Trung Đông: Mỹ - Nga cạnh tranh không hồi kết

Một trong những sự kiện quốc tế được dư luận và các nhà quan sát hết sức quan tâm trong thời gian giữa tháng 7 là chuyến thăm Trung Đông của hai Tổng thống Mỹ J. Biden và Tổng thống Nga V. Putin.

Đây là lần đầu tiên Tổng thống Hoa Kỳ đến thăm khu vực này kể từ khi cầm quyền. Với ông Putin đây cũng là chuyến xuất ngoại đầu tiên tại một nước ngoài khu vực Liên Xô cũ kể từ khi Nga tiến hành cuộc chiến tại Ukraine tháng Hai năm nay.

Chuyến viếng thăm vùng Trung Đông của hai nguyên thủ hai cường quốc vào thời điểm họ đang đối đầu nhau ở Ukraine và chỉ cách nhau đôi ba ngày tại khu vực nhạy cảm này đã truyền tải rất nhiều thông điệp và có tác động sâu sắc đến bàn cờ chiến lược tại Trung Đông.

Thể hiện ưu tiên đối ngoại

Ông Biden đã đến thăm Israel, Bờ Tây và Ả rập Xê út từ ngày 13 đến 16/7/2022. Mục tiêu trực tiếp là tác động vào việc hạ nhiệt giá dầu cho cuộc khủng hoảng và thúc đẩy quan hệ giữa Israel và các nước khu vực.

Tại Israel, theo sáng kiến của Hoa Kỳ, lần đầu tiên Hội nghị thượng đỉnh giữa bốn nước I2U2 (Israel, Ấn Độ, Hoa Kỳ và Các Tiểu Vương Quốc Ả rập Thống nhất) được tổ chức trực tuyến. Tại Ả rập Xê út, ông Biden đã có cơ hội để gặp gỡ lãnh đạo của 9 nước Trung Đông là Ả Rập Xê Út, Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, UAE, Ai Cập, Jordan và Iraq. Bốn trong số 9 quốc gia trên (Saudi Arabia, UAE, Kuwait, Iraq)  là thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), sản xuất 30% lượng dầu trên toàn thế giới.

Theo thông tin, 18 thỏa thuận hợp tác thuộc các lĩnh vực không gian, đầu tư, năng lượng và y tế đã được ký với Ả rập Xê út, phù hợp với kế hoạch “Tầm nhìn 2030” của Saudi Arabia.

Trong cuộc gặp với gặp các lãnh đạo Palestine tại Bờ Tây, ông Biden cũng khẳng định lại cam kết giải pháp “hai nhà nước” cho cuộc xung đột Israel – Palestine, nhằm giảm nhẹ các bất đồng với Palestine.

Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp Thái tử Ả-rập Xê-út Mohammed bin Salman tại Cung điện Al-Salam, ngày 15/7/2022. Ảnh: AFP

Chỉ ba ngày sau khi Tổng thống Biden kết thúc chuyến thăm tại Trung Đông, Tổng thống Nga Vladimir Putin đến Teheran, thủ đô Iran, dự cuộc họp thượng đỉnh Nga – Iran – Thổ Nhĩ Kỳ với mục tiêu công khai là tìm kiếm một giải pháp chính trị ở Syria. Tuy nhiên mục tiêu cao nhất chính là thúc đẩy mối quan hệ hợp tác về quân sự với Iran thông qua việc hoàn tất việc đặt mua hàng trăm máy bay chiến đấu không người lái của Teheran, tranh thủ lôi kéo sự ủng hộ của Iran với chiến dịch chống phương Tây của Nga.

Nhìn lại chính sách của Hoa Kỳ và Nga tại Trung Đông

Chính sách của Hoa Kỳ tại Trung Đông có sự điều chỉnh nhưng mâu thuẫn và không theo kịp sự phát triển của tình hình. Thời kỳ Chiến tranh lạnh họ duy trì  “Chiến lược tái cân bằng từ xa”, không tham gia trực tiếp vào các cuộc xung đột quân sự. Sau thời kỳ Chiến tranh lạnh họ bắt đầu triển khai “Chiến lược can dự trực tiếp” thông qua Kế hoạch Đại Trung Đông, gây ra nhiều bất ổn tại khu vực.

Tuy nhiên, kể từ sau năm 2010, Hoa Kỳ thi hành chính sách giảm bớt sự can dự vào Trung Đông, không can thiệp trực tiếp vào các cuộc xung đột quân sự với quy mô lớn. Tổng thống Donald Trump đã có một số bước triển khai chính sách khá táo bạo vào thời gian cuối nhiệm kỳ: Rút quân khỏi Syrie, thúc đẩy hòa giải giữa Israel và Palestine cũng như với các quốc gia Ả rập. Rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Nga và Đức). Gây áp lực tối đa đối với Iran, đẩy quan hệ Mỹ – Iran xuống mức thấp nhất và khiến Iran ngày càng đẩy mạnh chương trình hạt nhân.

Từ khi lên cầm quyền, Tổng thống Biden đã có một số điều chỉnh, tuyên bố khôi phục lại thỏa thuận hạt nhân với Iran, ủng hộ “Phương án Hai nhà nước” trong vấn đề Israel và Palestine. Tuy nhiên, về cơ bản vẫn không có nhiều thay đổi và tiếp tục triển khai chính sách mâu thuẫn, gây tranh cãi ngay trong nội bộ nước Mỹ.

Trái ngược với Hoa Kỳ, Nga triển khai chính sách Trung Đông một cách tương đối nhất quán, theo hướng ngày càng tăng cường sự hiện diện cũng như tăng cường ảnh hưởng ở những quốc gia đang bị Mỹ cô lập.

Kể từ  năm 2010, sau khi Mỹ và phương Tây tiến hành chiến dịch “Mùa Xuân Ả – rập” tại Lybie, Syrie, thì Nga đã có những động thái cho thấy họ sẽ không khoan nhượng và sẽ “không để mất” các đồng minh khu vực vào vòng tay của NATO và phương Tây như những năm 90 của thế kỷ trước khi một loạt các nước Đông Âu gia nhập NATO. Bên cạnh đó, Nga hỗ trợ về lương thực, thực phẩm cho các nước là thành viên chủ chốt của OPEC, chính vì thế Nga đã chiếm được sự tin cậy của các nước trong khối Ả Rập.

Với chính sách ngoại giao khu vực khéo léo và bền bỉ, liên tục tổ chức các chuyến thăm cấp cao, Nga dần dần khôi phục ảnh hưởng ở Trung Đông. Họ củng cố quan hệ với các nước trong khu vực thông qua các chương trình hợp tác chống lại các mối đe dọa an ninh, đặc biệt là chủ nghĩa cực đoan và khủng bố. Với ưu thế về quân sự và những bước đi khôn ngoan trong vấn đề Syrie, Ả Rập Xê-út, Nga đã xoay chuyển được tình hình theo hướng có lợi cho Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan tại Tehran, ngày 19/7/2022. Ảnh: AP

Các cường quốc gia tăng ảnh hưởng và cạnh tranh

Trung Đông vốn là một khu vực luôn nhạy cảm, là điểm nóng trên bàn cờ quốc tế và cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc, đặc biệt là Mỹ và Nga từ nhiều thập kỷ. Cuộc chiến Ukraine đã bộc lộ rõ rệt hơn bao giờ hết những mâu thuẫn sâu sắc và tiềm ẩn giữa hai cường quốc.

Tại Trung Đông hiện đang hình thành hình thái tập hợp lực lượng, nổi bật là  tam giác an ninh Mỹ – Israel – Ả Rập Xê Út và trục Nga – Iran. Các hoạt động ngoại giao dồn dập của Mỹ và Nga thời gian qua phản ánh cuộc cạnh tranh, đọ sức lâu dài và ngày càng gay gắt giữa hai cường quốc và các bên liên quan.

Chuyến thăm của hai nguyên thủ Mỹ, Nga  đều không nằm ngoài mục đích lôi kéo thêm đồng minh, tập hợp lực lượng, tăng cường hợp tác mang tính chiến lược để có thể giành ưu thế tuyệt đối tại Trung Đông. Từ đó, thể hiện quyền lực và mở rộng hơn nữa phạm vi ảnh hưởng trong thời gian trước mắt và lâu dài.

Quốc gia nào càng lôi kéo, tập hợp được nhiều đồng minh khu vực hơn thì càng có nhiều cơ hội để làm chủ cuộc chơi, đặc biệt trong bối cảnh phức tạp của cuộc chiến tại Ukraine.

Tuy nhiên với mỗi quốc gia lại có những mục tiêu nổi trội vì lợi ích của mình.

Với Mỹ

Chính quyền của ông Biden đang thể hiện quyết tâm cũng như những nỗ lực to lớn để định vị lại vai trò tại khu vực, khôi phục lại ảnh hưởng và thể hiện cam kết lâu dài. Ông Biden đã tuyên bố ngay khi mới đến rằng “Chúng tôi sẽ không bỏ đi và để lại khoảng trống ở Trung Đông cho Nga, Trung Quốc hay Iran. Mỹ sẽ vẫn là một đối tác tích cực gắn bó ở Trung Đông”.

Mỹ đang dần điều chỉnh chiến lược tại Trung Đông phục vụ cho các mục tiêu kinh tế, an ninh, chính trị và ngoại giao. Theo đó họ thúc đẩy hơn sự hợp tác khu vực, tập trung vào những mắt xích quan trọng nhất để chống lại các thách thức đến từ trục Iran và Nga và cả Trung Quốc.

Trước mắt, Mỹ sẽ cần phải kích hoạt lại các liên minh hiện đang rất lỏng lẻo. Nếu cần thiết, họ có thể đảo ngược chính sách, như với trường hợp của Ả rập Xê út.

Một trong những mục tiêu quan trọng của Mỹ là an ninh và sự hòa nhập của Israel với các quốc gia Ả Rập. Hơn nữa Israel có thế mạnh về lĩnh vực này. Việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở Trung Đông để chống lại các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa của Iran là cần thiết cho cả ba quốc gia.

Việc cải thiện quan hệ với Ả Rập Xê út, quốc gia dầu lửa, có tầm ảnh hưởng to lớn tại Trung Đông cũng như tại khối OPEC sẽ đem lại nhiều lợi thế cho Mỹ trong việc trừng phạt Nga. Ả rập Xê út cũng là  một mắt xích quan trọng trong mục tiêu hòa giải mối quan hệ giữa  Israel và Ả rập Xê út cũng như với các nước Ả rập khác, phục vụ lợi ích  của Mỹ.

Thời gian qua, việc nhiều nước Ả Rập, đặc biệt hai đồng minh thân cận như Ả Rập Xê Út và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập thống nhất, hai quốc gia mà Mỹ duy trì căn cứ quân sự và có nhiều lợi ích nhưng lại không ủng hộ lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nga đã cảnh tỉnh và buộc chính quyền của Tổng thống Biden phải điều chỉnh lại chính sách theo hướng làm sao dung hòa các lợi ích của Mỹ với lợi ích của các quốc gia trong khu vực, làm yên lòng và trấn an các quốc gia Ả rập. Cho dù có một số dấu hiệu khởi sắc trong quan hệ giữa Mỹ với Ả rập Xê út và các quốc gia khu vực nhưng vẫn còn đó nhiều thách thức sau thời gian dài rạn nứt và thiếu tin tưởng lẫn nhau.

Chuyến thăm của ông Biden được đánh giá là chưa đạt mục tiêu trực tiếp vì chưa thuyết phục các nước khu vực về tăng cường  sản lượng dầu hỏa. Tại cuộc họp của OPEC+ ngày 3/8 vừa qua, các nước trong khối đã nâng sản lượng dầu, nhưng vẫn còn xa với chờ đợi của phía Mỹ. Mỹ cũng không tìm kiếm được sự ủng hộ Mỹ và đồng minh trừng phạt Nga.

Mặt khác, Các nước Ả rập (đặc biệt vùng Vịnh) vẫn còn nghi ngờ, lo ngại khi có nhiều dấu hiệu cho thấy Mỹ vẫn có khả năng tiếp tục chính sách không bền vững, can dự, và vẫn duy trì một số lượng lớn quân tại Trung Đông, đe dọa an ninh trong vùng. Họ vẫn trông đợi Mỹ thể hiện một cách cụ thể, rõ ràng và sẵn sàng hơn nữa trong việc bảo vệ an ninh khu vực.

Về vấn đề an ninh khu vực, nhiều nhà quan sát còn cho rằng, tuy Mỹ tuyên bố mục tiêu ngăn chặn Iran sở hữu vũ khi hạt nhân nhưng trên thực tế Mỹ chỉ sử dụng Iran như một đòn bẩy để tập hợp lực lượng và tiến tới xây dựng một cấu trúc an ninh do họ dẫn dắt trong cuộc cạnh tranh đia chiến lược với Nga và Trung Quốc.

Với Nga

Trong bối cảnh quan hệ giữa Nga với phương Tây ngày càng xấu đi, họ đã điều hướng sang các khu vực như Trung Đông và Bắc Phi (MENA) không phụ thuộc vào Mỹ và Tây Âu. Mục tiêu nổi bật nhất là để thúc đẩy kinh tế và đặc biệt bảo vệ an ninh ở dọc biên giới phía Nam.

Khu vực này càng trở nên quan trọng và hữu dụng khi Nga tiến hành cuộc chiến tại Ukraine và tận dụng các tuyến hàng không đến Dubai hoặc các tuyến hàng hải từ St. Petersbourg đến Mumbai qua Iran và Caspi để thay thế cho tuyến đường thương mại truyền thống qua các biên giới của châu Âu Baltic và Biển Đen.

Bên cạnh đó họ tăng cường quan hệ với các quốc gia sản xuất dầu khí lớn trên thế giới, trao đổi về các biện pháp hỗ trợ giá năng lượng. Nga duy trì được mối quan hệ hai bên cùng có lợi, thực dụng với nhóm OPEC cũng như với một số quốc gia Ả rập quan trọng trong đó có Iran, Quatar, UAE… tạo nên sức mạnh cho Nga trả đũa lệnh trừng phạt năng lượng của EU.

Chính sách cạnh tranh với phương Tây của Nga tại khu vực còn thể hiện rõ ràng qua việc họ đầu tư cả về chính trị, kinh tế và hợp tác khoa học kỹ thuật với các nước khu vực để khuyến khích các quốc gia Ả rập tham gia khối BRICS (các nền kinh tế mới nổi, gồm 5 quốc gia thành viên là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) hoặc SCO (Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, gồm Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Pakistan, Tajikistan và Uzbekistan). Cùng với Trung Quốc, Nga đầu tư công sức để hai thể chế này sẽ trở thành có khả năng giữ vai trò như một nền tảng kinh tế và an ninh hàng đầu trên thế giới và ở khu vực Âu – Á.

Chiến lược Trung Đông khôn khéo đã giúp Nga có vai trò quan trọng tại Trung Đông. Từ nhiều thập kỷ nay họ đã theo đuổi chính sách củng cố quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Đây là hai quốc gia được coi như những trung tâm quyền lực trong bàn cờ địa chính trị tại Trung Đông và thế giới. Nga tận dụng quan hệ này để chống lại chủ nghĩa đơn cực của Mỹ.

Với Nga, liên minh hợp tác quân sự Nga – Iran đang trở thành nhu cầu cấp thiết để đối trọng với  tam giác sức mạnh Mỹ – Israel – Saudi, qua đó Nga can dự sâu hơn ở Trung Đông. Iran rất cần sự ủng hộ của Nga để gây áp lực, buộc Mỹ phải khôi phục thỏa thuận hạt nhân (JCPOA) năm 2015, dỡ bỏ cấm vận với Iran. Hơn nữa,  gắn kết với Nga sẽ giúp Iran “cân bằng sức mạnh với Mỹ và các nước đối địch trong Vùng Vịnh”.

Với những hoạt động trong thời gian qua, ông Putin muốn chứng minh cho thế giới thấy rằng Nga không bị cô lập, vẫn duy trì ảnh hưởng ở vùng Vịnh. Ngoài Iran, Nga còn tranh thủ được sự “không phản đối” công khai của nhiều quốc gia Ả rập đối với cuộc chiến mà họ tiến hành ở Ukraine. Hơn nữa, Nga đã đạt được mục tiêu là ký kết được các thỏa thuận hợp tác với Iran đầu tư khai thác dầu khí trị giá 40 tỉ đô la. Trong lĩnh vực quân sự, Iran đồng ý bán cho Nga một số lượng lớn máy bay không người lái UAV, đào tạo các sĩ quan Nga. Điều này sẽ giúp Nga có khả năng thay đổi cục diện chiến trường tại Ukraine. Iran cũng được hưởng lợi không kém khi có những hợp đồng nặng ký với Nga để đối phó lại lệnh trừng phạt của Mỹ.

Tuy nhiên, những thách thức với Nga tại khu vực này cũng không nhỏ. Nó nằm ngay trong lợi ích của từng quốc gia. Nga và Iran có mối liên kết chặt chẽ, nhưng đây lại là hai quốc gia đang cạnh tranh về xuất khẩu dầu mỏ. Việc Trung Quốc tăng mua dầu giá rẻ từ Nga đã ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của Iran.

Chính vì thế, Nga cũng có bước đi thận trọng bởi lẽ có nhiều dấu hiệu cho thấy Iran cần sức mạnh kinh tế và thị trường của phương Tây hơn của Nga. Iran vẫn mong đợi thỏa thuận hạt nhân được khôi phục tuy bề ngoài họ có nhiều tuyên bố cứng rắn.

Bên cạnh đó cũng cần thấy một thách thức không nhỏ nữa cho Nga đó là mâu thuẫn giữa Thổ Nhĩ kỳ và Nga đối với ý đồ của Thổ Nhĩ Kỳ  mong muốn mở rộng hành lang an toàn dọc biên giới với Syria. Chính vì thế Nga cần có cam kết cụ thể và cân bằng chính sách nếu họ muốn duy trì quan hệ tốt với quốc gia này, đảm bảo cho lực lượng quân sự của Nga ở Biển Đen. Đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia mà hiện các bên Nga, Ukraine, Mỹ, phương Tây đều cần tính đến mặc dù nước này không ủng hộ lệnh trừng phạt Nga của các nước phương Tây. Thổ Nhĩ Kỳ đã thành công khi đứng ra làm trung gian cho việc đảm bảo xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine.

Tóm lại, trong cuộc đọ sức tại Trung Đông hiện nay có thể thấy cán cân lực lượng và cục diện địa chiến lược đang nghiêng về hướng thuận hơn cho Nga. Nếu như trong quá khứ, Nga vốn bị coi là “ở thế yếu hơn” thì nay tình hình đã thay đổi. Nga đã có những bước đi được coi là đảo ngược tình thế. Nga đã triển khai chiến lược can dự từng bước, chắc chắn, cân bằng, lấp khoảng trống do Mỹ để lại.

Chính chiến lược Trung Đông khôn khéo đang giúp Nga định hình trật tự thế giới mới tại khu vực. Trái ngược với sự quay trở lại một cách mạnh mẽ của Nga thì vai trò của Mỹ ở Trung Đông mang tính chất trồi sụt. Bên cạnh đó quan hệ giữa Hoa Kỳ với các nước đồng minh cũng như vai trò của Hoa Kỳ trong xử lý các cuộc xung đột tại khu vực bị suy giảm rõ rệt do chính sách đối ngoại bất định của các đời Tổng thống Mỹ.

Trung Đông là một bài toán khó. Đây là một khu vực vô cùng nhạy cảm và phức tạp, khó định đoán bởi nhiều yếu tố kinh tế, tôn giáo, lịch sử, các xu hướng chính trị giằng xéo nhau. Cao hơn tất cả, đây là khu vực bị tác động và ảnh hưởng mạnh mẽ bởi các cuộc mặc cả, tham vọng và cạnh tranh không ngừng của các cường quốc.

Một Trung Đông ổn định chắc chắn không phụ thuộc vào bất cứ cường quốc nào mà ở chính sự sáng suốt lựa chọn đường đi của các quốc gia trong khu vực. Họ cần có một chính sách cân bằng, linh hoạt và phải tính đến nguyện vọng của chính những người dân tại đây; không đứng về bên nào nhưng cần hợp tác, tạo sức mạnh an ninh tập thể để giải quyết các cuộc xung đột giữa các quốc gia, bảo đảm an ninh trong vùng.■

Nguyên Mi

(Theo Tạp chí Phương Đông)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN