Hoa Kỳ và Đại Nam trong thập kỷ 1850: Các quan điểm của Bộ trưởng Ngoại giao Daniel Webster và Đề đốc Perry

NGÔ BẮC dịch

Nguồn: Robert Hopkins Miller, The United States and Vietnam, 1787-1941, National Defense University Press, Fort Lesley McNair, Washington D.C., 1990. Các trang 57-65.

Với sự thất bại của phái bộ Balestier vào năm 1850, cơ hội để phát triển một mối quan hệ thỏa đáng, nếu không đằm thắm, giữa Hoa Kỳ và Cochinchina (Nam Kỳ) hiển nhiên đã trôi qua – cho ít nhất một thế kỷ. Từ những nỗ lực cá nhân đầu tiên của Jeremiah Briggs và John White lần lượt vào các năm 1803 và 1819 đến phái bộ không thành công của Joseph Balestier vào năm 1850, sự quan tâm của Hoa Kỳ đối với Cochinchina, đến mức độ tối đa như đã xuất hiện, đã được phát huy bởi một số nhỏ những người Hoa Kỳ hiểu biết về khu vực này – Shillaber, Roberts, và Balestier. Sự tin tưởng của họ rằng “các quốc gia nằm bên bờ biển phía Đông” hứa hẹn các cơ hội mang lại nhiều lợi nhuận cho sự bành trướng mậu dịch của Hoa Kỳ chỉ hài hòa với ước muốn nâng cao sản nghiệp và chức nghiệp riêng của họ như là các đặc phái viên ngoại giao của Tổng Thống. Thẩm quyền thuyết phục của họ và, ít nhất trong trường hợp của Roberts, sự quen biết của họ với các viên chức Hoa Kỳ cao cấp đã bổ túc cho quan điểm thắng thế tại Washington rằng mậu dịch đã và sẽ là nhựa sống của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, vào giữa thế kỷ thứ 19, nhận thức của Hoa Kỳ về Á Châu đã bắt đầu thay đổi, và các biến cố lịch sử bao quát hơn đã che lấp những nỗ lực bất thành của Hoa Kỳ để thiết lập sự tiếp xúc có ý nghĩa với người Cochinchina, làm suy giảm mức độ ưu tiên được gán cho các nỗ lực đó từ sự ưu tiên dành cho một mục đích đáng mong ước xuống chỉ còn là một mục tiêu tùy thời cơ.

Từ các phái bộ của Roberts trong các năm 1832 và 1836 đến phái bộ Balestier năm 1850, mục tiêu của Hoa Kỳ tại Cochinchina và nước láng giềng Xiêm La tiến triển từ một sự bảo đảm giới hạn trong số các bảo đảm thỏa đáng theo hiệp ước liên quan đến sự đối xử với những chiếc thuyền và thủy thủ đoàn Hoa Kỳ và các thuế quan khả dĩ chấp nhận được trên hàng hóa, gạt bỏ công khai việc đóng chốt các tiền đồn và nhân viên lãnh sự, cho đến các bảo đảm theo hiệp ước bao gồm sự dự trù [thiết lập] các lãnh sự quán thường trực và các nhân viên lãnh sự. Phái bộ Roberts đã được chỉ thị một cách cụ thể về việc vạch rõ sự khác biệt giữa đường lối của Hoa Kỳ với các nước Âu Châu, nêu rõ rằng Hoa Kỳ không ấp ủ các ước muốn hay mục đích thực dân, khác với các nước Âu Châu. Điều quan trọng cần phải tái bảo đảm với người Cochinchina rằng Hoa Kỳ không tìm kiếm các tiền đồn đóng quân hay thiết lập cơ sở trên lãnh thổ nước ngoài: “Trong mọi lần đến và đi của mình, sứ giả sẽ dạy người dân phương Đông hãy cảm tạ Thượng Đế rằng Hoa Kỳ không như người dân các nước khác. Vị sứ giả đã được chỉ thị một cách rành mạch phải vạch ra các đức tính ưu việt của Hoa Kỳ khi thương thuyết với các nước phương Đông.” (1) Phái bộ Balestier cũng được lệnh vạch rõ các sự khác biệt giữa Hoa Kỳ và các quốc gia Âu Châu, liên quan đến các chính sách thực dân. Tuy nhiên, khác với các phái bộ trước đây của ông Roberts, Balestier đã được chỉ thị một cách cụ thể hãy tìm cách xin phép cho các lãnh sự và đại diện lãnh sự được hoạt động tại các hải cảng then chốt tại Cochinchina.

Đối với người Cochinchina, mặt khác, các sự xâm lấn của phương Tây không thể tách biệt vụ nọ với vụ kia:

“Đối với các hoàng đế Minh Mạng, Thiệu Trị, và Tự Đức, cuộc chống trả các giáo sĩ truyền đạo luôn luôn là một phần không thể tách biệt khỏi cuộc tranh đấu chống lại sự can thiệp chính trị của phương Tây. Nhưng các nhà trí thức trị vì ngôi báu này mắc phải một sự lạc hướng về ý thức hệ. Họ nhìn các lực lượng tinh thần và vật chất của phương Tây như là một tổng thể thù nghịch duy nhất, để chống lại nó phương Đông phải phản ứng bằng một sự phủ nhận toàn diện tất cả các ý tưởng, ý định và đường hướng đến từ phương Tây. Các nỗ lực của Anh và Hoa Kỳ để thương thảo các quan hệ mậu dịch đều bị đối xử một cách tiêu cực y như đối với các nỗ lực của Pháp; sự quan tâm về mậu dịch của Bồ Đào Nha và Hòa Lan cũng bị bỏ qua chẳng khác gì sự quan tâm của mọi cường quốc khác vốn đã từng nghi ngờ về các ý đồ của Pháp tại Việt Nam và có thể đã chống đối lại sự can thiệp quân sự của Pháp. Các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng bất lực không kém trong việc khai thác các luồng công luận Pháp chống lại hành động quân sự tại phương Đông.” (2)

Như tác giả Joseph Buttinger đã nêu ra,

“Sự thù nghịch của Việt Nam đối với phương Tây đã tăng cường và thúc đẩy các động lực cho sự xâm lược của Tây Phương; mặt khác sự đe dọa và đòi hỏi của Tây Phương đã củng cố quyết tâm của những hoàng đế nhà Nguyễn trong việc diệt trừ mọi ảnh hưởng ngoại lai trong biên cương quốc gia của họ. Họ có thể đã đánh giá thái quá mức độ gây hấn trong chính sách của Pháp đối với Việt Nam trước năm 1850, nhưng họ có thể nêu ra các thí dụ của Ấn Độ và Miến Điện, và sau năm 1840 họ cũng trải qua sự chấn động về sự can thiệp của Anh và Pháp tại Trung Hoa. Không có khả năng học được bài học chính trị thích đáng, họ tiếp tục ngược đãi, nhưng họ đã làm điều đó xuất phát từ sự lo sợ ngày càng gia tăng của chính họ về việc bị ngược đãi.” (3)

Anh Quốc đã đánh bại Trung Hoa trong cuộc Chiến Tranh Anh Quốc – Trung Hoa đầu tiên (Chiến Tranh Nha Phiến) vào năm 1842, chiếm cứ Hồng Kông thông qua Hiệp Ước Nam Kinh. Trung Hoa theo đó được mở cửa cho mậu dịch ngoại quốc và các đặc quyền ngoại giao (rights of extra-territoriality) được xác định cho các công dân Anh Quốc. Năm 1844, Hoa Kỳ đạt được cùng các quyền đó từ Trung Hoa, và, năm 1845, Pháp quốc giành được từ Trung Hoa sự nhượng bộ cho phép truyền đạo Thiên Chúa La Mã. Năm 1852, Anh Quốc, Hoa Kỳ, và Pháp dành được nhiều sự nhượng bộ hơn nữa sau một cuộc chiến tranh thứ nhì với Trung Hoa trong đó nước Pháp đã tham chiến với nước Anh (4).

Vào lúc kết thúc phái bộ Balestier năm 1850, Hoa Kỳ đã bắt đầu nghĩ về Á Châu trên các mặt chính trị và chiến lược, chứ không chỉ về mặt thương mại. Vào khoảng năm 1850, Hoa Kỳ đã ý thức sâu xa rằng nó là một cường quốc lục địa, đối diện với cả Thái Bình Dương lẫn Đại Tây Dương. Sự xuất hiện của những con tàu hơi nước đã mang vùng Đông Á lại gần với California hơn, và sự hoàn tất đường xe hỏa xuyên lục địa băng ngang qua các đại bình nguyên và dãy núi Rocky Mountains đã rút ngắn khoảng cách và thời giờ nhiều hơn nữa. Con đường ngắn nhất đến Trung Hoa chạy xuyên qua Thái Bình Dương từ bờ biển phía Đông [East Coast trong nguyên bản, phải là West Coast tức bờ biển phía Tây như từ California mói đúng, chú của người dịch], chứ không còn là “con đường trên đất liền” ngang qua Âu Châu và kinh đào Suez. Sự kiện này làm cho Nhật Bản, quần đảo Ryukyus (ngày nay là đảo Okinawa của Nhật Bản – chú của người dịch), và Đài Loan (Formosa) nổi bật hơn nữa trong các ý đồ phác họa bởi các nhân vật công quyền Hoa Kỳ — những con tàu hơi nước cần có than đốt dọc đường đi, và Nhật Bản, Đài Loan, và quần đảo Lưu Cầu có nắm giữ nhiên liệu quý giá đó. Nó cũng làm lu mờ sức hút của vùng Cochinchina lẩn khuất như là một mục tiêu thương mại.

Bộ Trưởng Ngoại Giao Daniel Webster đã phát biểu hùng hồn về những nhận thức mới mẻ này trong các chỉ thị của ông gửi Thiếu Tướng John H. Aulick, tư lệnh Hạm Đội Đông Ấn, đề ngày 10 tháng Sáu năm 1851:

“Thời điểm đang đến gần, khi khâu nối liền cuối cùng của sợi dây xích hải hành bằng tàu hơi nước xuyên đại dương được tạo lập. Từ Trung Hoa và Đông Ấn Độ đến Ai Cập, rồi từ đó xuyên qua Địa Trung Hải và Đại Tây Dương sang Anh Quốc, rồi lại từ đó sang các bờ biển vui tươi của chúng ta, và các phần khác của Lục Địa vĩ đại này, từ các hải cảng của chính chúng ta đến phần cực Nam của eo biển Isthmus, sẽ nối liền hai lục địa Tây Phương; và từ Bờ Biển Thái Bình Dương của nó, phía bắc – và xuôi nam, đi xa đến những nơi mà nền văn minh được phổ biến – những con tàu hơi nước của các nước khác và của chính chúng ta, sẽ chuyên chở sự thông minh, của cải của thế giới, và hàng ngàn khách du lịch.
Theo ý kiến của Tổng Thống, các bước tiến phải được thực hiện tức thời, để giúp cho các thương gia kinh doanh của chúng ta, đảm nhận việc cung cấp mắt xích cuối cùng của sợi dây xích vĩ đại đó, sẽ hợp nhất mọi quốc gia trên thế giới bằng sự thiết lập sớm đường hải hành của những chiếc tàu hơi nước từ California sang Trung Hoa. Để làm dễ dàng cho công cuộc kinh doanh này, điều đáng mong ước là chúng ta phải nhận được phép từ Hoàng Đế Nhật Bản, để mua từ các thần dân của ông ta lượng than đá cần thiết, mà các tàu chạy bằng hơi của chúng ta trên các hải trình đi và đến có thể cần đến.” (5)

Như các mỹ từ của Daniel Webster đã gợi ý, sự hãnh diện nhỏ bé của Hoa Kỳ trong các chính sách ban sơ đơn giản, chống thực dân của nó đã sớm bị thay thế bởi những sự cám dỗ mãnh liệt đầu tiên nhằm chinh phục thuộc đia. Sự khác biệt tự giác và công chính của Hoa Kỳ với các cường quốc thực dân Âu Châu, như được thể hiện trong các chỉ thị cho các phái bộ của Edmund Roberts và Joseph Balestier, đã nhường bước trước sự xáo động của những sự việc to lớn hơn.
Năm 1845, khi Thuyền Trưởng John Percival thực hiện các hành vi đối nghịch với người Cochinchina tại vịnh Đà Nẵng, ông ta đã làm như thế trong một nỗ lực vụng về và sai lầm nhằm cứu một linh mục người Pháp khỏi một nhà giam ở Á Châu; Percival đã bị tác động bởi cảm nghĩ về tình liên đới với nước Pháp, quên đi các hy vọng trước đó rằng Cochinchina có thể cấu thành một đối tác mậu dịch béo bở. Tới năm 1850, Hoa Kỳ thấy chính mình hậu thuẫn, và được hưởng lợi từ những nỗ lực của Anh và Pháp để mở cửa Trung Hoa cho sự mậu dịch với phương Tây và thiết lập sự bảo vệ bằng đặc quyền ngoại giao cho những người tây phương sống và làm việc tại Trung Hoa.

Trước khi kết thúc thập niên này, Đề Đốc Perry, vị chỉ huy hải quân Hoa Kỳ nổi tiếng đã mở cửa Nhật Bản cho mậu dịch tây phương, cùng với các nhân vật khác, đã vận động cho [việc thiết lập] các tiền đồn Hoa Kỳ tại các địa điểm then chốt tại Đông Á để bảo vệ và thúc đẩy mậu dịch của Hoa Kỳ, quyền hạn của Hoa Kỳ và các lợi ích chiến lược của Hoa Kỳ tại Á Châu. Viết cho Bộ Trưởng Hải Quân James C. Dobbin từ chiếc tàu của ông tại hải cảng Hồng Kông vào đêm Giáng Sinh năm 1853, Perry đã nói trắng ra rằng:

“Cách nào đi nữa tôi sẽ không cho phép bất kỳ sự xâm phạm nào đến các quyền hạn của quốc gia chúng ta; ngược lại, tôi tin rằng đây là thời điểm để đảm nhận một vị thế tại phương đông nhằm sẽ giúp cho quyền lực và ảnh hưởng của Hợp Chủng Quốc được cảm nhận thấy theo một đường hướng mang lại tầm quan trọng lớn lao hơn nữa cho các quyền hạn đó mà thông thường, đối với các dân tộc phương đông, vốn được lượng định bởi tầm mức sức mạnh quân sự được phô diễn…

Hiển nhiên là diễn tiến của các biến cố đang xảy ra sẽ không lâu nữa tạo ra sự cần thiết cho Hoa Kỳ để mở rộng quyền tài phán lãnh thổ vượt qua các giới hạn của lục địa phía tây, và tôi đảm nhận trách nhiệm thúc giục việc thiết lập một chân đứng tại phần góc này của địa cầu, như là một biện pháp cần thiết để duy trì quyền hải hành của chúng ta ở phương đông.” (6)

Trong bản báo cáo chính thức của ông về cuộc viễn chinh đến Nhật Bản, Đề Đốc Perry đã khai triển chủ đề này:

“Xét đến sự tăng trưởng và mở rộng tổng quát của nền thương mại thế giới, và sự cần thiết của việc vận dụng tư bản tích lũy liên tục mà các hầm mỏ của California và Australia hàng năm thu hoạch được, điều quan trọng là chính phủ Hợp Chủng Quốc phải hướng sự chú ý tới việc tìm kiếm các cơ hội mậu dịch mới, bằng cách ký kết các hiệp ước hữu nghị và giao thương với các dân tộc ở phương Đông, là những dân tộc, toàn thể hay một phần, độc lập với sự kiểm soát của các cường quốc Âu Châu, và đang được coi là có đủ tầm mức quan trọng để được hưởng các quyền tự chủ.

Mặc dù Anh Quốc và chính phủ Hòa Lan, như các nước chính yếu, cùng với Pháp, Tây Ban Nha, và Bồ Đào Nha, trong một mức độ hạn chế nhiều hơn, đã mở rộng thanh thế của họ đến những miền đất rộng lớn trên lãnh thổ phương Đông, hiện vẫn tồn tại, với sự độc lập tương đối, nhiều khu vực canh tác trải rộng và đông dân chúng cư ngụ, mà đã thoát được khỏi khỏi chính sách thâu tóm của các cường quốc đó; và mặc dù các lãnh thổ này được cai trị bởi những nhà cầm quyền độc đoán bán khai, thiên nhiên đã phú cho chúng các lợi thế mà, nếu được khai thác đúng hướng, sẽ giúp cho các phần lãnh thổ này tham gia đóng góp các sản phẩm của họ vào các nguồn tài nguyên chung của công cuộc thương mại…

Với các vương quốc đang phát triển như Nhật Bản, Ryukyus, và Xiêm La, mới đây chúng ta đã thương thảo hiệp ước, từ đó các lợi ích quan trọng chắc chắn sẽ thu đạt được. Mặc dù cho đến thời điểm này, chính phủ của chúng ta chỉ biểu lộ chút ít sự quan tâm đối với việc tận dụng những cơ hội đang có, nhưng ngày đó sẽ đến, và trong một thời khoảng không xa, khi các biến chuyển chính trị, và những lời thỉnh cầu nhất trí và khẩn khoản của các thương nhân, sẽ buộc Hoa Kỳ phải ân cần lưu tâm nhiều hơn đến công cuộc thương mại ở phương đông của chúng ta, và để mở rộng các ưu thế của tình hữu nghị dân tộc và sự bảo vệ của chúng ta, đối với Nhật Bản và Lew Chew cũng như đối với các cường quốc khác ít được hay biết hơn bởi các quốc gia tây phương.

Tôi có thể đề cập đến Xiêm La, Campuchia, Cochinchina, một phần của đảo Borneo và Sumatra, và nhiều hòn đảo của quần đảo phía đông, và đặc biệt hơn là đảo Đài Loan (Formosa).

Luận đề của tôi có thể bị phủ định, rằng một hoặc nhiều chính phủ Âu Châu đề cập ở trên có thể tuyên bố thẩm quyền trên các xứ sở này, và hậu quả là các ông hoàng bản xứ sẽ bị tước bỏ bất kỳ quyền hạn nào để ký kết các quan hệ theo hiệp ước với chúng ta. Nhưng quyền tự chủ, trong thời đại sáng tỏ này, chỉ có thể được công nhận qua những bằng chứng về quyền lực của nước chủ tể tuyên bố thẩm quyền thực thi những đặc quyền được giả định là của mình, cũng giống như khi nói về quyền phong tỏa khi giao chiến, sẽ chỉ được thừa nhận trong luật quốc gia khi nó có thể được duy trì bằng sức mạnh hữu hiệu; và quan điểm của tôi là chính phủ Hợp Chủng Quốc không thể bị ngăn cấm một cách chính đáng việc ký kết các điều ước với một hay tất cả các chính phủ hay cộng đồng ở phương Đông hiện được biết là đang độc lập trên thực tế (de facto) với bất kỳ thế lực đã được thiết lập nào khác.” (7)

Với những lời kêu gọi mang màu sắc của sự chinh phục đế quốc, Hoa Kỳ không quên Cochinchina vẫn còn là một mục tiêu tùy cơ hội. Trong thực tế, cả Đề Đốc Perry và Thượng Tá Cadwallader Ringgold, người được phái đi trong một nhiệm vụ khảo sát vùng “Eo Biển Bering, Bắc Thái Bình Dương và Biển Trung Hoa” cùng thời điểm Perry được phái sang Nhật Bản, đã được giao phó những sự ủy nhiệm linh động bên cạnh các sứ mệnh chủ yếu của họ — cả hai được Tổng thống giao cho một số “ủy nhiệm toàn quyền” trong trường hợp họ có dịp “thăm viếng các xứ sở hay hòn đảo có những vị chúa tể xét ra có thể có lợi cho Hợp Chủng Quốc để ký kết các hiệp ước hữu nghị và thương mại,” (8) Cả hai ông Perry và Ringgold đều đã không tận dụng những ủy nhiệm toàn quyền đặc biệt này mặc dù Perry có ý định đến Bangkok để thương thảo lại về hiệp ước mà Đặc Phái Viên Edmund Roberts đã ký với nước Xiêm La. Tuy nhiên, các nhiệm vụ của ông liên quan đến Nhật Bản và đảo Ryukyus đã chiếm quá nhiều thời giờ và ông ta không bao giờ đến được Bangkok.

Việc không thể thăm viếng Xiêm La được đã không làm Perry quên mất vùng đất đó của thế giới. Phần diễn giải dài dòng của ông ta, như đã trích dẫn ở trên, được tiếp tục như sau:

“Nhưng … hãy nói về các nước Xiêm La, Campuchia, Cochinchina, và đảo Đài Loan (Formosa) – ba nước đầu tiên là các nước có chủ quyền độc lập, và đảo sau cùng là vùng đất trên danh nghĩa lệ thuộc vào Trung Hoa … Campuchia và Cochinchina (phần đất sau cùng [tức là Cochinchina – chú của người dịch], nếu không phải là cả hai, đôi khi được gọi bằng một danh xưng chung là An Nam…) là những vương quốc nằm giữa Xiêm La và chính nước Trung Hoa. Mặc dù hai nước này có khả năng giao dịch thương mại sôi nổi với nước ngoài bằng các sản phẩm và các tài nguyên khác của họ, nhưng họ ít có sự mua bán nào vượt quá sự giao dịch hạn chế với các hải cảng của Xiêm La, Singapore và những hải cảng của Trung Hoa. Mặc dù trước đây Anh và Pháp đã thực hiện một số nỗ lực yếu ớt nhằm thiết lập một sự thông hiểu hữu nghị với các xứ sở này, họ chỉ đạt được thành công nhỏ nhoi, và có thể bởi chính sách ngoại giao không thích đáng. Sự việc còn bị làm trầm trọng hơn khi hai chiếc thuyền buồm của Pháp, vào năm 1847, đã giao chiến với các nhà cầm quyền tại vịnh Đà Nẵng (Touron Bay), trong đó hạm đội bản xứ đã bị tiêu diệt, với sự tổn thất một số lượng lớn các thủy thủ đoàn của họ; và thông qua Ngài Sir John Davis, khi đó làm thống đốc Hồng Kông, đã thăm viếng, cùng với hai chiến thuyền của Anh Quốc, cùng nơi đó không lâu sau khi xảy ra biến cố này, với hy vọng thực hiện được cho Anh Quốc một số thỏa thuận thân hữu với chính phủ An Nam, ông đã buộc phải, sau một sự trì hoãn khó hiểu và khó chịu, ra đi mà không được phép hội kiến, hay thậm chí không được phép đến thăm viếng Huế, kinh đô nước này. (9)

Giờ đây, các nguyên do hiển nhiên của những thất bại trong việc dẫn dắt các dân tộc nhiều thành kiến và tự mãn này tiến đến bất kỳ điều khoản hứa hẹn những kết quả hữu ích nào, có thể được quy kết chính yếu cho đường hướng chính sách sai lầm theo đuổi bởi các cường quốc tây phương, với các đại diện lúc nào cũng tiếp cận họ như là những kẻ bề trên, đòi hỏi trả lời muốn nhận hay là không nhận: nolens volens [tiếng la tinh trong nguyên bản – chú của người dịch], thẳng thắn đòi hỏi nhân nhượng trong mậu dịch, quyền tự do được truyền đạo, v.v., và v.v. Các hoàng đế bản xứ hẳn sẽ không biết gì về những lợi ích hay thiệt hại, hoặc ảnh hưởng hay hậu quả cuối cùng của những đòi hỏi này. Và trong nỗi lo sợ về nguy cơ chuẩn cấp quá nhiều cho những khách ngoại quốc với xu hướng và sở thích chiếm đoạt mà họ đã tỏ tường, những ông hoàng này đã thực hiện đường lối cực đoan, ương ngạnh cự tuyệt mọi sự giao tiếp dưới bất kỳ hình thức nào; và khi họ không thừa nhận các nguyên tắc lịch sự ngoại giao vốn được các quốc gia văn minh hơn xem là thiêng liêng, những điều mà họ chưa bao giờ cố gắng tìm hiểu và tán thưởng, một số sự sỉ nhục bất thường và có lẽ không cố ý đã được đưa ra, tiếp nối sau đó là sự đụng độ và đổ máu, và cánh cửa đã bị đóng chặt hơn nữa cho các sự thương thảo hòa bình. Ngoài ra, các dân tộc này đã quá mẫn tiệp để có thể bị ảnh hưởng bởi các lập luận hay đề nghị chỉ mang vẻ thân thiện bề ngoài, trừ khi những tuyên bố này được đi kèm bởi các hành vi tương ứng.” (10)

Ở phía dưới của văn kiện, Đề Đốc Perry viết:

“Vị trí địa lý của đảo Đài Loan khiến nó cực kỳ thích hợp làm một kho chứa hàng trung chuyển cho công cuộc mậu dịch của Hoa Kỳ, từ đó có thể thiết lập giao tiếp với Trung Hoa, Nhật Bản, Ryukyus, Cochinchina, Campuchia, Xiêm La, Philippines, và tất cả các hòn đảo nằm trong các vùng biển kề cận; và hòn đảo này còn tự chứng giá trị nhiều hơn nữa bởi khả năng cung cấp lượng than đá dồi dào, một mặt hàng sẽ thể hiện tầm quan trọng vĩ đại đối với công cuộc mậu dịch tại phương đông, do việc sử dụng ngày càng gia tăng loại thuyền chạy bằng hơi nước cho các mục đích thương mại.” (11)

Đề Đốc Perry còn bình luận nhiều hơn về triển vọng hạn chế của Cochinchina như một đối tác buôn bán trong một bức thư gửi Bộ Trưởng Hải Quân, đề ngày 7 tháng Mười năm 1854, được viết trên con tàu quay về quê hương:

“Liên quan đến khả năng khai mở một sự giao tiếp với Cochinchina, bất kể đến những thất bại trước đây của Anh và Pháp, và của Hợp Chủng Quốc, tôi có ý kiến, dựa trên tin tức khả tín thu lượm được ngay tại Trung Hoa và Singapore, rằng một đường lối thuận tiện có thể hoàn thành được, nếu các chiếc thuyền nhỏ chạy bằng hơi loại cho vùng nước nông được sử dụng để đi ngược các dòng sông nơi các thành phố chính yếu tọa lạc, và với lực lượng đủ để kháng cự và ngăn chặn sự sỉ nhục, nhằm duy trì sự kính trọng, và nhờ đó, đạt được tình hữu nghị của dân tộc cá biệt này; và mặc dù mậu dịch của Cochinchina và các xứ sở lân cận đang gia tăng tầm quan trọng, câu hỏi được nêu lên là liệu các lợi thế của một hiệp ước phải trả với giá quá cao có đáng mong ước hay không ngoài việc phản ảnh một sự coi trọng công cuộc kinh doanh và năng lực của một dân tộc còn tương đối non trẻ.” (12)

Bộ Ngoại Giao cũng không bỏ quên Cochinchina. Các chỉ thị của Bộ Trưởng Ngoại Giao Marcy cho Ủy Viên Đại Diện Hoa Kỳ tại Trung Hoa, Robert M. McLane, đề ngày 9 tháng Mười Một năm 1853, đặc biệt ủy quyền cho McLane để thương thảo một hiệp ước với Cochinchina và các xứ sở khác:

“Không có ham muốn các đặc ưu độc quyền, điều xem có vẻ đặc biệt cần thiết là, trong bất kỳ cuộc khủng hoảng nào có thể xảy ra trong các sự vụ của đế quốc Trung Hoa, ông cần hướng các nỗ lực của mình đến việc thiết lập các mối giao tiếp thương mại cởi mở nhất giữa Trung Hoa với Hợp Chủng Quốc; … Ông sẽ được ủy quyền một cách hợp thức để ký kết một hiệp ước tương tự, nếu thực hiện được, với Triều Tiên, Cochinchina, hay bất kỳ đất nước Á Châu độc lập nào khác, những nước mà chúng ta chưa có hiệp ước, và cũng để mở rộng các quyền hạn hay đặc ưu đã thu đạt được trước đây theo hiệp ước với những nước như thế”. (13)

McLane chỉ ở Trung Hoa một năm, và có vẻ ông đã lên kế hoạch làm một chuyến du hành sang nước Xiêm La vào khoảng cuối năm 1854, nhưng ông đã không bao giờ có thể thực hiện được chuyến đi vì lý do bệnh tật (14). Ông có đưa ra một sự tham chiếu được hay biết về các vấn đề chờ sẵn đối với một cuộc thăm viếng xứ Cochinchina:

“Một chiếc tàu hơi nước cỡ nhỏ, để so chiếu trong sự liên hệ với một cuộc thao diễn hải quân bên bờ biển Trung Hoa, là thứ không thể thiếu đối với một ủy viên đại điện Hợp Chủng Quốc, một khi tình hình trở nên thuận lợi để giúp cho ông ta đến thăm viếng Xiêm La và Cochinchina. Nỗ lực được tiến hành gần đây nhất để khai mở sự thông tin với Cochinchina đã rơi vào tình trạng không thể thực hiện được, và trở ngại chính yếu xem ra là khoảng cách [xa xôi] giữa nơi mà các chiến thuyền của chúng ta bị bắt buộc phải thả neo và cửa con sông nơi trụ sở của chính quyền tọa lạc.” (15)

Người kế nhiệm McLane, Bác Sĩ Peter Parker, nhắc nhở Bộ Trưởng Ngoại Giao Marcy về sự ủy quyền rộng rãi dành cho ông McLane và tìm kiếm cùng thẩm quyền như thế cho mình. Nhưng ông Parker còn đi xa hơn nữa, đề nghị rằng khu vực thẩm quyền của ủy viên tại Trung Hoa được mở rộng để bao gồm cả Nhật Bản, đảo Ryukyus, Triều Tiên, Philippines (Manila), Cochinchina, và Xiêm La.(16)

Sự quan tâm của Hoa Kỳ đến vùng Cochinchina có vẻ bị tàn lụi vào khoảng giữa thập niên. Cả ông Townsend Harris, Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ đầu tiên tại Nhật Bản, người được ủy quyền để tái thương thảo hiệp ước của Đặc Phái Viên Edmund Roberts với nước Xiêm La vào năm 1856, lẫn ông C.W. Bradley, Lãnh Sự Mỹ tại Ninh Ba (Ningpo), Trung Hoa, là người vào năm 1857 đã được ủy quyền để trao đổi các sự phê chuẩn hiệp ước được thương thảo bởi ông Harris với nước Xiêm La, xem ra đã không có bất kỳ mệnh lệnh nào liên quan đến xứ Cochinchina (17). Cả người kế nhiệm ông Parker, William B. Reed, cũng không nhận được bất kỳ chỉ thị nào như thế (18).

Tới thập kỷ 1880, nước Pháp đã thiết lập sự kiểm soát trên thành phố Sài Gòn và các vùng phụ cận và chế độ bảo hộ trên Bắc Việt. Chế độ bảo hộ sau này đã đưa đến một cuộc tranh chấp với Trung Hoa. Từ đó trở đi – và cho đến HộI Nghị Geneva năm 1954 – các quan hệ của Hợp Chủng Quốc với vùng Đông Dương trở thành một chức năng [phụ đới] trong mối quan hệ của Hợp Chủng Quốc với các cường quốc khác, như Pháp, Trung Hoa, Anh Quốc, và Nhật Bản.
————————

Phụ chú của người dịch:
1. Sơ lược tiểu sử ông Daniel Webster:
Daniel Webster (sinh ngày 18 tháng 1 năm 1782 – mất ngày 24 tháng 10, năm 1852) là một chính khách Hoa Kỳ hàng đầu thời tiền nội chiến. Ông trước tiên nổi tiếng khắp vùng khi biện hộ cho các quyền lợi của các hãng chuyên chở bằng thuyền vùng New England, đông bắc Hoa Kỳ. Quan điểm của ông ngày càng mang tính cách dân tộc hơn và sự phát biểu rành mạch quan điểm này biến ông trở thành một trong những nhà hùng biện nổi tiếng nhất và là một lãnh tụ có thế lực của cánh Tự Do (Whig) trong Hệ Thống Đảng Thứ Nhì (Second Party System).

Với tư cách luật sư ông đã phục vụ như một cố vấn về pháp lý trong một vài vụ kiện đã tạo ra các tiền lệ hiến pháp quan trọng nhằm củng cố thẩm quyền của chính phủ Liên Bang. Với tư cách Bộ Trưởng Ngoại Giao, ông Webster đã thương thảo Hiệp Ước Webster-Ashburton nhằm thiết lập biên giới xác định Phía Đông giữa Hoa Kỳ và Canada. Được nhìn nhận chính yếu nhờ các nhiệm kỳ tại Thương Viện, Webster là một nhân vật then chốt trong thời “Hoàng Kim” của định chế này. Rất nổi tiếng nhờ các kỹ năng khi làm Thượng Nghị Sĩ, ông trở thành người thứ ba trong “Bộ Ba Vĩ Đại hay Bất Tử: Great Triumvirate / Immortal Trio” cùng với các đồng sự của ông là Henry Clay và John C. Calhoun.

Giống như Henry Clay, ước vọng của ông muốn được nhìn thấy Liên Bang được duy trì và mối tranh chấp được gạt bỏ dẫn ông đến việc tìm kiếm các sự thỏa hiệp được phác họa nhằm đẩy lui đầu óc địa phương đang đe dọa dẫn đến cuộc chiến tranh Nam Bắc. Mặc dù đã ra tranh cử ba lần, Webster không bao giờ được bầu làm Tổng Thống, nỗ lực sau cùng đã bị thất bại vì các sự thỏa hiệp của ông. Tương tự, các nỗ lực của Webster nhằm hướng dân tộc Mỹ né tránh cuộc nội chiến để tiến tới một nền hòa bình cụ thể cũng đã trở nên vô hiệu quả. Dù thế, ông Webster đã dành được sự tôn kính nhờ các nỗ lực này, và được chính thức đề cử bởi Thượng Nghị Viện Hoa Kỳ trong năm 1957 như là một trong năm thành viên xuất sắc nhất của cơ quan này.

2. Sơ lược tiểu sử Đề Đốc Matthew Calbraith Perry:

Calbraith Perry (Ảnh: navyandmarine.org)

Matthew Calbraith Perry (sinh ngày 10 tháng 4, năm 1794, mất ngày 4 tháng Ba năm 1858) là một Đề Đốc của Hải Quân Hoa Kỳ đã cưỡng bách việc mở cửa nước Nhật cho khối Tây qua Quy Ước Convention of Kanagawa năm 1854. Khúc quanh quan trọng trong lịch sử Nhật Bản nói riêng và của Á Châu nói chung diễn tiến như sau:

Sự Mở Cửa Nhật Bản trong các năm 1852-1854:

Các tiền lệ:

Cuộc viễn chinh của Perry sang Nhật Bản đã được mở đường bởi nhiều cuộc viễn chinh của hải quân Hoa Kỳ trước đó:

• Từ năm 1797 đến 1809, một vài chiếc tàu của Hoa Kỳ đã mua bán tại Nagasaki dưới lá cờ của Hòa Lan, theo lời yêu cầu của Hòa Lan, nước đã không có khả năng phái các tàu của chính mình bởi có sự tranh chấp của họ chống lại Anh Quốc trong các cuộc chiến tranh của Napoleon (Napoleonic Wars). Vào lúc đó, mậu dịch của Hòa Lan với Trung Hoa bị hạn chế.

• Vào năm 1837, một thương gia Hoa Kỳ tại thành phố Quảng Châu (Canton), tên Charles W. King, nhìn thấy một cơ hội để khai thông mậu dịch bằng việc giao hoàn Nhật Bản ba thủy thủ Nhật Bản (trong số đó có Otokichi) là những kẻ bị đắm tàu vài năm trước đó tại bờ biển vùng Oregon. Ông ta đi đến Eo Biển Uraga cùng với một thương thuyền không vũ trang của Hoa Kỳ tên Morrison. Chiếc tàu bị tấn công vài lần, và phải lái trở về mà không làm tròn nhiệm vụ của mình.

• Trong năm 1846, Thượng Tá James Biddle, được phái đi bởi Chính Phủ Hợp Chủng Quốc để mở cuộc mậu dịch, đã thả neo hai chiếc tàu tại vịnh Đông Kinh, gồm cả một tàu chiến được trang bị bằng 72 khẩu đại bác, nhưng các lời yêu cầu của ông về một thỏa ước mậu dịch vẫn không thành công.

• Trong năm 1848, ĐạI Tá James Glynn lái thuyền đến Nagasaki, cầm đầu một cuộc thương thuyết thành công đầu tiên bởi một người Hoa Kỳ với “Xứ Sở Bế Quan” Nhật Bản. James Glynn đã khuyến cáo Quốc Hội Hợp Chủng Quốc rằng các cuộc thương thảo để mở của Nhật Bản cần phải được hậu thuẫn bởi một cuộc biểu dương lực lượng, từ đó đã dọn đường cho cuộc viễn chinh của Perry.

Cuộc Viễn Chinh Đầu Tiên, 1852-1853:

Trong năm 1852, Perry đã trương buồm từ Norfolk, Virginia để đi Nhật Bản, chỉ huy một hạm đội nhằm tìm kiếm một hiệp ước mậu dịch với Nhật Bản. Trên chiếc thuyền buồm chạy bằng hơi sơn màu đen, ông đã cho các thuyền Mississippi, Plymouth, Saratoga, và Susquehanna cập bến hải cảng Uraga gần Edo (Tokyo ngày nay) vào ngày 8 tháng Bẩy năm 1853, và có gặp gỡ các đại diện của Tướng Quân Lãnh Chúa Tokugawa, là những người đã nói với ông hãy lái thuyền đến Nagasaki, nơi có một sự mua bán hạn chế với Hòa Lan và là hải cảng Nhật Bản duy nhất mở cửa cho người ngoại quốc vào lúc đó. Perry từ chối rời đi và đòi hỏi được phép đệ trình một lá thư từ Tổng Thống Millard Fillmore, đe dọa sẽ dùng vũ lực nếu ông bị từ chối. Các lực lượng quân sự của Nhật Bản không thể kháng cự được vũ khí tối tân của Perry. Tại Nhật Bản, “Những Chiếc Thuyền Màu Đen: Black Ships” từ đó đã trở thành một biểu tượng đe dọa của kỹ thuật và chủ nghĩa thực dân của Tây Phương.

Perry gặp lãnh chúa Nhật (Ảnh: navyandmarine.org)

 Chính phủ Nhật Bản đã để Perry lên bờ để tránh cuộc pháo kích bởi hải quân. Perry đã lên bờ tại Kurihama (gần khu Yokosuka ngày nay) vào ngày 14 tháng Bẩy, xuất trình lá thư cho các đại diện có mặt tại chỗ, và rời sang bờ biển Trung Hoa, hứa hẹn sẽ quay trở lại để có một sự phúc đáp.

Cuộc thăm viếng lần thứ nhì, 1854:

Perry trở lại hồi tháng Hai năm 1854 với gấp đôi số thuyền, nhận thấy các đại diện đã soạn thảo một hiệp ước bao gồm thực sự mọi yêu cầu được nêu trong bức thư của Tổng Thống Hoa Kỳ Fillmore. Perry đã ký kết vào Bản Quy Ước Kanagawa vào ngày 31 tháng Ba năm 1854, và đã ra đi, lầm tin rằng bản thỏa thuận đã được ký kết vớI các đại diện của vương triều.

Trên đường đi đến Nhật Bản, Perry đã thả neo ngoài khơi Keelung, thuộc đảo Formosa, tức đảo Đài Loan ngày nay trong mười hôm. Perry và thủy thủ đoàn đã đổ bộ lên đảo Formosa và khảo sát về việc khai thác các mỏ than tại vùng đó. Ông có nhấn mạnh trong các báo cáo rằng đảo Formosa cung cấp một địa điểm mậu dịch giữa đường thuận tiện. Đảo Đài Loan cũng rất dễ phòng thủ. Nó có thể được dùng làm một căn cứ cho sự khám phá tương tự như đảo Cuba đã cung cấp cho người Tây Ban Nha để thám sát các vùng của Mỹ Châu. Chiếm đóng đảo Formosa có thể giúp cho Hoa Kỳ đối phó được với sự độc quyền của Âu Châu trên các lộ trình buôn bán chính yếu. Chính phủ Hoa Kỳ đã không đáp ứng đề nghị của Perry về việc tuyên bố chủ quyền trên đảo Đài Loan.

Trở về Hoa Kỳ năm 1855:

Khi Perry trở về Hoa Kỳ năm 1855, Quốc Hội đã biểu quyết cấp cho khoản tiền thưởng là $20,000 vì các công việc của ông tại Nhật Bản. Perry đã dùng một phần của số tiền này để soạn thảo và ấn hành một báo cáo về cuộc viễn chinh gồm ba quyển, nhan đề “Tường Thuật Cuộc Viễn Chinh của một Hạm Đội Hợp Chủng Quốc sang Biển Trung Hoa và Nhật Bản: Narrative of the Expedition of an American Squadron to the China Seas and Japan.”
————————————-
Chú Thích:

1. Henry Merritt Wriston, Executive Agents in American Foreign Relations, Baltimore: The Johns Hopkins Press, 1929, trang 337.
2. Joseph Buttinger, các trang 275-276.
3. Cùng nơi dẫn trên, trang 275.
4. Cùng nơi dẫn trên, trang 388, chú thích 7.
5. Hunter Miller, vol. vi, Document 164 – Japan: 31 March 1854, các trang 515-516.
6. Foreign Relations of the United States, vol. 41, Quốc Hội Khóa Thứ 33, Kỳ Họp Thứ Nhì, 1854-55; Senate Ex. Doc. no. 34, “Correspondence Relative to the Naval Expedition to Japan,” trang 81.
7. Perry’s Expedition to the China Seas and Japan, House Doc. No. 97, vol. 2, Quốc Hội Khóa Thứ 33, Kỳ Họp Thứ Nhì, các trang 173-174. Cũng xem Tyler Dennet.
8. Wriston, các trang 360-361.
9. Perry hoặc không đếm xỉa gì đến hay không hay biết về hành động thù nghịch bất hạnh của Thuyền Trưởng Percival tại vịnh Đà Nẵng hai năm trước khi có biến cố do Pháp gây ra.
10. Perry’s Expedition, các trang 174-175.
11. Cùng nơi dẫn trên, trang 180.
12. Foreign Relations, vol. 41, trang 182.
13. Cùng nơi dẫn trên, vol. 54, Quốc Hội Khóa Thứ 36, Kỳ Họp Thứ Nhất, 1860; Senate Ex. Doc. no. 39, trang 2.
14. Cùng nơi dẫn trên, vol. 51; Senate Ex. Doc. no. 22, “Correspondence of the Late Ministers of China,” các trang 272-273, trang 446.
15. Cùng nơi dẫn trên, trang 290. Thư đề ngày 19 November 1854.
16. Cùng nơi dẫn trên, trang 633. Thư đề ngày 12 February 1856.
17. Xem The Complete Journal of Townsend Harris, Giới thiệu và Chú Thích bởi Mario Emilio Cosenza, và Văn Khố Bộ Ngoại Giao, Phòng Đọc Vi Phim, Văn Khố Quốc Gia, Washington DC, III, Special Missions Instructions, các trang 83-85.
18. Xem Foreign Relations, vol. 50, Quốc Hội Khóa Thứ 35, 1858; Senate Ex. Doc. no. 47.

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN