Gặp gỡ Hồ Chí Minh tại Côn Minh

Đã có rất nhiều tài liệu viết về con người và nhân cách cao quý của Chủ tịch Hồ Chí Minh, không chỉ qua lời kể của những học trò Việt Nam của Bác mà còn qua câu chuyện của bạn bè quốc tế. Charles Fenn là cựu sĩ quan của tổ chức tình báo Mỹ OSS. Ông là một trong những người đã được tiếp xúc trực tiếp với Bác Hồ tại Côn Minh (1945) và đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối Hồ Chí Minh và tổ chức Việt Minh với tổ chức OSS. Bằng phong thái đường hoàng và hòa nhã, Bác đã gây dựng được lòng tin và niềm yêu mến với chính tác giả Charles Fenn và những người đồng nghiệp trong OSS của ông. Những ấn tượng và phân tích về con người Hồ Chủ tịch đã được ông ghi lại trong cuốn sách “Leaders of Modern Thought – Ho Chi Minh” (Những nhà lãnh đạo tư tưởng hiện đại – Hồ Chí Minh) xuất bản năm 1973. Nhân dịp sinh nhật Bác, Tạp chí Phương Đông xin trích dịch một đoạn trong sách để giới thiệu tới bạn đọc. Chúng tôi giữ nguyên văn phong và ý kiến riêng của tác giả, để đảm bảo tính trung thực và tôn trọng nguyên tác. 

Năm 1944, lúc ấy tôi đã làm việc cho OSS ở Trung Quốc được một năm khi họ chỉ định tôi làm việc cùng với một nhóm độc lập để mở mạng lưới tình báo trong lòng Đông Dương với các đặc vụ dân sự thuộc tổ chức Pháp quốc Tự do. Nhóm này được biết với tên GBT, ghép từ ba chữ cái đầu tên của ba người: L. L. Gordon, người Canada, Harry Bernard, người Mỹ, và Frank Tan, người Mỹ gốc Trung. Ba người đàn ông này, người nào cũng đáng kính theo cách riêng, trước đây từng làm việc cho một công ty dầu mỏ ở Sài Gòn, và phát triển các mối quan hệ với người Pháp tốt đến mức không một nhóm tình báo nào, dù là quân sự hay dân sự, có thể ngang bằng về trình độ thu thập và phát tán thông tin. Các báo cáo của họ được phân tới tất cả các trụ sở tình báo Đồng Minh. Đầu tiên là người Anh (từ Ấn Độ) cung cấp tiền bạc và thiết bị, người Trung Quốc cung cấp nhân sự (như mật mã viên, điều phối viên radio tại cơ sở, và nhân viên văn phòng), và Lực lượng Không quân số 14 của Mỹ cung cấp nhiều hoạt động khác. Ít lâu sau GBT nhận tiền và thiết bị từ cả OSS cũng như một tổ chức khác của Mỹ, Trung tâm Cứu trợ Mặt đất, hoạt động của họ được chia ra thành giải cứu các phi công bị rơi, liên lạc với các tù nhân chiến tranh, và thu thập tin tình báo.

Khi OSS quyết định mở rộng hoạt động trong lòng Đông Dương, họ muốn tiếp quản GBT (Nhóm tình báo hoạt động độc lập tại Đông Dương), và bước đầu tiên là chỉ định tôi làm việc với nhóm này. GBT phản đối việc họ mất đi sự tự chủ, đặc biệt là mất cho một nơi chuyên dùng những phương thức chuyên quyền như OSS, theo quan điểm của Gordon. Tháng 2/1945, Gordon đến Washington với hi vọng giữ được tính tự chủ cho tổ chức của mình, Bernard và tôi ở lại điều hành GBT, với Tan đóng vai người trung gian. Nhưng trong khi Gordon vắng mặt, thời thế thay đổi nhanh chóng dẫn đến thỏa ước chuyển giao hoạt động của nhóm GBT cho AGAS (Cơ quan Không trợ Mặt đất Mỹ, đặt tại Trung Quốc), trong đó có cả sự phục vụ của tôi.

Ngay khi việc này đang được sắp xếp thì cuộc đảo chính của Nhật ngày 9/3 khiến GBT và toàn bộ mạng lưới hiện có im bặt. Điều đó có nghĩa là không có thông tin nào về mục tiêu, về phòng không và về những bước đi của quân đội Nhật, kể cả báo cáo về thời tiết cũng không được đưa đến. GHQ (Tổng hành dinh OSS) vì vậy chỉ đạo tôi thay thế các phái viên người Pháp bằng mạng lưới người Việt Nam.

Ở Côn Minh có rất nhiều người Việt Nam (khi ấy được gọi là người An Nam), nhưng trước đây chúng tôi đã từng được cảnh báo không nên sử dụng họ, bởi chẳng biết được ai trong số họ vừa được việc lại vừa đáng tin. AGAS nói với tôi rằng đã có báo cáo về một ông già người An Nam không chỉ giúp một phi công bị bắn rơi trốn thoát mà còn có kết nối với một nhóm chính trị lớn. Ông ta được cho là vẫn đang ở Côn Minh và thường được bắt gặp tại Văn phòng Thông tin Chiến tranh Mỹ, ở đó ông ta đọc tất cả mọi thứ, từ tạp chí Times đến Bách khoa thư Nước Mỹ. Tôi để lại lời nhắn cho một người bạn của mình, cố gắng sắp xếp một cuộc gặp, và trong vòng một ngày hay sau đó tôi nhận được tin nhắn từ ông già An Nam, người có tên là Hồ, rằng ông sẽ gặp tôi chiều hôm đó. Trong nhật ký ngày 17/3/1945 của mình, tôi viết:

“Ông Hồ đến với một người đàn ông trẻ tên Phạm (Phạm Văn Đồng). Ông Hồ không giống như tôi tưởng. Đầu tiên là ông không thực sự “già”: chòm râu điểm bạc thể hiện tuổi tác của ông, nhưng gương mặt ông đầy sinh khí và đôi mắt sáng có thần. Chúng tôi nói chuyện bằng tiếng Pháp. Có vẻ như ông ấy đã gặp Hall, Glass và De Sibour (tên các sĩ quan của OSS), nhưng chẳng đi được đến đâu với bất kỳ ai trong số họ. Tôi hỏi ông ấy muốn gì từ họ. Ông nói – chỉ là việc công nhận tổ chức của ông (Việt Minh). Tôi đã nghe loáng thoáng rằng đây là tổ chức cộng sản và hỏi ông về điều này. Ông Hồ nói người Pháp gọi bất kỳ người An Nam nào muốn được độc lập là cộng sản. Tôi kể cho ông về cồng việc của chúng tôi và hỏi liệu ông có muốn giúp một tay. Ông đáp điều đó có thể, nhưng ông không có nhân viên điện báo hay bất kỳ thiết bị nào. Chúng tôi thảo luận về việc đưa vào Đông Dương thiết bị radio, máy phát điện và một nhân viên điện báo. Ông Hồ nói máy phát điện sẽ gây nhiều tiếng ồn – người Nhật thì lúc nào cũng vây quanh. Chúng ta không thể dùng loại máy chạy pin, như loại người Trung Quốc vẫn dùng sao? Tôi giải thích rằng chúng quá yếu cho hoạt động tầm xa, nhất là lúc gần hết pin. Tôi hỏi ông ta muốn gì để đổi lại cho việc giúp đỡ chúng tôi. Vũ khí và thuốc men, ông ấy nói. Tôi đáp rằng vũ khí thì khó, bởi vướng phía người Pháp. Chúng tôi thảo luận về vấn đề người Pháp. Ông Hồ khẳng định rằng Việt Minh chỉ chống lại người Nhật. Tôi ấn tượng với cách nói chuyện gãy gọn, sự điềm tĩnh như thiền định của ông, trừ những cử động của ngón tay sạm màu nhăn nheo. Phạm ghi chép lại. Chúng tôi đồng ý có thêm những cuộc gặp mặt khác. Họ ghi tên mình bằng chữ Hán, mà phiên âm ra là Phạm Văn Đồng và Hồ Chí Minh”.

Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp cùng các sĩ quan OSS tại Tân Trào, 1945. Ảnh tư liệu

Sau cuộc gặp này, Bernard và Tan đồng ý rằng nếu có thể thực hiện được thì chúng tôi sẽ đưa ông Hồ trở lại Việt Nam cùng với nhân viên điện báo người Trung Quốc của chúng tôi. Tan cũng được gợi ý nên đi cùng ông Hồ. Ba ngày sau, tôi đã sẵn sàng để sắp xếp việc này:

“20 Tháng Ba

Gặp những người An Nam lần thứ hai ở quán cafe Đông Dương trên phố Chin Pi. Hình như chủ quán là một người bạn của họ. Chúng tôi lên tầng trên, uống cafe phin theo kiểu Pháp, mạnh và khá ngon. Phòng không có ai nhưng ông Hồ nói khách có thể sẽ vào đây. Chúng tôi đồng ý sử dụng vài thuật ngữ nhất định: người Trung Quốc gọi là “bạn bè”, người Mỹ là “anh em”, Pháp là “người trung lập”, Nhật là “người chiếm chỗ” còn người An Nam là “dân bản xứ”. Về việc mang theo hai người Trung Quốc, một người là Mỹ gốc Trung, ông Hồ nói việc này sẽ khó, bởi rất dễ nhận biết người Mỹ gốc Trung. Tổ chức của ông Hồ có khuynh hướng nghi ngờ người Trung Quốc. Vì không có nhân viên điện báo người An Nam nào, việc có một nhân viên người Trung Quốc đương nhiên là không thể tránh khỏi. Nhưng thay vì có cả Tan đi theo, ông ấy muốn đi cùng chỉ một nhân viên điện báo kia và sau đó chúng tôi có thể cho nhảy dù xuống một sĩ quan người Mỹ. Tôi có tự mình đến không? Có thể lắm, tôi nói. Ông Hồ đáp tổ chức của ông sẽ rất chào đón tôi. Chúng tôi sau đó thảo luận về việc tiếp tế. Phạm nhắc đến “chất nổ mạnh” mà Hall từng nói với anh ta. Tôi cố gắng kiềm chế việc này, nhưng đồng ý rằng sau này chúng tôi có thể thả xuống vũ khí hạng nhẹ, thuốc men và các bộ thiết bị radio khác. Nhân viên điện báo của chúng tôi sẽ hướng dẫn một vài người của ông Hồ sử dụng chúng. Ông Hồ cũng muốn gặp Chennault. Tôi đồng ý sắp xếp việc này nếu ông ấy đồng ý không đòi hỏi bất kỳ điều gì từ Chennault, dù là hàng tiếp tế hay lời hứa hỗ trợ nào đó. Ông Hồ đồng ý. Ông ấy mặc quần vải bông kiểu Trung Hoa và chiếc áo cài cúc kín cổ màu cát, không phải màu xanh dương. Đôi xăng đan của ông ấy là loại cài dây như người ta hay dùng ở Đông Dương. Chòm râu thưa muối tiêu, nhưng đôi lông mày phớt nâu ngả bạc ở đuôi và mái tóc hớt ra sau gần như vẫn đen. Chàng trai trẻ Phạm mặc bộ cánh kiểu tây phục, gò má cao và có cái cằm mạnh mẽ. Họ đều nói chuyện rất nhỏ nhẹ nhưng thỉnh thoảng lại bật cười. Chúng tôi dường như hòa hợp được với nhau”.

Trong khi đó, điều tra của chúng tôi về tổ chức Việt Minh của ông Hồ hé lộ rằng đúng là người Pháp xếp họ vào hàng cộng sản, mặc dù người Trung Quốc chỉ cho là họ “quỷ quyệt”. Chúng tôi yêu cầu AGAS kiểm tra lại với GHQ-Trùng Khánh (Tổng hành dinh tại Trùng Khánh) để làm rõ việc này. Chỉ dẫn trở lại là “tạo mạng lưới bất kể giá nào”; chúng tôi không cần lấn cấn về vấn đề chính trị nội bộ của Pháp. Sau khi sắp xếp để ông Hồ gặp Chennault như một người “bản xứ” đã giúp giải cứu Shaw (tên người phi công Mỹ đã được Việt Minh giải cứu trước đó), tôi đưa Tan cùng đến gặp ông Hồ tại phòng trọ của ông ấy và Phạm, phía trên một cửa hàng nến sáp.

“Tầng dưới đầy rẫy những băng dán, màu xanh, trắng và cam, với những ống sáp đang sôi trên bếp phía sau nhà. Ông Hồ và Tan rất hợp nhau, vì vậy ông đồng ý mang anh ta theo cùng. Giờ Tan đang chuẩn bị lên đường. Bernard giục anh ta chỉ mang theo những gì thật cần thiết: radio, súng lục, vài món quà nhỏ. Nhưng Tan khăng khăng rằng anh ấy cần một đống các thứ khác: những món hàng tiếp tế này sẽ cho ta thể diện trước họ, anh ấy nói vậy đấy. Thế là anh ấy bắt đầu lượm về một kho vũ khí”.

Cuộc gặp với Chennault diễn ra vài ngày sau đó:

“Bernard và tôi đến đón ông Hồ vào 10 giờ 30 ngày 29/3 cho cuộc hẹn lúc 11 giờ. Tôi để ý thấy ông Hồ đã đơm lại mấy cái cúc mất tích trên chiếc áo khoác bông, rõ là để mừng cho dịp này. Khi đến phòng tiếp tân của Chennault, chúng tôi được cho biết vị tướng đang tiếp khách. Trong lúc đó, cô thư ký xuất hiện và cam đoan sẽ không mất nhiều thời gian. Năm phút sau chúng tôi được đưa vào văn phòng của Chennault, ở đó Doreen mang đến hai chiếc ghế trong khi Chennault tự mang vào chiếc ghế thứ ba, vô cùng “khách khí”. Rồi ông ấy tới ngồi sau chiếc bàn làm việc to bằng cái giường đôi. Một bộ năm kì khôi: Chennault trong bộ quân phục cài huân chương bảnh bao; Bernard trong bộ quần áo kaki; tôi với cái áo khoác bụi vải ga-ba-đin và mũ hải quân; ông già Hồ mặc áo trùm bông và xăng đan; Doreen với bộ cánh kaki chắc được may ở Đại lộ Năm và được mang sang đây bằng máy bay. Chennault nói với ông Hồ rằng ông rất biết ơn việc ông Hồ đã cứu giúp người phi công Mỹ. Ông Hồ đáp rằng ông ấy luôn vui lòng giúp đỡ người Mỹ và đặc biệt là giúp Tướng Chennault, người mà ông ấy có sự ngưỡng mộ rất lớn. Họ trao đổi về phi đội Hổ Bay. Chennault rất hài lòng khi vị khách biết về phi đội. Chúng tôi nói về việc cứu nhiều phi công hơn. Không ai nói gì về người Pháp hay về chính trị. Tôi khẽ thở phào khi chúng tôi chuẩn bị ra về. Thế rồi ông Hồ nói ông ấy có một đề nghị nho nhỏ muốn hỏi vị tướng. Gương mặt Bernard như hiện lên dòng chữ ‘Đến rồi đây’. Nhưng tất cả những gì ông Hồ muốn chỉ là một bức ảnh của vị tướng. Không có gì làm Chennault thích hơn là tặng ảnh của mình. Thế là ông ta nhấn chuông, Doreen lại bước vào. Lần này có thêm vài cô gái trình ra một tập gồm tám đến mười bức ảnh láng bóng. ‘Mời ông chọn’, Chennault nói. Ông Hồ lấy một tấm và hỏi vị tướng có vui lòng ký lên nó được không. Doreen đưa một chiếc bút Parker 51 và Chennault viết lên mép dưới, “Thân mến, Claire L. Chennault”. Và rồi chúng tôi kéo nhau ra về”.

Như chúng tôi rồi sẽ biết sau đó, sau này ông Hồ đã biến ra phép thuật bằng cách vẩy tấm ảnh ấy như vẩy chiếc đũa thần. Nhưng Chennault không bao giờ nghe được chuyện ấy.

Bernard sắp xếp với Lực lượng Không quân số 14 lấy hai chiếc L-5, loại máy bay chở khách cỡ nhỏ để chúng tôi sử dụng. Ông Hồ sẽ bay xuống biên giới trên một chiếc với Mac Sin, nhân viên điện báo người Trung Quốc. Một hoặc hai ngày sau Tan sẽ bay trên chiếc còn lại với tất cả thiết bị. Có một bãi đáp máy bay ở Ching-Hsi, và họ sẽ đi bộ từ đó. Phạm ở lại Côn Minh làm người liên lạc. Khi tôi đến gặp ông Hồ để nói về việc sắp đặt như vậy, ông ấy hỏi tôi thêm một yêu cầu nữa: sáu khẩu súng lục tự động Colt-45 mới cứng còn nguyên giấy bọc.

Ông Mac Sin tại lán điện đài, Kim Lung, Tân Trào khi ông thăm lại An toàn khu năm 1995. Ảnh: ĐÀO NGỌC NINH

Khi Bernard và tôi đưa ông Hồ tới bãi máy bay và tiễn ông lên chiếc máy bay nhỏ sẽ chở ông qua 300 dặm rừng núi, và ông nói đây mới là lần thứ ba ông đi máy bay. Một tuần sau, Mac Sin thiết lập được liên lạc điện tuyến với chúng tôi, và chúng tôi biết được những điều sau: Ông Hồ đã qua được biên giới và đến được căn cứ trong hang của mình. Ông cử 20 người tới dẫn đường cho Tan và Mac Sin và bảo vệ họ, không chỉ trước người Nhật mà còn cả trước những tên cướp đường. Ít lâu sau chúng tôi nhận được tin báo về từ Tan:

“Đoàn dẫn đường đến ngày 15/4. Bốn giờ sáng hôm sau, chúng tôi ăn vận như đám buôn lậu qua biên giới với tất cả thiết bị đựng trong cái giỏ nan để tạo dáng vẻ khả nghi thường thấy ở những tay buôn trái phép. Dọc đường đi đầy những tên cướp nên chúng tôi tháo và cầm sẵn vũ khí khi vượt qua biên giới”.

Anh ấy kể rằng con đường khó khăn hiểm trở này cuối cùng dẫn họ tới căn cứ của ông Hồ trong hang Pác Bó: Một cái lều đơn sơ ngay bên cửa thác nước. Chính cái lều này là nơi thành viên Việt Minh đến hội đàm. “Theo đánh giá của tôi”, Tan viết, “tổ chức này khá mạnh mẽ và có đến vài trăm người tham gia. Trước khi rời Ching Hsi tôi có được các nhà chức trách Trung Quốc cảnh báo rằng hầu hết Việt Minh là đảng viên cộng sản, và chúng tôi cần phải biết rõ mình đang dấn thân vào điều gì. Nhưng cũng tự nhiên thôi nếu họ nhìn mọi thứ theo quan điểm của Quốc Dân Đảng”. Lúc ấy người Pháp cũng làm om sòm về chuyện chúng tôi làm việc với ông Hồ và tôi bị gọi lên AGAS để trình báo cáo. Khi báo cáo này được gửi tới GHQ, chúng tôi được hướng dẫn tiếp tục hành động bất kể điều gì.

Lá thư đầu tiên tôi nhận được từ ông Hồ báo rằng OSS đã gửi đến trong nhóm của họ những người đã hợp tác với những người Pháp thân với chính phủ Vichy, những người bài Việt Nam hơn là bài Nhật, vậy sự thật về chính sách của Mỹ rốt cuộc là gì? Lời chất vấn này không sao có câu trả lời, trừ việc nhận rằng chính nó là sự thật.

Chúng tôi sắp xếp để ông Hồ gửi tới cho chúng tôi một vài người để tập huấn, được giải thích trong bức thư tiếp theo tôi nhận từ ông:

“Tôi sẽ rất biết ơn ông về sự chiếu cố đến các thanh niên của chúng tôi. Tôi mong họ có thể học được về điện tín và những thứ cần thiết khác cho cuộc chiến chung của chúng ta trước người Nhật. Tôi hi vọng ông sớm có thể tới thăm căn cứ của chúng tôi. Điều đó sẽ rất tốt! Cho phép tôi gửi sự kính trọng của mình đến Tướng Chennault”.

Những lá thư đầu tiên này được viết tay với cây bút mực ngòi thép trên tấm giấy gạo Trung Hoa. Một trong những tiêu chí đánh giá phái viên tôi thấy hữu ích và chính xác nhất là đánh giá tính cách qua chữ viết. Bản phân tích chữ viết tay của ông Hồ sau đây được thực hiện không chút thiên vị về người chúng tôi làm việc cùng.

“Đặc trưng cơ bản là sự giản dị, mong muốn khiến mọi thứ rõ ràng, tính tự chủ đáng nể. Biết cách giữ bí mật. Gọn ghẽ, có nguyên tắc, khiêm tốn, không hứng thú với việc chưng diện hoặc phô trương. Tự tin và đường hoàng. Hòa nhã nhưng cương quyết. Trung trực, chân thành và rộng lượng, có thể làm bạn tốt. Quảng giao, dễ hòa hợp với người khác. Đầu óc phân tích sắc sảo, khó bị đánh lừa. Cho thấy thiện ý khi đặt câu hỏi. Giỏi đánh giá nhân vật. Tràn đầy nhiệt huyết, năng lượng và sáng kiến. Tỉ mỉ, chịu khó chú ý đến tiểu tiết. Trí tưởng tượng cao, quan tâm đến mỹ học, nhất là văn học. Có khiếu hài hước tốt.

Điểm yếu: Lối giao thiệp có trù định trước. Có lúc tâm trạng bất định hoặc ngoan cố”.

Lá thư tiếp theo của ông Hồ được viết trên một nửa tấm giấy mỏng, nét mờ yếu với mực bợt xanh.

“Ông T (Tan) và anh bạn (Mac Sin) hòa nhập rất tốt. Tôi hi vọng ông có thể sớm đến thăm chúng tôi.

Ông vui lòng giúp chuyển lá thư này đến bạn tôi, Sung Minh Fang, ở quán café Đông Dương. Mười hoặc mười hai ngày nữa, họ sẽ đưa ông một gói đựng cờ của quân Đồng Minh. Tôi sẽ rất biết ơn nếu ông gửi gói ấy đến cho tôi nhanh nhất có thể. Tôi gửi lời chào tốt đẹp nhất tới người bạn già tuyệt vời (Chennault) và tới ông Bernard cũng như tất cả bạn bè của chúng ta. Tôi xin chúc ông sức khỏe và may mắn”.

Thư tay Hồ Chí Minh gửi Charles Fenn. Ảnh trích trong sách.

Người đưa tin (một phái viên của ông Hồ), người mang những lá thư này đến nói tiếng Pháp rất tốt và chúng tôi đã có cuộc nói chuyện dài. Nhật ký của tôi ghi lại đại ý những chuyện anh ta kể với tôi:

“Bởi Bác Hồ đi xa đã lâu, đã có tin đồn rằng Bác đã chết. Tin khác lại nói Bác đã đến Mỹ. Thế rồi đột nhiên chúng tôi nghe tin Bác đã đến Ching Hsi bằng máy bay Mỹ. Chúng tôi khó mà tin được điều đó. Sau đó Bác về căn cứ, mang theo anh bạn người Mỹ gốc Hoa cũng như anh nhân viện điện báo và tất cả các loại vũ khí, tốt hơn bất kỳ loại nào người Pháp hay người Nhật có. Bác Hồ về, rất ốm sau một quãng đường trường đi bộ gian khổ (chính là quãng đường Tan đã kể), đi suốt hai tuần, chỉ đi ban đêm, hầu như hôm nào cũng mưa. Khi Bác đủ khỏe, Bác mời tất cả lãnh cao cấp cao đến hội nghị, không chỉ người của Bác mà cả những đối thủ từ những tổ chức khác. Bác nói với họ giờ Bác đã có sự bảo đảm hỗ trợ từ người Mỹ, có cả Chennault. Lúc đầu không một ai tin. Rồi bác đưa ra tấm ảnh Chennault đã ký “Thân mến”. Sau đó bác lấy mấy khẩu súng lục tự động và tặng mỗi vị lãnh đạo một khẩu làm quà. Những vị ấy cho rằng Chennault đã tự mình gửi những món quà này. Sau hội nghị ấy, không còn lời nào về việc ai là lãnh đạo cao nhất nữa”.

Ngay sau đó, chúng tôi thả xuống một loạt hàng tiếp tế: Các bộ radio, thuốc men, phụ tùng, vũ khí. Hầu như đều là tiếp từ OSS, vì họ có cả kho những đồ này. Theo như Tan, việc thả hàng tiếp tế như vậy tạo sự xúc động trong quần chúng và tín nhiệm đối với ông Hồ càng lên cao. AGAS không đồng ý cho tôi đi, vậy nên chúng tôi cử xuống đó một sĩ quan AGAS trẻ tên Phelan. Anh ta rất miễn cưỡng nhận nhiệm vụ này khi nghe rằng ông Hồ là một người cộng sản. Trong vòng một tuần sau khi đến nơi, anh ta gửi về một bức điện chứng minh rằng ông Hồ không có chút cộng sản nào: Chúng tôi đều đã hiểu sai. Ví dụ như trong một bức điện của anh:

“Thương lượng lại với người Pháp. Ông đang hiểu lầm thái độ của Việt Minh. Họ không bài Pháp. Đơn thuần là yêu nước. Xứng đáng được tin tưởng và hỗ trợ hoàn toàn”.

Robert Shaplen trích một đoạn Phelan gửi anh ta sau đó, mô tả căn cứ của ông Hồ: “Bốn lều, mỗi lều 20 mét vuông, cách bốn dặm rừng tre, lều của ông Hồ cũng đơn sơ như những người khác”. Trong những điều Phelan nhắc đến, có việc ông Hồ hỏi lời khuyên của anh ấy về lời mở đầu trong Tuyên ngôn Độc lập Mỹ, những lời mà ông muốn đưa vào Tuyên ngôn của mình. “Nhưng thật ra ông ấy có vẻ còn hiểu rõ về những lời đó hơn cả tôi”. Phelan nói. Khi bắt đầu nhiệm vụ Phelan quạu cọ với chúng tôi vì ông Hồ là người cộng sản, giờ thì anh ấy lại kết luận với Shaplen bằng những lời thế này, “Ông ấy có duyên kinh khủng. Nếu tôi phải chọn lấy một phẩm chất của ông già bé nhỏ ngồi trên gò đất giữa rừng ấy, tôi sẽ chọn tính hòa nhã của ông ấy”.

Ba tháng tiếp sau cuộc đảo chính của Nhật tháng 3/1945 có lẽ là thời gian tối trọng yếu trong sự nghiệp của ông Hồ. Khởi đầu ông ấy chỉ là lãnh đạo của một đảng trong số nhiều đảng khác: Người Mỹ không công nhận, người Pháp chống đối, người Trung Quốc lánh xa, không vũ khí không thiết bị. Chính ông lúc ấy đang bị chia cắt 600 dặm với đồng chí của mình và không có cách nào vượt lên. Đến cuối tháng 6, một phần lớn cũng phải cảm ơn GBT, không nghi ngờ gì ông ấy đã là lãnh tụ của một đảng cách mạng mạnh mẽ áp đảo. Không biết liệu người Mỹ, người Trung Quốc và cả OSS giờ có lo ngại về việc khuếch rộng mối quan hệ này không.

Quãng thời gian ấy Gordon cũng trở lại từ Mỹ. Khiếp đảm khi phát hiện chúng tôi đang chống lưng cho một nhà dân tộc chủ nghĩa người Việt, người được cho là bài Pháp và thân cộng sản, anh ấy kiên quyết đòi Tan nên quay về. May cho Tan và ông Hồ là giữa họ đã lập sẵn một mạng lưới tình báo người bản xứ dư sức thay thế cho mạng lưới người Pháp đã mất trong cuộc đảo chính. Những người Việt Minh đã giải cứu được tổng cộng 17 phi công bị rơi. Việt Minh cũng đã xây dựng được bãi hạ cánh ở tổng bộ của họ. Chúng tôi có thể gửi một chiếc L-5 trực tiếp đến đón Tan. Anh ấy trở về với tình cảm nhiệt thành dành cho ông Hồ đến nỗi Gordon cũng thành ra lưỡng lự. Bên cạnh những tin nhắn khác, Tan mang cho tôi một lá thư của ông Hồ, lá thư này được gõ bằng cái máy gõ chữ rõ cổ lổ sĩ, nhưng lời thư thì hoàn hảo:

“Tôi muốn viết cho ông một lá thư dài thật dài để cảm ơn tình bạn của ông. Tiếc rằng tôi không thể viết được nhiều, vì nay sức khỏe tôi yếu (không đến nỗi quá ốm, xin ông đừng lo!).

Những điều tôi muốn nói, ông Tan sẽ nói thay tôi. Nếu ông có gặp các ông Bernard, Vincent, Reiss và Carton (của Phòng Thông tin) và những người bạn khác của chúng ta, nhờ ông gửi họ lời chào thân mến nhất của tôi.

Phạm nói rằng ông sẽ đến đây. Chúng tôi đã sẵn sàng chào đón ông nồng nhiệt nhất. Hãy tới ngay khi nào ông có thể”.

Như đã từng nhắc, ông Hồ yếu nhiều sau cuốc đi bộ. Tan nói rằng ông đã ốm mệt cả tháng sau đó, và ngay trước khi ông viết lá thư bên trên, bọn họ còn lo cho tính mạng của ông. Võ Nguyên Giáp sau này trong hồi ký của mình cũng đã xác nhận điều này.

Theo Tan thì ông Hồ vẫn còn khá ốm, dù cho ông muốn tôi yên tâm rằng ông ốm không nặng. Sự quan tâm đến người khác, cho dù đang lúc bệnh tật và quá sức, cũng được thể hiện trong lá thư sau đó ông viết cho Tan:

“Ngàn lần mong ông thứ lỗi: Anh bạn được giao mua vòng tay cho ông bị ốm, anh ta trao lại nhiệm vụ cho người thứ hai. Anh này lại một lần nữa được giao làm công việc khác ở Hà Nội. Anh ta lại giao lại việc mua đồ cho người thứ ba. Người ấy không nắm đúng việc được giao và chỉ mua được rất ít những gì ông muốn. Tất cả hết 440 đồng Đông Dương! Tôi gửi ông những gì họ trao cho tôi và phần tiền thừa là 2,560 đồng.

Tôi xin chúc ông sức khỏe và may mắn! Tôi cũng chúc ông sớm có được một phu nhân cho mình”.

Vòng tay ở đây là những chiếc vòng bạc của người dân tộc mà Tan muốn phân phát cho nhân viên của mình. Chúng tôi có thể thấy cá nhân ông Hồ đã vướng vào bao nhiêu rắc rối khi thực hiện việc vặt được nhờ không đúng lúc như vậy. Việc nhắc đến “phu nhân” ở đây càng đáng chú ý. Tan (khi ấy còn khá trẻ) là một anh chàng độc thân, nhưng không do anh tự chọn. Cô gái anh yêu bấy lâu nay đã từ chối anh. Có lẽ anh đã kể chuyện này với ông Hồ, người đã tiết lộ với anh rằng chính ông cũng từng để ý một cô gái nhưng khi ấy ông phải vượt biển đi xa (1911) và ông phải quên cô đi. Bẵng một quãng thời gian, ông Hồ nói, trái tim ông giờ dành trọn cho đồng bào của ông. Nhưng ông đồng cảm được với Tan và thậm chí còn khuyến khích anh gặp gỡ với mấy cô du kích. Tiếc thay, Tan nói, chẳng cô nào có vẻ có ý định lấy chồng.

Tôi có bức thư cuối từ ông Hồ, đề “tháng 8/1945”, viết ngay sau khi quả bom nguyên tử rơi xuống Hiroshima (ngày 6/8):

“Chiến tranh đã kết thúc. Thế là tốt cho tất cả mọi người. Tôi lấy làm tiếc rằng các bạn Mỹ của chúng tôi sẽ phải sớm rời đi. Và họ rời khỏi đất nước này cũng có nghĩa là mối quan hệ của tôi và ông sẽ khó khăn hơn.

Cuộc chiến đã thắng lợi. Nhưng những nước nhỏ và chịu lệ thuộc như chúng tôi nhận được những phần rất ít, rất nhỏ bé trong chiến thắng của tự do và dân chủ. Có lẽ, nếu chúng tôi muốn nhận được phần xứng đáng, chúng tôi vẫn còn phải chiến đấu nữa. Tôi tin rằng sự đồng tình của ông và của những người Mỹ sẽ luôn ở bên chúng tôi.

Tôi cũng chắc rằng sớm hay muộn, chúng tôi sẽ đạt được mục tiêu của mình, bởi nó đáng phải như thế. Và đất nước của chúng tôi sẽ độc lập. Tôi mong chờ ngày hạnh phúc được gặp ông và những người bạn Mỹ khác, ở Đông Dương hoặc ở Mỹ!”

Tác giả Charles Fenn và Đại tướng Võ Nguyên Giáp tái ngộ tại Hà Nội, 1995. Ảnh tư liệu báo QĐND

Định mệnh đã an bài chúng tôi không gặp lại nhau. Với quả bom nguyên tử rơi xuống và việc chấm dứt hoạt động của AGAS, công việc ở Đông Dương coi như đã hoàn thành.

Những ghi chép trước đây về quãng đời cụ thể này của ông Hồ, hầu như đến từ các nguồn của OSS, đều rất lộn xộn. Jean Sainteny, phái viên đặc biệt của De Gaulle ở Việt Nam lúc bấy giờ, người được coi là nguồn thông tin tốt nhất về Đông Dương hậu chiến, viết:

“Tôi thường tự hỏi tại sao OSS, với những người được phú cho khả năng cao như vậy, lại gửi tới Việt Nam những tay thuộc hạ loại hai, không biết đánh giá mối nguy và không tính toán nổi kết quả diễn tiến để rồi chỉ hoạt động có một tháng vào những ngày tháng 8/1945 ấy”.

Kết quả cho người Mỹ thực không may. Thay vì ủng hộ chính quyền Vichy Pháp, tổ chức Pháp quốc Tự do, Việt Minh và những tổ chức bản xứ khác, OSS lại tìm cách chọc tức những ý kiến về giải phóng nước Pháp trong khi cùng lúc làm những người bản xứ vỡ mộng về sự thấu hiểu thực sự của người Mỹ. Ông Hồ sớm nhận ra rằng ông có thể bỏ đi “sự đồng tình” ông trông đợi ở người Mỹ. Người ta có thể tranh biện rằng tất cả vì mục đích tốt đẹp: người Mỹ càng sớm tách khỏi một nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa Marx thì càng sớm bắt đầu công cuộc đánh bại thế giới cộng sản. Thế nhưng câu hỏi được đặt ra ở đây là có phải đáng lẽ người Mỹ có thể tìm thấy ở ông Hồ, không phải là một tổng thống cộng sản thứ hai như Tito mà là một nhân vật chính trị kiểu mới: một người có thể biến chủ nghĩa Marx thành chủ nghĩa Quốc tế đích thực. Chúng ta sẽ không bao giờ biết được câu trả lời. Cơ hội đã mất rồi.■

Phương Linh dịch

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN