Vai trò của Mỹ trong cuộc chiến tại Ukraine

Sau hơn mười tháng xung đột, cuộc chiến giữa Nga và Ukraine đã bước sang một giai đoạn mới quyết liệt và tàn khốc hơn. Phía Nga đã ký các thỏa thuận sáp nhập Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng, Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) tự xưng ở miền Đông cũng như các vùng Zaporizhzhia và Kherson ở miền Nam Ukraine. Quân đội Nga liên tục tăng cường các cuộc tiến công mạnh mẽ, gây thiệt hại to lớn đối với các cơ sở quân sự, viễn thông, năng lượng của Ukraine.

Trong khi đó phía Ukraine tuyên bố sẽ quyết tâm giành lại tất cả những vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát bao gồm cả vùng Crimea (bị mất từ năm 2014), sẽ không tiến hành đàm phán hòa bình nếu ông Putin còn tại vị, kêu gọi Mỹ cung cấp các vũ khí hiện đại hơn để tiến hành các cuộc tấn công phủ đầu hoặc áp dụng vùng cấm bay trên bầu trời Ukraine, yêu cầu được kết nạp ngay vào NATO.

Mỹ là quốc gia ở cách xa vùng chiến sự hơn 9.000 km nhưng lại là nhà tài trợ lớn nhất cho cuộc chiến này. Tính đến cuối tháng 5 vừa qua, khoản viện trợ mà Mỹ cam kết dành cho Ukraine nhiều gấp 3 lần so với viện trợ của tất cả các nước EU cộng lại.

1. Không khó để lý giải cho câu hỏi tại sao Ukraine vẫn trụ vững, tiếp tục tác chiến phòng thủ chặn bước tiến công, kiên quyết chiến đấu với Nga, một cường quốc hạt nhân hàng đầu trên thế giới với ngân sách quân sự gấp mười lần ngân sách quân sự Ukraine.

Những thông tin đến từ nhiều nguồn khác nhau đã vén bức màn bí mật về việc Mỹ và các nước NATO đã giúp đỡ Ukraine thông qua nhiều hình thức, được tiến hành từ năm 2014 khi Nga sáp nhập vùng Crimea.

Mỹ là nhà tài trợ và cung cấp vũ khí lớn nhất cho Ukraine. Do viện trợ cho Ukraine đến từ nhiều nguồn, từ Quyền rút vốn của Tổng thống, Tài chính quân sự ở nước ngoài, Sáng kiến viện trợ an ninh Ukraine… nên không dễ để xác định số viện trợ đã được cấp phép và thực sự chuyển giao. Tuy nhiên, theo ước tính, khối lượng viện trợ an ninh bao gồm cả vũ khí và thông tin tình báo là gần 40 tỷ đô la, tương đương với 110 triệu đô la một ngày.

Mỹ cũng là nguồn cung cấp chính vũ khí cho Ukraine gồm pháo hạng nặng 155 mm, pháo tầm xa Himars, tên lửa Javelin và Stinger, pháo hạng nặng M777 và đạn pháo 155 mm, máy bay không người lái… Sức mạnh quân sự được tăng cường, nhờ đó quân đội Ukraine đã phản công mạnh mẽ, đẩy lùi và chiếm lại nhiều vùng đất ở Kharkov, Luhansk và đang thực hiện tái chiếm Kherson. Ukraine cũng đẩy mạnh chiến dịch tấn công vào lãnh thổ Nga bằng vũ khí của Mỹ và NATO, đặc biệt đã đánh bom làm sập cây cầu Crimea và soái hạm của Nga ở Biển Đen, gây cho Nga nhiều tổn thất.

Mỹ và phương Tây cũng tập trung vào việc nâng cao năng lực quân sự cho Ukraine thông qua các khóa đào tạo, huấn luyện. Kể từ năm 2014, các đồng minh đã hỗ trợ tái cấu trúc quân đội Ukraine, huấn luyện các phương pháp tác chiến của NATO.

Từ năm 2014, Mỹ và NATO đã mở nhiều khoá huấn luyện cho quân đội Ukraine ở Anh, Rumani, Ba Lan và Đức, lập nhiều trung tâm ở miền Tây Ukraine để huấn luyện các đơn vị đặc biệt cho Ukraine.

Theo sự hối thúc của Mỹ, ngay trong tháng 10/2022, lần đầu tiên EU chính thức ra quyết định thực hiện kế hoạch huấn luyện với quy mô lớn cho 15.000 binh sĩ Ukraine trên lãnh thổ EU và cấp thêm 500 triệu euro để trang bị vũ khí cho Ukraine.

Các hoạt động huấn luyện này đã nâng cao trình độ tác chiến cho quân đội Ukraine trong cuộc chiến đẩy lùi quân Nga ở Kharkov. Ukraine đã chiếm lại nhiều vùng do Nga chiếm ở Donbas và đang bao vây quân Nga để chiếm lại Kherson, chứng tỏ sức mạnh quân sự và sức tấn công của quân đội Ukraine đã được tăng cường đáng kể do binh lính Ukraine đã được huấn luyện sử dụng thành thạo vũ khí của Mỹ và NATO.

Phối hợp chia sẻ thông tin tình báo. Một trong các yếu tố mang tính quyết định góp phần vào việc tăng sức kháng cự của Ukraine là việc chia sẻ thông tin đến từ phía Mỹ và NATO. Mỹ cung cấp kịp thời những thông tin về quá trình dịch chuyển quân của Nga đồng thời cung cấp các dữ liệu xác định mục tiêu cụ thể. Sự hợp tác này đặc biệt hiệu quả. Thông tin được thu thập qua điệp viên, vệ tinh, qua máy bay tuần tra, các trạm tác chiến điện tử đặt tại các nước láng giềng, thành viên NATO, được chuyển kịp thời cho Bộ chỉ huy tác chiến, phục vụ cho các cuộc tấn công vào quân Nga.

Theo các tin đưa, quân đội Ukraine đã bắn chìm soái hạm Moskva tại Biển Đen ngày 14/4/2022 và nhiều trạm chỉ huy, kho vũ khí, nhiên liệu của Nga. Đặc biệt, nhiều sĩ quan chỉ huy của Nga ở chiến trường đã bị tiêu diệt. Các nhà phân tích quân sự đánh giá cuộc tấn công của Ukraine vào sân bay Saky, cuộc tấn công vào kho vũ khí ở Maiske và sân bay Bvardeyskoe giữa tháng Chín ở Crimea đã thành công là nhờ có các thông tin tình báo do Mỹ và Anh cung cấp cho quân đội Ukraine.

2. Những diễn biến trong thời gian qua giúp chúng ta hiểu thêm về vai trò của Mỹ điều khiển cuộc chiến tranh ở Ukraine để chống Nga.

Ngay từ khi cuộc chiến tại Ukraine bắt đầu, cho đến nay NATO và Mỹ vẫn không đưa quân tham chiến ở Ukraine để tránh xung đột trực tiếp với Nga. Tuy nhiên những phản ứng và quyết định của Mỹ cho thấy họ ngày càng quyết liệt hơn. Mỹ cung cấp vũ khí ngày nhiều hơn và tân tiến hơn để tăng cường khả năng phản công của Ukraine. Trong đó phải kể đến hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) mà Ukraine đã sử dụng để thực hiện các cuộc tấn công vào sau chiến tuyến của Nga. Cùng với thời gian, cả tính sát thương lẫn số lượng của vũ khí đều tăng lên. Những động thái này đang thúc đẩy cuộc chiến ngày càng leo thang, không kiểm soát được. Điều này lộ rõ Mỹ rất quyết liệt qua đội quân ủy nhiệm Ukraine để tuyên chiến tiêu hao tiềm lực quân sự của Nga cho đến khi cạn kiệt.

Theo hướng đó thì mục tiêu địa chiến lược cao nhất của Mỹ gây ra những tổn thất ngày càng to lớn hơn, làm suy yếu và kiệt quệ, Putin và nước Nga phải sụp đổ, vai trò cường quốc của Nga cũng sụp đổ theo, Mỹ hạ được đối thủ mạnh nhất về quân sự để duy trì vai trò lãnh đạo số 1 toàn cầu.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy cho dù có dốc sức bao nhiêu đi chăng nữa thì trên nhiều phương diện quân sự, địa lý, chính trị, Mỹ và NATO cũng khó có thể “giúp” Ukraine “đi đến thắng lợi cuối cùng” là giành lại những vùng đất đã sáp nhập vào Nga. Các nhà hoạch định chính sách của Mỹ không thể không ý thức về điều này cũng như những lằn ranh đỏ do phía Nga đặt ra cho họ. Do đó nhiều nhà quan sát cho rằng sẽ có lợi cho Mỹ hơn nếu họ hành động để biến cuộc xung đột Ukraine thành một cuộc chiến tranh tiêu hao, kéo dài, đối đầu giữa Nga và châu Âu.

Điều này lý giải cho việc là Mỹ đang chơi trò tiến hành một cuộc chiến tranh ủy nhiệm qua tay người Ukraine mà ở đó Ukraine được coi như một quân cờ phục vụ cho ý đồ của Mỹ. Mỹ sẽ chỉ giữ vai trò điều phối. Họ sẽ  đáp ứng các đòi hỏi về vũ khí của Ukraine, áp dụng các biện pháp cấm vận, tiếp tục vận động phương Tây ủng hộ Ukraine nhưng sẽ không gửi binh sĩ Mỹ đến tham chiến trực tiếp chiến trường, mọi đau khổ người dân Ukraine sẽ phải hứng chịu.

Cùng với việc can dự ngày càng sâu vào cuộc chiến này, Mỹ đang mong muốn khôi phục lại uy tín, sức mạnh của một cường quốc đã bị mất đi sau những thất bại tại Iraq, Syria và Afghanistan, nâng cao vai trò tại NATO và châu Âu. Qua đó, Mỹ vẫn là chỗ dựa và là chiếc ô cho châu Âu để “ngăn chặn các mối đe dọa ngày càng tăng đến từ nước Nga”.

Cuộc chiến càng khốc liệt thì ngành công nghiệp vũ khí của Mỹ càng có cơ hội thu về những món lợi khổng lồ. Tình hình căng thẳng tại Ukraine đã thúc đẩy các thành viên NATO tăng ngân sách chi tiêu quân sự. Các công ty của Mỹ  là những bên hưởng lợi nhiều nhất từ những hợp đồng mua bán vũ khí to lớn. Đây cũng là một trong các nguyên nhân thúc đẩy chạy đua vũ trang và buôn bán vũ khí trên toàn cầu thời gian qua mạnh mẽ chưa từng thấy.

Theo nhiều thông tin, cổ phiếu các công ty sản xuất vũ khí quân sự lớn của Mỹ đã tăng chóng mặt từ khi cuộc chiến tại Ukraine bùng nổ. Cho đến giữa năm 2022, cổ phiếu hãng Lockheed Martin đã tăng khoảng 25%, cổ phiếu của Raytheon thêm 16,4% so với cùng kỳ năm ngoái; Cổ phiếu của các tập đoàn như Northrop Grumman và General Dynamics cũng tăng vọt là nhờ bán được vũ khí.

Tổng thống Mỹ Joe Biden tới thăm một nhà máy của Tập đoàn Công nghiệp quân sự Lockheed Martin, tháng 5/2022. Ảnh: AP

Về kinh tế, Mỹ chính là quốc gia đi đầu khởi xướng các lệnh trừng phạt kinh tế, cấm Nga xuất khẩu dầu thô và khí đốt sang châu Âu. Trong khi châu Âu và thế giới đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng năng lượng lớn nhất trong lịch sử, thì Mỹ nhân cơ hội này đang lấp dần khoảng trống do Nga để lại. Các nhà cung cấp dầu của Mỹ đã bắt đầu có được thị phần thay thế Nga ở châu Âu. Tham vọng của Mỹ có lẽ sẽ còn đi xa hơn đó là chiếm chỗ của các nhà cung cấp truyền thống khác như Kazakhstan, hoặc các nước Bắc Phi.

Giá dầu thô và khí đốt tăng cao sau khi nổ ra xung đột Nga – Ukraine đã đem lại lợi nhuận khổng lồ cho ngành công nghiệp năng lượng. Hai công ty năng lượng lớn của Mỹ như ExxonMobil và Chevron chính thức thông báo “bội thu”. ExxonMobil đã có lợi nhuận quý III/2022 tăng gần gấp ba lần so với cùng kỳ năm 2021, lên 19,7 tỷ USD, mức cao kỷ lục. Chevron tăng 84% lên 11,2 tỷ USD. Bên cạnh đó, hai tập đoàn năng lượng khổng lồ TotalEnergies của Pháp và Shell của Anh cũng thu được lợi nhuận cao chưa từng có.

3. Trong những tháng vừa qua, tình hình đã có nhiều biến chuyển, xung đột ở Ukraine đã đột ngột chuyển từ các trận chiến pháo binh ác liệt sang thành một cuộc xung đột nhiều cấp độ, leo thang nhanh chóng. Phía Nga răn đe Mỹ sẽ không loại trừ “một cuộc tấn công hạt nhân” nếu Mỹ và NATO vượt lằn ranh đỏ. Cuối tháng 10 vừa qua Ông Putin đã tuyên bố rằng thế giới đang bước vào thập kỷ nguy hiểm nhất từ sau Chiến tranh Thế giới Thứ hai và thế giới đơn cực sẽ chấm dứt vĩnh viễn.

Gần như cùng ngày với tuyên bố của ông Putin, lần đầu tiên sau 10 năm (kể từ 2018), Lầu Năm Góc công bố Chiến lược quốc phòng, trong đó có đề cập rõ là Mỹ sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân nếu “các lợi ích sống còn” của Mỹ và các đồng minh, đối tác, bị xâm phạm. Nga được xác định là “mối đe dọa cấp bách” vì Nga đã tiến hành cuộc xâm lăng chống Ukraine cùng lúc với đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân, tiến hành các cuộc diễn tập hạt nhân... cho thấy một chiến lược mới về răn đe hạt nhân của Mỹ, theo đó Mỹ đã tăng cường 2 lữ đoàn lính dù đến Rumani, sát biên giới Ukraine. Gần đây Nga tố cáo Mỹ đã chuyển đầu đạn hạt nhân tới châu Âu.

Đây là một động thái rất đáng chú ý, đây là lần đầu tiên  chính quyền Mỹ tuyên bố cùng lúc Chiến lược quốc phòng và Chiến lược liên quan đến vũ khí hạt nhân. Mục tiêu của Mỹ cũng không nằm ngoài việc nâng cao uy lực răn đe hạt nhân để tự bảo vệ, bảo vệ đồng minh và đối tác và răn đe các quyết định của Nga về việc sử dụng các vũ khi hủy diệt hàng loạt.

Hiện vẫn có quá nhiều giả thuyết và bình luận trái chiều về các tuyên bố trên của hai phía Nga và Mỹ, cả hai cường quốc cố đẩy “căng thẳng hạt nhân lên cao” với mục tiêu “răn đe, ép nhau” để cả hai bên cùng lùi bước “Leo thang để Xuống thang”! hay cả hai bên đều sẽ thật sự “Leo thang để giành chiến thắng”! thì đều đang đẩy thế giới bước vào thời kỳ nguy hiểm nhất. Nguy cơ một cuộc chiến tranh hạt nhân đang xuất hiện.

Với phía Mỹ, khi cuộc chiến mới bắt đầu, mọi nỗ lực và sáng kiến ủng hộ Ukraine của chính quyền Biden đã là một trong những quyết định hiếm hoi nhận được sự đồng thuận của cả hai đảng, giới chính trị và dư luận Mỹ nói chung. Tuy nhiên, hiện chính Tổng thống Biden đang phải đối diện với cuộc bỏ phiếu giữa nhiệm kỳ, trước những phản đối mạnh mẽ đến ngay từ trong đảng Dân chủ (30 nghị sĩ Dân chủ đã đề xuất đàm phán với Nga, tuy sau đó đã rút đơn do áp lực) và đặc biệt sự suy giảm ủng hộ của những thành viên đảng Cộng hòa. Đã có nhiều ý kiến của các nghị sĩ yêu cầu giảm hoặc tạm ngừng các khoản viện trợ cho Ukraine. Lạm phát ở Mỹ đang ở mức cao nhất từ trước tới nay và người dân Mỹ đã không còn kiên nhẫn khi thấy tiền thuế của họ bị đổ vào cuộc chiến tại Ukraine. Chính vì thế, thách thức lớn nhất với ông Biden hiện nay là làm sao cân bằng giữa việc đáp ứng các đòi hỏi ngày càng cao của Ukraine và  duy trì chèo lái trong nội bộ chính trị của Mỹ.

Việc thiếu vắng một giải pháp ngoại giao do tất cả các bên đều nung nấu quyết tâm làm chủ chiến trường để thực hiện các mục tiêu chính trị  của mình đang đẩy tình hình đến mức độ không kiểm soát nổi.

Đây chính là thời điểm mà các bên liên quan cả Nga, Ukraine, Mỹ và Phương Tây phải đặc biệt chứng tỏ năng lực quản lý khủng hoảng, điều chỉnh chiến lược để không cho cuộc chiến leo thang thành cuộc chiến hủy diệt hàng loạt, gây đau khổ cho toàn thể nhân loại. Đã xuất hiện từ Nga – Mỹ và một số quốc gia châu Âu về kết thúc chiến tranh ở Ukraine; Nga cho rằng vấn đề này phụ thuộc vào Mỹ.■

Nguyên Mi   

 

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN