Nhà cách mạng Đinh Trọng Liên

Nhà cách mạng Đinh Trọng Liên, hay còn được gọi là giáo Trung, là một người con yêu nước xuất thân từ huyện Trực Ninh, Nam Định. Từ một nhà giáo dạy học, giáo Trung – Đinh Trọng Liên đã tham gia vào nhiều phong trào cách mạng đầu thế kỷ XX như Đông Du, Việt Nam Quang phục hội. Sau những năm hoạt động ở cả trong và ngoài nước, ông đã bị thực dân Pháp bắt giam và hy sinh anh dũng ngay tại quê hương Nam Định vào cuối năm 1916. Tạp chí Phương Đông trân trọng giới thiệu tới bạn đọc bài viết về ông trên Tạp chí Tổ Quốc số 317, tháng 8/1977.

Giáo Trung tên thật là Đinh Trọng Liên, tức Hồng Việt, con ông kinh lịch[1] Đinh Duy Trinh và bà Nguyễn Thị Tâm, sinh năm 1862[2] ở làng Trừng Hải, nay thuộc xã Liêm Hải, huyện Nam Ninh, tỉnh Hà Nam Ninh[3]. Ông dạy học ở nhà ông Hàn Lĩnh, một yếu nhân lãnh đạo Phong trào Đông Du (1904-1909). Sẵn có tấm lòng yêu nước, giáo Trung trở thành đồng sự thân thiết của Hàn Lĩnh. Giáo Trung hoạt động trong các vụ tống tiền bọn tham quan ô lại, bọn cường hào trọc phú lấy tiền phục vụ cho các du học sinh. Năm 1907 do ông Tú Triết bí danh là Đoàn Thám Hải dẫn đầu, nhóm xuất dương trú ở hiệu thuốc Nam Thuy sinh, phố khách Nam Định bị bắt, tiếp đến ông Hàn Lĩnh cũng bị bắt và bị chém. Ông giáo Trung trốn sang Xiêm La, ở Băng-cốc, hoạt động trong Việt Nam Quang Phục hội, sau vụ đánh đồn Tà Lùng (1915), ông bị giặc Pháp bắt đem về nước.

Ngôi nhà số 7 phố Bến Ngự, TP Nam Định, từng là nơi tụ họp của các chí sĩ yêu nước, là nơi liên lạc tập trung đưa các chiến sĩ ra nước ngoài hoạt động vào đầu thế kỷ XX. Ảnh: báo Lao Động

Giáo Trung còn có người chị gái là Định Thị Giong[4], lấy Trương Như Cương, đại thần của triều Nguyễn, rất thân Pháp[5]. Năm 1907, thực dân Pháp định truất Thành Thái, đưa Trương Như Cương làm Quốc trưởng. Với ý định dùng tình cảm mua chuộc, dụ dỗ, chúng đưa giáo Trung về nhà vì ông còn mẹ già và vợ trẻ, chưa có con. Từ trên xe bước xuống, giáo Trung ung dung, bình thản nhìn xóm làng với cặp mắt trìu mến song đầy cương nghị. Mẹ ông gào khóc, vợ ông khuyên can nhưng ông thong thả thưa với mẹ rằng:

“Không diệt được giặc thì chết, đằng nào cũng chết có một lần, mẹ còn anh cả và em con phụng dưỡng, mong mẹ nén nỗi sầu thương để cho con được vẹn lòng trung với nước”.

Mẹ ông xin với bọn lính cho làm một mâm cơm để ông cúng vong hồn ông thân ra ông. Ông đến trước bàn thờ lạy bốn lạy, quay ra ông lạy mẹ già, nhìn người vợ trẻ lần cuối cùng rồi thong thả theo bọn lính giải về Nam Định.

Trước khi bước lên xe, ông quay mặt nhìn lại quê hương lần chót rồi ngâm một bài thơ:

           Trời Xiêm hoạt động đã bao đông

           Vì nước gian lao chẳng đổi lòng

           Tựa cửa mẹ già mong cánh nhạn

           Phòng không vợ trẻ nhớ mong chồng

           Hiến thân nghĩa nặng không đền đáp

           Duyên lứa tình sâu xé dải đồng

           Sống chưa diệt được loài hung tặc

           Thác xuống tuyền đài vẹn chữ trung.

Phiên tòa Hội đồng quân sự Bắc Kỳ họp lần thứ nhất từ ngày 17 đến ngày 20/10/1916 xử những người hoạt động cách mạng của ta bị bắt ở Xiêm La về với các tội đánh đồn Tà Lùng và âm mưu báo động vũ trang lật đổ Chính phủ. Chúng tuyên 5 án tử hình, trong đó có giáo Trung, 3 án đi đày.

Trương Như Cương (1850-1926), một đại thần thân Pháp của nhà Nguyễn, bố vợ của Vua Khải Định, anh rể của Đinh Trọng Liên. Ảnh: Wikipedia

Thực dân Pháp thi hành bản án tử hình này vào lúc 6 giờ sáng ngày 6/11/1916 trên miếng đất bãi tập ở thành phố Nam Định. Chúng chọn địa điểm này vì bị can chính là giáo Trung quê ở Nam Định, là một tỉnh có nhiều trí thức yêu nước, để có một tác dụng uy hiếp tinh thần hơn là ở Hà Nội. Trước mũi súng của quân thù, 5 chiến sĩ cách mạng vẫn hiên ngang coi cái chết như không. Tên chánh mật thám Bắc Kỳ được phái đi Nam Định thị sát vụ hành hình đã báo cáo: “Những người bị án bước ra pháp trường một cách bướng bỉnh, thuốc lá trên môi, nhất là giáo Trung ngậm thuốc lá ở miệng cho đến phút cuối cùng”. (Hồ sơ vụ án Đinh Trọng Liên tức giáo Trung, Phòng Thống sứ Bắc Kỳ, số 73.115)

Xác các liệt sĩ bị đem chôn ở bãi tha ma cánh đồng Mỹ Trọng. Chỉ qua một đêm, sớm ngày hôm sau, câu đối đã cắm đầy xung quanh các ngôi mộ mới. Dưới đây xin giới thiệu một đôi mới sưu tầm được:

Sơn hải chi cừu chi nệ, tư quốc tư dân khảng khái đại danh cao xuất thế. Trung nghĩa chi nhân chi tâm tại Tiêm tại Nhật lẫm nhiên chính khí đái trường thiên.

Tạm dịch: Thù giận núi sông, nhớ nước nhớ dân, khảng khái tiếng tăm lừng cõi thế. Lòng người trung nghĩa ở Xiêm, ở Nhật rõ ràng chính khí sánh trời cao.■

Xuân Quang

 

Chú thích:

[1] Kinh lịch: chức quan lại nhỏ giúp việc các quan tỉnh thời phong kiến và Pháp thuộc, BTV

[2] Một số nguồn khác ghi là năm 1882, dường như hợp lý hơn, BTV

[3] Hiện nay là xã Liêm Hải, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định, BTV

[4] Có nguồn ghi là Đinh Thị Duyên, BTV

[5] Trương Như Cương (1850 – 1926) là đại thần theo Pháp của nhà Nguyễn vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Ông là thân phụ của bà Trương Như Thị Tịnh, vợ đầu tiên của Vua Khải Định từ khi ông chưa lên ngôi, BTV

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN