Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ra đời ngày 4/4/1949 khi cuộc Chiến tranh Lạnh mới bắt đầu trong bối cảnh trật tự thế giới đã được định đoạt tại Hội Nghị Yalta năm 1945, Mỹ thực hiện kế hoạch Marshall để vực dậy kinh tế châu Âu bị tàn phá nặng nề trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai.
Trước khi Chiến tranh Thế giới thứ Hai kết thúc, nguyên thủ ba nước Anh, Liên Xô và Mỹ đã họp tại Yalta từ ngày 4 đến ngày 11/2/1945. Các nước tham gia đã có nhiều thoả thuận, đặc biệt là phân chia phạm vi ảnh hưởng giữa các nước chiến thắng. Theo đó, Liên Xô chiếm đóng và kiểm soát vùng Đông nước Đức; vùng Tây nước Đức và Tây Âu thuộc phạm vi ảnh hưởng của Mỹ, Anh. Đây là trật tự tồn tại ở châu Âu trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Nhằm tăng cường ảnh hưởng đối với các nước Tây Âu, tháng 6/1946, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ thông báo thực hiện chương trình viện trợ lớn trị giá 17 tỷ đô la nhằm phục hồi kinh tế Tây Âu.
Trong những năm đó đã có những đề xuất tổ chức liên minh tập thể. Tháng 3/1947, hai nước Pháp và Anh ký Hiệp ước Liên minh và Tương hỗ (còn gọi là Hiệp ước Dunkirk) do lo ngại Liên Xô tấn công. Năm 1948, liên minh này mở rộng bao gồm thêm ba nước Bỉ, Hà Lan và Luch-xăm-bua và được gọi là Tổ chức Hiệp ước Brúc-xen. Từ giữa năm 1947 các nước bắt đầu thảo luận về một liên minh quân sự mới bao gồm cả Ca-na-da và Mỹ phù hợp với Học thuyết Truman (ngăn chặn ảnh hưởng của Liên Xô). Điều này đã dẫn đến việc ký kết Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương ngày 4/4/1949.
Điều mấu chốt của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương là Điều 5 về phòng thủ tập thể. Điều 5 của Hiệp ước nêu rõ: “Các bên đồng ý rằng cuộc tấn công vào một hay nhiều nước thành viên ở châu Âu hoặc ở Bắc Mỹ sẽ được coi là cuộc tấn công chống lại tất cả các nước thành viên. Thực hiện quyền tự vệ tập thể hay của mỗi nước được Điều 51 Hiến chương Liên hợp quốc công nhận, mỗi nước sẽ giúp đỡ các bên bị tấn công, với tư cách cá nhân hay phối hợp với bên khác thông qua biện pháp được mình coi là cần thiết, kể cả việc sử dụng vũ lực để khôi phục và duy trì an ninh của khu vực Bắc Đại Tây Dương”.
Ban đầu khi Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương được ký kết chỉ có 12 quốc gia tham gia (Canada, Mỹ, Anh, Bỉ, Bồ Đào Nha, Đan Mach, Hà Lan, Iceland, Italya, Luxembourg , Nauy, Pháp). Tuy nhiên, Tổ chức này cũng không có hoạt động gì nhiều cho đến chiến tranh Triều Tiên năm 1951. Khi chiến tranh nổ ra các nước thành viên NATO đã coi cuộc tấn công của Bắc Triều Tiên là hành động xâm lược do Mạc Tư Khoa chỉ đạo và đã nhanh chóng hợp nhất lực lượng của mình đặt dưới sở chỉ huy tập trung tại Bỉ. Mỹ tăng cường quân số của mình ở châu Âu. Vào đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh, 450.000 quân Mỹ đóng ở châu Âu.
Dưới “ô an ninh” của Mỹ, NATO đã nhanh chóng phát triển kết nạp thêm Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ năm 1952, Cộng hoà Liên bang Đức năm 1955, Tây Ban Nha năm 1982. Năm 1990 khi Cộng hoà Dân chủ Đức sáp nhập vào Cộng hoà Liên bang Đức, NATO và Liên Xô đã thoả thuận cho phép nước Đức thống nhất gia nhập NATO theo quy chế thành viên NATO của Cộng hoà Liên bang Đức. Như vậy, việc mở rộng NATO phù hợp với Điều 10 của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương không có khó khăn gì do cán cân lực lượng vẫn thuận cho Mỹ và NATO.
Điều 10 của Hiệp ước nêu rõ: “Các bên ký kết… có thể mời bất cứ nước châu Âu nào khác có khả năng thúc đẩy hơn nữa nguyên tắc của Hiệp ước này cũng như đóng góp cho an ninh khu vực Bắc Đại Tây Dương tham gia Hiệp ước”. Như vậy, NATO hoạt động theo nguyên tắc phòng thủ tập thể và là một tổ chức mở.
Trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh, dàn xếp phòng thủ tập thể của NATO đã tạo “ô hạt nhân” Mỹ cho Tây Âu. Trong những năm 1950, học thuyết đầu tiên của NATO là “đánh trả hàng loạt” được đề xuất. Theo học thuyết này thì nếu một thành viên NATO bị tấn công, thì Mỹ sẽ đáp lại bằng một cuộc tấn công hạt nhân quy mô lớn. Điều này khẳng định lại Điều 5 của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương. Đây cũng là lời răn đe có hiệu quả của Mỹ đối với Liên Xô.
Tuy nhiên, sau khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu tan rã, một số nước Đông Âu đã xin gia nhập NATO. Điều này khiến Nga phản đối vì Nga cho rằng các nước này nằm trong khu vực ảnh hưởng của Nga. Năm 1996, Tổng thống Mỹ Bill Clinton kêu gọi các nước thành viên của của khối Warszawa và các nước cộng hoà của Nga trước đó gia nhập NATO và thành phần cốt yếu của chính sách đối ngoại của Bill Clinton là mở rộng NATO. Boris Yeltsin, tổng thống đầu tiên của nước Nga sau thời kỳ Xô-viết đã nói với các nhà báo tại một cuộc họp báo chung với Bill Clinton năm 1997 là: “Chúng tôi cho rằng việc mở rộng NATO ra phía đông là một sai lầm và hơn nữa là một sai lầm nghiêm trọng”.
Trên thực tế, Ba Lan, Hunggari và Công hoà Séc gia nhập NATO năm 1999 bất chấp sự phản đối của Nga. Bẩy nước Trung và Đông Âu là Bungari, Estonia, Latvia, Lít-va, Rumani, Slovakia và Slovenia được mời thảo luận việc gia nhập tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở Praha năm 2002 và gia nhập NATO ngay trước Hội nghị Thượng đỉnh Istanbul năm 2004. Anbani và Croatia gia nhập vào ngày 01/4/2009 ngay trước Hội nghị Thượng đỉnh Strasbourg-Keln. Hai nước gia nhập gần đây nhất là Montenegro vào ngày 05/6/2017 và Bắc Macedonia và ngày 27/3/2020. Từ 17 thành viên năm 1990, NATO không ngừng mở rộng và hiện đã có 30 thành viên.
Từ năm 1991 đến nay, quá trình mở rộng NATO vẫn liên tục gặp phải sự phản đối của Nga. Tại Hội nghị An ninh ở Munich năm 2007, Tổng thống Nga V. Putin cáo buộc NATO thất hứa khi mở rộng NATO ra phía Đông, đặc biệt là các nước vùng Baltic năm 2004. V Putin đã hỏi các đại biểu tham dự hội nghị: “Điều gì đã xẩy ra với những lời bảo đảm các đối tác phương Tây đã đưa ra sau khi khối Hiệp ước Warszawa giải tán?” Câu hỏi này cũng là lần cuối cùng ông V. Putin lịch sự yêu cầu NATO phải tính toán lại.
Mở rộng NATO làm căng thẳng thêm quan hệ giữa một bên là Mỹ và các nước NATO, và một bên là Nga. Biểu hiện rõ nhất là việc Nga công nhận và giúp đỡ hai nước công hoà tự trị của Gru-dia là Nam Ossetia và Abkhazia năm 2008.
Hơn nữa, do những tính toán địa chiến lược và tham vọng của mình, Nga nghi ngờ mục đích hệ thống bảo vệ chống tên lửa của NATO được xác lập năm 2016 ở Rumani và Balan. Những năm sau đó, Nga dần chuyển từ nghi ngờ sang phản đối mạnh mẽ NATO mở rộng ra phía đông, đặc biệt là Ukraine. Hội nghị Thượng đỉnh NATO năm 2008 đã tuyên bố Ukraine sẽ có ngày trở thành thành viên NATO.
Tuy nhiên bước ngoặt trong quan hệ hai bên đã đến vào ngày 18/11/2014 khi Dmitry Peskov, người phát ngôn của Tổng thống Nga V. Putin kêu gọi phải có “lời bảo đảm 100% rằng không ai sẽ nghĩ là Ukraine sẽ gia nhập NATO”; hai ngày sau Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã bác bỏ lời kêu gọi này và cho đó là “vi phạm ý tưởng tôn trọng chủ quyền của Ukraine, một vấn đề nền tảng”.
Về phần mình, năm 2018, NATO thêm Ukraine vào danh sách các nước mong muốn trở thành thành viên (các nước khác có Bosnia và Herzegovina và Grudia). Cũng trong năm đó, Quốc hội Ukraine thông qua sửa đổi Hiến pháp coi việc gia nhập NATO và EU là mục tiêu trung tâm và mục đích chính của chính sách đối ngoại.
Sau khi lên làm Tổng thống ngày 20/5/2019, ông V. Zelenskyy đã đẩy mạnh cố gắng gia nhập NATO, đưa Ukraine gia nhập chương trình sử dụng chung vũ khí trong khuôn khổ đối tác với NATO. Ngày 14/9, ông thông qua Chiến lược an ninh quốc gia, tạo điều kiện để phát triển quan hệ đối tác với NATO. Tháng 10, ông V. Zelenskyy tuyên bố Ukraine cần gia nhập NATO vì điều đó sẽ đóng góp vào an ninh và quốc phòng Ukraine.
Tháng 02/2021, Tổng thư ký NATO khẳng định với Thủ tướng Ukraine rằng Ukraine là ứng cử viên của NATO. Phản ứng trước tuyên bố này, quân Nga bắt đầu tập trung ở biên giới với Ukraine. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine tuyên bố ưu tiên của Ukraine là đạt được kế hoạch hành động tham gia NATO trong năm 2021. Tình hình căng thẳng và dẫn đến xung đột giữa Nga và Ukraine từ ngày 24/2 vừa qua như chúng ta đã biết.
Trước ngày 24/2, Nga đòi NATO phải rút quân về phía Tây đường biên năm 1997, cắt đôi NATO vì 14 nước thành viên gia nhập từ năm 1999 đến năm 2020 đều nằm ở phía Đông châu Âu.
Cho đến nay, trong cuộc xung đột Nga – Ukraine, NATO vẫn tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine chống Nga. Nga đòi Ukraine phải trung lập (không gia nhập NATO). Về phần mình, Ukraine cũng đã nhiều lần tuyên bố sẽ giữ lập trường trung lập. Liệu NATO có thể tạo điều kiện cho Ukraine trung lập không? Đây là câu hỏi chưa thể trả lời ngay được. Tuy nhiên, lịch sử có thể là một chỉ dẫn quan trọng. Năm 1955, các cường quốc thắng trận trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai là Anh, Nga, Mỹ, Pháp đã ký một hiệp định bảo đảm trung lập vĩnh viễn cho Áo. Rõ ràng là một khi các nước thành viên NATO thấy rằng việc không kết nạp Áo sẽ tăng cường an ninh châu Âu thì họ vẫn có thể để Áo trở thành một nước trung lập.
Chắc chắn là việc NATO mở rộng giúp tạo điều kiện cần cho cuộc xung đột hiện tại giữa Nga và Ukraine, đẩy chính sách đối ngoại của Nga theo chiều hướng chống NATO và phương Tây. Nhiều nhà phân tích cho rằng đó là nguyên nhân chính dẫn đến cuộc xung đột.
Tuy nhiên, việc gia nhập NATO của Ukraine còn phải có sự đồng thuận của toàn bộ 30 nước thành viên. Điều này không phải là dễ dàng. Một vài nước thành viên NATO cho rằng chắc chắn Ukraine sẽ không bao giờ đủ tư cách làm thành viên. Trước ngày 24/2, ông Joe Biden và nhiều lãnh đạo NATO khác cũng đã tuyên bố Kyiv không đáp ứng tiêu chuẩn do nạn tham nhũng hoành hành.
Điều trớ trêu là cuộc xung đột Nga – Ukraine càng làm cho người dân Ukraine mong muốn trở thành thành viên NATO hơn. Ngay trong những ngày Nga tập trung quân ở biên giới trước ngày 24/2/, một điều tra dư luận cho thấy số người Ukraine muốn nước mình gia nhập NATO là hơn 60%, cao hơn tỷ lệ 50% trước năm 2014 khi Nga chiếm Crimea. Rõ ràng là việc Nga chiếm Crimea năm 2014 đã biến Nga thành mối đe doạ bên ngoài đối với sự thống nhất, chủ quyền và an ninh của Ukraine. Cuộc xung đột hiện tại lại làm người Ukraine thống nhất hơn và đẩy Ukraine về phía Mỹ và NATO hơn.
Trên bình diện quốc tế, cuộc xung đột này đã làm thay đổi thái độ của Thuỵ Điển và Phần Lan đối với việc gia nhập NATO. Thủ tướng Phần Lan cho rằng “ mọi thứ đều đã thay đổi” khi xung đột Nga – Ukraine xẩy ra, trong khi Thủ tướng Thuỵ Điển tuyên bố: “Sự khác nhau giữa đối tác và thành viên (NATO) là rất rõ ràng và sẽ vẫn như vậy. Không có cách nào khác để bảo đảm an ninh ngoài những biện pháp răn đe và phòng thủ chung của NATO phù hợp với Điều 5…”. Tổng Thư ký NATO trước đây vẫn tuyên bố hoan nghênh hai nước.
Như vậy, xung đột Nga – Ukraine chắc chắn sẽ không tạo điều kiện cho Nga củng cố khu vực ảnh hưởng của mình mà trái lại có thể dẫn đến điều kiện mới làm thay đổi hình thái địa chính trị ở châu Âu, đồng thời giúp cho ông J. Biden củng cố khối NATO từng bị chia rẽ, mâu thuẫn dưới thời ông Donald Trump cầm quyền. Chúng ta sẽ chờ xem tình hình sẽ thay đổi ra sao trong khối NATO sau cuộc chiến tranh Nga – Ukraine.■
Trần Bách
(Theo Tạp chí Phương Đông)