Tầm quan trọng của lịch sử trong việc hiểu chính trị đương đại của Vương quốc Anh

Tầm quan trọng của lịch sử trong việc hiểu và phân tích chính trị đương đại là một chủ đề thường bị đánh giá thấp hoặc bị bỏ qua. Tuy nhiên, lịch sử đem lại cho chúng ta một nền tảng quan trọng để đặt lên các mô hình, sắc thái và xu hướng của bối cảnh chính trị ngày nay. Nguồn gốc của các cuộc xung đột hiện nay, các quyết định chính sách, các phong trào xã hội và cấu trúc thể chế đều có thể được truy gốc lại qua các thời kì cũng như các sự kiện lịch sử đã xảy ra trong quá khứ. Điều này khiến lịch sử trở thành một công cụ không thể thiếu đối với bất kỳ ai muốn tìm hiểu nguồn cội của nền chính trị hiện đại. Trong bài viết này, chúng ta sẽ đi sâu vào vai trò then chốt của lịch sử, cụ thể hơn là những cột mốc lịch sử đã góp phần xây dựng nên nền chính trị đương đại phức tạp của Vương quốc Anh. Chúng ta sẽ xem xét cách các sự kiện lịch sử – như sự tan rã của Đế quốc Anh, sự chấm dứt Chiến tranh Thế giới thứ hai, hay một nước Anh dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Margaret Thatcher – đã định hình các xu hướng hiện đại, các quyết định và quyết sách hiện hành như thế nào.

Trong bề dày lịch sử đương đại của Vương quốc Anh, một sự kiện quan trọng đã có những tác động sâu sắc đến bối cảnh chính trị hiện tại của nước này, tái định hình cơ cấu kinh tế xã hội, chính sách đối ngoại và bản sắc của quốc gia đó chính là sự tan rã của Đế quốc Anh. Quá trình phi thực dân hóa của Vương quốc Anh đánh dấu một sự thay đổi đáng kể, từ thời đại của chủ nghĩa Đế quốc toàn cầu sang sự xuất hiện của nhiều quốc gia độc lập mới. Sau nhiều năm bị hủy hoại bởi chiến tranh thế giới và suy thoái kinh tế, ngày càng khó để Đế quốc Anh duy trì một đế chế thuộc địa rộng lớn. Các thuộc địa như Ấn Độ và Pakistan đã bắt đầu tách khỏi Đế quốc Anh và tuyên bố độc lập; tiếp theo đó là quá trình phi thực dân hóa các nước khác ở châu Á, châu Phi và vùng Ca-ri-bê. Một minh chứng gần đây nhất cho thấy sự tan rã của Đế quốc Anh đã có những tác động sâu sắc đến bối cảnh chính trị hiện tại của Vương quốc Anh đó là BREXIT. “Nỗi nhớ Hoàng gia” hay “Đế chế 2.0” là một số thuật ngữ được tạo ra bởi sự kiện BREXIT để nhắm tới một bộ phận người dân nuối tiếc quá khứ đế chế và mong được quay trở lại thời kỳ huy hoàng của đất nước mình. Mặc dù đã trải qua nhiều thập kỉ kể từ khi Đế quốc Anh tan rã, hiện một số người dân vẫn có một cảm giác hoài niệm và gắn bó mạnh mẽ với quá khứ thuộc địa của nước Anh, tình cảm này theo nhiều cách tương tự như thái độ của những người ủng hộ chủ nghĩa để quốc toàn cầu và sự bá quyền của nước mình trong quá khứ. Hơn nữa, với quá khứ là một đế chế toàn cầu, sự tan rã của Đế quốc Anh không chỉ ảnh hưởng tới tư tưởng và suy nghĩ của người dân nước Anh mà sự kiện lịch sử đó còn ảnh hưởng sâu đậm tới cách các chính trị gia nước này hoạch định chính sách đối ngoại cho nước mình. Một minh chứng rõ ràng cho điều này là sự thành lập một liên minh gồm Canada, Úc, New Zealand và Anh được gọi tắt là CANZUK hậu Brexit với mục đích tăng cường hợp tác thương mại, quân sự cũng như ngoại giao. Chúng ta có thể thấy liên minh CANZUK có khá nhiều điểm tương đồng với lịch sử của Đế quốc Anh, khi tất cả các nước thành viên đều đã từng là thuộc địa của Vương Quốc Anh, có cùng chung lịch sử, ngôn ngữ và hệ thống chính trị. Vì vậy, qua việc thành lập liên minh CANZUK ngay sau khi rời khỏi Liên minh Châu Âu, nước Anh dường như đang gửi đi một thông điệp toàn cầu nhắc nhở về quá khứ huy hoàng của một Đế quốc đã từng chiếm tới 24% tổng diện tích toàn cầu, cũng như một tín hiệu gửi EU nói riêng và thế giới nói chung về sự độc lập của họ và họ đang cố gắng tìm lại vị trí vốn có của mình trên bản đồ chính trị toàn cầu.

Vào thời kỳ đỉnh cao, Đế quốc Anh từng chiếm tới 24% tổng diện tích toàn cầu. Hình ảnh bản đồ thế giới năm 1886, phần thuộc Đế quốc Anh tô màu hồng (trước khi mở rộng sang châu Phi). Ảnh: Wikipedia

Sau Thế chiến thứ hai, tuy đã giành thắng lợi song nước Anh không thể tránh khỏi những khó khăn trong công cuộc tái thiết đất nước. Sáu năm chiến tranh đã gây ra sự tàn phá nghiêm trọng về mặt vật chất, với nhiều thành phố bị tàn phá nặng nề do các vụ đánh bom cũng như khó khăn về mặt kinh tế khi họ phải gánh một khoản nợ khổng lồ; do vậy, họ đã phải đối mặt với viễn cảnh của một cuộc suy thoái kinh tế và tình trạng đói nghèo khắp cả nước. Tuy nhiên, bất chấp những nghịch cảnh này, vào những thời điểm khó khăn nhất sau chiến tranh, nền chính trị Anh đã bước vào một giai đoạn chuyển mình được gọi là “Sự đồng thuận sau chiến tranh” – một giai đoạn mà hai đảng lớn nhất của Anh lúc đó là Bảo thủ và Lao động đã cùng nhau xây dựng một trật tự và mô hình xã hội – kinh tế nhằm mục đích chung là tái thiết kinh tế và ổn định xã hội hậu chiến tranh. Dù gần đây đã có nhiều ý kiến xoay quanh việc tồn tại của sự đồng thuận này nhưng công bằng mà nói, tác động của nó với nền chính trị hiện tại của Vương quốc Anh là không thể phủ nhận; rất nhiều khía cạnh của nó vẫn được thể hiện trong cách hoạch định chính sách của bộ máy chính quyền hiện tại. Bước đầu tiên để đối phó với sự tàn phá của Thế chiến thứ hai, sự đồng thuận đã nhấn mạnh vào sự phát triển của nhà nước phúc lợi, cụ thể hơn là việc thành lập Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS), một di sản có ảnh hưởng đáng kể đối với nền chính trị hiện tại của Anh. Kể từ khi thành lập, NHS đã trở thành trụ cột trung tâm của nền chính trị Vương quốc Anh với trọng trách là niềm tự hào quốc gia của họ; ngay cả Margaret Thatcher, một trong những chính trị gia bảo thủ nhất trong thế kỷ XX, trong thời gian cầm quyền cũng không có điều chỉnh hay thay đổi đáng kể nào đối với NHS. Bà đã rất nhiều lần tuyên bố rằng chừng nào bà vẫn là Thủ tướng của Vương quốc Anh, NHS sẽ vẫn được đảm bảo hoạt động bình thường và cam kết duy trì NHS như một nền tảng của nước Anh trong tương lai.

Đáng chú ý hơn nữa, trong vài năm trở lại đây khi đại dịch Covid-19 vẫn còn đang hoành hành trên khắp thế giới, ở trong xã hội Anh quốc, với lí do cần nhiều hơn nữa những nỗ lực và sự phối hợp để giải quyết hậu quả của đại dịch, đã có rất nhiều lời kêu gọi về việc nền chính trị hiện tại của nước họ nên áp dụng sự đồng thuận chính trị như sau Thế chiến thứ hai. Họ cho rằng điều cần thiết sau Covid là một sự đồng thuận mới và quyết tâm xây dựng lại một xã hội bị tổn thương và biến dạng bởi sự bất bình đẳng và chia rẽ chính trị do đại dịch gây ra, cho dù đó là thay đổi các quyết sách kinh tế hay định hình lại về một nhà nước phúc lợi tân tiến hơn để đổi phó với những thách thức mới trong tương lai. Điều này cho thấy rằng mặc dù sự đồng thuận cũ không còn phù hợp với nền chính trị đương thời của Vương quốc Anh, nhưng nguồn cảm hứng và nguyên tắc của nó vẫn có một tác động đáng kể trong khắp nền chính trị hiện tại vì nó đòi hỏi một tầm nhìn chung và cam kết giữa các đảng cùng hợp tác để đạt được tầm nhìn đó.

Ngoài ra, sự ảnh hưởng của giai đoạn đồng thuận hậu chiến đối với nền chính trị đương đại của Vương quốc Anh không chỉ dừng lại ở việc tạo ra một nhà nước phúc lợi, mà qua giai đoạn đó, chúng ta còn hiểu rõ hơn về vai trò của chính phủ trong việc điều tiết kinh tế. Như đã đề cập ở trên, để vực dậy một nền kinh tế đang chìm sâu trong suy thoái với một khoản nợ khổng lồ vào những năm 1940 và 1950, chính phủ Anh đã mở rộng vai trò và can thiệp sâu hơn trong lĩnh vực kinh tế – điều này bao gồm: quốc hữu hoá các ngành công nghiệp và áp dụng học thuyết kinh tế của Keynes với mục đích tăng chi tiêu chính phủ nhằm đẩy mạnh sản xuất và tăng công ăn việc làm; do đó, kéo nền kinh tế ra khỏi thời kỳ suy thoái. Nếu so sánh với tình hình kinh tế ngày nay của đất nước Anh, cụ thể là kinh tế hậu đại dịch Covid-19, dù bối cảnh hoàn toàn trái ngược nhau nhưng lại có rất nhiều điểm tương đồng về sự khó khăn mà nền kinh tế đã phải trải qua, đặc biệt là về bất ổn kinh tế. Sau Thế chiến thứ hai, Vương quốc Anh phải đối mặt với một nhiệm vụ to lớn là xây dựng lại các thành phố và cơ sở hạ tầng bị tàn phá, song song với một khoản nợ quốc gia nặng nề phát sinh từ chi tiêu cho chiến tranh. Tương tự như vậy, đại dịch Covid-19 đã dẫn đến việc ngừng trệ hoạt động kinh tế chưa từng có khi các lệnh phong tỏa trên toàn quốc được áp dụng để ngăn chặn sự lây lan của virus, cùng với một khoản tiền dao động từ 310 tỷ đến 410 tỷ bảng Anh đã được Chính phủ Anh chi cho các biện pháp phòng chống Covid-19, một trong những chi tiêu công lớn nhất của nước này. Điều này đã dẫn đến sự suy giảm đáng kể về mặt tăng trưởng của nền kinh tế Vương quốc Anh và sự gia tăng khoản vay của chính phủ lên mức chưa từng có trong thời bình để tài trợ cho các biện pháp hỗ trợ phòng chống đại dịch. Chính vì sự tương đồng này, vào năm 2019, trong bản tuyên ngôn của đảng Lao động, Jeremy Corbyn, lãnh đạo của đảng Lao động lúc đó đã kêu gọi ủng hộ việc áp dụng những chính sách kinh tế từng được sử dụng trong những năm sau chiến tranh; cụ thể là mở rộng vai trò của nhà nước trong việc điều hành các chính sách kinh tế nhằm kích thích tăng trưởng, hỗ trợ người dân và các doanh nghiệp. Bản tuyên ngôn với trọng tâm là “trừng phạt chủ nghĩa tân tự do” đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sự can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế. Điều này cho thấy những điểm tương đồng lớn với sự đồng thuận thời hậu chiến, ở chỗ nó nhấn mạnh sự can thiệp của chính phủ vào nền kinh tế, chi tiêu công cho các dịch vụ xã hội và quốc hữu hóa các ngành công nghiệp then chốt, từ đó làm nổi bật ảnh hưởng đáng kể của thời kỳ đồng thuận thời hậu chiến đối với nền chính trị đương đại của Vương quốc Anh.

Cuối cùng, là nữ Thủ tướng đầu tiên của Vương quốc Anh, với ba nhiệm kì liên tiếp, Margaret Thatcher đã thay đổi sâu sắc bối cảnh chính trị của đất nước và ảnh hưởng của bà đã và đang tiếp tục có những dấu ấn sâu đậm trong nền chính trị nước nhà. Bà đã để lại di sản về một hệ tư tưởng và lý luận chính trị vẫn đang gián tiếp ảnh hưởng tới quỹ đạo của các cuộc tranh luận chính sách, mô hình quản trị và nền tảng tư tưởng của các đảng chính trị ở Vương quốc Anh. Phong cách lãnh đạo kiên định của Thatcher, đặc trưng với niềm tin kiên quyết và ý chí mạnh mẽ của bà, thường được coi là tiêu chuẩn cho vai trò lãnh đạo chính trị ở đất nước Anh. Kỷ nguyên của chủ nghĩa Thatcher đã mở ra một chương mới cho nền kinh tế xã hội Vương quốc Anh khi bà đưa ra cách tiếp cận tân tự do, định hình lại đáng kể vai trò của nhà nước trong nền kinh tế, tập trung vào chủ nghĩa cá nhân, ủng hộ các nguyên tắc của thị trường tự do, dẫn tới hạn chế vai trò của chính phủ trong việc điều tiết kinh tế và tư nhân hóa các nền công nghiệp nhà nước.

Cựu Thủ tướng Anh Margaret Thatcher (1925-2013) tại một hội nghị của Đảng Bảo thủ năm 1980. Ảnh: BBC

Mặc dù đã trải qua vài thập kỉ kể từ khi các chính sách này được thực thi ở nước Anh, nhưng hiện nay, hệ tư tưởng của bà đã để lại dấu ấn không thể xóa nhòa trên chính trường Anh, có tác động sâu sắc đến nền chính trị bảo thủ đương đại của đất nước và thậm chí tác động đến cách tiếp cận của đảng Lao động, đáng chú ý nhất là dưới thời “Công đảng Mới” của Tony Blair từng chấp nhận một số khía cạnh trong cải cách định hướng thị trường của Thatcher. Trong bài phát biểu đầu tiên trên cương vị người lãnh đạo Đảng Bảo thủ năm 2005, David Cameron đã ca ngợi Thatcher vì đã “cứu đất nước chúng ta khỏi suy tàn” bằng cách chuyển đổi nền kinh tế; cựu Thủ tướng Theresa May, trong bài phát biểu tại Hội nghị Đảng Bảo thủ năm 2018 cũng đã cho rằng bà Margaret Thatcher là một Thủ tướng vĩ đại, người đã đứng lên khi nước Anh cần sự lãnh đạo, bà đã hồi sinh nền kinh tế Anh, biến đổi đất nước và để lại một di sản mà tất cả người Anh có thể tự hào. Những năm trong nhiệm kỳ của mình, cả David Cameron và Theresa May đều tiếp tục áp đặt các chính sách kinh tế tân tự do như người tiền bối của họ đã làm: David Cameron thông qua Đạo luật Công đoàn năm 2016 với mục đích kiềm chế quyền lực của công đoàn và tập trung vào việc thúc đẩy các ngành công nghiệp thuộc khu vực tư nhân, còn Theresa May đã cắt giảm thuế doanh nghiệp từ 20% xuống 17% với một mục đích chung là thu hút đầu tư và kích thích tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, điều này càng phản ánh sâu hơn ảnh hưởng đáng kể của Thatcher đối với các chính trị gia đảng Bảo thủ, đặc biệt là đối với một hệ tư tưởng về nền kinh tế thị trường tự do và hạn chế sự can thiệp của chính phủ.

Mặc dù về mặt kinh tế, Thatcher đã từ bỏ chủ nghĩa bảo thủ một quốc gia để chuyển sang một cách tiếp cận mới là chủ nghĩa tự do và thị trường tự do, tuy nhiên, về mặt chính trị xã hội, bà vẫn luôn trung thành với chủ nghĩa bảo thủ một quốc gia, tập trung nhiều vào lợi ích quốc gia cũng như duy trì bản sắc văn hoá và dân tộc. Trong suốt ba nhiệm kì thủ tướng, Thatcher luôn cương quyết và cứng rắn với những quyết định của mình, đặc biệt là với quan ngại về việc gia nhập Liên minh Châu Âu. Tuy bà đã qua đời rất lâu trước khi cuộc bỏ phiếu Brexit diễn ra, hệ tư tưởng cũng như tác động của bà đối với đảng Bảo thủ đã có ảnh hưởng gián tiếp nhưng đáng kể đến quá trình BREXIT. Được biết đến với chủ nghĩa hoài nghi châu Âu trong suốt sự nghiệp chính trị của mình, Thatcher ủng hộ chủ quyền quốc gia và bày tỏ sự phản đối về một châu Âu hội nhập, đặc biệt là khái niệm về một chính phủ châu Âu tập trung. Bài phát biểu nổi tiếng ở Bruges của bà vào năm 1988 đã vạch ra những quan điểm này, bà bày tỏ lo ngại về việc tập trung quyền lực ở Brussels (Trụ sở Liên minh châu Âu) và cho rằng điều này sẽ làm xói mòn khả năng tự quản lý của các nước thành viên Liên minh châu Âu, đe dọa chủ quyền quốc gia và bản sắc dân tộc. Điều này đã gây được tiếng vang mạnh mẽ với cánh hoài nghi về một khối châu Âu thịnh vượng chung trong đảng Bảo thủ, đỉnh điểm là vào năm 2016, khi David Cameron tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc rời khỏi Liên minh Châu Âu. Do đó, trong khi bản thân cựu Thủ tướng Thatcher không phải là người trực tiếp tham gia vào BREXIT, các triết lý chính trị và ảnh hưởng của bà đối với đảng Bảo thủ chắc chắn đã định hình con đường dẫn tới BREXIT.

Các triết lý và ảnh hưởng của cựu Thủ tướng Thatcher được cho là đã góp phần định hình con đường dẫn tới Brexit. Ảnh: NYT

Tóm lại, sự phức tạp của chính trị đương đại Anh chỉ có thể thực sự được hiểu qua lăng kính lịch sử. Mọi quyết định, luật lệ, mọi thay đổi trong tầm nhìn của công chúng đều cho thấy tác động sâu sắc và lâu dài của các sự kiện lịch sử. Sự phát triển của Vương quốc Anh từ một chế độ quân chủ phong kiến ​​sang một nền dân chủ nghị viện đã ảnh hưởng đến thể chế chính trị và văn hóa của đất nước. Các quá trình lịch sử như thời kỳ phi thực dân hóa đã định hình các chính sách đối ngoại và thái độ xã hội, tiếng vang của chúng vẫn còn được thấy trong các cuộc thảo luận về thương mại và hợp tác toàn cầu. Thời kỳ Đồng thuận sau Chiến tranh, được đánh dấu bởi sự ra đời của nhà nước phúc lợi và học thuyết kinh tế của Keynes, tiếp tục cung cấp thông tin cho các cuộc tranh luận về chi tiêu công và quản lý kinh tế. Những nhân vật có ảnh hưởng như Margaret Thatcher đã để lại dấu ấn không thể phai mờ đối với các xu hướng ý thức hệ và các ưu tiên chính sách trong các đảng chính trị lớn, thể hiện rõ trong các diễn ngôn xung quanh chủ nghĩa tân tự do và BREXIT. Thậm chí, ngay cả những sự kiện mới xảy ra gần đây như BREXIT hay Covid-19 đều đã có ảnh hưởng nhất định đối với nền chính trị đương đại của nước Anh. Do đó, việc hiểu lịch sử không chỉ đơn thuần là một bài tập học thuật, mà là một công cụ quan trọng để hiểu được sự phức tạp của nền chính trị đương đại, do đó giúp chúng ta điều hướng quỹ đạo tương lai của một quốc gia. Tuy nhiên, trong khi lịch sử định hình và giúp chúng ta hiểu rõ hơn về những quy luật hiện tại của xã hội, lịch sử không có vai trò trong việc quyết định tương lai của chúng ta. Việc tìm hiểu, giải thích và áp dụng những bài học lịch sử này sẽ giúp chúng ta viết nên những trang sử tốt đẹp hơn cho một quốc gia.■

Nhật Minh

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN