Nhìn lại trật tự thế giới hiện nay

Sau Chiến tranh Lạnh, trật tự trong một thế giới đơn cực do Mỹ dẫn đầu dựa trên quy tắc tự do, đề cao giá trị của dân chủ, thị trường tự do, nhân quyền và pháp quyền, mà không quan tâm tới chủ quyền và ranh giới quốc gia. Trên thực tế, trật tự này phụ thuộc vào sự thống trị và mệnh lệnh của sức mạnh quân sự, chính trị, kinh tế của Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, những năm gần đây cho thấy trật tự của một thế giới đơn cực thống trị đã không còn như những thập kỷ sau khi Liên Xô sụp đổ, hệ thống Xã hội Chủ nghĩa tan rã. Các cường quốc lớn đã thể hiện hành vi theo đuổi mục đích riêng của họ, làm phương hại đến trật tự quốc tế và tìm cách thay đổi trật tự đó, bằng cách sử dụng sức mạnh quân sự tranh chấp lãnh thổ, đầu tư các dự án kinh tế làm suy yếu chủ quyền, bác bỏ một trật tự thế giới đơn cực do Mỹ dẫn đầu. Nhiều quốc gia không hài lòng với thế giới hiện tại, khi các nhà lãnh đạo của các quốc gia và các tổ chức quốc tế đã không đưa ra được các biện pháp để ngăn chặn cuộc đại suy thoái kinh tế, ứng phó với biến đổi khí hậu, cuộc khủng hoảng nợ ở các nước đang phát triển, sự thảm bại toàn cầu của bệnh dịch Covid-19 kéo dài trong nhiều năm. Thế giới bao phủ sự hoài nghi ngày càng tăng với các thiết chế quốc tế về toàn cầu hóa – hiệp định thương mại, dân chủ nhân quyền, nhân đạo, vai trò của Đại hội đồng Liên hợp quốc và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã không ngăn chặn được các cuộc chiến tranh xâm lược, hoạt động khủng bố quốc tế và dòng người di cư do đói nghèo và chiến tranh.

Khi nhận thấy điều này, các quốc gia đã tìm cách thay đổi nó để tồn tại và có lợi cho mình. Đây có thể được xem là một xu hướng của thế giới hiện nay. Xu hướng này gây bất ổn do xung đột giữa những cường quốc muốn thay đổi để đem lại lợi ích riêng cho mình. Vấn đề này đã diễn ra hàng thập kỷ nay khi các nước mới trỗi dậy không theo trật tự do Mỹ dẫn đầu. Đó là một thách thức toàn cầu của những năm tới.

Các cường quốc trên thế giới theo đuổi lợi ích riêng, nhưng ở họ có điểm chung là coi trật tự thế giới hiện tại là không phù hợp, cần phải xem xét lại. Các nhà quan sát tình hình đã nhận xét: các cường quốc lớn thể hiện hành vi có thể được gọi là “chủ nghĩa xét lại”. Họ theo đuổi mục đích riêng và tìm cách thay đổi trật tự đó.

Hoa Kỳ, với tư cách là siêu cường lớn nhất sau Chiến tranh Lạnh, là một trong những cường quốc định ra các thiết chế quốc tế và do Hoa Kỳ dẫn dắt đã có nhiều thành công trong nửa thế kỷ qua. Song, bản thân Hoa Kỳ đã có nhiều hành vi phá vỡ những thiết chế quốc tế do chính mình lập ra. Cuộc tấn công quân sự của Mỹ vào Kosovo, xóa bỏ nhà nước Nam Tư từ những năm 90 của thế kỷ trước; cuộc tấn công vào Iraq, Afghanistan, can thiệp nội trị các nước gây ra các cuộc cách mạng màu, bạo loạn lật đổ các chế độ không thân Mỹ ở Arab, Libya, Syria, Afghanistan… cho thấy Mỹ đã không coi trọng chủ quyền của các nước, vi phạm nghiêm trọng Hiến chương của Liên hợp quốc. Chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ bị đứt gãy, nhiều chương trình quốc gia của Hoa Kỳ không đạt được mục tiêu, nền kinh tế Hoa Kỳ rơi vào suy thoái, vai trò của nước Mỹ suy giảm nhiều ở thập kỷ đầu thế kỷ XXI. Chính sách làm mới nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump với mục tiêu hướng nội “nước Mỹ trên hết”, ông Trump đã quay lưng lại với các thể chế quốc tế do chính Hoa Kỳ xây dựng. Ông đòi cải tổ lại Liên hợp quốc, đòi cải tổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), và rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), rút khỏi Hiệp định Paris về Biến đổi khí hậu, rút khỏi Tổ chức Nhân quyền quốc tế và phê phán kịch liệt Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khi dịch bệnh Covid-19 lan tràn toàn cầu. Chính sách “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump có nguy cơ làm tan rã khối Bắc Đại Tây Dương, chia rẽ giữa Mỹ và các đồng minh, đẩy họ phải tìm đường đi cho mình khi chiếc ô che của Mỹ không còn. Cách nhìn của Hoa Kỳ với trật tự thế giới gây bất lợi cho Mỹ, nước Mỹ bị đe dọa bởi các cường quốc đang trỗi dậy, trật tự thế giới bị xáo trộn.

Dưới thời Tổng thống Biden, lấy tư cách là siêu cường toàn cầu duy nhất, Hoa Kỳ đưa ra cam kết “xây dựng thế giới tốt đẹp hơn”. Biden chia thế giới theo ý thức hệ giữa các nền dân chủ và chế độ chuyên quyền. Việc các nước lớn như Trung Quốc và Nga đe dọa an ninh Hoa Kỳ và châu Âu đã thành cơ hội để Biden thành công trong việc đoàn kết lại với châu Âu vốn bị ông Trump chia rẽ trước đó. Mỹ trở lại vai trò lãnh đạo châu Âu chống Nga tấn công quân sự Ukraine.

Lính Thủy quân lục chiến Mỹ ở phía bắc Kuwait chuẩn bị lên đường sau khi nhận được lệnh vượt biên giới Iraq vào ngày 20/3/2003. Ảnh: CNN

Trung Quốc là nước đã rất thành công trong trật tự toàn cầu do Hoa Kỳ dẫn đầu, giờ đây đang trỗi dậy hướng tới “vị trí trung tâm của vũ trụ”. Trung Quốc đang tìm cách sắp xếp lại cán cân quyền lực ở châu Á và tạo tiếng nói mạnh mẽ hơn trong các vấn đề quốc tế. Song ảnh hưởng của Trung Quốc bị tranh chấp bởi cường quốc khác nên chưa có được vai trò lãnh đạo khu vực châu Á – Thái Bình Dương và Đông Nam Á, mặc dù trong những năm vừa qua Trung Quốc muốn thiết lập vị trí này. Vấn đề Đài Loan rất dễ xảy ra xung đột, cùng với tranh chấp lãnh thổ với các nước Đông Nam Á, Ấn Độ và Nhật Bản là những vấn đề khó khăn về an ninh đối với Trung Quốc. Trung Quốc đã và đang phá vỡ cân bằng quyền lực ở khu vực châu Á. Có thể thấy rõ trong hơn một thập kỷ nay, chính sách đối ngoại của Trung Quốc hướng tới thay đổi trật tự toàn cầu. Tuy nhiên, Trung Quốc chưa đưa ra được thiết chế nào của trật tự thế giới để thu hút các nước và mang lại vai trò lãnh đạo thế giới cho mình.

Nước Nga do Putin lãnh đạo chưa bao giờ chấp nhận trật tự toàn cầu do Mỹ lãnh đạo. Putin mang nỗi ám ảnh bị Mỹ và NATO bội ước khi mở rộng NATO đến sát biên giới Nga. Putin phẫn nộ khi thấy nước Nga bị các nước châu Âu cô lập và giúp Ukraine chống lại Nga, và khi nước này muốn gia nhập NATO. Sự sụp đổ của Liên Xô, biên giới nước Nga thu hẹp như ngày nay, Putin trút cơn giận dữ vào lịch sử là sự cộng hưởng đã thôi thúc Putin đòi lại lãnh thổ nước Nga thời Sa hoàng. Cuộc tấn công quân sự vào Ukraine xuất phát từ bất bình này, với mục tiêu giành lại ảnh hưởng của Nga đối với Ukraine, đẩy NATO ra xa nước Nga; hợp tác với Trung Quốc hạ thấp vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ, gây chia rẽ, rối loạn châu Âu khi khối này còn phụ thuộc vào nguồn cung ứng năng lượng, lương thực từ Nga. Tuy nhiên, Nga đang gặp nhiều khó khăn khi bị Mỹ và châu Âu tách khỏi lục địa châu Âu sau khi Nga tấn công quân sự Ukraine; sức mạnh kinh tế, quân sự của Nga đã suy giảm.

Các nước Đức, Pháp vẫn còn ám ảnh nỗi sợ hãi bị chính quyền Donald Trump ruồng bỏ. Đức coi chiến dịch quân sự của Nga với Ukraine là bước ngoặt thách thức trật tự quốc tế, khiến thủ tướng Đức phải đưa ra quyết định chi 100 tỉ euro để tăng cường xây dựng quân đội riêng của nước mình, không trông chờ vào NATO và Mỹ đảm bảo an ninh cho Đức như trước thời Donald Trump. Trong khi Đức vẫn ủng hộ Ukraine chống Nga, thủ tướng Đức Olaf Scholz vẫn đến Nga gặp Putin, đến Trung Quốc gặp Tập Cận Bình. Các nhà quan sát tình hình cho rằng chuyến đi của ông Scholz tới Nga và Trung Quốc không quá phụ thuộc vào EU và Mỹ.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, sau cú “đâm sau lưng” của Mỹ và Úc trong dự án tàu ngầm, mặc dù quan hệ Pháp – Mỹ đã được đoàn kết trở lại để chống Nga tấn công Ukraine, nhưng ông Macron vẫn liên lạc với Putin, đưa ra lời kêu gọi cần kết thúc chiến tranh ở Ukraine “không làm mất mặt Nga”. Sau khi tái cử, Tổng thống Pháp Macron đang tìm lối đi riêng cho nước Pháp. Ông đả kích vai trò lãnh đạo của Mỹ về vấn đề năng lượng, thương mại, việc đối xử không công bằng với đồng minh. Ông Macron đang tìm cách thay đổi trật tự quốc tế và thiết lập vai trò lãnh đạo của Pháp ở châu Âu. Ông đã đưa ra sáng kiến thành lập “Cộng đồng chính trị châu Âu”, là một tổ chức liên kết 27 thành viên EU với 17 quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Âu (trừ Nga không tham gia) với mục tiêu xây dựng một nền tảng phối hợp chính sách cho các nước châu Âu trên toàn châu lục, thúc đẩy đối thoại và hợp tác chính trị nhằm giải quyết các vấn đề cùng quan tâm, tăng cường an ninh, ổn định, thịnh vượng của lục địa châu Âu.

Nhật Bản dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe và tiếp theo là Thủ tướng Fumio Kishida đang chuyển từ một cường quốc tập trung vào kinh tế, theo chủ nghĩa hòa bình, hướng nội, sang chính sách can dự nhiều hơn, thực hiện chính sách đối ngoại thể hiện vai trò quan trọng của một cường quốc ở khu vực châu Á, tham gia Bộ tứ Kim cương do Hoa Kỳ dẫn dắt, cam kết mạnh mẽ đối với nguyên tắc Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương xuất phát từ nỗi sợ hãi trước sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Ấn Độ được hưởng lợi từ trật tự quốc tế do Mỹ lãnh đạo, nay cũng đang tìm kiếm một ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong hệ thống quốc tế, tương xứng với tầm quan trọng kinh tế và địa chính trị của nước này.

Các nhà quan sát tình hình chỉ ra rằng hiện nay, các cường quốc lớn nghi ngờ về trật tự dựa trên luật lệ; với các nước nhỏ yếu hơn thì niềm tin vào tính hợp pháp và công bằng của hệ thống quốc tế đang bị xói mòn, điều này xuất hiện ở các quốc gia phía Nam toàn cầu. Họ đã chứng kiến Liên hợp quốc, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Thương mại Thế giới, G20 và các tổ chức khác đã không hành động trong các vấn đề khẩn cấp như cuộc khủng hoảng nợ đang gây ra cho các nước đang phát triển, nó ngày càng tồi tệ hơn do đại dịch covid-19 và khủng hoảng năng lượng, lương thực do cuộc chiến tranh Nga – Ukraine. Theo thống kê của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, đã có trên 50 quốc gia đứng trước nguy cơ khủng hoảng nợ nghiêm trọng, điển hình là Sri Lanka, Pakistan, Afghanistan.

Các nhà quan sát tình hình còn chỉ ra rằng trong vài thập kỷ gần đây đã xảy ra nhiều cuộc xâm lược, can thiệp vũ trang, nhiều chế độ sụp đổ có sự can thiệp ngầm của các cường quốc. Việc Nga tấn công vào một quốc gia có chủ quyền như Ukraine đầu năm 2022 là một ví dụ về sự vi phạm nghiêm trọng chủ quyền quốc gia và Hiến chương Liên hợp quốc. Nhiều cường quốc phương Tây cũng đã gây ra những hành động như Nga. Hành vi này của các cường quốc khiến cho nhiều nước đang phát triển cảm thấy bất an, lo sợ và mất niềm tin vào trật tự thế giới hiện nay; niềm tin vào trụ cột của hệ thống đang bị xói mòn.

Nhiều năm trước đây, các hành động quân sự hoặc các lệnh trừng phạt của các cường quốc chống lại một quốc gia nào đó đều được đưa ra Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hoặc các diễn đàn đa phương khác thông qua. Song ngày nay, chế độ trừng phạt và can thiệp quân sự đối với một quốc gia cụ thể lại dựa vào sức mạnh của Mỹ và phương Tây. Điều đó đã làm cho thể chế quốc tế ngày càng kém hiệu quả hơn, tính hợp pháp giảm dần. Hệ thống luật pháp quốc tế không hạn chế hoặc ngăn chặn được các hành vi của những kẻ có quyền lực. Các thiết chế được lập ra sau Chiến tranh Thế giới Thứ hai và sau Chiến tranh Lạnh đã bắt đầu mất hiệu lực, điển hình là tình trạng phổ biến hạt nhân ở Đông Bắc Á, Bắc Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân, Nhật Bản và Úc mua tàu ngầm hạt nhân và chấp nhận vũ khí hạt nhân của Mỹ được tái lập ở những nước này.

Các nhà quan sát tình hình cho rằng thế giới đã không còn một nguyên tắc tổ chức trung tâm và không tồn tại một bá chủ. Tình trạng vô chính phủ được mô tả đang len lỏi vào các mối quan hệ quốc tế. Không một cường quốc nào đưa ra những điều kiện trật tự hiện tại và các cường quốc không tuân theo một bộ nguyên tắc và chuẩn mực rõ ràng. Họ đang theo đuổi mục tiêu của riêng mình.

Nga và Trung Quốc ngày nay càng tỏ ra không chấp nhận những khía cạnh của trật tự phương Tây, đặc biệt là chuẩn mực liên quan tới con người và nghĩa vụ của các quốc gia. Cả Nga và Trung Quốc viện dẫn nguyên tắc chủ quyền nhà nước như một lá chắn để hoạt động theo ý muốn, tìm cách thiết lập các nguyên tắc mới trong các lĩnh vực không gian mạng và công nghệ mới. Cả hai quốc gia này sử dụng sức mạnh kinh tế và sức mạnh quân sự cứng rắn để đối xử với các nước láng giềng như Ukraina, ở biển Đông, biển Hoa Đông và biên giới Ấn Độ đã gây tổn hại cho thể chế quốc tế và gây lo sợ cho các quốc gia. Các hành vi của các cường quốc hiện nay đang đẩy thế giới tới một cuộc Chiến tranh Lạnh mới bởi tính lưỡng cực rất rõ rệt của hai khối: một “thế giới tự do” và một tập hợp các quốc gia phương Tây gọi là các “chế độ chuyên quyền”. Liên minh xuyên Đại Tây Dương được củng cố dưới chính quyền Biden; Trung Quốc và Nga hợp tác với nhau trong một liên minh “không giới hạn” để chống lại phương Tây.

Những phản ứng của thế giới về cuộc chiến ở Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga cho thấy không có khối thống nhất nào ngoài liên minh xuyên Đại Tây Dương, thế giới phân thành hai khối chống Nga và không chống Nga chiếm tỉ lệ cao qua bỏ phiếu ở Đại Hội đồng Liên hợp quốc.

Hoa Kỳ và Trung Quốc ngày càng phụ thuộc nhau về kinh tế. Hai đối thủ của nhau nằm ở hai cực, nhưng giải pháp Hoa Kỳ và Trung Quốc đưa ra lại càng làm rạn nứt địa chính trị thế giới. Nền kinh tế toàn cầu đang phân mảnh thành các khối thương mại và khu vực, sự cạnh tranh giữa các cường quốc để giành ưu thế kinh tế và chính trị ngày càng gay gắt. Trong quá trình này, một thế giới nguy hiểm hơn nhiều đang xuất hiện.

Từ trái sang: Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Iran Ebrahim Raissi và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan gặp mặt tại Tehran, Iran, tháng 7/2022. Ảnh: Reuters

Trong bối cảnh của thế giới hiện nay, các quốc gia đang tìm cách đối phó với thế giới của các cường quốc theo chủ nghĩa xét lại, một thế giới giữa các trật tự và chuẩn bị một tương lai không chắc chắn. Một giải pháp là hướng nội – các nước lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Ấn Độ và những nước khác đều đã làm như vậy trong những năm gần đây. Họ nhấn mạnh tính tự cường dưới hình thức này hay hình thức khác: mô hình “tuần hoàn kép” của Trung Quốc, cam kết của Biden “xây dựng nước Mỹ trở lại tốt hơn”, Ấn Độ dưới thời Thủ tướng Modi theo đuổi tự lực cánh sinh. Các nước này theo đuổi mục tiêu độc lập hơn về kinh tế, đảm bảo an toàn về quân sự. Tất cả các cường quốc lúc này đều tìm cách mở rộng quốc phòng và hạt nhân. Chi tiêu quốc phòng toàn cầu lần đầu tiên vượt ngưỡng 2.000 tỉ USD vào năm 2021, bất chấp sự suy thoái kinh tế và đại dịch Covid-19.

Một phản ứng khác của “các nước xét lại” đối với thế giới là các quốc gia lập ra các liên minh đặc biệt. Trong thập kỷ vừa qua đã xuất hiện một loạt các thỏa thuận đa phương như Bộ tứ Kim cương gồm Mỹ, Nhật, Úc, Ấn Độ; khối BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi); Tổ chức hợp tác Thượng Hải (gồm  Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan); nhóm 12U2 gồm Ấn Độ, Israel, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất và Hoa Kỳ; và mới đây là Cộng đồng Chính trị châu Âu gồm 44 quốc gia ở lục địa châu Âu. Sau chiến sự Ukraine cũng xuất hiện nhiều thỏa thuận giữa Nga với Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Xê-út, một số quốc gia Mỹ La tinh và châu Phi. Những thỏa thuận này phục vụ cho những mục đích cụ thể, chia thế giới thành nhiều mảng cạnh tranh lẫn nhau.

Các quốc gia nhỏ hơn, tuy đứng trong khối này khối khác, hoặc không theo liên minh nào, thì tìm cách cân bằng mối quan hệ của họ với các cường quốc lớn hơn.  Phản ứng của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trước sự tranh chấp ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc là một ví dụ cho xu hướng này. Gần đây, nhiều quốc gia châu Phi, Mỹ La tinh, châu Á từng nhiều năm có quan hệ chặt chẽ với phương Tây nhưng lại chống lại các lệnh trừng phạt phương Tây áp đặt vào Nga sau khi Nga tấn công quân sự Ukraine. Hành vi cân bằng và phòng ngừa rủi ro của các nước nói trên sẽ khuyến khích theo đuổi các giải pháp cho các vấn đề về kinh tế, thương mại, hay tranh chấp chính trị cục bộ địa phương. Tuy nhiên, hành động ở cấp địa phương không đủ đối phó với những vấn đề lớn của toàn cầu như khủng hoảng nợ, chống dịch covid-19, chống biến đổi khí hậu, khủng hoảng năng lượng, lương thực và chống đói nghèo…

Các nhà quan sát tình hình nhận xét rằng “thế giới của những người theo chủ nghĩa xét lại” là một thế giới giữa những trật tự nơi các vấn đề lớn của thời đại phát triển không đều; những vấn đề lớn của thời đại như chiến tranh ở Ukraine, biến đổi khí hậu và đại dịch bệnh đã không được giải quyết khi trật tự cũ tan rã và trật tự mới đang cố ra đời. Lợi thế nằm ở các quốc gia hiểu rõ cân bằng lực lượng và quan niệm về một trật tự tương lai hợp tác phục vụ lợi ích chung. Song, năng lực của nhiều cường quốc đã giảm sút khi chủ nghĩa xét lại lan rộng làm cho các cuộc khủng hoảng trở nên dễ xảy ra nguy hiểm hơn, hậu quả của nền chính trị trong nước xung đột (Mỹ – EU). Không một cường quốc nào có tầm nhìn để đưa ra được những thay đổi trong hệ thống quốc tế. Hiện nay, cán cân quyền lực đang chuyển dịch nhanh chóng, nhưng không mang lại một trật tự ổn định trong thời gian tới. Thay vào đó là một thế giới hỗn loạn từ cách ứng xử của các cường quốc, thế giới rơi vào khủng hoảng, khi sự bất mãn của các quốc gia với hệ thống quốc tế ngày càng gia tăng. Chủ nghĩa đa phương lúc này chưa thích hợp, các thỏa thuận quốc tế chỉ dừng lại ở sự ghi nhận mà không có hành động.

Thế giới trong những năm tới đang hướng tới đa cực và hỗn loạn, nhiều thiết chế quốc tế mất dần hiệu lực song Mỹ vẫn là siêu cường số một chi phối trật tự quốc tế, mặc dù sức mạnh quân sự và kinh tế đã suy giảm nhưng vẫn còn vượt trội so với các cường quốc khác.■

Xuân Sơn

(Theo Tạp chí Phương Đông)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN