Cuộc chiến ở Ukraine vẫn đang diễn biến rất quyết liệt, song ông J. Biden và Nhà Trắng tin rằng Nga sẽ thua – Putin và nước Nga sẽ sụp đổ nhìn từ những lý do sau đây:
Một là Mỹ và NATO đánh giá Putin đã phạm nhiều sai lầm khi mở chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine. Mục đích của Putin là nhằm lật đổ Zelensky và lập một chính phủ mới do người thân Nga lãnh đạo. Để thực hiện kế hoạch này, Putin sử dụng 2 tiểu đoàn lính dù đổ bộ vào sân bay Kiev để bắt Tổng thống Ukraine Zelensky. Putin đã không chuẩn bị cho cuộc đánh lớn, chỉ huy động một lực lượng để hỗ trợ và bao vây Kiev gồm binh lính không được chuẩn bị kỹ, chỉ mang tính chất gây áp lực và phụ cho việc giải giáp ở Kiev khi bắt được Zelensky. Tình báo Mỹ đã biết được kế hoạch tấn công của Putin và đã báo cho Zenlensky di tản ra nước ngoài để tránh cuộc đột kích, đồng thời báo cho lực lượng quân sự Ukraine chặn đánh quân đổ bộ của Nga. Các cố vấn của Zelensky đã khuyên Zelensky không rời bỏ Kiev mà kiên quyết bám lại chiến đấu với quân Nga. Nhờ những thông tin tình báo của Mỹ cung cấp hướng tấn công của quân Nga, nhờ đó quân đội Ukraine đã tiêu diệt gọn 2 tiểu đoàn của Nga đổ bộ xuống sân bay Kiev. Kế hoạch bắt Zelensky bị thất bại, đội quân bao vây Kiev cũng phải lùi về tuyến sau để chuyển sang giai đoạn tấn công chiếm vùng Đông và Nam Ukraine. Mỹ và NATO đánh giá việc tấn công chớp nhoáng bị thất bại bộc lộ sự sai lầm và yếu kém của Putin để Mỹ và EU khoét sâu sau này.
Nga chiếm Crimea năm 2014 để ra Biển Đen. Muốn giữ được Crimea thì Nga phải chiếm Kherson và Donbass. Kherson còn là nguồn cung cấp nước ngọt cho Crimea. Sau khi Nga sáp nhập 4 tỉnh miền Đông và Nam Ukraine vào Nga, Mỹ cho đây là sai lầm của Putin vì đã khơi dậy tinh thần yêu nước của người dân Ukraine đoàn kết chống lại Nga, khiến Nga phải thất bại. Ukraine đã lên một kế hoạch toàn diện để chiếm lại vùng đất Nga đã chiếm. Nga lui quân bỏ Kharkov và một số thị trấn ở Donbass để tập trung giữ Kherson. Ukraine quyết tâm lấy lại Kherson – nơi đây đang là cuộc đối đầu quyết liệt giữa Nga và Ukraine. Phía Ukraine mở rộng tấn công vào cây cầu Crimea, một biểu tượng của nước Nga. Nga đã đáp trả quyết liệt. Putin đã ra lệnh bắn tên lửa vào Kiev và nhiều thành phố của Ukraine, phá hủy nhiều hệ thống thông tin, kho đạn, kho dầu và các nhà máy điện của Ukraine, gây thiệt hại rất nặng nề cho Ukraine. Mỹ và NATO tận dụng sự kiện này tiếp tục làm suy yếu Nga. Phản ứng của Mỹ và NATO đối với Nga rất quyết liệt, theo đó Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ba Lan tuyên bố sẽ viện trợ và cung cấp ngay cho Ukraine hệ thống tên lửa phòng không đất đối đất, máy bay không người lái. Mỹ đã tăng cường 2 lữ đoàn dù đến Rumani áp sát biên giới Ukraine. Mỹ cho rằng nếu được tăng viện vũ khí kịp thời, Ukraine sẽ kiềm chân và tiêu hao tiềm lực quân sự của Nga và sẽ đẩy lùi quân Nga vào qua mùa đông này. Thực tế, trước sức tấn công của Ukraine ở mặt trận phía Đông và Nam Ukraine, quân Nga đã chịu nhiều tổn thất, lực lượng chiếm giữ Kherson phải chuyển sang bờ đông sông Dnieper lập phòng tuyến mới và củng cố lực lượng.
Hai là Mỹ biết tiềm lực của Nga trước khi tấn công Ukraine rất mạnh. Mỹ không đối đầu trực tiếp với Nga. Song đến nay Mỹ đánh giá vũ khí của Nga đã cạn kiệt do cuộc chiến kéo dài, các nhà máy sản xuất vũ khí của Nga không kịp bổ sung cho các đơn vị, do nguồn cung ứng sản xuất bị Mỹ và phương Tây cấm vận. Mỹ biết Nga đang tìm mua vũ khí trên thị trường ngầm; việc Nga mua máy bay không người lái của Iran và phải sử dụng lại các loại khí tài cũ là biểu hiện của sự thiếu hụt vũ khí nghiêm trọng. Cuối tháng 10/2022, Tổng thống Putin đã phải thành lập một Hội đồng đặc biệt tiếp sức cho chiến dịch ở Ukraine. Nhưng Mỹ cho rằng Hội đồng này cũng khó bù đắp được công tác hậu cần của quân Nga đang bị sa lầy ở Ukraine.
Mỹ cũng đánh giá quân đội Nga không thiện chiến, tinh thần chiến đấu không cao, bị tổn thất nặng nề ở mặt trận phía Đông Ukraine. Việc huy động 300.000 quân dự bị bổ sung cho các đơn vị chiến đấu cho thấy Nga gặp nhiều khó khăn. Nhiều thanh niên ở các thành phố lớn như Matxcova, Saint Petersburg trốn chạy sang các nước Đông Âu. Công tác tuyển quân ở các địa phương phạm nhiều sai lầm về đối tượng huy động nên bị vấp phải sự phản đối rất mạnh mẽ. Vì vậy việc bổ sung lực lượng cho chiến trường không đáp ứng được mệnh lệnh của Putin. Nga phải ký hợp đồng với các công ty tư nhân để bổ sung lực lượng nhưng không bù được đủ số quân bị tiêu hao ở chiến trường.
Vì vậy Mỹ tiếp tục viện trợ vũ khí cho Ukraine trong đó có nhiều loại vũ khí hiện đại gồm các dàn pháo tự động, xe bọc thép, tên lửa tầm xa, máy bay không người lái… NATO cũng hối thúc các thành viên như Đức, Pháp, Ba Lan, Italia, Phần Lan, Anh tiếp tục cung cấp các loại vũ khí hiện đại, xe tăng, tên lửa phòng không, máy bay không người lái… theo yêu cầu của Zelensky. Theo đánh giá của Mỹ đến nay sức mạnh quân sự của Ukraine được Mỹ và Phương Tây hỗ trợ đã vượt Nga và sẽ tiếp tục gây cho Nga nhiều tổn thất vào những tháng tiếp theo.
Lý do thứ ba là nền kinh tế Nga sẽ sụp đổ. Mỹ tin rằng các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ và châu Âu, Nga có thể đối phó được trước mắt nhưng nền kinh tế Nga sẽ không trụ được nếu kéo dài lệnh trừng phạt. Bài học Mỹ làm Liên xô sụp đổ vào đầu năm 1990 nay lại được áp dụng đối với Nga, đó là đòn tấn công kinh tế. Khi đó Mỹ biết không thể đối đầu chiến tranh với Liên Xô vì tiềm lực quân sự của Liên Xô rất mạnh, vượt trội Mỹ. Ngay từ thời Kennedy, Mỹ đã phải dàn xếp vụ tên lửa Cuba năm 1963 để tránh cuộc xung đột với Liên Xô lúc đó. Nhưng Mỹ lại hiểu rất rõ về nền kinh tế Nga là dựa vào bán tài nguyên. Nguồn tài nguyên chính của Liên Xô lúc đó là bán khí đốt cho châu Âu. Mỹ cho rằng Liên Xô chỉ là “trạm xăng lớn để kiếm tiền”, nền công nghiệp của Liên Xô không đủ khả năng cạnh tranh với Mỹ và châu Âu, và vì vậy mà người dân Nga đóng thuế cho nhà nước ở mức rất thấp, nhưng nhờ bán tài nguyên và dầu khí Liên Xô đã có lượng tiền dự trữ rất lớn. Mỹ cho rằng đây là lợi thế lớn của Nga, song cũng là điểm yếu lớn nhất của Nga. Mỹ đã tận dụng triệt để điểm yếu này để làm tan rã Liên Xô. Khi Reagan làm Tổng thống Hoa Kỳ, Reagan đã quyết định đánh Liên Xô bằng kinh tế. Thời kỳ những năm 1980, giá dầu quốc tế ở mức trên 100USD/thùng, nên Liên Xô đã thu được số tiền khổng lồ. Để làm giảm nguồn thu của Liên Xô không thể ngăn Liên Xô bán dầu cho châu Âu, vì là nguồn cung cấp chủ yếu dầu và khí cho nền công nghiệp của châu lục này, các cố vấn Nhà Trắng đã đề xuất cho Reagan thực hiện hai biện pháp đánh vào nguồn bán dầu của Liên Xô.
– Một là phá đường ống dẫn dầu của Liên Xô sang châu Âu. Việc vận hành đường ống dẫn dầu cần phải có một chương trình điện toán điều hành. Mỹ biết Liên Xô rất cần chương trình này nên đã chế tạo ra nó. Cơ quan tình báo của Mỹ đã gài bẫy để gián điệp Liên Xô ăn cắp chương trình này. Kết quả đã diễn ra như Mỹ tính toán – là Liên Xô đã có được hệ điều hành điện toán để vận hành đường dẫn dầu và khí đốt đảm bảo được yêu cầu cung cấp khí đốt của Nga sang châu Âu. Song chương trình điều hành để vận hành đường ống dẫn dầu mà Nga lấy được chỉ tồn tại một thời gian do tình báo Mỹ đã cài đặt chế độ tự hủy mà tình báo Liên Xô đã không phát hiện được, và thực tế đã xảy ra là đường ống dẫn dầu của Liên Xô đã không hoạt động được vào đầu năm 1990 và nguồn thu từ bán dầu bị chặn lại.
– Biện pháp thứ hai là đánh vào giá dầu. Vào thời điểm những năm 1980 giá dầu trên thị trường thế giới cao ngất ngưởng trên 100USD/thùng. Liên Xô trở nên giàu có nhờ vào nguồn bán dầu khí này. Đây là thời kỳ Gorbachev nắm quyền ở Liên Xô, và ông đã chủ trương cải cách thể chế chính trị ở Liên Xô; mở cửa quan hệ với Mỹ nên Mỹ rất am hiểu nền kinh tế của Liên Xô. Các cố vấn Nhà Trắng đã bầy cho Reagan biện pháp đánh mạnh vào giá dầu của thị trường thế giới bằng cách Mỹ đã bàn với các nước đồng minh sản xuất dầu ở Trung Đông và Nam Mỹ hạ giá dầu trên thị trường thế giới xuống 90USD/thùng, hậu quả là giá dầu tụt dốc nhanh và ngân sách của Liên Xô bị thâm hụt nhanh chóng.
Như vậy Reagan đã gây ra hai sự cố để đánh mạnh vào nguồn thu của Liên Xô. Hậu quả nguồn thu của Liên Xô lúc đó tụt dốc mạnh. Ngân sách dầu dần cạn kiệt. Lúc đó Gorbachev đã phải bán các sản phẩm có giá trị (sừng hươu) và kim loại quí (kim cương, vàng) sang thị trường Thụy Sỹ và Mỹ để bù vào ngân sách thiếu hụt.
Nền kinh tế Liên Xô vào những năm 1990 khủng hoảng, kiệt quệ. Không còn ngân sách, trong một cuộc họp cuối cùng của Bộ chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô báo cáo ngân sách của nhà nước Xô Viết chỉ đủ chi trong 10 ngày.
Nhà nước Xô Viết đã sụp đổ vào ngày 8/12/1991 có nhiều nguyên nhân, song sự sụp đổ nền kinh tế đã xô đổ Liên Xô là chủ yếu. Ngày nay Mỹ và đồng minh của Mỹ đang lập lại bài học lịch sử này để chống lại Nga, cụ thể là trừng phạt về kinh tế, áp đặt giá dầu và khí đốt, đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang Đức bị nổ, thực hiện cuộc chiến tranh ủy nhiệm ở Ukraine. Cuộc tấn công quân sự của Nga vào lãnh thổ Ukraine là cơ hội để Mỹ thực hiện việc “làm sụp đổ Putin và nước Nga”.
Ông Biden và các cố vấn của ông tin rằng Mỹ sẽ thắng Nga trong cuộc giao chiến này. Tất cả các bài phát biểu của ông Biden và các cố vấn của ông thúc đẩy các đồng minh của ông ở châu Âu tiếp tục trừng phạt Nga về kinh tế, và viện trợ cho Ukraine nhiều vũ khí hiện đại, và ông tin rằng càng kéo dài cuộc chiến ở Ukraine, càng bất lợi cho Putin, các đòn trừng phạt sẽ làm cho nền kinh tế của Nga suy sụp không còn sức mạnh để duy trì cuộc chiến ở Ukraine. Ông Putin sẽ thất bại và sụp đổ như Gorbachev thời Liên Xô. Nếu đúng như những gì Mỹ tính toán, các nhà phân tích cho rằng Mỹ đã có một kịch bản cho tình huống này, cố nhiên không phải là tức thời mà có thể vào năm 2023. Rất có thể chính quyền của ông Biden đang tính một kế hoạch thay ông Putin – nhân vật này có thể đang lưu vong và cũng có thể đang ẩn nấp ở nước Nga, theo đó là dựng một chính phủ thân phương Tây gồm những nhân vật phản đối chính sách của ông Putin bấy lâu nay. Vậy khi ấy ông Putin sẽ ở đâu cũng là điều được giới quan sát bàn đến.
Lịch sử cho thấy Mỹ đã từng phạm nhiều sai lầm xuất phát từ những dự báo sai. Rõ nhất là cuộc chiến tranh ở Việt Nam vào giữa thế kỷ XX và mới đây là Afghanistan, và việc đầu tư để chuyển hóa chế độ chính trị ở Trung Quốc sau khi Liên Xô sụp đổ… đều bị thất bại do tính toán sai lầm. Vậy Nga có bị sụp đổ như tính toán của Mỹ không? Câu trả lời là nước Nga ngày nay khác với Liên Xô đầu năm 1990.
– Nước Nga là một nước lớn đang trỗi dậy, đúng như đánh giá của Mỹ, nước Nga là nguồn cung ứng sản xuất chủ yếu về năng lượng khoáng sản, lương thực cho châu Âu và nhiều nước lớn ở châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ. Do vậy sự gắn kết chặt chẽ và tính phụ thuộc lẫn nhau rất cao. Các nước cần Nga để phát triển nền kinh tế của mình, điều này đã giải đáp lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ đã không đạt như tính toán của Mỹ và EU, nền kinh tế Nga vẫn đứng vững, ngân sách của Nga vẫn ở mức cao; 2/3 số nước trên thế giới không phản đối Nga tấn công quân sự ở Ukraine. Đặc biệt Nga đã cắt khí đốt và dầu đối với các nước ở châu Âu chống Nga để đối phó với các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU đã gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế của nhiều nước châu Âu. EU bị chia rẽ, xung đột từ vấn đề thiếu năng lượng cung cấp từ Nga; mâu thuẫn giữa Mỹ và một số nước châu Âu được khơi dậy do Mỹ được hưởng lợi từ lệnh trừng phạt. Tổng thống Pháp Macron và Thủ tướng Đức Scholz đã lên tiếng chỉ trích Mỹ chỉ kiếm lợi cho mình. Nhiều nước châu Âu an ninh hỗn loạn. Các cuộc biểu tình của các cử tri để phản ứng giá cả leo thang và thiếu khí đốt mùa đông xảy ra tại nhiều nước. Hệ quả dẫn tới nhiều chính trị gia phải từ chức. Như vậy nền kinh tế Nga có bị sụp đổ hay không vẫn đang là vấn đề khó lượng định.
– Nước Nga ngày nay có lực lượng quân sự hùng mạnh thuộc những nước đứng đầu thế giới, là nước có ưu thế vượt trội về vũ khí hạt nhân so với Mỹ và NATO. Cuộc chiến Nga gây ra ở Ukraine trong gần một năm qua đã chứng minh sức mạnh quân sự của Nga. Trong tháng 10/2022, Nga đã tung đòn phản công bằng bom bay và tên lửa nhắm vào Kiev và nhiều thành phố của Ukraine liên tiếp trong nhiều ngày, hủy diệt trên 40% hệ thống điện, các kho nhiên liệu, kho đạn, nhiều trung tâm chỉ huy quân đội, làm suy yếu tiềm lực quân sự của Ukraine. Điều này cho thấy chưa có dấu hiệu Nga đã cạn kiệt vũ khí. Việc mua máy bay không người lái của Iran chưa nói lên điều này; tương quan sức mạnh quân sự giữa Nga và Ukraine là rất chênh lệch. Nếu chỉ có đạo quân của Ukraine sử dụng khí tài của Mỹ và phương tây thì chắc chắn không đảo ngược được tình hình. Ukraine rất khó lấy lại biên giới của Ukraine năm 1991 như ông Zelensky, Tổng thống Ukraine, tuyên bố. Để đẩy Nga ra khỏi Ukraine – con đường dẫn tới là Mỹ và NATO đổ quân cùng Ukraine chiến đấu; Nếu điều này xảy ra sẽ dẫn đến Chiến tranh Thế giới thứ 3, và không loại trừ cả hai bên đều sử dụng vũ khí hạt nhân để tiêu diệt nhau; điều này các nước không hề mong muốn, vì nó hủy hoại trái đất này. Lịch sử đã chứng kiến hậu quả khủng khiếp khi Mỹ ném hai quả bom nguyên tử xuống nước Nhật trước khi kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ 2. Gần đây ông Putin đã nhắc lại thảm cảnh này để kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ 2 đầy ẩn ý.
Như vậy sức mạnh của Mỹ và NATO để đè bẹp sức mạnh quân sự của Nga vào lúc này là không có khả năng, cho dù Nga có bị tổn thất nặng nề ở cuộc chiến này. Nước Nga ngày nay do ông Putin dẫn dắt khác với Liên Xô dưới sự lãnh đạo của ông Gorbachev. Tổng thống Putin được sự ủng hộ gần như tuyệt đối của người dân Nga (trên 80% – theo công bố của TASS) về chiến dịch đặc biệt ở Ukraine. Ông đã hồi sinh nước Nga trở thành một nước hùng mạnh trên thế giới. Dư luận thế giới đánh giá cao về tài năng lãnh đạo của ông trên nhiều phương diện, ông là hiện thân của các nhà lãnh đạo có ý chí mạnh mẽ, quyết đoán. Hai phần ba các nước trên thế giới không lên án Nga, không tham gia lệnh trừng phạt của phương Tây chống Nga khi Nga tấn công quân sự Ukraine. Tổ chức OPEC không thực hiện yêu cầu của Mỹ tăng sản lượng khai thác dầu khi Nga cắt cung ứng dầu và khí đốt cho phương Tây. Ông Putin lãnh đạo một đội ngũ cố vấn, an ninh tình báo mang tầm cỡ quốc tế, và đương nhiên Putin hiểu rõ nước Mỹ, châu Âu và NATO đang làm gì đối với nước Nga. Các bài phát biểu của ông ở Hội nghị An ninh Munich 2007 (Đức) và các bài phát biểu ở diễn đàn kinh tế Phương Đông (9/2022), và ở lễ sáp nhập 4 nước cộng hòa Ukraine vào Nga, đặc biệt là ở diễn đàn Valdai ngày 27/10/2022 đã chứng minh sự hiểu biết của Nga đối với Mỹ và Phương Tây.
Tuy nhiên các nhà quan sát tình hình cho rằng Putin cũng đã phạm phải nhiều sai lầm khi mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” và trong tác chiến ở Ukraine; hoặc phản ứng vội vàng, cứng rắn đối với lệnh trừng phạt của Mỹ và EU về vấn đề năng lượng đã đẩy EU ngả hẳn vào Mỹ để cùng Mỹ quyết tâm đánh đổ Putin và làm suy yếu Nga.
Những dữ liệu trên đây cho thấy một nước Nga sụp đổ như tính toán của Mỹ là điều rất khó xảy ra, và có thể đây lại là một tính toán sai lầm của Mỹ – trong đó Mỹ chưa tính hết tiềm lực và lường hết được sự phản ứng của Nga và quyết tâm của Nga đưa Ukraine tách khỏi NATO. Hơn nữa, Mỹ chưa tính tới sự phản ứng của các nước lớn khác như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Nam Phi, Ả Rập Xê-út… Nga và Trung Quốc đã và đang xích lại gần nhau. Ông Tập Cận Bình và ông Putin khi gặp nhau ngày 4/02/22 tại Bắc Kinh đã tuyên bố hợp tác hai nước sẽ không có giới hạn; cuộc điện đàm giữa ông Putin và ông Tập vào đầu năm 2023 cũng nhắc lại điều này. Vì vậy Trung Quốc có đứng nhìn Putin và nước Nga sụp đổ không? Trung Quốc không chịu ở thế một mình đối đầu cạnh tranh với Mỹ trong bối cảnh thế giới ngày nay.
Đến thời điểm này cuộc đối đầu giữa Nga và Mỹ, EU, NATO vẫn rất căng thẳng, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Cả hai bên đều muốn hạ bệ, làm suy yếu nhau. Cuộc chiến ở Ukraine là hàn thử biểu của cuộc đối đầu của các cường quốc, do vậy sẽ còn kéo dài để tiêu hao nhau, chưa có dấu hiệu bên nào chịu thất bại. Song lịch sử của các cuộc chiến tranh đều kết thúc bằng cuộc đàm phán giữa các bên xung đột và các nước lớn; trong trường hợp Ukraine, Mỹ và EU đóng vai trò rất quan trọng vì Ukraine giữ được cho đến nay là phụ thuộc vào khối này. Thật đáng lo ngại khi chưa thấy xuất hiện dấu hiệu Nga và Ukraine “xuống thang”, người Ukraine và người Nga sẽ còn chịu nhiều đau khổ và chết chóc do chiến tranh mang đến cho họ.■
Xuân Sơn
(Theo Tạp chí Phương Đông)