Phan Thanh Giản dưới mắt người Pháp qua vài tài liệu

Từ hiệp ước 1862, cho đến khi Thượng tướng La Grandière sáp nhập nốt ba tỉnh miền Tây Nam kỳ, Phan Thanh Giản (1796-1867) đã giữ một vai trò chính yếu trong các sự giao thiệp giữa triều đình Huế và người Pháp: ông đã đại diện triều đình để ký Hiệp ước 1862, ông đã cầm đầu một phái bộ qua Pháp để điều đình về những vấn đề liên quan tới hiệp ước ấy; được cử làm Kinh lược ba tỉnh miền Tây Nam kỳ, ông đã phải đương đầu với chính sách bành trướng rất hoạt động của La Grandière. Tất nhiên, Phan Thanh Giản đã là một trong những vị quan Việt Nam tiếp xúc nhiều nhất với người Pháp, và vài sĩ quan Pháp đã tường thuật lại một số những cuộc tiếp xúc này. Các tài liệu ấy cho phép chúng ta được biết người Pháp đã nhìn Phan Thanh Giản ra sao.

1. Cuộc đời của Phan Thanh Giản, tóm lược bởi E. Luro

Eliacin Luro tới Nam kỳ năm 1864 và sống ở đây cho tới năm 1876. Ông điều khiển Sở tư pháp bản xứ dưới thời Thống đốc Dupré, và được giao phó nhiệm vụ tổ chức Trường tập sự (Collège des Stagiaires), có mục đích đào tạo những vị tham biện của nền hành chánh của thuộc địa Nam kỳ (Inspecteurs des Affaires Indigènes). Trong tác phẩm Le pays d’Annam” của ông, nói về sự tổ chức xứ Việt Nam của triều Nguyễn, ông đã dẫn Phan Thanh Giản làm điển hình cho quan lại Việt Nam.

“Ở Pháp, người ta chỉ còn nhớ chút đỉnh tới phái bộ An Nam hướng dẫn bởi Phan Thanh Giản đến Paris vào năm 1863. Nhân vật này đã giữ một vai trò quan trọng trong sự bang giao giữa hai quốc gia. Vài chi tiết về đời sống và tính nết của ông ta sẽ làm nổi bật cốt cách cao thượng và đạo đức cổ xưa thường được đôi khi tượng trưng bởi các đại sĩ phu của xứ An Nam.

Phan Thanh giản là con trai của một viên chức hành chánh nhỏ. Thân sinh ông, vì cấp trên thất sủng, bị kết án khổ sai, và vì thế phải làm những sưu dịch nặng nhọc nơi tỉnh lỵ. Phan Thanh Giản, tuy mới lên 12 tuổi, không muốn rời thân phụ; ông theo cạnh cha khắp nơi, để chia sẻ các khổ não cùng thân phụ, và giúp sức thân phụ trong các khổ dịch phải làm. Lòng hiếu tử của ông chẳng bao lâu được để ý, vì đấy là đức hạnh mà dân tộc này tôn trọng rất nhiều. Các quan tỉnh vời ông tới để chất vấn, và lấy làm kinh ngạc trước trí thông minh sớm sủa của ông: ông được lệnh thụ huấn quan Đốc học, với hi vọng được thấy giảm bớt hình phạt của cha mình. Thiếu niên này hứa theo lòng mong muốn ấy và giữ lời: vài năm sau, ông đậu một cách vẻ vang các khoa thi cử nhân, và lên đường tới Huế để dự trường thi Tiến sĩ.

Cho tới bấy giờ, xứ Nam kỳ vẫn chưa sản xuất được một vị Tiến sĩ nào cả. Các bài thi của Phan Thanh Giản phi thường đến nỗi mà nhà Vua, sau khi đã đọc những bài này, muốn đích thân sát hạch ông. Minh Mạng hài lòng với các lời đáp ứng của ông, giao phó cho ông một chức vụ thân tín. Vị Tiến sĩ trẻ tuổi được nâng lên chức quan hàm chánh nhị phẩm mau chóng; sau đó, ông được cử làm Phó Ngự sử. Tuân thủ đạo Nho, ông kính cẩn dâng lên nhà Vua những lời trung cáo mỗi khi ông tin là Hoàng đế nhầm lẫn. Minh Mạng là một vị Đế vương chuyên chế thực sự, tự cho là không khi nào lầm lỗi. Vị Tiến sĩ của chúng ta bị liên lụy quá nhiều bởi sự quan tâm của ông đối với các lợi ích của quốc vương; sau khi đã bị trừng phạt nhiều lần vì lòng trung thực của ông, rốt cuộc ông bị tước đoạt quan hàm và chức vị, và được sung vào các đội quân tiền phong khi bấy giờ chinh chiến trong tỉnh Quảng Nam.

Báo Pháp “La Dépêche Coloniale Illustrée” vẽ chân dung cụ Phan Thanh Giản khi còn trẻ (Hình trong sách “Vĩnh Long Nhân vật chí” xuất bản năm 1925)

Phan Thanh Giản phục tùng sự trừng phạt ấy với một lòng đại độ hiếm có. Mặc quần áo một binh quèn, ông đi hàng đầu, làm gương dũng cảm và tuân trọng kỷ luật cho tất cả mọi người. Không bao lâu, ông được tướng sĩ cảm phục và quân đội kính nể. Nhà Vua, sau khi giác ngộ sự phẫn nộ bất công của mình, triệu ông về, và dưới các triều vua kế vị Minh Mạng, ông được nâng lên tới những chức quyền quốc gia đại dụng nhất.

Khi chiến tranh bùng nổ giữa nước Pháp và nước An Nam, ông là người độc nhất dám khuyến hòa, nhưng vô hiệu. Tới lúc triều đình Huế bị đưa tới đường cùng, chính ông là người mà nhà vua giao cho trách nhiệm thương lượng.

Phan Thanh Giản ký kết hòa ước và nhờ sự khéo léo ngoại giao của ông, đạt được sự qui hoàn tỉnh Vĩnh Long. Khi đó, ông được phái làm sứ giả tới Paris và sau khi trở về, được cử làm quan Kinh lược ba tỉnh ở phía Tây thuộc địa của chúng ta.

Khi chúng tôi biết ông, ông là một cụ già bệ vệ, có phong độ trang nghiêm, trông cao nhã và tri xảo.

Nhân vật xuất chúng này đã hiểu từ lâu là không thể chống cự nước Pháp được, và xét rằng vô ích tiếp tục một sự chiến đấu trong đó chỉ có máu người An Nam chảy. Ông mong mỏi hòa ước sẽ được thi hành một cách trung trực, và đồng bào của ông sẽ trở nên học trò của chúng ta, và như là môn đồ của văn minh của chúng ta.

Các ước vọng của những tinh thần cao thượng ấy ít khi được thực hiện; không một nền văn minh nào hấp thụ một nền văn minh khác mà không bị những chấn động sâu rộng, những sự đấu tranh kéo dài và đau đớn. Chính phủ Pháp chán ngán các sự công kích không bao giờ chấm dứt khởi đầu từ ba tỉnh miền Tây, mặc dầu có nhiều cố gắng của Phan Thanh Giản, chán ngán lòng ngoan cố càng ngày càng gia tăng của triều đình Huế, mới sáp nhập ba tỉnh ấy vào xứ Nam kỳ thuộc Pháp.

Phan Thanh Giản không kháng cự vì ông hiểu là hoàn toàn vô ích. Ông ra lệnh hiến thành cho quân đội Pháp và được tuân theo. Nhưng trung thành với quân vương, và để tự trừng phạt về điều mà sức ông đã không thể ngăn cản, ông từ chối các đề nghị trọng hậu của kẻ thắng, và với thái độ bình thản của một cổ nhân La Mã, uống thuốc độc.

Vị kinh lược ba tỉnh, với một tinh thần thung dung cho tới phút cuối cùng, chết trong một căn nhà tranh nghèo nàn trong đó ông đã sống suốt thời gian ông cầm quyền, muốn bằng lối sống ấy nêu cho mọi người cái gương vong kỷ, bần cùng và liêm khiết trong sự thi hành những chức vụ cao quí nhất.

Thân thế phi thường mà tôi vừa tóm tắt lại ấy chứng tỏ là đạo Khổng cũng có thể sản xuất những nhân vật mà chính các triết gia khắc kỷ trứ danh nhất cũng sẽ không phủ nhận…”.

Luro, Le pays d’Annam”, Paris, 1897, tr. 101-104.

2. Hồi ức của Đại tá Hải quân Rieunier (Tháng 9/1873)

Cuối tháng 6/1863, một phái bộ Việt Nam gồm 3 sứ giả và 66 người tùy tùng, cầm đầu bởi Phan Thanh Giản và hộ tống bởi Đại úy hải quân Rieunier, rời Huế lên đường sang Paris để đề nghị với chính phủ Pháp mua lại ba tỉnh Nam kỳ mà triều đình Huế đã phải nhường cho Pháp với Hiệp ước Sài Gòn năm 1862. Khi ấy, các cuộc viễn chinh xa xôi không được tán thành cho lắm ở Pháp vì chúng được coi là làm nặng thêm các sự thiếu hụt của ngân sách quốc gia mà không đưa về một lợi ích cụ thể nào. Trong số những nhân vật kêu gọi sự trả lại ba tỉnh miền Đông Nam kỳ cho triều đình Huế có Trung tá Hải quân Aubaret, là người hiểu biết nhiều về Viễn Đông. Nhưng Henri Rieunier, một sĩ quan đã tham dự các cuộc viễn chinh ở Trung Hoa và ở Nam kỳ từ 1857 tới 1863, là một trong những người chống đối dự án triệt binh của Pháp ra khỏi Nam kỳ. Tháng 9/1873, trong lời tựa viết cho cuốn sách “Les premières années de la Conchinchine” của Paulin Vial, Rieunier có một đoạn nói đến cụ Phan như sau:

“… Sống trong bốn tháng gần vị lão thành cao thượng ấy, chúng tôi có thể đánh giá các đức tính của ông ta… Và hồi tưởng lại lúc ấy, tôi còn thấy ông ngạc nhiên trước những điều xảy ra trên đại hải trình từ biển Nam Hải tới Toulon; trong thời gian vượt biển này, ông không ngớt được khuyến khích bởi lòng ái quốc nhiệt thành của ông, và thúc đẩy bởi nguyện vọng thực hiện được công chuyện hữu ích cho nước nhà…

Trung úy Hải quân Pháp Henri Rieunier, người đưa Sứ đoàn Phan Thanh Giản từ Sài Gòn sang Pháp năm 1863. Ảnh do Disdéri chụp năm 1863.

… Chúng tôi còn nhớ là, trong ba trường hợp mà cảnh tượng thiên nhiên kỳ diệu hay hùng tráng còn hiến thêm phần hứng thú, gần quần đảo Krakatow… gần cù lao Périm… và trong eo biển Messine… quan sứ thần tư lự tới ngồi cạnh chúng tôi trên cầu chỉ huy của tầu Européen, và khơi chuyện về mục đích của sứ mệnh của ông. Chúng tôi khuyên can ông đừng có những mộng ảo về sự chuyển nhượng lãnh thổ mà chúng ta đã chinh phục, nhưng hứa ông sẽ được tiếp đón rất nồng hậu ở Pháp. Sau đó, chúng tôi đàm đạo về tương lai của xứ sở của ông, về khả năng của dân tộc xứ ấy, và về những lợi ích mà cả dân chúng và quan lại sẽ hưởng được của nền văn minh của chúng ta. Hơn bất cứ ai trong đồng bào của ông, ông kính trọng giá trị của nền văn minh ấy. Và ông luôn luôn chấm dứt câu chuyện bằng lời nói này: “Vẫn còn phải đợi, nhưng cho tới khi ấy hai quốc gia chúng ta sẽ không kém giao hảo”…

Paulin Vial, Les premières années de la Conchinchine, colonie française”, Paris, 1876, tr. 11-13.

[…]

3. Cái chết của Phan Thanh Giản

Trung tá Ansart gửi Tổng Tham mưu trưởng Reboul

Vĩnh Long, 4/8/1867

Đại tá thân mến,

Chúng tôi đã đạt đến chung cục bất hạnh của tấm bi kịch tự độc sát của Phan Thanh Giản. Ông ấy đã chết tối hôm qua, và thi hài của công đã được đưa ra ngoài thành sáng nay. Ông ấy sẽ được mai táng ở Kebon (cố hương của Phan Thanh Giản) trong vài ngày sắp tới đây.

Chúng tôi không khỏi bị xúc động nhiều vì sầu cảm trước cái chết của vị lão thành phi thường ấy, và tôi chắc rằng sầu cảm này sẽ được chia xẻ bởi tất cả những ai được biết ông ta. Ông ta đã tự tử với một ý chí quả quyết lạ lùng. Sau khi đã chuẩn bị thể xác cho sức tàn phá của độc dược bằng một sự giảm thực kéo dài hơn 15 ngày, ông bình tĩnh trù liệu mọi điều, cho mua quan tài của ông và tang phục cho gia thất và đầy tớ, sắp đặt tang lễ cho tới những chi tiết nhỏ nhặt nhất và trối lại cho con cái ông những lời khuyên khôn ngoan và chính trực. Ông khuyến khích họ nên ở lại với người Pháp, nhưng không nên nhận một chức vụ nào của Pháp cả. Họ phải sống trong đất đai của họ, với tư cách những người chuộng hòa bình, ngay thực mà qui phục nước Pháp, không bắt tay vào chính trị ngoài sự khuyên nhủ hoà bình và cần lao khắp mọi nơi. Còn đối với các cháu nội của ông, không bị ràng buộc bởi cùng những lý do bất tham dự, ông dặn dò phải nhờ người Pháp chăm nom chúng và, vài ngày trước khi thi hành quyết định trí mệnh của ông, ông bày tỏ với tôi ý muốn giao cho tôi vài ngàn quan để đài thọ các phí tổn cho sự giáo dục các đứa trẻ này ở Saigon.

Khi ấy tôi không hiểu ý nghĩa của các lời nói của ông, mà chắc Cha Marc đã thấu rõ nếu Cha không vắng mặt, và mọi người đều tin tưởng rằng cha Marc cùng tôi sẽ có đủ ảnh hưởng đối với ông để khuyên can ông đừng thi hành quyết định tự tử. Nhưng số mệnh đã xen vào; tôi đã không hiểu tí gì về những lời của ông, được nói với tôi qua miệng của một viên thông ngôn.

Chánh sứ Phan Thanh Giản tại Paris năm 1863. Ảnh chụp của Disdéri. Nguồn: Flickr manhhai

Khi Cha Marc đến đây, Phan Thanh Giản không còn đả động đến quyết định tuyệt vọng của ông nữa. Sáng mùng một tháng 8, ông hợp thức hoá vài văn kiện liên quan tới ấp Công giáo. “Gấp lên, các người”, ông nói. Vào lúc 11 giờ, ông uống thuốc độc trước mặt các con ông và các người thân cận. Khi chúng tôi được báo tin vào lúc 2 giờ thì đã quá muộn. Ông còn có thì giờ để ôm hôn Cha Marc và tôi, rồi bắt đầu hấp hối. Ông y sĩ ngoại khoa Le Coniat đã tranh đấu với thuốc độc bằng một trí sáng suốt và một sự tận tâm đã cho phép chúng tôi còn có một tia hi vọng cho tới chiều hôm qua, nhưng không có chi đủ thế lực để cứu sống cụ lão mà thân thể nhiễm đầy á phiện, và đã bị quật ngã bởi trạng thái đói lả và các mối sầu não…

5/8/1867… Cha Marc cho rằng, theo những câu chuyện hàn huyên trước đây, cụ già lương hảo này chắc đã theo đạo Thiên Chúa ngay sau khi ông loại trừ được chính sách và áp lực của các ông quan khác. Chính những vị này thật đã đẩy ông tới tuyệt vọng. Điều này đúng sự thật đến nỗi mà lúc các ông quan còn ở lại Vĩnh Long, ông đã khăng khăng từ chối mọi thứ thuốc men, và chúng tôi đã phải gần như ép buộc ông và lợi dụng một trong những lúc ông ngất đi mới khiến ông nuốt được một chút thuốc giải độc. Nhưng, ngay khi ông được biết là các quan đã bỏ đi, và chỉ còn có mình ông với chúng tôi, thì ông đã thuận mọi điều. Than ôi, khi đó đã quá muộn! Và điều cho thấy rõ tư tưởng của ông đã theo một chiều tốt đẹp hơn, là hai lần ông hỏi Cha Marc: “Tôi sẽ có thoát khỏi được chăng?” Rủi ro thay, đại tá biết chung cục như thế nào…■

Văn khố Trung ương Đông Pháp, tập 11.807/2.

Đăng bởi G. Taboulet, La Geste française en Indochine”, Paris, 1956, tr. 519-520.

Nguyễn Thế Anh

Tập san Sử địa số 7-8 (Đặc khảo về Phan Thanh Giản), 1967

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN