Thượng đỉnh Mỹ - Trung: Bước đầu tan băng nhưng hòa hoãn là điều không tưởng

Sau một thời gian dài căng thẳng ở mức khó có thể căng thẳng hơn, đặc biệt trong hơn một năm qua, Tổng thổng Mỹ J. Biden đã đích thân mời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Mỹ. Chủ tịch Trung Quốc đã đáp lại lời mời này. Việc Nguyên thủ của hai cường quốc đối đầu mãnh liệt đồng ý ngồi lại với nhau, bản thân nó đã là một sự kiện mang tính toàn cầu, có ý nghĩa to lớn và kéo theo sự quan tâm sâu sắc.

Đây là cuộc gặp trực tiếp thứ hai giữa hai nguyên thủ Mỹ – Trung kể từ khi ông Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ vào tháng 1/2021.

Những nhân tố thúc đẩy

Một là chính sách của Mỹ trong vấn đề Đài Loan, củng cố đồng minh ở Đông Bắc Á (Mỹ – Nhật – Hàn Quốc), đối trọng với tăng cường sức mạnh quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông và đảo Đài Loan. Quan hệ Mỹ – Trung đối đầu căng thẳng, đặc biệt sau sự kiện Mỹ bắn hạ khinh khí cầu của Trung Quốc xâm nhập vào lãnh thổ Mỹ.

Hai là cuộc cạnh tranh kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc do Mỹ khởi xướng đã gây tổn hại kinh tế cho cả hai bên. Kinh tế Mỹ và Trung Quốc trong thời điểm hiện tại đã xuống dốc nghiêm trọng, nếu không được điều chỉnh sẽ dẫn đến khủng hoảng.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị APEC tại California, ngày 15/11/2023. Ảnh: Doug Mills/NYT

Ba là thế giới biến động, trật tự thế giới thay đổi do cuộc chiến tranh Ukraine và Gaza, thế giới phân mảng, Mỹ mất dần vị thế. Trong khi Nga và Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng ở nhiều khu vực, nhiều tổ chức quốc tế mới ra đời do Nga và Trung Quốc đề xuất, đối trọng với Mỹ và phương Tây, nhất là các nước Trung Đông, Châu Phi, Châu Mỹ la tinh. Những nước này đang ngả về Nga và Trung Quốc. Đặc biệt trước sự tấn công của Mỹ và phương Tây đối với Nga trong cuộc chiến ở Ukraine đã đẩy Nga gắn với Trung Quốc để tấn công Mỹ, xóa bỏ thế giới đơn cực, hình thành thế giới đa cực.

Tuy nhiên đã đến lúc cả Mỹ và Trung Quốc đều phải xem lại chính sách đối ngoại của mình. Cả hai đều thấy cần thiết phải thay đổi chính sách đang gây nguy hại cho mình và thế giới. Cả hai đều thấy cần hạ nhiệt quan hệ song phương. Điều này đã xuất hiện từ giữa năm 2023. Việc Trung Quốc đón các tỷ phú Mỹ, tiếp đó là các chuyến đi của Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Tài chính Mỹ đến Trung Quốc đã nói lên điều đó.

Dấu hiệu của bước đầu tan băng

Thượng đỉnh Mỹ – Trung đã được tổ chức bên lề Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) vào ngày 15 tháng 11 tại vùng ngoại ô của thủ phủ San Francisco, kéo dài 4 tiếng đồng hồ. Một khoảng thời gian đủ dài để chứng tỏ tầm quan trọng của cuộc thảo luận.

Kết thúc Thượng đỉnh, cả hai phía Mỹ và Trung đều đưa ra những đánh giá tương đối đồng nhất, khác hẳn nhiều cuộc gặp gỡ trước đây, khi mỗi bên đưa ra các đánh giá đôi khi trái ngược nhau.

“Thẳng thắn và tích cực, thực chất và mang tính xây dựng về một loạt các vấn đề song phương và toàn cầu, cũng như trao đổi quan điểm về các lĩnh vực khác biệt” là những từ được cả hai bên đưa ra. Tổng thống Biden còn đánh giá đây là “những cuộc trao đổi hiệu quả và xây dựng nhất” (mà hai bên) từng thực hiện. Chủ tịch Tập Cận Bình cũng cho rằng hai nước đã có bước tiến và đạt thỏa thuận về một số vấn đề cụ thể. Hai bên đã đạt được hơn 20 đồng thuận trong các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, giao lưu nhân dân và văn hóa, quản trị toàn cầu và an ninh quân sự. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố hai nguyên thủ Trung – Mỹ đã có “cuộc trò chuyện rất tốt, rất toàn diện và sâu sắc”, khẳng định, đây là cuộc gặp thượng đỉnh “có ý nghĩa chiến lược và ảnh hưởng sâu xa”.

 – Thỏa thuận quan trọng đầu tiên mang tính mở đường cao nhất đó là sự nhất trí về đường dây nóng. Hai bên “ủng hộ liên lạc trực tiếp, rõ ràng và cởi mở”, đặc biệt việc liên lạc cấp cao trực tiếp qua điện thoại giữa hai nguyên thủ. Đồng ý nối lại liên lạc quân sự mà Trung Quốc đã chủ động tuyên bố cắt đứt sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới Đài Loan (Trung Quốc) hồi tháng 8/2022. Khôi phục liên lạc quân sự hiện là mục tiêu hàng đầu của Mỹ để tránh những hiểu lầm có nguy cơ dẫn đến xung đột quân sự giữa quân đội hai nước.

– Hạn chế xuất khẩu fetanyl. Trung Quốc đồng ý sẽ hạn chế xuất khẩu, kiểm soát các nguồn hàng xuất sang Mỹ liên quan tới sản xuất fetanyl (một chất thuộc nhóm thuốc giảm đau rất mạnh Opioid) vốn là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng sử dụng ma túy quá liều gây chết nhiều người ở Mỹ. Đổi lại, Mỹ sẽ dỡ bỏ các hạn chế, cho ra khỏi danh sách đen đối với Viện Cảnh sát pháp y của Trung Quốc.

– Hai bên nhất trí về những rủi ro có thể gây ra do trí tuệ nhân tạo và đã đồng ý sẽ để các chuyên gia thảo luận kỹ càng về chủ đề này.

Kết thúc cuộc gặp thượng đỉnh, hai phía Mỹ – Trung đã đưa ra những đánh giá tương đối đồng nhất. Ảnh: Brendan Smialowski/AFP

– Về vấn đề Đài Loan. Ông Biden khẳng định lại việc nước Mỹ tôn trọng chính sách Một Trung Quốc và các giải pháp hòa bình. Ông Tập yêu cầu Mỹ ngừng gửi vũ khí tới Đài Loan và tôn trọng việc Trung Quốc thống nhất Đài Loan một cách hòa bình.

Phía Mỹ kêu gọi Chủ tịch Trung Quốc gây sức ép với Iran để ngăn chặn cuộc xung đột Israel – Hamas không mở rộng, dùng ảnh hưởng Trung Quốc để làm giảm các cuộc xung đột trên thế giới. Mỹ – Trung thỏa thuận hợp tác về những vấn đề toàn cầu như về chống biến đổi khí hậu, vấn nạn ma túy, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp hai bên làm ăn.

Thấy gì qua những thỏa thuận đạt được

Phía Mỹ thực sự lo ngại về những hoạt động quân sự ngày càng “leo thang, khiêu khích, nguy hiểm và chưa từng có” thời gian gần đây của Trung Quốc tại khu vực Đài Loan và Biển Đông. Mục tiêu cao nhất của Mỹ là nối lại các cuộc đối thoại về quân sự và an ninh khi những căng thẳng ở khu vực Đài Loan đi kèm với những sự cố trên biển và trên không liên tục xảy ra mạnh đến mức chỉ một sự cố hiểu lầm cũng dễ dẫn đến xung đột hoặc mở màn cho một cuộc chiến tranh nóng.

Mick Mulroy, một cựu quan chức cấp cao của Mỹ, đã từng nhận xét “Trong Chiến tranh Lạnh, Hoa Kỳ và Liên Xô luôn duy trì liên lạc quân sự để tránh mọi sự cố hoặc hiểu sai có thể gây ra chiến tranh giữa [hai] cường quốc hạt nhân”.

Việc hai bên thống nhất nối lại đối thoại quân sự đã đem lại hy vọng trong việc quản lý cạnh tranh, tránh được những hành động liều lĩnh dẫn đến xung đột, đặc biệt tại “vùng đứt gãy” Đài Loan, nơi tiềm ẩn nhiều rủi ro và căng thẳng nhất và sau đó là khu vực Biển Đông.

– Tổng thống Mỹ đã làm an lòng Trung Quốc khi khẳng định lại việc tôn trọng nguyên tắc Một Trung Quốc, nhưng yêu cầu Trung Quốc kiềm chế, không can thiệp vào cuộc bầu cử sắp tới tại Đài Loan. Mặt khác, ông Biden cũng không có bất kỳ cam kết nào cho thấy Mỹ sẽ dừng việc bán vũ khí cho Đài Loan, vẫn giữ quan điểm ủng hộ Đài Loan trong trường hợp đảo này bị tấn công bằng quân sự.

Vấn đề Đài Loan vẫn là một trong những nội dung quan trọng nhất trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Trung. Hình ảnh một cuộc diễu binh quân sự ở Đài Bắc năm 2021. Ảnh: Lam Yik Fei/NYT

Việc đồng ý sẽ thảo luận sâu hơn về cấm sử dụng trí tuệ nhân tạo đối với những loại vũ khí như máy bay không người lái và kiểm soát vũ khí hạt nhân là cấp bách, đặc biệt đối với Mỹ. Thời gian qua sự tích hợp ngày càng tăng và ngày càng nguy hiểm của AI (trí tuệ nhân tạo) trong lĩnh vực quân sự bắt buộc các cường quốc hạt nhân, trong đó có Mỹ và Trung Quốc phải đặc biệt chú trọng đến việc đạt thỏa thuận trong việc duy trì khía cạnh con người quản lý và kiểm soát các vũ khí trong đó có vũ khí hạt nhân.

Đây cũng là một điểm cộng cho phía Mỹ bởi lẽ phần lớn tiến bộ mà Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đạt được trong những năm gần đây đều dựa trên trí tuệ nhân tạo. Mặt khác, xét về tầm cỡ vũ khí hạt nhân thì Trung Quốc vẫn còn xa Mỹ. Theo các nguồn tin, Trung Quốc chưa sẵn sàng cho chủ đề này, tuy nhiên họ đã đồng ý với đề nghị thảo luận về AI của phía Mỹ.

Tình hình bùng nổ ở Trung Đông đã làm Mỹ bị tiêu hao đáng kể tiềm lực về quân sự và sẽ làm suy yếu vị thế của họ ở Đông Á và châu Á. Lợi ích của Mỹ là làm sao cuộc chiến tại đây không lan rộng. Mỹ hy vọng Trung Quốc có thể tác động lên Iran để quốc gia này không tìm cách mở rộng cuộc chiến thông qua việc kích động và giúp đỡ các tổ chức chống Mỹ và Israel trong đó có Hamas.

Cũng không khó để nhận ra mục tiêu của Mỹ là nhân cơ hội này mong muốn “tách” Trung Quốc khỏi Nga và khối nước đối địch như Iran, Belarus, Triều Tiên. Thực tế , cho đến nay, Trung Quốc vẫn kiềm chế và không cung cấp vũ khí cho Nga, cho dù nhiều lần ông Tập đã gọi Nga là người bạn tốt nhất.

– Tóm lại phía Mỹ đang chơi trò chơi nước đôi thông qua việc gửi đi những thông điệp lẫn lộn. Một mặt, Mỹ bày tỏ thiện ý, trấn an, không “tách rời khỏi Trung Quốc” và “mong muốn quan hệ kinh tế phát triển theo hướng tốt đẹp”. Song vẫn thúc đẩy nhanh việc bán vũ khí cho Đài Loan, củng cố các cấu trúc quân sự ở Đông Á, tiếp tục sự hiện diện quân sự trong khu vực.

Đối với dư luận Mỹ, Ông Biden có mục tiêu tạo dấu ấn về thái độ “cứng rắn” với Trung Quốc trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống năm 2024, đáp trả lại những công kích cho rằng ông yếu đuối, đang từ bỏ mọi biện pháp cụ thể chống lại Trung Quốc.

– Với Trung Quốc, mối quan tâm hàng đầu vẫn là vấn đề Đài Loan, mở lại thị trường Hoa Kỳ cho các nhà xuất khẩu Trung Quốc, chia sẻ công nghệ của Hoa Kỳ với các công ty Trung Quốc.

Nhiều nhà quan sát nhận xét rằng lời nói và thái độ của ông Tập Cận Bình lần này dường như mang tính hòa giải hơn do vị thế Trung Quốc không còn như trước, kinh tế suy giảm và tình trạng tháo chạy vốn của phương Tây cao chưa từng có. Sự phát triển trong tương lai của nước này vẫn phụ thuộc nhiều vào Mỹ và phương Tây.

Với một sứ mệnh nặng nề như vậy, đây cũng chính là thời điểm và cơ hội cần nắm bắt để ông Tập chứng tỏ là một lãnh đạo ở tầm vóc thế giới. Ông cũng hy vọng quảng bá, tạo dựng hình ảnh một đất nước Trung Quốc thân thiện, hòa bình, hữu nghị và mong muốn thúc đẩy quan hệ với Mỹ trong bối cảnh các nhà đầu tư Mỹ và phương Tây đang rút vốn ồ ạt.

Ông nhắc lại Trung Quốc cho dù ở giai đoạn phát triển nào cũng không bao giờ tìm kiếm quyền bá chủ hay bành trướng, và sẽ không bao giờ áp đặt ý muốn của mình lên người khác, rằng Trung Quốc không tìm kiếm phạm vi ảnh hưởng và sẽ không tiến hành chiến tranh nóng hoặc lạnh với bất kỳ quốc gia nào!

Đặc biệt, ông Tập nhấn mạnh thông điệp Trung Quốc không tìm cách “vượt qua hoặc lật đổ Hoa Kỳ” và thế giới “đủ lớn để cả hai nước cùng phát triển thịnh vượng”. Một thông điệp mang quá nhiều ẩn ý của một cường quốc. Nhiều bình luận cho rằng điều này thể hiện gợi ý nắm giữ thế giới trong tay hai cường quốc.

Mặt khác ông Tập Cận Bình đang muốn giành ưu thế trên bàn cờ địa chính trị thế giới với Mỹ, đặc biệt từ khi cuộc chiến tại Trung Đông nổ ra, và khai thác cuộc xung đột này để đạt lợi ích và lợi thế trong cuộc cạnh tranh chiến lược với Mỹ khi Mỹ có dấu hiệu bế tắc tại đây.

Hòa hoãn là không tưởng

Theo các nhà khoa học chính trị, mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc mang trong nó mọi dấu hiệu cạnh tranh của hai “đối thủ lâu dài”, là vấn đề Thắng – Thua. Mâu thuẫn hai bên có gốc rễ sâu xa. Đó không phải là những tranh chấp ngoại giao đơn thuần mà là những xung đột về lợi ích được bắt nguồn từ chế độ chính trị của mỗi bên, từ vị trí địa lý, và đặc biệt là sự thay đổi về cấu trúc, khi Trung Quốc bắt đầu mạnh lên và ngang hàng, có những điểm vượt trội Mỹ. Trung Quốc đang thu hẹp khoảng cách với Mỹ và đây là yếu tố thúc đẩy sự thay đổi tầm nhìn và tư duy đối ngoại của cả hai quốc gia.

Đây thực sự là cuộc cạnh tranh địa chiến lược mà mỗi bên tìm mọi cách để áp đặt và thống trị bên kia, tuy không triệt tiêu nhau nhưng đều cố gắng vươn tới giữ vai trò thống trị toàn cầu.

Có những xung đột lợi ích được coi là làn ranh đỏ từ nhiều thập kỷ và  hầu như được định hình và tiếp tục trong chính sách đối ngoại của Mỹ và Trung Quốc. Một sự thỏa hiệp, cho dù duy nhất cũng có khả năng đem lại nguy cơ cao cho cả hai nhà lãnh đạo. Đây cũng là điểm khó căn bản cho việc triển khai chính sách can dự sâu.

Mỹ đã rút ra được bài học đau đớn từ kỷ nguyên can dự, theo đó Mỹ đã có những nhượng bộ và giúp đỡ Trung Quốc đẩy nhanh quá trình hội nhập vào chuỗi cung ứng phương Tây, chuyển giao vũ khí cho quân đội và công nghệ tiên tiến cho các công ty của Đảng cộng sản Trung Quốc, không áp đặt các yêu cầu về nhân quyền đối với Trung Quốc… giúp Trung Quốc lớn mạnh và Mỹ đã phải trả giá.

Chính vì thế, trong tư duy của các nhà hoạch định chính sách của Mỹ, việc Trung Quốc lớn mạnh, thịnh vượng và đang cố gắng vẽ lại bản đồ Đông Á, tăng cường quân sự ở Biển Đông, hỗ trợ Nga trong cuộc chiến tại Ukraine… không  đơn giản là những bất đồng về chính sách mà còn là “một cuộc tấn công nhiều mặt”, đe dọa, gây tổn hại cho nước Mỹ; cao hơn nữa có nguy cơ phá hỏng một trật tự do Mỹ xây dựng và củng cố, tấn công vào trật tự an ninh, vào an ninh của Mỹ và vào sự phát triển thịnh vượng của Mỹ trong tương lai.

Ngày nay, Hoa Kỳ không thể nhượng bộ thêm để Trung Quốc ngày càng lớn mạnh, cũng như để trục Nga – Trung Quốc sẽ “chiếm” thêm lãnh thổ, tập hợp nhiều lực lượng hơn ở Đông Á hay châu Âu. Điều này có thể trở thành mối nguy cơ đe dọa với Mỹ, đe dọa nền dân chủ Mỹ, buộc Mỹ cần phải có chính sách kiềm chế, ngăn chặn từ sớm, từ xa đối với việc hình thành các chế độ mà Mỹ coi là chuyên quyền, độc đoán, thiếu dân chủ! Mỹ cũng không thể dễ dàng để Trung Quốc tiếp tục chính sách kinh tế trọng thương của Trung Quốc và phá vỡ những gì còn sót lại của trật tự thương mại toàn cầu mở mà Mỹ dụng công xây dựng.

Với Trung Quốc, khi đã có thế mạnh về kinh tế và gây dựng ảnh hưởng chính trị toàn cầu, đặc biệt trong khu vực thì họ cũng không thể để Mỹ dễ dàng áp đảo. Trung Quốc cũng không bao giờ để Mỹ giữ vị thế dẫn đầu về công nghệ. Và cao hơn tất cả Trung Quốc không thể để “các thế lực đế quốc” làm chia rẽ và phá hủy Trung Quốc, như đã xảy ra năm 1989 làm Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa sụp đổ.

Chính sách của Trung Quốc là phải khôi phục lại những vùng lãnh thổ đã bị mất trong thế kỷ “bị sỉ nhục” (1840-1945). Với tư duy “Thế kỷ 21 là thế kỷ của Trung Quốc” họ đang quyết tâm tạo ra một vành đai an ninh rộng lớn bao gồm Đài Loan, các khu vực của Ấn Độ và hầu hết các vùng biển Hoa Đông và Biển Đông, nơi họ đã chiếm giữ phần lớn lượng dầu và thương mại. Chính vì thế Trung Quốc sẽ không bao giờ phi quân sự hóa khu vực này theo yêu cầu của Mỹ.

Đây là sứ mệnh của lãnh đạo Trung Quốc, chủ nghĩa dân tộc được đẩy lên cao nhất để chống lại can thiệp của “đế quốc bên ngoài”. Mặt khác Trung Quốc áp dụng các phương pháp kinh tế theo chủ nghĩa trọng thương để vượt lên trong chuỗi giá trị toàn cầu vốn do phương Tây, Mỹ đứng đầu.

Có thể thấy rõ là hai quốc gia cạnh tranh nhau gay gắt về những vấn đề cơ bản, lợi ích sống còn như hệ thống chính trị, an ninh, quân sự, kinh tế, vùng ảnh hưởng và vì thế mâu thuẫn không thể được giải quyết bởi các nhà ngoại giao ngồi quanh bàn đàm phán khi sự ngờ vực, nghi kỵ và thù địch đã và đang ngày càng tăng.

Theo một số nhà nghiên cứu lịch sử quan hệ quốc tế thì hàng trăm năm qua, cạnh tranh giữa các cường quốc không bao giờ kết thúc bằng việc hai bên tự nguyện kết thúc cạnh tranh để giải quyết vấn đề và tiến tới bình thường hóa quan hệ.

Sự cạnh tranh đó chỉ có thể kết thúc trong hai trường hợp: Một là có sự thay đổi về cán cân quyền lực, khi một bên yếu hẳn và không còn đủ “sức khỏe” để chống lại bên kia. Trường hợp thứ hai là cả hai bên đều cảm thấy bị đe dọa bởi một kẻ thù chung, buộc họ phải bắt tay nhau để cùng chống lại một kẻ thù. Vào thời kỳ cuối cuộc Chiến tranh lạnh, Mỹ và Trung Quốc đã tạm dừng sự cạnh tranh để “đột ngột” biến thành đồng minh trong cuộc chiến chống lại Liên Xô. Cạnh tranh Mỹ và Liên Xô cũng chỉ kết thúc khi Liên Xô rơi vào tình trạng suy thoái hoàn toàn và sụp đổ.

Quan hệ Mỹ – Trung chắc không ngoại lệ.

Nhiều nhà quan sát cho rằng những thay đổi trong quan hệ song phương Mỹ – Trung vừa qua có thể được coi là khoảng thời gian tạm dừng cạnh tranh, phút nghỉ giữa hai hiệp đấu để hai bên cùng nạp thêm năng lượng và để có cơ hội tìm ra đấu pháp mới!

Theo dự đoán, có thể trên cơ sở những bước tiến nhỏ vừa qua, Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ không để bị cuốn vào ảo tưởng nhưng sẽ cố gắng đưa ra những lựa chọn chính sách phù hợp với tình hình thực tế, tiếp tục thăm dò nhau, tiếp tục các cuộc gặp gỡ, xác định rõ những bước đi phù hợp với thực tế, chọn những vấn đề dễ giải quyết và phù hợp với cả hai bên.

Các cuộc tiếp xúc cấp cao sẽ góp phần giảm bớt căng thẳng trong quan hệ Mỹ – Trung, tuy nhiên để tiến đến hòa hoãn dường như là điều không tưởng. Hình ảnh người dân đứng bên ngoài khách sạn của phái đoàn Trung Quốc đến Mỹ dự Hội nghị thượng đỉnh APEC tháng 11/2023. Ảnh: EyePress

Từ góc độ đó, chúng ta có thể nhận định rằng những cuộc tiếp xúc cấp cao sẽ góp phần tạo ra không khí bớt căng thẳng, bình thường, tuy nhiên để tiến đến hòa hoãn là điều không tưởng. Những cuộc cạnh tranh chiến lược và có hệ thống sẽ vẫn tiếp tục trong tương lai dài bởi lẽ cả hai cường quốc quá rành rõi về ý đồ chiến lược của nhau khi lợi ích, ranh giới và phạm vi ảnh hưởng đan xen và chồng chéo.

Sự lớn mạnh của bên này có nguy cơ đe dọa bên kia và không bên nào muốn là người thỏa hiệp và nhượng bộ trước. Hơn nữa chính người đứng đầu hai quốc gia còn bị chi phối và áp lực bởi rất nhiều “các nhà hoạch định chính sách” với các xu hướng hoặc lợi ích nhóm rất khác nhau.

Tuy nhiên mối quan hệ Trung – Mỹ là mối quan hệ song phương quan trọng nhất trên thế giới, cần được nhìn nhận trong bối cảnh rộng lớn về những thay đổi toàn cầu đang ngày càng gia tăng. Trung Quốc và Mỹ “rất khác nhau nhưng hoàn toàn có thể vượt lên sự khác biệt” và việc hai nước lớn quay lưng lại với nhau không phải là một lựa chọn. “Trái đất đủ lớn để hai nước cùng thành công và thành công của nước này là cơ hội cho nước kia”. Đây là những phát biểu công khai của hai nhà lãnh đạo Mỹ – Trung sau cuộc gặp thượng đỉnh.

Chúng ta hy vọng và chờ đợi những bước đi tiếp theo bởi xu thế hòa bình và hợp tác là không thể đảo ngược và đó chính là lợi ích của cả hai bên và đem lại ổn định cho tình hình thế giới và các khu vực.■

Nguyên Mi

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN