Hồ Chí Minh với việc bầu cử Quốc hội và thành lập Chính phủ Liên hiệp năm 1945

Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, chính quyền cách mạng được thành lập. Để bảo đảm sự hợp pháp của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (VNDCCH) và đoạn tuyệt với quá khứ thực dân, khẳng định năng lực độc lập về chính trị, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để củng cố và tăng cường chính quyền là phải thực hiện quyền dân chủ cho quần chúng, phải xúc tiến việc bầu cử Quốc hội để quy định Hiến pháp và bầu Chính phủ chính thức. Từ ngày thứ Bảy, 8-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 14, quyết định tổ chức bầu “Quốc dân Đại biểu đại hội” trong vòng 60 ngày.

Sắc lệnh 14 ngày 8-9-1945 quyết định bầu cử Quốc hội

Ngày 26-9, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại ký Sắc lệnh số 39, thành lập Ủy ban Dự thảo thể lệ cuộc Tổng tuyển cử.

Cả Pháp lẫn quân Tưởng đều tìm cách ngăn chặn việc tổ chức bầu cử. Do nhu cầu sinh tồn, từ tháng 10-1945, Việt Minh phải thương thuyết với Việt Nam Cách mạng Đồng minh Hội (Việt Cách) và Việt Nam Quốc dân Đảng (Việt Quốc) về việc thành lập một Chính phủ liên hiệp có thể tổ chức bầu cử Quốc hội như đã dự trù.

Những cuộc bạo động và công kích trên báo chí giữa Việt Minh và phe Việt Cách và Việt Quốc diễn ra hàng ngày. Tại Hà Nội, Việt Cách và Việt Quốc thành lập được một khu vực tự trị tại vùng Quan Thánh / Ngũ Xã, mở trận chiến phản tuyên truyền chống Việt Minh, tố cáo nguồn gốc Cộng sản của Hồ Chí Minh cùng các đồng chí của mình. Các toán cảm tử Việt Quốc còn ám sát đại uý Ba Viên, và mưu sát Bồ Xuân Luật. Trương Trung Phụng, người cầm đầu Việt Cách cũng bị bắt cóc, nhưng sau đó Tiêu Văn can thiệp phải thả. Một vài cán bộ Việt Minh, như Trần Đình Long đã bị sát hại.

Để đối phó với những lời tố cáo Việt Minh là Cộng sản, từ tháng 9-1945, Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (CSĐD) cho lệnh các đảng viên phải rút vào bí mật. Ngày 5-11-1945, Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSĐD ra nghị quyết “tự động giải tán”, hiệu lực từ ngày 11-11-1945. Dưới sự chứng kiến của Tiêu Văn, ngày 24-11, Việt Minh, Việt Cách và Việt Quốc ký một thoả ước liên hiệp, nhưng thoả thuận sớm đổ vỡ. Tại Hà Nội và các địa phương, các đảng phái khác tìm đủ cách để triệt hạ Việt Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận ra rằng về mặt nội chính phải xúc tiến việc bầu cử Quốc hội để quy định Hiến pháp, bầu Chính phủ chính thức, phải cải tổ Chính phủ trước ngày họp Quốc hội. Ngày 18-12 -1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh tạm hoãn cuộc bầu cử Quốc hội, vì mãi tới ngày 24-12, sau nhiều đợt thương thảo, Hồ Chí Minh và hai phe Việt Cách, Việt Quốc mới đạt được một thỏa hiệp. Theo Thiều Bá Xương, sở dĩ việc thương thuyết liên hiệp bị bế tắc vì các phe phái khác mong muốn có ghế Chủ tịch và 6 ghế Bộ trưởng. Hồ Chí Minh thì chỉ chịu nhường 3 ghế Bộ trưởng và một Ủy ban Cố vấn.  Do nỗ lực của Tiêu Văn, ngày 19-12, các bên lại gặp nhau tại Bộ Tư lệnh quân Trung Hoa. Rồi ngày 24-12, ký một thoả ước khác tại số 40 Đại lộ Gia Long, dưới sự chứng kiến của Tiêu Văn. Thỏa ước này gồm 18 điểm, có những điểm chính sau:

  1. Thành lập một Chính phủ liên hiệp với 10 Bộ, do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, Nguyễn Hải Thần làm Phó Chủ tịch vào ngày 01-01-1946. Số ghế được chia 2 ghế cho Việt Minh, 2 cho Việt Quốc, 2 cho Đảng Dân Chủ, 2 cho Việt Cách, 2 cho độc lập.
  2. Tổ chức bầu cử ngày 06-01-1946.
  3. Việt Quốc được dành 50 ghế, Việt Cách được 20 ghế trong Quốc hội.
  4. Các đảng tự nguyện không gây hấn với nhau.

Lệnh lùi ngày Tổng tuyển cử nhằm tạo điều kiện cho công việc chuẩn bị chu đáo hơn nữa và nhất là để các ứng cử viên có điều kiện nộp đơn và vận động tranh cử. Quan trọng hơn là Hồ Chí Minh muốn đạt xong thoả thuận thành lập Chính phủ mới với các đảng phái để khi Tổng tuyển cử xong, Quốc hội sẽ phê chuẩn.

Hai ngày sau, 26-12, báo chí Thủ đô đều đăng thông cáo “Đoàn kết” của Hồ Chí Minh, Nguyễn Hải Thần, và Vũ Hồng Khanh. Nguyên văn thông cáo này như sau:

Ngày 24-12-1945, chúng tôi là Hồ Chí Minh, Nguyễn Hải Thần và Vũ Hồng Khanh thay mặt cho Việt Minh, Việt Cách và Việt Quốc, cùng ký tên công nhận những điều ước sau đây:

  1. Độc lập trên hết, đoàn kết trên hết. Căn cứ vào thái độ thân ái, tinh thần cùng nhau thảo luận để giải quyết hết thẩy những vấn đề khó khăn trước mắt. Ai dùng ngang vũ lực gây nên những cuộc nội loạn sẽ bị quốc dân ruồng bỏ.
  2. Kể từ ngày 25-12-1945, đôi bên phải ủng hộ một cách thiết thực cuộc Tổng tuyển cử, Quốc hội và Kháng chiến.
  3. Bắt đầu từ ngày 25-12-1945, đôi bên đều đình chỉ hết thẩy những việc công kích nhau bằng ngôn luận và hành động.

Ký tên: Hồ Chí Minh, Nguyễn Hải Thần và Vũ Hồng Khanh.

Ngày 26-12, trong một buổi họp báo, Hồ Chí Minh chính thức tuyên bố là từ ngày 01-01-1946, Chính phủ lâm thời sẽ mở rộng, nhưng chỉ có 10 Bộ. Việt Quốc sẽ nắm hai bộ Kinh tế Quốc gia và Y Tế. Riêng Quốc hội sẽ được bầu vào ngày 6-1-1946. Số đại biểu trong Quốc hội sắp tới sẽ dành riêng 70 ghế cho phe Việt Quốc và Việt Cách.

Đúng ngày 01-01-1946, Chính phủ Liên hiệp Lâm thời ra mắt tại Nhà hát Lớn, Hà Nội.

Chủ tịch kiêm Ngoại giao: Hồ Chí Minh (Việt Minh)

Phó Chủ tịch: Nguyễn Hải Thần (Việt Cách)

Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Võ Nguyên Giáp (Việt Minh)

Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền và Cổ động: Trần Huy Liệu (Việt Minh)

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng: Chu Văn Tấn (Việt Minh)

Bộ trưởng Bộ Thanh niên: Dương Đức Hiền (Dân Chủ)

Bộ trưởng Bộ Quốc dân Kinh tế: Nguyễn Tường Long (Việt Quốc)

Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội: Nguyễn Văn Tố (Không đảng phái)

Bộ trưởng Bộ Tư pháp: Vũ Trọng Khánh (Dân Chủ)

Bộ trưởng Bộ Y tế: Trương Đình Tri (Việt Cách)

Bộ trưởng Bộ Giao thông công chính: Đào Trọng Kim (Không đảng phái)

Bộ trưởng Bộ Lao động: Lê Văn Hiến  (Việt Minh)

Bộ trưởng Bộ Tài chính: Phạm Văn Đồng (Việt Minh)

Bộ trưởng Bộ Quốc Gia giáo dục: Vũ Đình Hoè (Dân Chủ)

Bộ trưởng Bộ Canh nông: Cù Huy Cận (Dân Chủ)

Bộ trưởng không giữ bộ nào: Nguyễn Văn Xuân (Không đảng phái)

Để tạo không khí chính trị ổn định cho Tổng tuyển cử, Chính phủ Liên hiệp Lâm thời đã nhanh chóng tổ chức soạn Dự thảo Hiến pháp và triển khai sâu rộng công tác Tổng tuyển cử.

Năm ngày sau, cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên của Việt Nam được tổ chức. Trong số 403 ghế đại biểu, như đã dàn xếp sẵn, Việt Cách và Việt Quốc được dành riêng 70 ghế, và Nam Bộ 18 ghế.

Quốc hội đã hội tụ được đại biểu của tất cả các ngành, các giới, các giai cấp, tầng lớp xã hội từ công nhân, nam giới, nữ giới cho đến những nhà tư sản, công thương gia như Nguyễn Sơn Hà, Trịnh Văn Bô… Những nhân sĩ trí thức nổi tiếng như Nguyễn Văn Tố, Hoàng Đạo Thuý, Huỳnh Tấn Phát, Đặng Thái Mai, Thái Văn Lung… Các đại biểu của các thành phần tôn giáo như linh mục Phan Bá Trực, Thượng toạ Thích Mật Thể… Rồi các thành phần dân tộc như Tày, Nùng, Thái, Ê đê… Những người không đảng phái và có đảng phái. Cũng phải nói thêm sự có mặt của cựu hoàng Bảo Đại và những người vốn là quan lại cao cấp của triều đình cũ như Bùi Bằng Đoàn…

Quang cảnh bầu cử Quốc hội ngày 06-01-1946

Giáp ngày Quốc hội khai mạc. Hội đồng Chính phủ nêu vấn đề các đảng phái cần gặp nhau để bàn cách tổ chức lại Chính phủ và phân chia các ghế Bộ trưởng. Ngày 23-2, ba bên Việt Minh, Việt Cách và Việt Quốc lại đồng ý đổi tên Chính phủ Lâm thời thành Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến. Hai Bộ Canh nông và Công chính dành cho miền Nam. Bộ Quốc phòng và Nội vụ dành cho người trung lập là Phan Anh và Huỳnh Thúc Kháng. Việt Minh và Đảng Dân Chủ được 4 bộ (Tài chính, Giáo dục, Giao thông, Tư pháp); Việt Quốc và Việt Cách 4 Bộ còn lại (Ngoại giao, Kinh tế, Xã hội, Canh nông). Hội đồng Quốc phòng được cải danh thành Ủy ban Kháng chiến Toàn quốc. Đoàn Cố vấn quốc gia thì ngoài Vĩnh Thụy có thêm Lê Hữu Từ, Giám mục Ki-tô Phát Diệm. Theo Võ Nguyên Giáp, Hồ Chí Minh đã bàn về việc thành lập Chính phủ Liên hiệp này với Tiêu Văn, vì các đảng phái chống đối. Cuối cùng, hai bên đồng ý thành lập một Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến gồm 10 Bộ.

Ngày thứ Bảy, 02-3-1946, Quốc hội Việt Nam chính thức khai mạc. Ngày này, Chính phủ Hồ Chí Minh từ chức. Quốc hội ủy nhiệm cho Hồ Chí Minh thành lập chính phủ mới. Nửa giờ sau, Hồ Chí Minh công bố danh sách “Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến” đã được bí mật dàn xếp từ trước.

Ngày thứ Hai, 4-3, Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến họp lần đầu tiên. Tuy nhiên, Nguyễn Hải Thần vắng mặt. Nguyễn Tường Tam cũng chưa chịu nhận chức. Hồ Chí Minh tiết lộ với Sainteny ngày 01-3 là Nguyễn Tường Tam đã nhận lời thay mình nắm chức Bộ trưởng Ngoại giao. Tuy nhiên, Nguyễn Tường Tam chỉ nhậm chức ngày 12-3-1946. Trong khi đó, tin đồn Nguyễn Hải Thần, và rồi Cố vấn Vĩnh Thụy, tức Cựu hoàng Bảo Đại, sẽ thay thế Hồ Chí Minh được loan truyền khắp nơi. Theo một tin tình báo Mỹ, Hồ Chí Minh tuyên bố đã đề nghị nhường chức Chủ tịch cho Bảo Đại, nhưng nhiều lãnh tụ Việt Minh không đồng ý, sợ làm mất tinh thần dân chúng.

Ngày 31-10-1946, tại Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội, Hồ Chí Minh thẳng thắn bày tỏ: “Hồ Chí Minh không phải là kẻ tham quyền cố vị, mong được thăng quan phát tài… Tôi xin tuyên bố trước Quốc hội, trước quốc dân, trước thế giới: tôi chỉ có một Đảng, Đảng Việt Nam. Tôi cũng xin tuyên bố trước Quốc hội, trước quốc dân và thế giới, Chính phủ sau đây phải là chính phủ liêm khiết. Quốc hội sẽ nhất trí thông qua Hiến pháp đầu tiên của nước VNDCCH, đặt nền móng cho luật pháp của Nhà nước. Đó là một sự kiện lớn có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử Quốc hội nước ta.

Ngày 9-11-1946, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Hiến pháp của nước VNDCCH.

Như vậy với sự ra đời của bản Hiến pháp, chỉ trong vòng chưa đầy một năm, Quốc hội Việt Nam đã hoàn thành sứ mệnh của mình là đảm bảo cơ sở pháp lý cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đứng vững trên trường quốc tế để tham gia kháng chiến và kiến quốc, đưa đất nước sang một trang mới. Việc thành lập Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến, thực ra là sản phẩm của sự thoả hiệp của các bên. Đối với Việt Minh, quan trọng nhất là có một Chính phủ hợp Hiến và thống nhất đại diện cho nhân dân về đối nội và đối ngoại.■

Đức Trí (tổng hợp)

(theo Tạp chí Phương Đông)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN