Cuộc tái tranh cử Tổng thống Mỹ của Donald Trump – Mối lo của Đảng Dân chủ và các đồng minh của Mỹ

Tháng 11/2020, nước Mỹ diễn ra một cuộc chạy đua khốc liệt đến chiếc ghế Tổng thống tại Nhà Trắng giữa hai ứng cử viên Joe Biden (Đảng Dân chủ) và Donald Trump (Đảng Cộng hoà). Cuộc đua này đã kết thúc với tỉ lệ thắng sít sao nghiêng về Joe Biden (51,3%) – người mà trong suốt ba năm cầm quyền sau đó đã đưa nền chính trị Mỹ trở lại con đường ổn định sau những thay đổi chưa từng có tiền lệ dưới thời Donald Trump (nhiệm kỳ 2017 – 2021). Tuy nhiên, năm 2024 sắp tới, thế giới sẽ một lần nữa được chứng kiến cuộc “tái đấu” giữa Trump và Biden trong cuộc bầu cử vị Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ. Vào thời điểm này, dư luận Mỹ và quốc tế đã đưa ra rất nhiều nhận định cùng những thảo luận, dự đoán sôi nổi về tình hình nước Mỹ và thế giới sẽ ra sao nếu một trong hai ứng cử viên này đắc cử. Một mặt, Đồng minh của Mỹ đang đứng ngồi không yên trước những phân tích rằng Trump có thể trở lại Nhà Trắng. Mặt khác, đây lại là niềm mong mỏi từ các đối thủ lâu năm của Mỹ như Nga, Trung Quốc… bởi các chính sách và quan điểm của Trump đã từng mang đến cho họ những lợi ích không ngờ.

Donald John Trump (sinh ngày 14/6/1946) xuất thân là một tỷ phú, doanh nhân  người Mỹ và trở thành ứng cử viên Tổng thống của Đảng Cộng hoà khi đã 72 tuổi. Bước chân vào giới chính trị và tham gia ứng cử Tổng thống thống Hoa Kỳ chính là hoài bão của Trump ngay từ khi còn trẻ. Ông Trump tham gia tranh cử trong bối cảnh nước Mỹ gặp nhiều khủng hoảng và tình hình thế giới đang có những biến động khôn lường. Lúc bấy giờ, quản trị yếu kém của chính quyền Tổng thống đương nhiệm Obama đã để lại hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, khiến địa vị Mỹ suy yếu trên trường quốc tế, cùng rất nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh trong lòng xã hội Mỹ. Cụ thể, mức tăng trưởng GDP thực tế hàng năm thời ông Obama chỉ đạt khoảng 1-2% và chưa bao giờ đạt đến mức 3% trong suốt 8 năm cầm quyền. Theo Cục điều tra dân số Mỹ, thu nhập hộ gia đình dưới thời Obama giảm 8% xuống khoảng 4.500 USD, nghĩa là tầng lớp trung lưu đã mất một tháng lương. Ông Obama cũng thất bại trong việc giảm số lượng người nghèo khi con số này tăng gần 31% lên đến 49,7 triệu người – mức cao nhất trong hơn 50 năm. Nạn nhập cư bất hợp pháp ngày càng gia tăng, đặc biệt ở khu vực biên giới Mỹ – Mexico. An ninh trong nước cũng trở nên khó kiểm soát trước nạn phân biệt chủng tộc và những bất ổn về khoảng cách giàu nghèo. Về mặt đối ngoại, uy tín và vai trò lãnh đạo thế giới do Mỹ đảm nhận trước đây cũng bị lung lay khi Trung Quốc và Nga đã tranh giành được nhiều ảnh hưởng quan trọng về địa chính trị.

Donald Trump bấy giờ xuất hiện như mang một “làn gió mới” đến cho chính trường Mỹ. Ông theo đuổi học thuyết dân tuý và nêu cao khẩu hiệu “Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại”, đặt lợi ích của nước Mỹ lên trên hết. Chính những khẩu hiệu như thế đã thu hút được sự ủng hộ của rất nhiều cử tri và giúp ông đánh bại đối thủ của Đảng Dân chủ là bà Hilary Clinton – lúc đó đang là Ngoại trưởng Mỹ. Donald Trump chính thức nhậm chức Tổng thống vào ngày 20/1/2017 và kết thúc nhiệm kỳ vào ngày 20/1/2021. Trong 4 năm cầm quyền, ông đã đưa nhiều quyết sách quan trọng nhằm thực hiện đúng cam kết “làm nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Vậy ông đã làm những gì?

Về đối nội, do xuất thân là một doanh nhân thay vì một chính trị gia nên ông Trump cũng có tư duy điều hành đất nước không giống một chính khách thông thường. Ông công kích lối làm việc của chính trị gia ở cả hai đảng, đặc biệt là Đảng dân chủ mà đứng đầu là đối thủ Biden trong đợt tranh cử vào năm 2021. Bấy giờ, Donald Trump chủ trương ngừng cung cấp viện trợ vũ khí cho Ukraine và yêu cầu Ukraine cung cấp thông tin tham nhũng cùng những vấn đề của gia đình Biden, đồng thời tìm kiếm tất cả các tài liệu chứng minh rằng gia đình ông Biden có dính líu tài chính bất hợp pháp tới giới chính trị và doanh nghiệp Trung Quốc. Người dân Mỹ thừa nhận rằng Trump đã làm tốt trong nhiệm kỳ của mình khi ông vực dậy nền kinh tế nước Mỹ khỏi đà tăng trưởng chậm chạp từ thời Obama. Cụ thể, tỉ lệ tăng trưởng GDP của Mỹ đạt mức 2% trong mỗi 3 năm đầu tiên của nhiệm kỳ Tổng thống Trump, và mặc dù có sự giảm nhẹ từ 2,9% (2018) xuống còn 2,3% vào năm 2019 do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, song con số này vẫn cao hơn so với nhiều nền kinh tế lớn khác ở cùng thời điểm. Đặc biệt, ông Trump có công lớn trong việc đưa tỉ lệ thất nghiệp tại Mỹ xuống mức thấp nhất trong 5 thập niên, đạt 3,5% vào tháng 9/2019. Không những thế, các chính sách của Donald Trump về siết chặt quy định nhập cư, nhập tịch, kêu gọi Quốc hội thông qua khoản ngân sách 5,7 tỉ USD để xây dựng hàng rào bằng thép ở biên giới Mỹ – Mexico… đã góp phần ngăn chặn nạn nhập cư bất hợp pháp vào lãnh thổ Mỹ, theo đó hạn chế được các hoạt động khủng bố, vấn đề phân biệt chủng tộc và những rối loạn an ninh, trật tự trong nội bộ nước Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump giới thiệu sắc lệnh mà ông vừa ký để rút Hoa Kỳ khỏi hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng ở Washington, ngày 23/1/2017. Ảnh: AFP PHOTO / SAUL LOEB

Tuy nhiên, về đối ngoại, ông Trump lại gây ra nhiều tranh cãi khi chủ trương “quay lưng” với các đồng minh truyền thống mà chăm lo riêng cho sự thịnh vượng của nước Mỹ. Cụ thể, ngay sau khi vừa nhậm chức, tân Tổng thống Donald Trump đã ký ba sắc lệnh, trong đó có sắc lệnh rút Mỹ khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vốn được kí kết dưới thời Obama (23/1/2017). Ông không lựa chọn kế tục các chính sách của Obama và các đời Tổng thống trước mà yêu cầu các đồng minh của Mỹ phải san sẻ gánh nặng kinh tế với nước Mỹ. Trump chỉ trích các đồng minh chưa đóng góp đầy đủ vào an ninh chung và cướp đi các thoả thuận thương mại của Mỹ. Do đó, thay vì tiếp tục gánh chịu các phí tổn tài chính cho đồng minh, nhất là các khoản trong quỹ quốc phòng, ông Trump chủ trương đặt lợi ích nước mình lên trên hết và yêu cầu các nước phải giao dịch bình đẳng, đóng góp công bằng nếu muốn hợp tác với Mỹ. Bên cạnh đó, Trump cũng cho rằng nội bộ nước Mỹ đã và đang có nhiều vấn đề cần phải giải quyết, bởi vậy không nên can thiệp vào các vấn đề ở nước ngoài. Ông liên tục đe doạ sẽ rút Mỹ khỏi các hiệp định từng được cho là bất khả xâm phạm như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Hiệp định Thương mại Tự do Mỹ – Hàn và Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Hơn thế nữa, ngày 2/4/2017, Tổng thống Trump ký hai sắc lệnh về thương mại, trong đó sắc lệnh thứ hai yêu cầu các quan chức thương mại Mỹ đẩy nhanh việc thu thuế chống bán phá giá và áp dụng các loại thuế cao đối với những sản phẩm từ nước ngoài do trợ giá hay trợ cấp một cách bất hợp pháp. Chính sách bảo hộ mậu dịch này “đánh” vào các mặt hàng nhập khẩu đến từ tất cả các nước, trong đó có cả các đồng minh truyền thống của Mỹ ở châu Âu như Pháp, Đức, Anh… Phát biểu trong cuộc họp báo trước khi ký các sắc lệnh, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói: “Chúng ta sẽ làm cho thương mại công bằng và có đi có lại. Điều đó nghĩa là gì – nếu họ làm điều đó với chúng ta, chúng ta sẽ đáp trả lại. Thời đại thế giới lợi dụng và sống dựa vào nước Mỹ đã chấm dứt”. Các đồng minh ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng phải tăng chi phí quân sự cho Mỹ dưới thời Tổng thống Trump… Với Hàn Quốc, cuộc thương lượng vào năm 2018 đã buộc Seoul phải chấp nhận tăng 8% hỗ trợ tài chính cho sự hiện diện của 28 nghìn lính Mỹ tại nước này. Cũng trong năm đó, chính quyền Trump đã kêu gọi tăng gấp bốn lần chi phí hàng năm cho lực lượng Mỹ đóng quân tại Nhật Bản từ 2 tỷ USD lên 8 tỷ USD. Nhìn chung, các đồng minh của Mỹ đã phải trải qua một phen “chao đảo” trước những chính sách “chưa từng có tiền lệ” do Tổng thống Trump ban hành trong suốt thời gian cầm quyền.

Trong mối quan hệ với các nước Trung Đông, Donald Trump cũng có cách ứng xử trái ngược hẳn các đời Tổng thống trước. Ngày 6/12/2017, ông Trump chính thức đưa ra tuyên bố công nhận thánh địa Jerusalem là thủ đô của Israel và cho di dời Đại sứ quán Mỹ về khu vực này. Đây có thể được xem là nước đi đầu trong công cuộc thúc đẩy, chắp nối quan hệ giữa Israel với các nước lân cận vốn có lịch sử đối đầu lâu dài, tạo tiền đề đi đến một thoả thuận hoà bình với Palestin…. Ngày 15/9/2020, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chủ trì lễ ký kết thỏa thuận bình thường hóa quan hệ lịch sử giữa Israel và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và Bahrain tại Nhà Trắng. Đây là một sự kiện tầm cỡ lịch sử của ngành ngoại giao Mỹ. Một số nước Ả Rập khác như Saudi Arabia có thể cũng sẽ sớm nối gót bang giao với Israel. Đặc biệt, tiếp sau sự kiện này, Kosovo – lãnh thổ Hồi giáo đầu tiên trên thế giới, cũng đã quyết định dời đại sứ quán đến Jerusalem trong bối cảnh bình thường hóa quan hệ với Israel. Ngoài ra, ông Trump cũng tập trung xử lý vấn đề tại Afganishtan, rút toàn bộ quân Mỹ khỏi Syria vào tháng 9/2019. Học giả Mỹ David P. Goldman nhận xét trên báo Asia Times rằng, khi gặt hái được những thành công về hoà bình ở Trung Đông, “Tổng thống Donald Trump có thể nói đã đạp lên mọi trí khôn của ngành ngoại giao Mỹ và châu Âu, của cả hai phe tả – hữu trong giới hoạch định chính sách Mỹ”.

Bữa tối kéo dài hai giờ rưỡi giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị G20 tại Argentina ngày 01/12/2018 đã kết thúc bằng một thỏa thuận “đình chiến thương mại” giữa hai nước. Ảnh: Reuters

Trong quan hệ với các đối thủ truyền thống, ông Trump có xu hướng nhắm đến Trung Quốc thay vì tập trung đối đầu với Nga. Có thể nói, nhắc đến Trump cũng là nhắc tới cuộc chiến thương mại với Trung Quốc mà ông thực hiện trong suốt nhiệm kỳ của mình. Tuy nhiên, cuộc đối đầu này về bản chất chỉ hướng đến một mục đích vực dậy hoạt động nội thương của Mỹ, đảm bảo nước Mỹ luôn ở vị trí dẫn đầu nền kinh tế thế giới trước sự trỗi dậy thần tốc của Trung Quốc, chứ không phải một cuộc đối đầu căng thẳng có tính chất chính trị. Do đó, mặc dù từ chối xuôi theo chiến lược xoay trục về châu Á – Thái Bình Dương của Obama, song ông Trump luôn đặt vấn đề cạnh tranh công bằng, cùng có lợi với Trung Quốc theo tư duy của một doanh nhân. Giữa những “đòn đánh” mạnh vào hàng hoá và khoa học – công nghệ của Trung Quốc khiến nước này lao đao, Trump vẫn chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán và thực tế đã thực hiện được thoả thuận giai đoạn I giữa Mỹ và TQ vào ngày 16 tháng 1 năm 2020. Theo văn kiện được ký kết, Trung Quốc đồng ý mua từ Mỹ ít nhất 32 tỉ USD hàng nông sản trong vòng 2 năm; kèm theo hơn 52 tỉ USD các sản phẩm năng lượng như dầu thô, khí tự nhiên hóa lỏng và nhiên liệu hóa dầu từ Mỹ; gần 40 tỉ USD dịch vụ và khoảng 77,7 tỉ USD hàng hóa công nghiệp Mỹ; tổng giá trị lên đến hơn 200 tỉ USD. Đổi lại, Mỹ cam kết sẽ không áp thêm thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc, mà giữ ở mức 25% với 250 tỉ USD hàng hoá; đồng thời giảm mức thuế 15% được áp ngày 1 tháng 9 năm 2019 lên 120 tỉ hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc xuống còn 7,5%. Bên cạnh đó, chính quyền Trump cũng tiếp tục duy trì quan hệ với tứ giác kim cương QUAD (bao gồm Nhật Bản – Mỹ – Australia – Ấn Độ), mở rộng sang cả Ấn Độ Dương. Điều này cho thấy Trump vẫn gây được thiện cảm với phương Đông hơn là các đồng minh của mình ở phương Tây.

Đặc biệt, trái với các đời Tổng thống Mỹ tiền nhiệm, Donald Trump không xác định Nga là kẻ thù, thậm chí còn bày tỏ mối quan hệ thân thiện với Tổng thống Nga Vladimir Putin, đến mức phe đối lập còn đặt ra nghi vấn rằng phía Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 nhằm hỗ trợ ông Trump trúng cử. Trên thực tế, Donald Trump và người đồng cấp Vladimir Putin đã bày tỏ mối thiện tình trong hai cuộc gặp thượng đỉnh chính thức tại Helsinki, Phần Lan vào ngày 16/7/2018, và sau đó là cuộc gặp hữu nghị bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở thành phố Osaka, Nhật Bản vào ngày 28/6/2019. Tại cuộc gặp thượng đỉnh năm 2018, Tổng thống Donald Trump đã nói với người đồng cấp: “Chúng ta có nhiều điều tốt đẹp để bàn thảo, từ thương mại đến Trung Quốc và người bạn chung là Chủ tịch Tập Cận Bình. Chúng ta có cơ hội lớn cùng nhau, chúng ta đã không làm điều đó trong nhiều năm. Hòa thuận là một điều tốt. Thế giới muốn thấy chúng ta hòa thuận”. Điều này đã góp phần thúc đẩy, “hâm nóng” quan hệ Mỹ – Nga trước những đối đầu căng thẳng kể từ sau Chiến tranh lạnh, đồng thời cũng cho thấy chính sách thân thiện của Trump đối với nước Nga trái ngược hoàn toàn so với các đời Tổng thống trước. Ông Trump cũng ít quan tâm, chỉ trích tình hình vi phạm nhân quyền của các quốc gia, ông cho rằng bản thân nhân quyền của nước Mỹ cũng có nhiều vấn đề, không nên can thiệp vào các nước khác.

Nhìn chung, trong bốn năm cầm quyền, Donald Trump đã khiến thế giới kinh ngạc khi phá vỡ liên minh truyền thống với châu Âu và tỏ ra thân thiện với các đối thủ lâu đời của Mỹ. Pháp, Đức, Anh… tỏ ra lo ngại trước những tổn thất từ các chính sách của Trump. Ở châu Á, Nhật Bản – Hàn Quốc cũng rất hoang mang khi Trump lên nắm quyền. Đặc biệt, vào ngày 8/5/2018, Tổng thống Donald Trump chính thức ký bản ghi nhớ rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran, hay còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Đây là thỏa thuận hạt nhân mà Mỹ cùng Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc đã ký với Iran hồi tháng 7/2015. Ông Trump coi thoả thuận này là một thảm họa nhiều khiếm khuyết, không ngăn chặn được Iran phát triển hạt nhân sau hàng loạt cáo buộc Iran thiếu trung thực và tiếp tục hỗ trợ các nhóm khủng bố. Tuy nhiên, các nước tham gia thoả thuận đều cho rằng hành động của Trump đã xoá bỏ nỗ lực của các bên trong suốt 3 năm qua. Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp ông Emmanuel Macron bấy giờ đã nhận định rằng châu Âu không thể tiếp tục đứng dưới chiếc ô của Mỹ mà phải tìm sự độc lập của riêng mình. Ngược lại, các đối thủ cạnh tranh trước đây của Mỹ như Nga, Trung Quốc tỏ ra ít quan ngại về các động thái chống phá từ Mỹ dưới thời Tổng thống Trump hơn là Tổng thống Obama. Chính các chiến lược “hướng nội”, ưu tiên giải quyết vấn đề trong nước đã khiến cho chính quyền Tổng thống Trump bỏ trống nhiều địa chính trị quan trọng ở châu Phi, Trung Đông, khiến Nga và Trung Quốc nhân cơ hội “thế chân” Mỹ tại khu vực này, vô hình trung đẩy nước Mỹ vào thế bị động, làm lung lay vai trò của Mỹ trên chính trường quốc tế. Trung Quốc đã từng bước tiến vào thị trường châu Phi từ những năm 2015; còn Nga đang ngày càng có điều kiện vươn tới củng cố chỗ đứng của mình tại các nước Ả Rập, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ. Có thể nói, trong bốn năm cầm quyền, Donald Trump đã có những quyết định làm thay đổi cục diện thế giới, đẩy nước Mỹ vào thế bị động trên chính trường quốc tế, khiến đồng minh “quay lưng” và làm lợi cho các đối thủ truyền thống.

Đường lối ngoại giao khác biệt đó của Trump cũng gây ra nhiều xáo trộn và làm nảy sinh các cuộc tranh cãi lớn trong nội bộ nước Mỹ, đặc biệt là giới chính trị. Ngay cả những chính khách lão luyện từng giữ những vị trí chủ chốt trong Đảng Cộng hoà như Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton hay Bộ trưởng Quốc phòng trong nhiệm kỳ đầu của Trump – ông James Mattis cũng phản đối các hành động của Tổng thống, lên án ông Trump là phần tử không am hiểu chính trị, cho rằng ông Trump đã có những quyết sách nóng nảy, vội vàng, không xứng đáng với cương vị của mình. Ngược lại chính ông Trump cũng chủ trương phải thanh lọc các cơ quan tình báo, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng để loại bỏ những quan chức mà ông cho là thuộc “tầng lớp chính trị bệnh hoạn căm ghét đất nước chúng ta”, từ đó tạo ra một nước Mỹ trong sáng, giàu mạnh hơn. Đội ngũ luật sư hùng hậu quanh ông Trump cũng dần bị thay thế bởi các bất đồng chính kiến và mâu thuẫn trong tư tưởng.

Chính bởi xuất phát điểm không phải là một chính trị gia, nên mặc dù “ghi điểm” trong lòng cử tri nhờ những quyết sách giúp nước Mỹ phục hồi đà tăng trưởng, song bản thân Donald Trump cũng đã để lại những hậu quả khôn lường về mặt ngoại giao cho nước Mỹ trong suốt bốn năm cầm quyền. Điều này khiến ông bị cô lập bởi chính giới xung quanh, và gặp nhiều “lỗ hổng” khi tham gia cuộc tranh luận với ông Biden trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2021. Thêm vào đó, điều không may xảy đến với ông Trump chính là đại dịch Covid-19 bùng nổ ngay trước kì tranh cử, tạo thêm gánh nặng và nỗi hoang mang lớn trong lòng nước Mỹ, khiến chính quyền Trump không kịp trở tay. Các quyết sách chống dịch của ông đã cho thấy sự lúng túng rõ ràng khi không thể kiểm soát được sự lây lan nhanh chóng đại dịch, gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế, xã hội, an sinh nước Mỹ. Giải pháp chống dịch mà Trump đưa ra trong cuộc tranh cử cũng không mạch lạc, sắc bén bằng ứng cử viên Đảng Dân chủ – ông Joe Biden. Do đó, tháng 11/2020, Trump chính thức thất bại với tỉ lệ phiếu bầu sít sao (46,9% – 51,3%).

Nhóm người ủng hộ ông Donald Trump nỗ lực lật ngược cuộc bầu cử Tổng thống 2020 bằng cách tiến vào Washington, D.C. để xâm chiếm Điện Capitol, vào ngày 6/1/ 2021 sau chiến thắng của ứng cử viên Đảng Dân chủ ông Joe Biden. Ảnh: Tyler Merbler

Con số này không hề khiến ông Trump hài lòng và thậm chí, ông đã dùng rất nhiều biện pháp để tố cáo gian lận, yêu cầu nhiều bang phúc tra lại kết quả bầu cử, gây ra một tình trạng hết sức rối loạn tại nước Mỹ, giữa bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Các cuộc biểu tình giữa các phe ủng hộ Trump và chống Trump liên tiếp nổ ra ở khắp nơi. Đỉnh điểm của sự hỗn loạn này là cuộc tấn công Toà nhà Quốc hội tại Washington D.C của hàng trăm người ủng hộ Trump vào ngày 6/1/2021 mà về sau, chính quyền Biden coi đây là một hành vi do ông Trump tiếp tay. Phải đến phút chót, vị Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ mới chịu rời khỏi Nhà trắng trong một tâm thế hậm hực, bất nhẫn. Từ đó đến nay, ông Trump vẫn ra sức chuẩn bị cho cuộc tranh cử trở lại Nhà Trắng vào năm 2024.

Trong khi đó, ông cũng bị Đảng Dân chủ, đứng đầu là Tổng thống đương nhiệm Biden, tấn công mạnh mẽ thông qua các cuộc truy tố với các tội danh, bao gồm bưng bít thông tin, trốn thuế, gây rối trật tự, vi phạm quản lý tài liệu… Để giữ gìn chiếc ghế Tổng thống hiện tại, ông Biden cũng có rất nhiều động thái đáp trả và ra sức hạ uy tín của ông Trump; đặc biệt là cuộc luận tội về việc từ chối cung cấp vũ khí cho Ukraine dù Quốc hội Mỹ đã đồng ý thông qua, cùng với cáo buộc cho rằng Trump đã gây sức ép buộc Tổng thống Ukraine mở cuộc điều tra tham nhũng nhằm vào Hunter Biden – con trai của ông Biden. Đặc biệt, vào ngày 12/7 vừa qua, Thượng nghị sĩ Marco Rubio thuộc Đảng Cộng hòa, đại diện của bang Florida và Thượng nghị sĩ Tim Kaine, đại diện Đảng Dân chủ tại bang Virginia, đã giới thiệu lại Dự luật cấm bất kỳ Tổng thống Mỹ nào tự ý ra quyết định rút tư cách thành viên khỏi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khi chưa có sự đồng ý của Quốc hội hoặc được đạo luật Quốc hội cho phép. Dự luật này vốn đã được giới thiệu lại nhiều lần trong các kỳ họp của Quốc hội Mỹ, ngay khi Tổng thống Donald Trump còn tại vị, và giờ đây nó một lần nữa được giới thiệu trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang đến gần. Điều này giống như một nước đi của Tổng thống Joe Biden và Quốc hội Mỹ nhằm “răn đe” những động thái làm ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa Mỹ và đồng minh của ông Trump.

Có thể nói, cuộc “tái đấu” giữa hai đối thủ Donald Trump và Joe Biden đang “nóng” hơn bao giờ hết. Trước những cáo buộc nhắm vào Trump từ phía ông Biden, Đảng Cộng hoà – vốn đã nắm được Hạ viện – cũng có rất nhiều hoạt động nhằm kìm chế các hành vi của Biden và hoạt động của Chính phủ Hoa Kỳ đương nhiệm. Dưới sự hỗ trợ của Hạ viện, ông Trump vẫn được giới thiệu là ứng cử viên đáng tin cậy, nhận được nhiều sự tín nhiệm nhất của Đảng Cộng hoà. Kết quả thăm dò hiện nay của của Washington Post/ABC News cho thấy, có 52% số người được hỏi chọn ông Trump và 42% đứng về phía ông Biden, trong khi số còn lại chưa quyết định hoặc sẽ không bỏ phiếu. Hồi đầu tháng 2 năm nay, ông Trump cũng đã dẫn trước ông Biden 4 điểm, ở mức 48% so với 44%. Trong khi đó, các cuộc tranh luận giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hoà cũng trở nên ngày càng gay gắt. Đảng Cộng hoà cho rằng chỉ có đưa Trump trở lại thì nước Mỹ mới đủ sức xây dựng tiềm lực vững mạnh từ bên trong. Ngược lại, Đảng Dân chủ vẫn muốn khôi phục vị thế chính trị của Mỹ trên trường quốc tế, lên án Trump phá hoại di sản của các đời Tổng thống Mỹ gây dựng khắp toàn cầu, đặc biệt là các liên kết đồng minh. Đồng thời, những chính khách này cũng bày tỏ quan ngại rằng việc Trump tái đắc cử đồng nghĩa với một đợt thanh trừng, sa thải hàng loạt các chính trị gia có đóng góp cho đất nước, khiến cho tình hình nước Mỹ trở nên hỗn loạn, phức tạp hơn. Vẫn còn hơn một năm nữa nước Mỹ mới bước vào Tổng tuyển cử (tháng 11/2024). Hiện nay việc tranh cử nước Mỹ trở thành đối đầu giữa hai Đảng cộng hoà và dân chủ, nếu ủng hộ Trump thì bị Biden chống lại; ngược lại, ai ủng hộ Biden thì lại chỉ trích. Điều này làm tình hình chính trị nước Mỹ trở nên căng thẳng. Dự báo cho thấy nước Mỹ trước thềm cuộc bầu cử này không những suy thoái toàn diện về kinh tế, mà còn tiếp tục rơi vào một cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng do sự tranh giành, đấu đá giữa hai phe đang ngày càng rõ ràng và quyết liệt.

Viễn cảnh các cuộc tranh luận “nảy lửa” giữa hai ứng cử viên Donald Trump và Joe Biden rất có thể sẽ lặp lại vào năm 2024, với mức độ khốc liệt và căng thẳng hơn. Trong hình: Tổng thống Donald Trump (trái) và ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden trong buổi tranh luận đầu tiên của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, ngày 29/09/2020. Ảnh: Reuters

Hiện nay, thế giới vẫn đang theo dõi từng động thái của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024, đặc biệt là các nước đồng minh và đối thủ của Mỹ. Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Phillipines… đã “nếm” đủ những “ngón đòn” dưới thời ông Trump, những tổn thương trong mối quan hệ gắn bó chưa được xoa dịu đủ lâu dưới thời Tổng thống Joe Biden, nên giờ đây những nước này đang thận trọng tìm cách đối phó với kịch bản Trump trúng cử. Chừng nào kết quả bỏ phiếu còn chưa nghiêng về phía ông Biden, chừng đó mối quan ngại về sự đứt gãy liên minh vốn được khôi phục dưới thời Biden vẫn sẽ còn tồn tại nếu ông Trump tái đắc cử. Do đó, các đồng minh tin cậy của Mỹ rất có thể sẽ có những tác động để trợ giúp cho ông Biden, bằng mọi cách đánh bại Donald Trump trong cuộc bầu cử sắp tới để giữ vững vị trí đương nhiệm. Ngược lại, các nước đối lập với Biden như Trung Quốc, Nga, Iran… tuy chưa ra tuyên bố gì về cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới, nhưng xét về những lợi ích mà họ có được từ nhiệm kỳ của Trump trước đây, những nước này có thể sẽ nghiêng về phía ông Trump và ủng hộ ông tái đắc cử. Trên thực tế, một số quan chức Nga và Trung Quốc từng nói với các nhà phân tích rằng họ hi vọng Trump tái đắc cử, bởi đối với Nga, sự trở lại của Trump đồng nghĩa với việc phương Tây giảm bớt sự ủng hộ Ukraine và thậm chí có thể giúp Nga chấm dứt cuộc chiến tại Ukraine trong vòng một ngày. Các lệnh trừng phạt sẽ được xoá bỏ, đồng thời quan hệ Nga – Mỹ từng bị gián đoạn dưới thời Tổng thống Joe Biden cũng sẽ được khôi phục lại. Đối với Trung Quốc, việc Trump tái đắc cử có nghĩa là cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục diễn ra quyết liệt hơn, song Trung Quốc vẫn có lợi do liên minh của Mỹ với các nước Nhật Bản, Hàn Quốc mà ông Biden dàn xếp – vốn giúp kiềm chế tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương – sẽ bị rạn nứt.

Từ nay cho đến khi cuộc bầu cử chính thức diễn ra vào tháng 11 năm 2024, dư luận quốc tế vẫn sẽ có nhiều nhận định trái chiều và những cuộc thảo luận sôi nổi diễn ra ở khắp nơi. Không thể đoán chắc về sự trở lại Nhà Trắng của cựu Tổng thống Donald Trump, hay liệu Tổng thống Joe Biden có trở thành vị Tổng thống Mỹ tiếp theo trải qua hai nhiệm kỳ liên tiếp; song cuộc đối đầu này thực tế đã tạo ra một hiệu ứng chính trị phức tạp lan rộng khắp toàn nước Mỹ và các quốc gia đồng minh của Mỹ. Tính đến thời điểm hiện tại, giới phân tích đều cho rằng, nếu ông Trump tái đắc cử thì trật tự thế giới sẽ còn đảo lộn hơn rất nhiều so với giai đoạn cầm quyền trước đây. Thời gian sẽ đưa ra câu trả lời chính xác nhất. Do đó, ta cần tiếp tục theo dõi, quan sát thêm những diễn biến tiếp theo để có được những nhận định khách quan ở từng thời điểm thích hợp.■

Xuân Sơn

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN