Cuộc chiến Ukraine đã phân hóa thế giới như thế nào?

Trật tự thế giới đang có biến động lớn do cuộc chiến ở Ukraine. Cuộc chiến giữa Nga và Ukraine thực chất là cuộc xung đột tổng lực giữa Nga – Ukraine và các nước NATO đứng đầu là Mỹ. Mỹ không chỉ lên án Nga xâm lược mà cáo buộc Nga phạm vào tội ác diệt chủng và Tổng thống V. Putin là tội phạm chiến tranh. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã tuyên bố Mỹ và đồng minh sẽ làm cho nước Nga phải kiệt quệ và chấp nhận thua cuộc. Mục tiêu của Mỹ là Nga phải sụp đổ, Putin sẽ không còn tồn tại. Với sự đối đầu chính trị phức tạp như vậy, cuộc chiến tranh sẽ còn kéo dài và hiện đang tác động tới quan hệ toàn cầu.

Thứ nhất, việc Nga đơn phương tấn công một nước có chủ quyền khiến các nước đều cảm thấy có thể bị xâm lược. Các nước đều đang tìm cách chạy đua vũ trang và tham gia vào các liên kết quân sự để phòng chống nguy cơ bị tấn công. Phần Lan, Thuỵ Điển và thậm chí cả Thuỵ Sĩ là những quốc gia luôn tuyên bố trung lập hàng trăm năm qua đều đã đệ đơn gia nhập, hoặc đang xem xét gia nhập NATO. Đây là những diễn biến chưa từng có tiền lệ ở châu Âu. Mỹ và nhiều nước phương Tây âm thầm củng cố lực lượng quân sự của mình, vừa để viện trợ cho Ukraine, vừa để chuẩn bị cho chiến tranh. Các nước đã ở trong khối NATO thể hiện mong muốn được Mỹ và những nước mạnh đặt căn cứ quân sự tại nước mình, nhất là các quốc gia lân cận với Nga.

Lo ngại mối đe doạ an ninh, các liên minh quân sự đang được gia cố và lập mới, trong nỗ lực phối hợp với nhau chống nguy cơ bị tấn công như xảy ra ở Ukraine. Mỹ tuyên bố NATO là mô hình tốt cho Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Trung Quốc cáo buộc Mỹ đang hiện thực hoá chiến lược NATO phiên bản châu Á.

Từ ngày 4/5, Mỹ và các nước tổ chức một cuộc đối thoại ở New Delhi, Ấn Độ, gồm các nước Nhật, Ấn Độ, Mỹ, Úc và Pháp. Các nước này nhấn mạnh tăng cường hợp tác trong thời điểm nguy cơ chiến tranh hiện nay, trong đó công khai nhắc tới sự đe doạ của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương và ủng hộ các hoạt động của NATO chống Nga ở châu Âu.

Ngày 16/5, lãnh đạo các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) đã gặp nhau tại Moscow và đây là lần đầu tiên khối này nhóm họp kể từ năm 2019. Khối này do Nga dẫn đầu sẽ tăng cường hợp tác để đối phó các mối đe dọa đối với Nga hiện nay. Ông Putin đã phát biểu phải tăng cường hợp tác thành viên trong khối này. Nga cho rằng đây là ưu tiên cấp bách trong chính sách đối ngoại của Nga. Tổng thống Belarus cũng cho rằng tổ chức CSTO sẽ đóng vai trò quan trọng đảm bảo an ninh và hoà bình khu vực. Hai nước quan sát viên tại cuộc họp này là Afghanistan và Iran. Không loại trừ khả năng các quốc gia này gia nhập CSTO. Thổ Nhĩ Kỳ nếu rời NATO có thể gia nhập CSTO, hoặc có thể thành lập nhóm mới liên kết các nước Hồi giáo.

Như vậy, song song với việc củng cố khác liên minh quân sự đã có, đang có dấu hiệu hình thành các tổ chức quân sự mới trên toàn cầu. Xu hướng này đang diễn ra và có thể gia tăng mạnh hơn trong tương lai.

Lãnh đạo các quốc gia thành viên của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) họp tại Moscow ngày 16/5/2022, cuộc họp đầu tiên kể từ năm 2019. Ảnh: VCG

Thứ hai, xu hướng chạy đua vũ trang đang tăng cao chưa từng thấy. Mỹ ép Đài Loan mua thêm vũ khí của Mỹ và các nước NATO. Tổng thống Mỹ J. Biden chỉ đạo Lầu Năm Góc và các cơ sở công nghệ của Mỹ chuẩn bị cho các hoạt động máy tính lượng tử. Thuỷ quân Lục chiến Mỹ cũng tính tới khả năng chiến tranh kỹ thuật số. Chiến tranh đang được nâng cấp lên một trình độ công nghệ cao, ở cả các bộ phận như hải quân và thuỷ quân. Úc cũng xây dựng hệ thống tầu ngầm không người lái hoạt động ở biển Thái Bình Dương. Anh mua 74 máy bay phản lực F35-B của Mỹ. Nhật Bản triển khai tên lửa tầm trung ở Hokkaido. Tất cả các hoạt động này đều để trực tiếp hay gián tiếp đối phó với Nga và một số nước mà phương Tây cho rằng đe doạ an ninh của họ.

Theo báo cáo của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) tại Thụy Điển, bất chấp suy thoái kinh tế toàn cầu do đại dịch Covid-19, các nước trên thế giới đã tăng cường củng cố năng lực quốc phòng, trong đó chi tiêu quân sự toàn cầu đã lần đầu tiên vượt 2000 tỉ đô la, tăng 0,7% trong năm 2021. Với cuộc chiến ở Ukraine, con số tăng này dự báo sẽ còn tăng mạnh hơn trong năm 2022 và những năm tới. Từng nước đều nỗ lực hiện đại hoá vũ khí. Chạy đua vũ trang trở thành xu hướng chủ đạo của thời đại.

Thứ ba, các nước có xu hướng hợp tác và liên kết song phương và đa phương nhiều hơn vì mục tiêu bảo vệ an ninh quốc gia. Xu hướng liên kết theo khối phát triển.

Mỹ khẳng định đang thiếu tiềm lực hậu cần ở châu Á để hỗ trợ xung đột vũ trang và Mỹ sẽ tăng tiềm lực hậu cần cần thiết ở Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương.

Mỹ mới đây đã gặp thượng định với ASEAN và 4 nước thuộc khối Kim cương, nhằm triển khai một số kế hoạch liên kết mạnh mẽ để ngăn chặn Trung Quốc và đối phó với Bắc Triều Tiên. Quan chức Mỹ đang thúc đẩy cuộc gặp với khối các nước châu Mỹ La tinh (trừ Cuba, Venezuela, Nicaragua), triển khai các mối hợp tác mới ủng hộ lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nga trong vấn đề Ukraine. Mỹ phối hợp với Ấn Độ, Israel và Arập Xê út để hợp tác về quân sự, khí đốt, lương thực, mục tiêu chung là hướng tới thành lập khối Trung Á để cân bằng chiến lược ở châu Á – Thái Bình Dương. Mỹ cử cố vấn bí mật đến Ả rập Xê út với mục tiêu vận động khối APEC thực hiện chiến lược trừng phạt và bao vây Nga về năng lượng. Đầu tháng 5, Thủ tướng Ấn Độ đi thăm các nước châu Âu, khẳng định ngoài hợp tác kinh tế sẽ hợp tác với Pháp về quân sự.

Trung Quốc song song với việc thúc đẩy việc hoàn thành tàu sân bay, công nghệ quốc phòng và gấp rút xây dựng căn cứ quân sự ở các đảo trên biển Đông, cũng tiến hành nhiều hoạt động ngoại giao. Trung Quốc cử Bộ trưởng Ngoại giao tới thăm hầu hết các nước để đề xuất hợp tác. Trong đó, Solomon đồng ý cho Trung Quốc xây dựng cảng quân sự ở quốc gia này. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết, nước này mong muốn mở rộng BRICS – khối hiện bao gồm 5 quốc gia thành viên là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. BRICS có thể kết nạp thêm một số nước ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ.

Từ trái sang: Thủ tướng Úc Anthony Albanese, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại cuộc gặp của nhóm Bộ tứ Kim cương ở Tokyo, ngày 24/5/2022.

Thứ tư, trong tình hình cuộc chiến tranh đang diễn ra nhưng thắng thua chưa khẳng định, trật tự thế giới hướng tới đa cực và hỗn loạn, không có một siêu cường nào đủ sức chi phối nữa, nhiều thiết chế sẽ thay đổi, những luận thuyết cũ đưa ra trong thời kỳ chiến tranh lạnh không phù hợp, luận điểm mới được phát ra.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề ra sáng kiến an ninh toàn cầu, cho rằng đây là con đường mới để bảo vệ hoà bình, ngăn chặn chiến tranh thế giới. Nội dung của sáng kiến này là gạt bỏ tư duy chiến tranh lạnh, phản đối chủ nghĩa đơn phương, nói không với tập đoàn chính trị và đối đầu nhóm, tôn trọng an ninh hợp lý và hợp pháp của các quốc gia, phản đối việc theo đuổi an ninh của mình dựa trên sự mất an ninh của nước khác, phản đối tiêu chuẩn kép trong quan hệ quốc tế, phản đối trừng phạt đơn phương và quyền tài phán bị đơn nước ngoài.

Trung Quốc cũng mô tả quan hệ Nga với Trung Quốc là một hình mẫu cho thế giới, vượt trên mô hình liên minh quân sự chính trị trong thời chiến tranh lạnh. Trung Quốc phê phán một số quốc gia theo đuổi bè nhóm nhỏ và chơi trò chơi có tổng bằng không.

Tổng thống Pháp cũng đưa ra học thuyết về vấn đề châu Âu mới. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng ông ủng hộ một “cộng đồng chính trị châu Âu” mới để cho phép các quốc gia ngoài Liên minh châu Âu (EU) như Ukraine và Anh có thể tham gia “các giá trị cốt lõi của châu Âu”. Thay vì hạ thấp tiêu chuẩn để giúp các nước tham gia nhanh hơn, ông Macron gợi ý tạo ra một thực thể song song để thu hút các quốc gia có nguyện vọng tham gia hoặc đã rời khỏi liên minh. Ông nói rằng “cộng đồng chính trị châu Âu” này sẽ mở cửa với các nước châu Âu dân chủ tuân thủ các giá trị cốt lõi trong hợp tác chính trị, an ninh, năng lượng, vận tải, đầu tư vào hạ tầng hoặc di chuyển của người dân. Điều này cho thấy châu Âu có thể sẽ không còn như trước nữa.

Nhìn tổng thể, các nước lớn đang tính đến triển khai chính sách đối ngoại nhằm gây ảnh hưởng địa chính trị trên toàn cầu. Với tính chất này, có thể thế giới xuất hiện nhiều liên minh quân sự mới, nhóm hợp tác mới, tổ chức mới, học thuyết mới theo sự sắp đặt của các cường quốc.

Dù vậy, thế giới đang bước vào giai đoạn đa cực và hỗn mang hơn, các phe nhóm đối đầu nhau nhiều hơn về quân sự và trừng phạt kinh tế mạnh mẽ hơn. Nguy cơ chiến tranh vì thế không những không giảm mà còn đang ở mức cao, lan rộng vượt ra khỏi Ukraine. Cuộc chiến ở Ukraine đang tác động lâu dài đến trật tự toàn cầu theo hướng phân ly và đối đầu hơn nữa. Kết cục, người dân phải hứng chịu thiệt hại do vòng xoáy chính trị đã đoán được trước.■

Trọng Khang

(Theo Tạp chí Phương Đông)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN