Thực dân Pháp đã quy hoạch Hà Nội như thế nào?

Ngô Bắc dịch

NguồnAlfred CunninghamThe French In Tonkin And South China, Second Edition – Revised, Hongkong: Printed At The Office of The “Hongkong Daily Press” & London: Sampson Low, Marston & Co, St. Dunstan’s House, Fetter Lane, các Chương: Hải Phòng, từ trang 46-62, và Hà Nội, từ trang 63-89, Du Hành Lên Mạn Ngược, các trang 164-188.

Lời tòa soạn:

Dưới đây là bản dịch chương “Hà Nội”, trong tác phẩm nhan đề The French In Tonkin and South China của Alfred Cunningham, một ký giả người Anh thường trú tại Hồng Kông, giới thiệu về Bắc Kỳ nhân cuộc viếng thăm nơi đây trong mùa xuân năm 1902, dưới thời Toàn Quyền Doumer. Trong chương này, tác giả thường xuyên so sánh Hà Nội với Hồng Kông, qua đó nêu bật sự khác biệt trong cách thức quy hoạch các đô thị thuộc địa của thực dân Pháp và thực dân Anh. Ông ca ngợi người Pháp đã sẵn sàng chi tiêu để làm đẹp thành phố bằng các công trình công cộng, và luôn thể hiện tầm nhìn xa trong thiết kế và quy hoạch đô thị. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc!

***

Thành phố Hà Nội, hiện là thủ đô của Đông Dương thuộc Pháp, cách Hải Phòng khoảng 80 dặm. Hiện tại du khách có thể tới Hà Nội bằng một trong các tàu hơi nước có tầm nước nông, loại nhỏ của Công Ty Giao Thông & Bưu Chính Miền Phù Sa tại Bắc Kỳ (Correspondances Fluvials au Tonkin), rời Hải Phòng lúc 8 giờ tối và đến Đáp Cầu, trên sông Cửa Cấm, vào lúc bình minh của ngày hôm sau. Khi đó du khách có thể lên bờ và đi tàu hỏa, con tàu sẽ chở du khách đến Hà Nội trong ba tiếng đồng hồ, hoặc có thể tiếp tục đi đến nơi đến bằng tàu hơi nước.

Đáp Cầu (Ảnh in trong sách The French in Tonkin and South China)

Một lối đi khác là bằng đường xe hỏa mới giữa Hải Phòng và thủ đô, hiện giờ đi mất năm tiếng đồng hồ nhưng sẽ sớm giảm xuống còn ba giờ.

Một phóng viên chiến tranh người Anh, ông James G. Scott, người đã thăm Hà Nội vào năm 1884 trong chiến dịch Bắc Kỳ, khi ghi chép các cảm tưởng của ông về thủ đô bản xứ trong tác phẩm đáng chú ý của ông, France and Tongking, đã viết như sau:

“Có thể không cần bàn cãi rằng Hà Nội cuối cùng sẽ vượt xa Sài Gòn. Thành phố [Hà Nội] thật đẹp, về sau tất nhiên nó sẽ thay thế Sài Gòn như là thành phố chính yếu trong các lãnh thổ sở hữu của Pháp tại Viễn Đông.”

Mặc dù chưa chắc liệu Hà Nội, trong một vài khía cạnh, hiện có vượt trội hơn thủ phủ của Nam Kỳ hay không, song dưới chế độ [régime, tiếng Pháp trong nguyên bản, chú của người dịch] của Toàn Quyền Doumer, lời tiên tri của ông Scott đã thành hiện thực, bởi ngày nay Hà Nội là thủ đô của Đông Dương, bao gồm các xứ Nam Kỳ (Cochin-China), Trung Kỳ (An Nam), Lào, Campuchia, và Bắc Kỳ (Tonkin). Nó rất xứng đáng nhận danh dự đó.

Hà Nội, một thành phố được xây dựng giữa vùng ngoại vi mang sắc thái Á Châu, vượt trội hơn bất kỳ thành phố nào khác ở Viễn Đông. Thượng Hải có thể có nhiều doanh nghiệp hơn; Hồng Kông có thể tự hào về khu dân cư trên Đỉnh (Peak residential quarter) và các con lộ đục ra từ núi đá tảng; Manila hãnh diện về khu phố cổ, và Singapore hãnh diện về sự huy hoàng của mình, nhưng trong tổng thể [tout ensemble, tiếng Pháp trong nguyên bản, chú của người dịch] Hà Nội chắc chắn là địa điểm trội bật. Về những đường lộ rộng rãi và được bảo trì chu đáo, các không gian mở và các khu dân cư cách biệt, Singapore đứng ở vị trí hoàn toàn tương đương với Hà Nội; nhưng sau khi mặt trời lặn, Singapore yên ngủ trong khi Hà Nội ở vào thời khắc huy hoàng nhất.

Theo quan niệm phổ biến ở Lục địa [Châu Âu], nếp sống thuộc địa Anh Quốc là, ngoại trừ niềm đam mê của người Anglo-Saxon dành cho thể thao ngoài trời trong bất kỳ điều kiện thời tiết nào – điều mà họ [người Châu Âu lục địa] không thể hiểu được, những kẻ thực dân luôn cố tỏ ra khổ sở hết mức có thể.

Theo quan niệm Anglo-Saxon, đời sống thuộc địa của Pháp là, những người láng giềng của chúng ta [tức là thực dân Pháp, chú của người dịch] chi tiêu công quỹ để làm cho mình được thoải mái đến mức tối đa. Trên nhiều khía cạnh, điều này là đúng, và bất kỳ ai đã đến thăm một thuộc địa Pháp đều phải thừa nhận rằng đời sống thuộc địa Pháp có nhiều sự việc đáng ca ngợi, và hấp dẫn hơn nhiều so với sinh hoạt thuộc địa của chúng ta. Thực dân Pháp ghét phải hy sinh thú vui trong cuộc sống ở quê hương, và chắc chắc không có lý do gì để họ phải làm như thế.

Đời sống xã hội tại Bắc Kỳ được đặc trưng bởi sự vắng mặt của thói kiểu cách bất tiện, và bởi sự tự do hoàn toàn khỏi những quy tắc xã hội gò bó. Hệ quả là, trong khi người Anh tạo nên một xã hội giả tạo, người Pháp hoàn toàn sống thoải mái, và khi hoàn thành công việc, họ không ngần ngại đắm mình vào sự giải trí và hưởng thụ. Các nét đặc thù xã hội tinh tế của chúng ta rõ ràng không có mặt ở đó.  Chúng ta nhìn nhận sự giải trí một cách nghiêm trọng và thường biến nó thành công việc; người Pháp không làm như thế, và hầu như sống không theo quy ước.

Hãy tưởng tượng, các vị thánh thần ơi, tại Hồng Kông, vợ của một công chức hàng đầu, thả bước trên phố trong cái nóng trưa hè với chiếc mũ cối (topee) màu trắng và áo dài buổi sáng thả lỏng, ghé ngang khách sạn để ăn trưa rồi tán gẫu. Hay một sĩ quan quân đội hay hải quân cao cấp ngồi cùng với vợ sau bữa ăn tối bên một chiếc bàn nhỏ trên vệ đường bên ngoài quán cà phê, nhấm nháp rượu ngọt (liqueur), chuyện trò và ngắm nhìn những người ngồi trên xe ngựa đi ngang qua!

Để đối chiếu, hãy hình dung một phòng hòa nhạc tại một thuộc địa của Anh tại phương Đông, với khối thính giả an vị một cách nghiêm trọng, ăn mặc với đầy đủ trang phục buổi tối. Đối với dân Pháp, tất cả những thứ này quả là vô cùng cứng nhắc, trịnh trọng và không thoải mái. Người Anglo-Saxon biến sự vui chơi thành một bổn phận; còn người láng giềng của chúng ta biến các bổn phận của họ thành một thú vui.

Một buổi tối ở Hà Nội, chúng tôi đã dùng bữa tối với một sĩ quan quân sự quan trọng cùng với bạn của ông – người xây dựng chiếc cầu Hà Nội. Ngôi nhà của ông là một ngôi nhà oai nghiêm với đầy những đồ vật đẹp đẽ. Bữa ăn tối thật tuyệt hảo, vị chủ nhân đón tiếp chúng tôi vẫn mang đồng phục hàng ngày, với băng quấn từ cổ chân lên đầu gối (putties), người bạn của ông mặc bộ y phục màu trắng cài cúc ngay ngắn!

Một lần nữa, khi đi ngược lên vùng trên, chúng tôi được khoản đãi một cách thú vị tại Tòa Trú Sứ Chính của các Tỉnh. Mười hai người chúng tôi ngồi xuống dùng bữa tiệc thịnh soạn nhưng rất thoải mái mặc dù không có ai mang trang phục buổi tối. Thật không thể tưởng tượng ra điều này tại một thuộc địa của Anh Quốc.

Song, mặc dù chúng ta có khuynh hướng chế giễu người Pháp, các tục lệ xã hội, và các phương pháp thực dân hóa của họ, chúng tôi là những người đầu tiên sử dụng và tán thưởng những điều này khi đến thăm các thuộc địa của họ. Tuy nhiên, người ta không thể đi xa đến mức cho rằng nữ du khách Anh Quốc sẽ đi trên phố trong cơn nóng của ban ngày với một chiếc nón cối và áo choàng buổi sáng. Cô ta sẽ kinh sợ trước ý tưởng đó!

Cố Hoàng Thân Henri d’Orléans đã nhận xét: – “Khi người Pháp chúng ta thực hiện chính sách thực dân, chúng ta thường biểu lộ đáng kể sự thiếu kinh nghiệm và thiếu tầm nhìn xa; nhưng đi kèm với các khiếm khuyết này là một số phẩm chất tốt đẹp mà chúng ta mang theo cùng với mình đến khắp nơi trên địa cầu. Trước tiên, chúng ta rất khéo léo trong việc giải tỏa một thị trấn bản xứ và xây dựng bên cạnh nó một cái gì đó tức thời sạch sẽ và thanh nhã, ứng dụng các chi tiết nhỏ nhặt nhất để tạo được một hiệu ứng vui mắt. Khiếu thẩm mỹ của một cô gái Pháp tại khu Montmartre có thể được tìm thấy trong công việc của kẻ tiền phong ở California và viên hạ sĩ quan (non-commissioned officer) Nam Kỳ, một điều gì đó vi tế và vô hình phát sinh từ tính khí của chúng ta và thuộc về chính bản chất của chúng ta, giải thích cho việc chúng ta đã khai quang và tái thiết một phần nào hai trong số các thành phố đẹp đẽ nhất tại Viễn Đông – Hà Nội và Sài Gòn, với khoản tiền chi tiêu nhỏ bé. So sánh chúng với những thị trấn do người Anh xây cất tại Bombay và Calcutta ở Ấn Độ, hay Hồng Kông ở Trung Hoa, và bạn sẽ tìm thấy ở đó các kiến trúc to lớn, đồ sộ, biểu thị cho sức mạnh và quyền lực, nhưng nặng nề; trong khi đó tại những thị trấn do Pháp xây dựng, luôn luôn có sự tương đồng đôi chút với Paris.”

Phần lớn du khách sẽ công nhận ý kiến của ông là chính xác. Sau một cuộc thăm viếng Hà Nội, người ta ắt sẽ tò mò muốn biết người Pháp sẽ làm gì với Hồng Kông nếu họ sở hữu nó. Công trình của người Anh tuyệt diệu trên nhiều khía cạnh, song sự phát triển của hòn đảo thuộc địa này nhờ vào doanh nghiệp tư nhân hơn là công tác chính thức. Về các tòa nhà thương mại, Hồng Kông vượt xa Hà Nội; không có các tòa nhà kinh doanh khổng lồ như thế ở đây. Không có nhu cầu về chúng, bởi, giống như tại Singapore, đất đai thì tràn đầy, bằng phẳng và rẻ tiền.

Trung tâm Hà Nội (Ảnh in trong sách The French in Tonkin and South China)

Trong việc quản trị hành chính thành phố, Hà Nội tiến bộ hơn nhiều so với Hồng Kông hiện nay hay mãi mãi sau này, trong khi nó (Hồng Kông) là một thuộc địa của hoàng gia. Các chức năng của Chính Quyền Hồng Kông mang tính chất Thành Phố (Municipal) hơn là Đế Quốc (Imperial); lĩnh vực hoạt động của nó bị giới hạn trong lãnh thổ vài dặm vuông. Ngoài các công việc của Thành Phố, giới Quân Sự hoàn toàn có khả năng một mình điều hành chính phủ. Đó là một cơ chế tốn kém như hiện trạng, và công việc quản trị Thành Phố của nó là một thảm họa. Tại Hồng Kông, chúng ta liên tục phải chịu đựng chính sách thiển cận và vụng về của các viên chức trước đây, và Chính Phủ ngày nay thay vì thừa nhận điều này lại tự vô hiệu hóa chính mình khi nỗ lực để bào chữa cho các sai lầm trong quá khứ bằng một chính sách chắp vá về quản trị, chống đối sự tự do hành động, né tránh kinh phí lành mạnh về công chánh, và lẩn trốn một hệ thống [quản trị] thành phố tân tiến. Các ban ngành chính phủ bị cắt giảm tới mức nhỏ nhất có thể, gần như mọi ngành đều thiếu nhân viên và do đó không có khả năng đáp ứng công việc mà một thành phố đang tăng trưởng mạnh đòi hỏi. Tham vọng của viên Thống Đốc là muốn phô diễn một khoản thặng dư hàng năm – điều này khiến cho các công trình công chánh thiết yếu và việc cải thiện vệ sinh không được chú trọng. Tại Hà Nội, họ sẽ làm tất cả mọi việc mà Chính Quyền có thể làm được để cải thiện các công trình công cộng nhằm làm đẹp và hoàn chỉnh thành phố. Họ cũng sẵn sàng chi tiêu tiền bạc trong khi chúng ta lại tìm cách tích trữ thật nhiều. Không có cư dân nào than phiền về thuế khóa quá mức của Thành Phố, mà mọi người đều ca ngợi những công trình tráng lệ của các kỹ sư thành phố.

Lễ khánh thành hội chợ triển lãm Hà Nội, ông Doumer đến nơi (Ảnh in trong sách The French in Tonkin and South China)
Tòa triển lãm chính gần hoàn tất (Ảnh in trong sách The French in Tonkin and South China)

Một đặc điểm nổi bật trong cách xây dựng thành phố của Pháp, như được thể hiện tại Hà Nội, và gần hơn tại Quảng Châu Văn (Kwang-chau-wan), là viễn kiến mà họ bộc lộ. Họ thiết kế và xây dựng cho tương lai và trong khía cạnh này họ rõ ràng vượt trội hơn người Anh. Liệu các kỹ sư của họ có vượt trội hơn các kỹ sư của chúng ta về mặt đào tạo chuyên môn hay không là một câu hỏi đáng xem xét; nhưng chắc chắn họ cho thấy các kết quả tốt đẹp hơn.

Thí dụ, mới đây Hồng Kông phải chịu đựng tình trạng tràn ngập các bệnh dịch, dịch hạch, dịch tả, và đậu mùa. Các chuyên gia cho rằng đây là hậu quả của sự quá tải dân số, và, cộng đồng khẳng định thêm hai nguyên nhân nữa là hệ thống thoát nước không thích hợp và tình trạng khan hiếm nước. Sự việc này phát lộ sự thiếu sót khả năng quản trị của các Thống Đốc trước đây, khi không ước lượng được và không bắt kịp sự phát triển nhanh chóng của hải cảng. Điều đó cũng cho thấy các kỹ sư của chúng ta đã không có khả năng tương ứng với công việc thực sự của họ, hay nếu họ có khả năng, họ đã không thể thực hiện được các ý kiến của mình. Hiện nay, [Hồng Kông] không hề có các phương tiện công cộng mau lẹ và rẻ tiền để giải thoát cho các quận hạt tắc nghẽn khủng khiếp; và không có phà công cộng để nối hòn đảo với đất liền, công việc như thế được dành cho dịch vụ độc quyền của một công ty địa phương. Tuy nhiên, người ta đã hứa hẹn về một dịch vụ tàu điện, và một viên chức đã đề nghị xây một chiếc cầu ngang qua bến cảng, nhưng những chiếc phà hơi nước công cộng, đủ lớn để chở được một chiếc xe điện, sẽ ít tốn kém hơn và thực tế hơn.

Mặc dù thuộc địa đã từng có một bài học khách quan đáng sợ như thế trong cách quản trị chính quyền sai lạc, nhưng khu Kowloon vẫn đang bị xâm nhập bởi cùng các lỗi lầm đó. Đất đai, mọi tấc đất có thể được bán, cho mục đích xây dựng, đều được quyết định bởi Chính Phủ. Đường sá, mau chóng trở thành những con đường chính dẫn tới khu Đất Mới (New Territory), thì nhỏ hẹp và chiều ngang chỉ bằng một con đường trung bình tại khu dân cư bản xứ của Hà Nội. Các ngôi nhà Trung Hoa cao ngất, nhiều cái được xây cẩu thả, xấu xí và thiếu vệ sinh, đang hàng ngày được dựng lên, trong một số trường hợp sát với mép lề của những con đường này, còn các ngôi nhà ngoại quốc thực sự, đứng biệt lập trên mảnh đất đất riêng của chúng, và thích hợp cho sự cư ngụ ở vùng khí hậu nhiệt đới, trong thực tế còn ít. Các chủ đất được phép dựng lên các dãy nhà dành cho người nước ngoài cư trú, sẽ đua tranh với một khu vực ngoại ô London bị lạm dụng, và hoàn toàn không thích hợp với địa điểm,**** và khi nhà cửa được dựng lên trên các mảnh đất trống và người Trung Hoa lũ lượt kéo vào trung tâm và tràn ngập nó, hậu quả có lẽ sẽ là một sự tái diễn các nạn dịch Hồng Kông. Vào Tháng Tám năm 1902, Ngài William Gascoigne đã khánh thành một công viên nhỏ; trước khi công viên này ra đời, ở đây chẳng có khoảng không gian trống nào.

Có mọi lý do để tin rằng nếu người Pháp sắp xếp khu Kowloon, nó sẽ là một khu định cư đẹp đẽ, với vườn hoa và các đại lộ xinh đẹp, các ngọn đồi sẽ được cắt thấp xuống, nhà ở được rải trên một khu vực rộng lớn hơn với các phương tiện lưu thông công cộng. Người Trung Hoa sẽ có khu đặc biệt của họ và ở lại đó. Sức khỏe và hạnh phúc tương lai của những người đồng hương là điều mà người kỹ sư Pháp hướng tới.

Có nhiều khách sạn, quán cà phê, và nhà nghỉ tại Hà Nội để phục vụ du khách, quan trọng nhất là Khách Sạn Métropole và Khách Sạn Hà Nội. Khách sạn Métropole là một công trình tráng lệ, mới được dựng hồi gần đây, và tọa lạc trên Đại Lộ Henri Rivière, đối diện trực tiếp với Tòa Thống Sứ (Résidence Supérieure). Khách sạn được bài trí thanh nhã, mỗi phòng ngủ có một buồng tắm liền bên; và có một phòng khách chung, salons de conversations [tiếng Pháp trong nguyên bản, phòng nói chuyện, chú của người dịch], phòng đọc sách báo. Các sự sắp xếp vệ sinh thì hoàn hảo, và tiện nghi tổng quát không còn thiếu thứ gì. Dịch vụ thật tốt, nhân viên phục vụ tại phòng ăn là người Trung Hoa và nhân viên trực phòng là người An Nam. Ẩm thực là điều mà người ta sẽ mong đợi tại một thị trấn Pháp, và giá tiền thay đổi từ $6 đến $7.70 một ngày hay từ $125 đến $155 một tháng. Đối với hai người, $10 đến $12 một ngày và $210 đến $250 một tháng, và theo tục lệ, một chai rượu vang trắng hay đỏ, và rượu ngọt (liqueur), được miễn phí ở cả hai bữa ăn, trưa và tối.  Khách Sạn Hà Nội cũng là một địa điểm rộng rãi và được điều hành chu đáo, tương tự, rất đông khách, và có một quán cà phê rất được ưa chuộng.

Đại khách sạn Métropole (Ảnh in trong sách The French in Tonkin and South China)

Hà Nội là một thành phố rất thuận tiện để đi lại. Có nhiều xe kéo [pousse-pousses, tiếng Pháp trong nguyên bản, chú của người dịch], tên họ gọi cho jinrickisha [tiếng Nhật trong nguyên bản, jin để chỉ người, riki, sức, và sha, xe, tức xe kéo bằng sức người, chú của người dịch], với phu kéo người An Nam. Một đường xe điện chạy ngang qua thành phố và các khu ngoại ô trên một khoảng cách dài tám dặm, và có đông khách là người ngoại quốc cũng như dân bản xứ. Các tòa nhà công cộng chính bao gồm Tòa Thị Chính (Mairie), Trụ Sở Bưu Điện và Điện Tín, Dinh Thống Sứ, Ngân Khố, Khu Quân Sự và các văn phòng khác. Các trường công lập, tốn phí 175.000 franc, tạo thành một dãy kiến trúc lộng lẫy, với các khu dành riêng cho con trai và con gái, giảng đường, v.v…  Một Phủ mới cho Toàn Quyền đang trong tiến trình xây dựng gần Vườn Hoa Công Cộng, cũng như một Pháp Đình mới. Dãy phố trung tâm nguy nga với các tòa nhà khu Hội Chợ Triển Lãm, hiện đang hoàn tất, sau rốt sẽ biến thành một viện nghiên cứu về khảo cổ và ngữ học. Một nhà hát mới với 800 chỗ ngồi đang được Chính Quyền Thành Phố xây dựng, chỉ cách ngôi nhà thờ Tin Lành Pháp nhỏ bé và xinh đẹp vài thước.

Đường sá thì rộng rãi, rợp bóng cây, và ở trong tình trạng tuyệt hảo. Chúng đều được trải đá giăm, với tổng chiều dài, kể cả các lối đi vùng ngoại ô, lên tới hơn năm mươi dặm Anh (miles).

Các cửa hiệu lớn và chất đầy hàng hóa tạo thành một đặc điểm nổi bật của đời sống Hà Nội, nhiều hãng may trang phục phụ nữ và vải vóc sẽ làm hài lòng các khách phụ nữ trong suốt thời gian Triển Lãm. Trong thực tế, nhiều đường phố với các cửa hiệu sang trọng bày bán đủ loại mặt hàng, với các mái hiên che nắng bằng vải nhiều màu, các cửa sổ bày biện lôi cuốn, các cửa hàng thịt và bánh nướng ngoại quốc, tất cả đều do người Pháp chứ không phải người Á điều hành, là một bức tranh quyến rũ làm gợi nhớ những cảnh tượng thú vị ở quê nhà. Như tại các thành phố Trung Hoa, các cửa hàng bản xứ bị giới hạn vào các khu đặc biệt. Các thợ đồng thau và đồ đồng có một khu vực, các người sản xuất cuộn giấy chiếm một khu khác, v.v….  Công việc bản xứ hay nhất là việc khảm xà cừ trên gỗ màu đen bản xứ, từ đó các sản phẩm đẹp xuất sắc có thể được tạo ra dưới hình thức các bức bình phong, tủ, khay, hộp, v.v…  Quê hương của các sản phẩm này thực sự là thị trấn Bắc Ninh. Một số đồ thêu trên lụa rất thanh nhã cũng có thể tìm mua được.

Tại trung tâm thành phố có tọa lạc Hồ Nhỏ [Petit Lac, tiếng Pháp trong nguyên bản, để chỉ Hồ Hoàn Kiếm, chú của người dịch], với đảo nhỏ của nó và một chiếc cầu mộc mạc ở một đầu; ở giữa hồ là một ngôi chùa An Nam trông cổ quái [có lẽ để chỉ Tháp Rùa?, chú của người dịch]], trên nóc có một một bức tượng Nữ Thần Tự Do bằng đồng. Tiền bạc làm bức tượng này được thu thập từ các khoản tiền nhỏ của nhiều người đóng góp bản xứ. Hồ rộng khoảng gần nửa dặm vuông, lối đi quanh hồ tạo thành một lối dạo mát thú vị, và nếu khách bộ hành mệt mỏi, người đó có thể ngồi nghỉ ngơi ngắm cảnh tại quán cà phê của Khách Sạn Bên Hồ (Hotel de Lac). Cạnh hồ là Nhà Thờ Công Giáo La Mã, và ở phía bên kia, bên cạnh Văn Phòng Bưu Điện và Điện Tín, là một vườn hoa công cộng nhỏ với một bục hòa nhạc và một bức tượng bằng đồng tạc hình ông Paul Bert.

Petit Lac, Hồ Hoàn Kiếm (Ảnh in trong sách The French in Tonkin and South China)

Từ Hồ Nhỏ này, du khách có thể bắt xe điện đến Hoàng Thành, đồn phòng thủ An Nam cổ xưa đáng chú ý của Hà Nội, nơi các bức tường thành vẫn còn được lưu giữ. Nhiều binh chủng quân đội đồn trú nơi đây. Trên nền tòa thành này, một công ty ở Paris hiện đang bận rộn xây cất một khu vực nhà ở Châu Âu được thiết kế đẹp đẽ, với chợ cùng các tiện nghi khác đi kèm. Đi xe điện xa hơn nữa, sẽ tới khu phố cổ với những ngôi nhà cổ lỗ nhỏ bé, một khu vực mà người Pháp đã cho thoát nước toàn bộ và cải thiện, và các đường lộ giờ đây thì rộng rãi, sạch sẽ và bảo trì tốt.

Xe điện sau đó sẽ nhập vào các khu ngoại ô, ở một bên nằm rải rác các ngôi kiểu biệt thự cách biệt đẹp đẽ với đủ mọi kích thước phù hợp với mọi túi tiền, trong khi đó bên phía tay phải là Hồ Trúc Bạch và Hồ Tây. Có nhiều ngôi đền và chùa bản xứ, đền chính yếu là đền Đại Phật (Grand Bouddha), bên bờ Hồ Tây, có chứa một tượng đồng khổng lồ [có lẽ tác giả muốn nói đến bức tượng thần Huyền Thiên Trấn Vũ, cao 3,96m, chu vi 8m, nặng 4 tấn, tại Đền Quan Thánh, chú của người biên tập].

Gần đó là Vườn Bách Thảo (Jardins Botaniques), thực sự là vườn hoa công cộng thanh nhã và ngoạn mục nhất tại Viễn Đông. Các vườn cây được xếp đặt một cách đẹp đẽ, và được cắt ngang bởi các đường xe ngựa rợp bóng mát. Nơi đây vào những buổi tối mát mẻ, cư dân Hà Nội cưỡi trên các cỗ xe ngựa của họ, và những người thích đi bộ hơn tìm được nhiều nơi ẩn náu quyến rũ. Có một bộ sưu tập động vật tuy không nhiều nhưng thú vị, bao gồm một số loại đặc biệt như hổ, báo và gấu Bắc Kỳ. Các khu vườn, bao phủ một diện tích 23 héc-ta, chứa đựng hơn 3000 mẫu thực vật.

Đi xa hơn nữa, đến Sân Đua Ngựa (Race Course), sân này có vẻ được nhiều người lui tới. Các cuộc đua được tổ chức vào ngày Chủ Nhật khi chúng tôi ở đó, và quang cảnh trông như một lễ hội. Ngựa cưỡi là giống ngựa Bắc Kỳ, những con vật nhỏ bé linh hoạt, trông hơi giống nhưng phần nào lớn hơn giống lừa Deli tại vùng Eo Biển [Mã Lai]. Chúng không đủ lớn cho người Châu Âu cưỡi, vì thế các nài ngựa là những người An Nam nhỏ xíu, và hợp lại, họ đã trình diễn một số cuộc đua ngựa đẹp mắt. Các nài ngựa có vẻ rất lấy làm hãnh diện về công việc của họ, và trông khệnh khạng khi mặc y phục mang màu sắc của chủ nhân của họ, [là] đối tượng của sự ngưỡng mộ bản xứ. Các con ngựa thì đầy rẫy và rẻ tiền, và bởi có nhiều đường đi thú vị, đa số cư dân sắm một cỗ xe và một đôi ngựa. Quang cảnh trên các lối đi xuyên qua các khu vườn gợi nhớ đến khu Lunetta tại Manila trong thời kỳ lệ thuộc Tây Ban Nha, đặc biệt khi một ban nhạc đang hòa nhạc.

Khi đó là thời điểm để nhìn thấy phụ nữ Pháp xinh đẹp nhất.  Người đàn bà cởi bỏ y phục nhẹ, lùng thùng của buổi sớm hơn trong ngày, và có thể được nhìn thấy đang mang trang phục kiểu Paris thanh nhã, trong cỗ xe của bà ta được kéo bởi một đôi ngựa, với kẻ đánh xe và “phục dịch” (“tiger”) đang khoanh tay, mang đồng phục bảnh bao, và đôi giầy ủng ống cao.

Cảnh tượng đó là một hình ảnh sáng chói, sinh động và thích thú; chuỗi xe ngựa di chuyển qua các con đường đẹp đẽ, với những người đi xe ăn mặc xinh đẹp. Hà Nội thực sự là một thành phố có nhiều phụ nữ xinh đẹp.

Chùa Một Cột (Ảnh in trong sách The French in Tonkin and South China)

Vào 7 giờ tối, mọi người ăn bữa tối, và sau 8 giờ các quán cà phê bắt đầu đông dần. Từng đoàn người kéo tới và tự tìm chỗ ngồi tại các bàn nhỏ bằng đá hoa cương: nhâm nhi rượu cognac hay rượu ngọt, (liqueurs) hút thuốc và trò chuyện. Bia cũng là một thức uống được ưa thích. Một cái vỗ tay, một lệnh gọi ngắn bằng tiếng Pháp “bồi” (pidgin French), và một người bồi An Nam mặc quần áo trắng mang ra một tấm khăn nhỏ đặt vào giữa bàn, và một cuộc chơi bài bắt đầu, có các phụ nữ tham gia. Sinh hoạt quán cà phê rất ôn hòa, rất thích thú và rất phổ thông. Một người Anh Quốc, trừ khi anh ta là một kẻ kiêng cữ, sẽ có thể cần đến những thức uống mạnh hơn và muốn không khí khích động hơn; một cốc bia hay một ly rượu ngọt nhỏ là đủ cho đàn ông Pháp vào buổi tối.

Giới quân sự hiển nhiên là đông đúc, các sĩ quan mọi cấp bị bắt buộc luôn luôn phải xuất hiện trong bộ quân phục. Như thường lệ, áo chẽn quân đội Pháp thường bằng vải đen, với cổ áo hay cửa tay màu đỏ, vàng hay bạc, ấn tượng trên người mặc và người quan sát không hoàn toàn quá xốn mắt như là áo choàng đỏ của một sĩ quan Anh, nếu người đó bị bắt buộc phải xuất hiện thường trực trong quân phục. Vải khaki được mặc thường xuyên – đặc biệt ở vùng thượng du, và băng quấn bắp chân kiểu Anh đang trở thành thời trang.

Các buổi dạ tiệc (soirées), khiêu vũ, hòa nhạc và diễn kịch tạo nên các thú vui xã hội của cuộc sống Hà Nội.

Ngày càng có nhiều thương vụ được giao dịch ở Hà Nội, nơi mà dĩ nhiên sẽ phát triển mạnh nếu xứ sở được mở ngỏ cho mậu dịch tự do. Nhiều ngành kỹ nghệ địa phương đã được tạo lập, trong số đó có nhà máy bia, dệt bông vải, nhà máy giấy, chưng cất rượu bản xứ, và các nhà máy sản xuất diêm.

Cả Hải Phòng lẫn Hà Nội đều chưa đạt tới giai đoạn khi mà tiền tệ địa phương được đầu tư vào các công ty công lập, và dân chúng có thặng dư tiền mặt đầu tư tiền vào doanh nghiệp riêng của họ, hay gửi tiền về Pháp. Thị trường cổ phần như đang hiện diện tại Hồng Kông hay Thượng Hải chưa được biết đến, nhưng khi một hay hai công ty công lập đã được thành lập để điều hành một số kỹ nghệ, một định chế như thế là điều khả hữu trong tương lai.

Doanh nghiệp chính yếu là Công Ty Xe Điện (Electric Tramway Company), mà họ giải thích với chúng tôi là một phần tư nhân, một phần là công ty công lập, bất kể theo nghĩa nào. Công trình được xây dựng vào năm 1900, và cung cấp một dịch vụ xe điện tuyệt hảo nhất, chiều dài của tuyến đường vào khoảng tám dặm. Các toa xe được xây dựng rất tốt và thoải mái, được chia thành hạng nhất và hạng nhì, và đều do người Pháp chế tạo. Đi kèm theo xe là một toa nhỏ, mui trần, với các màn che bên hông bằng vải, trên đó hành khách có thể thích ngồi trong thời tiết nóng nực. Xe điện được chạy trên một hệ thống truyền điện (trolley system), bởi một dòng điện biến đổi từ 500 đến 600 volts. Nhà máy phát điện bao gồm ba máy phát điện mạnh có công suất 250 mã lực, và có 22 xe điện. Các người bán vé và lái xe đều là người An Nam, toàn thể số nhân viên vào khoảng 100 người, trong đó có 8 người Pháp. Các xe điện có khách đông đảo là người Âu Châu cũng như dân bản xứ, và công ty nghe nói là kiếm được lợi tức tốt. Giá vé tối đa là 5 xu cho hạng nhất, và 3 xu cho hạng nhì, và người đi có một chuyến đi thú vị trong bốn mươi phút cho một giá vé rất rẻ.

Một trạm xe hỏa đẹp đẽ đã được xây dựng trên Đại Lộ Gambetta, nơi mà toàn thể mạng lưới của đường ray xe hỏa Bắc Kỳ sẽ sớm hội tụ. Từ chiếc cầu nguy nga băng ngang sông Hồng, đường ray xe hỏa chạy qua một cầu cạn bằng đá dài 600 thước, và sau đó đi xuyên qua thị trấn.

Vào năm 1897, trung tâm đô thị Hà Nội có 384 căn nhà ngoại quốc, từ đó cho đến năm 1901, con số đã tăng lên 608. Số ngôi nhà bằng gạch của dân bản xứ là 1225 cũng được xây dựng trong cùng thời kỳ đó. Có vài ngôi chợ được xây dựng rất tốt, và các ngôi chợ khác đang được dựng lên theo yêu cầu. Các nhà chức trách Thành Phố xứng đáng được ghi nhận công trạng về hệ thống thoát nước xuất sắc mà họ đã cung cấp với phí tổn không hạn chế, bởi xứ sở thì bằng phẳng và nhiều đầm lầy, và nhiều hồ nước phải được san lấp vốn đã hiện hữu tại thành phố và các vùng ngoại ô. Hệ thống nước đã được xây dựng vào các năm 1895-1896, nước được chuyển vận bởi một kinh đào, dài 25km, từ các giếng nước lớn, cung cấp được 5.000 mét khối mỗi ngày. Nước được dẫn vào các ngôi nhà ngoại quốc, và có 85 trụ vòi nước (borne fontains) và 85 nhánh dẫn nước để cung cấp nước cho dân bản xứ.

Thị trấn được thắp sáng bằng điện, ở đó có 523 ngọn đèn sợi đốt (incandescent lamps) và 55 ngọn đèn chiếu sáng khu người ngoại quốc. Các khu vực bản xứ ngoại vi được thắp sáng bằng đèn dầu. Thị trấn được tuần cảnh kỹ càng nhưng cảnh sát thì rất khiêm tốn. Ngân sách Thành Phố được ước lượng cho năm 1902 lên tới $844.304, được đóng góp bởi các khoản thuế nhỏ như thuế cho thuê nhà $29000; thuế môn bài $60000; thuế thân trên các ngoại kiều gốc Á $17484; thuế cá nhân trên người An Nam $9458. Số thu nhập từ các ngôi chợ trong năm 1901 là $71497; lò mổ $18682; phu kéo xe $43370.

Dân số của Hà Nội là 160.000 người, trong đó có 1.500 người Châu Âu, chưa kể số quân đồn trú lớn, và 4.000 người Trung Hoa.  Thành phố lành mạnh một cách đáng ghi nhận, và nhiệt độ tối đa vào mùa hè, bắt đầu từ Tháng Tư, là 350 C, và xuống mức thấp nhất vào mùa đông, bắt đầu từ Tháng Mười, là 60 C. Đường ray xe hỏa giờ đây giúp cho các cư dân lên tới vùng núi đồi trong ít tiếng đồng hồ, nơi họ có thể né tránh cái nóng của mùa hè, và là nơi mà các công trình nghỉ dưỡng có thể được xây cất.

Hiện thời cộng đồng đang háo hức quan tâm tới kỳ Hội Chợ Triển Lãm sắp được mở ra tại Hà Nội vào Tháng Mười Một 1902, sẽ lôi cuốn du khách từ mọi nơi; việc miêu tả Hội Chợ Triển Lãm này được dành cho một chương sách khác./-

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN