Ngày mùng 2/9/1945 đã trở thành cột mốc lịch sử khai sinh ra một nước Việt Nam “độc lập, tự do, hạnh phúc”. Một năm sau sự kiện này, Báo Độc lập, số 234, ngày 2/9/1946 có bài viết nhận định về ý nghĩa lịch sử của cuộc Cách mạng tháng Tám và Ngày Độc lập mùng 2 tháng 9, xem đây như là sự kết tinh ý chí quật cường của cả dân tộc; song cũng là bước khởi đầu cho một cuộc chiến gian nan để bảo vệ nền độc lập non trẻ ở phía trước. Hoà chung trong không khí chào mừng đại lễ Quốc khánh 2/9, Tạp chí Phương Đông xin giới thiệu tới độc giả những phân tích sắc sảo của tác giả V. H. về hai sự kiện lịch sử trong mùa thu năm 1945 nói trên.
“Sau 80 năm sống tủi nhục dưới sự đô hộ tàn bạo của đế quốc chủ nghĩa, ngày 19 tháng Tám, trên suốt dải bán đảo Đông Dương, toàn thể dân tộc Việt Nam trỗi dậy, phá tan xiềng xích nô lệ, đạp đổ ách thực dân. Cuộc cách mạng đã thành công rồi đến ngày 2/9/1945, trịnh trọng tuyên bố độc lập với thế giới”.
Câu nói trên ta luôn được nghe thấy, hoặc phô diễn trên báo trương với những hình thức văn vẻ hơn nhiều, hoặc thét lên trước dân chúng bởi những cán bộ cách mạng hăng hái, hoặc chậm rãi thốt ra, do nơi miệng những chính khách trầm tĩnh và thận trọng trong các buổi lễ tôn nghiêm để được vang dội trên các đài thu thanh quốc tế. Câu nói ấy mà âm hưởng luôn luôn văng vẳng trong tâm trí mọi người, có một sức quyến rũ phi thường, ta phải công nhận thế. Nhưng câu nói ấy có đúng với sự thực hay không?
Tôi còn nhớ, hồi đầu năm nay, sau khi được tin Chính phủ ký Hiệp định sơ bộ, một người bạn tôi vốn thành thực yêu nước đã tỏ sự phẫn uất đến cực độ. Cũng như tất cả quốc dân, trong khi cân não bị căng thẳng vì ý định “chiến” để giành độc lập hoàn toàn, ông thất vọng phải ngững. Nhưng khóc với một người, mặc dù những sự giải thích, ông không tin rằng quyền tự chủ mà Pháp phải thừa nhận cho ta hơn tình trạng xưa. Vì ông rất bi quan về tương lai. So sánh Hiệp định sơ bộ 6/3/1946 với Hiệp ước bảo hộ 1884, ông không thấy gì khác. Hiệp ước bảo hộ 1884 tuy đặt nền bảo hộ Pháp ở Trung, Bắc nhưng vẫn để cho Chính phủ Nam Triều rất nhiều quyền về nội trị: Chính phủ Nam Triều vẫn còn đủ cán bộ, cả bộ Binh nữa, có Vua, có nội các, có kinh lược, có hội đồng dân biểu đấy, thế mà dần dần bọn thực dân đã chiếm hết quyền của Nam Triều để từ địa vị cố vấn nhảy lên địa vị “Toàn quyền”, trực tiếp điều khiển mọi việc và thống trị nước Việt Nam như một thuộc địa hoàn toàn.
Hiệp định sơ bộ 6/3/1946 công nhận “nước Việt Nam là một quốc gia tự do, có Chính phủ riêng, nghị viện riêng, tài chính riêng, quân đội riêng” nhưng lại lồng cái quyền tự chủ ấy vào hai cái vòng Liên bang Đông Dương và Liên bang Pháp quốc. Như vậy thì sự xảo quyệt và đầy tham vọng bất diệt của họ, sẵn sàng có binh đội mà Chính phủ Việt Nam phải nhận cho vào đóng các nơi, bọn thực dân tất nhiên sẽ áp dụng cái chính sách “lấn dần” như xưa để tất nhiên đi đến cái kết quả như xưa là đặt lại nền thống trị hoàn toàn.
Ông bạn tôi đã nghĩ như thế, và rất đỗi bi quan. Kể ra nếu “chuyện đời” có thể tất nhiên biến chuyển như ông bạn tôi tưởng tượng, thì tương lai nước nhà quả không có gì lạc quan thật! Có thể như thế được chăng?
Không thể được! Ta phải bỏ lối so sánh trên giấy tờ và xét đoán trong trừu tượng. Ta phải sống với sự thực. Nếu ta chỉ ngồi trước bàn giấy, đọc và phân tích những dòng chữ viết trên hai mảnh hiệp ước thì quả thực ta phải giật mình vì thấy những điều khoản gần như giống nhau. Nếu chỉ bằng lý trí mà suy diễn, mắt không nhìn những sự kiện mới, tâm hồn không tắm vào không khí của thời đại, thân thể không vận động trong hoàn cảnh thực tế, thì ta sẽ lo lắng mà tưởng tượng những bước đường hắc ám lại xảy ra như những việc đã xảy ra.
Ta phải nghĩ, ta phải trông thấy rằng Hiệp định sơ bộ đã ký trong một tình thế hoàn toàn khác xưa, nó đã cấu tạo trong những sự kiện xã hội và chính trị không về một mặt nào có thể so sánh được với tình trạng nước Việt về cuối thế kỷ trước. Chính phủ Nam Triều đã ký hiệp ước 1884 sau bao nhiêu thế kỷ độc lập: Chính phủ cách mạng đã ký Hiệp định sơ bộ 6/3/1946 sau 80 năm mất nước. Với hiệp ước 1884, nước Việt Nam đã từ một nước độc lập tụt xuống hàng một nước bảo hộ rồi tụt dần nữa xuống hàng một nước thuộc địa. Với Hiệp ước sơ bộ 1946, nước Việt Nam từ một thuộc địa đã vươn lên địa vị một nước tự chủ… để rồi cứ theo đà ấy mà vươn nữa lên tới độc lập, hay là… bị gãy đà mà lại tụt xuống địa vị thuộc địa như xưa. Ta không tin ở giả thuyết sau. Là bởi vì Hiệp ước 1884 kết thúc những chiến bại liên tiếp, Hiệp định sơ bộ 6/3/1946 là một sự thay đổi chiến thuật trong cuộc tranh đấu không ngừng. Ký xong Hiệp ước 1884, Chính phủ Nam triều đã hàng phục đế quốc nên không còn uy tín gì nữa, không còn quyền lực gì nữa. Hiệp định sơ bộ 6/3/1946 “chỉ là một bước nhượng bộ, một sự hòa hoãn của cả đôi bên, nên Chính phủ Dân chủ vẫn giữ vững uy tín. Sau Hiệp ước 1884, Nam triều kiệt quệ mất hết tinh thần tranh đấu, càng ngày càng bạc nhược và lụn bại. Sau ngày 6/3/1946, dân tộc Việt Nam vẫn còn sung sức tranh đấu, vẫn bổ sung lực lượng và xúc tiến sự tranh đấu. Cái điều khác lớn lao nhất giữa hai năm 1884 và 1946 là ở chỗ đó. Năm 1884, dân chúng Việt Nam như con thuyền gãy lái lênh đênh giữa dòng nước cuốn, đứt liên lạc với nhóm chỉ huy nông cạn, bất lực, rời rã mà lòng người không tin tưởng nữa, dân chúng Việt Nam sau sự thất trận của Nam Triều là một đám ty hội vô hồn, chợ vỡ, thụ động không ý thức. Năm 1946, một phong trào sâu rộng, phong trào quốc gia và dân chủ, lay động quần chúng; cả khối dân tộc rung chuyển do một động cơ tiềm tàng: sức sống của hai mươi triệu đồng bào quyết tâm giữ gìn non sông và xây dựng lại đất nước.
Cái dân khí đó đó làm bảo đảm cho tương lai. Nó là kết quả của một cuộc vận động cường liệt thuận với lòng người, hợp với trào lưu thế giới và đúng với thời cơ. Hồi cuối thế kỷ thứ XIX, vua quan nhà Nguyễn để bảo vệ quyền bính riêng của mình cũng cố vận động một phong trào trong dân gian bằng chính sách bài ngoại và giết đạo. Nhưng chính sách ấy không chuyển động được quần chúng; nó đã thất bại vì không thuận với lòng dân, trái với quyền lợi chung, đi ngược sự tiến hóa của nhân loại, cũng như ở Trung Hoa, chính sách bài ngoại đã đưa triều đại Mãn Thanh đến sự diệt vong và đẩy nước Tàu vào những bước nguy nan mà sau này dân Trung Hoa đã thoát khỏi nhờ ở một cuộc vận động khác: cuộc vận động cách mạng dân tộc và dân chủ.
Ở nước ta, cuộc vận động cách mạng dân tộc và dân chủ, chống đế quốc thực dân và phát xít chủ nghĩa, ngấm ngầm lan tràn từ khi bắt đầu cuộc Chiến tranh Thế giới. Phong trào càng ngày càng cao, càng sâu, càng rộng, càng mãnh liệt; từ chỗ bí mật sang giai đoạn bán công khai rồi thành công khai hẳn sau khi đã cướp chính quyền. Phong trào ấy là do một Mặt trận lãnh đạo, gồm những đoàn thể từ các tầng lớp nhân dân xuất hiện, có tổ chức chặt chẽ, với một căn bản thiết thực: sức tranh đấu của quần chúng, một đường lối rõ ràng: lý tưởng dân chủ, một chương trình hành động sát với thực tế. Mặt trận đó trước và sau 6/3 luôn luôn mở rộng hàng ngũ để đưa vào vòng đoàn kết và tranh đấu. Trước và sau ngày 6/3, Chính phủ, cơ quan điều khiển quốc gia, là do cái tổ chức quần chúng kia, do cái Mặt trận Quốc dân Liên hiệp kia dựng lên, tuân theo và ủng hộ. Một mặt thì kháng chiến khi cần đến, Chính phủ ấy cùng với Mặt trận ấy, cùng với toàn dân; một mặt khác gắng hết sức xây dựng lại quân đội, chính trị, canh nông, giáo dục, để bồi bổ và phát triển thật nhanh lực lượng của dân tộc làm căn bản cho cuộc tranh đấu luôn luôn không ngừng. Một phong trào, một Mặt trận, một Chính phủ do toàn dân bầu ra, dựa vào Mặt trận ấy cầm đầu phong trào kia cho mình thì lại là những lúc mà sự tranh đấu trở nên gắt gao. Độc lập có phải là dễ dàng mà giành lại được đâu, bao giờ cũng phải mua bằng xương máu.
Ở chiến khu Việt Bắc, ngay khi có tin Nhật Bản đầu hàng, mấy sĩ quan người Mỹ đã thốt câu nói sau này với những nhà Cách mạng Việt Nam: “Thôi chiến tranh với chúng tôi thế là xong! Nhưng với các anh thì bây giờ mới bắt đầu”. Mấy ông bạn Mỹ có ngụ ý: “Phát xít Nhật quỵ rồi, nhưng đế quốc chủ nghĩa chưa tàn đâu, các anh muốn độc lập thì còn phải chiến đấu, mà chiến đấu với bọn thực dân trong phe chiến thắng; đó là một cuộc chiến tranh mới cho các anh mà chắc chắn sẽ là gay go”. Cùng với lệnh Tổng khởi nghĩa và sau khi cướp được chính quyền, Tổng bộ Việt Minh đã ra chỉ thị cho các cấp bộ là việc đánh Nhật cướp chính quyền chỉ là một việc, nhưng còn việc khó khăn hơn là chống với sự xâm lăng của bọn thực dân, bất kể là giống người nào, nên phải tích cực chuẩn bị, bổ sung lực lượng và phát triển phong trào cứu quốc. Trong buổi họp đầu tiên của Chính phủ nhân dân lâm thời mấy ngày sau cuộc cách mạng 19 tháng 8 – điều này tôi tưởng có thể kể lại vì nay nó không còn tính cách bí mật nữa – ông V. N. G. đại diện cho Hồ Chủ tịch lúc ấy còn ở chiến khu chưa về kịp đã tuyên bố: “Nội các này là một nội các chiến đấu”, và trong một phút nghiêm trọng ông yêu cầu các nhân viên Chính phủ tuyên thệ sẽ mang tính mạng hy sinh cho nền độc lập Tổ quốc. Rồi sau ngày 2 tháng 9, là ngày tuyên bố độc lập, có ai ngờ rằng Chính phủ đã vô cùng lo lắng trong những ngày chờ đợi quân đội Đồng Minh sang tiếp nhận sự đầu hàng của quân đội Nhật Bản ở miền Nam cũng như ở miền Bắc, dân Việt Nam luôn luôn tin tưởng ở cảm tình của quân đội Trung Hoa đối với cuộc vận động độc lập của nước nhà.
Ta đã thấy rõ ràng trước và sau những ngày 19 tháng 8 và mùng 2 tháng 9 vẫn tiếp tục một cuộc tranh đấu không ngừng, trong trí những cơ quan lãnh đạo dân chúng: cuộc tranh đấu của phong trào giải phóng dân tộc chống với đế quốc chủ nghĩa (do nước nào chủ trương cũng vậy). Ngày 19 tháng 8 và ngày mùng 2 tháng 9 chỉ là những mốc đánh dấu một bước mới trên con đường tranh đấu đi tới độc lập.
Vậy ý nghĩa đích thực của cuộc cách mạng 19 tháng 8 và Ngày Độc lập 2 tháng 9 là gì? Nói rằng “ngày 19 tháng 8, Cách mạng dân tộc giải phóng đã thành công và ngày 2 tháng 9 mở kỷ nguyên độc lập cho nước nhà” có cái giá trị riêng của nó: giá trị về tuyên truyền, tuyên truyền đối với quốc tế và tuyên truyền trong dân chúng. Đối với quốc tế, ta cần phải cho các nước Đồng Minh biết cái ý chí tự cường của dân tộc Việt Nam, cái chủ trương dân chủ và sự tham gia của ta trong cuộc chiến tranh chống phát xít. Trong dân chúng, ta cần phải gây tinh thần hăng hái tha thiết với nền độc lập để phát triển sự đoàn kết, phấn đấu. Những câu nói như trên có hiệu lực làm rung động tình cảm mọi người, ta chỉ nên hiểu như thế mà thôi. Cách mạng Tháng Tám không phải kết thúc cuộc vận động giải phóng dân tộc và mở kỷ nguyên độc lập. Đó chỉ là một bước trong cuộc tranh đấu đang tiến. Hiệp định sơ bộ là một bước khác, nó chưa phải là đích đã tới nhưng nó cũng là một bước tiến; nó đánh dấu sự ngừng chiến đấu bằng vũ lực và mở bước tranh đấu bằng chính trị.
Vậy ý nghĩa xác thực của cuộc Cách mạng Tháng Tám và Ngày Độc lập mùng 2 tháng 9 là gì? Có hai ý nghĩa rất có liên lạc với nhau:
1. Nó biểu hiện ý chí quật cường của cả dân tộc Việt Nam. Ai đã được mục kích những cuộc biểu tình vũ trang cướp chính quyền, nhất là ở các tỉnh, thì mới cảm thấy sức lôi cuốn của một phong trào, nó phát nguồn trong quần chúng, cuồn cuộn nổi dậy như làn sóng ngầm từ đáy biển, lay động khối nước khổng lồ thành những lớp sóng vĩ đại lan tràn vào lục địa. Cái phong trào ấy do một Mặt trận sửa soạn bí mật trước thời khởi nghĩa. Nhưng hồi bí mật nó mới lên sâu và lên cao ở một sở địa phương, trong một số dân chúng. Nhưng một khi Lệnh khởi nghĩa phát ra, thì toàn dân hưởng ứng và như có một sự màu nhiệm thúc đẩy cả những lớp người hiền lành nhất, do dự nhất ở những nơi tưởng chừng như yên định nhất cũng trở nên can đảm phi thường.
2. Cái chí quật cường ấy được hướng dẫn đi cùng một lối. Trước đó, nhiều chủ trương chính trị phức tạp, có chủ trương trông cậy vào nước này, có chủ trương trông cậy vào nước khác, có chủ trương thân Nhật, có chủ trương dựa vào Chính phủ Nam triều, một số lớn quốc dân thì lo lắng, hoang mang vì không biết mong đợi vào ai, không có chủ trương gì nhất định. Sau cuộc Tổng khởi nghĩa, những chú trọng phức tạp ấy đã tiêu tán hoặc lu mờ đi: đám người vật vờ đã giác ngộ thấy hướng đi và bắt đầu tin tưởng chủ trương chính trị của Mặt trận Giải phóng Dân tộc tràn lan từ các chiến khu trên khắp lãnh thổ Việt Nam, thâm nhập vào mọi tầng lớp dân chúng. Chủ trương ấy là: Dùng lực lượng đoàn kết toàn dân trong lý tưởng dân chủ để phát triển cuộc tranh đấu giành độc lập.
Nói cho đúng, trong một lúc nhố nhăng ở miền Bắc gây bởi tình thế chiếm đóng của quân đội ngoại quốc, một chủ trương mơ hồ, phân tiến hóa và phân quyền lợi của dân tộc còn được sống vất vưởng bằng những mánh lới không chính đáng, nhưng càng ngày mọi người thấy chủ trương ấy sai lầm và hắc ám, lại làm cho cái đường lối mà Mặt trận Liên hiệp Quốc gia đã vạch ra càng thêm sáng tỏ và sự thống nhất tinh thần càng thêm sâu rộng và mạnh mẽ.
Nói tóm lại, ý nghĩa xác thực của nó là biểu hiện ý chí quật cường của dân tộc Việt Nam, thống nhất ý chí đó theo đường lối chính trị đoàn kết toàn dân trong lý tưởng dân chủ để đấu tranh giành độc lập. Nó mở ra một giai đoạn quyết liệt trong cuộc tranh đấu đã được sửa soạn từ lâu và đang tiến. Kết quả của nó là Ngày Độc lập 2 tháng 9 rồi tới Hiệp định sơ bộ 6/3/1946, và đấy chưa phải là kết quả cuối cùng. Cuộc tranh đấu còn phải tiếp tục với những hình thức khác, nhưng vẫn theo một đường lối: Đoàn kết, Phấn đấu trong lý tưởng dân chủ.■
V.H.