Chuyến thăm của Zelensky đến Canada: Mối lo về sự trở lại của chủ nghĩa phát xít ở châu Âu

Sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, Ukraine cũng như nhiều vùng lãnh thổ khác đã tách ra để thành lập những Nhà nước độc lập. Kể từ đó, Ukraine đã có đường lối, chính sách phát triển rất khác với nước Nga và ngày càng xa rời Nga, thậm chí đi đến chỗ đối lập. Điều này bắt nguồn từ việc Ukraine không thể tìm ra cho mình một nhà lãnh đạo xuất chúng để dẫn dắt và vực dậy nền kinh tế cũng như gây dựng vị thế chính trị cho đất nước mình; do đó các thế lực bên ngoài đã có cơ hội xâm nhập và gây ra tình trạng rối loạn ở nước này. Đỉnh điểm của các xung đột phe phái trong nội bộ Ukraine lúc bấy giờ chính là cuộc “Cách mạng cam” vào năm 2004, đưa những người theo quan điểm, tư tưởng phương Tây lên lãnh đạo đất nước. Ukraine từ đó trở thành một nước thân phương Tây, và bắt đầu đề xuất ra các chính sách bài Nga với tư tưởng cực đoan. Đây cũng chính là thời điểm mà chủ nghĩa dân tuý và phát xít mới bắt đầu lên ngôi tại đất nước này.

Sự hình thành chủ nghĩa dân tộc cực đoan mang màu sắc phát xít tại Ukraine

Đỉnh điểm là vào năm 2014, nhóm dân tuý thân phương Tây đã đứng sau thực hiện Cách mạng Maidan – vốn bắt nguồn từ cuộc biểu tình dân sự nhằm chống lại quyết định không ký kết Hiệp định liên kết Liên minh Châu Âu – Ukraire mà quay sang chọn thân với Nga và Liên minh Kinh tế Á – Âu (do Nga kiểm soát) của chính quyền Ukraine lúc bấy giờ. Người biểu tình kêu gọi Tổng thống đương nhiệm Viktor Yanukovych từ chức cũng như giải tán Nhà nước Azarov. Cuộc biểu tình này đã nhanh chóng biến thành đảo chính, dẫn đến việc lật đổ ông Yanukovych và đưa ông Petro Poroshenko lên nắm quyền. Đây là một nhân vật chống Nga, thân phương Tây, và cũng là người đề xuất ra những chính sách bài Nga có màu sắc cực đoan.

Các thành viên tiểu đoàn Azov tại thủ đô Kiev, Ukraine. Ảnh: Getty.

Khi lên nắm quyền, vị Tổng thống thân phương Tây này đã thực thi những chính sách chống Nga triệt . Cụ thể, Petro Poroshenko quyết định đổi ngày chiến thắng phát xít 19/5 (vốn là ngày lễ quốc gia và cũng là ngày kỉ niệm kết thúc cuộc chiến vệ quốc vĩ đại của Liên bang Xô Viết) – thành ngày Tưởng niệm Liên Xô xâm lược Ukraine; đồng thời chọn ngày 14/10 là ngày tôn vinh nhóm nổi dậy, thay cho ngày Thành lập Quân đội Liên Xô 23/2; lấy ngày 21/11 là ngày Nhân phẩm Tự do để kỉ niệm cuộc Cách mạng Cam năm 2004. Các chính sách đàn áp, giết hại người Nga ở khu vực phía Đông Ukraine ngày càng diễn ra mạnh mẽ. Suốt từ năm 2014 cho đến trước khi nổ ra cuộc chiến Nga – Ukraine (2022), chính quyền Ukraine đã tiến hành hàng loạt các hoạt động bài Nga bao gồm: thông qua luật bãi bỏ công nhận tiếng Nga là ngôn ngữ chính thức ở một số khu vực (mặc dù luật này sau đó đã bị phản đối bởi 40% dân số nói tiếng Nga); ra quyết định thay đổi nội dung sách giáo khoa lớp 11, xuyên tạc về sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết, gieo rắc tinh thần bài Nga và khơi dậy niềm thù hận nước Nga trong giới trẻ; xoá bỏ những hình ảnh của Liên Xô trong đó có tượng đài Lenin và Hồng quân; phá huỷ các di tích của Liên Xô trước đây để lại. Chỉ sau hơn một năm xảy ra cuộc Cách mạng Maidan, đã có hơn 500 tượng đài bị đập phá theo chủ trương “thanh tẩy” hoàn toàn sự hiện diện của Nga trên đất Ukraine. Những chính sách hà khắc này đã dẫn đến sự phản đối gay gắt từ các nhóm người gốc Nga ở bán đảo Krym. Ngày 27/2/2014, hai nhóm có vũ trang đã chiếm các tòa nhà chính quyền và quốc hội của Krym và cắm quốc kỳ Nga trên các tòa nhà này, đồng thời chiếm cả hai sân bay ở Krym. Sự kiện này sau đó đã dẫn đến việc Nga tấn công quân sự và sát nhập bán đảo Krym vào lãnh thổ của mình vào tháng 3/2014.

Mâu thuẫn giữa Nga và Ukraine từ đó không còn là đối đầu về chính trị giữa hai nước láng giềng mà cả hai đã chính thức trở thành kẻ thù của nhau. Căng thẳng tiếp tục leo thang vào tháng 4/2014, khi các cuộc biểu tình đòi ly khai của nhóm thân Nga ở khu vực Donbas, Ukraine đã trở thành một cuộc xung đột lớn chống lại chính quyền Ukraine, dẫn đến sự hình thành của hai Nhà nước tự xưng là Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Luhansk. Trước tình hình đó, bốn quốc gia theo Cơ chế Normandie (gồm Pháp, Đức, Nga và Ukraina) đã lần lượt tổ chức thảo luận và thông qua các Thỏa thuận Minsk (2014 – 2015), nhằm vạch ra một lộ trình hướng tới hòa giải giữa Ukraine và hai Nhà nước ly khai nói trên. Tuy nhiên, Ukraine đã không thực hiện Thỏa thuận Minsk do vẫn coi hai Nhà nước tự xưng đó thuộc lãnh thổ nước mình, đồng thời tiếp tục duy trì tình trạng đàn áp hà khắc đối với người Nga ở đây. Đó chính là nguyên nhân dẫn đến việc Nga nổ súng, tuyên chiến với Ukraine vào ngày 24/2/2022 để bảo vệ người Nga tại khu vực này. Bấy giờ, nhiều chính trị gia và sau này là cả Cựu Tổng thống Ukraine Pyotr Poroshenko sau đó cũng đã thừa nhận rằng, Ukraine chưa bao giờ tuân thủ Thỏa thuận Minsk mà chỉ sử dụng thỏa thuận này để tranh thủ thời gian “xây dựng quân đội hùng mạnh” chống Nga. Cựu Thủ tướng Đức Merkel sau này cũng phát biểu như vậy, nhưng ông Putin coi đây là bộ mặt giả dối của Liên minh Châu Âu.

Một trong những phản ứng của Nga đối với các động thái chống đối từ Ukraine là lên án mạnh mẽ các hành động cực đoan từ phía chính quyền nước này. Nga nhận diện chính quyền Ukraine là một chính quyền mang tính chất phát xít, dựa trên toàn bộ các hoạt động chống Nga và tiêu diệt người Nga đã và đang diễn ra trên đất nước Ukraine. Không những thế, Nga còn tuyên bố rằng các hoạt động bài Nga đó chính là nguyên nhân sâu xa kích động các hành vi tiêu cực của một lực lượng lớn những người mang tư tưởng dân tộc cực đoan ở Ukraine, với con số thành viên ban đầu lên đến 900 người. Lực lượng này sau đó phát triển thành Tiểu đoàn Azov và nhóm dân tộc cực đoan Patriot. Với tinh thần dân tuý bài ngoại chống Nga; các nhóm trên đã tiến hành nhiều hoạt động bạo lực với cộng đồng người Roma (người Di-gan) và những người chống đối; sử dụng các biểu tượng phát xít với đồng phục và hình xăm chữ “Vạn” hay chữ SS của tổ chức bán quân sự của Đức Quốc xã. Đặc biệt, những người cực đoan này không hoạt động độc lập, tự phát mà nhận được sự hậu thuẫn từ chính quyền Kiev nên đã hợp nhất vào Lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine, nhận nhiệm vụ thanh trừng các phần tử đi ngược lại các chủ trương cực đoan của chính quyền. Trong khoảng thời gian từ tháng 1/2015 đến tháng 2/2016, Tiểu đoàn Azov liên tục bị Nga cáo buộc tấn công, cướp tài sản của dân thường ở các khu dân cư thuộc khu vực Dobas và các vùng gần biên giới Nga – Ukraine.

Bản đồ khu vực diễn ra cuộc giao tranh ác liệt giữa Nga và Ukraine trong suốt gần 10 năm qua (vùng màu đỏ). Ảnh: ISW

Trong suốt từ năm 2014 cho đến trước chiến dịch quân sự của Nga vào năm 2022, Nga thường xuyên tố cáo chính quyền Ukraine và Tổng thống Zelensky, với cáo buộc giết chết hơn 14.000 người Nga ở vùng Donbas. Chính điều này đã châm ngòi cho cuộc chiến tranh Nga – Ukraine nổ ra từ tháng 2/2022. Mục tiêu của Nga khi mở cuộc tấn công quân sự tại Ukraine là tiêu diệt, xoá bỏ chế độ phát xít, quân đội Phát xít ở nước này. Bên cạnh đó, Nga cũng muốn ngăn chặn Ukraine gia nhập NATO, tránh đẩy NATO đến sát với biên giới Nga. Do vậy, từ khi xảy ra các tranh chấp với Ukraine đến nay, Nga vẫn chưa bao giờ từ bỏ việc lên án chủ nghĩa phát xít tại nước láng giềng. Cho đến tháng 5/2022, chiến dịch quân sự của Nga đã tấn công và xoá sổ Tiểu đoàn phát xít Azov ở Mariupol, tiêu diệt và bắt sống hoàn toàn những người chỉ huy đơn vị này khi họ đang cố thủ ở Nhà máy Azovstal. Theo thỏa thuận trao đổi tù nhân vào tháng 9/2022, các chỉ huy Azov mà Nga bắt được trong trận chiến ở Mariupol sẽ do chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ giam giữ cho đến khi xung đột giữa Moscow và Kiev kết thúc. Tuy nhiên, ngày 9/7 vừa qua, Tổng thống Ukraine – ông Zelensky đã có chuyến thăm tới Thổ Nhĩ Kỳ theo lời mời của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan. Tại đây, cả hai đã có cuộc đàm phán riêng và ông Erdogan đã phóng thích 5 chỉ huy tiểu đoàn Azov trở về Ukraine trên máy bay của Zelensky. Hành động này đã bị Nga lên án kịch liệt và coi là một sự vi phạm trắng trợn thoả thuận.

Sự hậu thuẫn từ phương Tây đối với các nhóm cực hữu tại Ukraine

Ban đầu, phản ứng của phương Tây đối với các hoạt động của Tiểu đoàn Azov là lên án tính chất phát xít của tổ chức này, kèm theo đó là tinh thần bài ngoại cực đoan của chính quyền Ukraine. Năm 2019, Tạp chí The Nation của Mỹ đã đưa tin Ukraine là quốc gia duy nhất trên thế giới sở hữu và sử dụng một lực lượng có hệ tư tưởng thân phát xít trong lực lượng vũ trang. Tháng 10/2019, 45 nghị sĩ Mỹ viết thư kiến nghị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ xếp Tiểu đoàn Azov vào nhóm tổ chức khủng bố nước ngoài. Tháng 4/2021, Hạ nghị sĩ Elissa Slotkin tiếp tục kiến nghị với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ bổ sung thêm nhóm Da trắng thượng đẳng hoạt động xuyên quốc gia, có liên hệ với Tiểu đoàn Azov, Ukraine, và đang có dấu hiệu trở thành một trung tâm mới cực hữu mới trên thế giới. Năm 2016, Facebook xếp Tiểu đoàn Azov vào nhóm nguy hiểm và bị loại bỏ hoàn toàn khỏi nền tảng này vào năm năm 2019.

Quân nhân Ukraine dỡ lô tên lửa chống tăng Javelin được giao theo gói hỗ trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine tại sân bay Boryspil, ngoại ô thủ đô Kiev hồi tháng 2/2022. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, khi nhận thấy chính quyền Ukraine có tư tưởng thân phương Tây và chống Nga, Mỹ cùng đồng minh đã nhanh chóng thay đổi quan điểm và có nhiều động thái hỗ trợ cho các nhóm này. Ban đầu, Mỹ và Canada tuyên bố không huấn luyện cho Tiểu đoàn Azov vì cho rằng đơn vị này có tư tưởng thân phát xít (tháng 6/2015) song chỉ một năm sau, Mỹ đã dỡ bỏ lệnh này. Những nỗ lực kiến nghị của 45 nghị sĩ Mỹ xếp Tiểu đoàn Azov vào nhóm khủng bố hồi tháng 10/2019 cũng không được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chấp thuận. Đặc biệt, dưới thời Tổng thống Obama, Mỹ đã liên tục viện trợ cho Ukraine để tăng cường phát triển, hiện đại hoá về quân sự, đồng thời ủng hộ Ukraine hồi phục, tập họp lại tất cả lực lượng chống Nga. Theo RIA Novosti, kể từ đầu tháng 3/2014, trước bối cảnh tình hình tại Ukraine diễn biến phức tạp, Washington đã thông qua gói hỗ trợ 23 triệu USD cho chính quyền Kiev nhằm tăng cường việc bảo đảm an ninh, toàn vẹn lãnh thổ. Sang đến tháng 6, Mỹ đã quyết định viện trợ cho quân đội Ukraine thêm các trang thiết bị hiện đại như áo chống đạn, các thiết bị nhìn ban đêm và hệ thống thông tin liên lạc với tổng giá trị lên tới 5 triệu USD. Trong cuộc gặp với người đồng cấp Ukraine Petro Poroshenko ở Nhà Trắng ngày 18/9/2014, Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 18/9 đã lên án cái mà ông gọi là “cuộc xâm lược” của Nga vào Ukraine và cam kết sẽ viện trợ cho Ukraine 53 triệu USD, trong đó, 46 triệu USD để củng cố an ninh trong cuộc chiến với lực lượng ly khai thân Nga.

Từ khi Zelensky trúng cử Tổng thống thì chế độ bài Nga ở Ukraine càng được đẩy lên một bước mới; bởi ngay trước khi nổ ra chiến sự với Nga, Zelensky đã sang Mỹ gặp Tổng thống Biden, yêu cầu Mỹ ủng hộ ông về vũ khí để chống Nga; đồng thời xin được là thành viên của NATO. Tổng thống Biden sau đó đã quyết định viện trợ cho Ukraine hàng tỉ USD bằng vũ khí và nhanh chóng được hai Viện Quốc hội Hoa Kỳ thông qua. Anh, Canada, Pháp cũng gửi nhiều viện trợ bằng vũ khí cho Ukraine ngay từ những tháng cuối năm 2021. Ngoài ra, các nước này cũng gửi lính vệ binh, đặc nhiệm vào Ukraine để huấn luyện cho quân đội nước này. Nhìn chung, để chống lại Nga, Mỹ đã ra sức phát động các nước đồng minh, tập họp được một lực lượng mạnh mẽ để ủng hộ Ukraine mà Nga cho đó là sự ủng hộ chủ nghĩa phát xít.

Mối lo về sự trở lại của chủ nghĩa phát xít ở châu Âu qua chuyến thăm của Zelensky tới Canada

Vấn đề làm dấy lên mối quan ngại về sự trở lại và nguy cơ bành trướng của chủ nghĩa phát xít ở châu Âu hiện nay không chỉ dừng lại ở cuộc chiến tranh Nga – Ukraine, mà nó còn liên quan đến những điều xảy ra trong sự kiện Tổng thống Ukraine Zelensky bất ngờ đến thăm Canada vào ngày 21/9 vừa qua, sau khi họp Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York. Canada là nơi có cộng đồng người Ukraine đông đảo. Chính quyền của ông Trudeau cũng đã cam kết hỗ trợ vững chắc và lâu dài cho Ukraine trong cuộc chiến với Nga. Tại đây, ông Zelensky đã được Thủ tướng Canada đón tiếp long trọng và giới thiệu nồng nhiệt ở Nghị viện, Hạ viện Canada, với tư cách là một “người hùng chống phát xít Nga”. Trong cuộc đón tiếp này, Chủ tịch Hạ viện Canada Anthony Rota đã giới thiệu ông Zelensky trước Nghị viện như một vị Tổng thống vĩ đại có công chống “chế độ độc tài” Putin rất quyết liệt. Đặc biệt, ông Rota còn phát biểu vinh danh một người được xác nhận là một cựu binh Ukraine, có tên là Yaroslav Hunka (98 tuổi), ca ngợi nhân vật này là “người đã chiến đấu vì nền độc lập của Ukraine” và xem ông Hunka là “người hùng của cả hai nước” trước sự tung hô của tất cả cử tọa và khách mời tại Hạ viện. Tuy nhiên, ngày 24/9, nhóm hoạt động vì quyền của người Do Thái FSWC đã chỉ trích phát biểu của ông Rota, cho đây là điều “gây sốc” và “cực kỳ đáng quan ngại” bởi Hunka từng phục vụ trong sư đoàn Waffen Grenadier số 14, đơn vị thuộc Đức Quốc xã, còn được biết đến với tên gọi “Sư đoàn Ukraine số 1”, “Sư đoàn Waffen-SS Galicia” hay “Sư đoàn số 14 của Waffen-SS”. Đội quân này đã tham chiến và gây nhiều tội ác trên khắp khu vực Đông Âu, bao gồm Ukraine, Ba Lan, Slovakia, và Nam Tư cũ. Cá nhân Yaroslav Hunka là người Ukraine, song lúc bấy giờ địa phương nơi ông sinh sống thuộc lãnh thổ của Đệ Nhị Cộng hòa Ba Lan. Witold Dzielski, Đại sứ Ba Lan tại Canada, cho biết thêm rằng, sư đoàn mà ông Hunka tham gia đã góp phần gây ra cái chết của 6 triệu người Ba Lan trong chiến tranh, trong đó một nửa là người Do Thái.

Tổng thống Ukraine Zelensky bất ngờ đến thăm Canada vào ngày 21/9/2023 và được Thủ tướng Justin Trudeau chào đón nồng nhiệt tại Hạ viện ở Ottawa, ngày 22/9/2023. Ảnh: Sean Kilpatrick/The Canadian Press

Điều này đã khiến Chủ tịch Hạ Viện Anthony Rota buộc phải lên tiếng xin lỗi và từ chức vào hôm 26/9. Về phía Chính phủ Canada, Thủ tướng Justin Trudeau cho rằng bản thân không dính líu đến những phát ngôn của Chủ tịch Hạ viện và từ chối chịu trách nhiệm về sự việc này. Tuy nhiên, sự kiện nói trên cũng gây ra nhiều bình luận trái chiều trong giới quan sát quốc tế, mở ra nhiều nghi vấn về ý kiến của ông Trudeau. Thậm chí đã có thông tin cho rằng Phó thủ tướng Canada cũng chính là cháu ruột của một cựu binh phát xít cùng đơn vị với Hunka. Hiện nay, đây là một scandal rất lớn đối với Chính phủ Canada, khi dư luận đang lên án gay gắt, yêu cầu Canada làm rõ liệu nước này có đang ngầm ủng hộ, dung túng cho chủ nghĩa phát xít và nuôi dưỡng các tội phạm chiến tranh mà đến bây giờ mới tình cờ bị phát hiện. Nếu đây là sự thật thì Chính phủ Canada đã vi phạm Công ước chung của Liên hợp quốc về tội phạm chiến tranh và phải chịu sự trừng phạt thích đáng trước Toà án Quốc tế. Trước động thái này, Nga đã lên án và một lần nữa khẳng định rằng chính quyền Zelensky đang tạo dựng một lực lượng quân đội có tính chất phát xít để tiếp tay cho các hoạt động chống Nga cực đoan. Các nhà quan sát cho rằng, tình báo Nga rất có thể đã biết được nhiều thông tin về hoạt động này, song họ đang chờ đợi một thời điểm thích hợp để vạch rõ cho thế giới thấy “những chuyện xấu của Mỹ và phương Tây” khi đứng sau tiếp tay cho chủ nghĩa phát xít quay trở lại và bành trướng tại châu Âu.

Về phía mình, các nước châu Âu không lên tiếng mạnh mẽ song nội bộ EU đã bắt đầu có những quan điểm phản đối các sự kiện xảy ra ở Canada, cụ thể là từ Ba Lan. Từ khi cuộc chiến tranh Nga – Ukraine xảy ra, Ba Lan là một trong những quốc gia tích cực nhất trong việc ủng hộ chính quyền Tổng thống Zelensky chống Nga. Tuy nhiên, sự kiện này dường như đã khiến Ba Lan có những động thái mới và bắt đầu quay lưng lại với Ukraine. Cụ thể, ngày 26/9, Bộ trưởng Giáo dục Ba Lan, Przemysław Czarnek đã gửi kiến nghị tới Viện Tưởng niệm Quốc gia của Ba Lan – một cơ quan thuộc Chính phủ có nhiệm vụ điều tra về các tội ác trong Thế chiến II, yêu cầu xem xét khả năng dẫn độ Yaroslav Hunka về Ba Lan. Sự kiện này càng làm tăng mâu thuẫn giữa ba Lan và Ukraine trong bối cảnh Ba Lan cấm nhập khẩu ngũ cốc từ Ukraine từ ngày 15/4/2023 vì lợi ích của nông dân Ba Lan. Sau khi xảy ra sự kiện Zelensky đến Canada và cổ vũ cho chủ nghĩa phát xít tại đây, Ba Lan quyết định tiếp tục duy trì lệnh cấm này. Điều đó khiến cho mối quan hệ tương trợ giữa Ba Lan và Ukraine trước đây dường như bị xoá bỏ hoàn toàn.

Chủ tịch Hạ viện Canada Anthony Rota đã phải lên tiếng xin lỗi và từ chức vào ngày 26/9/2023 sau bài phát biểu ca ngợi Yaroslav Hunka (đang vẫy tay) – người từng phục vụ trong sư đoàn Waffen Grenadier số 14, đơn vị thuộc Đức Quốc xã vốn gây ra nhiều tội ác trong Thế chiến II. Ảnh: CBC.

Nhìn chung, các nước phương Tây tỏ ra rất thận trọng và vẫn giữ thái độ im lặng trước sự kiện trên. Tuy nhiên, có thể thấy, việc Canada, rộng hơn là Mỹ và phương Tây có xu hướng bao che, dung túng phát xít và cùng Zelensky sử dụng lực lượng này để chống Nga là hoàn toàn có cơ sở. Bên cạnh đó, sự kiện này cũng đã góp phần “lột trần” bản chất phát xít của chính quyền Zelensky và những người ủng hộ chính quyền này. Nói cách khác, nó cho thấy rằng Mỹ, Canada và và Liên minh châu Âu sẵn sàng ủng hộ tất cả những người chống Nga mà không cần biết đến quá khứ của họ! Mặc dù đến nay, ta vẫn chưa thể dự đoán được việc dàn xếp giữa Canada và Ba Lan về vấn đề dẫn độ tội phạm chiến tranh ra sao; song phía Nga chắc chắn sẽ nhân cơ hội này lên án mạnh mẽ và đưa ra ánh sáng những hành vi bao che, dung túng, nuôi dưỡng phát xít của phương Tây; đồng thời kêu gọi sự ủng hộ từ các nước chống phát xít – đặc biệt là những nước từng có quá khứ đau thương do Đức Quốc Xã gây ra trong Thế Chiến II như Ba Lan – nhằm đẩy mạnh cuộc chiến chống lại chính quyền Zelensky tại Ukraine, ngăn chặn nguy cơ tái bùng nổ của chủ nghĩa phát xít tại châu Âu hiện nay.■

Tuệ Minh

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN