Nhìn từ cuộc chiến Ukraine: Một châu Âu mâu thuẫn và bất ổn

Ngay trong những tuần lễ đầu tiên hồi cuối tháng 2, khi Hoa Kỳ tuyên bố các biện pháp trừng phạt kinh tế Nga thì hầu hết các nước Tây Âu đã vượt qua sự chia rẽ thường trực, có phản ứng nhanh chóng, ủng hộ Hoa Kỳ. Mục tiêu cao nhất của các biện pháp này là cô lập Nga, làm Nga suy yếu và phải dừng cuộc chiến nhanh nhất có thể. Nhiều quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) lần đầu tiên trong lịch sử quyết định trợ giúp vũ khí quân sự cho Ukraine. Cho đến cuối tháng 5 vừa qua, EU đã sáu lần thông qua các gói trừng phạt, quan trọng nhất là cấm nhập dầu và khí đốt của Nga.

Cuộc chiến đã bước vào tháng thứ năm, và tình hình không còn nguyên vẹn như vậy khi những hệ lụy của cuộc chiến và lệnh trừng phạt đã lên đến đỉnh điểm khiến EU đang trở thành con tin của chính mình. Từ đó bộc lộ rõ rệt những mâu thuẫn.

Mâu thuẫn và phân cực

Mâu thuẫn nổi bật nhất dẫn đến chia rẽ ngày càng tăng đó là quan điểm về cách kết thúc cuộc chiến tại Ukraine và mục tiêu cuối cùng của cuộc chiến là gì? Tại châu Âu hiện tồn tại “hai phe” được gọi là “phe hòa bình” và “phe công lý”. Quan điểm của phe hòa bình là tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine song cần thúc đẩy để cuộc chiến kết thúc sớm, và nếu cần, có thể thỏa hiệp với Ukraine. Điển hình là Pháp, Đức, Italia, Síp, Hungary, vốn là những nước có quan hệ kinh tế hoặc lịch sử, tín ngưỡng gần Nga. Quan điểm này không hoàn toàn trùng hợp với quan điểm của Hoa Kỳ và Anh.

Bên cạnh đó, lập trường của phe công lý là cứng rắn. Theo đó “yêu cầu công lý phải được tôn trọng”. Phe này chủ trương cung cấp thật nhiều vũ khí và viện  trợ tài chính cho Ukraine để Ukraine có thể theo đuổi cuộc chiến đến cùng, đánh bại hoàn toàn Nga. Nhóm này bao gồm các nước vùng Baltic và Ba Lan.

Theo khảo sát được công bố cuối tháng sáu vừa qua của Hội đồng Quan hệ Quốc tế châu Âu (ECFR), thì 35% số người được hỏi ủng hộ phe hòa bình và 22% ủng hộ lập trường của phe công lý. Trên 20% số người được hỏi tỏ ra do dự nhưng ủng hộ các biện pháp của Liên minh châu Âu chống lại Nga.

Bên cạnh đó, chính phủ nhiều nước EU đang phải đối diện với nhiều mâu thuẫn nội tại. Tại hầu hết các quốc gia, dư luận tuy lên án Nga gay gắt, nhưng mặt khác cũng phản ứng sâu sắc trước việc các chính phủ tập trung quá nhiều tiền của vào Ukraine, bỏ qua những vấn đề mà quốc gia đang gặp phải như lương thực, năng lượng và lạm phát. Hơn nữa, một số thành viên châu Âu (đặc biệt các nước nhỏ) cảm thấy bị thiệt thòi vì lợi ích kinh tế và an ninh bị tác động mạnh khi phải tham gia vào lệnh trừng phạt kinh tế Nga. Một số nước EU còn cho rằng có sự bất bình đẳng, khi EU có “những quyết định mang tính ngoại lệ” trong lộ trình triển khai các biện pháp trừng phạt cấm nhập dầu của Nga.

Khối Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO), cho dù 30 nước thành viên đã thống nhất được với nhau về việc tiếp tục cung cấp vũ khí ngày càng hiện đại hơn cho Ukraine để “quyết tâm làm thất bại Nga” nhưng lại mâu thuẫn ở việc không định lượng được sẽ cung cấp bao nhiêu vũ khí cho đủ khi tình hình chiến trường tại Ukraine không hề sáng sủa và cuộc chiến vẫn kéo dài. Nhiều nước tỏ ra mệt mỏi.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phát biểu mở đầu cuộc đàm phán Nga – Ukraine tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 29/3/2022. Ảnh: AFP

Một mâu thuẫn nữa không thể không đề cập đến đó là cho đến nay, một số thành viên của khối G20 đã không lên án Nga tấn công Ukraine, không ủng hộ các biện pháp do Hoa Kỳ và phương Tây kêu gọi loại Nga ra khỏi G20, không ủng hộ trừng phạt kinh tế Nga. Chính điều này làm cho G20 “không có được một vai trò cần phải có” trong quá trình tìm kiếm một giải pháp cho Ukraine.

Trong khi đó, bản thân Hoa Kỳ là quốc gia khởi xướng các lệnh trừng phạt Nga cũng thể hiện mâu thuẫn trong cách tiếp cận mập mờ của họ. Một mặt Hoa Kỳ lên án Nga cao độ, tỏ ra cứng rắn, tiếp tục các biện pháp trừng phạt, nhưng mặt khác tỏ ra thận trọng, tránh kích động, tạo cớ cho Nga leo thang cuộc chiến. Hoa Kỳ đặc biệt lo ngại về nguy cơ chiến tranh hạt nhân. Lãnh đạo Hoa Kỳ nhiều lần tuyên bố không tạo điều kiện cho Ukraine “tấn công ngoài biên giới”. Với Ukraine, Hoa Kỳ hỗ trợ ở mức cao nhất nhưng luôn luôn muốn tránh tạo cảm giác đang “ép” Ukraine phải có nhượng bộ về lãnh thổ.

 Cần một giải pháp ngoại giao

Cuộc chiến tại Ukraine đã bước vào tháng thứ năm. Cả hai phía Nga và Ukraine đều không nhượng bộ. Chưa có dấu hiệu nào về một giải pháp ngoại giao có thể chấp nhận được. Sự bế tắc trong cuộc chiến đang có nguy cơ biến Ukraine thành một bãi chiến trường bị sa lầy tại châu Âu.

Những diễn biến vừa qua tại Ukraine một lần nữa phản ánh rõ rệt mâu thuẫn đối kháng địa chính trị giữa Nga, Mỹ và phương Tây mà ở đó lợi ích của từng quốc gia được đặt lên trước hết chứ không phải lợi ích và chủ quyền lãnh thổ của Ukraine được ưu tiên. Trong cuộc cạnh tranh này, Mỹ, EU và Nga đều tranh thủ  tìm mọi cơ hội để thể hiện quyền lực và thực hiện ý đồ chiến lược, tiến tới tập hợp lực lượng mới.

Với Nga, trước mắt, các lệnh trừng phạt sẽ không thể dẫn đến sự sụp đổ ngay lập tức của nền kinh tế Nga. Trên thực tế Nga không bị “cô lập hoàn toàn” như phương Tây tuyên tuyền. Từ nhiều năm nay, Matxcơva đã triển khai chiến lược “xây dựng các mạng lưới liên minh”, tạo lập được “vùng đệm” hoặc “khối thân Nga” có lợi cho họ. Nga sử dụng vũ khí năng lượng và lúa mì để lôi kéo các nước thuộc vùng đệm trong cuộc chiến Ukraine, đặc biệt tại vùng Kavkaz, cũng như tại vùng Trung Á. Nhiều nước châu Á, Trung Đông, châu Phi vẫn ủng hộ việc duy trì quan hệ kinh tế với Nga vì quyền lợi trực tiếp của mình. Nga tích cực khai thác các mâu thuẫn nội tại trong lòng phương Tây để lôi kéo các nước ủng hộ họ.

Có thể lý giải rằng ngoài sức mạnh vượt trội về quân sự thì đây chính là những yếu tố thúc đẩy Nga tiếp tục những tính toán sai lầm, ảo tưởng và liều lĩnh, thể hiện quyền lực với phương Tây, mong muốn vẽ lại bản đồ địa lý châu Âu mới.

Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng số lượng các quốc gia phản đối Nga chính là những quốc gia có tiềm lực và đại diện cho hơn 60% GDP trên thế giới. Do đó cuộc chiến càng kéo dài hơn nữa thì nhiều khả năng Nga sẽ càng suy yếu và bất ổn. Đây chính là điều nằm trong ý đồ của Mỹ và phương Tây. Với việc Thụy Điển và Phần Lan (có hơn 1000 km biên giới chung với Nga) sẽ gia nhập NATO thì bản đồ an ninh châu Âu sẽ hoàn toàn không có lợi cho Nga.

Như đã nêu, Hoa Kỳ tích cực tập hợp và lôi kéo đồng minh ủng hộ Ukraine, trừng phạt Nga. Tuy nhiên chiến lược của Hoa Kỳ là mập mờ. Hoa Kỳ chưa cho thấy họ có chiến lược hay kế hoạch cụ thể cho việc kết thúc cuộc chiến ở Ukraine với những điều khoản được Ukraine chấp nhận. Mục tiêu của Hoa Kỳ là “sẽ làm Nga thất bại”, nhưng nội hàm thật sự của sự thất bại này là thế nào thì không hề rõ ràng. Liệu Hoa Kỳ có đủ khả năng để đạt mục tiêu này hay không thì vẫn là một câu hỏi lớn và khó. Một số nhà quan sát nhận định rằng không loại trừ mục tiêu của Hoa Kỳ là muốn Nga tập trung tài lực ở Ukraine để tăng cường hoạt động quân sự tại những khu vực khác như Libya, Syria, Đông Địa Trung Hải.

Trong tương quan lực lượng thì châu Âu sẽ là đối tượng bị tác động trực tiếp, thiệt hại nhiều nhất. Mối lo ngại lớn nhất của nhiều thành viên EU chính là sự đe dọa về an ninh. Chính điều này bắt buộc EU phải có những điều chỉnh mạnh mẽ các ưu tiên địa chính trị khi trật tự thế giới đang thay đổi. Cuộc chiến tại Ukraine là cơ hội để EU nhận thức rõ hơn về sự cần thiết phải bảo đảm được tự chủ về an ninh, năng lượng, lương thực cũng như cần xây dựng các cấu trúc mở, tăng ngân sách quốc phòng, cam kết về một chính sách quốc phòng chung. Tuy nhiên chính cơ chế đặc thù về đồng thuận của EU cũng lại là rào cản cho việc triển khai mạnh mẽ các quyết sách trong khủng hoảng!

Tại châu Âu, đang hình thành rõ rệt xu thế tăng cường quan hệ song phương và liên minh cỡ nhỏ. Ví dụ như “troika” Pháp – Đức – Italia, cùng với nó là xu thế từ bỏ quy chế trung lập, xin trở thành thành viên NATO như Thụy Điển và Phần Lan. Trong nội bộ Liên minh châu Âu, một số quốc gia cũng nhân cơ hội đang cố gắng thể hiện vai trò đầu tàu như Pháp. Tổng thống Macron đang đưa ra nhiều đề nghị cải tổ Liên minh châu Âu, cải cách các hiệp ước châu Âu, thành lập liên minh an ninh châu Âu, thành lập quy chế quốc phòng riêng. Những ý tưởng này cũng đang vấp phải nhiều sự phản đối.

Tóm lại, cuộc chiến tại Ukraine đang đặt châu Âu trước một cuộc khủng hoảng an ninh nghiêm trọng nhất kể từ sau thời kỳ Chiến tranh lạnh. Cuộc chiến này cảnh báo trước những xung đột mới. Đó có thể là một cuộc “chiến tranh nóng” mà ở đó các đường biên giới bị tranh chấp sẽ bị vẽ lại. Kẻ mạnh sẽ chiến thắng bất chấp luật lệ và công lý.

Trong bối cảnh bất ổn và đầy mâu thuẫn như hiện nay, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để kết thúc cuộc chiến? Các nhà phân tích cho rằng, để giải quyết cuộc xung đột Nga – Ukraine cần rất nhiều nỗ lực ngoại giao của các bên liên quan để có thể thúc đẩy Nga và Ukraine quay trở lại bàn đàm phán và giải quyết những vấn đề còn tồn tại bằng biện pháp hoà bình, với những điều kiện có thể chấp nhận được.

Nếu cứ để cuộc chiến kéo dài, không tìm được giải pháp có thể chấp nhận được sẽ đồng nghĩa với đẩy cuộc chiến vượt ra ngoài các biên giới. Khi đó, không chỉ châu Âu sẽ bị đe dọa và tổn hại mà toàn thế giới cũng sẽ bị kéo theo vào vòng xoáy khủng khiếp này.■

Nguyên Mi

(Theo Tạp chí Phương Đông)

 

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN