Nhìn lại quan hệ Việt – Mỹ sau 10 năm thiết lập đối tác toàn diện

Cuối tháng 3/2023, phái đoàn 52 doanh nghiệp lớn của Mỹ, đã đến Việt Nam tìm cơ hội hợp tác ở nhiều lĩnh vực. Đây là phái đoàn doanh nghiệp Mỹ lớn nhất từ trước đến nay đến Việt Nam nhân kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác toàn diện hai nước. Trong đó, có những cái tên đáng chú ý như công ty hàng không vũ trụ Boeing, tập đoàn công nghiệp quân sự Lockheed Martin, tập đoàn công nghệ SpaceX, hay những cái tên quen thuộc như Netflix, Apple, Ford.

Cựu Đại sứ Mỹ kiêm Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Phòng Thương mại Mỹ – ASEAN Ted Osius nhận xét, sự tham gia của 52 doanh nghiệp lớn cho thấy niềm tin của họ vào Việt Nam. Các doanh nghiệp Mỹ có sự quan tâm lớn hơn đến khu vực ASEAN, nhất là Việt Nam trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn.

Tại cuộc làm việc với hơn 50 tập đoàn, doanh nghiệp Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn sẵn sàng lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp nói chung, trong đó có doanh nghiệp Mỹ, sẽ luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp Hoa Kỳ để giải quyết khó khăn, vướng mắc, giúp doanh nghiệp đầu tư thành công, hiệu quả, bền vững tại Việt Nam trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp đoàn doanh nghiệp Mỹ đến thăm và làm việc tại Việt Nam cuối tháng 3/2023. Ảnh: Plo.vn

Đoàn doanh nghiệp cũng đã gặp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ông khẳng định Quốc hội Việt Nam cam kết tạo khuôn khổ pháp lý ổn định, minh bạch, thuận lợi để các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Mỹ tiếp tục hoạt động, mở rộng quy mô và phát triển lâu dài tại Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực Mỹ có thế mạnh, Việt Nam có nhu cầu.

Ngay sau đó, vào ngày 29 tháng 3, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden, trong dịp hai nước kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện. Trong cuộc điện đàm, Tổng Bí thư đề nghị hai nước đưa hợp tác kinh tế, khoa học, công nghệ là trọng tâm và động lực cho quan hệ. Tổng Bí thư cũng mong muốn hai nước tiếp tục thực hiện các thỏa thuận hợp tác quốc phòng – an ninh, coi trọng thúc đẩy thương mại và lĩnh vực mới như logistics, kinh tế số, chuyển đổi xanh, y tế. Việt Nam cũng mong muốn đẩy mạnh hợp tác trong khắc phục hậu quả chiến tranh, gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, trao đổi thông tin, phòng chống tội phạm và các lĩnh vực khác. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Mỹ tiếp tục tạo thuận lợi để tăng số lượng du học sinh Việt Nam tại Mỹ, hoan nghênh việc xây dựng Đại học Fulbright Việt Nam trở thành trung tâm đào tạo chất lượng cao ở khu vực. Tổng bí thư khẳng định ứng phó với biến đổi khí hậu là một trong những chủ trương lớn trong chính sách phát triển của Việt Nam, mong Mỹ tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực của Việt Nam.

Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng, ủng hộ một Việt Nam “độc lập, tự cường và thịnh vượng”, tái khẳng định tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của Việt Nam, nhất trí rằng sự tôn trọng là một nền tảng quan trọng của quan hệ hai nước. Tổng thống Mỹ nhất trí với những phương hướng hợp tác Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu, trong đó nhấn mạnh hợp tác thương mại, năng lượng sạch, chuyển đổi năng lượng là lĩnh vực tiềm năng. Mỹ cam kết thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, mong muốn sự hợp tác của Việt Nam và các nước trong đàm phán Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Hai lãnh đạo nhất trí về việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác, bảo đảm các quyền tự do hàng hải, hàng không, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, thực hiện DOC, sớm ký kết COC hiệu lực, hiệu quả phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển của Liên Hợp Quốc năm 1982.

Sau 10 năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện, từ hai sự kiện lịch sử nói trên, nên nhìn nhận mối quan hệ Việt – Mỹ hiện nay như thế nào?

Trước hết, phải thấy rằng từ khi chính quyền của Tổng thống Obama sang tới chính quyền Trump, nay là chính quyền Biden, dù Đảng nào nắm quyền, Mỹ đều xác định châu Á – Thái Bình Dương là khu vực cốt lõi, sống còn của Mỹ. Chính vì thế, các chính quyền Mỹ đều thực hiện chính sách xoay trục sang Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Mục đích của chiến lược xoay trục là nhằm cạnh tranh ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong cuộc cạnh tranh này, huy động đồng minh và tạo ra các mối quan hệ khăng khít trong khu vực này đóng vai trò quan trọng. Mỹ đã huy động các đồng minh ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc. Các nước Đông Nam Á được coi như các đối tác tiềm tàng của Mỹ. Trong các đối tác này thì Việt Nam là quốc gia tiềm năng, tuy không là đồng minh của Mỹ, nhưng Việt Nam có vị trí địa chiến lược then chốt, ôm trọn biển Đông. Đây lại là vùng biển chiến lược đang xảy ra tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước trong vùng. Việt Nam ở vị trí trung tâm nhất và cũng có những cạnh tranh với Trung Quốc về mặt chủ quyền ở vùng biển này. Về lý thuyết, Mỹ cho rằng có sự trùng hợp lợi ích nhất định giữa hai nước, khi Việt Nam muốn giữ độc lập chủ quyền trong khi Mỹ muốn bảo vệ ảnh hưởng của mình ở biển Đông nói riêng và châu Á Thái Bình Dương nói chung. Chính vì thế, chiến lược xoay trục về châu Á trong đó có việc tạo nền tảng mạnh mẽ trong quan hệ với Việt Nam đã có một lịch sử phát triển lâu dài qua nhiều đời chính quyền Mỹ, suốt hơn một thập kỷ qua. Trong nhiệm kỳ Obama, hai nước đã xác lập quan hệ đối tác toàn diện, tiến tới đối tác chiến lược.

Việc Việt Nam nổi lên như một trung tâm kinh tế ở Đông Nam Á cũng là lý do khác. Mỹ cũng rất cần Việt Nam như một trung tâm sản xuất, dịch vụ lớn trong khu vực, được coi như một quốc gia tốt nhất để đầu tư và chuyển dịch đầu tư cho những tập đoàn lớn đang muốn dịch chuyển bớt sản xuất khỏi Trung Quốc. Xuất phát từ chính sách địa chính trị và lợi ích kinh tế như vậy của Mỹ, không ngạc nhiên khi Việt Nam nằm trong chiến lược ưu tiên của Mỹ hướng về châu Á Thái Bình Dương. Mỹ đã chủ động theo đuổi và thúc đẩy chiến lược này với Việt Nam.

Thủ tướng Phan Văn Khải và Tổng thống George W. Bush tại Nhà Trắng, tháng 6/2005, trong chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ đầu tiên của người đứng đầu Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam sau 30 năm kết thúc chiến tranh. (Ảnh: AP/TTXVN)

Với tính chất như vậy, trong 10 năm qua kể từ khi xác lập quan hệ đối tác toàn diện năm 2013, Việt Nam và Hoa Kỳ đã xây dựng được những trụ cột vững chắc cho mối quan hệ đối tác chiến lược của mình.

Thứ nhất, về mặt kinh tế, hai nước đã chứng kiến những bước tăng trưởng kỷ lục. Tăng trưởng thương mại của hai nước từ khi bình thường hoá quan hệ ngoại giao đã tăng 360 lần. Thương mại song phương đạt hơn 123 tỷ USD năm 2022, tăng 11% so với năm 2021. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam nhiều năm qua, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ tám của Mỹ trên thế giới và là đối tác lớn nhất tại ASEAN.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài của Mỹ tại Việt Nam đạt 11,4 tỷ USD, đứng thứ 11 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Viêt Nam được đánh giá là điểm đầu tư đầy hứa hẹn của Mỹ tại châu Á. Nhiều tập đoàn Mỹ lớn đã có mặt và hiện vẫn nhiều ông lớn khác như Tesla, Boeing đang có ý định tiếp cận thị trường. Các công ty Mỹ hầu hết đều đánh giá Việt Nam có chính trị ổn định, tốc độ phát triển cao, lực lượng lao động dồi dào, chính sách cởi mở, tầng lớp trung lưu mở rộng, sức mua tốt. Doanh nghiệp Mỹ đều tin tưởng vào tiềm năng đất nước trong dài hạn, nên không chỉ dịch chuyển sản xuất mà còn đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam, thiết lập các trung tâm nghiên cứu tại đây, mang tới những công nghệ cao, hướng đưa Việt Nam trở thành trung tâm hương mại và tài chính triển vọng của khu vực.

Thứ hai, về mặt chính trị, dù có sự khác biệt về ý thức hệ, hai bên thống nhất tôn trọng chính thể của nhau và có những chuyến thăm viếng cấp cao để thắt chặt hơn nữa quan hệ. Năm 2015, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có chuyến thăm lịch sử tới Hoa Kỳ để hội đàm với Tổng thống Obama. Đây là lần đầu tiên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam tới Mỹ. Năm 2016, Tổng thống Barack Obama cũng đã có chuyến thăm Việt Nam và hội đàm với các nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam. Tổng thống Trump cũng tới Việt Nam hai lần. Lần thứ nhất vào năm 2017 để thăm chính thức Việt Nam và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Đà Nẵng. Lần thứ hai vào năm 2019 để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ -Triều Tiên tại Hà Nội và có các hoạt động song phương với Việt Nam.

Mới đây, tháng 8/2021, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã thăm Việt Nam trong 3 ngày, là Phó Tổng thống Mỹ đầu tiên tới thăm Việt Nam khi đương nhiệm. Thủ tướng Phạm Minh Chính vào tháng 5/2022 cũng có chuyến công du Mỹ 7 ngày với lịch trình hơn 60 hoạt động. Giới chuyên gia đánh giá chuyến thăm này giúp quan hệ song phương Việt – Mỹ có thêm đà tiến trong nhiều lĩnh vực.

Thứ ba, hợp tác an ninh quốc phòng giữa Việt Nam và Mỹ đã phát triển nhanh chóng nhưng vẫn còn nhiều dư địa. Mới đây, tháng 7/2021, tàu CSB 8021, tàu tuần tra lớp Hamilton từng thuộc biên chế của Tuần duyên Mỹ, đã cập cảng tại Việt Nam. Đây là tàu tuần tra cỡ lớn thứ hai mà chính phủ Mỹ chuyển giao cho Cảnh sát biển Việt Nam, sau tàu CSB 8020 năm 2017. Việc chuyển giao những con tàu tuần tra này là minh chứng cho sự phát triển của quan hệ an ninh quốc phòng Việt – Mỹ, một trong những lĩnh vực hợp tác giữa hai nước.

Vào tháng 3/2018, tàu sân bay USS Carl Vinson đến Đà Nẵng, đánh dấu lần đầu tiên một hàng không mẫu hạm của Mỹ thăm Việt Nam kể từ khi chiến tranh kết thúc. Cũng trong năm này, Việt Nam lần đầu tham gia cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) sau hai lần làm quan sát viên (2012 và 2016). Đến tháng 3/2020, Việt Nam đón USS Theodore Roosevelt, tàu sân bay thứ hai của Mỹ ghé thăm.

Khởi đầu từ việc hợp tác tìm kiếm quân nhân mất tích và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ ở Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam khắc phục bom mìn và hậu quả chất đioxin, hợp tác an ninh quốc phòng Việt – Mỹ đến nay đã mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác nhau. Hợp tác này gắn liền với sự ổn định của toàn bộ khu vực, không nhằm mục đích chống lại bên thứ ba. Việt Nam xác định điều quan trọng là đảm bảo môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác tại khu vực, nơi đang chứng kiến cuộc cạnh tranh ngày càng gia tăng giữa các cường quốc.

Thứ tư, trong lĩnh vực môi trường, Hoa Kỳ mở rộng sự liên kết với khu vực Mekong và tăng cường hợp tác với Việt Nam để cùng xử lý các vấn đề như đánh bắt cá bất hợp pháp, chống buôn bán động thực vật hoang dã; chất lượng không khí; bảo vệ môi trường tại Biển Đông; và quản trị đường ven sông xuyên biên giới tại sông Mekong. Hoa Kỳ ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam nhằm nâng cao vai trò của tiểu vùng Mekong trong ASEAN và đồng thuận rằng một khu vực Mekong thịnh vượng và lành mạnh đóng vai trò nền tảng đối với sự thịnh vượng chung của ASEAN.

Hoa Kỳ cũng đánh giá cao sự cởi mở của Việt Nam trong việc tăng cường chia sẻ dữ liệu về nhiều vấn đề môi trường khác nhau và tiếp tục ủng hộ những nỗ lực của Việt Nam trong việc cải thiện chất lượng không khí, quản lý nguồn nước và rác thải đại dương thông qua chia sẻ dữ liệu vệ tinh và viễn thám.

Thứ năm, giáo dục y tế cũng là những cột trụ quan trọng khác trong quan hệ hai nước. Khoảng 30.000 sinh viên Việt học tập tại Mỹ, đóng góp một tỷ USD cho nền kinh tế nước này. Y tế cũng là một điểm sáng khi trong thời gian tới, hai nước đã hỗ trợ nhau đẩy mạnh viện trợ, mua bán và nghiên cứu sản xuất vắc xin phòng chống Covid, chung tay phòng chống các bệnh dịch mới nổi. Hoa Kỳ chọn Việt Nam là đối tác trong lĩnh vực y tế dự phòng vì Việt Nam có một hệ thống y tế toàn diện từ trung ương tới địa phương. Việt Nam là nước duy nhất ở châu Á được Hoa Kỳ lựa chọn là quốc gia thí điểm cho chương trình PEPFAR phòng ngừa HIV/AIDS của Tổng thống Hoa Kỳ. Chương trình này đã giúp hệ thống phòng ngừa HIV/AIDS ở Việt Nam đạt hiệu quả, hỗ trợ cho ngành y tế Việt Nam trong cuộc chiến này. Hai bên đã ký kết Hiệp định khung về Hợp tác Y tế và Khoa học Y học năm 2021. Hiệp định này thắt chặt quan hệ hai nước, mở đường cho nhiều dự án cụ thể cho lĩnh vực y tế.

Tóm lại, với tinh thần tôn trọng độc lập chủ quyền của Việt Nam, tôn trọng hoàn toàn thể chế chính trị Việt Nam và mong muốn hỗ trợ Việt Nam sớm trở thành nước mạnh ở khu vực, Hoa Kỳ đã có những bước đi chủ động và tích cực để thúc đẩy quan hệ lên một tầm cao. Thực chất, mối quan hệ đã mang đầy đủ tính chất chiến lược. Dù trên danh nghĩa, mối quan hệ vẫn đang được gọi tên là đối tác toàn diện nhưng ở nhiều nội hàm đã mang tính chiến lược cao. Cuộc điện đàm mới đây của lãnh đạo cấp cao nhất của hai nhà nước cho thấy rõ con đường tiến tới đối tác chiến lược đang đến gần. Sự phát triển này không đồng nghĩa với việc chống lại bên thứ ba hay đặt dưới bất kỳ một sức ép phải chọn bên nào. Quan hệ Việt – Mỹ ngày càng đi vào tầm cao và chiều sâu là vì lợi ích quốc gia và sự ổn định của khu vực, hoàn toàn không đi ngược với chính sách phát triển quan hệ với các nước lớn trong vùng. Ngược lại, điều đó chỉ thể hiện chính sách cân bằng nhất quán của Việt Nam, là bạn là đối tác tin cậy của các quốc gia trên trường quốc tế.■

Bình Minh

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN