Ký sự của một tù nhân An Nam ăn Tết ở Guyane thuộc Pháp đầu thế kỷ XX

Trong hệ thống nhà tù của thực dân Pháp, nhà tù ở Guyane – một tỉnh hải ngoại của Pháp ở Nam Mỹ – có lẽ là nơi ít được nhắc đến. Các tù nhân An Nam bị đưa sang Guyane từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX là những người tham gia các phong trào khởi nghĩa chống Pháp, hoặc thường phạm bị lưu đầy biệt xứ. Đây là nơi cuối cùng của cuộc lưu đày các tù nhân An Nam, từ Hỏa Lò (Hà Nội), Khám Lớn (Sài Gòn) đến Côn Đảo và đi Guyane, Algeria. Phần lớn tù nhân bị đày đến đây đều không thể trở về quê hương, nhưng những câu chuyện đầy giản dị và xúc động về những người con Việt Nam yêu nước xa xứ ấy vẫn được kể lại và lưu truyền cho hậu thế. Trong tạp chí “Phổ Thông” số 238 ngày 31/7/1970, tác giả Phạm Văn Sơn đã ghi lại một trong những câu chuyện như thế theo lời kể của một người tù mang tên Học Phi.

Tôi là một kẻ chống đối thực dân Pháp bằng gươm, bằng súng nên sau khi ra trước Hội đồng Đề hình tôi được lãnh án 6 năm tù. Nhưng thực dân ở vào hoàn cảnh những năm 1930 – 1933 do phong trào đình công, kháng thuế sôi nổi khắp toàn quốc, xét để chúng tôi – hàng ngàn con người có đầu óc, có chí khí – tại quốc nội là một mối nguy nên đã quyết định đày chúng tôi đi thật xa. Ngoài ra Côn Đảo bấy giờ cũng chật ních tội phạm chính trị, do đó tôi được cùng một số anh em đi Guyane, một thuộc địa của Pháp ở phía bắc Nam Mỹ.

Đường Christophe-Colombe, Cayenne, đầu thế kỷ XX. Nguồn: https://world.nailizakon.com

Ở Guyane tôi không sống cô độc như quý vị tưởng. Bấy giờ mảnh thuộc địa của Pháp đã có cả ngàn con người Việt Nam. Một phần bị giam ở trong các nhà lao, một phần sống tự do ở bên ngoài lẫn với dân bản thổ và kiếm ăn lấy mà sống.

Do sinh kế mỗi người sống mỗi nơi, nhưng trên tổ chức chúng tôi có hai làng: một làng ở Cayenne và một làng ở Saint Laurent.

Bị tù có 6 năm mà đã 4 lần tôi ăn Tết ở trong trại giam tại Poste forestière và ở Cirque des anguilles. Và đến năm 1936 tôi mãn tù, được cấp giấy về nước thì Tết đến, tôi liền đến ăn Tết ở làng An Nam gần Cayenne – thủ đô của xứ Guyane.

Ở làng An Nam này có 30 nóc nhà đều làm bằng gỗ, mái nhà cũng lợp gỗ đỏ như ngói gọi là bardeau. Xét ra gạch ngói ở Guyane hiếm, chỉ có các công sở mới được xây dựng kiên cố, nghĩa là bằng vật liệu nặng. Có điều kỳ cục là làng An Nam mà người bản thổ lại gọi là làng Tàu (village chinois) và ở làng này không có đình chùa, không có luật lệ gì ráo, cũng chẳng có ngôi thứ, đến cả cái tên làng cũng không có nốt. Phải chăng những người dân của làng này không thiết tha gì cái mảnh đất tù đầy nơi xa tít phương trời nên chẳng buồn cho nó cái tên, cái tuổi và chẳng thiết lập tôn ti, trật tự gì hết? Đến đây để mà chết, vì hy vọng gì kẻ thù xâm lược cho về xứ cũ một ngày nào đó. Điều này chứng tỏ một sự tuyệt vọng trong lòng các cư dân.

Nói vậy chớ về tình cảm thì rất thắm thiết. Anh em tù chúng tôi ở đây thương yêu nhau như ruột thịt. Hàng năm cứ đến ngày Tết, những người tha phương cầu thực dầu ở đâu xa thế nào cũng bò về “làng” để họp mặt chung vui với anh em. Dĩ nhiên đây là loại tù được sinh hoạt tự do bên ngoài.

Có nên nói rằng chỉ ở dịp Tết này những kẻ khứ quốc mới được sống lại cuộc sống của người An Nam? Tại sao? Tại chỉ có dân Việt mình mới ăn Tết theo Âm lịch, còn người bản xứ và cả những Huê kiều buôn bán ở Guyane đều ăn Tết theo Dương lịch.

Và người Việt nào không về được Cayenne và Saint Laurent vì lý do nào đó, như vậy chỉ có ăn Tết một mình mà thôi, trong khi mọi người chung quanh vẫn làm việc tấp nập, ào ạt như thường.

Tù nhân Việt Nam đang làm việc ở Inini, Guyane. Ảnh trong phim “Au temps de l’Inini” do Geneviève Wiels thực hiện (2001).

Về làng ăn Tết, tôi ở nhà ông già Huỳnh Khản. Ông bạn này người Nam Kỳ đã bị đày qua đây ngoài 20 năm rồi. Ông là người nhiều tuổi nhất làng. Vì không hy vọng trở lại cố hương, ông Khản lấy vợ người bản thổ và được ba con. Người con gái lớn nhất năm ấy 25 tuổi tên là Joséphine Huỳnh Thị Lang nói tiếng Pháp thạo nên được tuyển dụng vào chức thông ngôn ở Tòa án, nhưng cô chỉ ra Tòa khi nào Tòa có việc, ngày thường cô được ở nhà. Tuy cô Lang có dòng máu Việt nhưng cô có nước da ngăm ngăm, tóc hơi quăn. Cô mặc đầm, nói tiếng Pháp nhưng tính tình và cử chỉ lại rất Việt Nam và dễ thương.

Ngoài tôi ra, năm ấy ăn Tết ở nhà cụ Khản có ông Cả Dinh (Cả Rinh). Ông Cả Dinh năm ấy gần 60 tuổi. Ông cũng lấy vợ thổ dân như cụ Khản và có 4 con, nhưng thường thường ông về ăn Tết với cụ Khản vì vợ con ông không hiểu biết gì về cái Tết Việt thân yêu của ông.

Độc giả hẳn biết ông Cả Dinh là ai?

Với bạn nào không biết tôi xin giới thiệu ông Cả Dinh là con cụ Đề Thám, một lãnh tụ chống Pháp nổi danh ở vùng Yên Thế (Bắc Giang) ngót 30 năm, nghĩa là từ cuối thế kỷ XIX qua năm 1913 mới rã đám. Quan và lính của Pháp đã chết vì tay bố con cụ Đề Thám khá nhiều giữa núi rừng của các tỉnh Bắc Giang, Lạng Giang, Phúc Vĩnh Yên và Bắc Ninh, môi trường hoạt động của những nông dân ái quốc Việt Nam ở miền trung du xứ Bắc chuyên về du kích chiến.

Tàn cục: cụ Đề Thám bị tên Lương Tam Kỳ – bạn cũ về làm quan với Pháp cho người đến ám sát; bọn ông Cả Dinh, bà vợ ba cụ Đề và con gái là Hoàng Thị Thế bị bắt và bị đày đi Guyane, riêng cô Thế được qua ăn học bên Pháp (nghe nói cô đậu kỹ sư Canh nông rồi lấy chồng Pháp và nay còn đang sống ở Pháp).

Ông Cả có đặt một bàn thờ, thờ cụ Đề Thám ở nhà ông già Khản. Tôi thấy ông cung kính cúi đầu trước bàn thờ, nét mặt rầu rầu, cặp mắt như nhìn vào cõi xa xăm hay đang đi tìm kiếm cái gì xa xưa trong dĩ vãng.

Tôi tin rằng trong giờ phút thiêng liêng này của mỗi đầu năm, người chiến sĩ già ấy đang bồn chồn nhớ nước, nhớ mẹ già, nhớ vợ con đang tựa cửa bên phương trời thẳm như hiện lên trong khói hương.

Mặc dầu không mê tín nhưng để có hình ảnh cái Tết của quê hương, chúng tôi cũng làm đủ thứ như bên quê nhà: chúng tôi cũng dựng cây nêu, cũng dán câu đối, cũng rắc vôi bột theo hình cái cung, cái tên để bắn ma quỷ. Tuy cố gắng nhưng chúng tôi cũng không sao thực hiện được một cái “Tết Việt Nam” đúng 100% như ở nhà vì làm sao gói được bánh chưng khi gạo nếp ở Guyane quá đắt? Thời tiết lại không rét thì bánh dễ thiu, dưa hành, thịt đông cũng không thể có được. Đến pháo cũng bị cấm đốt. Hỏi ra hồi tôi chưa qua Guyane có lần đồng bào mình đốt pháo mừng xuân làm xảy ra hỏa hoạn nên chính quyền sở tại từ đó không cho đốt pháo nữa. Tai hại thay!

Sáng mồng một, chúng tôi làm cơm cúng tổ tiên rồi dắt tay nhau đi từng nhà chúc Tết. Chúng tôi không chúc nhau như khi còn ở bên nhà là chúc phúc, chúc thọ, chúc giàu, chúc sang, nhất bản vạn lợi, hòe quế đầy sân… mà chỉ chúc nhau chóng được rời bỏ cái xứ lưu vong này để về với cố quốc, hay là chúc nhau khỏe mạnh đừng bỏ xương ở xứ người.

Năm 1936, Chính phủ bình dân do Léon Blum cầm đầu hứa hẹn rất nhiều với chính trị phạm và lao động nên câu chúc của mọi người là chóng được ân xá để lên đường. Ngay ông Huỳnh Khản và Cả Dinh đã cao niên mà cũng yên trí đời mình sẽ được tái ngộ quê hương, có ngờ đâu thực dân Pháp đã quyết định từ lâu những người đó sẽ thành ma ở xứ Mỹ.

Buổi trưa chúng tôi chọn một mô đất cao rộng hay một khoảng rừng thưa để bày đồ ăn ra chè chén say sưa với nhau. Chúng tôi được múa đũa, khua muỗng giữa bữa tiệc đầy cao lương mỹ vị nhưng vẫn không lấy làm ngon vì thiếu thịt mỡ dưa hành và bánh chưng xanh là gần như thiếu tất cả.

Rượu của chúng tôi không phải là rượu đế. Chúng tôi chỉ có rượu mía (Tafia) hay hay Champagne, Quinquina và các thứ rượu chát thay cho rượu Văn Điển, Fontaine bên nhà.

Sáng mồng hai, chúng tôi tổ chức một cuộc đánh cá ở trên sông đào Laussat, con sông nhỏ chia đôi thành phố Cayenne và làng An Nam. Chả là phần đông chúng tôi ở đây làm nghề đánh cá. Tôi nhớ có lần tôi bắt được con“cá điện” rất quý. Thứ cá này mình không vảy, đen và dài như cá nheo bên ta, nhưng có đặc biệt là mó vào mình nó thì như bị điện giật. Muốn bắt nó phải đánh nó chết mới được.

Làng Việt Nam bên kênh đào Laussat, Guyane. Nguồn: Collection-jfm.fr

Sáng mồng ba, chúng tôi đi săn trong rừng. Ở Guyane có nhiều thứ lạ, thịt ăn rất ngon nên đi săn thấy vui hơn đi đánh cá.

Đến tối hôm ấy, một bữa tiệc công cộng được đặt ra quy tụ mọi người bên bờ suối rồi sáng hôm sau, như còn phảng phất say tôi từ giã ông bạn già họ Huỳnh và cô Lang để trở lại Guyane chờ đợi tàu về nước.

Ngày nay, được có mặt ở quê nhà mỗi Tết có đủ người thân quanh mình, có đủ thịt mỡ, dưa hành, pháo đỏ, bánh chưng xanh, tôi không khỏi nhớ đến những người bạn đồng tù ở xa vạn dặm quê người không hy vọng có ngày về cố quốc.

Tôi làm sao quên được trong một ngày Tết cuối cùng của tôi ở Cayenne, khi tôi nói trước lời giã biệt với vợ chồng ông già Khản để trở về Việt Nam, Josephine Lang nói với cha:

– Bao giờ bố con được về Việt Nam như bác Phi nhỉ?

Ông Khản thoáng có nét buồn trên mặt, trả lời với nụ cười gần như mếu:

– Có lẽ còn lâu lắm, nếu có… con ơi!

Lời của ông đã như cào cấu lòng tôi hôm qua cũng như hôm nay và trên bàn thờ tổ tiên, tôi thắp thêm vài nén nhang cầu xin Thượng đế ban ơn cho mọi kẻ xa quê hương bất cứ vì lý do gì sớm trở về với đất tổ.■

Phạm Văn Sơn

                                (Viết theo lời kể của Học Phi, hai chục năm trước*)

* tức là khoảng năm 1950

 

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN