Cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Cuộc chiến ở Ukraine đang thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế, nhưng không vì thế mà cuộc cạnh tranh địa chiến lược Mỹ – Trung mất đi tính then chốt của nó. Cuộc cạnh tranh này vẫn là xuyên suốt, định hình cơ bản trật tự thế giới trong thế kỷ XXI.

Trung Quốc là cường quốc đang ngày càng thể hiện sức mạnh và công khai mong muốn trở thành nước có vị thế thống trị thế giới. Để xác lập vị trí này, đối thủ trước nhất của Trung Quốc là Mỹ. Mỹ đã nắm vai trò bá chủ thế giới từ sau Chiến tranh Lạnh và không thể chấp nhận một Trung Quốc nổi lên đe doạ vị trí của họ. Cuộc cạnh tranh chiến lược này đã kéo dài suốt hai thập kỷ qua, đặc biệt căng thẳng trong 5 năm trở lại đây với nhiệm kỳ nắm quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Cuộc cạnh tranh nóng bóng nhất là ở châu Á – Thái Bình Dương, địa bàn chiến lược của Trung Quốc. Trung Quốc có làm chủ được khu vực này mới mở rộng được sự phát triển ra thế giới. Mỹ cũng xác định đây là khu vực sống còn của mình. Trong nhiều năm và qua nhiều đời tổng thống, từ Obama tới Trump, Mỹ đều xác định châu Á – Thái Bình Dương là khu vực sống còn.

Sở dĩ như vậy bởi châu Á – Thái Bình Dương  là khu vực có tầm quan trọng chiến lược, chiếm khoảng 40% diện tích lãnh thổ và hơn 41% dân số thế giới. Nơi đây có nguồn tài nguyên thiên nhiên giàu có, đặc biệt là dầu mỏ chiếm tới hơn 65% trữ lượng của toàn cầu và có nhiều tuyến giao thông huyết mạch của thế giới. Những thập kỷ gần đây, khu vực này luôn đạt mức tăng trưởng kinh tế cao, có nhiều nước đạt mức tăng trưởng cao nhất thế giới. Theo dự đoán, kinh tế khu vực này sẽ phát triển năng động bậc nhất thế giới trong thế kỷ 21. Hiện nay, châu Á – Thái Bình Dương  chiếm khoảng 61% GDP thế giới; 48% thương mại quốc tế; trên 48% nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài… Do tầm quan trọng đó, các nước lớn đều rất chú trọng đến châu Á – Thái Bình Dương và định ra chiến lược đối với khu vực này, nhằm giành lợi thế cho mình.

Cuộc đối đầu Mỹ – Trung ở châu Á – Thái Bình Dương đã kéo dài liên tục nhiều năm nhưng trong năm 2022 có những diễn biến mới. Mặc dù thế giới trong đó có Trung Quốc cũng như Mỹ rất chú ý vào cuộc chiến ở Châu Âu, nhưng không vì thế mà giảm thiểu cạnh tranh quyết liệt ở khu vực này.

Trong những tháng đầu tiên của chiến tranh ở Ukraine, Trung Quốc vẫn thúc đẩy các hoạt động ở châu Á Thái Bình Dương mạnh mẽ.

Thứ nhất, về mặt quân sự, Trung Quốc có nhiều động thái mở rộng hơn nữa ảnh hưởng quân sự tại Thái Bình Dương. Đầu năm, Trung Quốc đã ký một thoả thuận với Solomon, thỏa thuận cho phép Trung Quốc gửi cảnh sát, thậm chí lực lượng quân sự, tới Solomon. Diễn biến này là một cú sốc với Mỹ và các đồng minh ở khu vực Thái Bình Dương như Australia, New Zealand hay thậm chí Nhật Bản.

Sau quần đảo Solomon, Trung Quốc đang tìm cách khuếch trương hơn nữa ảnh hưởng tại khu vực Thái Bình Dương thông qua đàm phán thỏa thuận an ninh với hai đảo quốc khác. Trung Quốc đang thảo luận về một thỏa thuận hợp tác an ninh với Kiribati. Quốc gia quần đảo này chỉ cách Hawaii, nơi đặt căn cứ Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, khoảng 3.000 km. Chi tiết của thỏa thuận chưa được các bên công bố. Tuy nhiên, giới chức phương Tây lo ngại thỏa thuận này sẽ cho phép Trung Quốc xây căn cứ hải quân ngay tại vùng biển chiến lược sát Australia.

Trung Quốc cũng đã đạt thỏa thuận với Vanuatu vào tháng 5, nhằm nâng cấp sân bay quốc tế ở thành phố lớn thứ hai của đất nước là Luganville. Sân bay này từng là một căn cứ quân sự quan trọng của Mỹ trong Thế chiến 2.

Một quan chức chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Washington quan ngại “rất sâu sắc” về các thỏa thuận an ninh của Trung Quốc. Mỹ cho rằng Trung Quốc dường như đang tìm cách mở rộng không gian họ có thể hoạt động quân sự và bán quân sự ở quy mô toàn cầu. Bắc Kinh muốn thông qua các thỏa thuận an ninh với các nước nhỏ để gia tăng chỗ đứng và hiện diện quân sự. Các chuyên gia cho biết những bước tiến lớn về năng lực quân sự trong hai thập kỷ qua có thể giúp Hải quân và Không quân Trung Quốc tiến ngày một gần hơn tới Hawaii. Chuyên gia quân sự cho rằng sự quyết liệt của Bắc Kinh tại các đảo quốc Thái Bình Dương là một phần trong tổng thể nỗ lực nhằm đạt được mục tiêu chiến lược là kiềm chế các hoạt động quân sự của Mỹ.

Thứ hai, về mặt đối ngoại, Ngoại trưởng Trung Quốc đã đi nhiều nước Châu Á thiết lập khuôn khổ quan hệ và hợp tác mới. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị mới đây đã có chuyến công du dài ngày đến 5 quốc gia Đông Nam Á nhằm thúc đẩy hợp tác trong khu vực. Chuyến thăm kéo dài 12 ngày với một lịch trình dày đặc. Ông Vương Nghị là quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc đến Myanmar kể từ sau cuộc chính biến tại đất nước Đông Nam Á này. Tại đây, ông đồng chủ trì Hội nghị Ngoại trưởng lần thứ 7 cơ chế Hợp tác Lan Thương – Mekong, với sự tham dự của Ngoại trưởng các nước hạ lưu sông Mekong, gồm Việt Nam, Thái Lan, Myanmar, Lào và Campuchia. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nhấn mạnh trước chuyến thăm rằng các quốc gia Đông Nam Á là “đối tác quan trọng chia sẻ lợi ích chung và tìm kiếm sự phát triển chung” với Trung Quốc. Thực tế, Trung Quốc muốn dùng ngoại giao để tạo lập sức ảnh hưởng lên các nước trong khu vực ASEAN.

Thứ ba, về mặt kinh tế, Trung Quốc gia tăng các hoạt động thúc đẩy sự gắn kết kinh tế khu vực, tiếp tục mở rộng sáng kiến Vành đai Con đường và triển khai Hiệp định RCEP.

Trung Quốc đề xuất phối hợp Sáng kiến “Vành đai và Con đường” với Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN, và mở rộng hơn nữa quy mô và phạm vi cho hợp tác. Với từng quốc gia châu Á, Trung Quốc cũng có nước đi riêng. Ví dụ trong chuyến thăm Myanmar của Bộ trưởng Vương Nghị,  hai bên đã nhất trí thúc đẩy việc xây dựng Hành lang Kinh tế Trung Quốc – Myanmar, gồm các dự án hạ tầng có liên kết với Vành đai Con đường, cũng như thúc đẩy việc kết nối mạng lưới điện của hai nước.

Một ví dụ khác là Trung Quốc tìm cách thúc đẩy sáng kiến Vành đai và Con đường tại Bangladesh. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết nước này sẵn sàng tăng cường kết hợp giữa sáng kiến Vành đai – Con đường với Tầm nhìn 2041 của Bangladesh.

Trung Quốc cũng nhấn mạnh việc thực thi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) dự kiến ​​sẽ thúc đẩy thương mại toàn cầu lên gần 3%, với tác động tăng trưởng toàn cầu 1,5% trong 5 năm. RCEP không chỉ là một hiệp định thương mại đơn thuần cung cấp khả năng tiếp cận thị trường và một môi trường kinh doanh ổn định, nó còn là một công cụ chiến lược để Trung Quốc duy trì lợi thế kinh tế đối với các nước trong khu vực.

Mới nhất, Trung Quốc đã thành công trong việc tạo ra mối quan hệ kinh tế với nhiều nước, đặc biệt với Indonesia.  Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã đến Bắc Kinh trong chuyến công du hiếm hoi của một nhà lãnh đạo nước ngoài đến Trung Quốc trong đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh tình hình thế giới phức tạp, kim ngạch thương mại song phương vẫn đạt 110 tỷ USD năm 2021, đưa Bắc Kinh trở thành đối tác lớn nhất của Indonesia. Trung Quốc tiếp tục nằm trong số ba nhà đầu tư lớn nhất tại Indonesia và trong nửa đầu năm 2022. Phần lớn các khoản đầu tư tập trung vào nhiều lĩnh vực then chốt của Indonesia như khai khoáng, luyện kim, giao thông, viễn thông và cơ sở hạ tầng, xây dựng thủ đô mới. Hai nước thống nhất đẩy nhanh việc xây dựng Kế hoạch Hành động 5 năm mới để thực hiện Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Trung Quốc – Indonesia, đồng thời khẳng định hợp tác thông qua sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) và Điểm tựa Hàng hải Toàn cầu (GMF).

Tổng thống Indonesia Joko Widodo và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp mặt tại Bắc Kinh, tháng 7/2022. Ảnh: Reuters

Đỉnh điểm của cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung ở khu vực này thể hiện ở chuyến thăm gần đây của bà Pelosi tới Đài Loan, bất chấp phản đối và những đe dọa từ Trung Quốc. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một chủ tịch Hạ viện Mỹ tới hòn đảo sau 25 năm. Bà Pelosi cũng là nhà lập pháp cấp cao nhất của Mỹ thăm Đài Loan. Đáp trả, Trung Quốc tập trận bắn đạn thật quy mô lớn chưa từng có tại 6 khu vực xung quanh Đài Loan. Bắc Kinh sau đó tăng phản ứng, ngừng liên lạc với Washington trên 8 lĩnh vực hợp tác then chốt, trong đó có quốc phòng, chống ma túy, chống tội phạm xuyên quốc gia và ứng phó biến đổi khí hậu. Sự kiện này cho thấy cuộc đối đầu Mỹ – Trung luôn nóng ở khu vực địa chiến lược này.

Về phía Mỹ, nước này cũng tiến hành những hoạt động sôi nổi không kém để cạnh tranh với Trung Quốc.

Thứ nhất, về mặt ngoại giao, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã mời khối các nước Đông Nam Á (ASEAN) tới Mỹ họp hội nghị thượng đỉnh đặc biệt trong hai ngày. Đây là lần đầu tiên Nhà Trắng được chọn làm nơi tổ chức thượng đỉnh, một dấu hiệu nhằm cho thấy Washington vẫn đặt trọng tâm vào khu vực Thái Bình Dương, ngay cả khi phải đối phó với hoạt động quân sự của Nga ở Ukraina.

Tổng thống Biden cũng đảm bảo với các lãnh đạo ASEAN rằng các vấn đề ở châu Âu sẽ không làm Mỹ lơ là ủng hộ ASEAN cũng như những cơ chế với ASEAN đang nắm vai trò lãnh đạo. Hội nghị Cấp cao đặc biệt được tổ chức vào thời điểm này là bằng chứng về mức độ cam kết của Mỹ với khu vực. Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp đón lãnh đạo các nước ASEAN với cam kết hỗ trợ 150 triệu USD trong các lĩnh vực như hạ tầng, an ninh và phòng dịch, nhằm cạnh tranh với sự ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực. Theo đó, cam kết bao gồm 40 triệu USD đầu tư vào hạ tầng nhằm giảm nguồn năng lượng carbon tại ASEAN, 60 triệu USD cho an ninh hàng hải và khoảng 15 triệu USD hỗ trợ y tế trong việc phát hiện sớm COVID-19 và các đại dịch khác. Ngoài ra, một khoản tiền sẽ dành cho phát triển nền kinh tế kỹ thuật số và luật trí tuệ nhân tạo.

Đối với lĩnh vực an ninh hàng hải, Nhà Trắng cho biết số tiền sẽ dành cho các sáng kiến hàng hải mới, bao gồm việc triển khai tàu và nhân lực của lực lượng tuần duyên Mỹ để chống tội phạm trên biển tại khu vực.

Tổng thống Mỹ Biden cũng đã có chuyến công du châu Á tới Hàn Quốc và đặc biệt là Nhật Bản. Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Nhật đã họp báo công bố “phản đối mạnh mẽ mọi nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng ở biển Hoa Đông, đồng thời nhắc lại quan điểm phản đối mạnh mẽ các yêu sách hàng hải phi pháp của Trung Quốc, các hành vi quân sự hóa các đảo đã được bồi đắp và các hoạt động cưỡng chế ở Biển Đông”. Hai bên đều nhấn mạnh quyết tâm trong việc duy trì pháp quyền, trong đó có quyền tự do hàng hải và hàng không, nhất quán với Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS). Tổng thống Biden nhắc lại cam kết của Hoa Kỳ về việc bảo vệ Nhật Bản theo Hiệp ước Hợp tác và An ninh Hỗ tương, và tái khẳng định là Điều V của hiệp ước này áp dụng cho quần đảo Senkaku trên biển Hoa Đông do Nhật Bản kiểm soát nhưng bị Trung Quốc đòi chủ quyền.

Thứ hai, về mặt kinh tế, Tổng thống Mỹ chính thức khởi động khuôn khổ kinh tế châu Á Thái Bình Dương, gồm 13 nước thành viên, khẳng định tương lai toàn cầu được xác định ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Cơ chế thương mại mới này mang tên Khuôn Khổ Kinh Tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPEF) không phải là hiệp định tự do mậu dịch, nhưng tạo điều kiện cho sự hội nhập sâu rộng hơn giữa các nước thành viên trong 4 lĩnh vực chính: Kinh tế kỹ thuật số, chuỗi cung ứng, năng lượng xanh và cuộc chiến chống tham nhũng.

Trong một thông báo đề ngày 23/05 được Nhà Trắng công bố, ngoài Hoa Kỳ, khối IPEF còn bao gồm Úc, New Zealand, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và 7 nước Đông Nam Á là Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Tổng cộng, kinh tế của toàn khối chiếm 40% GDP thế giới.

Mục tiêu của cơ chế này là tăng cường nền tảng quan hệ kinh tế ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, thực ra là bổ sung vào chiến lược xoay trục sang châu Á, cạnh tranh ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực, đối trọng với RCEP do Trung Quốc dẫn dắt.

Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPEF) được coi là một nỗ lực của Mỹ nhằm cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc ở khu vực này. (Ảnh minh họa)

Việc Trung Quốc không được mời gia nhập Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ – Thái Bình Dương thể hiện rõ điều này. Cho dù cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã khẳng định rằng khối này là một cơ chế “mở”, hoàn toàn có thể đón nhận thêm thành viên mới, nhưng Trung Quốc đã tố cáo một “nhóm nhỏ” muốn “kiềm chế Trung Quốc”.

Thứ ba, về mặt quân sự, Mỹ, Thái Lan và Singapore công bố tập trận chung thường niên mang tên “Cobra Gold” diễn ra vào tháng 5 ở Thái Lan, với sự tham gia của 21.700 binh lính. Đây là lần điều động quân số tập trận có quy mô lớn nhất từ trước tới nay ở khu vực châu Á Thái Bình Dương của Washington. Lầu Năm Góc sẽ gửi tới Thái Lan 14.000 binh lính.

Với các diễn biến như trên, sự cạnh tranh giữa hai siêu cường ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương vẫn nóng. Cuộc cạnh tranh này đẩy các nước nhỏ vào tình thế phải lựa chọn. Liệu ASEAN có còn giữ đươc liên kết đồng thuận như hiện nay hay không, trước sự ve vãn của hai siêu cường? Liệu khu vực có bị đẩy tới sự chọn bên hay không?

Hiện nay, ASEAN vẫn giữ được sự độc lập nhất định, quan hệ với các cường quốc trên cơ sở kinh tế hơn là tranh chấp chính trị. Tại Hội nghị ASEAN, không có tiếng nói ủng hộ Mỹ phản đối vấn đề Ukraine. Thứ trưởng ngoại giao Nga mới đây khẳng định ASEAN là tổ chức có tính chất khuôn mẫu cho thế giới, luôn giữ đươc độc lập, không bị ngả bên này bên khác.  Nga khẳng định coi trọng đối tác chiến lược với ASEAN, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực, cam kết tiếp tục tham gia tích cực trong các cơ chế do ASEAN chủ trì,

ASEAN và các nước thành viên giữ được vai trò và vị thế cân bằng và khuôn mẫu như vậy là cần thiết, trong bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế đầy bất ổn và phức tạp.■

Trọng Khang

(Theo Tạp chí Phương Đông)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN