Nguyễn Thái Học: Người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Yên Bái

Việt Nam Quốc dân đảng là một bộ phận cấu thành của các phong trào dân tộc giai đoạn 1925 – 1930. Tổ chức này đã có những cống hiến nhất định đối với bước phát triển trong giai đoạn bản lề của cách mạng Việt Nam trước năm 1930, dưới sự dẫn dắt của lãnh tụ Nguyễn Thái Học – người lãnh đạo các phong trào khởi nghĩa gây tiếng vang vào thời điểm bấy giờ. Báo Phụ nữ Tân Văn số 42 ngày 6/3/1930 có tường thuật lại sự kiện quân Pháp bắt giữ được Nguyễn Thái Học và xem đây như một sự kiện lớn trong công cuộc đàn áp phong trào yêu nước của nhân dân ta. Tạp chí Phương Đông xin trích đăng lại nguồn tư liệu tham khảo này và giữ nguyên văn phong để tôn trọng bản gốc. 

Trong tuần lễ vừa qua, hình như việc biến động ở ngoài Bắc ta, cũng không có chuyện gì mới xảy ra khác hơn là những việc trước. Về phía bọn khởi loạn, thì coi thế tro tàn lửa nguội rồi, vì sau những việc đánh phá ở Phụ Dực và Vĩnh Bảo rồi thì thôi, không nghe có việc biến động gì khác nữa. Còn về phía chính phủ bảo hộ, thì bây giờ công việc bộn bề lắm: Nào là sai binh lính đi tuần tiễu các nơi; nào là đào được bom lớn bom nhỏ ở Phú Thọ, Kiến An, Bắc Ninh, Hải Dương, chôn giấu tứ tung, chỗ nào cũng có; nào là khám xét tróc nã những người gây ra việc rối loạn; nào là Hội đồng Đề hình bây giờ hiện đang tra hỏi và định tội. Quan Toàn quyền Pasquier đã nói trong bữa đưa đám mười vị quan binh lữ trận rằng: “Ta sẽ trị thẳng tay, để phục thù cho những kẻ bị nạn”, thì bây giờ chính là lúc nhà nước phục thù vậy.

Trong những người bị bắt gần đây, có một người bắt được mà chính phủ vui lòng hơn hết là ông Nguyễn Thái Học.

Chân dung nhà yêu nước Nguyễn Thái Học (1902-1930) khi bị quân Pháp bắt giữ và kết án tử hình ở tuổi 28

Chẳng cần nói ra thì trong một năm nay, con trẻ đàn bà khắp nước, cũng đã nghe cái thanh danh vang lừng của ông Nguyễn Thái Học. Ông năm nay mới 30 tuổi, người tỉnh Vĩnh Yên, trước đã học trường Cao đẳng Thương mại tại Hà Nội, nhưng đã bỏ học 5 năm nay, mà qua học trường Cách mạng bên Quảng Đông; lúc về có ghé qua Xiêm, rồi mới trở về Hà Nội, tổ chức ra Việt Nam Quốc dân Đảng (VNQDĐ).

Cứ theo như những người có quen biết, học chuyện lại, thì ông là người trầm mặc, tính nết dễ dàng, ăn bận sơ sịa, cái bề ngoài không có bày tỏ gì là người làm lãnh tụ một đảng hay là gây nên một phong trào gì. Trước khi đổ bể ra vụ VNQDĐ, có lần Sở mật thám Hà Nội đã hơi nghi, đòi lên cật vấn, thấy ông bịt khăn đen, bận áo dài, nói năng chậm rãi, lại làm ra bộ hiền lành sợ hãi, coi ra dáng một thầy đồ nho; đến đỗi một viên mật thám cho là nhà quê. Người nhà quê ấy làm lãnh tụ VNQDĐ, chính là người gây ra những việc biến động ngoài Bắc trọn một năm nay, mà lính mật thám dò la tìm kiếm từ lúc đổ bể vụ VNQDĐ, đến giờ mới bắt được vậy.

Sau khi đổ bể VNQDĐ, rồi thì ông ấy đi trốn, không biết là vẫn trốn tránh loanh quanh trong nước, hay là đã xuất dương rồi lại trở về, mà đến đêm bữa 20 rạng 21 tháng Hai, mới rồi, vì số mạng thế nào, người ta lại bắt ông được.

Theo điện tín A.R.I.P. thì đầu đuôi việc ông bị bắt như vầy:

Đêm hôm 20 rạng 21 tháng Hai, bọn tuần đinh ở làng Cổ Việt (tỉnh Hải Dương), vào khoảng Chí Ngãi và Đông Triều, đang đi tuần phòng, thình lình thấy trên đường cái, có bốn người đang đi, về ngả ra Quảng Yên. Chúng hỏi thì có hai người ù té chạy, còn hai người nữa chắc hẳn cũng tính chạy, nhưng chúng cầm mác phóng theo và bắn súng theo, bị thương, té gục xuống đường, cho nên bị bắt và giải lên tỉnh lỵ Hải Dương. Lính mật thám nhận diện ra, thì là: “Chính nó!” Chính ông Nguyễn Thái Học. Khi bị bắt, trong mình có giắt hai trái bom và một khẩu súng sáu.

Lính đã giải ông lên Hà Nội liền, nhưng ông bị thương ở sườn nặng lắm, nhà nước phải cho vào nằm nhà thương điều trị. Coi thương tích trầm trọng, chẳng biết ông có sống được mà ra Hội đồng Đề hình không?

Chính phủ, Sở mật thám và các báo, thấy đã bắt được ông Nguyễn Thái Học rồi, thì đều nói: “Vậy là xong việc”. Hồi nọ chính phủ treo giải thưởng, nếu ai bắt được Nguyễn Thái Học thì thưởng cho 5000$. Việc này, Chính phủ giữ lời hứa rất nghiêm. Bữa trước đây, phủ Thống sứ Bắc Kỳ đã gởi số tiền ấy về Hải Dương, để thưởng cho mấy anh tuần đinh đã có công trạng lớn! Mấy chú này khi không mà phát tài to!

Số người bị bắt về việc rồi loạn hồi này, có lẽ đã tới năm sáu trăm người, chớ không phải ít. Trong đó, có những người trọng yếu như sau này:

Nguyễn Văn Ngô, em ông Nguyễn Thái Học, chính là người đã liệng bom ở Hà Nội hôm 10 tháng Hai.

Phó Đức Chính, là người đã chủ trương việc náo động ở Yên Báy (Bái).

Chân dung nhà yêu nước Phó Đức Chính (1907-1930) khi bị giam tại nhà tù Hỏa Lò, 1930.

Doãn Kiêm Diệm, người Thổ ở Bắc Kỳ, cũng là tay kiện tướng trong đảng cách mạng.

Nguyễn Thành Lộc, bị bắt ở Sơn Tây.

Nguyễn Mạnh Trinh, cai lính khố đỏ; cũng là một người khởi xướng việc rối loạn ở Yên Báy.

Đó là kể sơ năm ba người trọng yếu mà thôi, còn thì những đảng viên, những binh lính, những người đã đánh phá hai huyện Phụ Dực và Vĩnh Bảo, bị bắt nhiều lắm, kể không hết được. Trong số ấy, cũng có hai người đàn bà là hai cô mụ, đều là tay tuyên truyền cách mạng rất hăng hái. Các cô đem truyền đơn vào các nhà thương mà cổ động người ta.

Việc rối loạn ngoài Bắc, có thể nói rằng tới đây là ngưng lại. Chính phủ cũng thấy tình hình đã yên, cho nên quan Thống sứ Bobin đã thông tư cho các quan Tây Nam các tỉnh làm giấy bẩm lên cho ngài biết rằng những ai đã có công trạng đánh dẹp, mách bảo, bắt bớ… trong hồi này, để nhà nước định công ban thưởng cho.■

(Theo Tạp chí Phương Đông)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN