Cộng đồng người Hoa tại Việt Nam dưới thời Pháp thuộc

Ngô Bắc dịch

Nguồn: Alain G. Marsot, The Chinese Community in Vietnam Under The French, do nhà xuất bản The Edwin Mellen Press ấn hành tại San Francisco, 1993, phần Dẫn Nhập, các trang 1-14; phần Kết Luận, các trang 167-181.

Tóm tắt:

Nghiên cứu này đề nghị đặt các vấn đề về các nhóm thiểu số Trung Hoa tại Đông Nam Á, và đặc biệt tại Việt Nam, trong bối cảnh chính trị, kinh tế, xã hội ngày nay qua việc phân tích lịch sử, dân số, các định chế và vai trò kinh tế của cộng đồng người Hoa tại Việt Nam trong thời kỳ chiếm đóng của Pháp. Mục đích của nghiên cứu nhằm soi sang thời cận-quá-khứ (near-past) cũng như nhằm cung cấp các thông tin ảnh hưởng đến hiện tại và ngay cả tương lai của vùng Đông Nam Á.

Lời Người Dịch:

Dưới đây là bản dịch Phần Dẫn Nhập và Phần Kết Luận của quyển The Chinese Community in Vietnam Under The French của Alain G. Marsot, do nhà xuất bản The Edwin Mellen Press ấn hành tại San Francisco, 1993.

Điều cần ghi nhớ là tài liệu này đã được ấn hành trên 20 năm trước. Cục diện hoàn cầu đã thay đổi rất nhiều. Hiện Trung Quốc đang trên đà phát triển sức mạnh kinh tế cũng như quân sự, và thế giới đã bắt đầu quan tâm về việc Trung Hoa tái tục sự bành trướng trường kỳ trong lịch sử về phía nam, mà Việt Nam là nước đứng ngay cửa ngõ, như được nêu ra trong các bài viết này.

Chợ Lớn thời Pháp thuộc

DẪN NHẬP

Trong khắp lịch sử đã được ghi chép lại, các nhóm thiểu số đã hiện diện tại hầu hết mọi xứ sở. Họ có thể được xếp loại một cách rộng rãi dưới hai đề mục. Nhóm đầu tiên bao gồm những người thiểu số phải chịu sự lệ thuộc – hậu quả của sự sáp nhập thông qua sự chinh phục tại một quốc gia được kiểm soát bởi một nhóm người thuộc dòng dõi ngoại quốc đông đảo hơn. Một thí dụ cực đoan trong loại này là những người đã dần hiện hữu thông qua sự chuyển dịch cưỡng bách, như trong trường hợp người da đen tại Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ, hậu duệ của những nô lệ thời xưa bị bắt giữ tại Châu Phi. Trong cả hai trường hợp như thế, người ta có thể biểu trưng nhóm thiểu số là có bản chất “thụ động”, bởi sự hiện hữu của họ như một nhóm thiểu số là kết quả của sự cưỡng bách ngoại lai và không phát sinh từ đề xuất của chính họ.

Các nhóm thiểu số khác có thể được mô tả như là có bản chất “chủ động”. Những nhóm như thế đã được xây dựng bởi những người xuất cảnh đã từ bỏ xứ sở nguyên thủy của họ để đi đến các miền đất khác, đôi khi xa xôi, như kết quả của một quyết định có chủ tâm về phần họ. Mục đích của sự xuất cảnh như thế thường có tính chất kinh tế. Họ xuất cảnh đi tìm sự giàu có cho mình nơi đất lạ, nơi có nhiều cơ hội thành công hơn so với đất nước nguyên quán của mình. Chính qua một tiến trình như thế mà các xứ sở mới đã được tạo lập và phát triển. Sau hết, các thực thể chính trị mới đôi khi nhìn thấy ánh sáng ban ngày như một kết quả của sự hỗn hợp vài nhóm dân thiểu số để tạo ra một dân tộc mới, bằng sự chuyển hóa nhóm thiểu số thành một nhóm đa số, hay bởi sự thiết lập của nó ra một uy lực chính trị lên trên các cư dân bản xứ. Một biến thái của hình thức xuất cảnh này phù hợp với hiện tượng của chính sách thực dân hóa của Châu Âu thời hiện đại, như tại các thuộc địa của Anh, Pháp, Hà Lan hay các nước Châu Âu khác ở Châu Phi và Châu Á. Biến thể này đã suy tàn mau lẹ kể từ giữa thế kỷ mười chín, và nếu ta loại trừ trường hợp đặc biệt của Do Thái, chỉ còn lại một trường hợp trong đó nhóm thiểu số người Âu vẫn còn là nhóm chế ngự về chính trị: đó là Liên Bang Nam Phi, trong khi ở những nơi khác dân chúng bản xứ đã giành lại được nền độc lập của họ và đã xác định sự kiểm soát trên các cư dân Châu Âu địa phương.

Nhưng các nhóm dân thiểu số “chủ động” không chỉ gồm duy nhất những người gốc Châu Âu. Còn có các nhóm thiểu số như thế phát nguyên từ Châu Á. Các “thuộc địa” như thế gồm của người Li-băng tại Châu Phi và Châu Mỹ La Tinh, người Ấn Độ tại Đông Châu Phi và Mã Lai, người Trung Hoa tại bờ biển phía tây Hoa Kỳ và trên hết, tại các xứ sở thuộc vùng Đông Nam Á. Các động lực thúc đẩy tất cả các di dân này về bản chất tương tự như động lực của các di dân Châu Âu: nhằm tạo lập của cải, hay ít nhất cải thiện cơ may để kiếm sống bằng việc rời bỏ xứ sở nguyên gốc nơi, vì nhiều lý do khác nhau, tương lai của họ bị hạn chế. Nhưng có một sự khác biệt căn bản giữa các cuộc di dân của Châu Âu và Châu Á. Nhóm di dân kể sau tự giới hạn mình vào việc thực dân hóa kinh tế: sự đến nơi của họ không kéo theo sự can thiệp của đất mẹ của họ, hay không liên hệ đến một cuộc chinh phục thuộc địa hay sự thiết lập một thể chế chính trị mới. Có một ngoại lệ: Singapore, nơi mà di dân gốc Trung Hoa, sau cùng tạo thành khối đa số, kết thúc bằng việc tạo lập một quốc gia mới, nhỏ hơn sau khi có sự độc lập của Mã Lai thuộc Anh. Sự xuất cảnh của người Châu Á trong thời hiện đại, ít nhất tại bất kỳ tầm mức quan trọng nào, có tính phụ trợ cho sự bành trướng của các dân tộc Châu Âu và cho sự chinh phục của họ tại phần lớn Châu Phi và một phần quan trọng của Châu Á. Chính sự thực dân hóa của Châu Âu, tại phần lớn địa điểm, và trong một số trường hợp nào đó, đã khuyến khích sự xuất cảnh Châu Á. Hơn nữa, trong khi chính sách thực dân hóa của Châu Âu xảy ra như là hậu quả tự nhiên của một thời kỳ Châu Âu nắm ưu thế trên thế giới, các cuộc di dân sau này của Châu Á đã phát sinh khi các xứ sở nguyên gốc của người di dân bị suy yếu, chia cắt hay hoàn toàn bị khuất phục bởi các dân tộc Tây Phương. Trong khía cạnh này, trường hợp các cộng đồng người Hoa tại Đông Nam Á có tầm quan trọng và đáng lưu ý đặc biệt, một mặt do số lượng đáng kể của các cộng đồng này, và mặt khác, do sự gần cận và các kích thước địa dư của đất mẹ của họ. Chúng ta sẽ trở lại hai điểm này sau.

I

Sự xuất cảnh của người Trung Hoa vào vùng Đông Nam Á đã có từ thời cổ xưa. Trong thực tế, Trung Hoa trong nhiều dịp khác nhau đã ấp ủ các tham vọng đất đai nhắm vào vùng này. Trong nhiều thế kỷ, nó đã chiếm đóng và thực dân hóa Việt Nam, đã ban cho nước này một nền văn minh giống như người La Mã đã khai hóa sắc dân Gaul [được xem là tổ tiên người Pháp ngày nay, chú của người dịch]. Nhưng ngoài Việt Nam, nơi mà Trung Hoa đã kết thúc với việc từ bỏ hồi thế kỷ thứ 10, nó sớm trở nên hài lòng với các sự tiếp xúc hời hợt bên ngoài với các nước trong vùng. Các sự tiếp xúc này dựa trên một hệ thống quan hệ của một nước bá chủ với một chư hầu là nước dâng cống phẩm từng đợt – một hệ thống thỏa mãn lòng kiêu hãnh của Trung Quốc (Middle Kingdom), nhưng không đặt áp lực quá đáng lên các vị chúa tể địa phương, những người đôi khi xem việc duy trì một sự ràng buộc hay lòng trung thành như thế là có lợi. Các ảnh hưởng khác đã liên tiếp tạo dấu ấn của chúng tại Đông Nam Á, như các ảnh hưởng của văn minh Ấn Độ, Hồi Giáo và sau cùng, của Châu Âu theo Thiên Chúa Giáo.

Cho đến thời hiện đại, thường xuyên vẫn có các khách du hành và các di dân từ Trung Hoa đến Đông Nam Á – một sự xuất cảnh có thể truy ngược đến thế kỷ thứ nhì và thứ ba của Công Nguyên chúng ta. Nhưng các di dân này có số lượng ít ỏi, bởi các luật pháp của Đế Quốc Trung Hoa có khuynh hướng ngăn cản sự di chuyển như thế, và thường hay cấm đoán sự xuất cảnh các công dân Trung Hoa theo từng đoàn. Những kẻ thách thức lệnh cấm – các thương nhân, những kẻ phiêu lưu, những kẻ phi pháp, nhưng tất cả đều khoác uy tín của một dân tộc hùng mạnh và một nền văn minh thượng đẳng – đã được tiếp đón nồng hậu bởi nhiều quốc gia khác nhau trong vùng, nơi mà họ thường tự xây dựng, lập gia đình, và tương đối hòa đồng với dân chúng. Sự xuất cảnh loại này diễn ra trên đất liền, và về mặt lịch sử, tượng trưng ít nhiều cho cuộc trường chinh thường trực của người Trung Hoa xuống phía nam. Sự xuất cảnh bằng đường biển được biết tới từ thế kỷ thứ bảy, nhưng khi đó chỉ có tính chất rất hạn chế. Tình trạng này đã thay đổi triệt để với sự thực dân hóa của Châu Âu.

Sự chinh phục phần lớn các khu vực thuộc Đông Nam Á (ngoại lệ duy nhất là Xiêm La hay Thái Lan) bởi các dân tộc Châu Âu, bằng việc thiết lập an ninh cao độ và sự ổn định chính trị, đã tạo ra sự khai mở bao la cho một loạt các hoạt động kinh tế, [và] còn nhiều hơn nữa bởi miền này thì giàu có và nói chung là thưa dân. Bởi có các khả tính mới này, và do sự suy đồi của Trung Hoa dưới triều đại Mãn Châu, số lượng di dân Trung Hoa – và ở tầm mức ít hơn và dưới các tình huống khác với di dân Ấn Độ — đã gia tăng một cách mau chóng. Chính khi đó, một số lượng lớn người Trung Hoa đã rời bỏ các tỉnh đông dân miền núi để thử đi tìm vận may của mình tại Đông Nam Á. Nhưng sự di dân này đã mang một tính chất mới và khác biệt: “Khi các phương tiện giao thông trở nên vừa an toàn hơn vừa rẻ hơn, các di dân ngày càng lựa chọn việc ra đi cùng với gia đình của mình. Tiến trình đồng hóa các di dân Trung Hoa vào xứ sở cư trú từ khi đó đã bị chặn lại, nếu không nói hoàn toàn bị đình chỉ. Trong nội bộ của các nước khác nhau trong vùng, các nhóm thiểu số gốc Hoa hiển nhiên đã được thành lập. Những nhóm này đã sớm đóng một vai trò quan trọng, nếu không phải là chế ngự, trong nền kinh tế của các xứ sở đón nhận, một vai trò quá khổ so với nhân số của họ. Các quan sát viên theo đó đã chứng kiến sự phát triển của một sự thực dân hóa Châu Á, nằm trong khuôn khổ của một sự thực dân hóa của Châu Âu. Sự xuất cảnh này tiếp diễn cho đến khi Thế Chiến II đã mang lại một sự chấm dứt đột ngột. Sự xuất cảnh đã không tăng lên sau cuộc chiến, ngoại trừ một thời kỳ rất giới hạn, trong các năm 1946-47, bởi một mặt do sự cô lập của Cộng Sản Trung Hoa, và mặt kia, bởi có sự trỗi dậy tại mọi xứ sở trong vùng phong trào dân tộc chủ nghĩa vốn thù nghịch với mọi hình thức thống trị của ngoại bang, bất luận về chính trị hay kinh tế. Đây là lý do tại sao phần lớn các chính quyền của các nước mới độc lập đã áp dụng biện pháp hạn chế chống lại người Trung Hoa.

II

Vì một số lý do, rất khó khăn để ước lượng số người Trung Hoa cư ngụ tại các xứ sở khác nhau của Đông Nam Á. Số liệu thống kê, khi có được, lại không hoàn hảo. Nói chung, chúng chỉ liệt kê những người Trung Hoa không nhập tịch. Tại một số nước nào đó, không thể ấn định một đường nét phân chia rõ rệt giữa người có gốc Trung Hoa, với người không có gốc Trung Hoa. Điều này được thấy rõ nhất tại Thái Lan. Các chuyên viên thường dùng ngôn ngữ được nói tại nhà như một tiêu chuẩn, hay sự liên kết với một số phong tục nào đó. Nhưng các nét đặc thù này không luôn luôn chính xác trong trường hợp hôn nhân hợp chủng.

Các con số dưới đây, với tỷ lệ bách phân số người Trung Hoa so với tổng số dân cư của xứ sở, được đưa ra như chỉ số xấp xỉ của khối lượng các cộng đồng Trung Hoa tại Đông Nam Á vào cuối thời kỳ thuộc địa, tức trong hay vào khoảng năm 1957.

Indonesia 2.500.000 3%
Thái Lan 2.500.000 10%
Mã Lai 2.400.000 38%
Singapore 1.100.000 85%
Nam Việt Nam 1.000.000 8,3%
Miến Điện 320.000 1.6%
Campuchia 230.000 5,5%
Philippines 230.000 1,2%
Bắc Borneo (nay là một phần của Mã Lai) 220.000 25%
Bắc Việt Nam 50.000 0,4%
Lào 25.000 0,6%

Về mặt ý nghĩa chính trị, số người Hoa tại mỗi nước thì ít quan trọng hơn tỷ lệ của họ trên tổng số dân cư của xứ sở. Tại Đông Nam Á nói chung, người Trung Hoa cấu thành khoảng 5% tổng sô dân cư. Nhưng ở Singapore, một thành phố Trung Hoa, tại Mã Lai, và tại Thái Lan, họ đại diện cho một tỷ lệ quan trọng hơn nhiều.

Phần lớn các Hoa Kiều Hải Ngoại (Overseas Chinese) có nguồn gốc từ các tỉnh miền đông nam Trung Hoa, đặc biệt từ các tỉnh Quảng Đông và Phúc Kiến, và với số lượng ít hơn, từ Quảng Tây. Họ chủ yếu thuộc năm nhóm thổ ngữ: Hokkiens (Nam Mân), Teochius (Triều Châu), Quảng Đông (Cantonese), Hẹ (Hakkas) và Hailam [Hải Lam?]. Tại Indonesia, người Hokkiens đông nhất, chiếm 47% số người Hoa, nhưng cũng có mặt tại Mã Lai, tại Singapore nơi họ chiếm tới 40%, tại Miến Điện và tại Philippines nơi tỷ lệ của họ lên tới 70%. Người Triều Châu chiếm đa số tại Thái Lan, Campuchia và Lào, nơi họ họp thành 60% số người Hoa. Tại Nam Việt Nam, tỷ lệ người Quảng Đông cao nhất, 45%, nhưng họ cũng đông đảo tại Mã Lai, Singapore, Thái Lan, Philippines và tại Miến Điện. Người Hẹ (Hakkas) nói chung định cư tại Indonesia, Thái Lan, và tại Bornéo nơi họ chiếm tới 56% dân số thực dân gốc Trung Hoa. Ít đông đảo hơn các nhóm khác, người Hải Lam của đảo Hải Nam phân tán mỗi nơi một ít, họ tập trung nhiều tại Thái Lan so với các nơi khác.

Vai trò kinh tế của “hua-chiao: hoa kiều”, như những người Trung Hoa sống ở nước ngoài được gọi, không luôn luôn tỷ xứng với dân số của họ dù ở bất cứ xứ sở nào. Nơi họ đông đảo nhất, họ có khuynh hướng cấu thành một tầng lớp vô sản gồm các cu-li (coolies) hay các công nhân không kỹ năng. Họ cũng là các thợ thủ công và các thợ có tay nghề chuyên môn. Người Trung Hoa thuộc một nguồn gốc thường chuyên môn trong một số hoạt động đặc biệt, chẳng hạn như kinh doanh nhà hàng ăn hay giặt ủi. Điều này đặc biệt thấy rõ tại những khu vực nơi họ tạo thành một nhóm dân thiểu số nhỏ bé. Dù thế, như một quy lệ tổng quát, người Trung Hoa theo đuổi việc mua bán ngay khi thu thập được một số vốn nhỏ. Người đó thường được trợ giúp bởi các bang hội đồng hương, hay bởi hội kín mà người đó tùy thuộc.

Trong thực tế, hầu như khắp nơi tại Đông Nam Á, người Trung Hoa dần dà trở thành tầng lớp chế ngự thương mại. Tại phần lớn địa điểm, họ làm chủ các xưởng thủ công và cửa hiệu bán lẻ, nhưng họ cũng cấu thành một thành phần đáng kể trong các thương nghiệp lớn hoạt động ở địa phương. Theo truyền thống, họ kiểm soát việc xay lúa và bán gạo. Trong nhiều thế hệ, họ làm nghề cho vay nặng lãi, nhưng vai trò của họ trong lĩnh vực đó sau cùng đã bị cắt giảm. Cùng với người Châu Âu, họ đã tham dự vào việc khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú tại xứ sở cư trú, chẳng hạn như cao su, thiếc, gỗ teak, và tất cả hoạt động về xuất-nhập cảng. Ngày một nhiều hơn, họ đã cung cấp cho các kỹ nghệ mới số lao động chuyên môn hóa, và chính vì thế, có khuynh hướng tạo thành căn bản cho một lớp vô sản địa phương. Ở mọi nơi, sự thông minh, chịu khó, khả năng thủ công và sự kiên nhẫn đã giúp họ cạnh tranh và qua mặt những người dân địa phương trong lĩnh vực kinh tế, và đạt được một mức độ ảnh hưởng nào đó, nếu không phải lúc nào cũng là sự giàu có. Sự thành công vật chất này giúp cho họ gửi được các món tiền về quê cho gia đình tại Trung Hoa, và tổng số tiền gửi về nước này đã cải thiện cán cân thanh toán (balance of payments) của Trung Hoa. Trước Thế Chiến II, số tiền gửi về Trung Hoa của họ tổng cộng lên tới hơn 100 triệu đô la Mỹ mỗi năm. Sau cuộc Thế Chiến, các con số này thay đổi từ khoảng 110 đến 140 triệu mỗi năm.

Các cộng đồng Trung Hoa, cấu thành một nhóm chế ngự về mặt kinh tế, được đặc trưng bởi một ý thức liên đới mạnh mẽ và một cảm nghĩ về sự ưu việt đối với dân chúng đia phương, luôn luôn có khuynh hướng tạo thành một tầng lớp xã hội tách biệt khi có đủ nhân số, miễn cưỡng thực hiện nỗ lực để hội nhập. Nhưng người Trung Hoa chỉ trở thành một vấn đề tại Đông Nam Á khi họ khởi sự đến với một số lượng lớn lao vào lúc có sự thực dân hóa của Châu Âu. Trước đó, các di dân đều là những người đàn ông có tham vọng kiếm được một sấp tiền và lập tức quay trở về Trung Hoa. Những kẻ không phát đạt và quyết định ở lại – có nghĩa, đa số — kết hôn với phụ nữ địa phương, nơi mà điều đó được cho phép, và thường hòa nhập vào cộng đồng địa phương trong khoảng ba thế hệ. Họ chắc chắn làm như thế tại các nước theo Phật Giáo chẳng hạn như Thái Lan và Miến Điện. Tại Thái Lan, một chính sách trường kỳ cho sự đồng hóa đã được khởi sự dưới triều đại của Quốc Vương Narai, vào cuối thế kỷ mười bảy. Nhà Vua ban phát tước hiệu và lãnh địa ở đó cho các thương nhân Trung Hoa đến sinh sống tại địa phương. Vào cuối thế hệ thứ ba, các hậu duệ của họ đã mang danh tính Xiêm La. Một chính sách như thế thì khả thi vào lúc mà sự nhập cảnh của người Trung Hoa còn hạn chế. Tại các nước theo Hồi Giáo, dân nhập cư Trung Hoa vẫn duy trì một cộng đồng riêng biệt và kiếm vợ trong số các nhóm không theo Hồi Giáo. Thí dụ, nhiều người Trung Hoa tại Malacca lấy các phụ nữ Bali vốn là nô lệ của họ. Họ giữ tôn giáo, cách ăn mặc và nhiều phong tục của mình, nhưng thay đổi ngôn ngữ. Tại các vùng đất Hồi Giáo này, khi họ vẫn giữ mình là người Trung Hoa, họ có thừa nhận một số lớn các phong tục địa phương. Nhưng khi họ bắt đầu đạt đến số dân đông đảo, như một kết quả của các cơ hội mang đến sau khi vùng Đông Nam Á bị các cường quốc Tây Phương chiếm làm thuộc địa, họ đem vợ theo và khởi sự đặt mình tách biệt ra, như một cộng đồng khép kín, hoàn toàn khác biệt với các cư dân địa phương. Từ nhật kỳ đó có thể truy tìm đến sự khởi đầu của một xã hội đa nguyên, trong đó các cộng đồng cùng sống bên nhau, mỗi cộng đồng có sự tổ chức xã hội và các lối sống riêng của chính mình.

III

Cộng đồng Trung Hoa tại các nước khác nhau này bao gồm nhiều tầng lớp, mỗi tầng lớp tương ứng với một thế hệ khác nhau. Những người Hoa ở đó trong thời gian lâu dài, đã kết hôn với phụ nữ địa phương và sinh ra con cháu, thì phần nào đã bị đồng hóa; dù thế, ảnh hưởng Trung Hoa vẫn còn là yếu tố mạnh nhất trong sự cấu thành của họ; đến nỗi văn hóa truyền thống vẫn được duy trì, có lẽ còn nhiều hơn là ngay trong nước Trung Hoa. Hậu duệ của các cuộc hôn phối hợp chủng, ngay dù họ đang ở trong tiến trình đồng hóa, có khuynh hướng cảm thấy mình ưu việt hơn dân chúng địa phương.

Tại Thái Lan, sự đồng hóa người Trung Hoa xem ra có vẻ trọn vẹn hơn bất kỳ nơi nào khác, ít nhất là đối với thế hệ lớn hơn. Thế hệ kế tiếp, đã kết hôn với các thành viên đồng loại của cộng đồng Trung Hoa, không hoàn toàn bị đồng hóa và đã tiếp nhận một nền giáo dục Trung Hoa. Ngược lại, các thế hệ Trung Hoa trẻ nhất – những người đã sinh ra sau cuộc chiến – có khuynh hướng trở nên “xiêm hóa: siamized” tại Thái Lan, bởi chính quyền Thái Lan đã theo đuổi một chính sách trường kỳ nhằm giới hạn tầm mức và sự quan trọng của giáo dục bằng tiếng Hoa. Người Trung Hoa sinh tại Thái Lan nói chung có khả năng hoán đổi giữa tiếng Thái và tiếng Hoa với nhau, và về mặt thể chất, trông rất giống với người Thái. Mặc dù có hiện hữu một số lượng nào đó các tổ chức năng động trong cộng đồng Trung Hoa, vốn rất ý thức về bản chất đặc biệt của nó, cộng đồng không có cách nào tách biệt một cách nghiêm ngặt ra khỏi dân chúng Thái mà họ cùng cư ngụ. Người Trung Hoa tại Thái Lan được kết hợp một cách tốt đẹp vào các nhóm kinh tế, và có sự liên lạc chặt chẽ với người Thái trong rất nhiều hoạt động. Chính vì thế, vấn đề Trung Hoa ở đó trên hết là một vấn đề có tính cách chính trị. Câu hỏi vẫn còn chờ được trả lời là liệu người Trung Hoa sẽ vẫn còn cách biệt đến mức độ nào về mặt văn hóa hay sẽ trở nên đồng hóa, và liệu họ sẽ tiếp tục hành động như một nhóm liên kết về chính trị, có nghĩa với một con mắt liếc nhìn đến các quyền lợi chính trị của Trung Hoa, hay liệu họ dành chỗ danh dự cho các quyền lợi địa phương của họ. Trong trường kỳ, sự đồng hóa tùy thuộc vào ba yếu tố: sự du nhập các di dân mới (giờ đây đã bị đình chỉ), chính sách do chính phủ Trung Quốc theo đuổi và thực hiện, và chính sách do chính quyền Thái Lan theo đuổi và thực hiện.

Tại Philippines, người Trung Hoa đã đồng hóa về mặt chủng tộc và văn hóa với cư dân địa phương một cách chặt chẽ hơn bất kỳ cộng đồng nào khác ở Đông Nam Á, ngoại trừ ở Thái Lan. Họ thường kết hôn liên chủng với các phụ nữ Philippines theo đạo Công Giáo, và con cái của họ được nuôi dưỡng trong tín ngưỡng Công Giáo và được xem là những người Philippines thuộc giai cấp trung lưu và thượng lưu. Dù thế, trong những năm gần đây, nhịp điệu đồng hóa đã chậm lại bởi có nhiều cuộc kết hôn với phụ nữ Trung Hoa hơn, và một cảm nghĩ lên cao về chủ nghĩa dân tộc Trung Hoa. Bất kể mức độ đồng hóa sâu đậm này, người Trung Hoa vẫn luôn là đối tượng của một số sự bất mãn từ phía người Philippines bởi vai trò kinh tế chủ chốt của họ.

Tại Indonesia, trái với các nước nêu trên, không có chính sách hòa nhập. Từ năm 1958 cho đến 1960, sự căng thẳng giữa hai cộng đồng được bồi đắp, và họ thường đụng độ với nhau. Chính quyền Indonesia đã cố gắng phá hủy sự kiểm soát của người Hoa trong ngành bán lẻ, khiến cho một số người phải quay trở về Trung Hoa. Hơn nữa, giới trẻ Trung Hoa trở nên dễ dàng tiếp thụ nhiều hơn sự tán dương dân tộc của Trung Hoa Bắc Kinh [Peking China (?), trong nguyên bản, chú của người dịch]. Phản ứng tiếp theo sau cuộc đảo chính bất thành tại Indonesia hồi năm 1965, với sự truất phế Sukarno và việc đập tan đảng cộng sản, được đi kèm bằng các biện pháp thù nghịch nhắm vào cộng đồng người Hoa tại Indonesia, cũng như bởi tình trạng suy đồi trong quan hệ giữa Indonesia và Trung Hoa cộng sản.

Tại Mã Lai, cộng đồng Trung Hoa khó có thể được xem là một nhóm thiểu số, với dân số lớn lao của nó. Nhưng bị tách biệt từ lâu với dân chúng Mã Lai về mặt chủng tộc, ngôn ngữ và tôn giáo, cộng đồng người Hoa nhìn thấy hố ngăn cách giữ họ càng mở rộng hơn kể từ khi có cuộc nổi dậy của cộng sản, hầu như chỉ gồm những người Trung Hoa. Chính quyền Anh Quốc có khuynh hướng khơi rộng khoảng cách hơn nữa do thái độ xem người Mã Lai là đồng minh và cộng đồng người Hoa nói chung như kẻ thù – một tình trạng rất có thể thoái hóa trở thành một cuộc nội chiến toàn diện. Tuy nhiên, sau Thế chiến II, sự tạo lập Liên Bang Mã Lai có chiều hướng làm giảm bớt tầm quan trọng tương đối của cộng đồng người Hoa bằng cách bao gồm họ vào một đơn vị chính trị rộng rãi hơn. Sự cắt rời của Singapore ra khỏi Mã Lai trong năm 1965 có một hậu quả nghịch lý cả trong việc giảm bớt thành phần người Hoa tại Mã Lai và trong cùng lúc, lại tạo lập ra một quốc gia mới có kích thước nhỏ bé nhưng hầu như chỉ toàn người Hoa, nơi trái tim của Đông Nam Á.

Tại Miến Điện, vấn đề thiểu số người Hoa thì khác biệt. Bất kể đến một lối sống, một ngôn ngữ và các phong tục khác biệt với người dân Miến Điện, người Trung Hoa được nhìn một cách thuận lợi hơn so với người Ấn Độ, những người tạo thành một cộng đồng quan trọng. Người Miến Điện trải qua các cuộc hôn phối hợp chủng với người Trung Hoa và cảm thấy ít sự căng thẳng về chủng tộc trong quan hệ của họ với người Hoa hơn là so với người Ấn Độ. Với một người Miến Điện bình thường, người Hoa là một loại anh chị em họ xa. Mặc dù người Hoa là đối thủ cạnh tranh với người Miến Điện trong kinh doanh, họ cũng cùng phải đối đầu với ưu thế của người Ấn Độ trong một số hoạt động thương mại nào đó. Tuy nhiên, trong vài năm qua, khi một cuộc nhập cảnh người Hoa bất hợp pháp trên quy mô lớn xảy ra, thái độ của Miến Điện đã trở nên ít thông cảm hơn so với quá khứ. Một làn sóng liên tục các di dân Trung Hoa từ miền Nam Trung Hoa đổ vào Miến Điện, nơi nó được hấp thụ bởi cộng đồng người Hoa địa phương. Nhà chức trách Miến Điện tiếp tục thực hiện bắt giữ và trục xuất, nhưng nhập lượng vượt quá xuất lượng. Tình trạng này nung nấu trong người Miến Điện một cảm giác lo sợ, phát sinh từ việc chính quyền Trung Hoa đã không làm gì để làm nản chí trào lượng dân nhập cảnh. Cuộc cách mạng văn hóa tại Trung Hoa cũng để lại âm hưởng trong giới trẻ người Hoa tại Miến Điện, và đã gây ra sự bất ổn trong cộng đồng dẫn đến các cuộc đụng độ bạo động với dân chúng địa phương.

Tại Đông Dương thuộc Pháp trước đây, nỗ lực đồng hóa các cộng đồng Trung Hoa mang một hình thức khác biệt tại hai nước nơi có dân số người Hoa đông nhất. Tại Campuchia, và bất kể sự kiểm soát của họ trong đời sống kinh tế dẫn đến các biện pháp hạn chế từ phía chính quyền, người Hoa thụ hưởng một thành kiến xã hội có lợi cho họ. Con em của các cuộc kết hôn hợp chủng gốc Hoa (vốn thường) được xem trọng hơn trẻ em lai Âu Á (con em của các cuộc kết hôn Pháp – Campuchia). Tại Nam Việt Nam, trong thời kỳ Pháp thuộc, người Hoa, được tổ chức một cách chặt chẽ, như trong thực tế tại mọi nước thuộc Đông Dương, nằm trong khuôn khổ các “Bang Hội” (mà trong năm 1948, được thay thế bởi Liên Hội Quản Trị Người Hoa Trong Vùng: Administrative Groupings of Regional Chinese) thụ hưởng quy chế đặc quyền dành cho ngoại kiều. Các cuộc kết hôn hợp chủng, là điều thường xảy ra, sinh ra lớp hậu duệ được gọi là “Minh hương” [sic]. Nhưng trong năm 1956, chính quyền Nam Việt Nam, áp dụng quy tắc quốc tịch do nơi sinh quyết định (jus soli), đưa ra các biện pháp nghiêm khắc gây phương hại đến người Hoa, bắt nhập tịch tất cả những người Hoa sinh ra tại Việt Nam, và đồng thời ngăn cấm ngoại kiều được làm việc trong một loạt các hoạt động chuyên nghiệp. Như một hậu quả tức thời, các biện pháp này đã khiến nhiều người Trung Hoa sinh ra tại Trung Hoa và cư trú tại Việt Nam muốn trở thành những người Việt Nam nhập tịch. Một cách chính thức, không còn vấn đề người Hoa tại Nam Việt Nam nữa, nhưng đó chỉ là bề mặt còn thực tế thì hoàn toàn khác.

Nói chung, mặc dù các chính quyền địa phương, chỗ này hay chỗ kia, bằng sự cưỡng bách, đã thực hiện một số chính sách hội nhập tiến bộ, nhưng họ vẫn chưa thành công trong việc phá vỡ tính đồng chủng (homogeneity) của các nhóm chủng tộc Trung Hoa.

IV

Bởi sự xuất cảnh thời hiện đại của người Châu Á (trong đó người Ấn Độ và người Trung Hoa là các nhóm đông đảo nhất) trùng hợp với thời kỳ thực dân hóa của Châu Âu, trào lượng có thể được ước định là sụt giảm khi chế độ thực dân đến hồi kết thúc. Bởi chính quyền của các quốc gia mới được độc lập đã nhìn các nhóm thiểu số này không với sự ưu ái. Họ nhìn các nhóm này, thường chính xác, như những kẻ được bảo trợ bởi thực dân Châu Âu, và do đó, như các thực dân hạng nhì, ít nhất trong phạm vi kinh tế. Hoặc giả thái độ thể hiện bởi các thành viên của các nhóm thiểu số đã không dẫn đến việc hòa giải với các chính quyền địa phương. Các nhóm này đã duy trì mạnh mẽ các cá tính của mình, và khi có thể, đã cố duy trì vị thế đặc ưu mà họ đã thụ hưởng trước đây khi núp dưới bóng của thực dân Châu Âu. Điều này giải thích tại sao các chính quyền mới độc lập khắp nơi đã cố gắng giảm bớt vai trò và ảnh hưởng của các nhóm thiểu số này. Trong hai trường hợp cực đoan, các chính sách như thế đã buộc hàng loạt người Ấn Độ phải rời khỏi Miến Điện và các nước mới độc lập ở Đông Châu Phi. Nhưng số phận của các nhóm thiểu số gốc Hoa tại Đông Nam Á nói chung thì khác biệt bởi nhiều lý do.

Các dân thiểu số gốc Hoa ở đó sinh sống tại các xứ sở mà về mặt địa dư, chủng tộc và văn hóa, gần gũi với đất mẹ hơn là các lãnh thổ ở Đông Châu Phi đối với Ấn Độ. (Trường hợp Miến Điện thì đặc biệt: bởi trong khi là nước láng giềng kề sát và tự họ bị lệ thuộc, các di dân Ấn Độ sang Miến Điện xem ra đã được người Anh đưa vào và đối xử như những người có đặc quyền). Vì lý do này, sự việc sẽ dễ dàng hơn cho người Trung Hoa để trở nên hòa nhập tại các nước Đông Nam Á, đặc biệt với khả năng thích ứng xuất sắc của họ. Nhưng chắc chắn sự khác biệt cơ bản giữa người Ấn Độ và các di dân Trung Hoa là thái độ của nước mẹ. Vì các lý do hiển nhiên chẳng hạn như khoảng cách địa dư, sự hiện diện của các vấn đề nội bộ đáng kể, và một thái độ hòa hoãn nói chung, Ấn Độ đã không có khả năng bảo vệ cho người dân của mình tại Châu Phi và ngay cả ở Miến Điện, nơi có đông cư dân Ấn Độ bị trục xuất nhất vào năm 1964. Trung Hoa đã rất khôn khéo để theo đuổi một chính sách rất khác biệt. Ít nhất từ năm 1911, các chính quyền Trung Hoa liên tiếp đã có một sự quan tâm đến số phận người dân của họ tại Đông Nam Á, là những người đã có mối liên kết chặt chẽ với phong trào cách mạng tại Trung Hoa, và duy trì một sự trung thành nền tảng đối với tổ quốc của họ; sợi dây liên kết đã được thắt chặt bởi các khoản tiền do những người Hoa định cư ở hải ngoại thường xuyên gửi về quê. Sự thăng tiến của chế độ cộng sản tại Trung Hoa trùng hợp với sự suy sụp của chính sách thực dân hóa của Châu Âu tại Đông Nam Á, và tượng trưng cho sự tái xuất hiện của một quyền lực thuộc loại lớn nhất mong muốn thủ diễn một lần nữa, và thường mang tính chất xâm lấn khi thủ diễn, vai trò mà nó tin đúng ra là của nó. Sự thay đổi này trong tư thế và sự quan tâm của Trung Hoa không thể nào không đè nặng lên chính quyền của các nước Đông Nam Á và ảnh hưởng đến cách đối xử của họ đối với người dân thuộc nước láng giềng khổng lồ của họ.

Trong một bản báo cáo trình bày trong kỳ họp thứ ba của Đại Hội Lần Thứ Nhất của Đảng Cộng Sản Trung Hoa, Thủ Tướng Chu Ân Lai đã tuyên bố: “Tình hình tại Châu Á đã trải qua một sự thay đổi nền tảng. Dưới ảnh hưởng của thành công của cách mạng Trung Hoa, trình độ ý thức của người dân Châu Á đã được nâng cao đến mức chưa từng có, và các phong trào giải phóng đang phát triển ngày càng mạnh hơn. Sự đoàn kết của nhân dân Trung Hoa với các dân tộc Châu Á chắc chắn sẽ tạo ra một lực lượng hùng mạnh không có đối thủ tại vùng Viễn Đông, sẽ mau chóng thúc đẩy về phía trước bánh xe vĩ đại của Lịch Sử trong phong trào đòi độc lập và giải phóng các dân tộc Châu Á.”

Chính quyền của các nước trong vùng đã sớm nhận thức được ý nghĩa của tuyên bố này, cả trong ngắn và dài hạn, là liệu họ đứng trung lập, giống như các chế độ tại Miến Điện và Campuchia, hay thân Tây Phương như các chính quyền tại Thái Lan và Nam Việt Nam. Các mục tiêu của các nhà lãnh đạo cộng sản Trung Hoa mới tuần tự xuất hiện trước họ giống như các mục tiêu của các triều đại Trung Hoa cổ xưa, tức bành trướng lãnh thổ và bá chủ thế giới. Nhưng trong nhất thời, các chính quyền này, trong khi ý thức về một sự dọa nạt nơi biên cương của họ, có vẻ còn lo ngại hơn nữa sự đe dọa của sự khuynh đảo nội bộ. Đây là một sự dọa nạt trong đó bàn tay của Chính Quyền ở Bắc Kinh có thể, trong trường kỳ, reo rắc nhiều thiệt hại hơn là một cuộc xâm lăng quân sự. Họ hay biết rằng sự khuynh đảo của cộng sản tại phần đất này của thế giới đặc biệt mang tích chất tích cực, và lượng định rằng sự hiện diện của các nhóm thiểu số Trung Hoa, trong tương lai, có thể như đã xảy ra trong quá khứ, được chứng tỏ là hữu dụng qua việc cấu thành một “đội quân Thứ Năm” đáng sợ.

V

Sự nghiên cứu các nhóm thiểu số người Hoa tại Đông Nam Á chính vì thế trình bày một sự quan tâm tích cực vượt quá các giới hạn của vùng này, giống y như mọi điều khác ám chỉ đến Trung Hoa, người khổng lồ của ngày qua và hôm nay, và có lẽ còn lớn hơn nữa trong tương lai. Nhưng các sự kiện hiếm khi có nhiều ý nghĩa trừ khi chúng được soi sáng bởi một sự phân tích quá khứ, và điều này đặc biệt chính xác đối với các nhóm thiểu số Trung Hoa tại Đông Nam Á. Quá khứ, hay ít nhất phần có ý nghĩa của nó, tương ứng với thời kỳ thực dân hóa của Châu Âu, bởi chính trong kỷ nguyên đó mà hiện tượng xuất cảnh người Trung Hoa đã phát triển và cung cấp nền tảng cho các vấn đề của ngày hôm nay.

Trong số các thuộc địa Trung Hoa tại Đông Nam Á, thuộc địa tại Việt Nam dưới sự thống trị của người Pháp mang lại một sự quan tâm đặc biệt. Về mặt hành chính, người Pháp đã phân chia Việt Nam thành ba xứ sở hay tỉnh: Nam Kỳ (Cochinchina), Trung Kỳ (An Nam) và Bắc Kỳ (Tong King), tương ứng với sự phân chia cổ truyền của Việt Nam thành ba “Kỳ” (Nam Kỳ, Trung Kỳ, Bắc Kỳ). Việt Nam đã là đấu trường của một trong những cuộc tranh chấp kéo dài và dữ dội nhất trong thế kỷ của chúng ta. Nó cũng bao gồm nước duy nhất trong vùng, Việt Nam, đã trở thành cộng sản sau một cuộc chiến tranh chống thực dân và giành độc lập. Về mặt địa dư, nó cùng với Miến Điện, là vùng gần cận nhất với Trung Hoa, và là nước duy nhất tại Đông Nam Á có nền văn minh Trung Hoa, một nước mà bình thường sẽ là mục tiêu đầu tiên cho bất kỳ sự bành trướng sau rốt từ phía Trung Hoa.

Bởi thế, một nghiên cứu về lịch sử và các hình thái nhập cảnh của người Hoa vào Việt Nam trở nên thiết yếu cho một sự hiểu biết các vấn đề ngày nay, bởi nó có một âm hưởng trên dân chúng địa phương trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, và chính trị, và đã có các hậu quả nặng nề cho cả nước thực dân, Pháp quốc, và cho nước mẹ của người di dân, Trung Hoa.

Nghiên cứu này vì thế đề nghị đặt các vấn đề về các nhóm thiểu số Trung Hoa tại Đông Nam Á, và đặc biệt tại Việt Nam, trong bối cảnh chính trị, kinh tế, xã hội ngày nay qua việc phân tích lịch sử, dân số, các định chế và vai trò kinh tế của cộng đồng người Hoa tại Việt Nam trong thời kỳ chiếm đóng của Pháp. Mục đích của nghiên cứu nhằm soi sang thời cận-quá-khứ (near-past) cũng như nhằm cung cấp các tin tức ảnh hưởng đến hiện tại và ngay cả tương lai của vùng Đông Nam Á.

*****

KẾT LUẬN

Sau khi chiến tranh Việt Nam đã đi qua và khi chế độ thực dân Pháp đi đến hồi kết, cộng đồng người Hoa tại đó tự thấy mình lâm vào một tình trạng khó khăn, giống như các cộng đồng người Hoa khác tại Đông Nam Á, đối diện với các chính quyền dân tộc chủ nghĩa non trẻ. Các chính quyền này, lo lắng về việc xác quyết nền độc lập mới tìm thấy của mình và muốn giải thoát chính mình ra khỏi các hậu quả của chủ nghĩa thực dân, không thể làm gì hơn là bày tỏ sự nghi ngờ đối với các cộng đồng người Trung Hoa, các cộng đồng mà sự phát triển và thịnh vượng phần lớn được ràng buộc với chính sách thực dân của Châu Âu. Sự đồng hóa hoàn toàn giữa hai nhóm nằm ngoài vấn đề. Người Trung Hoa, mặc dù đông đảo – nhiều đến mức chưa bao giờ số người Châu Âu đạt đến – không bao giờ tự mình can dự đến chính trị địa phương, ngay dù khi họ chia sẻ mối tương đồng về chủng tộc và văn hóa với dân chúng địa phương, như ở Việt Nam. Sự gần cận trực tiếp với đất mẹ, Trung Hoa, và quyền lực mới thụ tạo được của Trung Hoa cũng ngăn cản các chính quyền địa phương, bất kể đến màu sắc của họ, cảm thấy hoàn toàn thoải mái với các cộng đồng người Hoa.

Chúng ta đã nhìn thấy trước đây quá trình mà vị thế kiểm soát của các cộng đồng người Hoa trong nền kinh tế Việt Nam đã bị giảm thiểu đến một mức độ nào đó trong những năm sau cùng của chính sách thực dân. Với sự độc lập, vị thế và vai trò của người Trung Hoa tại Việt Nam đã trải qua các sự biến đổi nhiều phần sâu xa hơn.

Khi lãnh thổ Việt Nam bị chia cắt, năm 1954, vài ngàn người Trung Hoa, theo bước một số lượng lớn giáo dân Công Giáo, bỏ miền Bắc chạy xuống miền Nam. Họ chưa bao giờ đạt tới một dân số thật đông, ngay từ đầu, và sự xuất hiện của một chế độ cộng sản làm vị thế của họ như một nhóm thiểu số ngoại kiều chuyên về thương mại có phần trở nên gay go. Số Hoa Kiều Hải Ngoại ở lại miền Bắc không đáng kể. Ở miền Nam thì ngược lại: người Hoa luôn luôn đông hơn và dân số của họ đã gia tăng trong những năm cuối của chế độ thực dân, đặc biệt tại Nam Kỳ. Chính quyền Nam Việt Nam của ông Ngô Đình Diệm, nhượng bộ trước các áp lực mang tính chất dân tộc chủ nghĩa, đã cố gắng giảm bớt vấn đề người Hoa trong xứ sở bằng sự cưỡng bách. Một đạo dụ ngày 21 tháng Năm, 1956 đã áp đặt quốc tịch Việt Nam lên tất cả những người Trung Hoa sinh ra tại Việt Nam. Ngoài ra, áp lực còn được nới rộng đến cả những người Trung Hoa sinh ra tại Trung Hoa trở thành dân nhập tịch. Một nghị định khác vào ngày 6 tháng Chín, 1956, được thảo ra để tăng cường cho các biện pháp áp đặt bởi các văn kiện trước đó, ngăn cấm các ngoại kiều không được hoạt động trong mười một ngành nghề chuyên môn.1 Các ngoại kiều được dành cho sáu tháng trong bảy ngành đầu tiên, và một năm trong các ngành kia, để chấm dứt các hoạt động của mình. Cho đến mức mà người Hoa quan tâm, biện pháp thứ nhì ít hà khắc hơn khi mới thoạt nghe thấy, bởi nhiều người trong họ được sinh ra tại Việt Nam. Những người khác đã kết hôn với phụ nữ Việt Nam và do đó có thể tiếp tục hành nghề hay kinh doanh dưới danh nghĩa người vợ.

Như một hậu quả của các nghị định này, 90% người Hoa đã trở thành người Việt Nam. Chỉ có một thiểu số những người già giữ lại quy chế của họ như các ngoại kiều, và khoảng vài trăm người Hoa đã hồi hương về Đài Loan. Các nỗ lực khác, thường hay gây phiền nhiễu, nhằm Việt Nam hóa người Hoa đồng thời cũng được thực hiện bởi Chính Quyền Nam Việt Nam. Nổi bật trong số các nỗ lực này là chính sách giới hạn số trường học của người Hoa tại Chợ Lớn, giới hạn số giờ học tiếng Hoa, được xem là một ngoại ngữ, bắt buộc học sinh phải mặc y phục Việt Nam, và bắt buộc tất cả các chủ cửa hiệu phải dựng bảng hiệu bằng chữ La Tinh thay vì Hán tự. Sự kiểm duyệt nghiêm ngặt cũng được áp dụng đối với sách và các bài viết cung cấp thông tin về Trung Hoa lục địa.2 Các biện pháp này đương nhiên khơi dậy các phản ứng gay gắt về phía người Trung Hoa, họ còn đi xa đến mức tẩy chay một số hoạt động thương mại nào đó, chẳng hạn như xuất cảng gạo, vốn là một nguồn cung ứng quan trọng về ngoại tệ cho đất nước. Hành động này gây ra một sự suy thoái thương mại nghiêm trọng cho Nam Việt nam. Ít năm sau đó, vào ngày 10 tháng Sáu năm 1960, khi muốn ngăn cản người Hoa hơn nữa, chính quyền Nam Việt Nam đã quyết định cho giải tán các Bang Hội và thanh lý tài sản của họ. Khi làm thế, chính quyền đã gặp phải sự chống đối rất mạnh mẽ, không chỉ từ những người Hoa trong Chợ Lớn mà còn từ chính quyền Trung Hoa Dân Quốc tại Đài Loan, đến nỗi phải thay đổi quyết định của mình và bằng lòng với việc cho phép các Bang Hội được điều hành bởi các ủy ban gồm những người Hoa, được trợ giúp bởi các kiểm toán viên Việt Nam. Thái độ không tin tưởng được nuôi dưỡng bởi chính quyền ở Sài Gòn đối với các công dân mới của nó, các cựu dân Trung Hoa, còn được biểu lộ rõ hơn trong sự theo dõi cảnh sát nghiêm ngặt, theo đó họ phải chịu sự kiểm soát của Cục Hoa Kiều. Viện cớ nhỏ nhặt nhất, chính quyền đã giải tán các hội Trung Hoa chuyên nghiệp vốn đã tìm cách tồn tại.

Tất cả các biện pháp này đã gây bất mãn sâu xa nơi cộng đồng người Hoa tại Nam Việt Nam. Sự ban phát độc đoán quốc tịch Nam Việt Nam đã không thỏa mãn người Hoa địa phương, bởi họ giả định, và với sự hợp lý, rằng họ sẽ tiếp tục là đối tượng của sự nghi ngờ của chính quyền. Tệ hơn nữa, quốc tịch mà họ thụ nhận được đe dọa biến con của họ phải chịu chế độ quân dịch, vào lúc khi mà sự xáo trộn một lần nữa lại khởi sự tại Nam Việt Nam, sau một thời khoảng hòa bình ngắn ngủi. Chính người Việt Nam cũng không hài lòng với các biện pháp này. Trong mắt họ, vấn đề sinh tử của sự thống trị của Trung Hoa trên nền kinh tế Việt Nam đã không giải quyết được bằng sự nhập tịch cưỡng bách các ngoại kiều không có ý định trở nên hòa nhập.

Tuy thế, các biện pháp được đưa ra tại Nam Việt Nam không phảỉ là khác thường. Một vài nước khác tại Đông Nam Á, chẳng hạn như Indonesia, Philippines, và Thái Lan đều nỗ lực tương tự để giảm thiểu tầm quan trọng về kinh tế của các cộng đồng người Hoa trên đất nước họ.(3)

II

Ở mọi nơi tại Đông Nam Á, sự chấm dứt chế độ thực dân Châu Âu vì thế đánh dấu sự khởi đầu của một thời kỳ khó khăn cho các cộng đồng người Hoa sinh sống trong vùng. Cũng giống như trong thời thuộc địa, chính sách mà các nước mới được độc lập theo đuổi cũng biến đổi liên quan đến người Hoa, tùy thuộc vào các yếu tố khác nhau, chẳng hạn như kích thước của cộng đồng, mức độ đồng hóa của họ, vai trò kinh tế của họ cũng như bản chất của mối quan hệ hiện hữu giữa các chính phủ của các nước này với Trung Hoa.

Các cộng đồng người Hoa tại khắp các nước Đông Nam Á biểu lộ nhiều tính chất chung. Ví dụ, các di dân trải khắp vùng thì hầu như chỉ đến từ ba tỉnh miền Nam Trung Hoa: Quảng Đông, Phúc Kiến và Quảng Tây, và đặc biệt từ hai tỉnh trên. Cùng lúc, họ đã phát triển các đặc tính hòa điệu với các đường nét khác biệt của từng nước đón nhận. Trong khía cạnh này, Việt Nam, vốn bị chinh phục bởi Pháp và trở thành một phần của Đông Dương thuộc Pháp, dành cho các di dân Trung Hoa một số điều kiện đặc biệt và ưu đãi khác thường. Trước tiên, những người mới tới tìm thấy ở Việt Nam một văn hóa Phật Giáo tương tự như của chính họ. Nhưng trong khi phần lớn các nước Phật Giáo của Đông Nam Á tuân theo nghi lễ Tiểu Thừa (Hinayana), chỉ một nước trong số đó, Việt Nam, đi theo nghi lễ Đại Thừa (Mahayana), giống y như tông phái được thực hành tại Trung Hoa. Sự hành đạo của phái này là do Việt Nam đã bị Trung Hoa chinh phục và cai trị trong suốt một nghìn năm, và mặc dù Trung Hoa, từ thế kỷ thứ X trở đi, đã thực sự từ bỏ ý đồ chinh phục (một phần là vì có sự kháng cự kiên cường của dân chúng), Việt Nam dù thế vẫn mang dấu vết không thể gột tẩy bởi các tập quán của nước láng giềng hùng mạnh. Ngoài phái Phật Giáo Đại Thừa, Trung Hoa cũng để lại đằng sau các vết tích của Khổng học và Đạo Giáo, tục thờ cúng tổ tiên, tầng lớp Quan Lại, và hệ thống tư pháp Trung Hoa. Ngay sau khi dứt bỏ ách thống trị của Trung Hoa, Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì các quan hệ của chế độ chư hầu với Trung Quốc (Middle Kingdom). Không có địa điểm nào khác mà uy thế và ảnh hưởng của Trung Hoa, cả về định chế lẫn con người, lại mạnh mẽ cho bằng ở Việt Nam. Vì thế, không có gì đáng ngạc nhiên khi với sự hiện hữu của nhiều tình huống tương tự, các di dân Trung Hoa đặc biệt bị lôi cuốn bởi một nước mà họ dễ dàng tự thích ứng. Sự xuất hiện của họ cũng gặp thuận lợi nhờ sự gần cận về địa dư, khiến cho bán đảo Đông Dương thành nơi ẩn náu tự nhiên của những kẻ lưu vong hay ngoài vòng pháp luật từ Trung Hoa, chẳng hạn như các đồng đảng của triều đình nhà Minh đã sụp đổ. Chính cùng những kẻ lưu vong này đã khởi sự khai thác Nam Kỳ, vùng đất vì thế đã thu hút tỷ lệ đông đảo nhất các di dân trên toàn thể bán đảo.

Ngay trước thời thực dân Pháp, vì thế, đã có một truyền thống nhập cảnh của Trung Hoa vào Việt Nam, mặc dù hạn chế và gây hậu quả tương đối nhỏ. Với chế độ thực dân, giống như các nơi khác tại Đông Nam Á, sự nhập cảnh người Hoa đã gia tăng một cách đáng kể. Tuy thế, nó chưa bao giờ có tầm mức to lớn mà nó đã đạt được ở các miền khác, chẳng hạn như ở Mã Lai, nơi mà dân số Trung Hoa đạt được tới tỷ lệ đại diện 40% tổng số dân cư. Vào lúc kết thúc thời Pháp thuộc, tỷ lệ người Hoa tại Đông Dương là 4% tổng số dân cư, và 8% ở Nam Việt Nam. Có vài lý do đưa đến tỷ lệ thấp hơn của người Hoa tại Việt Nam so với các nước Đông Nam Á khác, và đặc biệt tại Mã Lai.

Một mặt, sự cạnh tranh về phía dân bản xứ thì mạnh mẽ hơn nhiều tại Việt Nam, so với các nước khác trong vùng. Việt Nam, về mặt nguồn gốc và văn hóa tương tự như người Trung Hoa, được cư trú bởi một dân tộc cần cù, và người Trung Hoa thường ưa thích nhập cảnh vào các nước trong vùng nơi có các cư dân ít năng động hơn họ, bất luận vì khí hậu hay các lý do khác. Sự phân bố của họ tại Việt Nam chứng minh điểm này: số di dân Trung Hoa gia tăng càng nhiều khi họ càng lùi xa khỏi biên giới Trung Hoa. Người Hoa tập trung đông nhất tại miền Nam của bán đảo, tại Nam Kỳ và Campuchia. Các di dân thường nhắm đến các thị trấn, nơi có nhiều cơ hội làm việc trong ngành mậu dịch hay trong các ngành khác hơn. Không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nơi khác của Đông Nam Á, các Hoa Kiều Hải Ngoại chính vì thế đã góp phần lớn lao cho tiến trình đô thị hóa. Nơi họ không thực sự tạo lập ra các thành phố mới với dân số Trung Hoa áp đảo, chẳng hạn như Chợ Lớn hay Singapore, họ đã khống chế một số lớn các thị trấn ở các nơi khác, và việc sử dụng các bảng hiệu và bảng quảng cáo các sản phẩm có nguồn gốc Trung Hoa đã mang lại cho chúng một bộ mặt Trung Hoa.

Trong trường kỳ, số dân định cư Trung Hoa tại Việt Nam thời Pháp thuộc thường xuyên gia tăng, mặc dù trong đoản kỳ, đã có những sự trồi sụt rõ nét xảy ra bởi các tình huống ngoại lai, chẳng hạn như tình hình chính trị tại Trung Hoa, và cuộc khủng hoảng kinh tế quốc tế năm 1929. Bởi có các tình trạng khó khăn tại Trung Hoa trong Thế Chiến II, số di dân mới đã gia tăng, và bởi có chiến tranh chống Pháp tại Đông Dương, đặc biệt dữ dội tại miền Bắc, xứ Bắc Kỳ, người Hoa đã tập trung xa hơn nữa về phía nam, tại Nam Kỳ và Campuchia.

Lý do tổng quát thứ nhì cho việc tại sao có ít người di dân Trung Hoa tại Việt Nam và tại Đông Dương nói chung so với Mã Lai bắt nguồn từ thái độ mơ hồ được duy trì bởi thực dân Pháp đối với họ. Lập trường mơ hồ này được xác định bởi các sự cứu xét về chính sách ngoại giao. Việt Nam do Pháp đô hộ thì kề cận bên Trung Hoa. Công cuộc chinh phục của Pháp tại bán đảo Đông Dương, và đặc biệt vùng Bắc Kỳ, đã được thực hiện phần lớn với cái nhìn nhắm vào việc xâm nhập thị trường Trung Hoa từ phía nam. Một cách mỉa mai là mục tiêu của Pháp đã thất bại, và rằng, hoàn toàn ngược lại, sự hiện diện của Pháp đã thúc đẩy người Hoa nhập cảnh vào trong khu vực. Nhưng sự chinh phục của Pháp đã gây ra sự đụng chạm với chính quyền Trung Hoa, khi Hoàng Đế Việt Nam đưa ra sự tuyên xác về quyền bá chủ truyền thống của Trung Hoa, và chiến tranh đã bùng nổ giữa hai cường quốc. Sau này, tính chất dai dẳng thường trực của nạn hải tặc tại Bắc Kỳ đã góp phần vào sự ngờ vực ngày càng nhiều hơn từ phía các giới chức thẩm quyền Pháp đối với các di dân Trung Hoa, vì phần lớn hải tặc Trung Hoa đều có gốc là lính không chính quy của Trung Hoa. Khi, từng bước một, vấn đề hải tặc đã được dập tắt, một vấn đề mới lại bắt đầu phát triển trong những năm đầu tiên của thế kỷ thứ XX, tức phong trào cách mạng chống nhà Mãn Châu. Chúng ta đã ghi nhận là các viên chức Pháp thấy mình ở vào một vị thế bối rối ra sao đối với chính quyền Trung Hoa hợp pháp khi các nhà cách mạng đã tìm chỗ ẩn náu tại Việt Nam và tìm thấy trong các cộng đồng người Hoa sự trợ giúp nhiệt thành, cả về tinh thần lẫn vật chất. Câu chuyện liên can đến ông Tôn Dật Tiên (Sun Yat-sen) có tính chất tiêu biểu. Lịch sử của Trung Hoa giữa cuộc cách mạng 1910 và sự chiến thắng của cộng sản thì đặc biệt rối rắm, và nỗi lo sợ của nước Pháp rằng tình trạng đột biến này có thể tác động lên các cộng đồng người Hoa tại Việt Nam là hoàn toàn chính đáng. Điều này đặc biệt đúng khi, sau cuộc Cách Mạng, các chính phủ Trung Hoa bắt đầu biểu lộ một sự quan tâm hiển nhiên đến các công dân của họ tại Đông Nam Á, những người có tầm quan trọng mà các chính phủ đã bắt đầu nhận thức được. Sự quan tâm mới nhận ra này sẽ là căn bản cho các Thỏa Hiệp Nam Kinh, và chứa đựng một vài liên hệ đến sự chiếm đóng phía bắc vĩ tuyến 16 của Việt Nam bởi các lực lượng dân quốc Trung Hoa vào năm 1945. Các Thỏa Ước Trùng Khánh (Chungking Agreements) giữa Trung Hoa và Pháp bao gồm các điều khoản quan trọng liên quan đến quy chế của cộng đồng người Hoa tại Đông Dương. Người Pháp cũng lo sợ không kém sự thông đồng giữa phong trào dân tộc chủ nghĩa đã phát triển tại Việt Nam trong thời kỳ giữa hai cuộc Thế Chiến với cộng đồng Trung Hoa. Hơn nữa, trong thực tế, các di dân người Hoa mang lại cho giới chức thẩm quyền người Pháp ít điều phải lo ngại, ngoại trừ trong một thời gian ngắn hồi năm 1945. Quan tâm sâu xa đến các diễn biến chính trị tại Trung Hoa, các Hoa Kiều Hải Ngoại đã kiềm chế một cách cẩn trọng việc tham dự vào chính trị nội bộ của Việt Nam, trừ khi họ bị bắt buộc phải làm như thế, ví dụ như trong thời chiến tranh chống Pháp, khi họ bị cưỡng bách phải tham dự vào nỗ lực chiến tranh của Việt Minh.

Sự vắng bóng của các trở ngại tổng quát đó, cộng với các đường nét đặc thù của dân chúng địa phương và thái độ của chính quyền thực dân, giải thích lý do tại sao người Trung Hoa lại đông đảo hơn tại Mã Lai so với Việt Nam. Mã Lai thưa dân và giàu có về các tài nguyên tiềm ẩn. Giới chức thực dân người Anh hăng hái khai thác các lãnh địa của họ. Sự hăng hái này đã là một yếu tố quyết định trong việc lôi cuốn sự nhập cảnh của người Hoa, đã không mang lại cho nhà chức trách Anh Quốc cùng các vấn đề như các khó khăn mà người Pháp phải đối diện. Từ đó, người ta có thể suy diễn về ảnh hưởng tương đối nhỏ do yếu tố văn hóa tác động trong việc lôi cuốn các di dân Trung Hoa. Điều này đã được tăng cường nếu ta so sánh Mã Lai với vùng Đông Ấn Độ thuộc Hà Lan, nơi dân cư địa phương tương tự như Mã Lai về chủng tộc và tín ngưỡng, nhưng là nơi mà sự nhập cảnh của người Hoa đã không phát triển với cùng quy mô, bởi nó đã không được cổ vũ bởi nhà chức trách Hà Lan.

III

Để có thể vạch ra một bảng kết toán về sự hiện diện của người Hoa tại Việt Nam dưới thời Pháp thuộc, tình cảnh phải được nhìn từ ba góc độ:

Từ quan điểm người di dân Trung Hoa, sự di chuyển của họ đến vùng đất mới mang đến một lợi ích cụ thể. Tâm lý bất an, bế tắc, nhu cầu, hay khát khao tạo lập sự giàu có, đã thúc ép họ rời bỏ quê hương và hướng đến Đông Nam Á. Trong phần lớn trường hợp, họ đã đạt được sự thành công, hay nếu họ không trở nên giàu có, ít nhất họ cũng cải thiện được số phận của mình, bởi mặc dù sự xuất cảnh mang trong mình một yếu tố bất trắc, nó cũng tạo ra một sự thách đố và kích thích, như sử gia Arnold Toynbee đã nêu ra. Di dân người Hoa tìm thấy ở Đông Nam Á những yếu tố thuận lợi cho sự phát triển các khả năng tự nhiên của mình và rất nhiều khả tính cho việc khai thác các tài nguyên còn tiềm ẩn. Người di dân cũng được lợi bởi dân số địa phương thưa thớt và năng lực kém hơn họ, an ninh (nếu không phải là sự bảo vệ trực tiếp) được bảo đảm bởi quyền lực thực dân. Chính vì thế, sự thách đố có thể được chấp nhận một cách dễ dàng, đặc biệt khi văn hóa địa phương tương tự như văn hóa của Trung Hoa, như tại Việt Nam, hơn bất cứ nơi nào khác tại Đông Nam Á.

Đối với thực dân Pháp – ngoài rủi ro của sự rắc rối ngoại giao với một nước Trung Hoa còn lâu mới đáng sợ như trong phần lớn thời gian – sự nhập cảnh người Hoa vào Việt Nam có nhiều điều thuận lợi hơn là bất tiện.(5) Những người Trung Hoa cần cù, chịu khó đã góp phần vào sự khai thác các tài nguyên trong khu vực nơi mà dân chúng bản xứ nói chung bị thực dân Châu Âu coi là lười nhác, mặc dù thái độ này không phải lúc nào cũng đúng. Các di dân Trung Hoa không xen lấn vào chính trị địa phương, bởi họ giới hạn các hoạt động vào cộng đồng riêng của họ, hay nếu có, đến chính trị nội bộ của tổ quốc của họ, Trung Hoa. Họ đã không tạo thành một vấn đề cho các giới chức thẩm quyền thực dân, và bởi họ là ngoại kiều, các giới chức thẩm quyền không phải lo âu về đời sống, giáo dục và phong tục của họ, như vẫn được trông chờ ở chính quyền thực dân khi có liên quan đến dân chúng địa phương. Cũng rất thuận tiện cho giới chức thẩm quyền thực dân khi có thể nhìn các di dân Trung Hoa như khách lai vãng không có gốc rễ, dù họ đã sinh sống trong xứ sở qua vài thế hệ. Hậu quả là, Chính Quyền Pháp hầu như không quan tâm đến họ trong trường kỳ.(6)

Dân chúng địa phương nhìn sự nhập cảnh người Hoa với ít sự tán thành. Bằng việc kết hôn liên chủng, các di dân Trung Hoa đã góp phần, trong một chừng mực nào đó, vào việc cải thiện nòi giống di truyền. Trái với thành kiến dai dẳng, khoa học ngày nay đã thừa nhận rằng các cuộc hôn nhân hợp chủng có thể dẫn tới sự phong phú về sinh vật học.7 Tỷ lệ huyết thống Trung Hoa trong dân chúng Việt Nam đáng kể hơn những gì được thoạt nghĩ tới, với sự đồng hóa mau chóng của con cái của các cuộc hôn phối hợp chủng bởi dân chúng địa phương.

Tuy nhiên, sự thực dân kinh tế được thực hành bởi người Hoa, mặc dù ít hiển nhiên và mạnh mẽ như chính sách thực dân của Châu Âu, vẫn có ảnh hưởng không kém sâu xa và lâu dài. Mặc dù người Trung Hoa đã không du nhập các phong cách và tập quán của một thế giới khác, các hành động của họ, trong khi chậm chạp, lại mãnh liệt.

Với bản chất siêng năng và chịu khó, người Trung Hoa đã dễ dàng qua mặt dân chúng địa phương vốn ít năng nổ hơn, và đã tạo được một thòng lọng thực sự trên nền kinh tế của đất nước đón nhận, thường gây thiệt hại cho cư dân nơi đó. Khi chính họ là nông dân, thợ thủ công, hay doanh nhân, các di dân người Hoa, do tiền lệ, đóng vai trò hữu ích. Nhưng khi họ là những trung gian mại bản – một hoạt động mà họ làm rất giỏi – họ bị nhìn như một khối u ăn bám bất lương, đặc biệt trong ngành mua bán gạo, nơi mà họ kiếm lợi trên mọi công đoạn giao dịch. Cũng vậy, như những người cho vay tiền – một vai trò không chỉ dành riêng cho họ — họ bị nhìn như những kẻ cho vay nặng lãi vô lương tâm và tham lam, kẻ đã khai thác sự nghèo đói và thống khổ của tầng lớp nông dân địa phương một cách trắng trợn nhất. Thông thường, người Trung Hoa tham gia vào giai đoạn phân phối nhiều hơn là sản xuất, và nói chung ít biểu lộ sự quan tâm đến việc cải thiện và phát triển sản xuất. Trên hết, họ quan tâm đến việc đầu cơ, kiếm doanh thu và lợi nhuận mau chóng. Họ đã không tạo ra sự thịnh vượng, mà sống dựa vào sức sản xuất của lao động bản xứ, trong khi thủ lợi từ các lợi điểm phát sinh từ chế độ thực dân Pháp, dưới hình thức an ninh gia tăng và phương tiện giao thông tốt hơn. Bén nhạy trong việc khám phá ra các lỗ hổng trong luật lệ và quy định, người Hoa đã không giúp đỡ Việt Nam, nhưng một nước ngoại quốc khác lại được hưởng lợi từ các lợi nhuận dồn về cho họ, bởi họ thường xuyên gửi phần lợi nhuận này về cho gia đình họ tại Trung Hoa. Sự bất bình sau cùng này làm nhức nhối dân địa phương, và luôn luôn được trút đổ xuống dân định cư gốc Trung Hoa. Nhưng các thực dân Châu Âu đã không làm y như vậy hay sao?

Gộp chung, người dân địa phương nhìn các di dân Trung Hoa với các cảm nghĩ lẫn lộn, bao gồm chút ghen tỵ đối với một kẻ cạnh tranh giàu có hơn, và một chút hiềm thù đối với một chủ nợ tàn nhẫn. Đôi khi bất hòa, dù không thường xuyên, kết thúc trong sự rối loạn hay trong các cuộc sát nhân. Dân chúng địa phương không thực sự nung nấu hận thù đối với người Hoa. Những di dân này sau cùng, thuộc vào như họ đã từng thuộc vào một nền văn minh tương tự, am hiểu người Việt Nam đến nỗi họ tìm cách tự biến mình thành những người cần thiết, và đôi khi được kính mến.

Mọi chế độ thực dân đều khai thác có phần triệt để xứ sở bị lệ thuộc. Sự thực dân kinh tế do các di dân người Hoa thực hiện không phải là ngoại lệ. Trong lịch sử phương Tây, sự phát triển của xã hội kỹ nghệ đã được đánh dấu, nếu không phải được đem lại, bởi sự xuất hiện và phát triển của giai cấp tư sản, trước tiên có tính chất thương mại, sau đó có tính chất công nghiệp. Trong xã hội Tây phương đương thời, ít nhất tại các nước mẫu mực tân tiến nhất, sự trỗi dậy và bành trướng của tầng lớp trung lưu là điều thông thường. Sự bành trướng này của tầng lớp trung lưu có lẽ là một trong những tính chất cốt yếu của các nước đã phát triển.

Đông Nam Á, giống như phần lớn các khu vực kém phát triển ngày nay, có một cơ cấu xã hội cổ truyền được đánh dấu bởi sự hiện diện của một tầng lớp tinh hoa cầm quyền hạn chế, có dòng dõi quý tộc, bên cạnh một khối đông đảo các nông dân. Chính sách thực dân của Châu Âu đã chỉ thay đổi rất ít cơ cấu này tại phần lớn các nước trên thế giới, chỉ phủ lên trên cùng hay thay thế giai cấp quý tộc địa phương bằng các thành viên thực dân của nó. Nhưng tại Đông Nam Á, chính sách thực dân cho phép sự xuất hiện của tầng lớp thương mại, phôi thai của một giai cấp tư sản và một tầng lớp trung lưu, trong khuôn khổ của các cộng đồng người Hoa. Có tình trạng song hành tại một số thuộc địa nơi mà quyền lực thực dân đã thúc đẩy sự nhập cảnh dân thiểu số, ví dụ như sự nhập cảnh của dân Ấn Độ tại miền Nam và miền Đông Châu Phi. Nhưng không có nơi nào mà vai trò này của sự nhập cảnh dân thiểu số lại có nhiều ý nghĩa cho bằng vai trò của người Trung Hoa tại Đông Nam Á. Việc tầng lớp thương mại này bao gồm các ngoại kiều đe dọa gây ra các hậu quả nghiêm trọng cho sự phát triển kinh tế, chính trị và xã hội của các nước Đông Nam Á này. Không chắc – hay có lẽ còn không xảy ra — rằng sự phát triển tại vùng đó sẽ đi theo khuôn mẫu đã thịnh hành tại khối Tây. Nhưng dù nó có khác biệt một cách rõ rệt, sự bành trướng của các tầng lớp trung lưu xem ra không tránh khỏi, như công cụ và cùng một lúc, là kết quả của sự phát triển. Tại Việt Nam, sự phát triển của một giai cấp tư sản thương mại dân tộc, ở tầm mức rộng lớn, đã bị thay thế bởi tầng lớp trí thức, không quan tâm đến các hoạt động kinh tế, hoạt động vốn bị khinh miệt theo truyền thống, và còn bị cản trở hơn nữa bởi thực dân. Một tầng lớp trí thức như thế nhất thiết phải vừa mang tính chất cách mạng và vừa chống lại giới tư bản.8

Tại Đông Nam Á, vai trò của giai cấp tư sản thương mại vì thế được nắm giữ bởi người Hoa, các ngoại kiều ít quan tâm đến sự phát triển chính trị hay xã hội của xứ sở mà họ cư trú, trừ khi quyền lợi kinh tế của chính họ bị đe dọa. Vì thế, điều quan trọng là một giai cấp tư sản phải được phát triển tại các nước này, bên cạnh hay thế các cộng đồng người Hoa. Chính sách thực dân của Châu Âu đã vô tình tạo ra vấn đề này và đã đặt một cái thắng kềm hãm trên một tiến trình tự nhiên của sự tiến hóa.

Vai trò người Hoa tại Đông Nam Á thường được so sánh với vai trò người Do Thái thời Trung Cổ. Vào năm 1914, một tập tiểu luận về người Hoa, nhan đề “Người Do Thái của Phương Đông: The Jews of the East” được ấn hành tại Xiêm La, và còn được gán là của Quốc Vương Rama VI.9 Sự so sánh chỉ có giá trị cục bộ. Chắc chắn, người ta có thể tìm thấy các nét tương đồng trong hai cộng đồng: mạo hiểm, kiên nhẫn, trợ giúp lẫn nhau, cùng các năng lực về thương mại, cùng có các hoạt động cho vay nặng lãi. Nhưng những người Do Thái tại Châu Âu thời Trung Cổ không bao giờ có nhân số đông đảo, hay được an toàn khi theo đuổi các hoạt động như người Hoa tại Đông Nam Á. Họ không có lợi thế thuộc vào một dân tộc, Trung Hoa, nước mặc dù đôi khi bị suy đồi, luôn luôn phải được tính toán đến, nhờ quá khứ lịch sử của nó, với khối lượng nhân sự đông đảo và các khả tính tiềm tàng của nó. Ngày nay, dân tộc đó một lần nữa trở nên hùng mạnh. Các nước Đông Dương thuộc Pháp cũ, nhất là Việt Nam, nằm ở cửa ngõ của nó. Đây là một khu vực ảnh hưởng của Trung Hoa theo truyền thống, và một cuộc tranh chấp đẫm máu, mà nó không thể giữ mãi vẻ dửng dưng, đã tàn phá lãnh thổ của họ từ lâu. Các nỗi lo sợ từ lâu về “họa da vàng” đã được khơi dậy bởi nhiều cuộc đấu tranh nhỏ hơn. Những người lo sợ sự bành trướng của Trung Hoa về phương nam nhằm tìm kiếm tài nguyên, thực phẩm và các thị trường cho dân số khổng lồ của Trung Hoa, có thể nhìn thấy trong các cộng đồng người Hoa một “Đội Quân Thứ Năm” hùng mạnh và tiềm ẩn. Nhưng trong lĩnh vực đó, các trở ngại cụ thể nhiều hơn những gì mà chúng có vẻ hiện ra, khi thoạt nhìn. Trung Hoa đang bận tâm về các vấn đề nội bộ, và nhiều phần sẽ còn bận tâm như thế trong một nhiều năm nữa. Một khoảng thời gian có thể trôi qua trước khi nó có thể nghĩ đến chuyện bành trướng vào vùng Đông Nam Á. Đối với các cộng đồng người Hoa tại các nước này, họ là các đối tượng đáng nghi ngờ hàng đầu về tình cảm thân Trung Hoa, bởi họ duy trì từ lâu một cảm thức trung thành với đất nước nguồn gốc của mình, bất kể chế độ chính trị của nó, và giờ đây đang hãnh diện về uy tín đã giành lại được của nó. Họ cũng bị nghi ngờ vì các khuynh hướng thân cộng sản, bởi các chính quyền ở Đông Nam Á còn nhớ vai trò của các di dân Trung Hoa trong sự nổi dậy của các nhóm cộng sản khác nhau trong khu vực sau Thế Chiến II, chẳng hạn như ở Miến Điện và Philippines. Đáng chú ý, họ nhớ lại “Tình Trạng Khẩn Cấp” tại Mã Lai, trong đó thực sự tất cả quân nổi dậy đều là người Hoa. Trên cả hai trận tuyến, sự tuyên truyền chủ nghĩa dân tộc đã đem lại một chiếc gậy được dùng để quật lại họ. Các cộng đồng người Hoa vì thế ở vào thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu họ từ bỏ lòng trung thành với Bắc Kinh, họ bị bỏ rơi, không có bất kỳ phương tiện nào để phòng vệ chống lại sự bất mãn và trấn áp từ phía dân chúng và chính quyền địa phương, những người đã xem họ như những kẻ bóc lột theo phe tư bản chủ nghĩa. Nếu họ cầu cứu Bắc Kinh, họ tự phơi mình trước mối đe dọa từ phía chính quyền địa phương, và sẽ chẳng có lợi lộc bao nhiêu nếu cộng sản lên nắm chính quyền, bởi họ vẫn còn là cộng đồng chế ngự bởi chủ nghĩa tư bản.10

Trong sự phân tích sau cùng, liệu Cộng Sản Trung Hoa một ngày kia sẽ mang tư tưởng và có khả năng thực hiện một chính sách bành trướng tại Đông Nam Á hay không, phần lớn sẽ tùy thuộc vào mức độ hội nhập của các cộng đồng người Hoa tại các nước cư trú, và vào việc liệu các cộng đồng này khi đó sẽ có thể sử dụng được như một công cụ để phục vụ cho các mục đích của Trung Hoa hay không. Người ta nên ghi nhớ rằng, bất kể lòng hãnh diện về sự trung thành với Trung Hoa, các Hoa Kiều Hải Ngoại thường vẫn duy trì trong khuôn khổ cộng đồng của họ văn hóa và các phong thái Trung Hoa cổ truyền, một Trung Hoa nay không còn hiện hữu tại lục địa. Sẽ có ngày các Hoa Kiều Hải Ngoại khám phá ra rằng trong thực tế họ chỉ có rất ít sự tương đồng với người Trung Hoa trong lục địa. Vì thế, nếu sự hội nhập cần phải có thời gian để trưởng thành, điều này nhiều khả năng sẽ xảy ra tại các nước khác nhau của Đông Nam Á, và khả năng cao xảy ra tại Việt Nam hơn bất kỳ nơi nào khác.

_____

CHÚ THÍCH:

1. Các nghề bị cấm là: a) Hàng cá và hàng thịt; b) Bán lẻ các hàng hóa thường dùng bởi dân chúng địa phương (tạp hóa); c) Mua bán than đá và củi đốt; d) Nhà buôn sỉ các nhiên liệu; e) Nhà buôn sỉ đồ cũ; f) Thương nhân về đồ dệt và lụa; g) Mua bán kim loại phế thải (sắt, đồng thau, và đồng đỏ); h) Mua bán ngũ cốc; i) Vận tải hàng hóa và người bằng xe trên đường bộ, tàu nhỏ hay thuyền buồm; j) Điều hành các nhà máy xát vỏ (tức xay lúa); k) đại lý ăn hoa hồng.

2. M. Fortunel, “Le problème de la collectivité Chinoise au Sud-Vietnam”, (Colloque sur les evolutions récentes de la situation des Chinois hors de Chine, Comptes rendus mensuels des séances de l’Académie des Sciences d’Outre-Mer, tome XIX, trang 481, Paris, December 1959).

3. Chính quyền Campuchia cũng đã quyết định giới hạn các hoạt động kinh tế của người Hoa, và ngay từ năm 1955, đã cấm mười sáu nghề đối với các ngoại kiều nói chung. Các nghề được liệt kê gồm: a) Đại lý quan thuế; b) Đại lý hàng hải và ký thác vận tải; c) Nhân viên cảnh sát và thám tử tư nhân; d) Sở hữu cơ quan tìm việc làm; e) Nhà buôn đồ cũ; f) Nhà buôn vũ khí và đạn dược; g) Sản xuất hay nhà buôn máy phát thanh và các linh kiện lắp ráp; h) Thợ in; i) Thợ hớt tóc đàn ông; j) Hướng dẫn tàu chạy trên sông và biển; k) Thợ kim hoàn hay làm nữ trang; l) Tài xế taxi và vận tải bằng máy; m) Bác sĩ y khoa; n) Mua bán gỗ cây và gỗ xẻ; o) Mua bán ngũ cốc; p) Mua bán muối.

Nhưng ở đây các nghề bị cấm đoán thì ít quan trọng hơn những nghề bị cấm tại Nam Việt Nam. Các nỗ lực đã được thực hiện để phát triển kỹ nghệ tại Campuchia, đáng kể, với viện trợ từ Trung Hoa Cộng Sản. Trung Hoa, trong một tính toán để giữ Campuchia nằm bên ngoài khối Tây, và mong muốn nêu ra một ví dụ về bản chất thân thiện và hợp tác mà nó có thể trưng bày cho một trong các láng giềng nhỏ hơn, đã cung cấp cho Campuchia khoản viện trợ tương đối ít tốn kém. Cộng Sản Trung Hoa đã xây dựng sáu nhà máy tại Campuchia và trợ giúp cho vài dự án có bản chất xã hội và kinh tế. Từ năm 1964, nó cũng cung cấp cho Campuchia viện trợ về quân sự. (Muốn có thêm thông tin về viện trợ của Trung Hoa cho Campuchia, xem: A. G. Marsot, “China‘s aid to Cambodia”, Pacific Affairs, Vancouver, Summer 1969, trang 189). Đó là lý do tại sao chính quyền Campuchia về phần mình đã cố gắng hội nhập người Hoa vào nền kinh tế của đất nước, mà không đặt họ vào một tình trạng khó khăn như họ phải chịu đựng ở Nam Việt Nam. Nhiều cuộc thăm viếng đã được trao đổi giữa Norodom Sihanouk và các nhà lãnh đạo cộng sản Trung Hoa, và những người kể sau, đáng ghi nhận nhất là Chu Ân Lai, đã đi đến mức khuyến cáo các Hoa kiều Hải Ngoại, trong vài lần, hãy kiềm chế việc xen lấn vào chính trị Campuchia và hãy tuân theo luật pháp nhà nước. Liên quan đến vấn đề quốc tịch, thực dân Pháp đã có một khái niệm rất rộng rãi về quốc tịch Trung Hoa, điều mà họ thường áp dụng khi có thể, bởi họ lo lắng về việc đánh thuế tối đa trên người Trung Hoa. Sau khi độc lập, Chính Quyền Campuchia áp dụng tiêu chuẩn ngược lại, sử dụng cả hai nguyên tắc của luật về lãnh thổ sinh quán (jus soli) lẫn luật huyết thống (jus sanguinis) nhằm gia tăng dân số, mặc dù không đi đến các biện pháp cực đoan như được thi hành bởi Nam Việt Nam. Chính vì thế, từ năm 1954, bất kỳ cá nhân nào có nguồn gốc Trung Hoa cũng có thể thụ đắc quốc tịch Campuchia nếu người đó sinh ra tại Campuchia (sau năm 1954), hay có ít nhất một ông hay bà là người Campuchia, hay do sự nhập tịch. (Muốn có thêm chi tiết, xem: W. E. Wilmot, The Chinese in Cambodia, University of British Columbia Press, Vancouver, 1967, trang 79 và các trang kế tiếp.) Mặt khác, bởi chính quyền Campuchia chỉ thừa nhận Trung Hoa Cộng Sản và không thừa nhận Đài Loan, việc này đã giới hạn các khả tính về lòng trung thành trong số những người dân Trung Hoa, những người mà từ năm 1956 phải chịu chi phối của cùng các luật lệ về nhập cảnh như các ngoại kiều khác. Sau cùng, hệ thống các bang hội đã biến mất tại Campuchia trong vòng ít năm ngay sau ngày độc lập.

Tại Lào, không có sự cản trở nào được dựng lên đối với hoạt động của Trung Hoa. Bởi người Trung Hoa chỉ có ít người tại đây, tình trạng của họ chủ yếu vẫn giống như dưới thời thống trị của thực dân.

4. Xem Chương II ở trên, và bài viết của A. G. Marsot, “The Chinese anti-Manchu revolutionaries and the French authorities in Indochina”, Southeast Asia, An International Quarterly, Southern Illinois University, Carbondale, Winter 1972.

5. A. Bouinais và A. Paulus, “L’Indochine Francaise contemporaine”, sách đã dẫn, op. cit, trang 274, chính vì thế mô tả các thái độ hỗ tương của thực dân Pháp và người Trung Hoa định cư tại Việt Nam vào lúc có sự khởi đầu cuộc chinh phục của Pháp, trích dẫn báo cáo của Hội Đồng Thuộc Địa (Rapport du Conseil Colonial), năm 1880, trang 242: “Các nhà mậu dịch Trung Hoa, lo ngại về đời sống và tài sản của họ, đã sửa soạn rời Chợ Lớn để trở về xứ sở nguyên gốc của họ. (Nhưng) họ nhận thức rằng sự thống trị của chúng ta đã bảo đảm cho mọi người sự an toàn: họ đã ở lại toàn bộ (en masse), và những kẻ rời đi đã quay trở lại gần như tức khắc. Ngoài ra, bảo vệ họ chính là việc nằm trong quyền lợi của chúng ta. Đã sẵn định cư trong nước, kiểm soát các trạm mậu dịch chính, dửng dưng trước sự thống trị của bất kỳ nước nào, theo đuổi việc làm giàu của chính mình và sự khai thác tài nguyên, không có sự bận tâm hiển hiện nào có bản chất chính trị hay yêu nước, họ là các công cụ tự nhiên cho sự bắt rễ tại một xứ được chinh phục, nơi mà chúng ta không thể biến cải những người lính bị khuất phục thành các công nhân ngoan ngoãn trong chốc lát”.

6. Tham khảo, Cf. C. P. FitzGerald, The Third China: The Chinese Communities in South-East Asia, Publications Centre, University of British Columbia, Vancouver, 1965, trang 15.

7. La question racial devant la Science Moderne, tiểu luận của UNESCO, Paris, 1951-1954, đặc biệt: J. Comas, Les Mythes raciaux, C]. C. Dunn, Race et Biologie, H. L. Shapiro, Les mélanges de Race.

8. Tham khảo, Cf. J. Buttinger, Vietnam, A Dragon Embattled, sách đã dẫn (op. cit), các trang 196-197 và trang 210

9. K. P. Landon, The Chinese in Thailand (New York, Oxford University Press, 1941, trang 34).

10. Về sự nghiên cứu sâu rộng hơn tình trạng nghịch lý này, xem, A. G. Marsot, “La Chine Populaire et les communautés Chinoises du Sud-Est Asiatique”, Revue Juridique et Politique, Independance et Coopération, Paris, June 1965, trang 179.

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN