Những người Việt đến Mỹ vào thời điểm giữa hai cuộc chiến Pháp - Việt và Mỹ - Việt

Trong bài viết “Những người Việt đầu tiên ở Mỹ”[1], Phó giáo sư Sử học Charles Keith (Đại học bang Michigan, Hoa Kỳ) đã miêu tả lại hành trình tới Mỹ của người Việt trong giai đoạn từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ I (1918) đến khi Mỹ bắt đầu can thiệp vào Việt Nam (thời kỳ 1954-1960). Theo PSG. Keith, việc khảo cứu những trải nghiệm của họ tại Hoa Kỳ giúp chúng ta hiểu hơn về nước Mỹ trong văn hóa và ý thức của người Việt, và chứng minh rằng lịch sử quan hệ Việt – Mỹ không chỉ là chiến tranh. Tạp chí Phương Đông trân trọng giới thiệu với bạn đọc một trích đoạn trong bài viết này.

***

Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh, đọc bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở Quảng trường Ba Đình, Hà Nội. David Marr viết: “Nóng lòng muốn kết nối hiện trạng Việt Nam với truyền thống cách mạng của thế giới trong quá khứ, cũng như muốn liên hệ ngoại giao với một số nước khác, ông Hồ Chí Minh đã mở đầu bằng một trích dẫn từ Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ năm 1776”, nổi tiếng nhất với lời nguyện cầu cho “quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Bóng ma của nước Mỹ lơ lửng trên Quảng trường Ba Đình sớm trở thành một hiện thực hữu hình hơn, khi Mỹ dần tăng cường can thiệp về tài chính, ngoại giao và quân sự vào Việt Nam – một câu chuyện đã được kể đi kể lại rất nhiều lần. Một trong số nhiều hệ quả của điều này là những hình thức di cư mới từ Việt Nam sang Mỹ, góp phần phản ánh hiện thực mới của quá trình phi thực dân hóa. Chính trị là một lý do cho sự thay đổi này. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Đảng Cộng sản nắm quyền kiểm soát bắt đầu thiết lập sự hiện diện của mình ở Mỹ ngay sau khi Việt Nam giành lại độc lập. Hội Việt-Mỹ thân hữu (Vietnamese-American Friendship Association) được thành lập ở Hà Nội năm 1945 là một phần thuộc chiến lược ngoại giao của chế độ cách mạng nhằm thu hút sự ủng hộ của giới chức Mỹ. Tới năm 1948, tổ chức này đã có chi nhánh tại Mỹ. Từ trụ sở đặt tại số 796 đại lộ 9 ở New York, họ đã “phát biểu về vấn đề Việt Nam và tuyên truyền về nền văn minh Việt Nam”, cũng như quyên góp tiền cho sự nghiệp cách mạng của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Họ nhận được sự hỗ trợ từ những người Mỹ cánh tả nổi tiếng như Richard Walsh, Norman Thomas, Roger Baldwin và Harold Issacs. Có lẽ đây là ví dụ sớm nhất mở đầu cho nhiều mối quan hệ gắn kết tương tự giữa các nhà lãnh đạo Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với cánh tả Mỹ trong thế hệ tiếp theo.

Tin tức về lớp học tiếng Mỹ do Hội Việt-Mỹ thân hữu tổ chức tại Hà Nội được đăng trên Việt Nam Dân Quốc Công Báo, số ra ngày 1/12/1945 (Tài liệu lưu trữ của Thư viện Quốc gia Việt Nam)

Các chế độ phi cộng sản đối đầu bắt đầu nổi lên ở Việt Nam sau năm 1945 cũng đóng vai trò làm động cơ cho một loại hình di cư mới mẻ và khác lạ từ Việt Nam sang Mỹ. Đầu năm 1946, Đoan Hữu Giam – một viên chức ở khu tự trị Nam Kỳ – đã sang Mỹ để sắp xếp việc mua hàng hóa Mỹ phục vụ cho nền hành chính dân sự của chính quyền mới, và thiết lập một đường dây nhập khẩu hàng Mỹ của cá nhân ông ta để bán lại ở chợ đen Sài Gòn. Sự thành lập Quốc gia Việt Nam vào năm 1949 đã đưa đến sự hiện diện chính thức về mặt ngoại giao đầu tiên của Việt Nam tại Hoa Kỳ với sự kiện khai trương đại sứ quán Quốc gia Việt Nam ở Washington DC năm 1952. Đại sứ đầu tiên, Trần Văn Khá – người đã trình ủy nhiệm thư lên Tổng thống Truman vào ngày 1/7/1952 – chỉ đứng đầu một đoàn nhân viên gồm vỏn vẹn bốn người trong văn phòng đại sứ quán ở đường Woodley phía sau Nhà thờ Quốc gia. Tất nhiên, cho đến thập niên 1960, đại sứ quán có một tòa nhà rộng hơn và số lượng nhân viên đông đảo hơn nhiều. Và khi những mối liên kết ngoại giao này phát triển, việc bay sang Mỹ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết đối với những người Việt phi cộng sản mong muốn đưa chính thể Quốc gia Việt Nam thoát khỏi sự kìm kẹp của đế quốc Pháp sau thế chiến. Nổi tiếng nhất trong số đó là Ngô Đình Diệm – người đã đi khắp nước Mỹ để vận động chính trị trong những năm 1950, nhận được sự ủng hộ từ các nhà báo, thượng nghị sĩ, thẩm phán tòa án tối cao, cũng như các giám mục Công giáo.

Trong bộ áo dài truyền thống, ông Trần Văn Khá, Đại sứ đầu tiên của Quốc gia Việt Nam, đến trình ủy nhiệm thư lên Tổng thống Truman. Ảnh chụp ngày 7/1/1952 tại Nhà Trắng.

Tuy nhiên, Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất cũng tạo ra một loạt những lí do và cơ hội mới cho người Việt Nam sang Mỹ, bên cạnh những kênh ngoại giao và chính trị chính thức. Đối với những người Việt theo Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Mỹ không phải là một điểm dừng chân thường xuyên trong những chuyến du hành quốc tế, trừ trường hợp nổi tiếng của Phạm Xuân Ẩn vào thập niên 1950 với vai trò gián điệp. Ngược lại, đối với tầng lớp trí thức văn hóa người Việt nằm ngoài quỹ đạo của cộng sản, việc di cư đến Mỹ ngày càng trở nên phổ biến trong những năm 1940, rất lâu trước khi Mỹ xác lập vị thế ảnh hưởng của mình đối với nhà nước Việt Nam phi cộng sản sau khi Việt Nam bị chia cắt. Một ví dụ điển hình là nhân vật Tào Kim Hải. Thời trẻ, ông có thể được khắc họa như một thành phần ưu tú đã được đồng hóa ở xứ thuộc địa. Là người theo Công giáo và là một công dân Pháp, ông sang Pháp du học năm 1923, kết hôn với một phụ nữ Pháp, nhận bằng Tiến sĩ Luật và trở thành một trong những trí thức người Việt nổi bật nhất ở Pháp. Ông viết cho các tờ báo như Le Petit Parisien Paris-Soir, sáng tác thơ và viết về lịch sử Đông Dương, và nhận được huy chương vàng từ L’Académie francaise năm 1940. Là một người trung thành với tư tưởng của Charles de Gaulle, Tào Kim Hải sang Mỹ lần đầu tiên để giúp Đệ Tứ Cộng hòa Pháp tái thiết lập đế chế của mình. Ông cũng là phái viên người Pháp đến hai hội thảo quốc tế năm 1945 về những vấn đề toàn cầu thời hậu chiến được tổ chức tại Hot Springs, Virginia và San Francisco. Tuy nhiên, nửa sau của cuộc đời ông lại xoay quanh một trọng tâm mới. Ông ở lại Mỹ, tái hôn, và xây dựng một sự nghiệp văn chương mới bằng việc viết bài cho tờ New Yorker, Esquire,Gourmet. Nguyễn Văn Thơ có lộ trình tương tự. Sau khi nhận bằng nha khoa từ Khoa Y học (Faculté de Médecine) ở Paris, Nguyễn Văn Thơ trở về Việt Nam để thực hành. Ông là phái viên của Quốc gia Việt Nam đến Đại hội Thanh niên Thế giới (World Assembly of Youth) tổ chức ở Ithaca, New York năm 1951. Ông cũng lựa chọn tiếp tục sinh sống tại Mỹ. Ông học tiếp ở Northwestern và định cư ở New York. Mặc dù ông có quay về Việt Nam một thời gian trong chiến tranh, nhưng đến năm 1975 ông đã về Mỹ vĩnh viễn.

Những câu chuyện cuộc đời như vậy cho thấy sự can thiệp của Mỹ vào quá trình giải phóng thuộc địa của Việt nam đã bắt đầu tạo ra những hình mẫu di cư mới giữa hai nước vào cuối thập niên 1940 – đầu thập niên 1950 như thế nào. Đối với Tào Kim Hải – chàng thanh niên tìm kiếm một nền giáo dục ưu việt ở nước ngoài thập niên 1920, bất cứ nơi nào ngoài Pháp đều là không tưởng. Tuy nhiên, cho đến những năm 1940, một số người Việt đã bắt đầu theo bước Nguyễn Văn Thơ và nhập học tại những trường đại học Mỹ thời hậu chiến. Sinh ra trong một gia đình trí thức cũ ở Hà Nội, Nguyễn Đình Hòa đi theo lộ trình giáo dục tiêu biểu dành cho giới tinh hoa thời thuộc địa, trở thành giáo viên và buộc phải chạy trốn khỏi thành phố khi chiến tranh nổ ra. Ông quay trở về vào giữa năm 1947. Sau hai tuần làm cho một công ty công nghiệp Pháp và có trải nghiệm không vui vẻ gì, ông vào làm cho lãnh sự quán Mỹ. Tại đây, ông tạo được ấn tượng tốt trước một vị khách quan trọng: nhà nhân học John Embree của Đại học Yale, khi đó đang làm việc với tư cách là một chuyên viên văn hóa tại Lãnh sự quán Mỹ ở Sài Gòn. Embree thuyết phục ông nộp hồ sơ xin học bổng từ Viện Giáo dục Quốc tế Mỹ. Vài tháng sau, Nguyễn Đình Hòa lên máy bay đi du học tại trường Union College ở Schenectady, New York, tại “một đất nước mà tôi chỉ được nhìn và ngưỡng mộ qua những bộ phim phụ đề tiếng Pháp và thỉnh thoảng đọc được trong một tờ tạp chí Reader’s Digest cũ từ một người lính Mỹ mà tôi bắt chuyện trên phố vào năm 1945”. Đến New York, ông gặp ba người trong số ít cư dân Vệt Nam của thành phố. Một trong số đó là Lý Đức Lâm. Người này sang Mỹ năm 1942 để dạy tiếng Việt tại Đại học California-Berkeley, nơi ông đồng biên soạn một cuốn sách giáo khoa tiếng Việt theo hợp đồng với quân đội Mỹ. Khi Nguyễn Đình Hòa nhập học năm 1948, ông là một trong số bốn sinh viên Việt Nam ở Mỹ. Về sau, cùng với Huỳnh Sanh Thông ở Đại học Ohio, ông đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển lĩnh vực Nghiên cứu Việt Nam ở Mỹ. Đến năm 1960, “729 sinh viên và học giả miền Nam Việt Nam đã được đào tạo ở Mỹ”, hàng trăm người trong số đó học ngành hành chính công và luật dưới sự bảo trợ của Nhóm Cố vấn về Việt Nam của Đại học bang Michigan (Michigan State University Vietnam Advisory Group). Họ liên kết với nhau thông qua Tổng hội người Việt tại Mỹ (thành lập năm 1953). Sau khi hồi hương, họ kết nối thông qua Hiệp hội cựu sinh viên Việt Nam từng học đại học Mỹ (thành lập năm 1959). Tóm lại, khi Mỹ bắt đầu can thiệp quân sự vào Việt Nam, những sự kiện đan cài giữa chủ nghĩa đế quốc của Mỹ với chủ nghĩa yêu nước phi cộng sản của Việt Nam đã tạo ra một tập hợp những động lực mới định hình cuộc di cư của người Việt sang Mỹ, phản ánh mối quan hệ mới giữa hai quốc gia trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Khánh Linh dịch

(Theo Tạp chí Phương Đông)

 

[1] Nguyên bản tiếng Anh: Keith, C., 2019. The First Vietnamese in America. SOJOURN: Journal of Social Issues in Southeast Asia, 34(1), pp.48-75.

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN