Các cơ quan tình báo đã sai lầm như thế nào dẫn tới cuộc chiến ở Ukraine?

Nhật báo hàng đầu của Mỹ, tờ The Washington Post, đã có phóng sự điều tra kho tài liệu nhạy cảm do Ukraine cùng các cơ quan an ninh khác thu thập được, từ đó hé lộ nhiều tình tiết liên quan tới những toan tính tình báo sai lầm của các nước đã góp phần dẫn tới cuộc chiến hiện nay tại Ukraine. Tạp chí Phương Đông tóm tắt giới thiệu đến bạn đọc.

Các kế hoạch tình báo của phương Tây là một phần của cuộc chiến ngầm diễn ra song song với chiến dịch quân sự của Nga. Đó là một cuộc xung đột đã diễn ra từ rất lâu trước sự kiện 24 tháng 2, thời điểm Nga tấn công Ukraine.

Trước hết, nói về nỗ lực của Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) với cái tên hay gọi là Cục Thông tin Hoạt động (Department of Operational Information). Trước chiến tranh, cơ quan này đảm bảo tước quyền lãnh đạo của Chính phủ Ukraine và giám sát việc thiết lập một chế độ thân Nga.

Đây là một kế hoạch táo bạo. Theo các quan chức an ninh Ukraine và phương Tây, đặc vụ của FSB chắc chắn rằng họ sẽ sớm giành được quyền kiểm soát Kiev đến mức họ đã dành những ngày cuối trước cuộc chiến để thu xếp cho nhân sự của mình chỗ ở an toàn trong căn hộ của những người cung cấp tin và nhiều địa điểm khác.

Theo thông tin thu thập được, một sĩ quan FSB đã nói “Chúc chuyến đi thành công!” với một sĩ quan khác, người được cử đi giám sát việc chiếm đóng dự kiến. Không có dấu hiệu nào cho thấy người này đã đến được thủ đô Kiev, vì các kế hoạch của FSB đã sụp đổ trong bối cảnh lực lượng Nga rút lui ngay những tháng đầu của cuộc chiến.

Các quan chức Ukraine và phương Tây cho biết những nhà phân tích của FSB hoặc không hiểu Ukraine sẽ đáp trả mạnh mẽ như thế nào, hoặc hiểu nhưng không thể/cố tình không truyền đạt những đánh giá tỉnh táo ấy tới Tổng thống Nga Vladimir Putin.

“Người Nga đã sai cả dặm” – một quan chức cấp cao của Mỹ có quyền truy cập thường xuyên vào thông tin tình báo mật về Nga và các cơ quan an ninh của nước này cho biết. Người này nói: “Nga đã thiết lập một nỗ lực chiến tranh toàn diện để chiếm lấy các mục tiêu chiến lược nằm ngoài khả năng của họ. Sai lầm của Nga thực sự rất cơ bản và mang tính chiến lược”.

Trụ sở của Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) tại Moscow, nơi đóng vai trò trọng yếu trong các kế hoạch chiến tranh của Tổng thống Putin. Ảnh: Washington Post

Một số ghi chép làm tăng thêm bí ẩn về những tính toán sai lầm của Nga. Các cuộc thăm dò mở rộng của FSB cho thấy: (1) một bộ phận lớn dân số Ukraine sẵn sàng chống lại sự xâm lược của Nga; và (2) kỳ vọng rằng lực lượng Nga sẽ được chào đón như quân giải phóng là hoàn toàn không có cơ sở. Mặc dù vậy, các quan chức cho biết FSB vẫn tiếp tục gửi cho Điện Kremlin những đánh giá lạc quan rằng quần chúng Ukraine sẽ chào đón sự xuất hiện của quân đội Nga, và rằng chế độ cai trị thân Moscow sẽ được khôi phục.

Một quan chức an ninh cấp cao của phương Tây cho biết (người này gọi cơ quan tình báo quân sự chính của Nga bằng cái tên viết tắt GRU): “GRU và quân đội Nga cũng có nhiều mơ tưởng hão huyền, nhưng tất cả đều bắt nguồn từ FSB. Họ tưởng con đường họ đi sẽ rải toàn hoa hồng”. Người này cùng một số quan chức an ninh khác ở Ukraine, Hoa Kỳ và châu Âu đã phát biểu giấu tên để thảo luận về thông tin tình báo nhạy cảm.

Các quan chức cho biết, vì tin vào những giả định sai lầm này mà FSB đã ủng hộ kế hoạch chiến tranh dựa trên quan điểm rằng một cuộc tấn công chớp nhoáng vào Kiev sẽ lật đổ Chính phủ Ukraine chỉ trong vòng vài ngày. Zelensky sẽ chết, bị bắt hoặc bị lưu đày, tạo ra khoảng trống chính trị cho các đặc vụ FSB lấp đầy.

Tuy nhiên, cuối cùng, các đặc vụ của FSB đã phải rút lui cùng với lực lượng Nga sau khi đến được vùng ngoại ô Kiev.

William B. Taylor Jr., người đã hai lần giữ chức Đại sứ Hoa Kỳ tại Ukraine, phát biểu: “Nếu các cơ quan an ninh của bạn đặt nặng việc tìm hiểu Ukraine đến thế và toàn bộ kế hoạch quân sự của bạn đều dựa trên những thông tin đó, thì làm sao họ có thể hiểu sai đến như vậy? Làm sao họ có thể cho rằng người Ukraine sẽ không chiến đấu, rằng Tổng thống Zelensky sẽ không dũng cảm chống cự? Hẳn là đã có một sự mất kết nối giữa FSB và cấp cao nhất.”

Không chỉ Nga chủ quan, Ukraine cũng chủ quan. Khi Nga tăng cường hoạt động quân sự vào năm ngoái, các cơ quan an ninh của Ukraine tràn ngập thông tin tình báo bổ sung từ gián điệp phương Tây.

Vào ngày 12 tháng 1, Giám đốc CIA William J. Burns – tháp tùng bởi một nhóm các quan chức Hoa Kỳ – đã đến Kiev với hồ sơ chi tiết về các kế hoạch của Nga. Họ tìm cách thuyết phục Zelensky và nhóm thân tín của ông rằng chiến tranh sắp xảy ra.

Tuy nhiên, khi nhóm CIA rời đi, các quan chức tình báo của Ukraine đã họp với Zelensky để chuẩn bị cho một cuộc họp báo tiếp theo còn mơ hồ hơn nhiều. Một người tham gia cho biết: “Chúng tôi nhắc lại toàn bộ thông tin mà người Mỹ đã chia sẻ mà không thêm bớt gì. Nhưng đồng thời, “thông tin của chúng tôi lại cho thấy Nga không lên kế hoạch chiến tranh” trên quy mô lớn như vậy, và phán đoán này có trọng lượng tương đương với các cảnh báo của CIA.

Những tuần cuối cùng trước cuộc tấn công, các quan chức châu Âu đưa ra một loạt các báo cáo tình báo trái ngược nhau cùng nhiều tín hiệu khó hiểu. Mười ngày sau chuyến thăm của Burns, Chính phủ Anh tuyên bố rằng họ có “thông tin cho thấy chính phủ Nga đang tìm cách đưa một nhà lãnh đạo thân Nga lên nắm quyền ở Kiev trong khi cân nhắc liệu có nên xâm lược và chiếm đóng Ukraine hay không”.

Hồ sơ tình báo của Anh xác định một cựu thành viên thân Nga trong Quốc hội Ukraine, Yevhen Murayev, “là một ứng cử viên tiềm năng”. Murayev đã bác bỏ thông tin này là “lố bịch và nực cười” khi trả lời phỏng vấn của tờ Associated Press. Hồ sơ tình báo của Anh cũng liệt kê một loạt cựu thành viên nội các của Yanukovych, cáo buộc rằng họ có liên hệ với tình báo Nga và các sĩ quan mà họ tiếp xúc đã “tham gia vào việc lên kế hoạch tấn công Ukraine”.

Cũng trong khoảng thời gian đó, các cơ quan an ninh Ukraine nhận được dấu hiệu cho thấy đặc vụ của FSB đang liên lạc trực tiếp với lực lượng không vận của Nga. Các quan chức cho biết, sự tương tác trực tiếp như vậy giữa FSB và các đơn vị quân đội là rất bất thường, đến mức nó có thể được coi là một dấu hiệu đáng lo ngại về việc Nga đang lên kế hoạch tổ chức chiến dịch phối hợp.

Mối lo ngại đó có vẻ rất hợp lý. Lực lượng không vận của Nga đóng vai trò then chốt trong việc đánh chiếm một sân bay ở Hostomel, ngoại ô Kiev, trong những giờ đầu tiên của cuộc xâm lược. Đây là một nút thắt quan trọng cho cuộc tấn công dự kiến ​​vào thủ đô Kiev, và các sĩ quan FSB đã có mặt ở đó trước khi lực lượng Nga ra khỏi đường băng.

Tuy nhiên, những thông tin tình báo đến muộn khác dường như đặt ra nghi vấn về ý kiến cho rằng Nga đã chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc chiến toàn diện, chứ chưa nói đến việc lên kế hoạch cho cuộc chiến đó.

Vào giữa tháng 2, cơ quan tình báo nước ngoài của Ukraine, SZRU, đã cử đặc vụ đến Nga để theo dõi các đơn vị quân đội. Các quan chức cho biết, một nhóm đặc vụ đã chạm trán với hàng chục xe tăng Nga trong một “ngôi làng Potemkin”. Không có người điều khiển hay đội bảo trì xe tăng nào ở bất cứ đâu trong vùng lân cận.

Ở những nơi khác, các điệp viên Ukraine đã tình cờ phát hiện ra một cảnh tượng hỗn loạn, vô kỷ luật: hàng đoàn phương tiện Nga bị mắc kẹt cùng với quân đội. Những người này đổi nhiên liệu và quân nhu để lấy rượu. Một quan chức Ukraine, người từng xem xét các báo cáo của điệp viên Ukraine ở Nga, cho biết: “Rất nhiều người trong số họ say mèm”.

Cảnh tượng đó khiến các cố vấn an ninh của Zelensky không tin rằng thời gian đất nước của họ tồn tại trên bản đồ chỉ còn tính bằng ngày. Ngay cả bây giờ, nhiều tháng sau, nhiều người vẫn không thể tin nổi Nga đã tiến đánh với sự chuẩn bị quá yếu kém.

Xác máy bay trực thăng Nga bị Ukraine bắn rơi tại sân bay ở Hostomel. Ảnh: Washington Post

Các quan chức châu Âu cũng tiếp tục bày tỏ sự nghi hoặc. Ngày 8 tháng 2, tại Kiev, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết ông đã nhận được lời hứa từ chính Putin rằng Nga sẽ không leo thang tình hình. Người đứng đầu Cục Tình báo Liên bang Đức, Bruno Kahl, đã phát biểu vài ngày trước đó rằng quyết định tấn công của Putin “vẫn chưa được đưa ra” (Kahl đang có mặt ở Kiev vào ngày cuộc xâm lược bắt đầu và phải di tản đến Ba Lan bằng ô tô).

Cuối cùng, nhiều quan chức an ninh Ukraine tin rằng việc Nga tăng cường quân sự chủ yếu là một chiến thuật đánh vào tâm lý, nhưng Moscow có thể sử dụng các cuộc tấn công tên lửa và đột kích của đơn vị không vận và lực lượng Spetsnaz tinh nhuệ để lật đổ chính phủ mà Nga cho rằng đang ngấp nghé trên bờ vực sụp đổ. Vào thời điểm đó, tỷ lệ ủng hộ Zelensky đã giảm mạnh xuống còn khoảng 26% khi Ukraine phải đối mặt với khủng hoảng năng lượng và áp lực lên đồng tiền của nước này mà các quan chức cho là do Nga phá hoại.

Một quan chức an ninh cấp cao của Ukraine cho biết: “Chúng tôi không trông đợi một cuộc xâm lược cổ điển theo phong cách Thế chiến Thứ hai với xe tăng, pháo binh và bộ binh.” Ukraine đã hiểu sai về ý định của Nga, nhưng có lẽ ngay cả Moscow cũng không hình dung ra một cuộc chiến tranh lớn trên bộ.

Quan chức này nói: “Nga mong đợi ai đó sẽ mở cửa cho họ tiến vào, chứ không nghĩ rằng sẽ có bất kỳ sự kháng cự nào”.

Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 8 với The Post, Zelensky phát biểu rằng trước cuộc xâm lược, Nga đã tiến hành “một cuộc chiến hỗn hợp chống lại nhà nước của chúng tôi. Có đòn đánh vào năng lượng, có đòn đánh vào chính trị. Họ muốn thay đổi quyền lực trong nước. Tôi có cảm giác rằng Nga muốn chuẩn bị cho chúng tôi một cuộc đầu hàng nhẹ nhàng”.

Tình báo của Ukraine không chỉ dự báo chủ quan, mà còn phân hoá và chia rẽ. SBU của Ukraine – tương tự như FSB của Nga – là hậu duệ trực tiếp của KGB. SBU chiếm giữ trụ sở cũ của KGB ở Kiev, được tổ chức theo cơ cấu quan liêu giống như tiền thân KGB của Liên Xô, và sử dụng một số sĩ quan (không tiết lộ danh tính) được đào tạo tại học viện KGB ở Moscow hoặc FSB sau khi Liên Xô tan rã.

Các quan chức an ninh hiện tại và trước đây của Ukraine cho biết nỗi sợ hãi về lòng trung thành của ngay cả các nhân viên cấp cao là nguồn cơn của sự lo lắng thường xuyên. Một quan chức cho biết, vào ngày thứ hai của cuộc chiến, ông định lấy điện thoại của mình để chuyển tiếp mệnh lệnh cho cấp dưới. Nhưng khi quay số, ông lại do dự vì lo ngại rằng các cuộc gọi của ông sẽ không có ai nhấc máy, hoặc tiết lộ sự thật rằng các sĩ quan cấp cao đã ủng hộ Nga.

Quan chức này phát biểu: “Đó là một nghịch lý của nhà nước Ukraine. Chính người Ukraine cũng cho rằng có mức độ tham nhũng cao, kém hiệu quả và sự xâm nhập của các điệp viên Nga trong bộ máy chính phủ Ukraine”.

Theo các cựu quan chức Mỹ, Ukraine đã nhiều lần tìm cách loại bỏ ảnh hưởng của Nga trong hàng ngũ, thậm chí có thời điểm còn thuê một sĩ quan CIA làm cố vấn nội bộ để diệt tận gốc các hoạt động xâm nhập của FSB. Tuy nhiên, với khoảng 27.000 nhân viên (gấp ít nhất 5 lần so với MI5 – cơ quan tình báo Anh), SBU đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc khắc phục vấn đề.

Zelensky phát biểu: “Liệu có sự phản bội không? Tôi biết nói gì đây? Với tất cả tình yêu dành cho Ukraine, chúng tôi không hoàn toàn vô tội”. Tuy nhiên, khi chiến tranh bắt đầu, “có những người làm việc cho Nga vì tiền, còn một số người trong nội bộ vốn luôn căm ghét Ukraine và chờ đợi Liên Xô trở lại”.

Một số quan chức cấp cao của SBU đã bị buộc tội phản quốc, trong số đó có cựu lãnh đạo SBU ở Kherson, miền Nam Ukraine. Người này bị cáo buộc ra lệnh cho cấp dưới rời bỏ vị trí của họ khi lực lượng Nga tràn vào khu vực.

Tháng Bảy vừa qua, chính quyền Ukraine đã bắt giữ một sĩ quan SBU khác, Oleg Kulinich, người được Bakanov – lãnh đạo SBU và bạn thời thơ ấu của Zelensky – đưa vào hàng ngũ cấp trên của đơn vị này. Các cáo buộc chống lại Kulinich nhấn mạnh việc hoạt động xâm nhập của Nga phổ biến như thế nào và mô tả anh ta là một thành viên của nhóm đặc vụ nằm vùng do Vladimir Sivkovich điều hành. Sivkovich là cựu phó chủ tịch Hội đồng An ninh Ukraine, người đã bị Bộ Ngân khố Hoa Kỳ trừng phạt vào tháng 1 vì đã hợp tác “với một mạng lưới nhân viên tình báo Nga để thực hiện các chiến dịch gây ảnh hưởng”.

Theo cáo buộc, hai năm trước chiến tranh, Sivkovich “giao nhiệm vụ cho Kulinich” đánh cắp những hồ sơ mật của SBU mà có lợi cho các chiến dịch của Liên bang Nga. Họ cùng nhau âm mưu giúp một điệp viên Nga lên nắm quyền kiểm soát bộ phận phản gián của SBU. Theo thông tin do chính quyền Serbia công bố, nhân vật đó, Andriy Naumov, đã bị bắt ở Serbia vào tháng 6 khi mang theo tiền mặt và đá quý trị giá hơn 700.000 USD.

Theo bản cáo trạng của Ukraine, vào đêm trước cuộc xâm lược của Nga, Kulinich đã “cố tình” ngăn chặn việc phổ biến thông tin tình báo rằng lực lượng Nga ở Crimea sẽ tấn công trong vòng vài giờ tới.

Phó Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine, Andriy Smirnov, cho biết Zelensky quyết định sa thải Bakanov khỏi vị trí giám đốc SBU sau vụ bắt giữ Kulinich vì bực tức với việc không thể loại bỏ phe thân Nga khỏi bộ máy của mình: “Sáu tháng kể từ khi chiến tranh nổ ra, chúng tôi vẫn tiếp tục phát hiện ra vô số những người ủng hộ Nga”.

Như vậy, có thể tổng kết rằng gần như mọi cơ quan tình báo liên quan đến cuộc chiến đều đưa ra những đánh giá sai lầm.

Các cơ quan tình báo của Hoa Kỳ đã biết trước ý định của Putin nhưng lại đánh giá thấp khả năng chống lại cuộc tấn công dữ dội của Ukraine – một sai lầm khiến Hoa Kỳ ban đầu do dự trong việc gửi vũ khí tinh vi hạng nặng.

Quân đội Ukraine dường như đã phụ thuộc quá nhiều vào các dấu hiệu cho thấy lực lượng Nga đã không chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc chiến tổng lực nên đã không nghe theo các cảnh báo của phương Tây về một cuộc xâm lược diễn ra trong phạm vi vài dặm quanh thủ đô nước này.

Sự cố tình báo của Nga ở Ukraine dường như mang tính hệ thống hơn. Nhiệm vụ của cơ quan an ninh Nga đã bị hủy hoại bởi những nguồn thông tin không đáng tin cậy, thái độ lưỡng lự trong việc cung cấp sự thật phũ phàng cho Điện Kremlin, cùng thành kiến đặc hữu phù hợp với thái độ khinh thường của Putin đối với Ukraine.

FSB đã thúc đẩy các thành kiến này bằng việc đưa ra những đánh giá làm hài lòng Điện Kremlin cùng những nguồn tin khuyến khích Nga triệt hạ chính phủ Kiev vì lý do chính trị và tài chính.

Tất cả những thông tin và đánh giá tình báo sai lệch này đã góp phần dẫn tới một cuộc chiến lâu dài và đẫm máu nhất tại châu Âu kể từ Chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Những thông tin trên đây tóm tắt từ bài báo của một cơ quan truyền thông phương Tây, song độ xác thực đến đâu chưa có nguồn tin nào kiểm chứng. Trong khi đó, phía Nga đánh giá “Chiến dịch quân sự đặc biệt” của họ vẫn đi đúng hướng và thành công. Kết cục của cuộc chiến ở Ukraine sẽ có lời giải đáp cho vấn đề này.■

(Theo Tạp chí Phương Đông)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN