Hai bức thư lịch sử (Hoàng Cao Khải dụ Phan Đình Phùng)*

         Khoảng giữa thế kỷ thứ XIX, vì sự vụng về chính trị của vua tôi nhà Nguyễn, xảy đến người Pháp đem quân xâm chiếm nước ta, gây nên biết bao thảm họa tới sau. Ngay hồi đó, các nhà chí sỹ Việt Nam hè nhau nổi nghĩa quân, chống lại với ách xâm lăng, trong đó có cụ Phan Đình Phùng đứng vào một bực oai danh thứ nhất. Tiểu sử của nhà đại gia cách mạng này, trong trí óc quốc dân ta, ai mà không ghi nhớ, ở đây bất tất chúng tôi phải nhắc dài dòng.

Ngay hồi đó có người đồng hương với cụ Phan, là Hoàng Cao Khải, một người quên nghĩa giang san, phục theo người Pháp, và có gửi thư dụ dỗ cụ Phan cùng theo chí hướng với mình. Kết cuộc cụ Phan vẫn giữ khăng khăng một mực, thề quyết đem thân trả nghĩa non sông và có viết thư đáp lại cho Hoàng Cao Khải rõ. Trong hai bức thư này, lời lẽ của kẻ gian tà dụ dỗ kể cũng tha thiết đến chuyển động tâm thần mà quay ra theo phường phản bội. Nhưng trái lại, đằng này nhà đại cách mạng lại dùng văn tự tinh thần để đối đáp và tỏ ý bất khuất cho đến tận cùng.

Hai bức thư này trước đây chưa thấy dịch đăng ở trên các báo. Nay nhân có ông bạn gửi cho hai bản nguyên văn chữ Hán, vậy tôi xin tạm dịch ra quốc văn và phiên âm cả nguyên bản Hán văn, đăng lên báo đây để cùng đồng lãm. Trong này nếu có chữ gì sai sót dám xin các bậc thức giả chỉ bảo giùm cho, chúng tôi rất là cảm tạ.

Chân dung cụ Phan Đình Phùng (1847-1896)

1. BỨC THƯ CỦA HOÀNG CAO KHẢI GỬI CỤ PHAN

         Tôi cùng túc hạ xa nhau, thắm thoát đã 17 năm dòng. Cuộc thế bể dâu, đường trần Nam – Bắc, lối đi đã khác, hồn mộng càng xa. Nhớ tới giao du ngày trước chan chứa bao tình?

Túc hạ từ khi nổi việc tới nay, lòng nghĩa gan trung, ai ai cũng rõ. Tôi thường nghe thấy quí quan (chỉ người Pháp) đàm đạo tới luôn, mà không ai là không khen ngợi. Cho hay, cái lòng huyết khí tôn thần, dù khác đất cũng một dạ, há riêng gì đồng thanh đồng khí mà thôi?

Ôi, từ phen kinh thành nổi biến, Vua phải bôn ba, túc hạ đã khăng khái đứng ra khởi nghĩa; trong khi sự thế đáo đầu như thế, dù ai dám bảo không nên? Song cuộc thế gần đây, việc thiên hạ đáng làm hay không đáng làm, cho dẫu kể kiến thức nông nổi tới đâu cũng có thể nói ngay ra được. Huống chi túc hạ, một bực tuấn kiệt xưa nay, há lại không nghĩ tới đó?

Theo tôi trộm đoán, chắc trong bụng túc hạ cũng cho làm theo sức ta, cho hết tài ta, cái xong là ở người mà không xong là lại ở Trời; chỉ biết một thân bỏ nước tới chết thì thôi… bởi thế nên cố gắng đi hoài, không thèm ngoảnh lại, nghĩa là không sao đoạt nổi chí mình.

Riêng tôi trông thấy tình trạng hương quan, rất là đau ruột. Lắm lúc muốn đem ngu kiến, liều nói với bực cao minh. Nhưng đã bao phen vuốt giấy mài mực, rồi rút cuộc lại đến gác bút than dài. Vì cớ sao? Là cho rằng, can trường thiết thạch, đâu có phải lời nói có thể chuyển lay. Huống chi khác tình khác cảnh, xa mặt xa lòng, lời nói của tôi chưa chắc đã tới được sân túc hạ; mà dù cho có được tới sân thì cũng chưa chắc đã lọt vào tai túc hạ; chẳng qua lại thêm cố nhân cười là ngu xuẩn mà thôi!

Chân dung Hoàng Cao Khải (1850-1933)

Mới đây, Toàn quyền đại thần, bắt đầu lo tính tới việc tỉnh ta, muốn cho tôi cử người ngỏ lời cùng túc hạ và có ý nhắn nhe: “Túc hạ là bậc cao đạt, đã đành không thiết tới thân gia, song cũng nên cứu vớt nhân dân một vùng mới phải…”. Câu đó, quí Toàn quyền không nói với ai mà lại riêng nói với tôi, là biết rằng tôi cùng túc hạ vốn tình cố cựu trong chốn hương quan, có lẽ nào tôi lại lặng thinh đi được?

Ôi, quí đại thần ngàn dặm tới đây, cũng còn xăng xốc nghĩ tới dân ta; huống chi bọn ta sinh trưởng nước này cha anh ôn tộc ở đó, nay nhất đàn bỏ dứt ân tình thì trăm năm sau đây, sẽ cho chúng ta là kẻ thế nào?

Ôi, “tâm trên là vì đức, tâm dưới là vì dân”, phàm kẻ trung với Vua tất phải có lòng lo lắng đến dân và chưa từng có người nào không biết thương dân mà cho là trung với Vua được? Trong bấy lâu nay, túc hạ sở hành sở vị, trung thì trung thực, nhưng riêng bọn dân kia, nào có tội gì mà mắc chịu lầm than như vậy”. Ấy là cái lỗi tại ai? Túng nhiên túc hạ cứ chấp thế mà làm đi mãi, tôi e rằng khắp vùng Hồng Lĩnh, Lam Giang, sẽ thành ao cá. Đó há phải những bậc nhân nhân quân tử thích làm như thế hay chăng?

Nhưng khi quay nghĩ lại, bất giác lại chợt tự mừng bảo mình rằng: “Câu này có thể thỉnh giáo với bậc đại phương vậy”.

Tuy nhiên, sự thế của túc hạ ngày nay, thực chẳng khác cưỡi hổ mà muốn bước xuống, biết bao nông nỗi nghi nan! Nếu tôi không có đủ sức tự tin thì quyết không khi nào dám khinh suất thốt ra để cho cố nhân thêm phiền bụng nghĩ. Một sự may mắn là Toàn quyền đại thần với tôi vẫn có tình phận đã lâu, cả quan Khâm sứ ở Kinh cùng tuẫn Công sứ Nghệ Tĩnh đối với tôi cũng là chí khí tương hợp. Tức như mới đây ông án họ Trần, ông Tham Thị lang, cũng là trong tình châu quận, hoặc kẻ bị tội nặng, hoặc người bị an trí, tôi cũng vì họ bảo toàn được yên ổn cả. Lại như gần đây, ông Phan Trọng ra thủ, tôi dây dẫn tới các quí đại thần, cũng được đãi như là tân khách và lập tức đánh điện cho trả lại phần mộ thân thích, biết bao là sự khoan dung! Mới hay, lòng ấy lý kia, dẫu nghìn dặm cũng cùng một lối vậy.

Nếu túc hạ không cho lời nói của tôi là ngu ngốc, thì vạn nghìn không có chút gì trở ngại, tôi quyết không khi nào dám để cái tiếng bất trí cho bậc cố nhân.

Đường đột lân la, cao minh xin xét. Non mai xuân tới, kính đợi hồi âm

2. BỨC THƯ CỦA CỤ PHAN TRẢ LỜI

Đệ gần đây vì việc binh mã, ở lâu trong chốn suối rừng. Gia dĩ giời đông, lạnh lẽo tĩnh mịch như vẻ rất buồn. Chợt báo tin có thư của cố nhân gửi tới, tôi nghe bất giác phá tan hết cơn lạnh lẽo vội vàng mở đọc thư ngay. Trong thư bầy rõ họa phúc, nói hết thiệt hơn; biết là cố nhân không những vì đệ tính kế an toàn, mà thực cũng là muốn giữ bình yên cho cá hai nhà vậy.

Ngàn dặm tuy xa, không khác cùng ngồi đối thoại, những lời phó phủ, đệ đều vâng hiểu rõ ràng; tiếc vì riêng về phần đệ, cái cảnh ngộ cùng tâm sự, thực là muôn phần khó nói được ra.

Trộm nghĩ sự thể thiên hạ hiện nay như thế ấy, mà tài lực của đệ như thế kia, trong ý cố nhân chỉ cho lài cái thế như cánh tay bó ngựa chống với muôn cỗ xe to, nhưng nói thực ra thì lại gấp hơn thế nữa.

Tuy nhiên, ngồi mà nghĩ lại thì, nước ta trải mấy ngàn năm nay, đất vẫn không rộng, của vẫn không nhiều, binh vẫn không mạnh, nhưng cái chỗ trông cậy để lập quốc, chẳng qua chỉ do ngữ tuân quán thần phụ tử mà thôi. Trước đây Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh đã từng bao phen muốn chia nước ta ra làm quận, huyện, song rốt cuộc vẫn không sao được.

Ôi, nước Tàu so với nước ta, đất thì liền nhau, sức thì gấp bội, thế mà thủy chung không thể áp chế ta được, ấy là bởi tại lẽ gì? Phải chăng sông núi nước Nam, tiệt nhiên phận định, đức trạch thi thư, vốn sẵn nơi có nơi nương cậy?

Nay đây, người Tây dương với ta, cách xa không biết mấy ngàn vạn dặm; thế mà vượt biển tới đây, đến đâu tựa như gió lướt; nhà vua bỏ chạy, cả nước hoang mang; suốt trong thiên hạ, đắm chìm là thế, há riêng gì một nhà một quận phải chịu lầm than?

Khoảng năm Ất Dậu, xa giá tới tỉnh Hà Tĩnh, lúc đó đệ đương cư tang thân mẫu, chỉ biết đóng cửa chịu tang, có đâu dám mơ chuyện khác. Ngặt vì một cớ vốn là dòng dõi thế thần, lại thêm bao lần tuyên triệu nên bất đắc dĩ cũng phải gắng gượng ứng theo. Gần đây lại thêm nhắc lên vào hàng đặc cách, trao cho một cái đặc quyền. Mệnh lệnh của Vua như thế, túng nhiên cố nhân xử vào cảnh ấy, có thể chối từ mà tránh được chăng?

Rồi từ bấy đến nay, thắm thoát đã ngót mười năm, các người ứng theo việc nghĩa, hoặc bị giết tróc, hoặc bị trách phạt mà thủy chung, không ai nản lòng thối chí và sản xuất tái xuất lực, càng ngày theo tới cùng đông. Ôi, hà phải lòng người vui thích những sự tai họa mà làm như thế hay sao? Đó chẳng qua cũng vì tin ở lòng đệ mà thôi. Lòng người như thế, túng nhiên cố nhân xử vào cảnh đệ, hỏi có thể đành lòng gạt bỏ được chăng?

Đệ đây, mặc cho khói hương lạnh lẽo, thân thích lìa tan, không dám hoài nghĩ tới nữa. Kẻ thân còn không nhìn tới, huống chi là kẻ còn sợ nơi gần còn không đoái thiết, huống chi là ở nơi xa!

Hơn nữa, quân ta sở dĩ lầm than quá nỗi, đâu phải riêng gì cái nạn đao binh! Quân Pháp tới đâu là lũ tiểu nhân bám theo tới đó, không tội trỏ là có tội; ngày nay quở trách, ngày mai hình phạt, nếu có thể vét được của dân, thì không gì là không làm tới. Trăm tệ dở ra, người Pháp có đâu thấu hết? Như thế làng xóm tránh nào không đến xiêu tàn?

Cố nhân với đệ cùng nòi giống châu Hoan, cố nhân ở nơi xa ngoài ngàn dặm còn biết nghĩ tới cố hương, huống chi đệ lại là tai nghe mắt thấy luôn luôn? Chỉ vì cảnh thế bắt buộc, sức chẳng theo lòng, dù giúp cũng không cách gì giúp được!

Ví bằng cố nhân đã hiểu và nghĩ tới đó, lại đem cảnh ngộ của đệ rồi tự đặt thân vào mà nghĩ suy cho kỹ thì cái tâm sự của đệ, tự khắc trông thấy rõ ngay, lọa cần đệ hải nói lắm thêm rườm!

Gặp kỳ xuân tiết, xa chúc bình an…■

         Trần Công Chính   

(*) Bài này chúng tôi đăng lại nguyên văn trên tập “Văn hóa Nguyệt san” số 50 xuất bản tại Sài Gòn tháng 5/1960, có lược bỏ phần phiên âm và chữ Hán.

 

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN