Bóng người Yên Thế

Từ Hố Chuối đến Đồn Gò – Giang sơn Đề Thám

Vào thời điểm năm 1935, do sự kiểm soát gắt gao của người Pháp, ít ai dám công khai nhắc đến “Hùm thiêng Yên Thế” Hoàng Hoa Thám như một vị anh hùng dân tộc. Nhà văn Thạch Lam, dưới bút danh Việt Sinh, có lẽ là một trong những người đầu tiên. Để thực hiện phóng sự lịch sử “Bóng người Yên Thế” (đăng trên tuần báo Ngày nay các số 8, 9 tháng 4/1935), ông đã về thăm lại những nơi trước kia từng là “giang sơn” của Đề Thám, tìm gặp lại những nhân chứng cuối cùng đã gắn bó với người anh hùng Yên Thế.

Vùng Yên Thế: một vùng hiểm trở, toàn đồi, toàn những rừng rậm tối tăm, những bụi cây gai góc, những ngàn lau sắc và những nội cỏ mênh mông mà mỗi khi gió đến, ngả nghiêng rập rờn như sóng chiều trên mặt bể ngoài khơi. Chỗ đó, trước đây đã là một chỗ chiến trường cho những cuộc đánh giết nhau ghê gớm, cho những trận chạm gươm giáp mặt, những cuộc lẩn lút trốn tránh nguy nan. Máu người đã vấy trên cây cỏ của cả một vùng. Bây giờ, người chiếm cứ giang sơn ấy không còn nữa. Một buổi sáng lờ mờ, lạnh lẽo, trong rừng ở đồi Gò, Đề Thám với hai tên tướng đã bị giết một cách bất ngờ, vì mấy nhát cuốc nặng bổ vào đầu[1].

Hai mươi năm qua

Trong vùng yên tĩnh ấy, chỉ thấy từng quãng xa, những đồn binh lính đóng trong những cái lô cốt trơ trọi trên đỉnh đồi. Chung quanh, người dân lại yên lặng cúi mình trên những thửa ruộng màu, bình tĩnh thong dong làm công việc ngoài đồng.

Nhưng không biết, trong cái không khí yên hòa ấy – những người trước kia đã từng cùng Đề Thám xông pha nguy hiểm, những họ hàng thân thích đã vì ông ta mà phải trốn tránh gian nan, không biết những người ấy bây giờ thế nào?

Tôi lên Yên Thế, chủ ý chỉ cốt biết rõ cái cảnh sinh hoạt bây giờ của những người ấy, những người mà trong lòng mang một cái quá khứ nặng nề, mà cái kỉ niệm một thời Đề Thám còn rõ rệt như xưa.

Ông Hoàng Văn Vi

Cô Hoàng Thị Thế thì ai cũng biết, vì cô nổi tiếng trong khi đóng trò chớp bóng ở bên Pháp. Nhưng còn một người, một người quan trọng nhất trong gia đình Đề Thám mà không ai nói tới, có khi người ta cũng không biết đến nữa.

Người ấy là Hoàng Văn Vi[2], con trai – riêng người con còn sống đến bây giờ – của ông chủ vùng Yên Thế xưa. Ông ta hiện giờ ở Bắc Giang, sống một đời bình tĩnh như mọi người thường.

Khi gặp ông, tôi thật lấy làm lạ lùng. Một người thiếu niên chậm chạp, nói năng nhỏ nhẹ như sợ hãi cái gì. Khi ông cất mũ chào, tôi thấy cánh tay lên xuống một cách rụt rè, e ngại – một vẻ lễ phép quá độ và không được tự nhiên như người thường.

Chân dung ông Hoàng Văn Vi (hay Hoàng Hoa Phồn), con trai của Đề Thám, trên bìa báo “Ngày nay” số 8, năm 1935.

Nhưng không phải cái bề ngoài đó là hình ảnh của bề trong. Người tinh ý tất nhận thấy trên nét mặt, trên cái trán rộng rãi và sáng sủa, cái nghị lực và cái can đảm khác người. Thỉnh thoảng, đôi mắt tia sáng, một cái cử chỉ bỗng nhiên nhanh nhẹn, đủ tỏ cho ta biết cái dòng giống mạnh mẽ xưa không mất. Ông vui vẻ cùng tôi nói chuyện. Nghe tôi nhắc tới Đề Thám, đến cái thời chinh chiến xưa, ông trầm ngâm nghĩ ngợi, đôi mắt mơ màng như theo đuổi một hình ảnh xa xăm nào trong quá khứ…

Tôi ngỏ lời muốn biết cái thân thế ông ta, một cái thân thế chắc là nhiều nỗi gian truân, khổ sở. Ông nói:

– Mà thế thật. Đời tôi không được bình tĩnh như người thường. Tôi ra đời năm 1908, trong lúc cha tôi đang cầm cự với nhà nước. Bấy giờ, thế quân đã yếu, thường cứ phải trốn tránh luôn, nay đóng chỗ này, mai đóng chỗ khác. Đẻ tôi[3] cũng theo thầy tôi ở trong trại, sinh hạ được hai người con: chị tôi là Hoàng Thị Thế và tôi.

Người vú nuôi tôi có kể lại cho tôi biết cái đêm tôi ra đời chính là một đêm hãi hùng, lo sợ. Đêm ấy, ngày mồng hai tháng Mười, sau một trận to, thầy tôi lui quân đóng ở Phồn Xương. Trong trại quân nhung, đẻ tôi không muốn cha tôi và quân lính, vì một người đàn bà mà bận lòng, nên nửa đêm, lẻn ra ngoài trại, đến gốc cây dẻ, chính mình lại đỡ đẻ cho mình. Rồi từ đây làm một mưu sĩ và một người tướng xông pha tên đạn, đẻ tôi cũng không có lúc nào bận đến con thơ nữa. Vì vậy, ngay sau khi đẻ, giao tôi cho một người quen là bà Lý Chuột ở cùng làng.

Hoàng Hoa Thám khoảng năm 1900. Ảnh: Pierre Dieulefils
Bà Ba Cẩn, vợ ba của Đề Thám, cùng con gái Hoàng Thị Thế khi bị quân Pháp bắt năm 1909. Ảnh: Pierre Dieulefils

Giọng ông Vi trở nên cảm động:

– U nuôi tôi thương tôi hơn con đẻ. Vì tôi mà chịu bao nhiêu nỗi long đong, khổ sở. Năm tôi lên một, có người con rể làm Lý trưởng lẻn ra tỉnh báo, nhà nước sai lính về bắt tôi, u nuôi tôi cùng mấy người con. Nhưng hỏi thế nào, u nuôi tôi cũng cứ nhất định một mực nhận tôi làm con đẻ. Người ta đã bắt người con trai u nuôi tôi, năm ấy 17 tuổi, bỏ vào rọ lăn qua đám chông gai, u nuôi tôi chỉ ứa nước mắt mà lắc đầu. Sau cùng lắm, không biết làm thế nào, họ đưa tôi và u nuôi tôi đi khắp đó đây, tỉnh này sang tỉnh khác, đến những người quen biết thầy tôi trước để hỏi xem tôi có giống thầy tôi không.

Nhưng may lúc bấy giờ tôi lại giống u nuôi tôi lạ[4]. Vì thế, nên sau khi đi chán các nơi, họ cũng đành lại để u nuôi tôi ẵm tôi trở về làng. Suốt mấy năm được yên ổn. Người con rể đi báo trước, thầy tôi bắt trói ngược lên cây gạo toan chém. Nhưng sau vì u nuôi tôi xin mãi, nên thầy tôi cũng tha. Thỉnh thoảng có một vài người tây đến thăm tôi và cho tiền, còn không có gì khác.

Đến mãi khi tỉnh Thái Nguyên vỡ, tôi lên 7 tuổi, người ta mới lại bắt lên tỉnh, giao cho ông Án Giáp Bắc Giang nuôi và cho tôi đi học ở trường tỉnh. Mỗi bước đi là có hai người lính đi kèm, họ sợ tôi trốn, mà lúc ấy còn bé, tôi đã biết gì. Như thế, ở nhà ông Án được năm, sáu năm…

Tôi chợt hiểu vì sao ông Vi lại có những cách cử chỉ rụt rè, e lệ, những lễ bộ phiền phức và ủy mị, che hẳn tính cách con người. Sáu năm ở nhà quan, người ta đã ép ông vào khuôn phép, đã bắt buộc ông học tập những cái khúm núm, sợ hãi. Nhưng cái bản tính thiên nhiên mạnh mẽ và hùng cường đã không chịu để cho bao năm khuôn phép làm mờ.

– Đến năm lên 12, người ta cho tôi ra học trường Bách Nghệ ở Hà Nội. Vào đến trường, trông thấy cái máy chạy, tôi thích quá, nhất định xin theo học ban máy móc. Nhưng không hiểu tại sao, người ta lại không nhận lời xin ấy, cứ ép tôi học về đằng thợ mộc. Tôi không nghe, người ta hết sức dỗ dành, cả một ông giáo trong trường cũng dỗ dành tôi nữa. Tôi phải học vậy. Ở trường được ba năm, chịu cũng nhiều nỗi khổ sở mà tôi chẳng muốn kể với ông làm gì. Năm tôi 16 tuổi, vì một sự phạt cỏ vê[5], tôi bèn nói với chị tôi xin quan Thống sứ cho về quê làm ruộng…

Một vẻ buồn thoáng hiện qua trên mặt, một đường răn nổi qua trên trán cao:

– Được ít lâu, tôi ra tỉnh này ở. Nhưng ở đây, cái không khí thật là khó chịu. Người chung quanh đối với tôi đều ra vẻ hững hờ, lãnh đạm. Có khi họ đem giọng mỉa mai, chế nhạo mà giễu tôi. Tôi cũng biết nhân tình thế thái bây giờ không đáng chấp làm gì, nhưng thật tôi cũng không ngờ người mình đối với tôi không bằng được người tây. Đó là một sự tôi lấy làm buồn.

Ông Vi nói xong nhìn khói thuốc lá mơ màng. Tôi lặng yên, trong lòng tự nhiên như uất ức cho những nỗi bất bình, những cái nhỏ nhen đè nén trên cái đau đớn của một thân thể đáng thương. Sau cùng, tôi mỉm cười hỏi:

– Ông đã có vợ, con chưa?

– Đã. Tôi lấy con gái ông Thống Luận, một người quen thầy tôi trước, sau ra thú. Bây giờ tôi được ba người con… Cảnh gia đình cũng đề huề…

Bà Lý Chuột và ông Thống Luận

Đi vào làng Trũng, nơi sinh trưởng của Đề Thám. Con đường đất đỏ chúng tôi theo chạy dài uốn khúc bên cạnh đồi, quanh co trong những bụi cây gai rậm.

Trời nắng gắt. Tất cả cánh đồng lóe bụi, đất ruộng trắng mà khô khan, xơ xác mấy luống khoai lang và thầu dầu đủ tỏ vùng này là một vùng nghèo. Mấy quả đồi trơ cỏ, mấy lũy tre thưa yên lặng dưới ánh nắng, phong cảnh thật là đìu hiu, buồn tẻ lạ lùng. Thỉnh thoảng, mấy cái cầu treo của con sông đào in lên nền trời xanh biếc cái hình thẳng thắn của những cột sắt vuông, đem đến cho vùng này một cái vẻ bình an, yên tĩnh.

Theo con đường ruộng nhỏ hẹp, ông Vi đưa tôi đến một cái làng nhỏ ở ven đồi: làng Trũng, nơi sinh trưởng của Đề Thám. Làng trông tiều tụy. Bao nhiêu năm qua không đủ che lấp được những dấu vết tàn phá, những hố sâu đầy cỏ, những u đất lở, những tường đất tan tành. Qua lũy tre xơ xác, tôi nhận thấy mấy dãy nhà tranh lụp xụp, tối tăm.

Cái cổng gạch đầu làng chỉ còn trơ một mảng tường rêu phủ. Gần đấy, ông Vi giơ tay chỉ một thửa ruộng mạ xanh non, giọng nói âm thầm cảm động:

– Đây là cái nền nhà cũ của thầy tôi trước, bây giờ chỉ còn có thế này…

Tôi chưa kịp trả lời, bỗng thấy trong làng đi ra một người đàn bà nhỏ bé, mặc áo đổi vai, đội cái nón quai thao, hai tua đen rủ xuống bên tai. Ông Vi vui mừng hiện ra nét mặt, reo lên:

– Chính đây rồi! U nuôi tôi đây, ông ạ!

Rồi ông nhanh nhẹn tiến lên trước mặt người đàn bà, lễ phép ngả mũ chào.

– Con đã vào đấy ư, con?

Tiếng nói trong và giọng nói âu yếm. Bà Lý Chuột bỏ cái nón quai thao cầm ở trên tay. Tôi thấy một bà cụ đã già, trên mặt đầy những vết răn reo. Nhưng khuôn mặt đều, nét mặt tươi, đôi môi ăn trầu cắn chỉ đủ tỏ bà lúc trẻ hẳn là một cô gái đẹp. Hai mắt tinh nhanh, nhiều nét rắn rỏi trên trán cao làm tôi không lạ lùng gì mà ngờ rằng người đàn bà nhỏ bé kia, trong bộ quần áo nâu cũ vá nhiều màu, đã là người có cái can đảm hơn người, có cái quá khứ mạo hiểm nguy nan đến thế. Bà không chút e ngại, cất tiếng sang sảng như tiếng đồng:

– Tôi thật khổ vì nó đây – chỉ ông Vi – ông ạ. Thôi thì đủ các nỗi long đong vất vả. Lúc nó còn ẵm ngửa thì bị bắt. Nào giam cầm trong ngục, nào tra khảo đứa con tôi, nào đưa đi khắp tỉnh này tỉnh khác để nhận mặt. Nhưng tôi cứ một mực nhận nó là con đẻ.

Khi vào ông tuần ở Bắc Giang, ông ta mắng: “Nhà bà này thật là một thúng gan chắc. Đã 7, 8 đứa con rồi, mà còn dám nhận đứa bé này là con nữa. Có khôn hồn thì nói thật đi cho ta biết”. Tôi giả nhời: “Nhiều con hay ít là tại trời, chứ tôi làm thế nào. Đứa bé này chính là con tôi thật, ông muốn làm gì cũng không bắt được tôi không nhận nó”.

Mà họ chẳng làm gì tôi được thật. Rồi họ bảo tôi đưa nó vào chủng đậu. Tôi thấy lính bưng ra một thùng nước, không biết nước gì trăng trắng như sữa, định để tắm. Rồi họ lấy một cái dùi to bằng ngón tay nung đỏ trên ngọn lửa, đem dí vào cánh tay, em nó đau quá khóc thét lên. Tôi thương quá, lúc bấy giờ chẳng còn biết sợ là gì nữa, liều nhảy vào giằng em nó ra và kêu: “Các ông giết chết con tôi rồi, còn gì. Đừng đánh lừa tôi nữa, không phải chủng đậu như thế đâu, tôi biết. Rồi tôi cứ lăn lộn, kêu khóc ầm lên. Sau cùng, giam chán, họ lại để mẹ con tôi về…

Tôi nhận thấy mỗi khi bà cụ nói đến tên Vi, giọng nói lại trở nên âu yếm, xót thương vô hạn. Bà nhìn tôi rồi lại đưa mắt nhìn ông Vi như mẹ nhìn con yêu. Không có cái sức mạnh gì có thể làm lay chuyển được cái lòng hi sinh và trung thành của những người này.

Bà Lý Chuột, mẹ nuôi ông Hoàng Văn Vi đang kể lại chuyện cũ cho phóng viên nghe. Ảnh trên báo “Ngày nay” số 8 năm 1935.

Bà đội nón lên đầu, hỏi ông Vi:

– Con đi đâu bây giờ?

– Con đưa ông này vào chơi ông Thống Luận rồi sang Lang Cao hỏi ông Cai Cờ và ông Lĩnh Chiêu.

– Thế con đi nhé. Khi về rẽ vào nhà chơi. U còn bận lên làng trên xin mấy cái cây đây.

Rồi bà ta nhanh nhẹn quay đi, khuất sau rặng tre.

Chúng tôi vào nhà ông Thống Luận, tức là người bố vợ ông Vi, nhưng người nhà nói ông đi chơi Hà Nội từ sớm. Vẻ nhà ra nhà một người phong phú: sân gạch, cây mít, trong căn nhà lối cổ, đầy bàn ghế, án thư gụ, la liệt bao nhiêu câu đối, bức hoành, then vàng chói lọi. Trên một cái bàn phía trong, một bức ảnh to lồng khung kính vẽ một người còn trẻ mặc áo đại trào, mũ cánh chuồn, tay cầm hốt ngà[6] trịnh trọng. Cũng như ông Đề Thám xưa xưng hùng một cõi, nhưng sau ra thú, được phong và từ đó khởi nên cơ nghiệp giàu có nhất làng.

Tôi chợt nghĩ đem so sánh cái đời hiện tại phong lưu, sung sướng của ông này, và cái đời giản dị, nghèo nàn của bà Lý Chuột kia. Một bên khôn khéo biết lợi dụng thời thế để lập công, một bên cương quyết theo cái chí của mình, không sờn lòng, không thay đổi.

Rồi cái hình ảnh người đàn bà nhỏ bé trong bộ áo nâu cũ vá nhiều màu lại thoáng hiện ra trước mắt…

Vợ chồng ông Cai cờ

Rời bỏ làng Trũng, chúng tôi đi về phía Lăng Cao, làng của ông cụ già Giáp Văn Phúc, Cai cờ của Đề Thám trước, người đã từng dự nhiều cuộc chém giết bên mình Đề Thám. Sau khi Đề Thám thất bại, ông ta cũng bị bắt đi đày Guyane, và được tha về sau hồi Thái Nguyên vỡ một ít lâu.

Từ Lăng Cao đây trở đi cho đến Phồn Xương, Hố Chuối, rừng đồi hiểm trở, đây mới thật là chỗ chiến địa của Đề Thám, chính trong vòng này, quân của ông đã đắp thành lũy chống cự với quan quân.

Càng đi vào sâu trong vùng này, tôi thấy cử chỉ của Vi càng thay đổi. Không còn phải là người thiếu niên rụt rè, lễ phép như trước nữa. Hoàn cảnh đã nhắc cho ông bao nhiêu thủ đoạn của ông cha. Điệu bộ ông trở nên mạnh mẽ, nhanh nhẹn khác thường. Cái chỗ rừng đồi này mới đáng là chỗ ông sinh hoạt.

Lăng Cao là một cái làng nhỏ. Qua mấy cái ngõ quanh co, ông Vi đưa tôi tới một văn nhà lá ba gian lụp xụp có vẻ điêu tàn. Một ông cụ già từ trong nhà bước ra, tay để lên mắt che nắng, khi nhận thấy ông Vi lộ vẻ vui mừng. Ông cai cờ bây giờ đã già rồi. Năm nay 76 tuổi, râu tóc bạc phơ, mặc bộ quần áo nâu cũ kỹ, đầu đội cái mũ ni. Nhưng là một ông cụ già đẹp, nét mặt rắn rỏi, tỏ người có nghị lực nhiều.

Ông mời chúng tôi vào nhà. Trong nhà bày biện thật sơ sài. Mấy cái phản kê liền nhau, trước cái ban thờ mộc đã xiêu vẹo. Trên vách đất, tôi thấy treo dưới ba cái tranh Tàu, một bức ảnh đã mờ: có Hoàng Thị Thế mặc đầm. Cái hình ảnh cô con gái Đề Thám chắc còn rõ rệt trong lòng những người này. Ông Cai cờ ngồi thu hình trên giường, một lũ trẻ xúm quanh nhìn chúng tôi như lấy làm lạ lùng lắm. Tôi nhận ra những đứa trẻ này đều có vẻ lanh lợi, bướng bỉnh cả.

Thỉnh thoảng, ông cụ lại cất tiếng ho. Người bây giờ yếu lắm, gần điếc cả hai tai, lại hỏng mất một mắt, vì một cái câu tre đập vào. Thấy cái máy ảnh tôi để trên giường, ông cầm lấy ngắm nghía kỹ lưỡng, rồi quay lại hỏi ông Vi:

– Cái này có phải là cái ống nhòm không nhỉ?

Chúng tôi bảo không phải rồi ra hiệu cho ông biết là cái máy ảnh.

Ông Vi ngồi sát bên cạnh, ghé tai hỏi một cách thân yêu:

– Anh vẫn được bình an đấy chứ? Lâu nay em bận, thành thử không về luôn thăm anh được.

Rồi chỉ vào tôi nói:

– Có ông này muốn biết rõ khi trước anh theo thầy em đánh trận ra làm sao, anh kể cho ông ấy nghe đi…

Ông Cai cờ đưa mắt nhìn tôi trả lời, tiếng nói to như tiếng nói của những người điếc:

– Ấy, tối hôm qua, tôi vừa nằm mộng thấy quan tôi đấy. Ở đây, năm nào chúng tôi cũng nhớ ngày cúng giỗ, ngày mồng Tám tháng Giêng. Lắm lúc ngồi, tôi cứ phảng phất như thấy hình bóng người ở bên mình, lại nhớ đến cái hồi tuổi trẻ sức lực có nhiều…

Ông thở dài.

– Nhưng cũng đã lâu lắm rồi… hơn hai mươi năm, còn gì nữa. Bây giờ, tôi vừa già lại vừa yếu, sinh ra lẫn cẫn, những chuyện trước lâu ngày cũng chỗ nhớ, chỗ quên, không được rành mạch lắm…

Rồi chuyển ra giọng buồn rầu:

– Bây giờ thì chỉ còn đợi chết mà thôi, còn làm được việc gì nữa…

Ông Giáp Văn Phúc, Cai cờ của Đề Thám, bị đi đày ở Guyane rồi sau được tha về. Ảnh trên báo “Ngày nay” số 9 năm 1935.

Tôi đưa mắt nhìn cái quan tài mộc kê ở góc tường. Đây là cái nhà cuối cùng của cụ, công việc của cụ bây giờ chỉ còn nghĩ đến cái chết và sắp sửa đón lấy nó một cách yên lặng, bình tĩnh nữa mà thôi.

Cái ý nghĩ ấy và cái cảnh nghèo nàn tiều tụy của căn nhà lá này, những đồ đạc không đáng tiền, những trẻ con rách rưới, làm cho tôi thoáng buồn. Nếu chỉ được sống một cái đời nghèo khổ như thế này, thì xưa kia xông pha tên đạn, mạo hiểm nguy nan để làm gì?

– Kìa cậu Hai xuống chơi nhà em bao giờ thế?

Bà Cai ở ngoài bước vào, ngồi trên cái võng gian bên cạnh. Ông Vi lễ phép trả lời:

– Em vừa mới xuống. Chị đi đâu về mà em không thấy?

– Tôi ở cánh đồng về. Ở nhà quê bây giờ nghèo túng lắm, cậu ạ. Làm thì không ăn thua gì, mà không làm thì không có cái ăn. À, có tin tức gì của cô ở bên ấy không, cậu? Độ bao giờ thì cô ấy về.

– Cũng sắp sửa về, chị ạ.

Tôi hỏi:

– Cô Thế có bao giờ về đây chơi không?

Bà Cai đưa mắt quanh nhà như muốn nhắc cái cảnh tiều tụy, nghèo nàn rồi đáp:

– Cô ấy về thế nào được chỗ này. Chúng tôi chỉ mong cho cô ấy được sung sướng là đủ. Vả cô ấy đi từ thuở nhỏ, bây giờ giá có gặp tôi cũng chả chắc nhớ nào…

Nói đến đây như nhớ lại cái ký vãng ngoài hai mươi năm về trước, bà Cai đôi mắt long lanh, cất tiếng nói sang sảng:

– Tôi còn nhớ những ngày theo “quan lớn tôi” ở trong trại, thật lắm bữa gian nan khổ sở. Cứ mỗi bận bỏ thành là một lần chạy lạc lõng. Lần nào tôi với bà Ba cũng phải dắt cô nhà ta (cô Thế) đi trốn…

– Thế còn những bà khác? Ông Thám có những 4 vợ kia mà?

– Bà cả và bà hai lúc bấy giờ còn đâu nữa. Chỉ có bà tư thì mãi sau này mới lấy. Bà này hiền lành nhất, hiện bây giờ còn sống. Bà ba thì thật là người can đảm.

Mỗi lần nhắc tới Đề Thám, giọng bà Cai lại trở nên kính cẩn vô cùng.

Tôi hỏi:

– Kể những trận đánh nhau, trận nào to nhất?

– Đánh nhau thì nhiều lắm, nhưng kể ra thì chỉ có trận Hố Chuối, Nắng Hom, Cao Thượng và ở Thuông là lớn nhất. Chúng tôi là đàn bà – trừ bà ba thì ở mặt trận, ở sau trận, tuy không được trông rõ, nhưng cứ nghe tiếng súng đạn thì đủ biết. Thật lúc bấy giờ mạng người không coi vào đâu hết…

– Đánh nhau đã nguy hiểm thế thì ông bà theo quan Thám làm gì?

– Người làng chúng tôi đây trước nhiều kẻ cường hào lắm. Chúng tôi bị người ta ức hiếp không trông vào ai được, nên phải đến cầu cứu với “quan lớn” chúng tôi mới được yên đấy.

Tôi ngỏ ý muốn chụp một bức ảnh ông Cai và bà ta làm kỷ niệm. Nghe thấy hai tiếng chụp ảnh, bà vùng đứng dậy chạy lại cầm lấy tay tôi khẩn khoản:

– Thôi, em xin ông đừng chụp. Có chụp, xin chụp ông em một cái thôi. Còn em là đàn bà đã già rồi, xin ông miễn cho, đừng để ý đến làm gì.

Tôi nói thế nào nhất định bà ta cũng không chịu:

– Bây giờ cậu Vi đây có công ăn việc làm, cô Thế cũng mạnh khỏe, thế là vợ chồng chúng em mừng, không cầu gì nữa. Thỉnh thoảng về chơi như thế này là quý rồi…

Rồi bà cứ nhất định mời chúng tôi ở lại ăn cơm. Tôi cũng phải nhất định từ chối, và trong lúc ấy, chụp bà ta một bức ảnh.

Sang đồn Gò…

Chúng tôi sang đồn Gò để tìm xem trên những dãy đồi trùng điệp ấy còn có những dấu tích gì còn lại của một thời Đề Thám xưa.

Đến đây, nội cỏ mênh mông và bụi rậm bắt đầu nhường chỗ cho những khu rừng rậm rạp, cây cối sầm uất, um tùm. Rừng dẻ và rừng lim, sắt chen lẫn nhau, những cây chò cao vút, thân cây thẳng và trắng kẻ nổi lên trên cái nền xanh đen của muôn vàn thứ lá rườm rà…

Ở trong những bụi cây như thế, một người ẩn núp thì trăm người cũng khó mà sục tìm được. Mà nếu người ấy lại nấp trong bụi bắn ra những người ở ngoài, nếu người ấy lại là một tay thiện xạ, thì một khẩu súng, một cái nỏ, một trăm viên đạn hay một trăm cái tên tẩm thuốc độc, có thể chống cự mà không sợ thua với 50 người lính giỏi ở ngoài. Cái sức mạnh của Đề Thám là ở chỗ đó.

Chợ Gò, căn cứ địa của Đề Thám, sau khi bị quân Pháp chiếm và đặt bốt gọi là Cassanova, lấy tên một Trung sĩ Pháp chết trong cuộc chiến ở đây. (Ảnh phục chế màu)

Những đoạn đánh giết nhau kịch liệt chính đã xảy ra ở dải đồi này…

Mà cũng chính trong khu rừng rậm ở đồi này đã kết liễu một cách khốn nạn không ngờ cái đời mãnh liệt của ông chủ Yên Thế.

Người ta cho là số mệnh. Vì trong trận Nhật Lệ cuối cùng, còn có một thầy với hai trò, mà ngoài quân lính vây trùng điệp, đốt cỏ cho chết cháy, thế mà trời mưa tắt lửa, thế mà Thám ra thoát vòng vây như không…

Mấy tên quân của Đường Tam Kỳ sang, Thám đã nghi rồi, sao lại còn trù trừ không giết? Mà buổi sáng ấy ở trong rừng Thám xưa nay nằm ngủ không che mặt bao giờ, hôm ấy lại kéo chăn trùm kín, để đến nỗi mấy tên quân kia vác cuốc đến mà không biết. Thật Thám đã chịu một cái chết tối tăm, không đáng chút nào cho người xưa nay hằng xông pha tên đạn.

Chắc hẳn cũng nghĩ thế, ông Vi nét mặt buồn rầu, khi chúng tôi rẽ cỏ trèo lên đỉnh đồi Gò. Mặt trời đã xế chiều… Bóng nắng nằm ngang, lướt qua dãy đồi; dưới thung lũng đã mờ mờ tối.

Lên đến trên đồi, chúng tôi dừng lại: lẫn các bụi cây rậm rạp, chỉ còn một dải lũy thành bằng đá ong, nhiều chỗ lở nát. Trong lũy, một khu đất phẳng cỏ mọc, vôi gạch tung bừa bãi… mấy cái nền, mấy bậc thang… Tất cả một thành cũ, bây giờ chỉ còn có thế thôi. Một cảm giác buồn rầu, lạnh lẽo mà buổi chiều lại làm lạnh lẽo thêm như thấm thía vào trong người… Tôi lặng yên nhìn ông Vi! Ông ta đứng sững bên bờ thành, mắt đăm đăm như nhớ lại những sự gì đau đớn, xót thương…

Cơn gió chiều đưa đến, rặng lau khô và sắc cùng nhau xào sạc, trên tường thành, như rầm rì kể lại những chuyện bí mật và ghê sợ ngày xưa… Bóng mây chiều bỗng che rợp dãy đồi… Tôi tưởng như bóng người Yên Thế lẩn quất đâu đây mênh mông, rộng rãi, như ôm ấp cả một vùng…■

Việt Sinh

 

Chú thích:

[1] Hiện vẫn còn những giả thiết khác nhau về cái chết của Hoàng Hoa Thám. Có giả thiết cho rằng ông qua đời vì bệnh tật, và không phải mất vào ngày 10/2/1913, BTV

[2] Ông còn có tên là Hoàng Hoa Phồn do được sinh ra tại đại bản doanh Phồn Xương, BTV

[3] Bà vợ ba Đề Thám

[4] Bây giờ thì trông nét mặt ông lại giống nét mặt Đề Thám (xem ảnh ngoài bìa).

[5] Phạt cỏ vê: phạt lao động cực khổ, BTV

[6] Hốt: Tấm thẻ lớn, thời cổ làm bằng tre, sau làm bằng ngà voi, các quan cầm ở tay khi vào triều, muốn tâu điều gì với vua thì viết lên tấm hốt đó, BTV

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN