IMEC: Lợi ích của các bên tham gia

Hội nghị cấp cao G20 họp từ 9-10/9/2023 tại Ấn Độ đã kết thúc. Thế giới quan tâm rất nhiều đến việc các nước đã đưa ra được tuyên bố chung của Hội nghị sau nhiều ngày tưởng chừng không thể có đồng thuận. Tuy nhiên, có một sự kiện cũng rất đáng quan tâm là “bên lề” hội nghị, các nước Ả-rập Xê-út, Ấn Độ, Các Tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), Đức, Italia, Mỹ, Pháp, và Liên minh châu Âu đã ký bản ghi nhớ (MOU) về việc thành lập Hành lang Kinh tế Ấn Độ – Trung Đông – châu Âu (viết tắt theo tiếng Anh là IMEC). Đây là dự án nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế thông qua tăng cường kết nối và hội nhập kinh tế giữa châu Á, vùng Vịnh và châu Âu. IMEC sẽ thiết lập hành lang quá cảnh bằng đường sắt và đường biển. Cánh phía đông nối Ấn Độ với vùng Vịnh và cánh phía bắc nối vùng Vịnh với châu Âu.

Theo Nhà trắng, IMEC sẽ là một hệ thống quá cảnh hữu hiệu bổ sung cho đường bộ và đường biển hiện tại để tạo điều kiện cho việc vận chuyển hàng hoá và dịch vụ giữa các nước tham gia. Với Mỹ và Liên minh châu Âu, dự án này là cố gắng địa kinh tế và địa chính trị nhằm tăng cường kết nối với các nước ven biển ở Nam Á và Trung Đông với mục đích chính là tạo quan hệ đối tác đáp ứng được nhu cầu và lợi ích của Mỹ và các nước phương Tây.

 Các nhà lãnh đạo thế giới tại buổi họp công bố bản ghi nhớ về việc thành lập Hành lang Kinh tế Ấn Độ – Trung Đông – châu Âu (IMEC) trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G20 tại New Delhi, tháng 9/2023. Ảnh: Văn phòng Thủ tướng Ấn Độ

Hơn nữa, theo MOU thì các nước thành viên IMEC sẽ lắp đặt cáp điện và cáp số cũng như đường ống chuyển hydrogen dọc theo hành lang. Theo lời của Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Ursula Von der Leyen thì IMEC là “cây cầu số và xanh kết nối hai lục địa và các nền văn minh”. IMEC xanh và số sẽ tận dụng đường cáp ngầm hiện có nối Ấn Độ với Pháp và Italia chạy qua Ả rập Xê út và Israel.

Nhiều người cho rằng IMEC là dự án cạnh tranh với dự án Vành đai Con đường (BRI) của Trung Quốc. Điều này vừa đúng và vừa không đúng. Đúng là nếu không có BRI, thì khó có thể có IMEC. Không đúng vì IMEC phù hợp với nhu cầu và lợi ích của các nước tham gia. Ả rập Xê út và Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất đều mong muốn đa dạng hoá kinh tế của mình, giảm phụ thuộc vào dầu khí và trở thành trung tâm kinh tế kết nối châu Á với châu Âu. IMEC cũng là hình mẫu khác với BRI trong lĩnh vực lao động, tài chính. Cánh phía đông của IMEC sẽ phát huy hội nhập kinh tế ngày càng tăng và quan hệ song phương giữa các nước Ấn Độ, UAE và Ả-rập Xê út. Hai nước UAE và Ả-rập Xê út đã là đối tác thương mại lớn thứ ba và thứ tư của Ấn Độ.

Cánh phía bắc nối Ả rập Xê út, Jordan, Israel với châu Âu còn có nhiều khó khăn hơn. Hành lang đa phương tiện sẽ gặp phải một loạt vấn đề như cạnh tranh, thời hạn, bảo hiểm, thách thức về logistic và địa lý cũng như phải bốc dỡ hàng từ đường biển lên đường sắt và đường sắt xuống đường biển. Một nguy cơ nữa phải tính đến là hành lang này chạy qua Trung Đông, một khu vực có môi trường ngoại giao không ổn định, đặc biệt là tình hình căng thẳng giữa Jordan và Israel. Hiện còn 300 ki-lô-mét đường sắt giữa Ả Rập Xê út và Jordan chưa được xây dựng xong. Nhìn chung các tuyến đường sắt ở khu vực này vẫn chưa hoàn thiện tuy đã được khởi công xây dựng trong nhiều năm nay.

Về mặt chính trị, IMEC có thể thay đổi liên minh hiện có và tạo dựng liên minh mới làm thay đổi quan hệ giữa các nước lớn trước bối cảnh cạnh tranh ở khu vực và toàn cầu trong việc thiết lập hành lang hội nhập và giao thông. IMEC cho phép các nước thành viên đa dạng hoá quan hệ đối tác kinh tế và giảm phụ thuộc vào một đối tác quốc tế mạnh. Thay đổi này trong quan hệ giữa các nước lớn sẽ tác động đến liên minh và đối tác truyền thống, có thể dẫn đến cân bằng lại ảnh hưởng giữa các nước cạnh tranh với nhau (ví dụ như kết nối cảng Haifa của Israel với đường sắt chạy qua Ả rập Xê út).

Một trong những điều quan trọng nhất của IMEC là nhận thức về địa kinh tế của châu Âu. Trong bối cảnh căng thẳng Mỹ – Trung ngày càng tăng, xung đột Nga – Ukraine kéo dài, trọng tâm kinh tế và địa chính trị đang dịch chuyển dần từ phương Tây sang phương Đông, châu Âu kinh tế mới là điểm trung tâm của cạnh tranh địa chính trị và tương lai của châu Âu trong một thế giới đa cực đang hình thành sẽ được định hình bởi cạnh tranh địa chính trị. Theo đúng nghĩa của nó, IMEC là kết quả của “Uỷ ban địa chính trị” như bà Von der Leyen đã gọi Uỷ ban châu Âu vào thời điểm bà nhậm chức năm 2019.

Pháp và Italia tham gia IMEC vì sức hút của khu vực Tây Á mới nổi. Pháp có vai trò quan trọng ở khu vực này, tập trung vào những vấn đề an ninh, địa kinh tế và địa chính trị để xây dựng quan hệ đối tác. Italia mong muốn xây dựng hình ảnh tích cực ở khu vực và xây dựng mối quan hệ với vùng Vịnh và Ấn Độ. Đức muốn sử dụng IMEC để thúc đẩy nền kinh tế dựa vào xuất khẩu đang suy yếu của mình. Xuất khẩu của Đức hiện dựa nhiều vào tuyến đường thương mại và chuỗi cung ứng an toàn.

Hành lang Kinh tế Ấn Độ – Trung Đông – châu Âu IMEC (India-Middle East-Europe Economic Corridor). Đồ họa: Swarajya

Tuy nhiên với các nước tham gia khác, đặc biệt là Ấn Độ, UAE và Ả rập Xê út thì hành lang này là một sự lựa chọn nữa để cân bằng quan hệ của mình với các nước lớn. Lựa chọn này chứng tỏ các nước coi trọng hội nhập địa kinh tế và địa chính trị nhằm bảo đảm ổn định khu vực và đạt được mục tiêu tăng trưởng.

Israel không phải là bên trực tiếp ký kết thỏa thuận về nguyên tắc đối với dự án IMEC. Tuy nhiên, chính quyền và giới quan sát Israel đặc biệt quan tâm đến đại dự án này, mà Thủ tướng Israel đánh giá là “cơ hội lớn nhất trong lịch sử hợp tác quốc tế với Israel”. Một điểm cộng cho IMEC là hành lang này có thể sẽ giúp Israel và Ả Rập Xê út xích lại gần nhau hơn. Trên thực tế đã có những dấu hiệu như vậy, ngày 10/9/2023, lần đầu tiên trong lịch sử một phái đoàn Israel đã đến Ả râp Xê út nhân kỷ niệm 45 năm thành lập Uỷ ban Di sản Thế giới UNESCO. Đầu năm nay, Chính phủ Ả rập Xê út cũng đã xoá nội dung đề cập đến “kẻ thù theo chủ nghĩa phục quốc Do thái” trong sách giáo khoa.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng trở ngại lớn nhất là “hệ thống quan liêu tại Ấn Độ”. Hồi tháng 5/2023, Cơ quan thẩm định tài chính Moody’s, có trụ sở tại Hoa Kỳ, đã ra một báo cáo cho biết “tính quan liêu ngày càng gia tăng trong việc ra quyết định” của Ấn Độ có khả năng làm giảm sức hấp dẫn của nước này đối với các nhà đầu tư. Nhiều nhà phân tích khác tỏ ra hoài nghi nhiều hơn về các đóng góp tài chính cho các cơ sở hạ tầng của dự án khổng lồ này, “sẽ mất nhiều thời gian trước khi chúng ta thấy bất cứ điều gì trở thành hiện thực”.

Như vậy, tất cả các nước tham gia đều thấy mình có lợi trong việc thiết lập hành lang. Hiểu được như vậy và biết được cách tiếp cận khác nhau của các nước tham gia khác có thể ngăn ngừa xung đột và cho phép các nước này tập trung vào mục tiêu chung là thành công của dự án. Nếu thành công, IMEC sẽ là bước khởi đầu cho quá trình hội nhập xuyên lục địa, bắt đầu bằng hợp tác thương mại, năng lượng, cơ sở hạ tầng tiến dần đến hợp tác địa chính trị và an ninh. Làm được như vậy, IMEC sẽ đánh dấu bước ngoặt quan trọng về địa chính trị và địa kinh tế của thế kỷ 21.■

Trần Hà

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN