Cơ hội thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hoa Kỳ năm 1978 đã bị chính quyền Carter chối bỏ như thế nào?

Sau giải phóng, giới ngoại giao Hoa Kỳ cũng bắt đầu xúc tiến một số động thái để bình thường hoá quan hệ với Việt Nam. Nỗ lực của hai nước nhằm bình thường hoá quan hệ đã bất thành trong những năm đầu sau giải phóng. Nhiều người quy cho Việt Nam là nguyên nhân của cơ hội bị bỏ lỡ này. Sự thực không như vậy.

Nguyên nhân tổng quát của thất bại ngoại giao này là sự chuyển hướng trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ từ hoà dịu sang ngăn chặn ở nửa sau nhiệm kỳ của Tổng thống Carter và bước ngoặt mới trong quan hệ Mỹ – Trung. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Brzezinski là người đóng vai trò lớn trong chính sách đổi hướng này.

Từ hoà dịu sang ngăn chặn

Hoàn cảnh chính trị vào cuối thập niên 1970 có nhiều thay đổi quan trọng. Quan điểm chính trị cánh hữu trở nên thắng thế hơn ở Hoa Kỳ. Ngay cả những người trung dung từng ủng hộ chính sách cùng tồn tại hoà dịu với Liên Xô cũng có xu hướng nghiêng về ngăn chặn, còn những người cánh hữu trước đây ủng hộ ngăn ngặn lại muốn đối đầu trực tiếp hơn.

Những người cánh hữu này cho rằng Mỹ cần lấy lại quyền lực toàn cầu để “đè” một Liên Xô đang suy yếu dần bằng cách cam kết tái quân sự hoá chính sách đối ngoại của Mỹ và một hiệp ước thân thiện chiến lược chính thức hơn với Trung Quốc. Nhân vật chính khách tiêu biểu cho xu hướng thiên hữu này chính là Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Carter: Brzezinski.

Một số người khác có quan điểm trung dung hơn, tiêu biểu là ngoại trưởng thời Carter Cyrus Vance hay Thượng nghị sỹ George McGovern. Họ cho rằng Mỹ cần vận dụng quyền lực một cách chọn lọc và gián tiếp hơn. Họ cho rằng Liên Xô là một quốc gia đang suy yếu và không còn nhiều khả năng gây mất ổn định cho an ninh Mỹ nên cần đối phó với Liên Xô bằng những ràng buộc kinh tế và áp lực liên minh Trung Mỹ, hơn là giải pháp quân sự.

Cố vấn Z. Brzezinski, Tổng thống Jimmy Carter và Ngoại trưởng Cyrus Vance

Trung tâm của cuộc tranh cãi giữa hai phe trung dung và cánh hữu là Tổng thống Mỹ Jimmy Carter. Chính sách của Carter trong hai năm đầu nắm quyền (1977 – 1978) thể hiện sự mâu thuẫn giữa hai xu hướng này, cũng chính là sự mâu thuẫn giữa Cố vấn an ninh quốc gia Brzezinski (thiên hữu) và Ngoại trưởng Vance (trung dung).

Tuy vậy, vào đầu nhiệm kỳ, đặc biệt trong năm 1977, Carter đã nghiêng về xu hướng trung dung của Vance, cải thiện quan hệ với nhiều quốc gia xã hội chủ nghĩa như Nam Tư, Ba Lan, Cuba, Việt Nam. Mỹ đã mở cánh cửa ngoại giao để đàm phán với Việt Nam về vấn đề người Mỹ mất tích cũng như tìm cách bình thường hoá quan hệ với Việt Nam nhờ chính sách trung dung này.

Có thể nói, chính Hoa Kỳ là quốc gia đã có những bước đi đầu tiên nhằm mở cánh cửa ngoại giao giữa hai nước, bởi Hoa Kỳ có lợi ích trước nhất nếu cánh cửa này được mở. Một mối quan hệ nồng ấm hơn với miền Bắc ít nhất cũng cho Mỹ cơ hội giải quyết vấn đề người Mỹ mất tích tại Việt Nam (MIA).

Khởi động nỗ lực ngoại giao

Chính vì thế, nỗ lực ngoại giao được khởi động vào ngày 16 tháng 3 năm 1977 với chuyến thăm của Đại sứ Mỹ Leonard Woodcock tới Hà Nội. Tổng thống Mỹ Jimmy Carter nhậm chức vào tháng 1 năm 1977 đã quyết định cần có những nỗ lực mới trong việc hàn gắn quan hệ với Việt Nam và giải quyết vấn đề MIA. Carter đã cử Woodcock làm trưởng phái đoàn tới Hà Nội để giải quyết vấn đề này.

Trong chuyến thăm này, Woodcock tỏ ý với Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh và Thứ trưởng Ngoại giao Phan Hiền rằng Mỹ muốn “đặt được nền tảng cho mối quan hệ gần gũi hơn” với Việt Nam. Trong cuộc gặp chính thức, Woodcock kêu gọi giải pháp nhân đạo về người Mỹ mất tích, trong khi đó, Thứ trưởng Phan Hiền đưa ra lời yêu cầu tái thiết và viện trợ trên cơ sở Hiệp định Paris. Việt Nam cho rằng số tiền bồi thường theo đúng Hiệp định Paris là điều kiện tiên quyết để mối quan hệ tiến thêm những bước sâu hơn.

Cuộc gặp chính thức thất bại bởi quan điểm hai bên cách biệt nhau. Woodcock đã gặp riêng ông Phan Hiền trong buổi giải lao và nói: “Nếu chúng tôi trở về mà không có kết quả gì, thì ông hãy quên chuyện lập lại quan hệ bình thường trong vòng mười hay mười hai năm”. Woodcock nói đây là “cơ hội bằng vàng để xoá đi tấm thảm kịch” chiến tranh.

Ông Phan Hiền sau đó đã thông báo với Woodcock trong cuộc gặp chính thức rằng người Mỹ có thể mang về 12 bộ hài cốt do Việt Nam đã tìm ra, và Việt Nam thành lập một văn phòng đặc biệt để tìm kiếm người Mỹ mất tích hoặc hài cốt của họ, sẽ trao trả cho Mỹ ngay lập tức những tin tức hoặc hài cốt tìm thấy.

Cuộc đàm phán về bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ đầu tiên được tổ chức tại Paris ngày 3 và 4/5/1977. Thứ trưởng ngoại giao Phan Hiền (giữa) là người dẫn đầu đoàn ngoại giao Việt Nam tham gia.

Sự hợp tác Việt Mỹ khởi nguồn từ một vấn đề nhân đạo như vậy, vấn đề MIA. Việt Nam cũng đã kỳ vọng có thể thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ nếu Mỹ từ bỏ chính sách thù địch, cấm vận, chống phá và sẵn sàng viện trợ tái thiết cho Việt Nam. Chuyến đi của Woodcock tháng 3 năm 1977 đã thành công bước đầu, mở ra một viễn cảnh bình thường hoá quan hệ Việt Mỹ trong một thời gian sớm.

Có thể nói, chính quyền Carter đã có một thái độ cởi mở hơn nhiều so với chính quyền Ford đối với Việt Nam. Carter bổ nhiệm Cyrus Vance làm Bộ trưởng Ngoại giao và Richard Holbrooke làm phụ tá đặc trách về Đông Á và Thái Bình Dương. Ngoại trưởng Vance muốn có một quan hệ gần gũi hơn với Hà Nội để Việt Nam bớt phụ thuộc vào Liên Xô và Trung Quốc. Holbrooke chia sẻ về quan điểm của Carter với Nayan Chanda, tác giả cuốn “Huynh đệ tương tàn”: “Ông ta rất muốn bình thường hoá quan hệ với Việt Nam vì đó là một biểu tượng.” Carter muốn được ghi tên mình vào lịch sử như một Tổng thống của hoà giải với cả Việt Nam, Cuba và Trung Hoa. Holbrooke, người được giao nhiệm vụ ở Đông Á cũng “bị ám ảnh về vấn đề Việt Nam. Ông ta muốn lưu danh trong lịch sử như một người đã hàn gắn với Việt Nam và đóng lại một chương sách đau buồn chính sách ngoại giao Hoa Kỳ.”

Quan hệ ngoại giao với Việt Nam còn có lợi cho Mỹ về kinh tế. Người Mỹ kể cả những nhân vật “căm giận” Việt Nam như Nixon cũng nói về tài nguyên thiên nhiên và những tiềm năng đặc biệt là dầu lửa của Việt Nam. Ngay sau khi miền Nam giải phóng, nhiều thương gia và giới chủ Hoa Kỳ đã muốn chính quyền bãi bỏ cấm vận với Việt Nam để họ có thể tìm kiếm những cơ hội mới.

Sau chuyến công du Hà Nội của Woodcock, các cuộc đàm đàm về các vấn đề trong quan hệ Việt Mỹ bao gồm việc bình thường hoá đã được nối lại ở Paris vào tháng 5 năm 1977. Trong cuộc hội đàm này, Việt Nam đã đưa ra lá thư của Nixon gửi Thủ tướng Phạm Văn Đồng vào năm 1973 trong đó Tổng thống Mỹ hứa viện trợ 3,25 tỉ đôla Mỹ và thêm 1,5 tỉ viện trợ hàng hoá.

Đoàn đàm phán Hoa Kỳ khước từ bất kỳ cam kết viện trợ nào và tuyên bố viện trợ chỉ có thể bàn tới sau khi hai bên thiết lập quan hệ ngoại giao chứ không phải là điều kiện để thiết lập quan hệ. Carter chị đạo: “Chỉ thị của tôi là đề nghị với Việt Nam hai bên công nhận nhau mà không có điều kiện tiên quyết nào cả.” Việt Nam không chấp nhận và yêu cầu bồi thường chiến tranh trước khi có đàm phán bình thường hoá.

Việc Mỹ khước từ cam kết viện trợ tái thiết có thể hiểu được trong bối cảnh giải pháp chính trị hậu chiến của Mỹ. Báo cáo về việc Việt Nam buộc Mỹ phải viện trợ trước khi bình thường hoá tới tay Quốc hội Mỹ. Dân biểu William Askbrook đã kêu gọi Quốc hội ngăn cấm chính quyền Mỹ “không được thương thảo về vấn đề tái thiết bằng cách trả tiền bồi thường cho Việt Nam”. Tu chính này được Quốc hội Mỹ thông qua với 266 phiếu thuận và 131 phiếu chống. Thái độ chống Việt Nam này của Quốc hội đã ngăn cản khoản viện trợ như một điều kiện đủ để đàm phán bình thường hoá. Còn hơn thế, tháng 6 năm 1977, Quốc hội Mỹ tiếp tục thông qua đạo luật ngăn các tài khoản Mỹ “trực tiếp hay gián tiếp” chuyển tiền cho Việt Nam, Lào, Campuchia và Uganda.

Tháng 12 năm 1977, khi Holbrooke gặp lại Thứ trưởng ngoại giao Phan Hiền để tiến hành vòng đàm phán thứ ba về bình thường hoá thì cánh cửa đã khép khá chặt với mỗi bên. Việt Nam không còn đưa ra điều khoản viện trợ như điều kiện tiên quyết nữa nữa, nhưng vẫn yêu cầu Mỹ cam kết “riêng” về viện trợ sau khi bình thường hoá, và yêu cầu Mỹ bỏ lệnh cấm vận như bước đầu tiến tới quan hệ bình thường. Holbrooke đã khước từ đề nghị này.

Đàm phán ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã “đóng băng” cho tới khi Richard Holbrooke gặp Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch vào tháng 9 năm 1978 tại New York, bên thềm cuộc họp của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc. Ông Nguyễn Cơ Thạch vẫn kiên quyết đòi viện trợ để có thể bình thường hoá quan hệ, một điều kiện mà Việt Nam đã thoả hiệp hồi năm 1977. Nhưng đó chỉ là một “phương án thử” của nhà ngoại giao lão luyện Nguyễn Cơ Thạch. Cho tới cuối buổi họp, ông Nguyễn Cơ Thạch bất ngờ đề nghị “lập lại quan hệ bình thường mà không có điều kiện tiên quyết” nào cả. Ông Thạch yêu cầu Holbrooke ngay lập tức ký một thoả thuận ngoại giao về quan hệ giữa hai nước, một thoả thuận “hai năm chưa bàn xong, thì bây giờ lại có thể hoàn tất trong vòng mười phút.”

Nhà ngoại giao Hoa Kỳ Holbrooke đã “hân hoan” ca ngợi bước tiến này của phía Việt Nam nhưng từ chối ký ngay vào một văn bản nào đó vì cần “đệ trình việc này lên Tổng thống.” Tuy vậy, hai bên đã bàn tới việc thiết lập toà Đại sứ và lãnh sự Mỹ tại Hà Nội, cũng như thiết lập Đại sứ quán Việt Nam tại Washington. Việt Nam đã chính thức chìa bàn tay về phía Mỹ và tưởng như không còn một rào cản nào nữa. Ghi nhận về sự nhân nhượng này của phía Việt Nam, nhà báo Nayan Chanda viết: “đây cũng là lần đầu tiên một thế lực bị đánh bại được tái lập quan hệ ngoại giao mà chẳng phải trả một đồng xu nào cho việc bồi thường.”

Cho tới hiện nay, vẫn có nhiều ý kiến cho rằng sự cứng rắn trong chính sách đối ngoại của Việt Nam đã khiến Việt Nam bỏ lỡ cơ hội bình thường hoá với Mỹ vào giai đoạn này. Tuy nhiên, thực tế là Việt Nam đã mềm dẻo và linh hoạt. Tình thế của Việt Nam vào mùa thu năm 1978 là khó khăn. Trung Quốc tìm mọi cách gây hấn và cô lập Việt Nam ở Đông Nam Á, đặc biệt bằng việc hỗ trợ Khmer Đỏ liên tục tấn công Việt Nam. Mở ra mối quan hệ với Mỹ là bước đi khôn ngoan của ngoại giao Việt Nam nhằm phá vỡ vòng vây cô lập của Trung Quốc.

Tác giả Nayan Chanda phân tích: “Thắt chặt với Hoa Kỳ và thoả hiệp ký với Liên Xô giúp Việt Nam có được đảm bảo từ hai phía chống lại áp lực Trung Hoa và xúc tiến công việc chuẩn bị chiến tranh với chế độ Pol Pot. Hà Nội không biết rằng khuynh hướng ở Washington bây giờ là quay trở lại chống Việt Nam. Một nhóm phụ tá của Tổng thống, cuối tháng 6 (năm 1978), đã soạn một kế hoạch để thiết lập ngoại giao hoàn toàn với Trung Hoa vào tháng 12 năm 1978.” Việc Mỹ ưu tiên quan hệ với Trung Quốc hơn là Việt Nam đã khiến toàn bộ nỗ lực bình thường hoá quan hệ hai nước đổ vỡ.

Mỹ chơi “con bài Trung Quốc”

Ngay từ đầu nhiệm kỳ của mình vào tháng 1 năm 1977, Tổng thống Carter đã đặt ra cho mình những mục tiêu đối ngoại chi tiết cho 4 năm cầm quyền tiếp theo, trong đó tài liệu năm 1977 ghi rõ một mục tiêu quan trọng:

“Bình thường hoá quan hệ Mỹ – Trung Quốc vì chúng tôi thấy rằng mối quan hệ này là một yếu tố trung tâm trong chính sách toàn cầu của chúng tôi và là một yếu tố quyết định cho hoà bình.”

Có thể nói rằng, việc xích lại gần Trung Quốc, đúng theo lời Brzezinski là “một mục tiêu chiến lược chủ chốt của chính quyền mới” bởi, mối hợp tác này sẽ “là một lợi thế của Hoa Kỳ trong cuộc cạnh tranh toàn cầu với Liên Xô.” Nửa đầu nhiệm kỳ của mình, Carter còn e dè trong việc thúc đẩy “con bài Trung Quốc”. Nhưng nửa sau nhiệm kỳ, tài liệu “Nước Mỹ nửa thế kỷ” thừa nhận rằng “chơi con bài Trung Quốc” là tính toán then chốt trong “phân tích địa chính trị của Brzezinski. “Brzezinski lập luận rằng con bài Trung Quốc là lá bài chủ yếu giúp Mỹ có khả năng đứng vững duy nhất đối với chủ nghĩa bành trướng của Liên Xô.”

Brzezinski sau này vẫn phủ nhận việc chơi “con bài Trung Quốc” trong mối quan hệ với Liên Xô và Việt Nam, và cho rằng xích lại gần Trung Quốc là một quyết định ở tầm chiến lược, thay vì chiến thuật. Sự thực, “con bài Trung Quốc” đã được sử dụng và gây thiệt hại không nhỏ cho các quốc gia có lợi ích liên quan mà Việt Nam là một ví dụ.

Brzezinski thừa nhận đã “tự soạn thảo” cho mình những chỉ đạo của Tổng thống nhưng “được Ngài đọc và ký thông qua” vào tháng 5 năm 1978, trước khi công du Trung Quốc bàn về bình thường hoá quan hệ: “… mối quan hệ với Trung Quốc là một khía cạnh trung tâm trong chính sách toàn cầu của Hoa Kỳ.”

Chuyến đi của Brzezinski đã thể hiện rõ cam kết của chính quyền Mỹ hướng về Trung Quốc. Trong chuyến thăm này, Brzezinski đã mang tặng Đặng Tiểu Bình “một món quà” là sự chấp nhận điều kiện của Trung Quốc về việc cắt đứt quan hệ với Đài Loan, như một chứng cứ bày tỏ “thành ý” của Hoa Kỳ. Còn hơn thế, một “món quà” khác có ý nghĩa không kém là báo cáo tình báo của Mỹ về “việc quân đội Liên Xô triển khai dọc biên giới Hoa – Nga”. Mỹ Trung đã bàn thảo về các giải pháp hợp tác tình báo kỹ thuật giữa hai nước nhằm thu thập tin tức từ Liên Xô, và “thiết lập các trạm kiểm soát do Mỹ huấn luyện dọc theo biên giới Nga – Hoa, để theo dõi các cuộc thử nghiệm hoả tiễn của Liên Xô.”

Một “món quà” khác Brzezinski mang đến liên quan trực tiếp tới Việt Nam là việc ông cố vấn này đã thảo luận với Đặng Tiểu Bình về nhu cầu hợp tác chặt chẽ hơn trong việc “hỗ trợ cho những cố gắng ở vùng Đông Nam Á, xem lại hoạt động của Liên Xô giúp Việt Nam bành trướng.” Điều này ám chỉ việc Mỹ Trung hợp tác hậu thuẫn cho Khmer Đỏ, chế độ duy nhất ở Đông Nam Á, đang trực tiếp chống lại cái gọi là “chủ nghĩa bành trướng của Việt Nam”.

Brzezinski đã công khai tuyên bố điều này, rằng Hoa Kỳ xích lại gần Trung Hoa để chống lại “bá quyền khu vực và thế giới” trong bữa tiệc do chủ nhà khoản đãi. Chuyến thăm của Brzezinski đã củng cố cam kết Mỹ Trung chống lại Liên Xô và Việt Nam. Những cam kết của Brzezinski đã là một bước ngoặt đưa Trung Quốc rời bỏ phe Xã hội Chủ nghĩa và bình thường hoá quan hệ với Hoa Kỳ.

Cuộc họp đặc biệt quan trọng ngày 20 tháng 6 của nhóm lãnh đạo Hoa Kỳ sau chuyến thăm của Brzezinski đã thống nhất rằng phải bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc trong năm 1978, nhưng “phải cực kỳ bảo mật” thông tin này. Như vậy, từ tháng 6 năm 1978, Carter và các cố vấn thân cận đã quyết định giữa tháng 12 là thời điểm bình thường hoá quan hệ Mỹ Trung.

Thực tế đã diễn ra đúng như kế hoạch, 9h tối ngày 15 tháng 12 năm 1978 theo giờ Mỹ, Tổng thống Carter công khai thông báo việc bình thường hoá quan hệ Mỹ Trung. Nhiều nước nhỏ lân bang đã bị gạt ra ngoài để hai nước lớn có thể chính thức thiết lập quan hệ với nhau. Cách mạng Việt Nam giờ đây phải đương đầu với cả hai nước lớn, Mỹ và Trung Quốc.

Brzezinski trong chính sách thù địch với Việt Nam

Người chủ trương kế hoạch “đứng về phía Trung Hoa và đồng minh đáng ghê tởm của họ là Khmer Đỏ để trở thành một liên minh chống Liên Xô” và Việt Nam là Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Brzezinski. Việc thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Mỹ đã mở dần và có thể mở toang nếu không có sự can thiệp và tính toán của nhân vật đầy ảnh hưởng trong chính quyền Mỹ này.

Zbigniew Brzezinski không nhiệt tình trong việc thiết lập quan hệ ngoại giao với một quốc gia mà ông này cho là “ngoại vi” như Việt Nam. Như đã đề cập, Brzezinski chỉ coi trọng quan hệ với Trung Quốc, quốc gia lúc này đang có xung đột với Việt Nam.

Brzezinski đã gửi Tổng thống Carter một bản ghi nhớ ngày 7 tháng 7 năm 1978 trong đó nhấn mạnh điểm cốt yếu là cần thiết lập mối quan hệ Trung Hoa chứ không phải Việt Nam, và rằng thiết lập quan hệ với Việt Nam, chỉ là “khiêu khích Trung Hoa”.

Tháng 5 năm 1978 Brzezinski diện kiến thủ tướng Trung Quốc Hoa Quốc Phong và tặng ông một mảnh đá từ mặt trăng – một món quà từ Tổng thống Carter.

Thiết lập quan hệ với Việt Nam là dễ dàng hơn nhiều khi Việt Nam đã không đòi hỏi bất kỳ một điều kiện tiên quyết nào nữa. Trung Quốc, ngược lại, yêu cầu Mỹ phải cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan và từ bỏ hiệp ước phòng thủ với hòn đảo này trước khi đi đến một mối quan hệ chính thức. Tuy vậy, giữa năm 1977, Carter đã nghiêng về xu hướng chiều theo Bắc Kinh hơn là Hà Nội, với sự tư vấn liên tục của cố vấn Brzezinski.

Có thể khẳng định, chính cố vấn an ninh quốc gia Brzezinski là người đã phá hỏng nỗ lực bình thường hoá quan hệ với Việt Nam vào cuối năm 1978. Cho dù được Carter chỉ thị phải “công nhận đồng thời cả Trung Hoa lẫn Việt Nam”, Brzezinski đã cho rằng “Việt Nam chỉ là kẻ được Liên Xô uỷ nhiệm, và rằng việc bình thường hoá quan hệ với Việt Nam “chỉ làm hỏng việc bình thường hoá quan hệ Mỹ – Hoa”.

Brzezinski đã thừa nhận điều này trong cuốn Hồi ký của mình: “Tôi cho rằng sáng kiến này (việc bình thường hóa với Việt Nam – NV) là không đúng thời điểm, đặc biệt với trạng thái cực kỳ nhạy cảm trong công cuộc đàm phán giữa chúng ta với Trung Quốc. Hơn nữa, tôi đã từng công khai gọi Việt Nam là một “đại diện của Liên Xô”, tương tự như những gì chúng ta đã nói với Trung Quốc, dù quan điểm này bị Bộ Ngoại giao cực lực phản đối.”

Bất chấp kế hoạch bình thường hoá với Việt Nam đã gần như xong xuôi của Bộ Ngoại giao Mỹ, Brzezinski kiên quyết và liên tục thuyết phục Carter theo hướng rằng: đi với Việt Nam có thể bị Trung Quốc hiểu thành một động thái ủng hộ Liên Xô, chống phá Trung Quốc, và Carter đã đồng ý với ông cố vấn an ninh, quyết định trì hoãn việc nối lại quan hệ với Việt Nam vào giữa tháng 10 năm 1978.

Brzezinski nhớ lại trong hồi ký rằng vào ngày 11 tháng 10 năm 1978, “Tổng thống triệu tập riêng tôi (Brzezinski) và Woodcock và đưa ra hai quyết định quan trọng: ngài nói với Woodcock rằng chúng ta sẽ không tiếp tục với Việt Nam… và rằng chúng ta sẽ trình một thông cáo sơ bộ về bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc theo cách xây dựng…”

Brzezinski đã thành công trong việc thuyết phục cả giới ngoại giao theo hướng đó. Nhà ngoại giao Woodcock, người đã sang Việt nam để đàm phán về MIA và bình thường hoá, cũng trả lời theo cách tương tự Brzezinski khi được Carter hỏi về quan điểm bình thường hoá với Việt Nam. Ông này khuyên Tổng thống Mỹ rằng kết nối với Việt Nam sẽ “bưng đổ mối quan hệ với Trung Hoa xuống nước”.

Như vậy, việc bỏ lỡ cơ hội bình thường hoá với Hoa Kỳ không phải đơn thuần do sự “bảo thủ” của phía Việt Nam như nhiều tài liệu đã dẫn. Nguyên nhân chính là giới lãnh đạo Hoa Kỳ từ Carter trở xuống đã thống nhất với nhau rằng quan hệ đối với Trung Hoa là điều quan trọng nhất, và quyết định phải trì hoãn quan hệ với Việt Nam ít nhất cho tới sau khi việc bình thường hoá với Trung Hoa hoàn tất vào cuối năm 1978.

Vào tháng 10 năm 1978, nhà ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch đã thúc giục Mỹ tiến hành việc bình thường hoá nhanh nhưng Mỹ đã tìm cớ thoái thác. Ngày 30 tháng 10, nhà ngoại giao Mỹ Rebert Oakley, người phó của Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương, nói với nhà ngoại giao Trần Quang Cơ rằng: việc bình thường hoá với Việt Nam phải chờ đến khi Việt Nam thoả mãn ba vấn đề: (1) Chính sách thù địch của Việt Nam với Campuchia; (2) Việt Nam đang ngày càng xích lại gần Liên Xô và (3) Sự gia tăng thuyền nhân trốn ra nước ngoài.

Thực tế là 4 tháng trước đó, trước sức ép thù địch của Trung Quốc, Việt Nam đã gia nhập tổ chức Comecom của khối XHCN do Liên Xô đứng đầu. Mỹ không hài lòng với việc này nhưng đây không thể là nguyên nhân chính. Việc Mỹ bỗng nhiên “đổi giọng” đưa ra những điều kiện mới chủ yếu là bởi Brzezinski đã “thông đồng” với Trung Hoa tìm cách cô lập Việt Nam. Bộ Ngoại giao Mỹ về sau đã đưa cả ba lý do này ra như những lý do tố cáo Việt Nam nhằm “biện minh” cho sự đổi thay của mình.

Sau này, chính nhà ngoại giao Oakley đã thừa nhận rằng “những trở ngại được đưa ra cho Việt Nam vào ngày 30 tháng 10 chỉ là nhằm che đậy sự thoái thác của Mỹ.” Mỹ đã chìa bàn tay về phía Trung Quốc để cùng hợp tác nhằm cô lập Việt Nam. Cơ hội bị bỏ lỡ mà chúng ta thường đề cập tới trong mối quan hệ với Hoa Kỳ không phải do Việt Nam.

Xuân Sơn

(Theo Tạp chí Phương Đông)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN