Sự thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương qua tài liệu của mật thám Pháp

Nhân kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/2020), Tạp chí Phương Đông giới thiệu trích đoạn nguyên văn tài liệu của Mật thám Pháp ghi chép về sự thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương và vai trò đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sách gốc bằng tiếng Pháp của L. Marty, bản dịch trích từ Tập san Sử địa số 14 -15 xuất bản tại Sài Gòn năm 1969. Chúng tôi xin giới thiệu các đoạn trích nguyên văn từ bản dịch với mong muốn giới thiệu với bạn đọc một tài liệu tham khảo quý giá để thấy vai trò đặc biệt quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sự khai sinh ra Đảng Cộng sản Đông Dương.

Sự hiện diện của một cựu thủy thủ Annam tại Nga vào năm 1924, ông NGUYỄN ÁI QUỐC. Ở Pháp, ông đã tranh đấu cho chủ nghĩa Cộng sản từ năm 1918. Sau Đại Hội Quốc Tế Nông Dân (Krestintern) họp tại Mạc Tư Khoa từ ngày 12 đến 15-10-1923, ông ở lại Nga làm ủy viên cho đảng Cộng sản Pháp.

Riêng về Đông Dương, Đệ Tam Quốc Tế có Nguyễn Ái Quốc đã bắt tay hành động. Ông là người địa phương, thông minh và cũng là một đảng viên cộng sản nhiệt tâm.

Danh tính Nguyễn Ái Quốc không thể tách rời khỏi lịch trình của đảng Cộng sản Đông Dương. Chính ông đã thành lập và kiên nhẫn mở rộng đảng; năm 1930, cũng chính ông đã cứu đảng khỏi tan rã khi tổ chức bị chia rẽ.

Thẻ đại biểu của Hồ Chí Minh (Nguyễn Ái Quốc) tham dự Đại hội lần thứ V
của Quốc tế Cộng sản tại Mát-xcơ-va (Nga) vào năm 1924

“LIÊN HIỆP THUỘC ĐỊA” BA-LÊ 1921-1923

Ngay từ năm 1919, Nguyễn Ái Quốc tranh đấu cho chủ nghĩa cộng sản tại Ba-Lê. Ông tìm cách thành lập một tổ chức nòng cốt cộng sản gồm những Việt kiều ở hải ngoại.

Khi làm hội viên của chi bộ quận XVII của liên minh Cộng sản vùng Seine, với sự bảo hộ của đảng Cộng sản Pháp, Nguyễn Ái Quốc tổ chức một đoàn thể lấy tên là “Liên Hiệp Liên Thuộc Địa”, đoàn thể này gồm những người nguyên quán ở các thuộc địa Pháp theo chủ nghĩa cộng sản và sẽ tuyên truyền tích cực giữa các giới thuộc địa tại mẫu quốc.

Hoạt động của Nguyễn Ái Quốc tại Pháp có một kết quả quan trọng, đó là vào năm 1925, Đệ Tam Quốc Tế đã tuyển chọn những phần tử Annam đầu tiên trong nhóm của Nguyễn Ái Quốc thuộc Trường Đại Học Cộng sản dành cho lao động Á-đông ở Mạc Tư Khoa (Ecole Staline). Những phần tử này sẽ nắm giữ vai trò quan trọng của đảng Cộng sản Đông Dương kể từ năm 1930.

ĐẢNG “THANH NIÊN”, MẦM MỐNG ĐẢNG CỘNG SẢN ĐÔNG DƯƠNG.

Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu tháng 1-1925. Tháng 6 năm 1923, đảng Cộng sản Pháp cử Nguyễn Ái Quốc đi dự Đại Hội Quốc Tế Nông dân hợp tại Mạc tư Khoa vào tháng 10 cùng năm. Ông ở lại Nga với tư cách đại điện những thuộc địa tại ủy ban thường trực của “Krestintern”. Một năm rưỡi sau, ông được phái đến cạnh Borodine tại tòa lãnh sự Sô viết ở Quảng Châu. Chức vụ chính thực của ông là thông dịch viên Hoa ngữ những thực ra, ông sửa soạn đường lối và phương tiện cho tuyền truyền Cộng sản tại Đông Dương.

Mặc dầu đa số người Annam là nông dân nhưng Hải Phòng, Hà Nội, Nam Định, Vinh, Bến Thủy, Saigon – Chợ lớn và những vùng hầm mỏ cũng đã có những trung tâm kỹ nghệ quan trọng. Các đồn điền cao su rộng lớn ở miền Nam cũng dùng một số nhân công quan trọng; họ tạo thành một giới vô sản gồm 40.000 công nhân nam nữ. Nhưng dân Annam theo nền văn minh Trung Hoa; vì vậy họ còn rất tôn trọng chế độ phụ hệ của gia đình và thờ cúng tổ tiên. Tâm lý đó cộng thêm giới vô sản tương đối ít ỏi (khoảng 200.000) cùng trình độ học thức thấp kém khiến Nguyễn Ái Quốc không thể áp dụng ngay những nguyên tắc của Lênin về tuyên truyền và hành động tại Đông Dương được.

Về phương diện chiến thuật, vào năm 1925, Nguyễn Ái Quốc theo quan niệm Đệ Tam Quốc Tế đã áp dụng tại Trung Hoa ngay từ năm 1924: nghĩa là ông nghĩ đến thực hiện một cuộc cách mạng vô sản qua hai giai đoạn và tin rằng, trước hết, phải bảo đảm được nền độc lập của Annam và thiết lập một chết độ “tư sản dân chủ”. Nhưng, ông chưa hề nghĩ đến thực hiện một liên minh nguy hiểm với người quốc gia tư sản Annam như đảng Cộng sản và Trung Hoa Quốc Dân Đảng đã làm tại Trung Hoa.

THÀNH LẬP ĐẢNG “THANH NIÊN” 1925

Trước nhất, Nguyễn Ái Quốc quan tâm đến thành lập một tổ căn bản gồm đảng viên đã được huấn luyện khá đầy đủ. Ông bỏ ra hơn 6 tháng để thực hiện công việc đó. Vừa đến Quảng Châu, ông dò xét tình hình của từng người một trong số những người Annam đến sống tại đó theo lời kêu gọi của nhà lãnh đạo quốc gia lão thành Phan Bội Châu. Sáu kiều bào thông minh và quả quyết được ông chú trọng để rồi cùng thành lập một đảng lấy tên là “Việt Nam Cách Mệnh Thanh Niên Hội” vào tháng 6 năm 1925. Đó là Hồ Tùng Mậu, Lê Văn Phan tự Hồng Sơn, Lê Hồng Phong, Lê Quang Đạt, Trương Văn Lễnh.

Khi tổ đầu tiên của đảng được thành lập, Nguyễn Ái Quốc huấn luyện một cách rất có phương pháp những kiều bào trẻ khác ông đã thu nạp ở Đông Dương nhờ có sự giao thiệp của Hồ Tùng Mậu, Hồng Sơn và nhiều người khác. Ông cho một số người vào trường chính trị quân sự Hoàng Phố, nơi mà Borodine để giáo sư Nga đào tạo những cán bộ cộng sản nòng cốt của hồng quân Trung Hoa. Một số người khác được theo học lớp huấn luyện chính trị do chính ông hoặc người Nga giảng dạy trong căn nhà thuê để làm lớp học đồng thời cũng là trụ sở đảng.

TỜ BÁO “THANH NIÊN”

Kể từ ngày 21-6-1925, Nguyễn Ái Quốc cho xuất bản tại Quảng Châu một tờ tuần báo “Thanh Niên”, tên của nhóm ông in chừng 100 ấn bản. 88 số mà nhà lãnh đạo đã viết hoặc sửa chữa từ tháng 6-1925 đến tháng 4-1927 phản ảnh trung thực chiến thuật ông áp dụng.

Ông kêu gọi tinh thần độc lập và ý thức quốc gia tiềm tàng trong tâm tính người Annam. Kế đó, ông cung cấp dần dần cho độc giả các tài liệu, về lịch sử Annam, và lịch sử các cường quốc thế giới v…v… Nguyễn Ái Quốc không ngần ngại dành 60 số báo để sửa soạn tinh thần độc giả trước khi bộc lộ ý định chính của ông khi ông viết: “chỉ có đảng Cộng sản là có thể bảo đảm hạnh phúc cho Annam”. Ngay từ giờ, nên ghi nhớ rằng tờ tuần báo của Nguyễn Ái Quốc đã được tất cả đảng viên trong và ngoài nước cùng nhiều cảm tình viên đọc và chép đi chép lại nhiều lần.

THỰC HIỆN KẾ HOẠCH CỦA NGUYỄN ÁI QUỐC 1925

Vào cuối năm 1925, Nguyễn Ái Quốc bắt đầu cho xâm nhập vào thuộc địa những thành phần đầu tiên đã được huấn luyện. Để tiếp đón họ tại Đông Dương và bảo đảm liên lạc cũng như để các tân đồng chí xuất ngoại được dễ dàng, ông tổ chức nhiều trạm ở các hải cảng và biên giới. Dường như trạm đầu tiên là ở Hải Phòng: tiệm sách do chính vợ Lâm Đức Thụ làm chủ.

TÌNH TRẠNG ĐẢNG “THANH NIÊN” VÀO THÁNG 5-1929.

Mặc dầu gặp nhiều khó khăn, đảng “Thanh niên” đã thâu lượm được những kết quả sau đây vào tháng 5-1929:

Ít nhất là 250 người Annam đã được huấn luyện cách mạng ngoại quốc. Hơn 200 người trở về Đông Dương để phát triển tổ chức các tổ. Trong thời kỳ này, đảng Thanh Niên ước lượng khoảng 1000 đảng viên cũng như cảm tình viên. Tại mỗi xứ Annam trong liên hiệp Đông Dương (Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ) có một “xứ Bộ”.

HỒNG KÔNG ĐẠI HỘI, TỪ NGÀY 1 ĐẾN NGÀY 9 THÁNG 5-1929.

Vào cuối năm 1928, Hồ Tùng Mậu dùng mọi biện pháp cần thiết để tổ chức Quốc Gia Đại Hội đầu tiên ở Hồng Kông. Hội nghị này sẽ bàn về một chương trình hành động mới và những điều lệ thích hợp với sự phát triển đảng. Hội nghị họp từ ngày 1 đến 9 tháng 5. Ngay những phiên họp đầu đã cho thấy thế lực ủy ban chỉ đạo đối với đảng viên trong nước sút giảm đi rất nhiều. Khi phải biểu quyết điều lệ liên quan đến danh hiệu đảng, ủy ban chỉ đạo – gồm những đảng viên bị bắt buộc phải sống ở Trung Hoa và vì vậy, họ gặp nhiều khó khăn khi phô trương những tư tưởng Cộng sản – cương quyết từ chối đề nghị của ba đại diện quốc nội nhằm đổi danh xưng Thanh Niên thành “Đảng Cộng sản Đông Dương”. Vì những đại biểu khác cũng đồng quan điểm với ủy ban chỉ đạo, ba đại diện quốc nội đóng sầm cửa lại và rời hội nghị.

THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN ĐÔNG DƯƠNG

Những đại biểu ly khai không ở nán lại Hồng Kông. Họ rời hội nghị chiều hôm thứ ba (của Hội Nghị) và trở về liền Đông Dương. Trong số ba người này, 2 người đại diện cho Bắc kỳ, đó là Ngô Gia Tự và Nguyễn Văn Tuân tự Kim Tôn. Người thứ ba, Trần Văn Cung tự Quốc Anh đại diện Trung Kỳ. Hai người trên có đủ uy tín đối với các đồng chí để không cần biện minh cho thái độ của họ tại Hội Nghị, nhất là thái độ có đáp ứng nguyện vọng của đa số đảng viên. Vậy, người ta có thể nói rằng tất cả đảng viên đảng Thanh Niên tại Bắc kỳ đã hôm trước hôm sau thuộc một đảng mới danh xưng “Việt Nam Cộng Sản Đảng”.

Tại Trung kỳ, sự diễn biến không được mau chóng như vậy. Những đại biểu ly khai phải trả lời về thái độ họ tại Hội Nghị và cho biết danh xưng mới của đảng bằng cách nào phổ biến rộng rãi một bản tuyên ngôn trong khắp vùng Bắc Trung kỳ. Khối lãnh đạo đảng Thanh Niên bị chỉ trích nặng nề, bị gọi là “tiểu tư sản” và “giả cách mạng”. Sau vài tháng, đa số đảng viên Thanh Niên gia nhập “Đông Dương Cộng sản Đảng”.

Tại Nam kỳ, hoàn cảnh kém thuận tiện hơn 3 đại biểu ly khai không có liên lạc gì. Tuy nhiên, điều thiết yếu là tổ chức đảng Cộng sản Đông Dương phải chặt chẽ trong ba xứ Annam để được Đệ III Quốc Tế công nhận. Vì vậy, vào tháng 7-1929, chính Ngô Gia Tự vào Nam Kỳ. Ông thâu lượm ngay những kết quả đáng kể và đến tháng 11-1929, Đông Dương Cộng sản Đảng Nam kỳ đủ mạnh mẽ để đối lại ảnh hưởng Annam Cộng sản Đảng. Đảng này do những người lãnh đạo đảng Thanh Niên tại Quảng Châu sáng lập. Vì lo sợ trước những tiến bộ vượt bậc của đảng đối thủ, họ bí mật thành lập An Nam Cộng Sản Đảng vào tháng 8 năm 1929 để giữ lại những phần tử ưu tú và nhiệt thành nhất, tức là chính những phần tử có thể có khuynh hướng bỏ đảng Thanh Niên sang Đông Dương Cộng Sản Đảng.

Công cuộc tuyên truyền hết sức tích cực của tân đảng không những chỉ làm đảng Thanh Niên mất ảnh hưởng ở Bắc kỳ, Bắc Trung kỳ và mất nhiều tư thế ở Nam kỳ; nó còn khiến cho các nhóm chính trị khác như đoàn thể Nguyễn An Ninh tại Nam kỳ và Tân Việt Cách Mạng Đảng tại Trung kỳ tiến dần đến chủ nghĩa Cộng sản.

Vào những năm 1927 và 1928, Tân Việt Cách Mạng Đảng, mà nguồn gốc và khuynh hướng đều rất quốc gia đã nhiều lần “ve vãn” một cách nguy hiểm đảng Thanh Niên để đi đến hợp hai đảng này. Nhưng sự thương lượng chỉ khiến đảng viên ưu tú đảng Tân Việt gia nhập đảng Thanh Niên. Năm 1929, khi đảng Tân Việt suy sụp, các nhà lãnh đạo muốn giữ lại số đảng viên trung thành bằng cách sáng lập một phân chia hoàn toàn Cộng sản tức “Đông Dương Cộng Sản Liên Đoàn”. Khi đảng Tân Việt bị đàn áp và tan rã, đảng viên Đông Dương Cộng sản Liên Đoàn qua Đông Dương Cộng sản Đảng.

 

VIỆC THỐNG NHẤT CÁC PHE NHÓM CỘNG SẢN: HÌNH THỨC SAU CÙNG CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN ĐÔNG DƯƠNG.

Từ Hồng Kông, ban tham mưu cũ đảng Thanh Niên chứng kiến cuộc đấu tranh đó mà không thể chấm dứt và cũng không thể gây một ảnh hưởng nào cả. Cũng như Đông Dương Cộng sản Đảng, họ muốn được đệ tam Quốc Tế công nhận. Nhưng, chính vì có sự cạnh tranh giữa hai nhóm mà Đệ Tam Quốc Tế không thừa nhận nhóm nào cả.

Dường như chính vào tháng 7 năm 1929 mà đảng viên thuộc ban tham mưu này biết Nguyễn Ái Quốc có mặt tại Xiêm nhờ một đảng viên tên Cao Hoài Nghĩa gặp ông tại đấy.

Cao Hoài Nghĩa nghĩ rằng ông cứu đảng khi tiết lộ cho các đồng chí sự hiện diện của Nguyễn Ái Quốc ở Xiêm. Và ông cứu đảng thật.

Thật vậy, vừa biết tin này, đảng viên đảng Thanh Niên lập tức phái sang Xiêm một liên lạc viên có nhiệm vụ tìm gặp Nguyễn Ái Quốc, trình bày cho ông rõ tình cảnh nguy ngập của đảng và mời ông trở về Hồng Kông điều khiển đảng.

THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN ĐÔNG DƯƠNG

Nguyễn Ái Quốc chần chừ mãi trước khi chấp thuận lời mời của các đồng chí và mãi đến tháng 1 năm 1930 ông mới đến Hồng Kông. Tìm hiểu tình trạng đảng xong, ông cho triệu đến Hồng Kông hai đại diện của hai nhóm cộng sản quốc nội gốc gác từ đảng Thanh Niên cũ. Ông dự thảo một chương trình hoạt động và những điều lệ mới. Vào tháng 2 năm 1930, chỉ trong một phiên họp vài giờ ở Hồng Kông, ông bắt buộc mọi người phải đoàn kết nhất chí. Ông lại còn trao cho các đại biểu thực hiện việc hợp nhất các nhóm Cộng sản. Công việc này được Ngô Gia Tự, lãnh đạo đảng Đông Dương Cộng sản Nam Kỳ, thực hiện một ít lâu sau.

Tổ chức mới của đảng là Cộng sản, tuy nhiên, tổ chức này vẫn còn lâm thời để cho các phe nhóm có thì giờ hợp nhất lại và thành lập guồng máy đảng bằng bầu cử, đúng theo luật lệ của Cộng sản Quốc tế. Đặc điểm quan trọng nhất của tổ chức là chuyển trụ sở ủy ban trung ương về nước, đặt tại Hải Phòng. Từ đó, những đảng viên sống tại hải ngoại, trừ Nguyễn Ái Quốc, không còn đảm nhận chức vụ điều khiển gì nữa; họ chỉ có phận sự liên lạc, chuyền chỉ thị và khẩu hiệu. Còn đảng thì theo nguyên tắc chính thống, hoàn toàn ở Đông Dương để có thể tiếp xúc với quần chúng.

Vào tháng 10, Nguyễn Ái Quốc triệu tập đến Hồng Kông đại biểu các xứ trong Liên Hiệp với mục đích kiểm điểm mọi biện pháp áp dụng ở quốc nội để tổ chức được chung quyết theo quy chế. Ông cũng muốn đổi tên đảng thành Đảng Cộng sản Đông Dương. Danh xưng này thích hợp với điều lệ Đệ Tam Quốc Tế.

Hồ sơ của mật thám Pháp về Hồ Chí Minh thời gian Người bị bắt giam tại Hông Kông, trong đó có ghi nhiều bí danh hoạt động của Nguời

NHỮNG CUỘC BIỂU TÌNH DO PHONG TRÀO CỘNG SẢN ĐÔNG DƯƠNG CHỦ XƯỚNG.

Ở đây, ta không thể kể lại hết tất cả những cuộc tuyên truyền Cộng sản ở Đông Dương như phát truyền đơn, tài liệu, dán biểu ngữ, treo cờ. Những vụ rắc rối này – đôi khi đẫm máu – xảy ra khi những người Cộng sản bị bắt giữ lúc biểu tình, đình công, và hàng ngàn hình thức tranh đấu hàng ngày khác.

Chúng tôi muốn nói đến các cuộc biểu tình và nhất là các cuộc tuần hành lên phủ huyện hành chánh hay những trung tâm kinh tế. Đó là những đám đông luôn luôn bị kích động bởi các đảng viên đảng Cộng sản Đông Dương. Thường thường, các cuộc “tuần hành” phát xuất như sau: Theo lệnh ủy ban địa phương và theo kế hoạch ấn định trước, một số đảng viên phân tán trong nhiều làng. Họ đánh trống để tập hợp dân làng; họ nói: ‘mất mùa, tiền công quá thấp, thuế nặng, đại điền chủ chiếm đoạt ruộng đất tốt nhất; dân chúng thì khốn cùng; đáng lẽ họ đáng được sung sướng hơn cả ngàn lần vì họ chịu đựng tất cả không một lời than. Họ lên đường. Làng này qua làng khác, đoàn người lớn dần. Các đoàn người và đột nhiên, người ta ra hiệu cho những đoàn hàng 3,4,5 và ngay cả 6000 người, giơ cao cờ, biểu ngữ, dao rựa, gậy gộc và tiến thẳng đến địa điểm đã chọn.

Từ 1 tháng 5 năm 1930 đến tháng 6 năm1931, trật tự bị đe dọa ở nhiều nơi và đôi khi, cùng một lúc tại nhiều chỗ. Khắp nơi, các vụ biểu tình khởi sự vào những ngày lễ kỷ niệm lớn của lịch C.S. Ngày 1 tháng 5 năm 1930: tại các tỉnh Nghệ An (Trung Kỳ) Thái Bình (Bắc Kỳ) và ở Nam Kỳ.

Ngày 1 tháng 8 năm1930: ở tỉnh Hà Tĩnh (Trung Kỳ) ngày 7 tháng 10 năm1930; ở tỉnh Quảng Ngãi (Trung Kỳ). Tại Trung Kỳ, loạt tuần hành hướng về các trung tâm được tiếp diễn như sau:

Ở Nghệ An, ngày 1 năm 5 năm 1930, kế đó, từ ngày 1 tháng 6 đến 11 tháng 12 năm 1930; rồi lại bắt đầu vào hạ tuần tháng 5 cho đến tháng 9 năm 1931. Các cuộc biểu tình đạt đến cực điểm ngày 12 tháng 9 năm1930: hôm ấy, vào khoảng 6000 người cố tình chiếm tỉnh Vinh mà không được.

Ở Hà Tĩnh, ngày 1 tháng 8 năm 1930 và từ ngày thứ 7 đến 11 tháng 12 năm 1930. Và từ ngày 4 tháng 4 đến 1 tháng 8 năm 1931. Cuộc biểu tình lớn nhất xảy ra hôm 11 tháng 12 năm 1930; hôm đó, các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Đông Dương địa phương toan thi hành kế hoạch nổi loạn. Kế hoạch này gồm nhiều vụ tấn công không quan trọng vào các đồn nhỏ để làm lạc hướng và một vụ tấn công huyện Cần Lộc với ba đội quân, mỗi đội gồm 2000 người.

Ở Nam Kỳ, các cuộc “tuần hành” không mang tính cách nghiêm trọng như ở Trung Kỳ. Tuy nhiên, các vụ biến động từ 1 tháng 5 đến 5 tháng 6 năm 1930 cũng đặc biệt quan trọng (các cuộc biểu tình ở chợ Mới, Bà Hom, Hóc Môn, Đức Hòa, Cao lãnh, v…v…).

Ở Bắc Kỳ, chỉ có hai vụ biểu tình nhỏ tại Thái Bình.

Trong thời kỳ đặc biệt xáo trộn là từ tháng 5 năm 1930 đến tháng 9 năm 1931. Một thành công nhỏ nhất cũng đủ khiến cho Đảng Cộng sản Đông Dương có uy thế lớn đổi với quần chúng.

Cứ theo như sở Mật thám Đông Dương. Tuy còn phôi thai nhưng Đảng cũng có tất cả yếu tố cần thiết để mở rộng nhanh chóng dưới sự thúc đẩy của các lãnh tụ tài ba./.

(Theo Tạp chí Phương Đông)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN