Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc: Dấu ấn mới của thời đại

Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc họp từ ngày 16 đến ngày 22/10/2022, tại Bắc Kinh với sự tham gia của 2300 đại biểu, đại diện cho 96 triệu Đảng viên và trên 400 tổ chức Đảng trong toàn quốc. Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi phát biểu khai mạc Đại hội: “đây là một kỳ đại hội hết sức quan trọng, được triệu tập vào thời điểm then chốt của toàn Đảng và nhân dân các dân tộc cả nước đang bước vào hành trình mới xây dựng quốc gia Xã hội Chủ nghĩa (XHCN) hiện đại toàn diện, hướng tới mục tiêu phấn đấu 100 năm lần thứ hai”. Đại hội của một Đảng chính trị lớn nhất toàn cầu, trong một thời điểm mà thế giới đang trong sự biến đổi “chưa từng có trong 100 năm qua” đã thu hút sự chú ý của cả thế giới.

Đại hội đã tổng kết công tác của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong 5 năm nhiệm kỳ XIX và 10 năm “thời đại mới” (tức 10 năm cầm quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình, kể từ 2012), nêu rõ những thành công và những tồn tại mà Đảng đang phải đối mặt, chỉ ra phương hướng đi lên không chỉ trong 5 năm tới mà cả một  thời gian tương đối dài sau đại hội… Đại hội cũng khẳng định, Trung Quốc sẽ tiếp tục đi sâu cải cách mở cửa, thúc đẩy hiện đại hóa XHCN kiểu Trung Quốc, tiếp tục viết nên những trang mới của các kỳ tích Trung Quốc về phát triển kinh tế và ổn định xã hội lâu dài; tiếp tục cống hiến “trí tuệ Trung Quốc”, “phương án Trung Quốc”, “sức mạnh Trung Quốc” cho hòa bình và phát triển của nhân loại… Bảo đảm cho con tàu đồ sộ, hùng vĩ CNXH đặc sắc Trung Quốc vượt qua mọi phong ba bão táp, đi vững đi xa”.

Thế giới đang đánh giá về Đại hội XX, một Đại hội mà Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng, sẽ có “ý nghĩa cột mốc trong lịch sử ĐCSTQ, lịch sử nước Trung Quốc mới, lịch sử cải cách mở cửa, lịch sử phát triển XHCN, lịch sử phát triển của dân tộc Trung Hoa”. Đại hội này không chỉ có ý nghĩa cột mốc với Trung Quốc mà còn tác động sâu sắc đến cục diện thế giới, đến sự chuyển động của hệ thống quan hệ quốc tế trong tương lai.

Để thấy rõ điều này, trước hết hãy xem xét đường lối chính sách của Trung Quốc sau Đại hội, Trung Quốc sẽ làm gì, sẽ đi về đâu trong 5-10 năm tới.

1. Đường lối chung sau Đại hội:

Sau Đại hội XX, Trung Quốc sẽ chính thức đi vào “thời đại mới” với nội hàm là CNXH đặc sắc Trung Quốc dưới sự chỉ đạo của Tư tưởng Tập Cận Bình.

– Mục tiêu tổng quát và nhiệm vụ trung tâm của “thời đại mới” mà Trung Quốc nhằm tới là xây dựng thành công toàn diện cường quốc XHCN hiện đại, giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa và tươi đẹp; dẫn đầu về sức mạnh tổng hợp quốc gia và ảnh hưởng quốc tế; thực hiện mục tiêu phấn đấu100 năm lần thứ hai, lấy “hiện đại hóa kiểu Trung Quốc” thúc đẩy toàn diện “cuộc phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa”.

– Đại hội đã xác định 5 con đường tất yếu mà tiến trình phát triển của Trung Quốc thời đại mới phải đi qua: Con đường kiên trì sự lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản để phát triển CNXH đặc sắc Trung Quốc; Con đường CNXH đặc sắc Trung Quốc để thực hiện “cuộc phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa”; Con đường đoàn kết phấn đấu để sáng tạo lịch sử; Con đường quán triệt quan điểm phát triển mới để dẫn dắt Trung Quốc phát triển lớn mạnh trong thời đại mới; Con đường nghiêm khắc quản trị Đảng để bảo đảm Đảng vĩnh viễn giữ vững được cơ đồ và sức sống của mình, vượt qua được mọi khó khăn thách thức mới.

Đồng thời trên con đường phát triển đó, phải nắm chắc các nguyên tắc: Kiên trì tư tưởng  phát triển lấy nhân dân làm trung tâm; kiên trì  đi sâu cải cách mở cửa; kiên trì phát huy tinh thần đấu tranh, bảo đảm các “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc.

– Xây dựng địa vị cường quốc của Trung Quốc trên các lĩnh vực then chốt: Cường quốc Khoa học kỹ thuật, cường quốc nhân tài, cường quốc mậu dịch hàng hóa, cường quốc văn hóa, cường quốc giáo dục… nâng cao vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Lễ khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XX, Bắc Kinh, ngày 16/10/2022. Ảnh: Reuters

2. Về đối nội: Trung Quốc tập trung vào những vấn đề cốt yếu:

a. Xây dựng, củng cố, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng được đặt ở vị trí trung tâm hàng đầu, mang tính quyết định mọi bước đi của Trung Quốc thời đại mới. Yếu tố “Đảng lãnh đạo” là yếu tố thường xuyên, bao trùm trong đường lối chính sách truyền thống của Trung Quốc nhưng Đại hội XX đã đưa ra những yêu cầu cao hơn, toàn diện hơn, thể hiện ở các mặt dưới đây:

– Đẩy mạnh tiến trình “Trung Quốc hóa”, “thời đại hóa” Chủ nghĩa Mác, coi đó là “trách nhiệm lịch sử” của những người cộng sản Trung Quốc, là chỗ dựa cho mọi thành công của ĐCS Trung Quốc; đáng chú ý là bên cạnh “Trung Quốc hóa”, Đại hội lần này còn nêu “thời đại hóa” Chủ nghĩa Mác, hàm ý là Trung Quốc tôn trọng ý nghĩa quốc tế, ý nghĩa thời đại của Chủ nghĩa Mác.

– Quán triệt thực hiện “hai xác định” (vị trí hạt nhân của Tập Cận Bình và vị trí chỉ đạo của Tư tưởng Tập Cận Bình), tuyệt đối hóa quyền lực của Tập Cận Bình, coi đây là tiêu chí để đánh giá cán bộ, đánh giá hiệu quả công tác của toàn hệ thống, quán triệt thực hiện các quy chế, quy định về sinh hoạt chính trị nội bộ Đảng; tiến hành các cuộc học tập chính trị tập thể (về các nghị quyết, các phát biểu của Tập; từ Đại hội XVIII đến nay, toàn quốc đã tổ chức 5 cuộc học tập tập thể lớn trong toàn quốc) để nâng cao và thống nhất nhận thức tư tưởng hành động trong toàn Đảng theo hướng “hai xác định”…

– Thực hiện “tự cách mạng mình” như là một đáp án để Trung Quốc ra khỏi chu kỳ lịch sử “ổn-loạn-hưng-suy”, đi đến phát triển trong quỹ đạo “ổn định, lành mạnh và bền vững lâu dài”. Đây là một cách đặt vấn đề mới, chứng tỏ ĐCSTQ rất coi trọng việc “tự hoàn thiện mình”, phù hợp với thực trạng Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, tệ nạn khi bước vào “Thời đại mới”, không “tự hoàn thiện mình”, ĐCS Trung Quốc sẽ không thể đáp ứng được vai trò chấp chính của mình.

– Tiếp tục chống tham nhũng với hiệu quả cao hơn, coi chống tham những là một “cuộc chiến công kiên”, “cuộc chiến trường kỳ” và kiên quyết đánh thắng các cuộc chiến này. Theo số liệu của Tân Hoa xã, từ Đại hội XVIII đến nay, có trên 500 cán bộ thuộc diện TW quản lý bị lập án điều tra. Từ Đại hội XIX đến tháng 4/2022, toàn quốc có 49,6 vạn người bị điều tra xử lý về tham nhũng và tác phong, 45,6 vạn người bị kỉ luật Đảng và chính quyền. Từ Đại hội 19 đến nay đã bắt về nước 6900 người chạy trốn ra nước ngoài, truy thu 32,786 tỉ NDT…

Mười năm qua, nhất là từ sau Đại hội XIX, Trung Quốc luôn gắn “xây dựng Đảng” với “tập trung và tuyệt đối hóa” quyền lực của Tập Cận Bình; sau đại hội tiến trình này sẽ được thực hiện quyết liệt hơn, “chế độ hóa” hơn.

b. Phát triển kinh tế:

– Đặt nhiệm vụ hàng đầu của xây dựng toàn diện quốc gia XHCN hiện đại là phát triển chất lượng cao, củng cố nâng cao cơ sở vật chất kỹ thuật; đẩy nhanh quá trình thay đổi chất lượng, hiệu quả và động lực của tăng trưởng.

– Đẩy nhanh thực hiện “hiện đại hóa kiểu Trung Quốc” (lần đầu tiên đưa vào Báo cáo Đại hội); “Hiện đại hóa kiểu Trung Quốc” được Trung Quốc định nghĩa là hiện đại hóa ở một quốc gia có quy mô dân số lớn nhất, là “toàn dân cùng giàu lên”, là “văn minh vật chất kết hợp với văn minh tinh thần”, là sự “cộng sinh hài hòa giữa con người với tự nhiên”, là hiện đại hóa “theo con đường phát triển hòa bình”. Báo cáo của Tập Cận Bình nêu bật tính ưu việt và sự khác nhau về bản chất giữa “hiện đại hóa kiểu Trung Quốc” với hiện đại hóa kiểu Mỹ và phương Tây, nhằm thu hút các nước đang phát triển trong việc lựa chọn mô hình phát triển.

– Tiếp tục triển khai “bố trí tổng thể 5 trong 1” và “bố trí chiến lược 4 toàn diện”; đẩy mạnh cải cách xí nghiệp quốc hữu, bảo hộ xí nghiệp dân doanh “phát triển có trật tự”; thực hiện quá trình “cùng giàu lên”; đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh, kinh tế số…Tiếp tục quán triệt thực hiện hiệu quả “quan điểm phát triển mới”, tạo “cục diện phát triển mới”, ra sức mở rộng và hiện đại hóa thị trường nội địa, thực hiện chiến lược “hai tuần hoàn”, lấy “tuần hoàn trong nước làm chủ thể”, kết hợp “thúc đẩy lẫn nhau với tuần hoàn quốc tế”.

– Củng cố, phát triển các chỗ dựa cơ bản, mang tính chiến lược cho phát triển là Giáo dục, Khoa học kỹ thuật và nhân tài; Kiên trì “khoa học kỹ thuật là sức sản xuất số 1”, “nhân tài là tài nguyên số 1”, “sáng tạo là động lực số 1” cho phát triển; đi sâu thực hiện chiến lược “Khoa Giáo hưng quốc”, chiến lược “Nhân tài cường quốc”, chiến lược “sáng tạo thúc đẩy phát triển”; hoàn thiện hệ thống sáng tạo đổi mới công nghệ, mở ra lĩnh vực mới, “đường đua mới” của phát triển, không ngừng tạo ra động lực và ưu thế phát triển mới.

c. Phát triển văn hóa XHCN đặc sắc Trung Quốc, xây dựng cường quốc văn hóa XHCN “hướng vào hiện đại hóa, hướng ra quốc tế, hướng tới tương lai, mang đầy đủ tính dân tộc – khoa học – đại chúng, thúc đẩy “tự tin văn hóa”. Ra sức nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân; xây dựng hình tượng Trung Quốc “đáng tin, đáng kính và đáng yêu”; mở rộng “sức mạnh mềm Trung Quốc” trong đời sống quốc tế.

d. Tăng cường phát triển “dân chủ nhân dân toàn quá trình”, coi đây là thuộc tính bản chất  của chính trị dân chủ XHCN, là thứ dân chủ rộng rãi nhất, chân thật nhất và hữu dụng nhất; thực hiện “chấp chính vì dân”, hoàn chỉnh chế độ và trình tự trong họat động thực tiễn, tăng cường phúc lợi dân sinh”… Đây là lĩnh vực Đại hội XX đặc biệt chú ý nhằm “chính danh hóa” địa vị chấp chính của Đảng, thu phục nhân tâm, đánh bóng lại hình ảnh “vì dân” đã phần nào bị phai mờ của ĐCSTQ.

e. Tăng cường pháp trị, xây dựng toàn diên quốc gia XHCN hiện đại trong quỹ đạo pháp trị, xây dựng “Trung Quốc pháp trị”, “Nhà nước pháp trị, Chính phủ pháp trị, Xã hội pháp trị”.

f. Thúc đẩy chấn hưng nông thôn toàn diện và sự kết nối, phối hợp phát triển giữa các vùng miền. Nông thôn vẫn được coi là khâu “gian nan nhất, nặng nề nhất” trong xây dựng quốc gia XHCN hiện đại, đây là khâu sẽ được tập trung đầu tư phát triển sau Đại hội. Thực hiện “chấn hưng toàn diện khu vực Đông Bắc, thúc đẩy miền Trung nhanh chóng trỗi dậy, khuyến khích miền Đông đẩy nhanh hiện đại hóa”; thúc đẩy “đô thị hóa kiểu mới lấy con người làm hạt nhân”…

g. Tăng cường bảo vệ môi trường, đáp ứng các yêu cầu nội tại của xây dựng toàn diện quốc gia hiện đại XHCN là tôn trọng tự nhiên, thuận theo tự  nhiên, bảo hộ tự nhiên, phát triển trên cao điểm “cộng sinh hài hòa giữa con người và tự nhiên”; có các biện pháp thiết thực ứng phó với biến đổi khí hậu, hạn chế các thiệt hại do các mối uy hiếp của an ninh phi truyền thống gây ra, đặc biệt là tích cực, chủ động khống chế nạn dịch Covid…(vẫn tiếp tục chính sách “Zero covid”).

h. Bảo đảm An ninh quốc gia: Tôn trọng lợi ích quốc gia là tối cao, lấy an ninh nhân dân làm mục đích, lấy an ninh chính trị làm nền tảng, lấy an ninh kinh tế – an ninh quân sự và văn hóa xã hội làm đảm bảo, dựa vào thúc đẩy của quốc tế; Coi “An ninh quốc gia là cơ sở của phục hưng dân tộc, ổn định xã hội là tiền đề của cường thịnh quốc gia”. Kiên định “Quan điểm an ninh quốc gia tổng thể”, bảo đảm an ninh quốc gia trong toàn bộ các mặt hoạt động của Đảng và Nhà nước, bảo đảm chắc chắn an ninh quốc gia đi liền với ổn định xã hội (Trong báo cáo ông Tập đã 26 lần nhắc tới An ninh quốc gia).

i. Hiện đại hóa quốc phòng và quân đội: Thực hiện đúng mục tiêu phấn đấu xây dựng quân đội 100 năm (1927), đẩy nhanh việc xây dựng quân đội Trung Quốc trở thành quân đội loại 1 thế giới, coi đây là “yêu cầu chiến lược” của xây dựng toàn diện quốc gia hiện đại XHCN; kiên trì sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng đối với quân đội; kiên trì “Chính trị kiến quân, cải cách cường quân, khoa học kỹ thuật cường quân, nhân tài cường quân, y pháp trị quân”; Đẩy nhanh hiện đại hóa quân sự trên 4 lĩnh vực: lý luận quân sự, hiện đại hóa hình thái tổ chức quân đội, hiện đại hóa nhân viên quân sự và hiện đại hóa vũ khí trang bị; Nâng cao “năng lực chiến lược” của quân đội trong các lợi ích cốt lõi quốc gia: bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển quốc gia.

j. Kiên trì quốc sách “Một nước hai chế độ”, thúc đẩy thống nhất Tổ quốc: Coi “Một nước hai chế độ” là một sáng tạo vĩ đại của CNXH đặc sắc Trung Quốc, là sự sắp xếp chế độ tốt nhất cho Hongkong, Macao bảo đảm  phồn vinh ổn định lâu dài sau khi thu hồi, phải kiên trì lâu dài.

Về vấn đề Đài Loan: Giải quyết vấn đề Đài Loan theo quan điểm “đó là việc của Trung Quốc, do người Trung Quốc giải quyết”; “với thành ý lớn nhất, nỗ lực lớn nhất tranh thủ hòa bình thống nhất nhưng quyết không cam kết từ bỏ sử dụng vũ lực, bảo lưu việc sử dụng mọi biện pháp cần thiết.” Đáng chú ý là Đại hội XX đề ra phương châm “nắm chắc chủ quyền và quyền chủ động trong quan hệ hai bờ, kiên định thúc đẩy đại nghiệp thống nhất Tổ quốc”, cho thấy Trung Quốc sẽ tăng cường quyền chủ động trong giải quyết vấn đề Đài Loan, càng không khoan nhượng với Mỹ và phương Tây trong vấn đề Đài Loan, làm cho vấn đề Đài Loan luôn ở trạng thái “có thể xảy ra xung đột vào bất cứ lúc nào”.

3. Về đối ngoại:

a. Các định hướng đối ngoại lớn sau Đại hội XX:

– Thực hiện Ngoại giao nước lớn thời đại mới dưới sự chỉ đạo của Tư tưởng Ngoại giao Tập Cận Bình, kiên định thực hiện chính sách ngoại giao hòa bình độc lập tự chủ

– Giữ vững định vị chiến lược, trong ngoại giao “phát huy tinh thần đấu tranh, đấu tranh bảo vệ tôn nghiêm quốc gia và lợi ích cốt lõi quốc gia, dựa vào đấu tranh ngoan cường để mở mang và phát triển sự nghiệp”, “nắm chắc quyền chủ động phát triển và an ninh quốc gia”; Xây dựng mạng lưới quan hệ đối tác trên phạm vi toàn cầu; đề ra “phát huy tinh thần đấu tranh” trong ngoại giao cho thấy, nguồn gốc của cái gọi là “Ngoại giao chiến lang” mà phương Tây dùng để chỉ Ngoại giao Trung Quốc vẫn không có gì thay đổi; Đấu tranh ý thức hệ giữa Trung Quốc với Mỹ và phương Tây trên lĩnh vực Ngoại giao vẫn còn gay gắt và lâu dài.

– Khẳng định phương châm “căn cứ vào đúng sai phải trái của sự việc để quyết định lập trường và chính sách của mình”, càng thể hiện rõ “tính cơ hội” trong Ngoại giao Trung Quốc; Kiên trì chiến lược mở cửa cùng có lợi cùng thắng; Cùng các nước nêu cao giá trị chung của nhân loại “hòa bình, phát triển, công bằng, chính nghĩa, dân chủ, tự do”; cùng ứng phó với các thách thức mang tính toàn cầu.

– Thống nhất hài hòa giữa hai đại cục bên trong và bên ngoài: thể hiện sự thống nhất giữa chính sách đối nội với chính sách đối ngoại, giữa lợi ích căn bản của Trung Quốc với lợi ích của các nước trên thế giới.

– Phản đối mọi thứ chủ nghĩa bá quyền và chính trị cường quyền, phản đối bất cứ thứ chủ nghĩa đơn biên, chủ nghĩa bảo hộ và hành vi bá quyền nào.

Đất nước Trung Quốc phát triển thần kỳ sau 40 năm cải cách. Hình ảnh Thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông. Ảnh: Bloomberg

b. Chính sách cụ thể

– Xây dựng “Quan hệ quốc tế kiểu mới” “tôn trọng lẫn nhau, công bằng chính nghĩa, hợp tác cùng thắng” là một bộ phận hợp thành quan trọng của Tư tưởng ngoại giao Tập Cận Bình; Trong đó tôn trọng lẫn nhau được coi là “tiền đề quan trọng”; công bằng chính nghĩa là “ nguyên tắc hạt nhân”; Hợp tác cùng thắng là “phương hướng cơ bản”; và sự thay đổi của so sánh lực lượng toàn cầu  là cơ sở căn bản thúc đẩy quan hệ quốc tế kiểu mới. Trong “quan hệ quốc tế kiểu mới” Trung Quốc tập trung cho quan hệ nước lớn, trước hết là quan hệ với Mỹ theo hướng quản lý bất đồng, không để cho cạnh tranh đưa quan hệ Trung – Mỹ đi đến xung đột, đối đầu.

– Thúc đẩy quan hệ chu biên, quan hệ với các nước đang phát triển.

– Tăng cường quan hệ đa phương, tích cực tham gia và tìm kiếm vai trò dẫn dắt trong tiến trình cải cách hệ thống quản trị toàn cầu.

– Thúc đẩy triển khai các “sáng kiến”, “phương án Trung Quốc”, tập trung triển khai BRI chất lượng cao và thúc đẩy xây dựng cộng đồng chung vận mệnh nhân loại.

– Thúc đẩy mở cửa đối ngoại trình độ cao, thực hiên “chế độ hóa mở cửa”; nêu cao vai trò của Trung Quốc trong các chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu; xây dựng cường quốc mậu dịch thế giới.. Trong quá trình thực thi chiến lược phát triển mới lấy tuần hoàn trong nước làm chủ thể, sẽ chú ý hơn đến sự kết hợp thúc đẩy lẫn nhau giữa tuần hoàn trong nước với tuần hoàn quốc tế, phát huy hơn vai trò của tuần hoàn quốc tế.

– Trong thực tiễn đối ngoại, ba hình thức ngoại giao chủ yếu: Ngoại giao Nhà nước, ngoại giao Đảng và ngoại giao dân gian vẫn được duy trì, trong đó ngoại giao nguyên thủ (thuộc Ngoại giao Nhà nước) được chú trọng ưu tiên tiến hành, mang tính định hướng, chủ đạo toàn bộ hoạt động ngoại giao Trung Quốc sau Đại hội (trong 10 năm “Thời đại mới, ông Tập đã thực hiên 42 chuyến thăm tại 69 quốc gia khắp 5 châu). Ngoài ra, Trung Quốc sẽ tiến hành ngoại giao theo lĩnh vực, sự kiện, ngoại giao quân sự, ngoại giao các địa phương…

4. Trung Quốc tác động đến thế giới sau Đại hội XX:

Nhìn nhận khách quan về Đại hội XX và nhận diện chuẩn xác về Trung Quốc sau Đại hội XX cho thấy sự trưởng thành của ĐCS Trung Quốc sau 100 năm phấn đấu, đặc biệt là sau hơn 40 năm cải cách mở cửa; sức mạnh và vị thế quốc tế của Trung Quốc có những bước tiến vượt bậc; Trung Quốc sẽ đi ra thế giới với tư thế mới, tự tin hơn, cao ngạo hơn và trở thành đối tượng cạnh tranh ngày càng khó đối phó hơn đồng thời cũng là đối tác có khả năng hợp tác lớn hơn đối với các nước lớn, đặc biệt là Mỹ. Chiến lược An ninh Quốc gia của Mỹ ngày 12/10 (trước Đại hội 4 ngày) và Chiến lược Quốc phòng Mỹ 27/10 (sau Đại hội 5 ngày) đều giữ nguyên định vị Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh số 1”, mặc dù không loại bỏ khả năng hợp tác với Trung Quốc nhưng đến nay vẫn chưa có gì rõ ràng về triển vọng hòa hoãn và hợp tác giữa hai bên. Các nước đang phát triển và mới nổi lên, qua đại hội, đánh giá nhìn chung là tích cực về Đại hội và về “Trung Quốc Thời đại mới”.

Nhìn toàn cục, Trung Quốc sau Đại hội XX sẽ càng đóng vai trò nổi bật hơn trong tiến trình thúc đẩy xu hướng đa cực hóa chính trị quốc tế và “toàn cầu hóa” kinh tế thế giới; Trung Quốc sẽ củng cố vai trò và cống hiến của mình trong xây dựng và phát triển chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu; Quan hệ giữa Trung Quốc và thế giới sẽ được cải thiện hơn theo hướng thế giới cần Trung Quốc hơn và Trung Quốc càng cần thế giới hơn; Đây là nhân tố quan trọng góp phần đảm bảo hòa bình, ổn định và cùng phát triển toàn cầu. Có lẽ đây là một trong những điều cốt lõi nhất cần rút ra từ Đại hội XX và Trung Quốc sau Đại hội, mặc dù còn phải quan sát kỹ mọi hành vi thực tế của Trung Quốc sau Đại hội.

– Tuy nhiên đó không phải là kết luận duy nhất, một Trung Quốc hùng mạnh, chủ nghĩa dân tộc nước lớn đang trỗi dậy, tư thế “kẻ mạnh” sẽ được thể hiện ở mọi nơi, mọi lúc, mọi lĩnh vực trong đời sống quốc tế, sẽ làm cho nhiều quốc gia, nhất là các nước lớn cảnh giác, đề phòng Trung Quốc, tạo ra cạnh tranh nước lớn quyết liệt hơn và hiển nhiên, sẽ tạo ra các mối đe dọa, các nguy cơ đối với nhiều quốc gia, trước hết là những quốc gia “có vấn đề” với Trung Quốc, trong đó có Việt Nam, nhất là trong tranh chấp chủ quyền. Đại hội XX đã xác định đặt việc “xây dựng quân đội Trung Quốc trở thành đội quân loại 1 thế giới” lên “tầm chiến lược quốc gia”; “nâng cao năng lực chiến lược của quân đội Trung Quốc trong bảo vệ các lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc; “phát huy tinh thần đấu tranh” trong đối ngoại để đảm bảo sự uy nghiêm dân tộc và lợi ích quốc gia; Trung Quốc sẽ đẩy mạnh quá trình “xây dựng hình tượng” trên vũ đài quốc tế… Trong thực tiễn quan hệ quốc tế, những “tuyên thệ” này của Trung Quốc chắc chắn sẽ động chạm đến nhiều quốc gia ở những mức độ khác nhau tùy theo “tiêu chí yêu ghét” của Trung Quốc .

– Mặt đáng ghi nhận khác từ Đại hội XX là Trung Quốc cũng nhận rõ những khó khăn thách thức, thậm chí là các nguy cơ của mình trong thời đại mới, từ nội bộ và cả từ sức ép ngày càng lớn của môi trường bên ngoài, nhất là sự đối đầu trong quan hệ với Mỹ. Những khó khăn thách thức đó bao gồm hầu hết các mặt chính trị chiến lược, ý thức hệ, kinh tế, ngoại giao, quân sự… Đại hội này cũng cho thấy, từ thực tiễn, Trung Quốc đã cảm nhận được tầm quan trọng và tính tất yếu của việc “tự hoàn thiện mình” trong quá trình đi lên. Coi “tự cách mạng mình” là vấn đề chiến lược, là đáp án cho việc đưa Trung Quốc ra khỏi “chu kỳ lịch sử” “ổn – lọan – hưng – suy” để đi lên con đường phát triển ổn định, bền vững. Tư duy này có thể sẽ giúp Trung Quốc nhìn rõ mình hơn, có những bước đi chuẩn xác hơn, có thể “đi ổn, đi xa” hơn trong cuộc “trường chinh mới” của mình. Nếu Trung Quốc thật sự muốn “tự cách mạng mình”, “tự hoàn thiện mình” thì Trung Quốc sẽ còn rất nhiều việc phải làm và đó sẽ là một hướng đi đúng, sẽ được thế giới chờ đợi.

– Từ tình hình thực tế mới, từ sự thay đổi nhận thức và tư duy được thể hiện qua Đại hội XX, Trung Quốc chắc chắn sẽ phải điều chỉnh chính sách của mình. Tập Cận Bình đã nhiều lần và Đại hội lần này cũng kêu gọi “lúc yên bình phải nghĩ tới lúc lâm nguy”, “phải thận trọng, khiêm nhường hơn”, phải xây dựng hình tượng một Trung Quốc “đáng tin, đáng kính và đáng yêu”… Vấn đề là Trung Quốc sẽ điều chỉnh theo hướng nào, về những lĩnh vực nào, với các đối tượng nào, vào thời điểm nào? Việt Nam trong quá trình điều chỉnh đó được đặt vào vị trí nào? Việt Nam ứng xử thế nào trước sự điều chỉnh đó?… đều là những vấn đề cần suy ngẫm sau Đại hội XX của Trung Quốc vì nó liên quan trực tiếp, lâu dài đến lợi ích và an ninh quốc gia của Việt Nam.

Dù thế giới có biến đổi thế nào chăng nữa, nhân tố Trung Quốc vẫn là một trong những nhân tố quan trọng nhất, ảnh hưởng trực tiếp, sâu rộng nhất đối với lợi ích và an ninh của Việt Nam; Hợp tác toàn diện với một Trung Quốc đang vươn lên mạnh mẽ là hướng đi “tất yếu” trên con đường phát triển của Việt Nam. Sau Đại hội XX của Trung Quốc, tuy còn rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết nhưng về tổng thể, quan hệ Việt – Trung cơ hội nhiều hơn thách thức, điều kiện và động lực thúc đẩy quan hệ hai nước ngày càng nhiều, hi vọng chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lần này (30/10-2/11) sẽ tạo ra cơ hội mới cho phát triển quan hệ hai nước lên tầm cao mới; giúp hai nước cùng tiến lên, cùng đóng góp xứng đáng cho hòa bình và phát triển trong một thế giới đang không ngừng biến động.■

Tùng Lâm

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN