Lễ thành lập Đội Tuyên truyền Việt Nam Giải phóng quân: Phát huy truyền thống tốt đẹp

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có bài tường thuật lại Lễ thành lập Đội Tuyên truyền Việt Nam Giải phóng quân ngày 22/12/1944 tại khu rừng thuộc xã Tam Kim và Hoa Thám, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, đã được in trong cuốn “Đội Quân Giải phóng” của Đại tướng. Tạp chí Phương Đông xin trích đăng giới thiệu tới quý bạn đọc.

Chúng tôi quyết định thành lập đội Tuyên truyền, chậm nhất là vào hạ tuần tháng chạp.

Công việc chuẩn bị tiến hành cấp tốc, rộn rịp. Các đội viên và cán bộ lần lượt từ các châu kéo đến nơi tập hợp. Ba bốn trạm đón tiếp đã tổ chức sẵn sàng, trên mấy đỉnh núi miền giáp giới Cao Bằng – Bắc Cạn. Dân chúng địa phương nhiệt liệt giúp đỡ về lương thực tiếp tế.

Ngày 22 tháng 12, vào khoảng 5 giờ chiều, lễ thành lập Đội Tuyên truyền cử hành rất long trọng trong khu rừng hai tổng Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám. Phải chăng là một điềm tốt, đội quân đầu tiên của chúng ta đã ra đời dưới sự che chở của anh linh hai đấng anh hùng dân tộc.

Trong khu rừng đại ngàn, dưới bóng mấy hàng cổ thụ, lúc khí trời nơi đỉnh cao đã lạnh buốt, trung đội Giải phóng quân lần đầu tiên tập hợp dưới ngọn cờ hồng sao năm cánh.

Trước mặt toàn thể đội viên, trước mặt đại biểu Ban Liên tỉnh Cao – Bắc – Lạng và các anh chị em dân tộc Thổ và Mán trong hai tỉnh đến tham dự rất đông, tôi trân trọng thay mặt Đoàn thể tuyên bố thành lập Đội Tuyên truyền và vạch rõ nhiệm vụ của Đội đối với Tổ quốc Việt Nam:

… Các đồng chí!

Nhiệm vụ mà Đoàn thể ủy thác cho chúng ta là một nhiệm vụ quan trọng và nặng nề. Chính trị trọng hơn quân sự, tuyên truyền trọng hơn tác chiến, nhiệm vụ ấy có tính chất là một  nhiệm vụ giao thời. Vận động vũ trang tuyên truyền để kêu gọi toàn dân đứng dậy, chuẩn bị cơ sở chính trị và quân sự cho cuộc khởi nghĩa.

… Thế là, từ giờ phút này trở đi, chúng ta cùng nhau tiến lên trên con đường vũ trang tranh đấu. Chúng ta nêu cao tinh thần anh dũng hy sinh. Chúng ta quyết tiến tới để làm tròn nhiệm vụ. Bao nhiêu căm hờn của dân tộc, bao nhiêu sự tàn khốc thê thảm đang chờ đợi một cuộc thanh toán. Chúng ta nguyện đem xương và máu mà làm công việc đó. Chúng ta sẽ vạch rõ cho toàn dân con đường sống duy nhất là con đường đoàn kết để vũ trang đứng dậy. Quân Giải phóng sẽ chứng tỏ rằng mình là một đội quân của dân, của nước, đi tiên phong trên con đường giải phóng của dân tộc.

Quân Giải phóng là một đội quân rất trọng kỷ luật, tuyệt đối phục tùng thượng lệnh; là một đội quân giàu tinh thần đoàn kết, đồng cam cộng khổ… Kinh nghiệm chúng ta còn non nhưng có làm mới có kinh nghiệm, và làm thì tất nhiên sẽ có kinh nghiệm. Chúng ta tin tưởng ở thắng lợi.

Theo chỉ thị của Đoàn thể, dưới lá cờ đỏ sao vàng năm cánh, tôi xin tuyên bố Đội Tuyền truyền Việt Nam Giải phóng quân thành lập và hạ lệnh cho các đồng chí tiến lên con đường vũ trang tranh đấu.

Từ giờ phút này, các đồng chí sẽ noi theo ngọn cờ tiến lên trên con đường máu. Chúng ta tiến, tiến mãi cho đến ngày giải phóng của toàn dân.

(Trích trong bài diễn văn thành lập Đội Tuyên truyền Việt Nam Giải phóng quân).

Lễ ra mắt Ðội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân ngày 22/12/1944 tại tỉnh Cao Bằng. Ảnh tư liệu/ TTXVN

Tiếp đó là thơ chúc tụng của Ban Liên tỉnh, của các đoàn thể nông dân, của các đội vũ trang địa phương.

Rồi đến lễ tuyên thệ đầu tiên của đội Tuyên truyền.

Dưới cờ, lòng đầy tin tưởng tương lai, đầy kỳ ức rực rỡ của bao nhiêu chiến công oanh liệt đời trước, toàn thể đội viên đồng thanh đọc 10 lời thề danh dự và sau mỗi lời thề thì đồng thanh cả quyết xin thề.

Tin tưởng; nô nức; cảm động. Tâm tư của cán bộ và đội viên trong giờ phút nghiêm trọng ấy thực là khó tả được.

Bữa cơm tối hôm 22/12, theo ý kiến của số đông là một bữa cơm nhạt, không rau, không muối, đề nêu cao tinh thần khắc khổ của Đội, mặc dầu dân chúng úy lạo không thiếu thức gì.

Tối lại là đêm du kích đầu tiên.

Bộ đội và các anh chị em dân chúng quây quần chung quanh bốn nhóm lửa ngùn ngụt cháy. Dưới bóng đỏ rực và ấm áp của ngọn lửa hồng, cuộc hội nghị liên hoan bắt đầu trong một không khí thân mật niềm nở. Tất cả các đội viên và cán bộ đều tự giới thiệu bí danh và tiểu sử của mình rồi mọi người sẽ phát biểu lời nguyện vọng đầu tiên khi mới tòng quân.

Khi nghe các chiến sĩ kể lại thân thế, gia đình, cuộc liên hoan trở nên mặn nồng tha thiết. Trong 34 chiến sĩ có mặt, không một người nào không bị đế quốc đàn áp, dầy séo. Hoặc nhà cửa bị đốt phá, hoặc của cải bị tịch thu, hoặc cha anh, chị em bị bắt, bị bắn còn chính mình thì nếu chưa trải qua phong vị lao tù thì cũng là kẻ tình nghi đang bị truy nã, đầu bị treo thưởng từ 100 đấu muối đến 1, 2 vạn đồng. Trong lời tự thuật của anh em, lòng căm giận bọn hung tàn lên cao cực độ. Đối với quân giặc dã man chừng ấy chỉ còn một cách là dùng thanh gươm và viên đạn mà tiêu diệt cho đến tên cuối cùng. Từ trước cùng chung một chí hướng, cùng chung một cảnh ngộ, ngày nay cùng nhau dẫn bước trên con đường huyết lộ giết giặc, mối tình thân mến giữa các bạn chiến đấu không có gì đẹp đẽ trong sáng bằng.

Nợ nước, thù nhà. Đó là một sự đảm bảo chắc chắn cho tinh thần chiến đấu đến cùng của Đội Tuyên truyền.

Đêm hôm đó, nguyện vọng của cán bộ và đội viên, lời lẽ tuy khác, nhưng ý nghĩa vẫn một: Mong sao giết được nhiều giặc, chóng cướp được súng Tây để thay súng kíp, mong sao trung đội Tuyên truyền chóng trở nên một đội quân mạnh mẽ, mong sao ngọn cờ đỏ sao vàng năm cánh trong tương lai gần đây sẽ phấp phới giữa chốn Thủ đô.

Lời chúc tụng có ý nghĩa hơn hết và cũng thiết thực hơn hết là lời chúc tụng của một đồng chí nữ cán bộ: Mong sao từ bây giờ đến Tết, Đội Tuyên truyền từ một trung đội phát triển thành một đại đội và sẽ trở về ăn Tết vui vẻ cùng dân chúng Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám.

Cuộc liên hoan kéo dài đến nửa đêm thì kết thúc.

Nhưng, suốt đêm, các tiểu đội thay phiên nhau túc trực dưới cờ, tâm niệm mười lời thề danh dự.

Ấn tượng đêm 22 tháng chạp năm 1944, đối với toàn thể cán bộ và đội viên Đội Tuyên truyền là ấn tượng của một đời sống anh dũng hiên ngang, nối theo đời sống oanh liệt của ông cha đời trước.

Thực là một đêm đông hùng tráng, trong cảnh heo may lạnh lẽo của rừng núi Cao – Bắc – Lạng.

Thế là đội Quân Giải Phóng đầu tiên ra đời. Thế là một lực lượng mới đã xuất hiện. “Một hạt giống bé nhỏ, do đó mới nở ra đám rừng mênh mông là Vệ Quốc Quân ngày nay”.

Các đội viên nghe đồng chí Võ Nguyên Giáp đọc lời tuyên thệ trong ngày thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân.

10 lời thề danh dự của Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân:

  1. Hy sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam, chiến đấu đến giọt máu cuối cùng để chống phát xít Pháp-Nhật và bọn Việt gian phản quốc, để giải phóng cho toàn dân Việt Nam, làm cho nước Việt Nam trở thành một nước Dân chủ, Độc lập, Tự do ngang hàng với các nước dân chủ trên thế giới. 
  2. Tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh cấp trên, khi nhận một nhiệm vụ gì sẽ tận tâm, tận lực thi hành cho nhanh chóng và chính xác.
  3. Bao giờ cũng kiên quyết phấn đấu, dù gian lao, khổ hạnh cũng không phàn nàn, vào sống, ra chết cũng không sờn trí, khi ra trận mạc quyết trí xung phong, dù đầu rơi, máu chảy cũng không lùi bước.
  4. Lúc nào cũng khẩn trương hoạt bát, hết sức học tập, chiến đấu để tự rèn luyện thành một người quân nhân Cách mạng, xứng đáng là một người chiến sĩ tiên phong giết giặc cứu nước.
  5. Tuyệt đối giữ bí mật cho mọi việc của Đội như nội dung, tổ chức, kế hoạch hành động cùng những người chỉ huy trong Đội và giữ bí mật cho tất cả các đoàn thể cứu quốc.
  6. Nếu trong lúc chiến đấu bị quân địch bắt được, dù bị cực hình tàn khốc thế nào cũng quyết một lòng trung thành với sự nghiệp cứu quốc, không bao giờ phản bội, xưng khai.
  7. Hết sức ái hộ các bạn chiến đấu trong Đội cũng như ái hộ bạn thân, hết lòng giúp nhau trong lúc thường cũng như lúc ra trận.
  8. Bao giờ cũng chủ trương giữ gìn vũ khí của Đội, quyết không để cho vũ khí hư hỏng hoặc rơi vào tay quân thù.
  9. Khi tiếp xúc với dân chúng, sẽ làm đúng ba điều nên: kính trọng dân, cứu giúp dân, bảo vệ dân và ba điều răn: không doạ nạt dân, không lấy của dân, không quấy nhiễu dân. Để gây lòng tin cậy của dân chúng, thực hiện “quân dân nhất trí”, cứu nước diệt gian.
  10. Bao giờ cũng nêu cao tinh thần tự phê bình và sửa chữa, giữ tư cách cá nhân mô phạm, không làm điều gì hại đến thanh danh của đội quân giải phóng và hại đến quốc thể Việt Nam”.

 

(Theo Tạp chí Phương Đông)

 

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN