John Shillaber
Ngô Bắc dịch
Chú của người dịch:
Vài nét về John Shillaber, người soạn thảo Bản Báo Cáo Chính Thức Đầu Tiên Về Việt Nam lên Bô Ngoại Giao Hoa Kỳ năm 1831:
John Shillaber người gốc tiểu bang Massachusetts, phục vụ với tư cách Lãnh Sự Hoa Kỳ tại Batavia (tức Jakarta, Nam Dương ngày nay) từ năm 1825 đến 1832, chính thức từ chức khỏi nhiệm vụ đó vào năm 1835 khi còn ở Trung Hoa.
Từ 1826, Shillaber đã cố gắng thuyết phục chính phủ Hoa Kỳ cho phép ông thương thảo dể ký các hiệp ước thương mại với Xiêm La, Việt Nam, Nhật Bản, v.v.
Ý kiến nổi bật nhất mà Shillaber muốn nêu ra là việc chứng tỏ với Á Châu rằng Hoa Kỳ khác biệt với các nước Âu Châu, nhất là khác với Anh Quốc, vì Hoa Kỳ không có mưu đồ thực dân, không có ý định xâm lăng và chiếm đóng các nước Á Châu, mà chỉ muốn một sự mậu dịch công bình. Ý kiến này không được tán thành vì lúc đó, Hoa Kỳ đóng vai trò trợ lực cho trào lưu của chủ nghĩa đế quốc Tây Phương tại Trung Hoa do Anh Quốc lãnh đạo. Phần khác, bất kể là Hoa kỳ muốn biện minh ra sao, người Trung Hoa nói riêng và các dân tộc Á Châu khi đó vẫn nhìn Hoa Kỳ ít nhiều không mấy khác với Anh Quốc.
Năm 1831, Shillaber soạn thảo dự thảo hiệp ước thương mại của Hoa Kỳ với Nhật Bản, nhưng chính Edmund Roberts lại được chỉ định để thương thảo với Nhật Bản và các nước Á Châu khác, trong đó có cả Việt Nam.
Năm 1834 Shillaber vận động để được bổ nhiệm làm lãnh sự Hoa Kỳ tại thành phố Quảng Đông, nhưng một lần nữa ông lại thất vọng. Năm 1835, ông xin từ chức lãnh sự tại Batavia khi đang ở Trung Hoa.
Sau khi từ chức, Shillaber vẫn lưu trú tại Trung Hoa, bởi cho đến khoảng cuối năm 1840 và đầu năm 1841, Shillaber cố giúp thu góp đồ tiếp tế cho linh mục người Pháp tên là Louis-Alphonse Taillandier của Hội Truyền Giáo Hải Ngoại bị nhà cầm quyền Trung Hoa bắt giam, và còn làm việc tại các nhà máy sản xuất tại Quảng Đông bán bông vải và thu mua trà đen cho công ty Jardine, Matheson and Company, một công ty thương mại tư nhân hàng đầu của Anh Quốc tại Trung Hoa.
Các tài liệu về Shillaber có nói thêm là Shillaber “giống như phần lớn các người Hoa Kỳ có mặt tại chỗ, căn bản là một nhà mậu dịch, và vào lúc có cuộc Chiến Tranh Nha Phiến, [do Anh Quốc ép buộc Trung Hoa cho phép họ được bán thước phiện tại Trung Hoa, và thương gia Hoa Kỳ cũng có tham dự vào việc mua bán này], ông ta đã thôi không còn làm công tác lãnh sự được 5 năm.”
Hội các hậu duệ của John Shillaber hiện vẫn hoạt động tại Massachusetts cho đến nay.
* Văn bản nguyên thủy có bị mất chữ và mang nhiều lỗi về chính tả cũng như văn phạm, nhưng vẫn còn có thể hiểu và suy đoán được ý nghĩ của người viết. Người dịch cố giữ cho sát nguyên văn gồm đủ các khiếm khuyết này khi dịch sang Việt ngữ.
——–
Báo Cáo Về Cochin China [Việt Nam ngày nay, chú của người dịch] của Lãnh Sự John Shillaber lên Bộ Trưởng Ngoại Giao
Viết trên Đại Dương ngày 3 tháng Bảy năm 1831
Trên tàu Caroline Augusta
Kính gửi Ông Bộ Trưởng Ngoại Giao Hoa kỳ
Hoa Thịnh Đốn
Kính thưa Ông Bộ Trưởng,
Tham chiếu các văn thư của tôi về các nước (Xiêm La?) và Nhật Bản, mà tôi xin chuyển theo đây, tôi {lấy làm?) hân hạnh đệ trình ông tất cả những tin tức (mà tôi có được?) để bổ túc đính kèm về nước Cochin China (Việt Nam) và các tỉnh phiên thuộc (của nó?), một phần của Kamboja và Lào, mà tôi nghĩ có thể hữu dụng cho Chính Phủ trong việc quyết định là liệu có nên hay không nên gửi một Phái Bộ sang yết kiến vị Chúa Tể của nước đó với mục đích cố gắng thương thảo để dặt định nền mậu dịch Hoa Kỳ trên một căn bản bình đẳng và (dưới) các quy điều có tính cách vĩnh viễn, ít nhất cho một thời khoảng ấn định [nào đó].
Như tôi đã lưu ý trong văn thư nêu trên, phần lớn những gì trong đó cũng có thể áp dụng cho Cochin China, và Phái Bộ khi đến sẽ sẵn sàng nhận biết các phần như thế đã được trình bày. Tôi sẽ cố tránh không lập lại, và chỉ ghi nhận về các nghi lễ khoa trương vô dụng và đôi khi lố bịch, và sự đánh giá cao các vương triều Á Châu & các dân tộc vốn rất giống nhau (khi?) họ mưu mô quỷ quyệt và kéo dài thời gian nhưng [thực ra] chỉ có giá trị thấp. Cochin-China sáp nhập cùng Tonkin (Bắc Kỳ) để thành lập (một) Đế Quốc được gọi là An Nam, vốn không sản xuất (?) một số lượng sản phẩm cho sự xuất cảng đặc biệt (?gạo?) như nước Xiêm La, hiển nhiên là vì (?) kém cần cù hơn, và ít khích lệ hệ thống (?) hơn. Thổ nhưỡng và khí hậu ít nhất cũng tương tự như (?đất và khí hậu?) của nước Xiêm La để trồng trọt các sản vật đó và (dân số?) nhiều hơn về số lượng và thành phần dân số của nước Xiêm.
An Nam bao trùm một Diện tích vào khoảng một trăm (ngàn?) Dặm Vuông và có một dân số vào khoảng mười đến (?triệu?) Linh Hồn bao gồm cả các tỉnh lệ thuộc tại (Kamboja?) & Lào. Một số người Pháp cư ngụ trong nước khoảng (?) ba mươi lăm năm, & đã trở thành quan lại cao cấp đã ước lượng dân số không ít hơn mười lăm Triệu người, và một người đã đưa ra một con số không thể tin được là hai mươi hai Triệu — nhưng xử dụng các dữ liệu khác có vẻ (?) nhiều xác xuất hơn tôi đi đến kết luận rằng con số mười một Triệu gần sự thực hơn, rất tương xứng với tầm mức địa dư của Xứ Sở này.
Mậu dịch duyên hải của An Nam vận chuyển vào khoảng Bẩy mươi lăm ngàn tấn, và ngoại thương vào khoảng hai mươi bốn ngàn tấn bởi Hàng Hải Bản Xứ, ngoài ra Trung Hoa vận chuyển khoảng năm mươi ngàn tấn bằng hàng hải của chính họ trong sự mâu dịch với An Nam.
Mậu dịch của Âu Châu và Hoa Kỳ với An Nam không đáng kể trong thời điểm hiện tại, nhưng trong vòng hai mươi (hay?} ba mươi năm qua lại đáng kể hơn nhiều. Khi tôi (quy chiếu) sự sụt giảm của các nhánh mậu dịch này ở một tầm mức lớn lao, nói chung, cho các sự sợ hãi & ganh tỵ của Chính Quyền An Nam trước đây đã từng đãi ngộ, và hiện nay đang đãi ngộ (đối với? các người Âu Châu?) đặc biệt là người Anh & ít hơn đôi chút với người Pháp, tôi được hậu thuẫn bởi lịch sử của Xứ Sở này — và tôi (tin) rằng cả nước Anh lẫn nước Pháp (đều có?) các ước muốn mạnh mẽ sở hữu Đế Quốc này vốn (rất có giá trị về mặt?) đất đai, sản phẩm, dân số, khí hậu tốt lành (và?) trên hết bởi các khả năng to lớn và sâu xa hơn của nó, bờ biển trải dài, nhiều vịnh và hải cảng tốt nhất trong vùng Ấn Độ [dương], vào nhiều con sông thoáng đãng dẫn dắt thủy triều vượt quá các biên cương của Đế Quốc và có thể hải hành gần như trên toàn thể giòng chẩy của nó.
Các hàng xuất cảng thì tương tự như hàng xuất cảng của nước Xiêm La, (Đường mía?), Hạt Tiêu, Ngà Voi, nhựa sơn (Stic-Lac), Bạch Đậu Khấu (Cardamums: đồ gia vị, chú của người dịch] vân vân …
Tôi rất tiếc không có dữ kiện đủ chính xác (về?) những gì được tìm thấy trong một Bản Kết Toán (số lượng?) của Một Số Sản Phẩm nêu trên — sự thiếu sót tài liệu này có thể quy cho các sự thay đổi thường xuyên được đưa ra trong các sắc thuế quan, đôi khi miễn thuế cho một sản phẩm & lại đánh thuế trên sản phẩm khác, và ngược lại, trong khi một số sản phẩm trong một thời khoảng rất lâu không bị đánh bất kỳ một thứ thuế gì cả, và không có sự kiểm toán được lưu trữ tại các ban Thuế Quan đối với những hàng xuất cảng không phải trả thuế. Tổng hợp tất cả những thông tin mà tôi có thể thu thập được về vấn đề này, tôi tin rằng số Xuất Cảng của An Nam thích hợp cho sự mậu dịch của Hoa Kỳ hiện thời có trị giá, theo giá trị tổn phí hàng năm, từ Chín đến Mười Một Trăm Ngàn Đô La Tây Ban Nha (Spanish Dollars) và nếu sự mậu dịch được đặt trên căn bản bình đẳng, tức thời sẽ cần vận dụng tới Sáu hay (Tám?), [either trong nguyên bản Anh Ngữ, người dịch ức đoán và dịch ra làm tám (eight), chú của người dịch] trăm ngàn đô la Tiền Vốn Hoa Kỳ & bốn ngàn tấn trọng tải có sinh lợi, và các khả năng của xứ sở này thì rất to lớn, trị giá sự mậu dịch này sẽ gia tăng mau chóng khi, như có thể xảy ra, mà tôi tin rằng Chính Quyền An Nam được thuyết phục rằng Hoa Kỳ không có chung sự quan tâm như của (các nước?) Âu Châu đã chinh phục phần lớn Á Châu & thế giới phía đông khi mà họ có quyền lực để thực hiện và duy trì, & sẽ mở rộng Đế Quốc Phương Đông của họ khi có thể & có vẻ thuận lợi về mặt chính trị — vâng, khi chúng ta làm điều này, & và có vẻ có thể làm vào lúc này, để thuyết phục Chính Quyền An Nam này, cùng các Chính Quyền của các nước khác tại phương đông đã duy trì nền độc lập của họ, (rằng?), [chú thêm của người dịch] Hoa Kỳ (?) sự tự do của họ, nhìn với sự ân hận về sự khuynh đảo các Chính Quyền quanh họ, và đã không có & sẽ không bao giờ phải có sự chiếm hữu [đất đai] ngoại quốc, khi đó các Chính Quyền này & và nhân dân của họ, và những nhân vật có thể khôi phục lại ngai vàng của họ, các ông Hoàng Bản Xứ, sẽ tiếp đón (?) và lá cờ thân thiện của Hoa Kỳ vào các hải cảng và (?) xứ sở họ với sự tin tưởng ở tình hữu nghị, (mang lại) lợi lộc mà không có sự lo sợ hay nghi ngờ. Thời điểm khi công tác tốt lành này có thể được khởi sự [hiện có?] triệu chứng thuận lợi & với một sự thành công gần như tiền định. Những dân tộc đông đúc giàu có đó & nhiều nước trong họ (?), (?) bị trói buộc bởi các cường quốc Âu Châu sẽ (?) xiềng xích của họ và khôi phục các Chính Quyền Bản Xứ của họ — điều (?) ngấm ngầm làm rung động nhiều người dân bị đàn áp này, (?) khiến điều này thành sự Tiên Tri của tôi (?) cảm nghĩ của tôi (về?) vấn đề này, & đã dẫn tôi lạc hướng. Tôi sẽ (?) sau khi ghi nhận rằng những người Á Châu (thường?)(có?) một tư tưởng rằng Hoa Kỳ, Chính Quyền & các công dân (có?) ít nhất một ước muốn đi chinh phục hải ngoại ngang bằng với (Anh Quốc?) hay bất kỳ một dân tộc Âu Châu nào khác về việc (?) tạo ra các sự lo sợ ganh tỵ của họ, sự liên (?) cẩn trọng họ xem tất cả đều như một sắc dân. Điều chắc chắn như đinh đóng cột rằng sự thực là sức mạnh (và sẽ chiến thắng ?) họ có thể được giác ngộ và chỉ cho biết(?). Ngoài những gì thu mua từ Trung Hoa, người dân Cochin-China [Việt Nam ngày nay, chú của người dịch] chỉ cần một ít hàng hóa ngoại quốc — chẳng hạn Vũ Khí, Thuốc Phiện, Đồ Thủy Tinh & Đồ Sắt, Hàng Len, và các thứ hàng này [chỉ cần] với số lượng nhỏ.
Các quy định về mậu dịch, thuế quan vân vân tại An Nam không được xác định hay ban hành một cách thích đáng về việc ngăn cản (?) & phần lớn các sự áp đặt thuế phiền nhiễu trên khách lạ ghé lại xứ sở đó với các mục đích thương mại, được thực hành bởi các Quan Chức Cấp Huyện & thị trấn hải cảng xuyên qua Cơ Quan Thương Chánh & và các Viên Chức thuộc cấp khác. Tôi tin tưởng rằng những sự lạm dụng này được thi hành mà không có sự hay biết của vị Hoàng Đế, và rằng nếu được trình bày với nhà vua bởi một Đại Điện có ủy nhiệm thư của Hoa Kỳ, các lạm dụng đó sẽ tức thời được gỡ bỏ. Sắc thuế chính mà các chiếc thuyền ngoại quốc phải chịu là thuế quan tính theo số đo, có ngạch số khác nhau tại những hải cảng khác nhau từ (20?) đến 40 phần trăm và trong khoảng từ Sáu & nửa đến năm & bốn Đô La (Tây Ban Nha?) mỗi tấn đối với những thuyền có kích cỡ thông thường. những sự hạch sách khác, các quà cáp & đòi hỏi, phần lớn hay tất cả có thể đều là bất hợp pháp được tính vào khoảng từ 1 rưỡi đến ba, và trong một số trường hợp bốn đô la mỗi tấn — ngạch số có lẽ tùy thuộc vào lòng tham lam của các Viên Chức Hải Quan, hay (đúng hơn lòng tham lam?) của các viên chức cao cấp hơn giựt dây đằng sau hậu trường.
Các thủ tục & sự trì hoãn phiền nhiễu này nhằm tống tiền, gây sự bực tức và than phiền nhiều hơn là về khoản tiền phải (chi ra?). Sau khi trả các Lệ Phí kể trên, các chiếc thuyền, (cùng với Hàng Hóa?) mà nó chuyên chở, không còn chịu bất kỳ thuế quan hay thuế nhập nội nào khác. Thuế xuất cảng trên Đường Mía, Hạt Tiêu, Hạt Bach Đậu Khấu, Quế, Ngà Voi, Hạt Cánh Hồi, tổ yến chim én (tuyệt hảo), gỗ Nhật Bản, trong thực tế tất cả các sản phẩm mà Hoa Kỳ muốn mua là Năm phần trăm.
Mặc dù vị Hoàng Đế thường không giữ độc quyền bất kỳ sản phẩm nào trong số các hàng hóa kể trên, song điều này có xảy ra, nhưng bất thường xuyên, hay không kéo trong một thời gian dài, do đó, sự mậu dịch nói chung được đặt trên một căn bản tốt hơn nhiều (?) so với nước Xiêm La. Các Lệ Phí tại các hải cảng của An Nam về mậu dịch quốc tế có ngạch số hợp lý, dự liệu rằng một chiếc thuyền chở một chuyến đầy hay chỉ gồm một phần hàng hóa đến [bán, chú thích của người dịch] ở đó và đổi lại [mua để] chở ra ngoài khối hàng hóa tương đương, nhưng các ngạch số thuế được đánh nặng trên một chiếc thuyền chỉ chở đến đó ít hàng hóa hay không có hàng hóa gì cả, và từ sự nâng cao dễ hiểu các giá hàng xuất cảng bởi nhiều nguyên do khác, sau khi một phần nhỏ hàng hóa đã được cất, (thuyền) không thể tiếp tục đi và hoàn tất việc cất toàn thể chuyến hàng
[tại nơi khác, chú thêm của người dịch] — bởi trong trường hợp này không phần nào của thuế quan đã nạp sẽ được bồi hoàn. Các thuyền có thể cập bến các hải cảng để nghỉ ngơi, hay để thu thập tin tức về tình hình thị trường không phải chịu sắc thuề quan nào cả.
Điều nên làm là có hàng hóa chịu thuế xuất & nhập cảng có trị giá tương đương với nhau, và thuế quan trên các thuyền được giảm nhẹ nhiều.
An Nam là một nước có chủ quyền độc lập, và có mối giao hảo hữu nghị với các nước lân bang, đặc biệt là với Trung Hoa và Xiêm La.
Số thu nhập của Chính Quyền có lẽ là lớn hơn nhiều so với số thu nhập của Xiêm La, nhưng tôi không có thể thu thập được các bản kết toán thỏa đáng về điểm này — tuy nhiên, điều chắc chắn là ngân quỹ của vị Hoàng Đế được cung cấp đầy đủ tiền bạc (?), có vào khoảng Bảy đến mười triệu đồng đô la Tây Ban Nha (vàng?) & Bạc trong quỹ.
Lực lượng quân sự (của họ) thì đáng kể, quân số thời bình bao gồm khoảng ba mươi ngàn trang bị súng hoả mai nói chung {gần) các nhân vật (của?) Hoàng Đế, và (năm mươi ngàn) binh sĩ được phân phối khắp nơi trong đế quốc. (?) được chỉ huy bởi đầy đủ sĩ quan, có kỷ luật cao, được trả lương hậu và ăn mặc tử tế bên cạnh (?) nam thanh niên phải đi quân dịch một khi (?) đòi hỏi việc này.
(?) là thành phố thủ đô — và toàn thể có tường thành bao quanh. (?) hào rộng Một trăm bộ, được xây đắp đúng theo họa đồ thông dụng nhất ở Âu Châu. Các công trình xây cất bằng vật liệu rắn chắc và có chứa, bên trong và bên trên, khoảng 800 khẩu trọng pháo, nhiều khẩu lớn nhất bằng đồng, bắn đạn nặng từ mười tám đến Sáu mươi tư cân Anh, phần lớn được chế tạo trong nước, & tương đương về mọi mặt với bất kỳ (trọng pháo) nào tại Âu Châu.
Kho Đạn Dược trải rộng, và đủ để cung ứng cho những nhu cầu của Đế Quốc, trong hầu hết mọi loại quân dụng, tương dương với Âu Châu.
Về các nghệ thuật ứng dụng, người dân này tiến bộ, với một số ngoại lệ rất ít, so với tất cả các dân tộc Á Châu khác.
Liên quan đến nghi thức của Văn Thư Đệ Trình Hoàng Đế mà tôi đã thảo trong hồ sơ của tôi về nước Xiêm La sẽ xử dụng được cho An Nam — (chỉ cần) viết lên tiêu đề kính gửi Đức Hoàng Thượng Oai Nghiêm Hoàng Đế An Nam Quốc vân vân, và vân vân … Phái Bộ phải được cung cấp hai bản sao nguyên văn Quốc Thư bằng ngôn ngữ chính gốc có đóng quốc ấn của Hoa Kỳ và ba bản dịch sang tiếng Pháp (?), tiếng Bồ Đào Nha cũng phải được đóng dấu — ba bản dịch (sang?) tiếng Trung Hoa cũng sẽ cần phải có, nhưng bản dịch này (có thể?) được thực hiện tại Batavia. Các Ủy Nhiệm Thư của Phái Bộ cung sẽ cần có cùng số lượng các bản sao và thông dịch, như thế.
Nhiều bản sao này cần phải có để trình lên Hoàng Đế và vị Phó Vương [Vice Roi trong nguyên bản, để chỉ Kinh Lược Sứ, chú của người dịch] tại Sàigòn.
Tôi đính kèm một danh sách các Quà Tặng dành cho vị Hoàng Đế, và xin nhắc lại rằng những gì được liệt kê trong danh sách thứ nhì, dành cho Xiêm La sẽ đầy đủ cho An nam và Nhật Bản.
Kính thư,
Một công bộc trung thành nhất và tôn kính Ngài nhất,
John Shillaber
II. BỐI CẢNH VÀ NGƯỜI SOẠN THẢO BẢN BÁO CÁO
JOHN SHILLABER, LÃNH SỰ HOA KỲ TẠI BATAVIA
Năm 1826, chỉ sáu năm sau khi có nỗ lực không thành công của John White đệ cất một tàu hàng tại Cochinchina, John Shillaber, Lãnh Sự Hoa Kỳ tại Batavia, tại vùng Đông Ấn Độ thuộc Hà Lan (tức Nam Dương ngày nay), đã bắt đầu thúc dục Bộ Ngoại Giao cứu xét việc gửi các các chiến hạm đi biển không thường xuyên sang “các vùng biển Ấn Độ” để trương cờ, để bảo vệ hoạt động mậu dịch gia tăng của Hoa Kỳ, và để ảnh hưởng đến các thỏa ước thương mại với Xiêm, Cochinchina [Việt Nam ngày nay, chú của người dịch] và Nhật Bản. Từ năm 1826 đến 1832, Shillaber đã gửi một loạt nhiều lá thư lên Bộ Trưởng Ngoại Giao nhấn mạnh quan điểm của ông và nhắn nhở rằng ông lấy làm hân hạnh nếu nhận được một sự Ủy Nhiệm của Tổng Thống để thương thảo những thỏa ước như thế (1).
Sau khi thừa nhận các lời yêu cầu của Shillaber về một sự ủy nhiệm để thương thảo các thỏa ước, Bộ Trưởng Ngoại Giao Martin van Buren, qua văn thư mang chữ ký của người thư ký Daniel Brent, đã gửi cho Sillaber một bản chỉ thị đề ngày 13 tháng Mười Hai năm 1830 khuyến khích ông trong các đề nghị của mình.
Tôi đựoc chỉ thị một lần nữa từ ông Bộ Trưởng để thông báo với ông, như tôi đang làm đúng như thế, rằng những đề nghị bao gồm trong thư của ông, liên hệ đến khả tính thực hiện việc thiết lập các quy điều hay Thỏa Ước Thương Mại giữa Hoa Kỳ và các Chủ Quyền Độc Lập tại Xiêm và Cochinchina, và đến lợi điểm phát sinh từ những biện pháp như thế, sẽ nhận được sự lưu tâm thích đáng. Tuy nhiên, điều đáng mong ước là ông nên thảo lập một thông tri chính thức hơn với Bộ Ngoại Giao này về những chủ điểm đã được đề cập đến, để mô tả, với nhiều chi tiết, sự bất thuận tiện theo đó sự mậu dịch của Hoa Kỳ đang gặp phải, từ những quy điều hiện hữu, hay do bởi sự thiếu sót của những quy điều phù hợp tại những Xứ Sở được nêu tên, và những lợi điểm của một sự giao tiếp sẽ, trong sự phán đoán của ông, thu nhận được từ sự hình thành Các Quy Điều Thương Mại như đề nghị. Một sự hiểu biết chính xác hơn về bản chất và đặc tính của Chính Phủ liên hệ cũng sẽ cần phải kèm theo.
Nếu Tổng Thống sau khi đã có cái nhìn trên toàn thể vấn đề, sau đó xác định việc thực hiện nỗ lực để đặt định nền thương mại của chúng ta với các Xứ Sở đó trên một căn bản như thế, tôi đã được chỉ thị từ ông Bộ Trưởng để phát biểu rằng trong trường hợp đó một sự Ủy Nhiệm và các chỉ thị sẽ được chuyển đến ông một cách hợp thời để tiến tới các sự thương thảo cần thiết cho mục dích đó (2).
Được khích lệ bởi sự biểu lộ mối quan tâm này, Shillaber đã liên tiếp gửi văn thư về chủ đề này (3). Các hy vọng và ước muốn của ông đã trở nên vô vọng. Một biến cố xảy ra bên bờ biển phía tây đảo Sumatra hồi năm 1831 liên hệ đến một cuộc tấn công của hải tặc vào một chiếc thuyền của Hoa Kỳ, chiếc Friendship, đã nhận được sự chú ý của Quốc Hội, và mang đến cho Bộ Trưởng Hải Quân Levi Woodbury cơ hội nhấn mạnh đến sự gia tăng chuẩn chi cho Hải Quân. Trong bản phúc trình hàng năm của ông lên Tổng Thống đề ngày 3 tháng Mười Hai năm 1831, Woodbury có viết:
Trị giá lớn lao của nền thương mại của chúng ta tại Ấn Độ và Trung Hoa, vượt quá năm triệu mỹ kim mỗi năm, và sự phơi bày thường xuyên, với nhiều sinh mạng quý báu, trước việc nhục mạ và cướp bóc, mang lại một lời khẩn cầu lên chính phủ cung cấp sự bảo vệ của một lực lượng hải quân. Một khi các khoản chuẩn chi được chấp thuận cho tài khóa kế tiếp, đúng theo các con số ước lượng, sẽ giúp Bộ [Hải Quân] không chỉ tăng cường hạm đội tại Địa Trung Hải, và mở rộng phạm vi tuần tiểu một cách thành công, như đã từng đề nghị trước đây, mà còn bảo vệ hữu hiệu hơn nữa sự hải hành của chúng ta dọc theo bờ biển Nam Mỹ Châu, và cung ứng một lực lượng vừa đủ để thỉnh thoảng tham viếng Ấn Độ Dương và Biển Trung Hoa (4).
Tiếp theo sau cuộc tấn công vào chiếc tàu Friendship, chiến hạm USS Potomac đã được lệnh đi sang Thái Bình Dương để tìm cách đòi bồi thường sự “thiệt hại gây ra bởi hành vi hải tặc và man rợ.” Một lực lượng biệt phái từ Hạm Đội US Brazilian kế đó đã được lệnh lái sang vùng Sumatra, Ấn Độ, Trung Hoa, và bờ biển phía đông Phi Châu nhằm bảo đảm cho “an ninh và sự thịnh vượng của các quyền lợi thương mại quan trọng của chúng ta trong những vùng này “ (5).
————————–
(1) Văn Khố Bộ Ngoại Giao, Microfilm Reading Room, Văn Khố Quốc Gia, Washington, DC, Batavia Consular Letters, vol. i, 1826:
a. 27 February 1826:
Tôi phải cảm thấy rất là hân hạnh và cảm tạ nếu Chính Phủ Hoa Kỳ cho phép tôi được thực hiện các sự thu xếp thương mại với một số các vị chủ tể Bản Xứ độc lập, của các vùng phía đông này, cho nền mậu dịch của Hoa Kỳ. Sự xuất hiện của một trong những chiếc tàu quốc gia của chúng ta tại phần đất này của địa cầu sẽ có một ảnh hưởng tốt & cuộc du hành có thể chứng tỏ được sự hữu ích cho các sĩ quan trẻ.
b. 14 March 1827:
Theo thư đề ngày 27 February 1826, tôi đã thông báo về sự hữu ích có thể có của việc phái một hay nhiều chiến hạm quốc gia Hoa Kỳ xuất hiện tại các đại dương này, và tôi còn cả quyết hơn nữa, bởi có sự gia tăng lớn lao của các hải tặc, và sự cạnh tranh giữa vị Chúa Tể nước Xiêm và Anh Quốc …
c. 21 October 1829:
Một công tác thiết yếu cho nền thương mại chúng ta tại phương đông, nếu một trong những chiếc tàu quốc gia của chúng ta được phái sang xuất hiện tại nhiều hải cảng, đặc biệt hơn nữa tại các cảng thuộc quyền các chính quyền bản xứ, như Xiêm, Cochin-China, vân vân, ý kiến của tôi là một hiệp ước thương mại có thể được thiết lập với các vị Chúa Tể của những xứ sở đã nêu tên sẽ đặt nền mậu dịch của chúng ta trên một căn bản thuận lợi hơn nhiều.
d. 10 December 1830:
Các lợi điểm quan trọng sẽ đem đến cho sự giao thương của Hoa Kỳ với nước Xiêm và Cochin-China nếu các Hiệp Định Thương Mại, đặt trên quyền lợi hỗ tương, được thiết lập với các vị Chủ Tể độc lập của các nước này … Trong thời điểm hiện tại các lệ phí cập bến và các khoản thuế khác dành cho các tàu thuyền Hoa Kỳ tại những cảng này vẫn chưa được ấn định, nhưng việc tài định thuế tùy thuộc vào ý muốn của một viên chức, là kẻ vẫn thường áp đặt các khoản thuế một cách vô cùng chênh lệch trên các tàu bè khác nhau, và vì ngạch số này luôn luôn rất đáng kể (khoảng vài nghìn mỹ kim) những người gửi thuyền đến đó không bao giờ biết số thuế sẽ bị thu là bao nhiêu cho đến khi họ hồi hương.
Không có các quy định về mậu dịch, và và các thủ tục cùng cung cách để thực hiện sự mậu dịch vẫn để tùy quyền ấn định của cùng viên chức tài định các sắc thuế nhập bến, vân vân, {và} điều đó không xảy ra cho đến khi chiếc tàu cập bến hải cảng, vì thế tạo ra các sự trì trễ gây phiền nhiễu và không cần thiết, {và} tính các lệ phí nặng.
Tôi tin tưởng rằng phần lớn những khó khăn này (và) có thể tất cả chúng, nếu chính phủ Hoa Kỳ sẽ gửi một nhân vật để điều đình, có thể được gỡ bỏ đi, và nhiều lợi điểm được bảo đảm cho nền mậu dịch của chúng ta mà hiện giờ chúng ta không được hưởng nhờ sự giao thương với các quốc gia này vốn có nền thương mại là một nhánh có giá trị cao tại vùng Đông Ấn Độ của chúng ta (sic). Trong suốt thời gian cư trú lâu dài của tôi tại vùng Đông Ấn Độ, tôi đã thụ đắc được một số kiến thức về các ngôn ngữ, phong cách, các nét đặc thù (và) nền thương mại của những dân tộc này và tôi rất biết ơn nếu được bổ nhiệm để thương thảo các hiệp ước đề nghị. Tôi còn xin đi xa hơn nữa để nêu ý kiến rằng một công tác thật thiết yếu cho nền thương mại của chúng ta tại các vùng biển Ấn Độ đó nếu một trong những chiến hạm hay một tiểu pháo hạm của chúng ta được giữ để tuần tiểu tại đó, nơi mà các hải tặc hay lui tới.
Không có vùng nào trên thế giới mà một đoàn thuyền lại có thể hưởng được một bảo dưỡng tốt lành, khi áp dụng biện pháp dự phòng cho tàu cặp bến chỉ trong vòng ít ngày liên tiếp tại bất kỳ hải cảng nào [trong vùng] cho bằng một khí hậu ôn hòa, các bàu trời trong xanh, và vô số các hòn đảo, các bến đậu, vân vân … sẽ cung cấp các tiện nghi cho các sĩ quan của chúng ta tiếp thụ kiến thức (và) kinh nghiệm chuyên biệt cho nghề nghiệp của họ, tốt ngang bằng nếu không nói là hơn bất cứ nơi nào khác trên quả Địa Cầu này. Chiến hạm Congress là chiếc tàu chiến của Hoa Kỳ cuối cùng xuất hiện tại các đại dương này, từ đó mười năm đã trôi qua, trong lúc đó Anh Quốc và Hà Lan luôn luôn có nhiều chiến thuyền quốc gia (và) nước Pháp thì thỉnh thoảng. Tôi tin rằng chiến hạm Congress đã chỉ thăm viếng Manila và Quảng Đông.
e. 17 December 1830 (17 tháng 12 năm 1830):
Tôi đã có hân hạnh để gửi đến ông một văn thư đề ngày 10 trong đó tôi đã bày tỏ một điều ước mong rằng nhà đương quyền sẽ tái tục sự ủy nhiệm của tôi làm Lãnh Sự tại vùng Đông Ấn Độ thuộc Hà Lan và đã nêu ra quan điểm của tôi về các lợi thế có một chiến hạm quốc gia Hoa Kỳ tuần tiểu tại biển Trung Hoa vân vân đối với nền Mậu Dịch của Hoa Kỳ tại đó, và rằng một hiệp ước với các vị Chủ Tể của Xiêm La và Cochin-China (Việt Nam) cũng sẽ mang lại lợi lộc cho sự mậu dịch, và sẵn sàng đóng góp công sức của tôi để hoàn thành mục tiêu này.
2. Tài liệu dẫn trên, Các Chỉ Thị Cho Lãnh Sự (Consular Instructions, các trang 267-268, ngày 13 December 1830 (13 tháng 12 năm 1830), trang đầu tiên và nhật kỳ bị mất, nhưng thư của ông Shillaber đề ngày 10 December 1830 (ngày 10 tháng 12 năm 1830)(xem chú thích 1d trên đây) có phần ghi chú “ngày 13 December. đã trả lời: 13 Dẹc answered.” Văn thư của ông Shillaber đề ngày 30 May 1831 (ngày 30 tháng Năm 1831)[xem chú thích 3a dưới đây] cũng có tham chiếu đến văn thư của Daniel Brent đề ngày 13 tháng Mười Hai năm 1830).
3. Tài liệu đã dẫn trên, Các Văn Thư Lãnh Sự Batavia (Batavia Consular Letters):
a. Ngày 30 tháng Năm 1831 (liên quan đến vương triều Xiêm La):
Một khi Tổng Thống Hoa Kỳ xác định sẽ gửi một phái bộ sang Triều Đình Xiêm La, Cochin-China (Việt Nam) và Nhật Bản, hay một trong ba vương triều đó, để cố gắng thiết định nền mậu dịch Hoa Kỳ với hai nước nêu tên trước tiên trên một căn bản thuận lợi hơn nhiều so với tình hình hiên tại và việc mở cuộc mua bán với Nhật Bản, và dành cho tôi danh dự được bổ nhiệm làm Đại Lý cho các mục đích đã nêu, một danh dự và {một từ không đọc được} mà tôi thực lòng mong ước có thể được ban cấp cho tôi {một số từ không đọc được] tuyên bố rằng tôi sẽ dành (một từ không đọc được} và tài năng tốt nhất để hoàn thành các mục tiêu đã dự kiến đúng theo ý nguyện và danh dự của Chính Phủ và xứ sở [chúng ta] và mang lợi lộc cho nền thương mại Hoa Kỳ.
b. Ngày 1 tháng Bảy 1831 (1 July 1831) (liên quan đến vương triều Nhật Bản).
c. Ngày 3 tháng Bảy 1831 (3 July 1831) Theo sự hiểu biết của tôi, văn thư này là bản báo cáo chính thức đầu tiên lên Chính Phủ Hoa Kỳ về Cochin China (Việt Nam). Xin xem các trích đoạn nơi Phụ Lục A.
d. Ngày 12 tháng Tám 1831 (12 August 1831):
Trong hành trình từ Âu Châu tôi đã đưa ra những lời phát biểu liên quan đến Xiêm La, Cochin-China, và Nhật Bản khá dài và tôi hy vọng sau khi xem xét kỹ Tổng Thống có thể thấy thích hợp để gửi một Phái Bộ đến một hay tất cả các nước này. Nếu điều này xảy ra, tôi còn cả xin đề nghị rằng không nên có văn thức nào trong các Văn Thư gửi đến các vị Chủ Tể, hay các ủy nhiệm thư của Phái Bộ, có thể khiến các vị đó nghĩ rằng Hoa Kỳ là một nước Cộng Hòa. Các nhà lãnh đạo chuyên chế này sẽ bị ảnh hưởng để trở nên hoảng sợ trong sự giao tiếp với Hoa Kỳ, một nước tự do như hiện nay, một khi họ tìm hiểu được Chính Phủ đặc thù của Hoa Kỳ xuyên qua (một từ bị mất) chính thức của chính nó…
e. Ngày 29 tháng Một năm 1832 (29 January 1832):
Tôi xin hân hạnh được chuyển kèm theo đây các bản sao các văn thư của tôi về Xiêm La, Cochin China và Nhật Bản, và xin lưu ý rằng kể từ khi viết các nguyên bản văn thư, tôi đã quyết định ở lại xứ sở này cho đến năm 1834, một năm lâu hơn thời hạn mà tôi đã dự định …
f. Ngày 25 tháng Tư năm 1832 (25 April 1832):
Tôi cả xin chuyển đến ông bản sao các văn thư của tôi về các nước Xiêm La, Cochin China (Việt Nam) và Nhật Bản, & bày tỏ một hy vọng rằng Chính Phủ sẽ gửi một Phái Bộ, như được đề nghị trong các văn thư. Tôi tin tưởng rằng kết quả sẽ thuận lợi cho nền mậu dịch của chúng ta, & trong khi số thu nhập Quốc Gia cho đến nay vượt quá các kinh phí, tôi giả thiết rằng phí tổn sẽ không phải là lý do để phản bác. Trong trường hợp Tổng Thống dành danh dự cho tôi với sự bổ nhiệm là một người thụ ủy, tôi sẽ dồn hết sức và tài năng của tôi cho mục tiêu được nhắm tới.
4. Các Hồ Sơ Quốc Gia Hoa Kỳ: Các Văn Kiện của Quốc Hội Hoa Kỳ, Phiên Họp Thứ Nhì, Các Khóa 19 đến 21, Tháng Một 1827-Tháng Ba 1837, Washington, DC: Gales & Seaton, 1860, Naval Affairs, vol. iv, trang 6.
5. Tài liệu đã dẫn trên, trang 158.
Nguồn: Robert Hopkins Miller, The United States and Vietnam 1787-1941, National Defense University Press, Washington, DC, 1990, các trang 17-18, 266-268, 299-302