Hải Phòng năm 1902 dưới ngòi bút của ký giả người Anh

Ngô Bắc dịch

NguồnAlfred CunninghamThe French In Tonkin And South China, Second Edition – Revised, Hongkong: Printed At The Office of The “Hongkong Daily Press” & London: Sampson Low, Marston & Co, St. Dunstan’s House, Fetter Lane, các Chương: Hải Phòng, từ trang 46-62, và Hà Nội, từ trang 63-89, Du Hành Lên Mạn Ngược, các trang 164-188.

Lời Người Dịch:

Dưới đây là phần dịch Lời giới thiệu và chương “Hải Phòng” trong tác phẩm nhan đề The French In Tonkin and South China của Alfred Cunningham, một ký giả người Anh thường trú tại Hồng Kông, giới thiệu về Bắc Kỳ nhân cuộc viếng thăm nơi đây trong mùa xuân năm 1902, dưới thời Toàn Quyền Doumer. Cũng như các tác giả người Anh khác cùng thời, tác giả cổ vũ cho việc mở cửa Đông Dương cho hoạt động tự do mậu dịch, hầu cho phép người Anh tham dự nhiều hơn nữa vào thị trường Đông Dương lúc bấy giờ. Dĩ nhiên, văn phong vẫn chứa đựng cách nói mỉa mai, châm biếm người Pháp thường thấy trong các tác phẩm của các tác giả người Anh cùng vào thời kỳ đó.

*****

Dẫn nhập

Các trang sau đây là kết quả của một cuộc thăm viếng Bắc Kỳ với một chiếc máy chụp ảnh trong mùa xuân năm 1902, và từ các quan sát ghi nhận được của người viết với tư cách một ký giả thường trú tại Hồng Kông. Một số độc giả có thể nhận định rằng tham vọng của những người láng giềng của chúng ta, những kẻ được cho là thường bị ảnh hưởng bởi xúc cảm, đã được gắn cho tầm quan trọng quá mức; và rằng các công tác của ông Doumer đã được gán cho sự nổi bật và nhấn mạnh không cần thiết.

Nhiều số liệu trích dẫn được rút ra từ báo cáo của ông Doumer; các con số khác được biên soạn từ nhiều nguồn đáng tin cậy khác nhau.

Người viết nhân cơ hội này xin ghi lại lòng biết ơn của mình đối với các nhà Chức trách tại Bắc Kỳ về thái độ lịch sự đã dành cho người viết.

Người viết không có ý định trích dẫn lịch sử cổ xưa của Bắc Kỳ hay thậm chí kể lại việc nó bị chiếm đoạt: các sự kiện này có thể được thảo luận trong các tác phẩm khác. Mục tiêu của người viết là cố gắng và trình bày một phác thảo chính xác về thuộc địa y như hiện trạng vào lúc này, và để thiết định một sự so sánh giữa Pháp và Anh, trong hoạt động chính trị và thuộc địa, với hy vọng rằng chúng ta có thể được khuyến khích để tiến tới các thành quả tốt đẹp hơn.

A[lfred]. C[unningham].

Hồng Kông, ngày 1 Tháng Tám, 1902.

—–

Lời tựa cho ấn bản thứ nhì

Sự ấn hành ấn bản thứ nhì đã giúp cho người viết thực hiện được các hiệu chỉnh và bổ sung.

A. C.

Hồng Kông, ngày 1 Tháng Mười, 1902

***

Hải Phòng

Trong những năm tám mươi [của thế kỷ thứ 19, chú của người dịch] khi nước Pháp sáp nhập Bắc Kỳ, đã hiện hữu một niềm tin chính thức rằng Hải Phòng sẽ cạnh tranh với Thượng Hải như một hải cảng thương mại, nhưng mặc dù những niềm tin mãnh liệt vẫn còn ngự trị ở đó, thời gian cũng đã làm chúng dịu bớt lại. Chính quyền thuộc địa sau nhiều năm ngập ngừng và chi tiêu nhiều khoản lớn, cuối cùng đã quyết định rằng hải cảng thương mại chính yếu phải được tái thiết lập trên bờ biển Bắc Kỳ, và rằng Hải Phòng, nơi hiện nay nắm giữ vị thế đó, phải trở lại thành một trung tâm phân phối nội địa.  Thời gian còn lại của Hải Phòng đang chính thức bị tính từng ngày do vị trí bất tiện của nó, là một cảng sông và lại có hai cồn cát ngay lối vào tại cửa con sông Cửa Cấm. Các toàn quyền trước đây, trong khi thừa nhận những điểm bất lợi phát sinh từ vị trí của nó, đã ngần ngại tiến hành bất kỳ điều gì khác hơn là một sự chữa trị tại chỗ. Đây là hậu quả của những khoản tiền lớn mà chính quyền đã chi tiêu để làm cho hải cảng này dễ tiếp cận hơn. Tuy thế, các tàu với tầm nước sâu từ mười tám đến hai mươi bộ Anh giờ đây có thể vào được thành phố. Một khoản tiền khác nữa tổng số 4.000.000 franc đã được biểu quyết vào năm 1902 để cải thiện hải cảng. Tuy nhiên, ông Doumer đã đề nghị rằng một hải cảng vận tải mới cho Bắc Kỳ (Tonkin) sẽ phải được tạo dựng tại vịnh Hạ Long xinh đẹp, kề cận những mỏ than dồi dào là Hòn Gay và Ke Bao[?], và rằng một con kinh sẽ nối kết nó với Hải Phòng, khoảng cách giữa hai nơi vào khoảng hai mươi lăm dặm. Đa số  thương nhân của Hải Phòng đã ca ngợi kế hoạch này, bởi họ nghĩ nó sẽ thúc đẩy sự phát triển của thuộc địa và sẽ làm lợi cho cá nhân họ. Các tàu hơi nước chạy đường đại dương có trọng tải lớn sẽ có thể tiến vào hải cảng mới, và các tàu hơi nước chở thư tín của Công ty Vận tải Đường biển (Compagnie des Messageries Maritimes) sẽ có thể không cần đến các tàu nhỏ nối chuyến hiện đang chạy từ Sài Gòn đến Hải Phòng mà sẽ cập bến trực tiếp tại hải cảng mới. Sông Bạch Đằng, một chi lưu của sông Cửa Cấm, nối liền Hải Phòng với Vịnh Hạ Long, nhưng nó chỉ có thể hải hành được bằng tàu hơi nước loại nhỏ. Hải Phòng nằm cách 300 dặm về phía nam của Hồng Kông.

Kinh đào ở Hải Phòng
Phụ nữ Bắc Kỳ, với nón bằng lá dừa.

Mặc dù không có gì để nghi ngờ rằng việc tạo lập một cảng biển tại bờ biển phía bắc của Bắc Kỳ, đặc biệt tại nơi được đề nghị, sẽ mang lại lợi ích vật chất cho thuộc địa, song câu hỏi đặt ra là liệu sự bất khả tiếp cận của Hải Phòng đối với các tàu hơi nước loại to có cản trở mậu dịch một cách nghiêm trọng hay không. Nếu cần phải chuyển hàng hóa đến Hải Phòng, người ta có thể nhận thấy rằng một khi chúng đã sẵn ở đó, như ở Thượng Hải, chắc chắn còn khó tiếp cận hơn. Có vẻ như là các thương gia ở Hải Phòng sẽ vui vẻ chấp nhận hai cồn cát và bùn này miễn là sở Quan Thuế và Công Quản (Douanes et Regies) tha cho họ khỏi những rào cản khó chịu. Nếu ông Doumer, hay người kế nhiệm ông, có thể nghĩ ra một đường dây lách qua rào cản đó, thì ông sẽ thực sự là ân nhân của giới thương gia và của xứ sở này.

Hoàng tử Henri xứ Orléans (Prince Henri d’Orléans) đã viết cho đồng bào ông rằng “Chúng ta đã làm chủ nhân ông của Bắc Kỳ chưa đến hai năm trước khi chúng ta bao quanh nó với một bức tường dày của các sắc thuế quan, và để làm vừa lòng một số ít các nhà mậu dịch Pháp, chúng ta đã ngăn chặn sự phát triển thương mại của thuộc địa, mà không hề nghĩ rằng một thuộc địa chớm phát triển cần đến sự tự do tối đa và hành động tự do, rằng kim ngạch nhập cảng và xuất cảng càng lớn, thì lợi nhuận càng nhiều. Điểm mấu chốt là khuyến khích dòng vốn chảy vào và guồng máy được thiết lập, để khai mở một con đường cho thương mại và làm cho nó càng đơn giản và rõ ràng càng tốt. Điều này đã không được để ý tới.”* Về những điều này, ông Hoàng tử quá cố người Pháp, giống như các nhà tiên tri khác, không phải lúc nào cũng nhận được sự vinh danh xứng đáng tại xứ sở của chính ông.

Hải Phòng ngày nay là một công trình bất hủ của sức lao động và sự táo bạo của nước Pháp. Theo một mô tả năm 1880, hải cảng này tọa lạc bên đôi bờ của một lạch nước. Đường xá thì hẹp, gớm ghiếc và dơ bẩn, cho thấy không có sự cải tiến dưới chế độ giám sát của Pháp. Các bờ sông thì thấp và chứa bùn phù sa, từ nơi đó người Pháp đã tốn rất nhiều công sức và phí tổn để khai hoang lập khu định cư. Những kiến trúc bản xứ được xây dựng một cách tồi tàn bằng bùn, tre và cói. Những tòa nhà đàng hoàng duy nhất là những kiến trúc do người Trung Hoa và người ngoại quốc chiếm ngụ.

Bốn năm sau đó, một tác giả khác đã mô tả địa điểm này như sau “Thị trấn có lẽ đang tăng trưởng, mặc dù điều này cũng được để ngỏ cho tranh luận, nhưng trong bất kỳ tình huống nào nó cũng không thể phát triển nhanh chóng được, bởi các địa điểm xây dựng chỉ có thể có được bằng cách chật vật thu thập bùn và đất sét từ những cánh đồng chung quanh, và đắp nó lên tạo thành nền móng, trên đó người ta dựng một ngôi nhà cao một hay hai bộ Anh (feet) so với mặt đầm lầy, chính là một phần lớn của thị trấn bị con nước lớn làm cho biến dạng mà thành. Ngay cả đường xá cũng phải được xây dựng theo cách này … Dường như chỉ có nước lợ mới cứu vãn Hải Phòng khỏi việc trở thành một nghĩa địa thường xuyên của người Pháp. Thoạt nhìn vào những đầm lầy xấu xí hiện xâm nhập vào mọi phần của thị trấn và bốc hơi dưới ánh mặt trời thiêu đốt, người ta sẽ nghĩ không có cách nào cứu nó thoát khỏi một dịch bệnh. Như thực tế, mọi căn nhà thực sự là trung tâm của một hầm chứa phân.” **

Kể từ đó Hải Phòng đã trải qua một sự chuyển biến, và ngày nay nó là một thành phố được xây dựng tân tiến và thoát nước hoàn hảo với đường sá tốt và các đại lộ đẹp đẽ; mặc dù không thể nói rằng đó là một thành phố xinh đẹp như Hà Nội, song nếu xét đến những khó khăn ban đầu khi xây dựng, nó có thể được nhìn như một thắng lợi vẻ vang hơn cho chế độ thực dân Pháp.

Một con đường được xây dựng gần đây nối liền hải cảng với hòn đảo nhỏ Đồ Sơn, nằm ở cửa sông Cửa Cấm, nay đã trở thành một địa điểm nghỉ mát ven biển sang trọng, sở hữu một khách sạn xinh đẹp và nhiều biệt thự nhỏ đẹp như tranh, nơi cư dân Hải Phòng có thể vui chơi cuối tuần.

Một lạch nước rộng bao quanh khu định cư cũ ở Hải Phòng, tách biệt nó khỏi phần dân cư mới, tới nay người ta đã quyết định lấp đầy con lạch này và biến nó thành một lối đi rộng rãi. Có nhiều khách sạn tốt, chính yếu là Khách Sạn Thương Mại (Hotel du Commerce) và Khách Sạn Hoàn Vũ (Hotel de l’Univers); các cửa hàng thì to lớn và đa dạng, trữ đầy hàng hóa, và rõ ràng hoạt động kinh doanh đang phát triển. Có hai tờ nhật báo rất đứng đắn. Từ khía cạnh đô thị, thị trấn được quản trị tốt; đường xá rộng rãi, sạch sẽ và trong tình trạng tốt; lối đi bộ thông thoáng và rợp bóng mát, và người đi bộ không bị bắt buộc, như tại Hồng Kông, phải men theo đường lộ để tránh những đám đông phu thợ lê bước bốc mùi ghê gớm. Thị trấn được thắp sáng bằng điện.

Những cư dân Pháp đón nhận việc lưu vong khỏi xứ sở thân yêu của họ theo cách đầy triết lý và thoải mái. Tất cả đều tuyên bố họ oán ghét sự chia cách này, nhưng họ đã đền bù cho sự hy sinh đến mức tối đa có thể làm được. Họ không phải là những kẻ mà những người bạn Hoa Kỳ của chúng ta sẽ gọi là “những người hăng hái làm việc” (hustlers)”, và sau tách cà phê hay chocolat buổi sáng, họ bắt đầu làm việc vào lúc 8 giờ và nghỉ làm vào lúc 11 giờ để dùng điểm tâm. Thời lượng dành cho bữa ăn này vào khoảng hai tiếng rưỡi, và trong thời gian đó công việc hoàn toàn được đình chỉ. Bưu điện đóng cửa, các cửa hiệu khóa trái, và mọi người ngưng làm việc một cách nhàn nhã để ăn và trò chuyện. Nhìn bên ngoài, Hải Phòng khi đó có nét giống một thị trấn tỉnh lẻ Anh Quốc vào ngày Chủ Nhật.

Quang cảnh tại phòng khách [salon, tiếng Pháp trong nguyên bản, chú của người dịch] của một khách sạn ở Hải Phòng vào lúc 12:30 trưa, sau bữa ăn, là điều gì đó đặc biệt tân kỳ đối với một du khách người Anglo-Saxon. Hãy tưởng tượng đến một phòng lớn; bàn chơi bi-da, chỗ đọc sách báo, quầy rượu và các buồng chơi bài đều ở chung một phòng, với hàng hiên mở rộng; tưởng tượng ở đó có đông đảo những người đàn ông Pháp đầy sức sống, cùng với vợ và con của họ, trong một sắc thái hài hước phóng khoáng mà một bữa ăn ngon mang lại. Cha mẹ ngồi ở những cái bàn nhỏ, đàm thoại và hút thuốc trong khi dùng cà phê, đa số vui chơi một canh bài, trẻ em thì vui vẻ biến một góc phòng thành gian chơi đùa; phụ nữ mặc áo dài buổi sáng và đội chiếc mũ che nắng được trang trí bằng diềm xếp nếp – một loại nón đáng ghét nhất. Quang cảnh này kéo dài khoảng một tiếng đồng hồ cho đến khi các đề tài trò chuyện trong ngày đã cạn kiệt, cuộc họp mặt giải tán – một số người có thể vui hưởng một giấc ngủ trưa ngắn, số còn lại vật lộn với công việc.

Vào 1:30 trưa, công việc nói chung được tái lập, các cửa hiệu mở khóa, bưu điện rút lại các cảnh cửa chớp và các cơ quan hành chính khác dần dần hiện hữu trở lại. Giờ đây ta có thể mua sắm đồ vật gì đó, bởi tập tục đóng cửa [nghỉ trưa] là phổ biến, có lẽ không có doanh nghiệp nào bị mất mát.

Vào 5 giờ chiều, các văn phòng thương mại đóng cửa, nhưng các cửa hiệu thì không, và Hải Phòng tự hiến mình cho vui chơi và giải trí. Quần vợt xem ra là trò chơi ngoài trời duy nhất được theo đuổi tại Bắc Kỳ, ngoài trò cưỡi ngựa và săn bắn mà người Pháp rất say mê. Phụ nữ, những người trong suốt cái nóng của ban ngày gắng gượng mặc những chiếc áo dài buổi sáng và đội mũ che nắng – một trang phục hợp lý và thoải mái nếu không cần biết đến nét thanh nhã – giờ này xuất hiện trên các cỗ xe ngựa, mặc quần áo đúng kiểu Paris, trông thật duyên dáng và sống động. Đây là thời khoảng thú vị nhất của một ngày, và những cỗ xe ngựa do những chú lừa bản xứ nhỏ bé kéo đi, tung tăng theo mọi chiều hướng; có một vài con đường tráng lệ, đường xá dù  xe cộ đông đúc nhưng vẫn được bảo quản trong tình trạng tuyệt hảo.

Vào 6:30 hay 7 giờ tối, mọi người ăn cơm tối, và sau đó là các trò tiêu khiển xã hội, thường là chơi bài. Các ban quân nhạc trình diễn tại những địa điểm công cộng thường xuyên đóng góp nhiều vào những thú vui của thành phố. Ở đây dĩ nhiên là có nhà hát, một tòa nhà rất xinh đẹp, mặc dù số chỗ ngồi thì ít so với kích thước của nó. Người ta đã xây nó với số tiền $80.000, và nhà thầu khai thác thì nhận từ Chính Phủ $75.000 franc mỗi năm như một khoản trợ cấp. Từ khoản đó và các số thu, nhà thầu trả lương cho nghệ sĩ, nhưng không trả cho chi phí đưa họ sang từ quê nhà vì các khoản này được chính phủ đài thọ. Mùa nhạc kịch kéo dài ba tháng tại Hải Phòng và ba tháng tại Hà Nội, cả hai địa điểm đều chung một nhà thầu khai thác, và ông ta dùng khoản trợ cấp để chi trả cho cả hai nơi.

Hội quán Thương mại (Cercle du Commerce) là một hội nhỏ, giàu có, được điều hành một cách nào đó theo kiểu Anh Quốc, mặc dù cách thức sinh hoạt vốn có của hội tại các thuộc địa Anh Quốc không được biết đến ở Bắc Kỳ. Ở đó có phục vụ ăn tối, có một thư viện nhỏ, phòng đánh bi-da và một phòng khách (salon) chung, nơi các hội viên ngồi, tán chuyện, hút thuốc và đánh bài. Vào một số buổi tối, phụ nữ được mời tới và sảnh được sử dụng làm nơi thưởng thức âm nhạc hay khiêu vũ. Các bà rất tán thưởng đặc quyền này. Hội quán Cây đa (Cercle Banian), được đặt tên theo một cây đa mọc trong vườn, là một câu lạc bộ khác được ủng hộ nhiệt liệt. Vòng đua ngựa (Race Course) cách thị trấn một dặm, và một vườn hoa công cộng nhỏ, với bục hòa nhạc, tọa lạc phía trước Ngân hàng Đông dương (Banque de l’Indochine).

Ông A. R. Marty, người mà danh tính đã trở nên rất đỗi quen thuộc tại Bắc Kỳ, và đang nổi tiếng không kém tại Hồng Kông, đã xây cất một ngôi nhà Trung Hoa tráng lệ bên ngoài thị trấn và bên cạnh đường ray xe hỏa. Nó được xây dựng rất công phu, phần lớn vật liệu được nhập cảng riêng từ Quảng Châu (Canton), cùng với công nhân xây dựng. Đó là một ngôi nhà khó tìm được đối thủ tương đương tại miền Nam Trung Hoa, và hẳn phải tốn kém một khoản tiền khổng lồ. Sự khoái chí của những người Trung Hoa khi nhìn thấy nó là điều tự nhiên, và nó được trang hoàng toàn bộ theo lối Trung Hoa, đầy đồ cổ và những vật đắt tiền mà ông Marty đã sưu tầm trong suốt thời gian ông cư trú lâu dài tại Trung Hoa. Ông đã vô cùng hãnh diện về nó và với lý do chính đáng, mặc dù tên mà người địa phương gọi ngôi nhà là “nỗi điên rồ của ông Marty: Marty’s Folly”.

Ông A. R. Marty

Về mặt thương mại, Hải Phòng đang gây thất vọng. Là hải cảng chính yếu của một thuộc địa giàu có, với dân số ước lượng khoảng 12.000.000 người, giờ đây đã được bình định và phát triển, du khách sau khi nhìn thấy Thượng Hải, Hồng Kông hay Singapore kỳ vọng sẽ tìm thấy một điều gì đó tiến bộ hơn những gì Hải Phòng phô bày. Số lượng bến tàu ít, bến chính được dành cho Sở Quan Thuế, và thay vì nhìn thấy hàng loạt tàu thuyền, chỉ có trung bình khoảng một tá, và những chiếc tàu này là tàu chạy cận duyên và chuyên chở. Về mặt thương mại, Hải Phòng có thể đã phát triển chậm chạp, nhưng không ai nghi ngờ rằng, nếu xứ sở này được giải thoát khỏi sự tê liệt do Chính sách Bảo hộ Mậu dịch và mở cửa cho thương mại tự do, nó sẽ phô bày một khía cạnh khác xa với bộ mặt ngày nay.

Một số khách du lịch, tuy thế, nhìn Hải Phòng thông qua những khía cạnh khác. Hầu Tước Barthélemy *** nghĩ “Khách du hành lấy làm vui sướng khi đến một đất nước tràn đầy các thương nhân và nơi chính quyền không là tất cả như tại Sài Gòn”, song với sự châm biếm rõ rệt, ông tiếp tục viết, “lên bờ một cách kỳ lạ, bởi giữa các bến của hải cảng là bảng trang hoàng đề tên “Ty Quan Thuế” và những bảng hiệu hành chính khác có chủ định rõ ràng gây kinh sợ cho hoạt động thương mại tự do.”

Các thống kê mậu dịch cho thấy một sự phát triển, mặc dù rất khó để lấy được số liệu. Mậu dịch năm 1877 là 2.231.749 franc, gồm 1.134.448 franc cho nhập cảng, và 1.032.092 franc cho xuất cảng. Tổng số khai quan thuế của các tàu ngoại quốc và Trung Hoa là 309 chiếc, trong đó hơn 50% là của Anh Quốc. Năm 1878, số nhập cảng từ Hồng Kông tương đương với 1.015.938 lạng (Tls: taels?) [không rõ vàng hay bạc?]; và xuất cảng sang Hồng Kông là 734.433 lạng [?]. Số nhập cảng từ Sài Gòn là 8.363 lạng và số xuất cảng đến hải cảng đó là 216.133 lạng; phần lớn số xuất cảng xuống Sài Gòn đi xuyên qua Hồng Kông. Sau năm 1878, mậu dịch đã sút giảm một cách đáng kể, chủ yếu vì sự ngăn cấm xuất cảng gạo và tình trạng bất ổn của xứ sở, nhưng đã bắt đầu phục hồi, và vào năm 1880 giá trị nhập cảng là 5.467.315 franc, và giá trị xuất cảng là 7.507.528 franc, tổng kim ngạch là 12.974.838 franc [? phải là 12.974.833, có lẽ do lỗi sắp chữ của nhà in, chú của người dịch]. Kim ngạch nhập cảng vào Bắc Kỳ, trong đó Hải Phòng là cảng biển chính yếu, trong năm 1899, tương đương với 1.800.000 bảng Anh (Livres), trong đó 803.000 Bảng Anh là từ ngoại quốc. Số xuất cảng trong cùng năm là 774.000 bảng Anh, trong đó chỉ có 50.000 Bảng Anh là từ Pháp và các thuộc địa của nó. Hàng hóa nhập cảng chính là hàng dệt, khoáng chất, kim loại, mứt, rượu nho, vàng lá, bột mì, v.v… tất cả đều cho thấy sự gia tăng liên tục. Các vật phẩm xuất cảng hàng đầu là gạo, cá, hạt tiêu, than đá, và lụa. Hàng dệt Anh Quốc đang mau chóng nhường chỗ cho hàng dệt của các nhà sản xuất Pháp.

Lao động bản xứ thì rất rẻ so với Hồng Kông và Thượng Hải, và chúng tôi nhận thấy, thí dụ, rằng các thợ in Hải Phòng chỉ được trả công bằng 50% của hai nơi kể trên. Các gia nhân là người An Nam, và một hệ thống đăng ký, giống như đã được thảo luận và giới thiệu tại Hồng Kông, thì thịnh hành, và nó được nhận xét là rất hiệu quả. Các gia nhân được chụp ảnh trước khi nhận một giấy chứng nhận từ cảnh sát. Tuy nhiên, thuộc địa, vốn là quê hương của gia nhân, giúp cho một hệ thống như thế dễ được thực hiện một cách hiệu quả, trong khi điều này ở Hồng Kông sẽ khó khăn, bởi các gia nhân ở đó đến từ đại lục.

Thật hài lòng khi ghi nhận rằng nhiều ngành công nghiệp địa phương đã được khởi sự hồi gần đây, trong đó chính yếu có một nhà máy dệt bông vải và một nhà máy xi măng. Công ty Dệt Bông vải Đông Dương (Société Cotonnière de l’Indo-Chine) hiện hoạt động tại Đường Avenue du fort Annamite, sản xuất ra những cuộn vải có phẩm chất tốt, và được cho là một cuộc kinh doanh có lãi; trong khi đó, Công ty Xi măng Portland Nhân tạo Đông Dương (Société des Ciments Portland Artificiels de l’Indo-Chine), với số vốn 2.000.000 franc, cũng là một doanh nghiệp phát triển, và hiện đang sản xuất một loại xi măng tốt. Chúng tôi được biết rằng để bảo vệ các sản phẩm này và để khuyến khích những ngành công nghiệp khác, chính quyền đã quyết định nâng thuế quan đối với bông vải và xi măng ngoại nhập. Trong các tình huống này, miễn là xí nghiệp địa phương không trở nên tự mãn về sự thịnh đạt của mình và nâng cao giá cả sản phẩm, thì ta có thể đặt giả thiết là khách tiêu thụ sẽ hài lòng, nhưng có một châm ngôn tổng quát rằng sự cạnh tranh trong kinh doanh sẽ làm lợi nhiều mặt cho người tiêu dùng, trong khi sự bảo hộ thuế quan thường tạo bất lợi cho cả nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng.

Ngành công nghiệp chính yếu là xưởng đóng tàu của các ông Marty và d’Abbadie, được trang bị hoàn hảo và phát đạt, và chế tạo ra những chiếc tàu với trọng tải lên tới 500 tấn. Phần lớn các tàu hơi nước chạy trên sông của họ được chế tạo tại đây. Thông tin về dịch vụ tàu hơi nước huy hoàng của họ sẽ được tìm thấy ở nơi khác, và chắc chắn sự thịnh vượng của Hải Phòng xuất phát nhiều phần từ dịch vụ thuận tiện và sâu rộng của các chiếc tàu hơi nước chạy đường sông của công ty này, liên kết nó với tất cả các địa điểm quan trọng trong nội địa.

Văn phòng của các ông Marty và d’Abbadie
Quảng cáo công ty vận chuyển đường thủy của các ông Marty và d’Abbadie

Dân số của thành phố vào năm 1899 bao gồm 1.000 người Châu Âu, 10.000 người An Nam, 50 người Nhật Bản, 38 người Ấn Độ, và 5.000 người Trung Hoa.

Một đường xe hỏa nối Hải Phòng với Hà Nội đã được mở cho lưu thông vào tháng Bảy năm 1902 và chắc chắn sẽ góp phần cho sự thịnh vượng gia tăng của Hải Phòng.

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN