Năm 1989, nhà báo người Mỹ Neil Sheehan[1] trở lại Việt Nam và tường thuật về chuyến đi trong phóng sự dài đăng trên tạp chí The New Yorker số ra ngày 18/11/1991[2]. Phóng sự này vẽ nên chân dung của một đất nước Việt Nam vẫn đang vật lộn với hậu quả chiến tranh. Tạp chí Phương Đông giới thiệu với bạn đọc trích đoạn về cuộc gặp của Neil Sheehan với Đại tướng Võ Nguyên Giáp mùa hè năm 1989, trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện công cuộc Đổi mới sau một thập kỷ hậu chiến hiểm nghèo, cơ cực.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tên tuổi gắn liền với chiến thắng Điện Biên Phủ, là một trong những biểu tượng sống của Hà Nội. Ông mặc bộ quân phục trang trọng màu xanh thẫm, với phù hiệu màu đỏ viền vàng trên ve cổ áo và cấp hiệu 4 sao trên vai áo. Vào mùa hè năm 1989, ông gần 78 tuổi.
Cuộc phỏng vấn chính thức diễn ra tại phòng tiếp tân của Nhà khách Chính phủ. Tướng Giáp mang theo món quà là chùm vải mà một bác sĩ từng phục vụ ở Điện Biên Phủ vừa biếu ông. Khi Tướng Giáp mở đầu cuộc phỏng vấn bằng một câu tiếng Pháp, “Nói chuyện nhé!”, tôi thấy tốt nhất là nên để ông tự kể về cuộc đời mình hơn là lại hỏi ông về những thắng bại mà ông đã trải qua.
Đầu tiên, ông kể về tuổi thơ dưới thời Pháp thuộc. Ông sinh ra trong một gia đình quan lại tỉnh lẻ. Cha ông, người theo Nho học, đã dạy ông chữ Hán. Ông nhớ lại những lúc mình ở nhà, ngồi khoanh chân đọc về Hàm Nghi, một vị Vua trẻ anh hùng đã cùng các quần thần khởi nghĩa chống Pháp vào những năm 1880, và Duy Tân, vị Vua bị Pháp phế truất vào năm 1916 vì dự định khởi nghĩa cùng những người lính Việt được Pháp tuyển mộ cho Thế chiến I. Ông ngoại của Tướng Giáp là chỉ huy quân nổi dậy ở một tỉnh trong cuộc khởi nghĩa của Vua Hàm Nghi, và mẹ ông từng kể lính Pháp đã đến truy tìm ông ngoại như thế nào. Mỗi đêm, trước giờ đi ngủ, cha ông sẽ đọc những bài thơ bị cấm. Tướng Giáp nhớ nhất một bài thơ tên là “Huế thất thủ” kể về sự kiện Pháp chiếm kinh đô năm 1883 và cướp phá nơi đây trong cuộc khởi nghĩa của Vua Hàm Nghi 2 năm sau đó. Khi Giáp đi học trung học ở Huế vào năm 1925, sách giáo khoa lịch sử cho thấy những điều ông đã học khi còn ở nhà chẳng có nghĩa lý gì. “Đất nước chúng ta là xứ Gaul và tổ tiên chúng ta là người Gaul”, Giáp đọc lại một câu trong sách giáo khoa của Pháp mà ông vẫn nhớ. “Khi nghĩ về ngày xưa, tôi không thể quên nỗi nhục mất nước”, ông nói.
Năm 1940, ông 29 tuổi và đang là giáo viên lịch sử tại một trường trung học ở Hà Nội, đồng thời là một nhà báo không chuyên có tên trong hồ sơ cảnh sát vì tham gia các hoạt động của Đảng Cộng sản và khích động tinh thần dân tộc. Sau khi Thế chiến II bùng nổ, giới chức Pháp phát động một chiến dịch đàn áp mới và ông phải trốn sang Trung Quốc. Hôm đó là ngày Thứ Sáu. Người vợ đầu trẻ tuổi của Giáp gặp ông để nói lời từ biệt bên một trong những hồ nước điểm xuyết quang cảnh thành phố. Bà bế theo cô con gái mới sinh. Giáp không dám về nhà vì phải tránh sự theo dõi của cảnh sát. Đêm đó, ông ngủ trong một quán trọ và sáng hôm sau, ông không ra ga Hà Nội mà nhảy lên xe lửa khi nó chạy trên cây cầu vắt qua sông Hồng. Ở biên giới, ông cũng làm tương tự, nhảy xuống trước khi xe lửa đến ga Lào Cai rồi đi bộ qua biên giới sang Trung Quốc. Vợ ông, cũng là Đảng viên Cộng sản, bị Pháp bắt rồi qua đời trong tù trong Thế chiến II (con gái của họ sau này trở thành một nhà vật lý hạt nhân). Giáp không về Hà Nội trong vòng 5 năm. Khi quay lại, ông là một học giả, một nhà cách mạng và đang thực tập để trở thành chỉ huy quân sự. Ông chỉ huy một đội quân du kích Việt Minh non trẻ mà ông đã thành lập ở vùng núi gần biên giới Trung Quốc, dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh, vị Chủ tịch tương lai của Việt Nam, người đã cùng ông trở về từ Trung Quốc.
“Là một giáo viên lịch sử, tại sao ông lại trở thành quân nhân? – người ta hỏi tôi thế”, Giáp nói, hơi ngả đầu ra sau và mỉm cười. “Đó là định mệnh của tôi. Với thế hệ của tôi, đó là điều bình thường”. Khi tôi hỏi có đúng là ông chưa bao giờ được đào tạo quân sự chính quy, ông cười lớn. Không lâu trước khi ông trốn sang Trung Quốc, một cán bộ Đảng cấp trên nói với ông rằng đã đến lúc khởi động một cuộc đấu tranh vũ trang. Vì vậy, ông đến thư viện lớn ở Hà Nội, đọc bách khoa toàn thư về quân sự và tìm thấy phần mô tả một quả lựu đạn và cách kích nổ. “Nó rất khó hiểu”. Bài viết về lựu đạn trong bách khoa toàn thư và sự quen thuộc với súng ngắn – loại vũ khí duy nhất mà chính quyền thực dân cho phép người Việt sử dụng để săn bắn – là “kiến thức duy nhất của tôi về vũ khí”, Giáp nói. Quân Nhật kiểm soát Hà Nội từ tháng 3 đến tháng 8/1945, khi Thế chiến II kết thúc. Sau đó, Việt Minh tiếp quản thành phố. Sau khi quân Pháp tái chiếm Hà Nội vào năm 1946, Tướng Jacques Philippe Leclerc, người đã giải phóng Paris khỏi Phát xít Đức, hỏi Giáp đã học ở trường quân sự nào. Giáp một lần nữa cười lớn khi nhớ lại câu trả lời của ông lúc đó: “Trường quân sự trong rừng”.
Giáp nói tiếp: “Người Mỹ các anh không phải lúc nào cũng đến đây để chiến đấu với chúng tôi”. Ông nhớ lại thời điểm khi ông và Chủ tịch Hồ Chí Minh từ miền rừng núi trở về Hà Nội vào tháng 8 năm 1945, một biệt đội OSS – tiền thân của CIA trong Thế chiến II mà Việt Minh đã hợp tác cùng chiến đấu chống Nhật – đã trú đóng tại tầng hai khách sạn Métropole, đối diện Dinh Thống sứ Bắc Kỳ, nơi tôi đang phỏng vấn ông. “Anh hỏi tôi có ác cảm với người Mỹ không ư?”, ông đề cập đến một trong những câu hỏi mà tôi phải gửi trước cuộc gặp. Giáp trả lời rằng người Mỹ đã từng là đồng đội của ông. “Làm sao tôi có thể ghét Thiếu tá Thomas được?” (Thiếu tá Allison Kent Thomas của OSS). “Ông ấy đã cùng tôi ở Thái Nguyên hồi chống Nhật”.
Tướng Giáp chỉ vào những cánh cửa sơn bóng dẫn sang một căn phòng khác đằng sau những chiếc ghế chúng tôi đang ngồi. Ông giải thích rằng khi đội OSS trú tại khách sạn Métropole bên kia đường, “Chủ tịch [ông luôn gọi Bác Hồ bằng chức danh này] và tôi đang ở trong tòa nhà này”. Căn phòng sau lưng chúng tôi từng là văn phòng của họ. Phòng ngủ của Thống sứ Pháp ở tầng trên từng là chỗ nghỉ của họ. “Có một cái giường to và tất cả chúng tôi ngủ trên đó”.
Họ đã không thể ở lại Hà Nội. Sự gây hấn của Pháp đã đẩy họ vào một cuộc chiến tranh toàn diện vào tháng 12/1946, và họ rút về miền rừng núi để chiến đấu suốt 8 năm nữa cho đến khi Điện Biên Phủ đặt dấu chấm hết cho cuộc chiến giành độc lập của người Việt và đưa họ trở về Hà Nội trong khúc khải hoàn. “Thế đấy, lịch sử không phải là một đường thẳng, mà giống như một đại lộ”, Giáp nói. “Từ đây lên rừng, rồi quay về đây, rồi lại lên rừng, rồi lại về đây”.
Vị trí hiện tại của Tướng Giáp, Phó Thủ tướng phụ trách Khoa học – Kỹ thuật, không phải là chức danh gì lớn, nhưng nó đem lại cho ông một vai trò trong tiến trình thay đổi đang dần tăng tốc ở Việt Nam kể từ khi những người theo tư tưởng cải cách giành được ưu thế trong Đại hội Đảng VI cuối năm 1986. Lúc này, những biểu tượng, những hình bóng của quá khứ vẫn còn đó. “Đất nước chúng tôi giống như một người bệnh lâu ngày”, Giáp nói. “Các nước xung quanh đã đạt được nhiều tiến bộ. Còn chúng tôi lại có chiến tranh”. Ông nói người Việt cần thay đổi cách suy nghĩ, cần giáo dục lớp trẻ về khoa học và công nghệ để đưa đất nước tiến lên, nhưng rồi ông nhấn mạnh rằng đây không phải là lời kêu gọi đầu tiên về canh tân đất nước. Ông đọc một câu trong bài thơ yêu nước quen thuộc thời thanh niên: “Nhật nhật tân, hựu nhật tân”[3].
Để từ biệt, Phó Thủ tướng phụ trách Khoa học – Kỹ thuật hôn lên hai má Susan theo cung cách của một quý ông châu Âu lịch thiệp thời xưa và rời đi với vị thế của một tướng quân đội – bước xuống bậc thang phía trước tòa nhà, nơi chiếc xe Volga Liên Xô màu đen đã chờ sẵn. Theo sau ông là một cận vệ trẻ và đoàn tùy tùng, trong đó có một bác sĩ bởi ông có vấn đề về tim.
Quá trình thay đổi mà Giáp nói đến được gọi là “đổi mới”. Chủ đề này chi phối hầu như tất cả các cuộc thảo luận; cuộc sống ở Việt Nam được chia thành “trước đổi mới” và “sau đổi mới”. “Say sưa chiến thắng” là cụm từ người Việt sử dụng để miêu tả lối tư duy của các nhà lãnh đạo cấp cao trong suốt một thập kỷ sau sự sụp đổ của chế độ Sài Gòn năm 1975.
Người Việt Nam đã trải qua một thời kỳ khó khăn về kinh tế sau chiến tranh với Mỹ. Nam Việt Nam, khi tồn tại như một thực thể riêng biệt từ năm 1954 đến năm 1975, luôn là một xã hội nhân tạo sống nhờ vào Hoa Kỳ. Chế độ Sài Gòn trước đây không bao giờ kiếm được nhiều hơn một khoản tiền nhỏ từ xuất khẩu, nhưng lại nhập khẩu hàng trăm triệu đô la hàng tiêu dùng mỗi năm, tất cả đều do Washington chi trả. Ngoài ra, Hoa Kỳ đã vận chuyển hàng triệu tấn gạo miễn phí. Viện trợ quân sự của Hoa Kỳ cũng là một nguồn thu nhập khác dưới dạng nguyên vật liệu, chẳng hạn như xăng có thể được trích ra và bán. Khi chiến tranh tăng tốc vào năm 1965, nền kinh tế của miền Bắc cũng nhận được hỗ trợ từ bên ngoài – bởi Trung Quốc, Liên Xô và các nước Đông Âu – và người dân sẵn sàng chịu đựng chế độ tem phiếu và đời sống thiếu thốn để giành chiến thắng.
Viện trợ của Mỹ cho miền Nam đã chấm dứt chỉ sau một đêm với chiến thắng của Cộng sản vào tháng 4/1975. Miền Nam phải tiếp tục tồn tại mà không có viện trợ của Mỹ. Trong khi đó, phần lớn vùng nông thôn ở miền Nam đã bị tàn phá; đất đai phải được khai hoang và làng mạc phải được xây dựng lại. Hơn nữa, chiến tranh đã tạo ra những vấn đề to lớn về con người: các thành phố và thị trấn với những khu ổ chuột đầy rẫy người tị nạn; hàng trăm ngàn cựu chiến binh của quân đội Sài Gòn nay thất nghiệp; một tệ nạn nghiện heroin phải mất nhiều năm mới dập tắt được.
Sự đứt gãy viện trợ kinh tế nhanh chóng trở nên trầm trọng thêm. Khi kẻ thù Hoa Kỳ bị đánh bại, mối thù địch lịch sử giữa Việt Nam và Trung Quốc lại trỗi dậy. Hai Chính phủ đã cãi vã nghiêm trọng về sự ủng hộ của Trung Quốc đối với chế độ Khmer Đỏ của Pol Pot ở Campuchia, và Trung Quốc đột nhiên cắt đứt mọi viện trợ vào mùa xuân năm 1978. Người Việt bị cuốn vào hai cuộc chiến tranh nữa khiến họ càng bị cô lập hơn. Vào cuối năm 1978, không thể chịu đựng thêm các cuộc tấn công của Pol Pot ở biên giới phía Nam, Việt Nam đã đánh sang Campuchia để lật đổ ông ta. Trung Quốc trả đũa bằng cách phát động một cuộc xâm lược biên giới phía Bắc của Việt Nam. Sau đó, Hoa Kỳ đã cùng Trung Quốc tổ chức một cuộc tẩy chay kinh tế đối với Việt Nam. Nhật Bản cũng như hầu hết các nước Tây Âu ngừng viện trợ. Dưới áp lực của Hoa Kỳ, các tổ chức cho vay quốc tế – Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á, Quỹ Tiền tệ Quốc tế – đã từ chối các khoản vay tái thiết Việt Nam.
Người Việt Nam ghi nhận những khó khăn ngoại sinh và mong muốn những chính sách bất lợi này sẽ chấm dứt, nhưng họ không cho rằng đó là nguyên nhân chính của những khó khăn kinh tế mà họ đang phải đối mặt… Việt Nam không nao núng trước cuộc xung đột với Trung Quốc và những cuộc chiến tranh mới mà họ phải chiến đấu. Suy cho cùng, họ đã đánh bại được kẻ thực dân châu Âu và quốc gia tư bản vĩ đại nhất trên trái đất.
Việt Nam tự coi mình là “tiền đồn của chủ nghĩa xã hội ở Đông Nam Á”. Ở miền Bắc, đất nông nghiệp đã được tập thể hóa thành hợp tác xã, nơi nông dân canh tác theo đội. Năm 1978, tập thể hóa được mở rộng ra đất nông nghiệp ở miền Nam và chủ nghĩa tư bản hầu như bị xóa bỏ trên toàn quốc. Tất cả các ngành đã được quốc hữu hóa và được Ủy ban Kế hoạch Nhà nước tại Hà Nội điều hành theo cơ chế tập trung cứng nhắc, phỏng theo mô hình kinh tế Cộng sản kinh điển do Stalin vạch ra ở Liên Xô trong những năm 1930. Các giám đốc nhà máy được chỉ thị phải sản xuất cái gì, sản xuất bao nhiêu, bán sản phẩm cho ai và giá cả ra sao. Họ được cung cấp nguyên liệu thô với chi phí thấp vì được trợ giá (nguyên liệu thô do Liên Xô và các nước Đông Âu cung cấp, những nước này vẫn tiếp tục viện trợ). Ví dụ, thép do Liên Xô sản xuất được đưa vào các nhà máy ở Việt Nam với giá tương đương giá trứng vịt trên thị trường địa phương. Công nghiệp nặng được chú trọng hơn việc sản xuất hàng tiêu dùng. Lương của giám đốc nhà máy được xác định dựa trên số lượng công nhân mà ông ta có, chứ không căn cứ vào hiệu quả của nhà máy. Thước đo thành công của một giám đốc nhà máy là khả năng đạt được chỉ tiêu sản lượng hàng năm. Nếu nhà máy đó bị thua lỗ, nhà nước sẽ chịu trách nhiệm xử lý các khoản nợ. Mục tiêu của quốc gia là đem lại hạnh phúc cho tất cả những công dân xứng đáng (tiêu ngữ của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là “Độc lập, Tự do, Hạnh phúc”). Không ai phải chịu đói, vì mọi người đều có thể đến một cửa hàng nhà nước và mua một khẩu phần gạo hàng tháng với mức giá thấp vì được Chính phủ trợ giá. Họ được chăm sóc y tế miễn phí tại các bệnh viện và trạm xá.
Chỉ riêng trợ cấp gạo đã vô cùng tốn kém. Một quan chức ước tính rằng chi phí mỗi năm cao gấp ba lần so với chiến tranh ở Campuchia. Các cửa hàng nhà nước cung cấp khẩu phần gạo hàng tháng với giá 50 đồng một cân, bằng với giá gạo ở miền Bắc Việt Nam vào năm 1956. Trong khi đó, giá gạo trên thị trường tự do đã tăng gấp mười lần, từ 500 đến 600 đồng một cân. Chính phủ phải trợ cấp phần chênh lệch, nhưng việc kiếm gạo còn khó hơn vì sản lượng gạo ở miền Nam sụt giảm sau khi quá trình tập thể hóa được mở rộng ở đó vào năm 1978. Nông dân không có động lực để sản xuất; sản lượng gạo họ được giữ sau thu hoạch đã giảm xuống còn khoảng 20%. 80% còn lại buộc phải bán cho Chính phủ với giá thấp hơn giá thị trường – một nỗ lực nhằm cắt giảm chi phí trợ cấp – và cho “địa chủ đỏ” như cách gọi chế giễu của nông dân đối với những viên chức hưởng lương điều hành các hợp tác xã. Thiên tai do bão và sâu bệnh, đặc biệt là ở miền Trung Việt Nam và đồng bằng sông Hồng, những vùng thiếu gạo triền miên, đã làm vấn đề trầm trọng thêm. Nhà nước đành phải dùng đến ngoại tệ mạnh quý giá để nhập khẩu gạo từ Ấn Độ và các nước châu Á khác.
Máy móc và các sản phẩm công nghiệp nặng khác mà các nhà máy Việt Nam sản xuất ra đều quá lỗi thời hoặc quá kém chất lượng, không thể bán ra nước ngoài lấy ngoại tệ mạnh mua hàng tiêu dùng. Viện trợ của Liên Xô cho Việt Nam, trị giá khoảng 2 tỷ đô la mỗi năm trong những năm 1980 (viện trợ kết thúc vào tháng 01/1991, gần một năm trước khi nhà nước Liên Xô sụp đổ vào tháng 12), không hướng đến người tiêu dùng. Phần lớn là viện trợ quân sự. Viện trợ dân sự chủ yếu bao gồm vật liệu sản xuất, vật liệu và hỗ trợ kỹ thuật cho các dự án quy mô lớn như xây dựng nhà máy thủy điện. Và vì nhiều nhà máy của Việt Nam chỉ là những công trình vô ích nên nhiều khoản viện trợ của Liên Xô đã bị lãng phí.
Lê Duẩn và các đồng chí của ông nghĩ rằng họ đang “xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Như Liên Xô và các quốc gia Đông Âu đã phát hiện ra, khối bê tông của chủ nghĩa xã hội đã sụp đổ do sự kém hiệu quả cố hữu trong hệ thống và do hệ thống này mâu thuẫn với bản chất con người.
Đến năm 1986, khi Lê Duẩn qua đời, nền kinh tế Việt Nam đã bên bờ vực sụp đổ và có một cuộc khủng hoảng niềm tin của công chúng vào năng lực lãnh đạo của Đảng. Lạm phát mất kiểm soát ở mức 600% đến 700% một năm. Đồng tiền mất giá theo từng tháng, tỷ giá hối đoái chính thức là 1.500 đồng đổi một đô la, trong khi tỷ giá chợ đen là 5.000. Các cửa hàng không còn hàng tiêu dùng. Người dân xếp hàng dài tại các cửa hàng gạo của nhà nước để lấy khẩu phần gạo hàng tháng vì hệ thống kho vận cũng sụp đổ, gạo thường không có sẵn. Một kỹ sư hóa học người Nga làm việc cho Liên hợp quốc đã bay từ Hà Nội đến Thành phố Hồ Chí Minh cùng một phái đoàn gồm các quan chức cấp cao của Việt Nam vào năm đó. Ông đã rất ngạc nhiên khi thấy những quan chức cấp cao này, tất cả đều là Đảng viên, mang theo những bao gạo trên đường trở về vì gạo trên thị trường tự do ở Hà Nội đắt gấp năm lần. Mặc dù người dân không chết đói như ở châu Phi, nhưng tình trạng đói kém và suy dinh dưỡng đã trở thành mãn tính ở đồng bằng sông Hồng và miền Trung Việt Nam.
Những nhà cải cách đã thắng thế đúng lúc tại Đại hội Đảng VI vào tháng 12/1986 (Đảng Cộng sản Việt Nam họp toàn thể khoảng 5 năm một lần). Nguyễn Văn Linh, một người miền Bắc đã chiến đấu ở miền Nam trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đã được bầu làm Tổng Bí thư. Đổi mới và sự tỉnh táo sau cơn say chiến thắng đã bắt đầu.
Người Việt Nam tự hào rằng họ là nước đầu tiên trong số các nước xã hội chủ nghĩa trước đây tiến hành cải cách kinh tế mạnh mẽ để chuyển đổi hệ thống sang nền kinh tế thị trường tự do. Vào năm 1987 và 1988, trong khi Mikhail Gorbachev vẫn đang cố gắng cứu vãn nền kinh tế tập trung không thể cứu vãn nổi của Liên Xô bằng công cuộc cải tổ (perestroika), trước khi cơn địa chấn của sự đổi thay và các chính sách thị trường tự do “liệu pháp sốc” được áp dụng ở Ba Lan và các nơi khác ở Đông Âu, người Việt Nam đã đang trên đường đổi mới.
Chế độ phân phối và trợ giá cho gạo và tất cả các mặt hàng khác đã bị bãi bỏ. Người dân được thông báo rằng họ sẽ phải mua những gì họ cần trên thị trường mở. Chủ nghĩa tư bản đã được hợp pháp hóa và kinh tế tư nhân được khuyến khích. Đồng tiền được tự do tìm kiếm giá trị thực của nó; tỷ giá hối đoái nhân tạo đã bị chấm dứt và đồng tiền Việt Nam được phép thả nổi ở mức xấp xỉ tỷ giá chợ đen. Để chống lạm phát bằng cách thu hẹp nguồn cung tiền, Chính phủ đã ngừng in tiền. Biên giới được mở cửa cho giao dịch; luật đầu tư nước ngoài tự do được thông qua để cố gắng thu hút vốn từ các quốc gia tư bản phương Tây và châu Á. Nông nghiệp được phi tập thể hóa. Người nông dân được trả lại đất theo hợp đồng mười lăm năm, được cấp để đổi lấy số lượng gạo được xác định ngay từ đầu, tương đương với thuế đất ở một quốc gia phương Tây. Sản lượng còn lại của vụ thu hoạch thuộc về người nông dân để bán cho bất kỳ ai mà họ muốn.
Mô hình kinh tế của Stalin đối với công nghiệp cũng chịu chung số phận với chính sách tập thể hóa. Khoảng bốn mươi dự án công nghiệp lớn – một trung tâm sắt thép mới, một nhà máy chế tạo máy kéo, một nhà máy chế tạo máy móc hạng nặng – đã bị bỏ mặc. Trọng tâm được chuyển sang công nghiệp nhẹ và hỗ trợ nông nghiệp và sản xuất hàng tiêu dùng. Chính sách kế hoạch hóa tập trung được thu hẹp đáng kể. Các giám đốc nhà máy được thông báo rằng họ phải tự lo liệu – rằng họ sẽ phải quyết định sản xuất gì, tìm kiếm khách hàng, mua nguyên liệu thô theo giá thị trường rồi kiếm lợi nhuận hoặc phá sản.
Đến mùa hè năm 1989, giá cả đã ổn định, các cửa hàng đã bày bán nhiều loại hàng hóa, lạm phát đã giảm từ mức 600%-700% của năm 1988 xuống mức dự kiến là 25% trong năm, sản lượng gạo tăng đáng kể và Việt Nam đã có thể xuất khẩu gạo với số lượng lớn lần đầu tiên kể từ những năm 1930.■
Neil Sheehan
Thanh Trà (dịch)
Chú thích:
[1] Neil Sheehan (1936 –2021) là nhà báo kỳ cựu người Mỹ chuyên đưa tin về cuộc chiến ở Việt Nam. Năm 1971, khi đang là phóng viên tờ The New York Times, Sheehan đã có được Hồ sơ Lầu Năm Góc do Daniel Ellsberg cung cấp, từ đó tiết lộ lịch sử bí mật của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ về sự can dự của Mỹ ở Việt Nam qua loạt bài viết gây chấn động. Với loạt bài này, tờ New York Times đã nhận được Giải thưởng báo chí Pulitzer vào năm 1972. Neil Sheehan cũng đã được trao Giải thưởng Pulitzer và Giải thưởng Sách quốc gia Hoa Kỳ cho cuốn sách A Bright Shining Lie (Sự lừa dối hào nhoáng) viết năm 1988, kể về cuộc đời của Trung tá John Paul Vann và cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam.
[2] Năm 1992, phiên bản đầy đủ hơn của phóng sự này được in thành sách mang tựa đề After the War was Over (Sau khi chiến tranh kết thúc).
[3] Nghĩa là “ngày ngày mới, lại ngày mới”. Có lẽ Tướng Giáp muốn nhắc đến “Bài ca chúc Tết thanh niên” của cụ Phan Bội Châu. Đầu xuân năm 1927, học sinh trường Quốc học và trường Nhà Dòng Huế đến mừng thọ Phan Bội Châu 60 tuổi. Cụ làm bài thơ này để đáp từ. (ND)