Trung Quốc và chính sách ngoại giao với ASEAN

Trong tháng 7/2022, Trung Quốc triển khai mạnh mẽ hoạt động ngoại giao đối với ASEAN. Từ ngày 3 đến ngày 14/7, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã tới nhiều nước Đông Nam Á và mời nhiều nước Đông Nam Á tới Trung Quốc dự các hội nghị song phương và đa phương.

Ông Vương Nghị đã đến Myanmar chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao hợp tác Mê Công – Lan Thương lần thứ 7. Ông tới Indonesia dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao G20 và cùng Indonesia mở cuộc họp lần thứ 2 bàn về Cơ chế Đối thoại và Hợp tác Cấp cao Trung Quốc – Indonesia. Ông Vương cũng chủ trì cuộc họp lần thứ 14 của Ủy ban Hợp tác Song phương Trung – Việt, chủ trì cuộc họp lần thứ 6 của Ủy ban Điều phối Liên chính phủ Campuchia tại Nam Ninh, Quảng Tây. Ông Vương Nghị đến thăm Thái Lan, Indonesia, Philippines và Malaysia.

Hoạt động ngoại giao dồn dập của ông Vương Nghị trong nửa đầu tháng 7/2022 vừa qua phản ánh tầm nhìn và bước đi tích cực, chủ động của Trung Quốc đối với ASEAN trước thềm Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc vào trung tuần tháng 10/2022 và bối cảnh thế giới đầy biến động, Mỹ và đồng minh tập trung đối phó với Nga ở Ukraine và châu Âu và can thiệp vào Đài Loan.

Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, chuyến đi châu Á của Bộ trưởng Vương Nghị là bước đi mở đầu cho quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc – ASEAN; trước hết hướng vào 4 nước Đông Nam Á là Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Philippines, để cùng xây dựng Vành đai và Con đường chất lượng cao, thúc đẩy xây dựng Ngôi nhà chung trên 5 khía cạnh là “Hòa bình, An toàn, Tươi đẹp, Hữu nghị, Phát triển”.

Theo bình luận của các học giả Trung Quốc, hoạt động ngoại giao của ông Vương Nghị đối với các nước Đông Nam Á đã khởi đầu tốt đẹp, thiết lập được quan hệ đối tác chiến lược toàn diện của Trung Quốc với ASEAN, được biểu hiện trên những khía cạnh:

Hoạt động ngoại giao đa phương và song phương lần này có sự đồng thuận chiến lược cấp cao nhất của cả hai bên, và được thể hiện bằng những cam kết về những hành động thực chất bởi các dự án trọng điểm ở một số lĩnh vực như kinh tế số, hợp tác năng lượng mới, kinh tế xanh, kinh tế biển. Các học giả Trung Quốc cũng bình luận rằng, hoạt động ngoại giao kết hợp giữa song phương và đa phương của ông Vương Nghị đợt này đã phản ánh đầy đủ quan điểm ngoại giao láng giềng được hội tụ ở các chữ Thân, Thành, Huệ, Dung, nghĩa là Thân thiện, Chân thành cùng có lợi và Bao dung; thể hiện quan điểm căn bản, bao trùm láng giềng của Trung Quốc trong bối cảnh mới. Thông qua hoạt động ngoại giao này, Trung Quốc đánh giá đã nâng cấp quan hệ Trung Quốc – ASEAN, đồng thời mang đến một nội hàm mới cho quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.

Sự tương tác ngoại giao lần này giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á, các học giả Trung Quốc cho rằng sẽ tập trung vào 2 chủ đề lớn là phát triển và an ninh, làm thế nào để kết nối Sáng kiến Phát triển toàn cầu và Sáng kiến An ninh toàn cầu do Trung Quốc đưa ra cùng thúc đẩy phục hồi kinh tế, thực hiện các mục tiêu trong chương trình đến năm 2030 về phát triển bền vững của Liên hợp quốc, nhằm đóng góp cho sự phát triển toàn cầu và khu vực.

Ngoại trưởng Trung Quốc (trái) và Ngoại trưởng Indonesia tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao G20, Indonesia, tháng 7/2022

Tuy nhiên, trong mấy tháng gần đây, Mỹ cũng tăng cường hoạt động ngoại giao với ASEAN. Sau cuộc gặp các nước ASEAN ở Washington ngày 12 – 13/5/2022, ngày 23/5/2022, tại Tokyo, Nhật Bản, Tổng thống Mỹ Joe Biden chính thức khởi động “Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vì Sự thịnh vượng” (IPEF) gồm 13 thành viên: Mỹ, Australia, Brunei, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan và Việt Nam. Tổng thống Mỹ nói “Tương lai nền kinh tế toàn cầu của thế kỷ 21 sẽ được định đoạt ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Chúng ta sẽ thiết lập luật lệ mới cho nền kinh tế của thế kỷ 21”. Đây là bước đi mới trong chiến lược tăng cường sức mạnh ở khu vực. IPEF thực chất là bổ sung cho chiến lược xoay trục sang châu Á của Mỹ trên lĩnh vực kinh tế nhằm cạnh tranh với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực, nhất là nhằm đối trọng với Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) do Trung Quốc khởi xướng và dẫn dắt. Những bước triển khai của Mỹ là một thách thức lớn đối với Trung Quốc.

Hiện nay, ASEAN đang chịu nhiều tác động từ trong nội khối, từ sự khủng hoảng chính trị ở Myanmar, sự cạnh tranh gay gắt Mỹ – Trung ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Lập trường mặc định của ASEAN luôn luôn giữ thái độ trung lập khi đối mặt với cạnh tranh nước lớn, nhưng lập trường này đang bị lung lay. Việc ra đời nhóm Bộ tứ gồm Mỹ, Nhật, Úc, Ấn Độ năm 2020 và nhóm AUKUS gồm Mỹ, Anh, Úc năm 2022 để triển khai chiến lược Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương nhằm ngăn chặn Trung Quốc khiến cho ASEAN lo ngại AUKUS sẽ làm tổn hại vai trò trung tâm của ASEAN, kích động các nước chạy đua vũ trang, phá vỡ sự ổn định và an ninh của khu vực. Để cân bằng chiến lược này, ASEAN đã đưa ra Quan điểm về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (AOIP), hướng tới mục tiêu định hướng hợp tác và thúc đẩy môi trường thuận lợi, tăng cường quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN và xúc tiến hợp tác trên các lĩnh vực hiện có, thăm dò các lĩnh vực hợp tác mới.

Trước những áp lực từ trong nội khối và biến động của tình hình quốc tế và khu vực, các nhà quan sát tình hình cho rằng ASEAN đứng trước sự lựa chọn: giữ nguyên lập trường trung lập không chọn bên, tăng cường khả năng phục hồi của chính mình, tìm kiếm bên thứ 3; hoặc chọn đi theo một bên. Năm 2019, trong bối cảnh trước đại dịch covid-19 nhưng ASEAN đã thực hiện thành công kế hoạch hội nhập kinh tế khu vực. Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực với Trung Quốc (RCEP) được ký kết là bước đi quan trọng để phục hồi kinh tế của khối và giảm áp lực đến từ nhóm AUKUS.

Chuyến đi của ông Vương Nghị lần này tạo được sự đồng thuận của 5 nước có vị trí quan trọng trong khối ASEAN với Trung Quốc là kết quả chính sách ngoại giao của Trung Quốc, là hoạt động đáp trả hoạt động của Mỹ ở khu vực.

Diễn biến của tình hình cho thấy: Cả hai nước lớn Mỹ – Trung Quốc đều tích cực lôi kéo ASEAN vào chiến lược của mình. Trong khi ASEAN cần sự hợp tác với Trung Quốc để khôi phục kinh tế sau covid-19, song ASEAN cũng cần môi trường hòa bình, an ninh dựa trên sự hợp tác với Mỹ.

Tuy nhiên, việc thực hiện những cam kết của ASEAN với Trung Quốc và Mỹ còn phụ thuộc rất lớn vào nhiều yếu tố của nội khối và ngoại khối, cũng như lợi ích của mỗi quốc gia. Song tin rằng ASEAN sẽ phát huy tốt vai trò của mình để duy trì sự độc lập, cân bằng với các nước lớn, đảm bảo hòa bình và phát triển ở khu vực Đông Nam Á.■

Xuân Sơn

(Theo Tạp chí Phương Đông)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN