Bầu cử giữa kỳ ở Mỹ: thống nhất và mâu thuẫn

Thông thường, ở Mỹ bầu cử giữa kỳ được tổ chức bốn năm một lần, đúng một nửa thời gian nhiệm kỳ Tổng thống (giữa kỳ). Một phần ba số ghế trong Thượng viện và toàn bố số ghế trong Hạ viện cũng như một số Thống đốc bang và quan chức bang và địa phương được bầu lại.

Tuy không phải là cuộc bầu cử toàn quốc, nhưng kết quả của cuộc bầu cử này phản ánh mong muốn của cử tri và được coi là cuộc trưng cầu dân ý về đảng cầm quyền (năm 2022 là đảng Dân chủ với Joe Biden làm Tổng thống). Do phiếu đang được kiểm và có thể còn được kiểm lại, cho đến nay chúng ta chưa có kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử. Tuy nhiên, số phiếu đã kiểm đã khẳng định rằng đảng Cộng hoà sẽ giữ đa số tại Hạ viện và hai đảng cân bằng ghế ở Thượng viện.

Cuộc bầu cử giữa kỳ diễn ra ở thời điểm đầy khó khăn với nước Mỹ. Kinh tế đang suy thoái, lạm phát nghiêm trọng, tỷ lệ tội phạm cao và di cư bất hợp pháp tăng nhanh. Tuy vậy, cử tri còn quan tâm đến các vấn đề khác như quyền phá thai và nền dân chủ của nước Mỹ cũng như sức khoẻ của một số ứng cử viên đảng Cộng hoà tạo ra điểm mạnh cho đảng Dân chủ. Đây là lý do “sóng thần đỏ” đã không xuất hiện mà thay vào đó chỉ là những “gợn sóng đỏ”.

Một điểm đáng chú ý nữa là tỷ lệ ủng hộ Joe Biden chỉ là 42%. Tuy nhiên, có những nhà phân tích cho rằng thông thường ở thời điểm bầu cử giữa kỳ, tổng thống Mỹ đều có tỷ lệ ủng hộ thấp.

Người dân Mỹ đi bỏ phiếu bầu cử giữa kỳ tại Stamford, bang Connecticut, ngày 8/11/2022. Ảnh: Hearst Connecticut Media

Những hệ luỵ có thể có của cuộc bầu cử là:

Với người dân Mỹ, mối lo đầu tiên của họ hiện nay là lạm phát. Tuy nhiên lạm phát cao hay thấp không phụ thuộc vào đảng nào nắm đa số ở Hạ viện mà do chính sách tiền tệ của Cục dự trữ liên bang và diễn biến toàn cầu, đặc biệt là cuộc chiến ở Ukraine gây tác động đến giá hàng hoá và chuỗi cung ứng. Tuy vậy, người Mỹ biết rằng nếu nắm đa số ở hạ viện, đảng Cộng hoà sẽ loại bỏ trợ cấp mà người Mỹ vẫn được hưởng. Đảng Cộng hoà cũng sẽ tìm cách vô hiệu hoá Luật giảm lạm phát nhằm kiểm soát chi phí y tế và chống lại biến đổi khí hậu. Đảng Cộng hoà cũng sẽ thông qua đạo luật cấm phá thai, buộc người dân Mỹ phải đi nước khác để thực hiện dịch vụ sức khoẻ sinh sản.

Đảng Cộng hoà sẽ theo đuổi một chương trình hoạt động làm cuộc sống người dân càng khó khăn hơn. Kevin McCarthy, hạ nghị sỹ nhiều khả năng sẽ làm Chủ tịch Hạ viện đã nói rằng ông sẽ buộc Joe Biden và đảng Dân chủ chấp nhận chương trình nghị sự của đảng Cộng hoà nếu không chính phủ sẽ có nguy cơ không trả được nợ.

Chính phủ không trả được nợ sẽ có hệ luỵ đến kinh tế Mỹ. Hàng triệu gia đình, kể cả gia đình lính Mỹ sẽ không được tiếp cận trợ cấp liên bang cung cấp nhu yếu phẩm. Thị trường vốn toàn cầu sẽ mất mát nhiều, tác động tiêu cực đến hàng triệu tài khoản hưu của người Mỹ.

Lãi suất sẽ vẫn tiếp tục tăng và giá trị đồng đô la sẽ giảm do các nhà đầu tư bán lại nợ chính phủ của Mỹ, giá hàng hoá và dịch vụ nhập từ nước ngoài (chiếm 13% tổng hàng hoá và dịch vụ ở Mỹ) cũng tăng theo. Quan trọng hơn nữa, biến động trong thị trường vốn sẽ thúc đẩy suy thoái ở Mỹ và các nước khác, và tình trạng mất lòng tin vào nợ công của Mỹ sẽ dẫn đến việc đồng đô la Mỹ mất dần vai trò là đồng tiền dự trữ chủ đạo của thế giới.

Chủ tịch Hạ viện: không chỉ là chức vụ quan trọng sau chức Tổng thống và Phó Tổng thống. Chủ tịch Hạ viện có quyền quyết định Hạ viện sẽ thảo luận và bỏ phiếu cho luật nào và thành viên của các uỷ ban. Với đa số hạ nghị sĩ thuộc về đảng Cộng hoà, Joe Biden sẽ khó có thể có được những dự luật như mình mong muốn.

Trong hai năm vừa qua, Joe Biden đã thông qua nhiều đạo luật về cơ sở hạ tầng, biến đổi khí hậu và nghiên cứu khoa học. Những đạo luật tương tự sẽ không dễ dàng được đề xuất, chưa nói đến thông qua với Chủ tịch Hạ viện thuộc đảng Cộng hoà và đa số Hạ nghị sĩ thuộc đảng Cộng hoà. Điều này sẽ gây khó khăn trong điều hành của Tổng thống đương nhiệm.

Cho đến thời điểm này gần như chắc chắn Chủ tịch Hạ viện sẽ là Kevin McCarthy. Vị hạ nghị sỹ này cho rằng đảng Cộng hoà đã đạt mục tiêu của mình là đánh bại đảng Dân chủ và hạ bệ Nancy Pelosi. “Sứ mệnh của chúng ta là gì? Là giành được đa số, dừng chương trình nghị sự của Biden…”. Điều này thể hiện quyết tâm gây khó cho Biden của vị hạ nghị sĩ sắp làm Chủ tịch Hạ viện. Với Joe Biden, hai năm sắp tới sẽ là những năm đầy khó khăn vì đó là ý muốn của đảng Cộng hoà. Họ làm như vậy để giúp mình giành lại ghế Nhà trắng năm 2024.

Bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ được tổ chức năm 2024. Nhiều nhà phân tích cho rằng kết quả bầu cử giữa kỳ sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến ai sẽ ra tranh cử và đảng nào sẽ thắng cử. Đây là câu hỏi luôn trong đầu các nhà quan sát. Để có thể dọn đường cho mình sớm, ngày 15/11, Trump đã tuyên bố ứng cử Tổng thống năm 2024. Tuy vậy, điều này sẽ không giảm được quyết tâm chạy đua vào Nhà trắng của Ron DeSantis, đảng viên đảng Cộng hoà đã thắng lớn trong cuộc chạy đua vào chức thống đốc bang Florida.

DeSantis thắng cử với chênh lệch phiếu là 20 điểm phần trăm. Điều này đã làm cho chính trị gia này vươn lên tầm quốc gia. Trong nhiều cuộc trưng cầu dân ý, ông cũng là ứng cử viên vượt qua Trump về ủng hộ của cử tri. Không những thế, trưng cầu dân ý tổ chức ngay sau bầu cử cho thấy 45% cử tri đi bầu muốn DeSantis ứng cử Tổng thống vào năm 2024 trong khí đó chỉ 33% cử tri muốn Trump lại làm ứng cử viên lần thứ ba.

Thời điểm hiện tại chưa thể cho thấy cụ thể ai sẽ là ứng cử viên của đảng Cộng hoà năm 2024. Có một điều rất rõ ràng là Trump sẽ không dễ dàng giành được đề cử của đảng Cộng hoà.

Với đảng Dân chủ, tình hình còn không rõ ràng hơn. Đảng Dân chủ đã có kết quả tốt hơn nhiều so với kỳ vọng tại cuộc bầu cử giữa kỳ nhưng điều này không có nghĩa là những khó khăn kinh tế như lạm phát cao, gía cả sinh hoạt đắt đỏ, suy thoái kinh tế đã biến mất. Hai năm tới việc điều hành chính quyền sẽ khó khăn hơn nhiều.

Tuy đảng Dân chủ có những thắng lợi lớn hơn kỳ vọng trong cuộc bầu cử giữa kỳ, Joe Biden vẫn có thể gặp những thách thức lớn. Theo cuộc trưng cầu dân ý do Công ty Edison Research tiến hành, hai phần ba cử tri không muốn thấy ông Biden tranh cử Tổng thống năm 2024.

Kết quả bầu cử giữa kỳ thuận cho đảng Dân chủ có thể sẽ khuyến khích Biden tranh cử Tổng thống và phần nào giảm bớt lo ngại trong đảng Dân chủ về việc phải có ứng cử viên khác thay Biden cho năm 2024.

Về phần mình, cho đến nay Biden vẫn tránh né câu hỏi liên quan đến việc mình có tranh cử Tổng thống hay không năm 2024. Do vậy, ai trong đảng Dân chủ sẽ chạy đua vào Nhà trắng năm 2024 vẫn còn phải đợi một thời gian”.

Cho đến thời điểm này ai là ứng cử viên tổng thống vẫn còn chưa rõ và có thể rất lâu nữa mới có thể có những ứng cử viên dứt khoát tranh cử.

Chính sách đối ngoại là lĩnh vực có thể bị tác động bởi kết quả bầu cử giữa kỳ. “Tác động tức thời và quan trọng nhất” được thể hiện trong quan điểm của Mỹ đổi với việc ủng hộ Ukraine. Trong 10 tháng qua, cả hai đảng đều ủng hộ Ukraine. Tuy nhiên trong tranh cử vừa qua vấn đề đã bị chính trị hoá. Tại Quốc hội, một số nghị sĩ đảng Cộng hoà đã tỏ ý nghi ngờ hiệu qủa viện trợ của Mỹ cho Ukraine. Kevin McCarthy, hạ nghị sĩ sớm trở thành chủ tịch Hạ viện còn tuyên bố ông sẽ chặn viện trợ quốc phòng và nhân đạo bổ sung cho Ukraine nếu ông trở thành chủ tịch Hạ viện. Nhiều nhà phân tích cho rằng “McCarthy có thể thúc đẩy nỗ lực hạn chế viện trợ cho Ukraine hay sử dụng con bài này để mà cả với chính quyền Biden về các mục tiêu chính trị khác”. Trong vấn đề này, một thay đổi khác có thể xẩy ra là đảng Cộng hoà sẽ tăng sức ép với chính quyền Biden trong Quốc hội để tìm ra giải pháp cho cuộc xung đột Nga – Ukraine.

Nhiều nhà quan sát lại cho rằng đảng Cộng hoà kiểm soát Hạ viện sẽ tác động đến quan hệ Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ. Nghị sĩ đảng Cộng hoà sẽ thúc đẩy chính quyền bán máy bay tiêm kích F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ, vốn bị chặn lại sau khi Thổ Nhĩ Kỳ mua tên lửa S-400 của Nga. Điều này có thể mở đường cho cải thiện quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ vốn đã bị chững lại nhiều năm.

Cũng có nhiều người cho rằng đảng Cộng hoà trong Hạ viện sẽ phản đối nỗ lực khôi phục thỏa thuận hạt nhân với Iran của chính quyền Biden.

Về cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu, đảng Cộng hoà khó có thể có được đa số để gây phương hại đến Luật biến đổi khí hậu của Biden. Tuy nhiên, kiểm soát các uỷ ban của Hạ viện sẽ giúp tăng giám sát với các khoản ngân sách chi cho vấn đề khí hậu.

Tất cả những thay đổi có thể này đều do cách nhìn nhận khác nhau giữa hai đảng. Bảng kèm theo cho thấy sự khác nhau giữa hai đảng:

  Đảng Dân chủ Đảng Cộng hoà
Kinh tế Lương tối thiểu và thuế tịnh tiến, thuế cao cho nhóm người thu nhập cao. Thuế không được tăng và lương phải do thị trường tự do xác định.
Trách nhiệm xã hội Dựa trên cộng đồng và trách nhiệm xã hội. Dựa trên quyền và công bằng cá nhân.
Phá thai Hợp pháp. Không hợp pháp.
Tử hình Còn nhiều người chống. Đa số ủng hộ.
Quy định của Chính phủ Cần thiết để bảo vệ người tiêu dùng Ngăn cản thị trường tự do và tạo công ăn việc làm
Người di cư Ủng hộ tạm ngừng không trục xuất người di cư;

Ủng hộ cho phép một số người di cư nhập quốc tịch, đặc biệt là những người không có giấy tờ nhưng có lý lịch tư pháp tốt và sống ở Mỹ hơn năm năm.

Chống lại việc ân xá cho người di cư không có giấy tờ;

Chống lại sắc lệnh hành chính của Barack Obama tạm dừng không trục xuất một số người di cư

Nước Mỹ với những thể chế và quy định cứng nhắc của mình đang bước vào một thời kỳ khó khăn. Joe Biden và đảng Dân chủ sẽ phải tìm cách dẫn dắt đất nước vượt qua những khó khăn này và thành công trong cuộc bầu cử tổng thống trong hai năm tới. Đây là nhiệm vụ khó khăn nhưng không phải là bất khả thi. Đã có những tổng thống Mỹ thuộc đảng Dân chủ như Bill Clinton và Barack Obama cũng đã từng ở tình cảnh như Joe Biden sau bầu cử giữa kỳ và cả hai người đều đã là tổng thống Mỹ hai nhiệm kỳ.■

Trần Bách

(Theo Tạp chí Phương Đông)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN