Sau đảo chính quân sự, ngày 24/8/2014, Tướng Lục quân Prayuth Chanochan trở thành Thủ tướng Thai Lan. Sau 8 năm cầm quyền, ngày 24/8/2022, Toà án Hiến pháp Thái Lan ra Quyết định về việc đình chỉ Prayuth Chanochan – 68 tuổi, khỏi chức vụ Thủ tướng đã khiến bầu không khí chính trị Thái Lan dậy sóng. Vậy đâu là nguyên nhân khiến Thủ tướng Prayuth Chanochan rơi vào trạng thái từ “quyền lực không thể lung lay” đến khiến cho chính trường chao đảo?
Đảo chính quân sự – Đại tướng Prayuth Chanocha lên nắm quyền ở Thái Lan năm 2014
Đảo chính quân sự được xem như đặc sản chính trị trên đất nước “Chùa Vàng”. Tính từ khi chế độ Quân chủ lập hiến được thành lập tại Thái Lan năm 1932 đến nay (bao gồm cả cuộc cách mạng Xiêm 1932), chính trường Thái Lan đã xảy ra 23 cuộc đảo chính hoặc binh biến nhằm lật đổ Chính phủ. Các cuộc đảo chính đều do các sĩ quan Quân đội Hoàng gia Thái Lan thực hiện nhằm phế truất Chính phủ đương nhiệm, thậm chí dẫn đến thay đổi Hiến pháp, dù vẫn duy trì chế độ Quân chủ lập hiến và ngôi vị Quốc vương tối cao.
Trong cuộc tổng tuyển cử năm 2011, Yingluck Shinawatra và đảng Pheu Thái (PTP) giành được chiến thắng vang dội và thành lập Chính phủ với Yingluck làm Thủ tướng. Sau đó, các cuộc biểu tình chống Chính phủ dưới sự lãnh đạo của cựu Tổng Bí thư đảng Dân chủ Suthep Thaugsuban, bắt đầu vào tháng 11/2013. Suthep khi đó thành lập Ủy ban Cải cách Dân chủ Nhân dân (PDRC) với mục đích yêu cầu thành lập “Hội đồng nhân dân” không do người dân bầu để giám sát “cải cách chính trị”. Các nhóm ủng hộ Chính phủ đồng thời tổ chức các cuộc biểu tình hàng loạt và có những cuộc đụng độ trở thành bạo lực và gây thương vong.
Để đối phó với những diễn biến phức tạp trên chính trường Thái Lan lúc đó, tháng 12/2013, Thủ tướng đương nhiệm Yingluck Shinawatra giải tán Hạ viện và lên kế hoạch tổng tuyển cử vào ngày 02/2/2014. Nhưng, cuộc tổng tuyển cử phải hoãn lại do các cuộc biểu tình chống Chính phủ. Ngày 21/3/2014, Tòa án Hiến pháp Thái Lan bãi bỏ cuộc bầu cử, và đến ngày 07/5/2014 ra phán quyết cách chức Yingluck và một số Bộ trưởng với lý do bà đã lạm quyền điều chuyển sĩ quan an ninh cấp cao. Các Bộ trưởng còn lại trong Chính phủ đưa Phó Thủ tướng kiêm trưởng Bộ trưởng Bộ Thương mại Niwatthamrong Boonsongpaisan thay Yingluck làm Thủ tướng tạm quyền. Tuy nhiên, các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục.
Ngày 22/5/2014, Lực lượng Vũ trang Hoàng gia Thái Lan, dưới sự lãnh đạo của Đại tướng Prayuth Chanocha, Tư lệnh Lục quân của Quân đội Hoàng gia Thái Lan (RTA), phát động cuộc đảo chính với Chính phủ tạm quyền của Thái Lan. Đây là diễn biến tiếp theo sau 6 tháng khủng hoảng chính trị. Quân đội thành lập một chính quyền quân sự (junta) gọi là “Hội đồng Hòa bình và Trật tự quốc gia Thái Lan” (NCPO) để kiểm soát đất nước do Tướng Prayuth Chanocha đứng đầu.
Lên nắm chính quyền sau đảo chính, Tướng Prayuth Chanocha tập trung vào trong tay quyền lực trên mọi phương diện hành pháp, lập pháp và tư pháp. Sau khi giải tán Chính phủ và Thượng viện, NCPO đặt hết mọi quyền thi hành pháp luật và quyền lập pháp vào tay các lãnh đạo của họ và ra lệnh hệ thống tư pháp phải hoạt động dưới sự chỉ đạo của họ. NCPO cũng bãi bỏ Hiến pháp Thái Lan 2007, chỉ giữ lại Điều thứ hai vì đề cập đến Nhà vua, đồng thời tuyên bố thiết quân luật và giờ giới nghiêm trên toàn quốc, cấm tụ tập chính trị, bắt giam và tạm giam các chính khách và những người phản đối, thiết lập kiểm duyệt internet và nắm quyền kiểm soát truyền thông. Đồng thời, NCPO cũng cho ban hành Hiến pháp lâm thời cho phép họ có quyền tự ân xá và quyền hành tuyệt đối cũng như thành lập một Quốc hội thân quân đội, và sau đó nhất trí bầu Đại tướng Prayuth làm Tân Thủ tướng của nước này.
Nguyên nhân dẫn đến Prayuth Chanocha bị buộc phải thôi chức vụ Thủ tướng
Trong 8 năm làm Thủ tướng, dường như không có gì có thể làm lung lay quyền lực của Prayuth Chanocha. Nhưng những đợt biểu tình rầm rộ trên phố thời gian qua và 4 cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đã thay đổi tất cả. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên bao gồm:
Hết 8 năm cầm quyền theo luật định: Việc đình chỉ chức vụ Thủ tướng của Đại tướng Prayuth Chanocha của Tòa Hiến pháp Thái Lan bắt nguồn từ đơn kiến nghị do đảng đối lập chính của Thái Lan đệ trình. Điều 158 của Hiến pháp Thái Lan năm 2017 quy định nhiệm kỳ của một Thủ tướng không quá 8 năm, bất kể 2 nhiệm kỳ có liên tiếp hay là không nhằm ngăn việc một người lãnh đạo nắm quyền quá lâu.
Theo tờ Bangkok Post, những người thuộc phe đối lập cho rằng nhiệm kỳ 8 năm của ông Prayuth phải kết thúc vào ngày 24/8/2022, do ông đã có 2 nhiệm kỳ 4 năm liên tiếp làm Thủ tướng kể từ sau cuộc chính biến năm 2014. Thụ lý đơn kiện của phe đối lập, ngày 24/8/2022, một Hội đồng thẩm phán đã ra phán quyết đình chỉ tư cách của Thủ tướng đương nhiệm với 5 phiếu thuận và 4 phiếu chống. Tòa cũng cho phép ông Prayuth có 15 ngày để giải trình và để Phó Thủ tướng Prawit Wongsuwan sẽ tạm thời nắm quyền thay ông Prayuth trong thời gian tòa xem xét đơn kiến nghị.
Tình hình kinh tế, xã hội ở Thái Lan chuyển biến theo chiều hướng xấu: Tám năm thực hiện chế độ chính quyền “dân sự” dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Prayuth Chanocha, nhưng thực chất chính quyền Thái Lan là chế độ quân quản. Bởi từ Thủ tướng, Phó Thủ tướng cho đến các vị trí lãnh đạo chủ chốt khác đều là những người từ quân đội Hoàng gia nắm giữ. Đây được xem là một thời kỳ dài “ổn định” của đất nước Thái Lan vốn được nhắc đến như một trong những quốc gia có đặc sản đặc trưng là biểu tình và đảo chính. Thành tích nổi bật của chính quyền Tướng Prayuth Chanocha hồi đầu năm 2021 được ghi nhận khi Thái Lan chỉ có khoảng 33 ca tử vong liên quan đến Covid-19 trên một triệu người, so với 234 ở Philippines, 229 ở Indonesia và 178 ở Malaysia. Thái Lan cũng đã tránh được đợt bùng phát lớn trong năm 2020 và giữ cho nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp hoạt động ổn định bằng việc áp dụng các gói kích thích tài khóa kịp thời và đa dạng.
Tuy nhiên, nửa cuối năm 2021, gió đã đổi chiều, việc xử lý không thỏa đáng đối với đại dịch Covid-19 cùng với việc triển khai tiêm vaccine chậm khiến sự bất bình vốn âm ỉ đã bùng lên trong nền chính trị và xã hội Thái Lan. Từ tháng 4/2021, Thái Lan trung bình có tới 13.000 ca nhiễm Covid-19 mỗi ngày, dẫn tới một cuộc biểu tình lớn vào ngày 24/6/2021 kêu gọi Tướng Prayut từ chức. Cùng với đó, những người biểu tình Thái Lan cũng tiếp tục hối thúc sửa đổi Hiến pháp. Các cuộc biểu tình biểu thị sự giận dữ đối với Chính phủ Thái Lan leo thang phản ánh sự thất vọng của dân chúng về tình trạng hoạt động kinh doanh gián đoạn và thu nhập giảm sút do các biện pháp hạn chế trên toàn quốc.
Để biểu tình “đụng chạm” đến Hoàng gia: Biểu tình phản đối chính quyền ở Thái Lan vừa qua lan sang cả phản đối Hoàng gia. Ngày 31/10/2021, một cuộc biểu tình lớn ở trung tâm Bangkok đã được tổ chức với mục đích phản đối việc khôi phục Luật chống phỉ báng Hoàng gia. Khoảng một tháng sau, nhiều người biểu tình đã tập trung bên ngoài Đại sứ quán Đức để đệ trình một tuyên bố phản đối chế độ Quân chủ chuyên chế và kêu gọi cải cách các đạo luật nghiêm ngặt về tội khi quân. Là quốc gia theo chế độ Quân chủ lập hiến, việc đụng chạm đến Hoàng gia dường như là điều bất khả thi. Khi Chính phủ để điều đó xảy ra thì cũng sẽ đồng nghĩa với việc phải ra đi hoặc nếu muốn tồn tại thì cần thay đổi để ổn định tình hình. Để cứu vãn tình thế, Chính quyền Prayuth tuyên bố có thể đưa ra những nhượng bộ ở mức độ hạn chế trước các yêu cầu cải cách, nhưng dự thảo này đã bị đảng cầm quyền của Thái Lan, đảng Quyền lực nhà nước nhân dân (PPRP), và các thành viên của Thượng viện bác bỏ với tỷ lệ áp đảo 473/206. Đây là lần thứ hai trong gần một năm Nghị viện Thái Lan, nơi các nhà lập pháp bảo hoàng chiếm đa số, bỏ phiếu chống lại các đề xuất nhằm sửa đổi Hiến pháp do quân đội soạn thảo.
Dư luận về sự trở về của Cựu Thủ tướng lưu vong Thaksin Shinawatra ở Thái Lan: Năm 2006, chính quyền của Thaksin bị lật đổ, năm 2008, cựu Thủ tướng Thái Lan buộc phải sống lưu vong. Năm 2014, em gái của cựu Thủ tướng Thaksin cũng chung số phận. Cuộc đảo chính năm 2014 đã loại bỏ Yingluck, em gái của Thaksin và là nhân vật đại diện cho ông trong chính giới. Sau 14 năm sống lưu vong của người anh và 8 năm của người em gái cùng là cựu Thủ tướng, dòng họ danh gia vọng tộc của Thái Lan đang có hy vọng trở lại chính trường. Tháng 6/2021, trong một cuộc thảo luận trực tuyến, Thaksin đã cam kết với những người ủng hộ rằng ông sẽ không chỉ quay trở lại Thái Lan mà còn đi qua “cửa trước sân bay Suvarnabhumi (Bangkok)”. Sự kiện trên ngay lập tức được giới phân tích bình luận, “Quốc vương Vajiralongkorn có thể xem xét lệnh ân xá cho Thaksin”. Nếu đúng, đây không chỉ là sự kiện gây chấn động chính trường về phương diện chính quyền mà còn là một thay đổi lớn về mối quan hệ giữa Hoàng gia, phe Bảo hoàng với phe dân chủ trên đất nước Thái Lan.
Dự báo về chính trường Thái Lan thời gian tới
Chính trường Thái Lan thời gian tới phụ thuộc nhiều vào phán quyết của Tòa án Hiến pháp về thời điểm mà Tướng Prayuth Chanocha được coi là bắt đầu làm Thủ tướng Thái Lan theo Điều 158 của Hiến pháp Thái Lan năm 2017, cũng như quan điểm của Quốc vương Vajiralongkorn về sự trở về của cựu Thủ tướng lưu vong Thaksin Shinawatra.
Một là, phán quyết của Tòa Hiến pháp sẽ có 3 khả năng xảy ra: (1) Nếu Tòa phán quyết Prayuth Chanocha được coi là bắt đầu làm Thủ tướng Thái Lan từ 24/8/2014 thì sự nghiệp chính trị trên cương vị cao nhất chính quyền của Prayuth Chanocha kết thúc. Ông chỉ có thể trở lại nắm quyền khi Hiến pháp Thái Lan được sửa đổi. (2) Trường hợp Tòa nhận định, Chanocha nắm quyền từ năm 2017 (khi Hiến pháp 2017 có hiệu lực), Chanocha sẽ trở lại cầm quyền và có thể kéo dài đến năm 2025. (3) Nếu được phán quyết thời điểm làm Thủ tướng của Chanocha từ sau bầu cử năm 2019 và thắng cử trong cuộc bầu cử vào năm 2023 tới đây, Tướng Lục quân có thể nắm quyền cho đến năm 2027.
Hai là, Tướng Prayuth không được phép trở lại nắm quyền và Quốc vương Vajiralongkorn ân xá, cựu Thủ tướng lưu vong Thaksin Shinawatra trở về Thái Lan.
Theo giới bình luận quốc tế, trong trường hợp này, đảng Vì nước Thái (PTP) và các đồng minh phải giành được chiến thắng vang dội trước liên minh cầm quyền trong cuộc bầu cử, có khả năng mở đường để Quốc vương Vajiralongkorn ân xá cho Thaksin trở lại Thái Lan. Dòng họ “danh gia vọng tộc” này có nhiều cơ hội trở lại nắm quyền và thực hiện nốt những gì còn giang dở ở những nhiệm kỳ trước. Tuy nhiên, điều quan trọng là “Thaksin và các thành viên khác trong gia đình Shinawatra hòa giải được với nhiều bên liên quan và những người có vai trò quan trọng trong quân đội như thủ lĩnh Thanathorn, giới tinh hoa Bangkok và cuối cùng là Hoàng gia” như giới phân tích nhận định.
Ba là, Prayuth Chanocha tiếp tục nắm quyền, trong khi Quốc vương Vajiralongkorn ân xá cho cựu Thủ tướng lưu vong Thaksin Shinawatra trở về Thái Lan.
Đây là kịch bản phức tạp và sẽ dẫn đến tranh chấp gay gắt trên chính trường Thái Lan khiến nguy cơ bất ổn ngày càng dữ dội. Các nhà bình luận quốc tế cho rằng, nếu Tòa Hiến pháp cho phép Tướng Chanocha tiếp tục nắm quyền thì Quốc vương Vajiralongkorn sẽ không ân xá cho cựu Thủ tướng lưu vong Thaksin, nếu không, thể chế Quân chủ lập hiến ở Thái Lan sẽ suy tàn. Đây là điều mà Hoàng gia cũng như phe Bảo hoàng không bao giờ mong muốn.■
Nguyễn Đình Thiện & Phạm Hồng Minh
(Theo Tạp chí Phương Đông)