Robert Hopkins Miller
Ngô Bắc dịch
John Cady, trong quyển sách của ông nhan đề Các Căn Nguyên của Chủ Nghĩa Đế Quốc Pháp tại Đông Á: The Roots of French Imperialism in Eastern Asia, mô tả hai yếu tố đã thúc đẩy người Pháp tại Đông Dương trong tám mươi năm cai trị thuộc địa:
Một là sự phục hoạt tôn giáo mạnh mẽ, tập trung tại nước Pháp, quét ngang khắp vùng Âu Châu Thiên Chúa Giáo tiếp theo sau sự sụp đổ của Nã Phá Luân. Căn nguyên kia là mối ưu tư gần như vô vọng về phía các triều đại từ Orleans và Napoleon, cai trị nước Pháp từ 1830 đến 1870, muốn khôi phục ít nhất một chiều kích của uy tín quốc tế từ lầu vẫn gắn liền với danh xưng nước Pháp. Hai yếu tố này đã hợp nhất để phục hồi truyền thống đế quốc của Pháp tại Đông Phương trong các thập niên giữa thế kỷ (1).
Vào cuối thập niên 1850, vị thế của Anh Quốc tại Trung Hoa nổi bật lên trong số các cường quốc Tây Phương; Anh Quốc đã hoạt động tại Trung Hoa từ các căn cứ an toàn tại Tân Gia Ba và Ấn Độ, mà từ đó trong gần hai thế kỷ trước đây, các áp lực của Anh Quốc ban đầu đã đẩy Pháp đi tìm kiếm các đầu cầu khác xa hơn về phía đông tạI Á Châu và đã hướng sự chú ý đầu tiên của Pháp vào vùng Đông Dương. Trong suốt giai đoạn này, dưới thời các Tổng Thống Fillmore và Pierce, chính sách của Hoa Kỳ là “tích cực tiến tới” trong khu vực Thái Bình Dương (2). Đây là thời kỳ trong đó Đề Đốc Perry đã được phái đi để mở cửa Nhật Bản cho mậu dịch và ảnh hưởng Tây Phương và trong đó ông đã cùng với ông Peter Parker, Sứ Thần Hoa Kỳ tại Trung Hoa, biện hộ cho các căn cứ của Hoa Kỳ trong khu vực và các sự dàn xếp để bảo hộ cho các xứ sở tại Đông Nam Á. Điều đã từng là tinh thần hợp tác giữa các cường quốc tây phương trong thập niên 1840, khi các hiệp ước đầu tiên với Trung Hoa được thương thảo, đã nhường bước cho sự cạnh tranh và ganh đua. Như sự tường thuật của Cady đã phát hiện, các điện văn mà các đồng sự người Pháp và người Anh của ông Parker gửi về các thủ đô của họ bao gồm nhiều thông tin về hoạt động của Pháp và Anh tại Đông Dương, nhưng các nhà ngoại giao Hoa Kỳ tại Bắc Kinh và các nơi khác trong vùng xem ra rất ít được hay biết về hoạt động đó, ngoài việc gửi các báo cáo bất thường xuyên về các sự di chuyển binh lính và sự giao tranh xa xôi.
Vào lúc thập niên 1850 kết thúc và thập niên 1860 bắt đầu, Hợp Chúng Quốc trượt vào cuộc nội chiến và ngày càng bận tâm hơn với thảm kịch nội bộ của nó. Hợp Chúng Quốc gặp khó khăn bởi sự can dự của Anh và Pháp vào các phe tham chiến tại Hoa Kỳ và với các sự phiêu lưu của Pháp tại Mễ Tây Cơ, chứ không phải vì các biến cố tại vùng Đông Dương xa xăm. Vào lúc cuộc nôi chiến đã qua đi và các vết thương dân tộc bắt đầu được hàn gắn, nước Pháp đã tiến vào Đông Dương bằng vũ lực, và Hợp Chúng Quốc không có lý do để tự mình liên hệ vào cuộc đấu tranh xa xôi đó. Hậu thuẫn cho Pháp sẽ gây khích động cho Trung Hoa, nước sắp sửa tiến tới bờ vực của một cuộc chiến tranh với Pháp khi nước này xâm lăng Bắc Việt, trong khi sự chống đối Pháp tại Đông Dương lại không phục vụ cho quyền lợi nào của Hoa Kỳ. Điều này còn làm thương tổn đến các mối quan hệ thân hữu và mật thiết từ lâu với nước Pháp – như được tiêu biểu bởi món quà của nước Pháp là Bức Tượng Nữ Thần Tự Do vốn làm xúc động đến suối nguồn sâu thẳm nhất của tình hữu nghị giữa hai xứ sở.
Các nhà ngoại giao và các viên chức lãnh sự Hoa Kỳ tại Trung Hoa, Hồng Kông, Tân Gia Ba, và Vọng Các có gửi các báo cáo rời rạc về các hoạt động của Pháp tại Đông Dương trong các thập niên 1860 và 1870. Nước Pháp có vẻ như đã hành động một cách cẩn mật tối đa khã dĩ có thể làm được để tránh khuấy động sự chống đối của các cường lực khác. Nhưng các nhà ngoại giao và lãnh sự Hoa Kỳ cũng đã báo cáo ngày càng đều đặn hơn rằng sự kiểm soát của Pháp tại Sàigòn trong vùng Nam Kỳ đã khai mở hải cảng đó cho công cuộc thương mại ngoại quốc. Các tàu thuyền Hoa Kỳ đã cập bến tại Sàigòn với nhịp độ gia tăng, và các viên chức Hoa Kỳ trong vùng đã lập luận rằng nền thương mại mở rộng này đòi hỏi rằng một viên lãnh sự hay ít nhất một đại lý lãnh sự cần phải được trú đóng tại Sàigòn để giải quyết các vấn đề của thủy thủ và các chuyến hải vận của Hoa Kỳ. Nhiều báo cáo trong số này cũng đã phản ảnh sự nghi ngờ về sự khôn ngoan của sự mạo hiểm của Pháp tại Đông Dương khi xét đến các tổn thất gây ra trong số bị thương và mắc binh của quân lính Pháp.
Vào ngày 22 tháng Mười năm 1858, Sứ Thần Hoa Kỳ tại Trung Hoa, William Reed, đã chuyển đến cho ông Lewis Cass, Bộ Trưởng Ngoại Giao, một bản sao thông báo của Phái Đoàn Pháp tại Trung Hoa về sự phong tỏa các hải cảng của Cochinchina bởi một liên quân hỗn hợp Pháp và Tây Ban Nha rằng: “Chỉ có ít điều được hay biết hay phỏng đoán nơi đây về mục đích của cuộc hoạt động giống như chiến tranh này (3)”. Một lần nữa trong tháng Mười Một cùng năm đó, Sứ Thần Reed đã viết cho Bộ Trưởng Cass như sau:
Rất ít tin tức có thể tin cậy được đã lọt đến tay chúng tôi từ cuộc viễn chinh của Pháp và Tây Ban Nha tại Cochinchina. Hải cảng Đà Nẵng đã bị chiếm đoạt, và hiện được trú đóng bởi các đồng minh mới; phía An Nam đã lui binh, duy trì một loại chiến tranh du kích yếu ớt, và bệnh tật đã gây chết chóc cho người Pháp. Cuộc viễn chinh hoàn toàn mang tính cách quân sự [sic} (4)”.
Người kế nhiệm ông Reed, S. Wells Williams, đã viết hồi tháng Hai năm 1859:
Các hoạt động và ý đồ của Pháp tại Cochinchina đều được giữ bí mật đến nỗi các tin tức đáng tin cậy nhất lọt đến nơi đây qua ngả Âu Châu. Quân số ở đó và trên bờ phải gánh chịu nhiều vì bệnh tật, và hai đến ba chiếc tàu tiếp vận chạy bằng hơi (steamtenders) đang thường xuyên chạy giữa Đà Nẵng (Turon) sang Hồng Kông hay Ma Cao, chuyên chở thực phẩm, các thương bệnh binh, và đồ tiếp liệu, ngoài những chiếc tàu khác chạy qua lai Manila. Người dân An Nam được nói bị cách ly khỏi các kẻ địch của họ một cách chặt chẽ đến nỗi các thực phẩm không thể thu mua được để tiếp tế cho các binh sĩ. Tuy nhiên, quá ít điều được hay biết liên quan đến hoạt động và viễn ảnh của toàn thể sự vụ đến nỗi tôi phải tự kiềm chế để khỏi ghi nhận các tin đồn (5).
Một tháng sau dó, Lãnh Sự Hoa Kỳ O‘Sullivan báo cáo từ Tân Gia Ba rằng các lực lượng tăng phái của Pháp đã được phái đến xuyên qua đường băng ngang đất liền và không bao lâu nữa sẽ đến Cochinchina. “Trong thực tế, họ sẽ cần số tăng phái này nếu họ muốn theo đuổi các cuộc hành quân mà họ khởi sự hồi gần đây – cùng với sự liên minh với quân Tây Ban Nha — tại Sàigòn (6)”. O‘Sullivan có gộp trong điện văn của mình một trích đoạn từ một lá thư về việc chiếm giữ Sàigòn viết bởi một sĩ quan người Pháp trên chiếc thuyền buồm của Pháp mang tên Nemesis, một ngày sau trận đánh. O‘Sullivan có bổ túc sự tin tưởng của ông rằng các sự tổn thất của Pháp trong cuộc chiến thì nặng nề, bất kể lời tuyên bố ngược lại của Pháp (7).
Hai tuần sau đó, Lãnh Sự O ‘Sullivan báo cáo rằng bẩy trăm binh sĩ Pháp đã đến Tân Gia Ba trên đường đi Trung Hoa và rằng sáu trăm quân lính Tây Ban Nha tham dự vào cuộc đánh chiếm Sàigòn cũng đã tới (8). Ít ngày sau đó, Sứ Thần Hoa Kỳ tại Trung Hoa, S. Wells Williams, báo cáo về nơi đến của số binh sĩ được giả định chính là đám quân trên và đưa ra một số ý kiến phỏng đoán:
Toán thủy quân lục chiến Pháp được đề cập trong điện văn thứ 4 của tôi nhiều phần sẽ đồn trú tại thành phố Quảng Châu (Canton) lại được phái thẳng sang Cochinchina ngay sau khi đến nơi, sự chiếm giữ Sàigòn nằm bên sông Mê Kông [Mei-kon trong nguyên bản, chú của người dịch] đã khiến cho sự hiện diện của họ tại đó trở nên cần thiết. Chúng tôi tiếp tục nghe thấy về các cuộc chạm súng nhỏ và các cuộc tấn công tại xứ sở đó, trong đó các binh sĩ Pháp và Tây Ban Nha nhất tề đã thành công, nhưng về giá trị của các sự chinh phục này và thái độ của họ về các kế hoạch của phía chiến thắng liên quan đến các ý đồ tổng quát của họ, chỉ có rất ít tin tức xác thực có thể kiểm chứng được. Ở một khía cạnh nào đó, các sự tiến hành của các người Âu Châu tại xứ sở bị cai trị một cách khốn khổ đó, bất kể mục tiêu hay kết quả của họ ra sao, khó có thể mang phúc lợi lại cho quảng đại quần chúng và cải thịện được sự đàn áp trên họ (9).
Trong tháng Tám năm 1859, Lãnh Sự Hoa Kỳ tại Hồng Kông báo cáo rằng nước Pháp đã ký kết một hiệp ước với Cochinchina và sắp sửa di tản khỏi Đà Nẵng và quay trở lại thành phố Quảng Châu. Lãnh sự Kennan báo cáo rằng một chiếc tàu vận tải chở “quân sĩ và các thương bệnh binh” đã sẵn cập bến tại Hồng Kông (10).
Vào khoảng đầu năm 1861, các điện văn lãnh sự trong khu vực đã bắt đầu chuyển từ các vấn đề quân sự liên quan đến Cochinchina sang các vấn đề dính líu đến công việc hải vận và các thủy thủ. Trong tháng Ba năm 1861, Phó Lãnh Sự Hoa Kỳ tại Tân Gia Ba, Alexander Hutchinson, thông báo với Hoa Thịnh Đốn rằng người Pháp đã thay đổi các lệ phí thả neo tàu tại Sàigòn (11). Một tháng sau đó, Hutchinson đã chuyển tiếp một thông báo của đồng sự người Pháp của ông rằng sự phong tỏa tiếp tục của hải quân Pháp dọc bờ biển Cochinchina sẽ không còn áp dụng đối với các thương thuyền chạy ngược dòng sông đến Sàigòn (12). Sáu tháng sau, Hutchinson – khi này đã là quyền Lãnh Sự — có chuyển tiếp về Bộ Ngoại Giao các văn thư liên quan đến một âm mưu giết người trên chiếc thuyền Hoa Kỳ có tên Connecticut trong khi đang ở Sàigòn hồi tháng Năm trước đây (13). Một tháng sau đó, Hutchinson đã ghi nhận rằng Đô Đốc Bonard, Toàn Quyền Pháp tại Cochinchina, có ý định dựng một ngọn hải đăng tại Vũng Tàu sẽ dùng vào việc truyền tin với Sàigòn “bằng Điện Tín: Electric Telegraph” (14). Trong cùng lá thư, Hutchinson báo cáo các ý định của người Pháp để xây dựng tại Sàigòn một sàn khô (dry dock) to lớn và cơ sở để sửa chữa các máy tàu chạy bằng hơi nước và các loại máy móc. Theo Hutchinson, viên Đô Đốc ngườI Pháp biểu lộ “khuynh hướng thành thực nhất” là sẽ tán trợ cho, trong mọi phương cách khả dĩ, các quyền lợi của cộng đồng thương mại tại Quần Đảo Phương Đông (15).”
Một tháng sau đó, đầu năm 1862, Lãnh Sự Hoa Kỳ tại Vọng Các quay trở lại một chủ đề về quân sự trong một bức thư về xứ Cochinchina. Lãnh Sự Westervelt đã kết luận:
Cochinchina giờ đây có thể được xem là một thuộc địa của Pháp … Tại Sàigòn, người Pháp có và hiện còn đang thu tập một số lượng quân nhu lớn cho các kho hải quân và quân sự của họ. Họ có một hạm đội vào khoảng 60 chiến thuyền tại hay gần địa điểm đó, tầm mức vĩ đại của lực lượng và sự dự trữ gây ra sự thắc mắc khắp nơi bên trời Đông. Phần nhiều là các sự phỏng đoán về mục tiêu thực sự. Một số người nghĩ rằng việc đó nhằm để chống lại các thuộc địa của Hòa Lan trong trường hợp có một đoạn giao tại Âu Châu. Các kẻ khác lại có ý kiến rằng nó nhằm để chống lại Ấn Độ một khi gặp phải sự rắc rối nẩy sinh với Anh Quốc (16).
Gần hai năm sau đó, Lãnh Sự Hoa Kỳ tại Hồng Kông có chuyển tiếp đến Bộ Trưởng Ngoại Giao William Seward một lá thư từ ông William G. Hale, một công dân Hoa Kỳ cư ngụ tại Sàigòn, muốn được bổ nhiệm làm “Đai Diện Thương Mại” tạI hải cảng đó. Lãnh Sự Congar ghi nhận rằng ông Hale là một thương gia có phẩm cách và uy thế, rằng không lâu trước đây ông ta đã hành động “với một sự hào phóng to lớn” trong vụ đám chiếc thuyền Hoa Kỳ có tên Hotspur, và rằng ông ta là “một người thực sự trung thành.” Ông Congar kết luận rằng sự bổ nhiệm ông Hale sẽ mang lại nhiều lợi ích về thương mại. Lá thư của chính ông Hale cho biết rằng ông ta đã từng cư trú trong hai năm tại Sàigòn với tư cách một thương nhân và ông tin tướng rằng một đại diện thương mại hay lãnh sự sẽ được hân hoan đón tiếp bởi các nhà cầm quyền người Pháp. Ông Hale cũng phát biểu quan điểm rằng “trong khi nền Thương Mại của Cochinchina đang phát triển một cách mau lẹ, một sự bổ nhiệm như thế sẽ nhận được sự tán trợ của các Thương Thuyền Hoa Kỳ tham gia công cuộc mậu dịch (17).” Một lần nữa, khoảng gần hai năm sau đó, Xử Lý Đại Biện Hoa Kỳ tại Bắc Kinh, S. Wells Williams, báo cáo rằng Trung Hoa và Pháp đã đồng ý việc sửa đổi các lệ phí vận tải cho các thuyền đi lại giữa Trung Hoa và Nhật Bản, và giữa Trung Hoa với Sàigòn do Pháp kiểm sóat (18).
Chỉ sau khi Cuộc Nội Chiến Hoa Kỳ chấm dứt Bộ Ngoại Giao mới tích cực cứu xét sự thiết lập một lãnh sự quán tại Sàigòn, được thúc đẩy ít nhất bởi các lời thỉnh cầu của người Hoa Kỳ trong khu vực và bởi các lời yêu cầu của Quốc Hội để cứu xét sự bổ nhiệm một công dân xứng đáng làm lãnh sự tại đó. Trong năm 1870, Bộ Ngoại Giao có đưa ra một điều có vẻ là sự cứu xét chính sách nghiêm chỉnh đầu tiên của Bộ trong vấn đề thiết lập một Lãnh Sự Quán tại Sàigòn, thuộc Cochinchina:
Sài Gòn là hải cảng chính yếu trong vùng thuộc Cochinchina giờ đây cấu thành một thuộc địa của Pháp. Tầm quan trọng của nó đối với thương mại thế giới gia tăng một cách lớn lao bởi sự kiện nó là một thuộc địa của nước đó {Pháp]. Đã có sự lưu tâm của Bộ về tầm quan trọng gia tăng của địa điểm đó và về tính cách thích nghi của việc bổ nhiệm một viên chức lãnh sự ở đó có thể ngay từ trong mùa xuân năm 1868. Vào lúc đó Thượng Nghị Sĩ Cattel có gửi hai văn thư đến Bộ về vấn đề này kèm theo một lá thư từ Văn Phòng Luật Sư Cortlandt Parker Esq. tại thành phố Newark, tiểu bang New Jersey [viết tắt là N.J. trong nguyên bản, chú của người dịch] và những tài liệu khác, yêu cầu bổ nhiệm ông G.F. Parker làm Đại Diện Lãnh Sự hay Đại Diện Thương Mại ở đó. Hành động duy nhất được thi hành là chuyển vấn đề đến cố Lãnh Sự tại Hồng Kông để báo cáo. Vào ngày 14 tháng Bẩy năm 1868, viên Lãnh Sự này đã báo cáo, rằng có sự trao đổi đáng kể của Hoa Kỳ giữa Hồng Kông và Sài Gòn và rằng công cuộc mua bán này đang gia tăng, rằng đã có khoảng 10 chiếc thuyền Hoa Kỳ rời Hồng Kông sang Sàigòn mỗi năm trong ba năm cuối vừa qua. Ông ta không được thông báo gì về công cuộc mậu dịch của những con tàu trương cờ Hoa Kỳ giữa Sài Gòn và các hải cảng khác. Tất cả các Thuyền Chạy Bằng Hơi Nước chuyên chở thư từ của Pháp tại đại dương đó đều ghé bến Sài Gòn. Nước Anh có một lãnh sự toàn thời gian ở đó. Ông ta đã kết luận rằng Hoa Kỳ cần phải có đại diện ở đó, rằng bởi vì có sự kính trọng lớn lao dành cho cấp bậc tại phương đông, tốt hơn là nên bổ nhiệm một Lãnh Sự thay vì một Đại Diện Thương Mại hay Đai Diện Lãnh Sự. Ông ta đề cao ông Parker, một công dân Hoa Kỳ. Sự phản đối duy nhất của ông về ông Parker là vì ông Parker này đã từng là một Trung Úy thuộc quân đội nổi loạn trong cuộc nội chiến vừa qua của chúng ta.
Nếu một thương gia Hoa Kỳ khả dĩ chấp nhận được đối với Chính Quyền, có thể được tìm thấy ở Sàigòn, người sẽ chấp nhận sự bổ nhiệm không cần lương bổng, tôi không có gì để phản đối việc bổ nhiệm người đó làm Lãnh Sự. Tôi nghi ngờ sự thích đáng trong việc tạo lập một đai diện lãnh sự dưới quyền [Lãnh Sự Quán] Tân Gia Ba, nếu không phải vì lý do nào khác, thì cũng bởi một bên là một hải cảng thuộc Anh Quốc và bên kia là hải cảng thuộc nước Pháp. Điều càng tốt hơn nữa nếu Quốc Hội đồng ý chuẩn chi cho sự thành lập một Lãnh Sự Quán có trả lương. Hai địa điểm trên [Sàigòn và Tân Gia Ba, chú của người dịch] cách xa nhau khoảng 600 dặm.
Kính trình,
Jasper Smith
Tháng Chín, ngày 6, năm 1870
Phía trên bản báo cáo này có hàng chữ viết tay như sau: “Ông Pratt: Không phải là lúc thích hợp để thiết lâp Đại Lý theo lời yêu cầu. Soạn một văn thư để đệ trình [sic] vào tháng Mười Hai khi Quốc Hội nhóm họp để cho ý kiến về sự thiết lập một Lãnh Sự Quán (19).”
Lãnh Sự Hoa Kỳ Sewell tại Tân Gia Ba tình nguyện đưa ra một khuyến cáo tán thành sự thíết lâp một đại diện lãnh sự tại Sàigòn và đề nghị một ứng viên vào cùng luc mà Bộ Ngoai Giao đang khảo sát vấn đề. Lãnh Sự Sewell nêu lên tên của một công dân Hoa Kỳ đang cư trú tại Sàigòn, ông William G. Hale, nhưng thừa nhận rằng ông Hale đã đứng về “phía kẻ thù của chúng ta” trong cuộc Nội Chiến và rằng ông ta là một đảng viên đảng Dân Chủ (!). Theo đó, Sewell đã đề cử chức đại diện lãnh sự cho một ông có tên là F.A. Speidel, “một người đàn ông lịch lãm, có quan hệ với một hãng hoạt động sâu rộng tên hãng Kaltenbeck, Engle & Cọ, và rất am hiểu về các công việc hàng hải (20).” Sewell lấy làm thất vọng vì quyết định của Bộ Ngoại Giao:
Tôi rất lấy làm tiếc, với kết luận mà Bộ đã đạt tới, trong trường hợp này, bởi có một nhu cầu to lớn về sự hiện diện của một Đại Diện của Chính Phủ chúng ta tại Sài Gòn, để trông nom các quyền lợi của nền Thương MạI Hoa Kỳ, tại đó, đang trong chiều hướng gia tăng. Ông F.W. Speidel, một người lịch lãm, được tôi đề cử cho chức vụ Đại Diện Lãnh Sự Hoa Kỳ, được nể trọng trong cộng đồng; và đã quan tâm rất nhiều đến công cuộc Thương Mại của chúng ta. Ông đã nỗ lực phục vụ trong tư cách quyền Đại Diện Lãnh Sự: đã trợ giúp rất nhiều trong vụ chiếc Pháo Thuyền Hoa Kỳ “Palas”, được đưa vào Sài Gòn, trong tình trạng hư hỏng, để sửa chữa; đã từng phục vụ trên Chiến Ham Hoa Kỳ “Alaska”, và đã được lòng mọi người. Nếu sau này quý Bộ quyết định bổ nhiệm một Đại Diện ở Sài Gòn, điều mà tôi đã sẵn khuyến cáo, tôi xin quý Bộ hãy cứu xét đến ông Speidel, là cá nhân rất thích hợp [với chức vụ này] (21).
Lãnh Sự Sewell tiếp tục thúc đẩy Bộ Ngoại Giao để có một quyết định thuận lợi. Trong tháng Ba năm 1871, ông có chuyển một báo cáo sau này có tính cách thương mại của Tổ Hợp các ông Kaltenbach, Engle & Co, các thương gia tại Sàigòn, để trình bày về tầm quan trọng gia tằng như thế nào của Sàigòn như một trung tâm mậu dịch và đặc biệt tầm quan trọng ra sao của mậu dịch Hoa Kỳ tại hải cảng đó:
Quý ông sẽ nhận thấy đã cập bến nơi đó, trong Tháng Hai, tháng vừa qua, ít nhất có đến Bẩy Thuyền Hoa Kỳ. Số đi và đến của các Thuyền Hoa Kỳ, được đếm là mười một chiếc; và vào cuối tháng, có bốn chiếc thuyền tại hảI cảng. Hiện giờ, không có Đại Diện Lãnh Sự Hoa Kỳ tại hải cảng đó, và, bởi thế, tôi nghĩ rằng các quyền lợi hàng hải của chúng ta chịu thiệt hại; các thủy thủ không thể bị cho nghỉ hay chuyển đi; Các chiếc thuyền không thể được mua hay bán; Các Hóa Đơn không được thị thực, v.v… Các Chính Phủ khác đều có các Đại Diện Lãnh Sự của họ tại Sàigòn, và nhờ đó đã thu hái được lợi lộc. Tôi khẩn cầu một lần nữa, với sự nghiêm chỉnh nhất, để khuyến cáo sự bổ nhiệm một Đại Diện Lãnh Sự cho nhiệm sở đó, tại Sàigòn, và xin đề cử danh tính của ông F.W. Speidel, làm Đai Diện như thế, bởi các công tác thiện nguyện mà ông đã làm cho các chiếc thuyền của chúng ta từ trước đến nay (22).
Bằng chứng về một sự mua bán gia tăng của Hoa Kỳ với Sàigòn cũng được củng cố từ các nguồn tin khác. Trong bản báo cáo hàng năm của Bộ Trưởng Ngoại Giao gửi Quốc Hội, cho tài khóa kết thúc vào ngày 30 tháng Chín năm 1871, về “Các Mối Quan Hệ Thương Mại Giữa Hoa Kỳ và Các Nước Ngoài”, các đoạn sau đây được tìm thấy dưới tiểu đề Hồng Kông:
Một nhánh rất quan trọng trong mậu dịch của Hồng Kông là sự mua bán dọc bờ biển – có nghĩa, về gạo từ Vọng Các và Sàigòn … Rằng hoạt động mậu dịch này đang trên đà gia tăng có thể thu nhận được từ sự kiện …hai thương nghiệp Hoa Kỳ nổi tiếng có mở đường thuyền chạy bằng hơi nước giữa hải cảng này [tức Hồng Kông, chú của người dich.] với Thượng Hải, và giữa hải cảng này, với Sàigòn và Tân Gia Ba (23).
Vào tháng Mười 1871, một lãnh sự mới của Hoa Kỳ nhậm chức tại Tân Gia Ba, ông A.G. Studer. Vào lúc bắt đầu nhiệm kỳ của mình, ông ta có thái độ cẩn trọng hơn người tiền nhiệm về vấn đề Sàigòn. Vào ngày 18 tháng Mười 1871, ông Studer đã báo cáo, dựa trên sự lượng định của ông về quan điểm vủa một người Pháp có tên là Phillips, làm thâu ngân viên cho Công Ty Comptoir d’Escompte National tại Sàigòn, rằng Sàigòn có tầm quan trọng được nâng cao một cách chắc chắn mặc dù nó không thể so sánh với Tân Gia Ba. Studer nói rằng mỗi năm sau mùa gặt lúa, trong vòng 3 đến 4 tháng, một số thuyền Hoa Kỳ đến cất gạo tại Sàigòn. Ông Phillips có nói về mía đường và tơ sống có tầm quan trọng gia tăng là các sản phẩm được cung ứng chung quanh Sàigòn. Ông ta có nói về một doanh nghiệp của Hoa Kỳ tại Sàigòn được đứng đầu bởi ông Hale, nhưng ông ghi nhận rằng ông Hale hiện trong phần lớn thời gian cư trú tại Paris. Ông Phillips đề cao ông Speidel của hãng “Kaltenbach & Speidel” (tức công ty Kaltenbach, Engle & Co. tại Tân Gia Ba), cho rằng ông ấy là một “con người lịch lãm, tuyệt vời nhất, vững chắc và đáng tin tưởng” Studer nói ông không rõ là liệu ông Speidel sẽ chấp nhận làm đại diện lãnh sự hay không nếu chức này được đề nghị cho ông ta. Ông vạch ra rằng một vài quốc gia hàng hải đã có đặt các lãnh sự ở đó và ông đương đệ trình một báo cáo về việc liệu có nên thiết lập một đại diện lãnh sự tại Sàigòn hay không (24).
Không bao lâu Lãnh Sự Studer trở nên quan tâm hơn về những gì ông nghe thấy về Sàigòn như một trung tâm thương mại, và ông bắt đầu khuyến cáo một cách tích cực sự thiết lập một đại diện lãnh sự ở đó với ông Speidel làm đại diện lãnh sự. Văn thư kế tiếp của ông gửi lên Bộ Ngoại Giao có gồm các đoạn sau đây:
Bổ túc cho báo cáo về Sàigòn trong điện văn cuối cùng của tôi, tôi lấy làm hân hạnh để đề cập đến kết quả của một cuộc đàm thoại mà tôi đã có với một thương gia nổi tiếng ở đây (kể từ sau khi đã gửi điện văn sau chót của tôi), ông Zoeltman, người đã làm nhiều việc kinh doanh tại Sàigòn, và ông thông báo tôi hay rằng hiện đang có nhiều tàu chuyên chở hơn tại Sàigòn, trong vòng một năm, so với Tân Gia Ba, rằng bất kể khí hậu xấu của Sàigòn, và cung cách vẫn còn mộc mạc của nó, công cuộc thương mại của nó có sức hấp dẫn khó kháng cự lại được và sớm trở nên to lớn, ngoài ra, xứ sở bên trên Sàigòn thì xinh đẹp, giàu có, và lành mạnh hơn, và một tương lại vĩ đại đang dành sẵn cho Thuộc Địa … Giờ đây tôi tin tưởng rằng sự thành lập một cơ quan đại diện lãnh sự tại Sàigòn sẽ mang lại lợi ích cho nền thương mại của Hoa Kỳ, và sẽ đề cử nếu tôi được phép để mời ông Speidel, một kẻ mà tôi đã trình bày trong bức điện văn sau cùng của tôi, là một thương gia tốt, có học thức cao, một người hoàn toàn lịch lãm trong phong cách và hành động, chấp nhận làm Đai Diện Lãnh Sự tại đó (25).
Không bao lâu các điện văn của Lãnh Sự Studer phô bày một dấu hiệu của sự bực tức với Bộ Ngoại Giao vì thái độ miễn cường kéo dài của Bộ trên vấn đề Sàigòn. Điện văn đề ngày 23 tháng Tư năm 1872 của ông có đoạn như sau:
Tham chiếu quý Điện Văn số 16, liên quan đến Sàigòn, tuyên bố, rằng bởi vì “Tân Gia Ba nằm trong Lãnh Địa của Anh Quốc và cơ quan đại diện đề nghị nằm trong lãnh địa của Pháp, và bởi có một quy tắc của Bộ, ấn định phạm vi thẩm quyền của một Lãnh Sự nằm trong các biên giới của Xứ Sở mà người đó nhận được sự ủy nhiệm của mình, v.v…, điều đó sẽ trở thành một phương sách bất thường.” Tôi hết sức trân trọng xin thưa rằng, bất luận một Đại Diện Lãnh Sự có được thiết lập tại đó trong hiện thời hay ở bất kỳ thời điểm vị lai nào, vấn đề này (ngoại trừ có một sự sửa đổi các biên giới của một số lãnh thổ nào đó trong diễn biến của thời cuộc), sẽ vẫn còn nổi cộm lên trừ khi một Lãnh Sự Quán hay Đại Diện Thương Mại được thiết lập tại đó …
Lãnh Sự Studer nói tiếp rằng nếu Bộ Ngoại Giao chống đối lại sự thiết lập một Cơ Quan Đại Diện Lãnh Sự tại Sàigòn đặt dưới quyền một Lãnh Sự tại một lãnh địa thuộc Anh hay một lãnh địa nào khác, cơ quan đại diện này phải được đặt dưới Lãnh Sự Quán tại Vọng Các, Lãnh Sự Quán Hoa Kỳ gần Sàigòn nhất. Tuy nhiên Lãnh Sự Studer nhận định rằng số tàu chạy qua lại giữa Vọng Các và Sàigòn thì ít hơn, và rằng các đường bộ rất khó khăn. Ông lập luận rằng chính vì thế Vọng Các trong thực tế lại cách xa Sàigòn nhất và rằng Hồng Kông có dịch vụ chuyên chở bằng thuyền chạy bằng hơi nước thường xuyên với Sàigòn. Ông ước lượng rằng ít nhất ba mươi chiếc thuyền Hoa Kỳ hàng năm cập bến Sàigòn trong vài năm qua và rằng trong một số dịp ông đã giới thiệu các thuyền trưởng đến Công Ty Kaltenbach and Engle, Co. tại Sàigòn để được giúp đỡ. Studer đã kết luận bản báo cáo của mình như sau:
Tôi thực sự và thành thực nghĩ rằng các quyền lợi thương mại của chúng ta đòi hỏi sự có mặt của một Đại Diện Lãnh Sự tại Sàigòn. Các chiếc thuyền sau một chuyến hải hành dài, 8 trong 10 chiếc, cần đến sự trợ giúp của Lãnh Sự; đây là kinh nghiệm của tôi.
Ông Hale, người đứng đầu doanh nghiệp Hale & Co. tại Sàigòn, đã ở đó trong vài tháng trong mùa đông qua, nhưng đã lại rời sang Âu Châu, sau khi, như tôi được thông báo một cách dáng tin cậy, đã bán các quyền lợi của ông ta trong doanh nghiệp và về hưu, và do đó khả tính để bổ nhiệm ông ta làm Lãnh Sự hay Đại Diện Thương Mại bị biến mất, giờ đây không còn người Hoa Kỳ nào ở Sàigòn nữa (26).
Các báo cáo của Studer lần nữa khuấy động Bộ Ngoại Giao nghiên cứu về trường hợp thiết lập một cơ quan đại diện lãnh sự tại Sàigòn. Theo lời yêu cầu của quyền Bộ Trưởng Charles Hale, ông A.B. Wood, Trưởng Phòng, đã viết một báo cáo tóm tắt nội dung điện văn của Lãnh Sự Studer đề ngày 23 tháng Tư và Chỉ Thị số 16 của Bộ Ngoại Giao. Bản báo cáo tóm lược viết như sau:
Chỉ Thị Số 16 ngày 20 tháng Hai năm 1872, trả lời điện văn số 4 của ông Studer đề ngày 18 tháng Mười năm 1871, khuyến cáo sự thành lập một Cơ Quan Đại Diện Lãnh Sự tại Sài Gòn, có tuyên bố — rằng Sài Gòn thuộc lãnh địa của Pháp, quy lệ của Bộ ấn định thẩm quyền của một Lãnh Sự giới hạn trong xứ sở mà người đó nhận được sự ủy nhiệm, ngăn cản Cơ Quan Đại Diện đề nghị được đặt dưới [Lãnh Sự] Tân Gia ba, nhưng vấn đề sẽ được giữ trong vòng cứu xét.
Điện văn của ông Studer số 29 đề ngày 23 tháng Tư năm 1872, thừa nhận đã nhận được Chỉ Thị số 16 nêu ý kiến về sự cần thiết cho sự thiết lập một cơ sở lãnh sự tại Sài Gòn, nếu không phải là một Cơ Quan Đại Diện thì sẽ phải là một Lãnh Sự Quán hay Đại Diện Thương Mại. Ông ta cũng khuyến cáo rằng nếu một Cơ Quan Đại Diện Lãnh Sự được thành lập và Bộ Ngoại Giao đã phản đối việc đặt nó dưới quyền một Lãnh Sự Quán nằm trong lãnh địa của nước Anh, rằng Cơ Quan đó sẽ được đặt dưới thẩm quyền của hoặc là [Lãnh Sự] tại Vọng Các hay Hồng Kông. Vọng Các có yếu tố gần cận, hay Hồng Kông bởi vì có sự chu kỳ thông tin bằng thư tín thường xuyên hơn. Ông ấy phát biểu rằng ông tin rằng có 30 chiếc thuyền ghé bến Sài Gòn hàng năm (27).
Quyền Bộ Trưởng Hale không bị thuyết phục bởi các lập luận của Lãnh Sự Studer. Tuy nhiên, vào ngày 18 tháng Sáu năm 1872, ông đã yêu cầu ông Wood cứu xét hồ sơ kỹ càng hơn, “với một cái nhìn để xem thực sự có bao nhiêu hoạt động thương mại? ở Sàigòn mà Hoa Kỳ quan tâm đến.” Văn thư của ông gửi cho ông Wood viết tiếp:
Có bảng thống kê nào cho thấy có bất kỳ sản phẩm được xuất cảng trực tiếp đến nơi đó từ Hợp Chủng Quốc? hay được nhập cảng trực tiếp từ đó đến Hoa Kỳ? Điện văn này có nói rằng các thuyền tàu của Hoa Kỳ chở than đá đến nơi đó và cất gạo mang đi. Khá chắc chắn rằng Hợp Chúng Quốc đã không xuất cảng than đá sang Sài Gòn, cũng như không nhập cảng gạo từ đó. Dù sao, ông ấy {Lãnh Sự Studer, chú của người dịch] có nói rằng tất cả các tàu thuyền đều thuộc Thành phố Boston.
Dưới tình huống rằng nếu có làm bất kỳ điều gì, có vẻ đó là địa điểm để thiết lập một đai diện thương mại. Nhưng liệu các lệ phí có đủ để hậu thuẫn cho một cơ quan đại diện như thế hay không? Ba mươi chiếc tàu bao hàm bao nhiêu lệ phí chuyên chở và bao nhiêu tải hóa đơn? Tôi nghi ngờ không rõ hiện có nhu cầu cấp bách hay không.
Nếu đây là trường hợp mới chỉ nhìn phiến diện ban đầu [prima facie, chữ La-tinh trong nguyên bản, chú của người dịch], ông Studer có thể được yêu cầu để giải thích một vài điểm được nêu ra ở đây, nhưng tôi không xem đây là vấn đề có tầm quan trọng hàng đầu (28).
Vào ngày 6 tháng Bẩy năm 1872, ông Wood đã đệ trình một báo cáo khác:
Ông Young [thuộc Bộ Ngân Khố] được yêu cầu đưa ra loại và ngạch số các hàng xuất cảng và nhập cảng từ & đến giữa Hợp Chúng Quốc và Sàigòn, và ông ấy đã trả lời vào ngày 28 tháng Sáu rằng các hồ sơ của Bộ ông không cung cấp “các phương cách để phân biệt các hàng nhập cảng và xuất cảng của hải cảng Sàigòn từ các số thống kê tổng gộp của Trung Hoa.”
Nếu số lượng các tàu Hoa Kỳ hàng năm cập bến Sàigòn cao đến mức 30 chiếc, có vẻ theo tôi, một viên chức lãnh sự, nếu không thực sự cần thiết, vẫn sẽ rất thuận tiện.
Một tải hóa đơn có thể bao gồm toàn thể hàng hóa vận chuyển là gạo, hay có thể cả hàng tá sản phẩm hay nhiều hơn thế. Nhưng với các sản phẩm như gạo, đường mía, mật mía v.v…, một tải hóa đơn thường bao gồm nguyên cả khối hàng chuyên chở.
Tôi không tìm thấy bất kỳ điều gì trong các bảng thống kê (có nghĩa, trong phần Các Quan Hệ Thương Mại) giải đáp thỏa đáng về mậu dịch của Hoa Kỳ với Sàigòn. Các chiếc thuyền cập bến nơi đó (S) [trong nguyên bản có chữ S trong ngoặc, không rõ để nói gì, chú của người dịch] có thể như chở than đến và chất gạo đi. Điều được hay biết là nhiều chiếc thuyền của chúng ta hiện đang tham gia công việc vận tải than đá đi lại giữa Cardiff (và các hải cảng khác thuộc Anh Quốc) và vùng Đông Ấn Độ.
Nếu sự tin cậy có thể được đặt trên sự phán đoán đúng đắn và chân thật của một viên Lãnh Sự, ông ta thường là một vị phán quan tốt hơn về nhu cầu cần có một cơ quan đại diện hơn là các tin tức có ở đây giúp cho chúng ta ước định. Nôi vụ này xét cho đến nay, có thể nói ông Studer là một người cẩn trọng và tôi tin tưởng ở sự đáng tin cậy toàn diện và sự chân thực trong bất kỳ ý kiến nào mà ông ấy có thể nêu ra (29).
Vào thời điểm này, Lãnh Sự Hoa Kỳ tại Vọng Các tham gia phát biểu ý kiến cùng với đồng sự của ông tại Tân Gia Ba. Vào ngày 20 tháng Sáu năm 1872, ông ta có viết gửi Phụ Tá Thứ Nhì Bộ Trưởng Ngoại Giao như sau:
Đôi khi các chiếc thuyền Hoa Kỳ “Được Thuê Bao Nguyên Chuyến” tại Hồng Kông để đi đến “Sài Gòn,” một Khu Định Cư của Pháp tại Biển Trung Hoa trong vùng được gọi tại đây là “xứ Cochinchina thuộc Pháp”; nhưng đến nơi đó dẫn đến việc chuyển hướng và đi ngược [dòng sông] để tới Hải Cảng này.
Bất kỳ khi nào điều này xảy ra tôi nghe thấy nhiều sự phàn nàn, về sự phiền nhiễu lớn lao mà các Chủ Thuyền & Thuyền Trưởng Hoa Kỳ gặp phải tại Sài Gòn – nơi xem ra Hoa Kỳ không có đặt Lãnh Sự hay Đai Diện Lãnh Sự. Sau này ông “James S. Stone từ thành phố Boston,” Chủ Thuyền & Thuyền Trưởng chiếc Phinney, đến nơi đây từ Hồng Kông qua ngả “Sài Gòn”. Ông ta gặp phải nhiều sự phiền nhiễu và trì hoãn tại “Sài Gòn”. Đã có một cuộc Nổi Loạn trong đám thủy thủ của ông – một sự việc nghiêm trọng. Không có người nào mà ông tiếp xúc trên bờ có thể nói được Anh ngữ, và ông ta không nói được tiếng Pháp. Sau một sự trì hoãn và bất trắc lớn lao ông nhận được một toán Lính từ viên Thống Đốc và dập tắt được cuộc Nổi Loạn, nhưng đây mới chỉ là đoạn mở đầu cho những rắc rối của ông ta. Các giới chức Thẩm Quyền đã giữ ông lại, và hậu quả là cả chiếc thuyền, tại Hải Cảng, làm bằng chứng cho sự xét xử các người nổi loạn, và khi tòa án đình hoãn (bởi một số lý do chưa xét tới vụ kiện của ông) để ra đi ông ta đã phải đóng các khoản Ký Quỹ nặng nề, với phí tổn to lớn và nhiều sự bất tiện, và để lại một vài thủy thủ Hoa Kỳ ở “Sài Gòn” để chờ vụ xử sẽ xảy ra. Dĩ nhiên tôi đã cố gắng. khi ông ta đến đây, ghi lại sự tường thuật của ông ta về các sự kiện sao cho hợp thức, để ông có thể tránh được trách nhiệm về tài chính khi về đến Hoa Kỳ, nhưng sự việc đã khiến tôi thấy mình cũng phải thông báo về “Bộ” rằng các sự khó khăn như thế không phải là không thường xảy ra tại “Sài Gòn”, nơi mà các thuyền Hoa Kỳ thường đến.
Khu định cư tại “Sài Gòn” là một khu quan trọng, và người Pháp đang đổ ra nhiều tiền bạc để biến nó thành một Tỉnh Hạt giàu có và hùng mạnh (30).
Trong khi các lãnh sự Hoa Kỳ tại Tân Gia Ba, Hồng Kông, và Vọng Các đều có báo cáo về các sự bất lợi to lớn cho nền thương mại Hoa Kỳ do không có sự hiện diện lãnh sự tại Sài Gòn, cũng có một số nỗ lực của các Sứ Thần Hoa Kỳ tại Trung Hoa lưu ý Bộ Ngoại Giao về việc mở một lãnh sự quán trên Đảo Hải Nam, ngoài khơi vịnh Bắc Việt. Một lập luận nêu ra ảnh hưởng thuận lợi của một bước tiến như thế trên các vùng lân cận và Bắc Việt và Cochinchina. Sứ Thần S. Ross Browne đã viết trong năm 1869:
Tuy nhiên, chúng ta có thể được phép để ám chỉ các hiệu quả cải thiện nói chung của biện pháp đề nghị, như có khuynh hướng dẫn đến sự an lạc của người dân Trung Hoa và người dân lân cận ở Bắc Việt và Cochinchina, và có tính cách khích lệ sự xuất cảnh sang California và cho nền Thương Mại nói chung (31).
Trong năm 1872, Sứ Thần Frederick Low đã viết trong báo cáo của ông:
Dân chúng có vẻ thân thiện và các giớI chức thẩm quyền giải quyết công việc rất tốt đẹp; hết thảy đều hy vọng rằng mậu dịch quốc tế sẽ mang lại sự giàu có và sự linh hoạt cho hải cảng. Hoikow chắc chắn sẽ tạo thành một trung tâm mới; các thuyền chạy bằng hơi nước sẽ mang đến đó từ Hồng Kông, Ma Cao và Sài Gòn nhiều sản phẩm mà các chiếc thuyền buồm từ bờ biển phía tây hiện đang thăm viếng các địa điểm đó để thu mua, và sẽ chở từ hải cảng này đến các địa điểm đó những gì mà các chiếc thuyền buồm cho đến giờ vẫn vận tải với nhiều sự rủi ro. Như một trung tâm mới, nó sẽ thu nhận sự mua bán bằng thuyền buồm đến từ Hồng Kông, Ma Cao và Sài Gòn, thay thế cho các tàu thuyền ngoại quốc; nó sẽ làm giàu có cho vùng phía bắc của đảo Hải Nam, và sẽ biến nó thành trung tâm vãng lai mà từ đó sẽ hội tụ và loan tỏa công cuộc mậu dịch bằng thuyền buồm của vùng bờ biển phía tây. Sự khai mở hải cảng sẽ trấn áp nạn hải tặc tại các vùng lân cận (32).
Trong phần còn lại của thập niên, văn khố Bộ Ngoại Giao cho thấy ít hơn các bản báo cáo về tầm quan trọng của nền thương mại gia tăng của Cochinchina và ít sự khuyến cáo hơn cổ võ cho một sự hiện diện của lãnh sự Hoa Kỳ tại đó. Các báo cáo trong vùng trong thời kỳ này không thường xuyên và chỉ liên quan đến các vấn đề hải vận và mậu dịch cụ thể. Chẳng hạn như trong một văn bản năm 1878, ông H.S. Loring, phó lãnh sự Hoa Kỳ phụ trách Hồng Kông, trở nên bực dọc bởi quế từ Cochinchina đã được chuyển tàu từ Hồng Kông sang Nữu Ước như là “cây ba đâu Sàigòn: Saigon Cassia” chứ không như quế, do đó vừa tránh thuế nhập cảng cao hơn của Hoa Kỳ đánh vào quế vừa làm giảm bớt sự mua bán cây ba đậu một cách hợp pháp từ thành phố Quảng Châu (33). Trong các năm 1880 và 1881, Lãnh Sự Studer tại Tân Gia Ba đã báo cáo chi tiết về ba trường hợp liên quan đến các tàu thuyền, các chủ thuyền, và các thủy thủ gặp rắc rối tại Sàigòn, thể hiện rõ hơn sự bất thuận tiện lớn lao của việc thiếu vắng sự hiện diện của lãnh sự Hoa Kỳ tại nơi đó (34).
Trong tháng Hai năm 1881, Lãnh Sự Studer một lần nữa cố gắng thuyết phục Bộ Ngoại Giao hãy thiết lập một sự hiện diện lãnh sự tại Sàigòn. Lãnh Sự Studer báo cáo rằng ông đã yêu cầu Thống Đốc Cochinchina thuộc Pháp, xuyên qua Lãnh Sự Pháp tại Tân Gia Ba, các thông tin về “thương mại, sự tiến bộ, v.v… của xứ sở đó, cũng như về xứ Căm Bốt thuộc Pháp” để chuyển về Hoa Thịnh Đốn. Lãnh Sự Studer đã chuyển báo cáo mà ông đã nhận được từ các nhà cầm quyền Pháp và nhấn mạnh đến tầm quan trọng của thông tin trong bản báo cáo:
Thực sự đây là một tập tài liệu rất có gia trị, trình bày một cách có hệ thống, thực dụng, và trong sáng nền Thương Mại và việc Hải Hành tại Sài Gòn, cũng như về các bến bãi, các kho quân dụng, các cầu đường, nông nghiệp, thực vật, các kỹ nghệ nội địa, phương cách điều hành công vụ và cách thi hành của chính phủ (về thuế má, công việc tư pháp, v.v. và v.v…). Tập sách truyền đạt nói chung một ý tưởng tốt, không chỉ về tầm quan trọng của Thuộc Địa trong nhiều khía cạnh khác nhau, nhưng, còn cả về những gì đã được hoàn thành bởi Chính Phủ Pháp, mà không quên gợi nhớ sự kiện, rằng vùng Cochinchina, khi bị chinh phục bởi người Pháp, không bao lâu trước đây, đã là một xứ sở rất mọi rợ, nơi nương náu và sào huyệt của loại hải tặc xấu xa , tàn ác …
Sản phẩm chính về Xuất Cảng của Cochinchina và Căm Bốt, xuyên qua hải cảng Sài Gòn, gần cửa con sông “MeiKong: Mê Kong” vĩ đại, là Gạo; các sản phẩm Xuất Cảng khác, các sản vật của Xứ Sở này, thì đáng kể, tương tự như các xuất phẩm của Xiêm La, gỗ Teak và các loại gỗ khác …
Việc trồng mía đường trên các nền đất phì nhiêu ven sông Mê Kông, mới được khởi sự ít năm trước đây, và đang trên đà gia tăng. Cây mía tăng trưởng cực độ tại đó, và thu hoạch được một tỷ lệ lớn lao chất Đường (Sacharin). Chính Quyền Thuộc Địa hỗ trợ sự canh tác này trong mọi phương cách khả dĩ, không chỉ cấp đất cho người trồng với các điều kiện dễ dãi, mà còn ngay cả bằng việc ứng tiền cho các nông dân tốt, năng động. Bới thế, có thể kỳ vọng một cách hợp lý rằng không bao lâu, số lượng to lớn về Đường sẽ được xuất cảng từ Sài Gòn.
Nếu tôi được hỏi ý kiến, là liệu đã đến lúc mà Hoa Kỳ cần có một Lãnh Sự ở đó hay chưa, tôi sẽ không ngần ngại trả lời một cách khẳng định. Các tàu thuyền Hoa Kỳ thỉnh thoảng cặp bến Sài Gòn, với số lượng gia tăng trong hai năm qua, và nếu một thị trường để bán các sản phẩm của Hoa Kỳ sẽ được tạo lập (thương mại của Sài Gòn phần nhiều nằm trong tay các doanh nghiệp Đức Quốc, hơn là các hãng của Pháp hay Anh), chúng ta cần có một Viên Chức Lãnh Sự tại đó. Tôi hay biết rằng sự bổ nhiệm sẽ làm vui lòng Chính Phủ Thuộc Địa.
Hiện có một công dân Hoa Kỳ, một thương gia, ở Sàigòn, có tên là Andrew Spooner, là người mà viên Lãnh Sự Pháp tại đây, có quen biết cá nhân với ông ta và rất kính trọng ông ta, có nói với tôi, rằng ông ta đến nay là một người có khả năng nhất và có óc kinh doanh nhất tại Cochinchina, và đang là một hội viên của viện lập pháp Cochinchina, rằng ông ta có một nhà máy lớn để xay tất cả thóc lúa (gạo) xuất cảng từ Sài Gòn, và, mặt khác, cũng tham gia vào nhiều doanh nghiệp to lớn, rằng ông ta rất được kính trọng tại Thuộc Địa.
Tôi chưa bao giờ đặt chân đến Sài Gòn, và cá nhân tôi không quen biết với ông Spooner, nhưng, sau khi nghe sự trình bày hay ho về ông ta như thế, như đã nêu ở trên, tôi có một cảm tưởng tốt về ông ấy (35).
Hoa Kỳ đã không thiết lập một sự hiện diện lãnh sự tại Sài Gòn cho gần đến lúc bước sang thế kỷ mới và đã không nâng thành một lãnh sự quán toàn diện cho đến những năm đầu tiên của thế kỷ sau. Sự thiết lập này nằm trong bối cảnh một sự tái duyệt xét sự hiện diện lãnh sự và ngoại giao Hoa Kỳ ở hải ngoại, trong đó một khoản dự chi ngân sách đã được cấp cho sự thiết lập đó.
___________________
CHÚ THÍCH:
Mọi chú thích, trừ khi được nói cách khác, đều tham chiếu đến các tài liệu được tìm thấy tại Văn Khố Bộ Ngoại Giao, Phòng Đọc Vi Phim, Văn Khố Quốc Gia, thủ đô Washington.
1. John F. Cady, The Roots of French Imperialsim in Eastern Asia, Ithaca, N. Y.: Cornell University Press, 1954, trang 17.
2. Cùng nơi dẫn trên, trang 136.
3. Foreign Relations of the United States, vol. 54, Quốc HộI khóa thứ 36, Phiên Họp Thứ Nhất, 1860; Senate Ex. Doc. No. 30, trang 489.
4. Cùng nơi dẫn trên, trang 529; Legation Despatch no. 38, 12 November 1858.
5. Peking Legation Despatch no. 4, 25 February 1859.
6. Singapore Consular Letter no. 15, 22 March 1859.
7. Cùng nơi dẫn trên.
8. Singalore Consular Letter no. 18, 7 April 1859.
9. Peking Legation Despatch no. 6, 12 April 1859.
10. Hongkong Consular Letter no. 11, 8 August 1859.
11. Singapore Consular Letter no. 6, 6 March 1861.
12. Singapore Consular Letter no. 10, 7 April 1861.
13. Singapore Consular Letter, 20 October 1861. Đây là văn kiện chính thức đầu tiên có được ghi nhận một chiếc thuyền Hoa Kỳ cập bến Sàigòn sau chiếc Franklin vào năm 1820.
14. Singapore Consular Letter no. 27, 19 November 1861.
15. Cùng nơi dẫn trên.
16. Bangkok Consular Letter, 26 February 1862.
17. Hongkong Consular Letter no. 30, 26 December 1863.
18. The Diplomatic Correspondence of the United States of America, 1866, Part I, các trang 473-474.
19. Bản văn này được xếp vào hồ sơ Singapore Consular Letters. Về toàn thể bản báo cáo ngày 14 tháng Bẩy 1868 từ Lãnh Sự Allen tại Kông Kông, xin xem Hongkong Consular Letters.
20. Singapore Consular Letters no. 48, 16 June 1870. Trong hồ sơ điện văn Phái Bộ Paris Legation có bản sao một văn kiện cũng viết bởi ông Jasper Smith, đề ngày 4 tháng Mười 1870, cho hay rằng vào ngày 10 tháng Chín, Bộ Ngoại Giao đã chuyển quyết định không chấp thuận đến ông Sewell. Văn kiện này có mang bút ký bên lề như sau: “Viết thư cho ông Washburn hay rằng nó có vẻ không hợp thời để bổ nhiệm một đại diện dưới quyền lãnh sự tại Singapore. Có lẽ tốt nhất là nên thiết lập một lãnh sự quán hay một cơ quan đại diện thương mại tại đó.” Tài liệu đặc biệt này có thể đã được thúc đẩy bởi bức điện văn số 290 của Sứ Thần Washburn, từ Paris, nhận được tại Bộ Ngoại Giao ngày 3 tháng Mười năm 1870 (gửi đi ngày 14 tháng Chín), có báo cáo rằng Bộ Ngoại Giao Pháp hiểu là ông Sewell đã bổ nhiệm một đại diện lãnh sự tại Sàigòn và Bộ này đang chờ đợi sự xác nhận từ Hoa Thịnh Đốn trước khi cấp giấy thừa nhiệm (exequatur) (một văn bản nhìn nhận một lãnh sự bởi chính quyền của quốc gia nơi lãnh sự trú đóng, cho phép ông ta hành xử các thẩm quyền của mình.
21. Singapore Consular Letter no. 119, 30 November 1870. Lá thư này tham chiếu điện văn số 35 của Bộ Ngoại Giao, đề ngày 10 September 1870, được giả định chuyển đi quyết định phủ nhận của Bộ (Cũng xem chú thích số 20).
22. Singapore Consular Letter no. 155, 9 March 1871. Trong điện văn của Phái Bộ Tại Paris số 498, đề ngày 7 August 1871, Sứ Thần Hoa Kỳ Wickham Hoffman đã chuyển về Bộ Ngoại Giao hóa đơn của Chính Phủ Pháp về việc sửa chửa chiếc thuyền Palas.
23. Foreign Relations, vol. 78, Quốc Hội khóa thứ 42, 1871; House Ex. Doc. no. 220, kỳ họp thứ nhì, trang 673.
24. Singapore Consular Letter no. 4, 18 October 1871.
25. Singapore Consular Letter no. 5, 31 October 1871.
26. Singapore Consular Letter no. 29. 23 April 1872.
27. Bản báo cáo này, đề ngày 13 June 1872, được xếp trong hồ sơ Singapore Consular Letters.
28. Cùng nơi dẫn trên.
29. Cùng nơi dẫn trên.
30. Bangkok Consular Letter no. 68, 20 June 1871.
31. Peking Legation Despatch no. 41, 16 June 1869, Tài Liệu Đính Kèm B.
32. Peking Legation Despatch no. 170, 6 July 1872, Phần Đính Kèm.
33. Hongkong Consular Despatches, no. 472, 7 May 1878; no. 480, 2 July 1878; no. 482, 6 July 1878; no. 490, September 1878; no. 495, 10 October 1878; và no. 500, 15 November 1878.
34. Singapore Consular Despatch no. 324, 28 July 1880; Singapore Consular Despatch no. 331, 25 August 1880 – Hongkong Consular Despatch no. 99, 8 September 1880; Singapore Consular Despatch no. 369, 5 February 1881. Vụ thứ nhất liên can đến một vụ khách đi tàu lậu, một người có tên là Daniel Hyde, trốn trên một chiếc tàu Pháp rời Hồng Kông sang Sàigòn. Vụ thứ nhì liên quan đến chuyện đắm tàu của chiếc thuyền buồm Hoa Kỳ có tên Rainbow tại cửa “sông Căm Bốt,” và vụ thứ ba liên hệ đến một vụ nổi loạn trên chiếc thuyền Colorado tại Sàigòn.
35. Singapore Consular Despatch no. 371, 19 February 1881.
Nguồn: Robert Hopkins Miller, The United States and Vietnam, 1787-1941, National Defense University Press, Fort Lesley McNair, Washington D.C., 1990, các trang 66-79