Biến chuyển mới trong quan hệ đồng minh Mỹ - Philippines

Cộng hòa Philippines là đồng minh chiến lược của Hoa Kỳ tại châu Á trong nhiều thập kỷ qua. Ngay trong giai đoạn Chiến tranh lạnh, từ năm 1951, hai nước ký kết Hiệp ước Phòng thủ chung (MDT) theo đó Mỹ sẽ bảo vệ trong trường hợp Philippines bị lực lượng nước ngoài tấn công. Đổi lại, Philippines đã hỗ trợ Mỹ trong nhiều triển khai chính sách đối ngoại tại khu vực này. Mỹ can dự vào cuộc chiến ở Việt Nam từ nhiều căn cứ quan trọng đặt tại Philippines và quân đội Philippines thực tế đã trực tiếp tham gia tại chiến trường miền Nam Việt Nam.

Khi Mỹ rút khỏi Đông Dương năm 1975 cũng như sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, Philippines tiếp tục là đồng minh của Hoa Kỳ. Mỹ coi Philippines là tiền đồn về mặt địa chính trị để mở rộng ảnh hưởng ngoại giao tại châu Á và đứng chân quân sự tại đây. Hai nước ký kết thỏa thuận các lực lượng thăm viếng (VFA) năm 1998. Văn bản này đề ra các quy tắc, hướng dẫn và địa vị pháp lý cho quân đội Mỹ khi hoạt động hợp pháp tại Philippines.

Tuy có các hiệp định như vậy nhưng trong giai đoạn trước khi Tổng thống Obama nắm quyền, Mỹ cũng chưa thực sự coi trọng châu Á – Thái Bình Dương. Mỹ vẫn coi Trung Quốc là đối tượng hợp tác và ủng hộ sự phát triển của quốc gia này với hi vọng sự lớn mạnh của tầng lớp trung lưu sẽ chuyển hoá Trung Quốc thành quốc gia dân chủ. Chỉ cho tới khi Trung Quốc trỗi dậy thành cường quốc số hai thế giới, Mỹ mới nhìn nhận Trung Quốc là đối tượng đe doạ vị trị thống trị của Mỹ trên thế giới cũng như ở châu Á – Thái Bình Dương. Đặc biệt, kể từ khi Trung Quốc công bố đường lưỡi bò là vùng biển nằm trong kiểm soát của Trung Quốc vào năm 2009, Mỹ càng thấy rõ sự mở rộng của Bắc Kinh sẽ đụng chạm đến vai trò của Mỹ ở khu vực này.

Từ đầu năm 2010, chính quyền Obama khẳng định ưu tiên bảo vệ quyền lợi Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương và công bố chính sách xoay trục sang khu vực này, coi trọng củng cố với các đồng minh truyền thống, trong đó có Philippines. Mối quan hệ hai nước tiếp bước với Thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng (EDCA) được Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Philippines Benigno Aquino III ký năm 2014. Thỏa thuận cho phép quân đội Mỹ sử dụng 05 căn cứ quân sự trên lãnh thổ Philippines. Các thoả thuận nói trên mở đường cho hàng nghìn binh sĩ Mỹ cùng với thiết bị quân sự hiện đại đồn trú tại Philippines. Mỗi năm, Mỹ tiến hành hàng trăm hoạt động tại đây. Các tàu chiến Mỹ thăm viếng thường xuyên và quân đội hai nước tập trận chung thường niên.

Tuy vậy, khi cuộc xung đột trên biển năm 2012 xảy ra, Mỹ đã không làm gì để ngăn cản Trung Quốc triển khai tàu hải giám phong tỏa bãi cạn Scarborough của Philippines và chiếm đảo này từ đó tới nay. Chính quyền Obama chần chừ và mập mờ đối với cuộc xung đột này, không nêu rõ bãi cạn Scarborough có nằm trong phạm vi bảo vệ của Mỹ theo hiệp ước MDT đã ký hay không. Thực tế, Mỹ đã để Philippines tự xoay sở với vấn đề chủ quyền của riêng mình thay vì tích cực can dự. Động thái này đã khiến chính quyền Philippines đánh mất dần sự tin tưởng và đã thể hiện sự thất vọng với Mỹ.

Năm 2016, Tổng thống Rodrigo Duterte lên nắm quyền đã thực hiện chính sách “xoay trục sang Trung Quốc”. Duterte công khai lên án Mỹ, đe dọa ngưng tập trận chung với Washington, trong khi ca ngợi Trung Quốc là người bạn thân thiết nhất, hoan nghênh đầu tư từ Sáng kiến Vành đai và Con đường. Duterte cũng gần như không quan tâm đến phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực có lợi cho Philippines, thậm chí từng tuyên bố tài liệu này chỉ là “giấy lộn”. Trung Quốc đổi lại đã cam kết 24 tỉ đôla đầu tư vào Philippines.

Trên thực tế, trong suốt 6 năm, Trung Quốc cũng đã không đáp ứng được nhiều kỳ vọng. Tổng thống Duterte đã chấp nhận nhiều nhượng bộ địa chính trị để Trung Quốc đưa ra các cam kết đầu tư vào Philippines, nhưng phần lớn những lời hứa đó đều không trở thành hiện thực. Hầu hết các dự án lớn dùng vốn Trung Quốc đều vẫn nằm trên giấy, và chỉ có 3 dự án đang được triển khai.

Điều tệ hơn là dù Philippines nhượng bộ, Bắc Kinh liên tục có những hành động đe doạ trên Biển Đông. Ông Duterte từng hy vọng xích lại gần Bắc Kinh sẽ tránh được những động thái như vậy nhưng không thành công. Trung Quốc vẫn tiếp tục đưa ra các yêu sách phi lý trên Biển Đông với những hành động quân sự hóa các đảo nhân tạo một cách âm thầm và quyết liệt.

Những thực tế này đã làm quan hệ Mỹ – Philippines một lần nữa đảo chiều. Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos nhậm chức năm 2022 đã hâm nóng lại quan hệ truyền thống với Mỹ, làm sống lại những hiệp định và hợp tác nồng ấm từ thời cha ông làm Tổng thống. Thực tế ông Marcos làm như vậy cũng bởi dư luận trong nước gây sức ép, phê phán chính sách nhu nhược với Trung Quốc của Duterte chỉ dẫn nước này tới thiệt thòi hơn trên Biển Đông. Tổng thống Marcos phải có những bước đi khác để thay đổi hiện trạng và không có cách gì hợp lý hơn là khôi phục lại hợp tác truyền thống với Mỹ.

Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. tại Nhà Trắng, tháng 5/2023. Ảnh: KJ ROSALES/PPA POOL

Tổng thống Marcos thăm chính thức Mỹ vào tháng 5/2023 và nhận được sự tái khẳng định cam kết bảo vệ Philippines của Washington theo hiệp ước phòng thủ chung giữa 2 bên. Tổng thống Biden tuyên bố hiệp ước có hiệu lực từ năm 1951 này “bền vững như thép” và có giá trị cả trên Biển Đông.

Quân đội Mỹ và Philippines trong tháng 4/2023 cũng đã có cuộc tập trận quân sự chung lớn nhất từ trước đến nay với sự tham gia của Tổng thống Marcos, phóng loạt tên lửa vào một tàu chiến dùng để mô phỏng tàu địch ở Biển Đông. Đây là lần đầu tiên Mỹ và Philippines tập trận bắn đạn thật chung ở Biển Đông.

Quan trọng nhất là việc Mỹ tuyên bố mở rộng hiện diện quân sự ở Philippines. Từ tháng 2/2023, Manila cho phép lực lượng Mỹ sử dụng 4 căn cứ mới ở những vị trí chiến lược, đồng thời củng cố năng lực tại 5 căn cứ mà họ đang triển khai quân. Washington đã xác định 5 địa điểm tiềm năng để đặt căn cứ, gồm hai ở Cagayan, một ở Palawan, một ở Zambales và một ở Isabela. Cagayan và Isabela đều nằm ở miền Bắc Philippines, trong đó Cagayan nằm rất gần đảo Đài Loan. Trong khi đó, Palawan là tỉnh án ngữ khu vực tây nam Biển Đông.

Theo các nhà phân tích, sự hiện diện mở rộng của Mỹ tại Philippines cũng có thể đóng vai trò ngăn chặn những động thái của Bắc Kinh đối với Đài Loan. Một báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) công bố mới đây mô tả Philippines là “địa điểm tập kết khả thi cho các động thái can thiệp của Mỹ” chống lại bất kỳ hành động nào từ Trung Quốc nhằm vào Đài Loan.

Các căn cứ mới của Mỹ có thể đe dọa Trung Quốc, khi chúng nằm rất gần đảo Đài Loan cũng như Biển Đông. Giới quân sự cho rằng căn cứ Mỹ đồn trú lâu dài tại đây sẽ tác động lớn tới kế hoạch thống nhất Đài Loan bằng vũ lực của Trung Quốc, cũng như hoạt động của họ trên Biển Đông, đặc biệt nếu Mỹ triển khai tên lửa tầm trung ở các căn cứ mới. Việc Mỹ được tiếp cận các căn cứ trọng yếu như ở Palawan sẽ cho phép họ giám sát các hoạt động quân sự của máy bay, tàu chiến, tàu ngầm Trung Quốc trên Biển Đông.

Một diễn biến quan trọng khác là sự kiện Manila và Washington ban hành hướng dẫn phòng thủ song phương mới vào tháng 5/2023. Trước khi có văn bản này, không rõ nghĩa vụ của Mỹ nếu cuộc tấn công xảy ra ở vùng biển tranh chấp hoặc chống lại các tàu phi quân sự của Philippines. Các hướng dẫn mới ban hành xoá tan sự mơ hồ này, đánh dấu sự thay đổi chính sách của Mỹ từ “không can dự một cách thận trọng” sang tập trung vào răn đe.

Văn bản nhấn mạnh thoả thuận về các điều kiện phòng vệ lẫn nhau, khẳng định “Một cuộc tấn công vũ trang ở Thái Bình Dương, bao gồm bất kỳ nơi nào ở Biển Đông, nhằm vào các lực lượng vũ trang của Philippines hoặc Hoa Kỳ, bao gồm cả lực lượng bảo vệ bờ biển của cả hai quốc gia với các phương tiện như máy bay hoặc tàu công cộng, sẽ viện dẫn các cam kết phòng thủ chung theo Điều IV và Điều V của Hiệp ước phòng thủ chung MDT” (ký năm 1951). Đây là điểm rất quan trọng, nhấn mạnh hơn nghĩa vụ ràng buộc của Mỹ nếu các lực lượng quân sự và phi quân sự của Philippines bị tấn công trên biển.

Ngoài ra, hướng dẫn mới cũng khẳng định tầm quan trọng của Phán quyết trọng tài năm 2016 về Biển Đông, theo đó Trung Quốc “không có cơ sở pháp lý” để yêu sách chủ quyền trong phạm vi “đường chín đoạn”. Hướng dẫn cũng nêu rõ Hoa Kỳ và Philippines sẽ hợp tác để giải quyết các vùng “xám” mới, nghĩa là những vùng tranh chấp mới do Trung Quốc cố tình tạo ra. Hai bên cũng đồng ý cùng nhau thích nghi với các tình huống phức tạp mới trên cơ sở văn bản đã ký kết năm 1951.

Thỏa thuận mới sẽ cho phép Mỹ sử dụng thêm 4 căn cứ quân sự tại Philippines, bên cạnh 5 căn cứ cũ. Đồ họa: Straits Times

Mở rộng hiện diện quân sự tại Philippines là một tính toán lớn của Mỹ. Đây là điểm chiến lược cốt lõi của Mỹ để đối trọng với Trung Quốc trên Biển Đông và cả khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt rất quan trọng nếu vấn đề Đài Loan xảy ra biến cố. Quan điểm này của Mỹ cũng rất phù hợp với quan điểm của Philippines nên dễ hiểu khi hai nước đẩy mạnh hợp tác truyền thống, quay trở lại bắt tay chặt chẽ với nhau, thúc đẩy quân sự để cùng đối phó với một mối đe doạ tiềm tàng.

Như vậy cũng đồng nghĩa với việc Philippines đã chọn bên. Việc chọn bên sẽ tác động xấu tới quan hệ của nước này với Trung Quốc và ảnh hưởng nhất định tới những thảo luận trong ASEAN về các vấn đề quốc tế. Việt Nam cũng là một quốc gia có quyền lợi trên Biển Đông. Việc nhiều quốc gia có tiếng nói đấu tranh chủ quyền sẽ có tác động tích cực tới cuộc đấu tranh của Việt Nam. Chúng ta không rơi vào vòng xoáy cạnh tranh Mỹ – Trung, song cần nghiên cứu kỹ những thoả thuận của Philippines và Mỹ, đặc biệt vấn đề phán quyết của Toà án trọng tài quốc tế bác bỏ “đường lưỡi bò” do Trung Quốc tuyên bố ở Biển Đông. Đây là vấn đề rất đáng chú ý và cần phải có tiếng nói chung của khối ASEAN.■

Hoàng Ngọc

(Theo Tạp chí Phương Đông)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN