng đối phó với mọi tình huống có thể xẩy ra. Tất cả những điều này là nhằm tới giữ vững vị trí lãnh đạo của Mỹ trong một trật tự thế giới do Mỹ thiết lập và đứng đầu từ sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai đến nay.

Với một Trung Quốc mạnh lên, thách thức Mỹ trong nhiều lĩnh vực như công nghệ cao, sản xuất vũ khí và tầm ảnh hưởng cạnh tranh quốc tế, Chính quyền Biden đã có những điều chỉnh nhất định tuy nhiên mục tiêu chiến lược vẫn không thay đổi so với chính quyền Trump. Một trong những ưu tiên của chính quyền Biden là thuyết phục các nước đồng minh như Anh, Đức, Canada, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Pháp và thậm chí cả các nước vùng Baltic phối hợp với nhau để chống Trung Quốc. Trên thực tế, đã có những cơ chế hợp tác như Bộ tứ (Quad), hay thoả thuận quốc phòng ba bên (AUKUS) giữa Anh, Mỹ và Australia giúp Australia phát triển và triển khai tầu ngầm hạt nhân và tăng cường sự có mặt quân sự của phương Tây ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Tuy nhiên hai bên vẫn có những cuộc gặp gỡ trực tiếp hay trực tuyến. Ngày 10/2/2021, ông Biden đã có cuộc gặp trực tuyến với ông Tập Cận Bình. Tuy không có gì thực chất, cuộc gặp này đã dọn đường cho cuộc gặp trực tiếp giữa quan chức ngoại giao của hai nước ở Anchorage, Alaska. Hai bên đã cáo buộc lẫn nhau và quan hệ không được cải thiện. Mỹ tỏ lo ngại với hành động của Trung Quốc ở Tân Cương, Hong Kong, Đài Loan, tấn công mạng ở Mỹ và những biện pháp ép buộc kinh tế của Trung Quốc”. Hai bên đều có những biện pháp trừng phạt lẫn nhau ngay cả khi vẫn duy trì đối thoại. Tháng 11/2021, hai nước cam kết sẽ hợp tác với nhau về khí hậu và trước đó hai bên đã ra tuyên bố chung tháng 4/2021 về khủng hoảng khí hậu. Tại cuộc gặp giữa hai phái viên về khí hậu của Mỹ và Trung Quốc tại Davos tháng năm 2022, hai bên cũng đã cam kết có những hoạt động hợp tác trong lĩnh vực này. Những sự kiện như vậy cho thấy dù có những khó khăn thách thức hai bên vẫn mong muốn duy trì đối thoại. Chuyến đi dự kiến bắt đầu đầu tháng Hai vừa qua của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ đến Trung Quốc là một chỉ dẫn như vậy. Chính quyền Biden chủ trương đối thoại và trao đổi thay vì đối đầu.

Hai bên cũng vẫn tiếp tục thúc đẩy thương mại, trừ lĩnh vực công nghệ cao đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, G5 và chíp bán dẫn. Ngày 9/8/2022, Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật khoa học và chíp bán dẫn, cam kết chi 280 tỷ đô la nhằm tăng cường khả năng sản xuất chíp của Mỹ để cạnh tranh với Trung Quốc. Ngày 7/11/2022, chính quyền Biden đã thông báo chính sách kiểm soát xuất khẩu mới, không xuất công nghệ trí tuệ nhân tạo và bán dẫn cao cấp cho Trung Quốc. Mỹ đã cố gắng thuyết phục các nước đồng minh không tiến hành thương mại trong lĩnh vực này. Tháng Một vừa qua, Nhật Bản và Hà Lan đã thông báo sẽ cấm không xuất khẩu công nghệ cao cho Trung Quốc.

Trong khi đó, theo Phòng Phân tích kinh tế của Mỹ, thương mại hai chiều Mỹ – Trung trong năm 2022 là 690,6 tỷ đô la. Hàng hóa của Trung Quốc đã tăng mạnh vào thị trường Mỹ. Thực tế này đi ngược lại những quan điểm cho rằng hai bên đang tách xa nhau.

Về thương mại, khi mới nhậm chức, ông Biden đã không chú ý gì đến những yêu cầu giảm căng thẳng thương mại với Trung Quốc. Mỹ đã bước vào năm thứ tư của cuộc chiến tranh thuế quan, đã có dấu hiệu cho thấy chính quyền Biden có thể sẽ bỏ bớt một số sắc thuế quan cao do sức ép lạm phát và tác động của đảng Cộng hoà. Theo Hội đồng Thương mại Mỹ – Trung Quốc thì giảm thuế quan có thể sẽ có lợi cho kinh tế Mỹ và tạo nhiều việc làm hơn.

Về những lĩnh vực khác, chính quyền Biden đã không còn chú ý nhiều đến vấn đề nhân quyền liên quan đến người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương như giai đoạn đầu của nhiệm kỳ. Tuy vậy, Đạo luật Ngăn chặn hành động bắt buộc người Duy Ngô Nhĩ lao động đã được thông qua nhằm  “ngăn bất kỳ công ty nào tìm cách nhập khẩu hàng hoá được khai thác, sản xuất, một phần hay toàn bộ, bởi người Duy Ngô Nhĩ hay nhóm sắc tộc khác bị ngược đãi – trừ phi công ty đó có thể cung cấp bằng chứng chứng minh dứt khoát là không có lao động cưỡng bức được sử dụng ở bất cứ thời điểm nào trong chuỗi cung ứng quốc tế”.

TẠO ĐỒNG THUẬN

Một điểm nữa là chính quyền của Tổng thống J. Biden cần phải tạo đồng thuận với đồng minh về mối đe doạ an ninh toàn cầu của Trung Quốc, cùng ngăn chặn Trung Quốc ở những địa bàn chiến lược. Sau khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra, chính quyền càng phải cố gắng trong việc này, đặc biệt là phải tạo đồng thuận trong các nước châu Âu để chống Nga. Chính quyền Biden đã có nhiều thành công. Điều này thể hiện rõ trong Hội nghị An ninh Munich họp ngày 17-19/2 vừa qua. Đồng minh châu Âu của Mỹ đều tỏ rõ ý định muốn nhanh chóng chuyển giao vũ khí cho Ukraine và không ngần ngại để lộ ý định giúp Ukraine đánh bại Nga, cho dù vẫn có sự khác biệt nhất định giữa các nước trong quan niệm về mối đe doạ từ Trung Quốc.

Trong lĩnh vực thương mại cũng vậy, các nước Liên minh châu Âu đã đồng thuận ở một mức độ nào đó với Mỹ. Các nước EU vẫn coi trọng quan hệ thương mại với Trung Quốc thể hiện qua các chuyến đi Bắc Kinh của Thủ tướng Đức, Chủ tịch Hội đồng châu Âu. Quan hệ thương mại vẫn phát triển ngay cả sau khi xung đột Nga Ukraine xẩy ra. Tổng giá trị thương mại hai chiều lên đến gần 732 tỷ đô. Theo cơ quan Thống kê Liên minh châu Âu, Trung Quốc là thị trường lớn thứ ba của Liên minh châu Âu, chiếm 10% hàng xuất; trong khi hàng nhập của Trung Quốc chiếm 19% tổng hàng nhập của Liên minh châu Âu.

LỰA CHỌN CỦA MỸ

Liệu Mỹ còn có sự lựa chọn nào khác? Xem xét một cách kỹ càng, chúng ta thấy Mỹ có thể có bốn lựa chọn: chống Trung Quốc, ủng hộ Trung Quốc, không quan tâm đến Trung Quốc, và vừa chống và vừa cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Tất cả bốn lựa chọn đều có những nguy cơ khác nhau. (1) Chống Trung Quốc có nhiều khả năng dẫn đến xung đột như nhiều người vẫn tiên đoán. Đây là điều Mỹ không mong muốn. Đây chính là chính sách “Nước Mỹ trên hết” mà Trump đã theo đuổi không thành công do không tập hợp được đồng minh. (2) Ủng hộ Trung Quốc có nguy cơ dẫn đến một Trung Quốc ngày càng mạnh hơn như từ cuối thế kỷ XX đến nay. Mỹ không thể tiếp tục chính sách này do có thể mất vị trí của mình trên thế giới. (3) Không quan tâm đến Trung Quốc, Mỹ có thể bị coi là sao nhãng trách nhiệm của mình. (4) Áp dụng những biện pháp cứng rắn kết hợp với những biện pháp mềm dẻo. Đó là lựa chọn của Biden. Chính sách của Biden là tập hợp của những biện pháp chống Trung Quốc nhưng vẫn tiếp tục duy trì quan hệ, đặc biệt là quan hệ thương mại, chống biến đổi khí hậu do quan hệ giữa hai nước là không thể thay thế được. Có lẽ đó là sự lựa chọn hợp lý ở thời điểm hiện tại.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Bali, Indonesia, tháng 11/2022. Ảnh: New York Times

Tuy nhiên, với việc Trung Quốc tuyên bố ủng hộ Nga, hợp tác với Nga không giới hạn nhằm thực hiện chiến lược làm thay đổi vai trò một siêu cường của Mỹ, đặc biệt qua một năm chiến sự Ukraine, quan hệ Nga – Trung đã xích lại gần nhau hơn. Thái độ của Trung Quốc đã rõ hơn đối với Mỹ về cuộc xung đột ở Ukraine. Nga – Trung sẽ là cực mới đối trọng với Mỹ và đồng minh châu Âu. Đây là điều Mỹ lo ngại vì Mỹ không cùng một lúc chống cả hai siêu cường hạt nhân vào bậc nhất nhì thế giới. Ngoài ra, Mỹ cũng phải tính tới vấn đề Đài Loan, Bắc Triều Tiên trong chiến lược quan hệ với Trung Quốc.

Nhìn tổng thể, quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ định hình thế giới trong thế kỷ XXI. Cả hai bên đều đóng vai trò quyết định sự phát triển của mối quan hệ này. Do vậy, cả hai nước cần tránh không để xảy ra những sự cố như sự cố khinh khí cầu vừa qua. Trong tình trạng hai bên ít có lòng tin, một sự cố nhỏ có thể dẫn đến xung đột và rất có khả năng dẫn đến chiến tranh, điều mà hiện tại cả hai bên đều không mong muốn.

Trước mắt, quan hệ giữa hai nước Mỹ và Trung Quốc sẽ còn phức tạp, đòi hỏi các nước khác phải có tính toán của riêng mình. Trong mối quan hệ này, hai nước đều cần đồng minh không chỉ ở châu Âu mà còn ở châu Á, như chúng ta đã thấy trong hai năm vừa qua. Do vậy, các nước nhỏ cần điều chỉnh chính sách đối ngoại để bảo vệ tốt nhất quyền lợi của mình trước cạnh tranh giữa các nước lớn. Với những nước này, chính sách đối ngoại tốt nhất là không nghiêng về bên nào hay nói một cách khác là không chọn bên nhưng cũng không đứng ngoài vòng xoáy này.■

Trần Hà

(Theo Tạp chí Phương Đông)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN