Henry Kisssinger: Nhân vật của các cuộc chiến tranh

Nhà ngoại giao kỳ cựu của Mỹ Henry Kissinger vừa qua đời ngày 29/11/2023, thọ 100 tuổi. Từ năm 1969 đến năm 1977, Kissinger là một trong những quan chức quyền lực nhất trong lịch sử của nước Mỹ. Ông là người duy nhất từng đảm nhiệm song song chức vụ Cố vấn An ninh quốc gia và Ngoại trưởng Mỹ. Trong giai đoạn đó và cả sau này, Kissinger có vai trò định hình và tiến hành chính sách đối ngoại Mỹ trên phạm vi toàn cầu. Theo một khảo sát năm 2014 của tạp chí Chính sách Đối ngoại của Mỹ, 32,21% học giả quan hệ quốc tế hàng đầu đã coi Henry Kissinger là Ngoại trưởng Hoa Kỳ có ảnh hưởng nhất kể từ năm 1965.

Với quyền lực lớn của mình, Kissinger đã thực thi một chính sách đối ngoại thực dụng, ngoại giao chiến thắng, lấy lợi ích của nước Mỹ làm kim chỉ nam cho nhiều hành động. Những đánh giá về Henry Kissinger rất khác nhau và mâu thuẫn. Trong khi nhiều người ca ngợi ông như một nhà ngoại giao lỗi lạc có vai trò làm sụp đổ Liên Xô dẫn đến sự kết thúc của Chiến tranh lạnh cũng như giúp Mỹ thoát khỏi cuộc chiến Việt Nam, nhiều người khác lại chỉ trích ông gây ra tội ác chiến tranh ở nhiều nơi với những chính sách thiếu đạo đức, gây hệ quả đẫm máu…

Kissinger bị chỉ trích khi đã làm ngơ để quân đội Pakistan tàn sát người Bangladesh (1969-1971), dẫn tới cái chết của khoảng 300.000 người Bangladesh và khiến 10 triệu người chạy sang Ấn Độ tị nạn. Nixon và Kissinger, không còn nghi ngờ gì nữa, đã tiếp tay cho Chính phủ Pakistan phạm tội diệt chủng.

Trong khi được nhiều người ca ngợi, Henry Kissinger cũng bị chỉ trích gây ra tội ác chiến tranh ở nhiều nơi trên thế giới, gây nên những hệ quả đẫm máu… Đồ họa: Elise Swain/The Intercept

Nguyên Phó Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes đã tổng kết sự “hậu thuẫn” của Kissinger cho các chế độ diệt chủng trên nhật báo hàng đầu Hoa Kỳ The New York Times: “Từ phía thế giới tự do, Kissinger ủng hộ các chiến dịch diệt chủng – của Pakistan chống lại người Bengal và của Indonesia chống lại Đông Timor. Ở Chile, ông bị cáo buộc giúp đặt nền móng cho một cuộc đảo chính quân sự dẫn đến cái chết của Salvador Allende, Tổng thống dân cử tả khuynh, và mở ra một giai đoạn cai trị chuyên quyền khủng khiếp ở nước này”.

Quan trọng không kém, Kissinger đã cho B-52 bí mật ném bom rải thảm Campuchia vào các năm 1969-1970, và cho B-52 ném bom rải thảm Hà Nội vào năm 1972. Chính ông đã chủ trương kéo dài chiến tranh Việt Nam, dẫn tới cái chết của hàng triệu người. Theo một báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ (1973), Nixon và Kissinger đã phê chuẩn 3.875 phi vụ ném bom Campuchia với khoảng 110.000 tấn bom đạn, giết hại khoảng 150.000 – 500.000 dân thường. Mỹ cũng đã dùng B-52 ném bom Hà Nội, trong đó có vụ ném bom vào bệnh viện Bạch Mai để gây áp lực ở bàn đàm phán với Việt Nam tại Paris năm 1972. Những con số này khiến Kissinger đã bị lên án là tội phạm chiến tranh và diệt chủng.

Việc Kissinger chủ trương kéo dài cuộc chiến tranh Việt Nam để đàm phán giúp Mỹ “rút lui trong danh dự” đã lãng phí 4 năm hoà bình từ 1969 tới 1973. Cuối cùng, Mỹ vẫn phải chấp nhận các điều kiện đàm phán như năm 1969. Kết cục là gần 3 triệu người Việt đã hi sinh và 58.000 ngàn lính Mỹ chết ở chiến trường Việt Nam. Cần lưu ý là dù bên ngoài tỏ ý rút lui hoàn toàn khỏi Việt Nam, Kissinger vẫn chủ trương giữ lại ảnh hưởng của Mỹ tại đây với ý đồ đất nước Việt Nam tốt nhất vẫn bị chia cắt, hoặc nếu thống nhất thì các lực lượng thân Mỹ vẫn có vai trò trong chính phủ. Kissinger chưa bao giờ chấp nhận thất bạn hoàn toàn nhưng những tính toán này của ông đều thất bại.

Chính Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Giáo sư Joseph Nye đã viết trong bài phân tích về di sản của Kissinger: “Nếu Kissinger và Nixon làm theo lời khuyên của các Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ như William Fulbright và George Aiken và rút lui sớm, chấp nhận rằng Sài Gòn cuối cùng sẽ bị đánh bại… sẽ là một động thái can đảm. Kissinger và Nixon cho thấy họ có khả năng thực hiện những động thái như vậy với Trung Quốc. Tuy nhiên, ở Việt Nam thì không. Thay vào đó, sự lựa chọn của họ không làm thay đổi kết quả cuối cùng, và gây ra tổn thất về tính mạng cũng như uy tín của Mỹ”.

Việc Kissinger kéo dài cuộc chiến ở Việt Nam và ném bom Campuchia còn mở đường cho Khmer Đỏ lên cầm quyền. Ông Joseph Nye phân tích về việc này như sau: “Vụ ném bom Campuchia năm 1970 được cho là sẽ phá hủy các tuyến đường xâm nhập của Việt Cộng, nhưng cuối cùng, các cuộc tấn công đã không rút ngắn hoặc kết thúc chiến tranh. Những gì họ đã làm là giúp Khmer Đỏ diệt chủng lên nắm quyền ở Campuchia, dẫn đến cái chết của hơn 1,5 triệu người”.

Bất chấp những di sản đẫm máu như vậy, Kissinger vẫn tự hào nhận giải thưởng Nobel hoà bình và chưa bao giờ thừa nhận “sai lầm” trong khi cố Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara đã thừa nhận sai lầm trong Chiến tranh Việt Nam.

Kisssinger còn bị chỉ trích nặng về các chiến lược “ngoại giao bí mật” trái với các giá trị dân chủ mà Mỹ kêu gọi. Kissinger đã đi “cửa sau” với Trung Quốc vào năm 1972 để ly gián quan hệ Trung – Xô, góp phần làm sụp đổ phe xã hội chủ nghĩa. Từ hệ quả này, chính Nixon và Kissinger đã giúp Trung Quốc trỗi dậy trở thành đối thủ hàng đầu của Mỹ như hiện nay. Các nhà phân tích chính trị cho rằng Kissinger với chủ nghĩa thực dụng của mình chỉ coi sinh mạng con người như công cụ trong bàn cờ của các nước lớn.

Kissinger sau này đã tư vấn cho nhiều Tổng thống Mỹ và lãnh đạo nhiều quốc gia. Tuy vậy, Tổng thống Mỹ Barack Obama lại nói rằng ông đã dành nhiều thời gian và công sức để dọn dẹp lại thế giới mà ông Kissinger để lại. Tổng thống Donald Trump nhận xét rằng Henry Kissinger là một cây cổ thụ đã bị mục nát.

Nguyên Phó Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes đã tổng kết chính xác: “Henry Kissinger là hiện thân cho khoảng cách giữa lời nói và hành động của nước Mỹ trên chính trường quốc tế. Chính sách đối ngoại của ông luôn lấy quyền lực làm màu sắc chủ đạo và không quan tâm đến những con người còn sót lại sau nó… Hoa Kỳ đã phải trả giá cho thói đạo đức giả của mình, mặc dù điều đó khó đo lường hơn là kết quả của một cuộc chiến tranh hoặc đàm phán. Suốt nhiều thập niên, câu chuyện của chúng ta về nền dân chủ đã trở nên rỗng tuếch đối với ngày càng nhiều người, hành động của Mỹ đi ngược với lời nói, và “dân chủ” giống như cách để Mỹ mở rộng lợi ích của mình. Tương tự như vậy, trật tự quốc tế dựa trên luật lệ mà nước Mỹ nhấn mạnh đã bị những kẻ độc tài phớt lờ, khi họ dùng chính hành động của Mỹ để biện minh cho tội lỗi của mình”.

Tóm lại, Kissinger là đại diện của chủ nghĩa can thiệp Mỹ vào các nước và điều này đã gây ra chiến tranh, chết chóc ở không ít quốc gia, khu vực. Dù ông đã được vinh danh như người đàm phán kết thúc chiến tranh nhưng thực tế chính sách can dự kiểu Mỹ mà ông cổ xuý đã gây ra và kéo dài chiến tranh. Việt Nam là ví dụ điển mình.

Tư duy này vẫn hiện diện trong thế giới hiện đại. Mỹ đang can dự vào vấn đề Ukraine một cách mạnh mẽ để đối đầu với Nga. Tại Gaza, Hoa Kỳ đang hỗ trợ cho Israel giết hại dân thường khiến thế giới một lần nữa đặt câu hỏi có phải Mỹ chỉ muốn những quốc gia không theo phe họ “tuân thủ luật pháp và chuẩn mực quốc tế” trong khi những nước đồng minh của họ không cần làm vậy.

Kissinger (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp tại Bắc Kinh, tháng 7/2023, vài tháng trước khi ông Kissinger qua đời. Ảnh: CNS/AFP

Theo quan điểm thực dụng của Kissinger, kẻ mạnh là kẻ đúng. Thế giới ngày nay vẫn đi theo một trật tự dựa trên quy luật như vậy. Tất cả những điều này không thể bị quy cho mình Henry Kissinger nhưng ông cũng là vừa tác giả, vừa là sản phẩm của bộ máy an ninh quốc gia Mỹ mà triết lý thực dụng đó là kim chỉ nam. Vì vậy, không ngạc nhiên khi di sản mà Kissinger để lại vấp phải không ít chỉ trích, và chủ nhân của giải Nobel Hoà bình lại bị đánh giá là một “tội đồ chiến tranh”.

Dù đã chính thức rời xa vị trí lãnh đạo trong chính quyền từ rất lâu, nhiều thập kỷ qua, Kissinger vẫn có vai trò kết nối với lãnh đạo nhiều cường quốc. Ông từng nhiều lần gặp gỡ với các thế hệ lãnh đạo Trung Quốc trong đó có Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc đương nhiệm Tập Cận Bình, từng 17 lần gặp gỡ Tổng thống Nga Putin, cố vấn cho nhiều lãnh đạo quốc gia đang phát triển khác. Đây là bằng chứng chứng tỏ Kissinger vẫn là nhân vật có ảnh hưởng và là công cụ đối ngoại của Hoa Kỳ khi cần thiết, như một kênh phi chính thức nhưng có tác động không nhỏ tới ảnh hưởng của Hoa Kỳ trên trường quốc tế.

Henry Kissinger, không còn nghi ngờ gì nữa, chính là đại diện của tư duy Chiến tranh lạnh, với tư duy chính sách “bí mật” và “thực dụng” nhằm xác lập ảnh hưởng rộng lớn của Mỹ trên phạm vi toàn cầu, trong tương quan đối đầu với các nước lớn khác. Tuy vậy, phải thừa nhận rằng, dù còn nhiều ý kiến trái chiều nhau về di sản của ông, Henry Kissinger là một nhà ngoại giao và bộ óc chính trị lão luyện được cả thế giới biết đến và nhiều nhà lãnh đạo quốc gia tham vấn. Ảnh hưởng của Kissinger vẫn còn sâu đậm trong tư duy đối ngoại hiện đại ngay cả khi ông đã mất đi.■

Trọng Khang

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN