Clarke W. Garret
Ngô Bắc dịch
Đế Quốc Pháp không còn nữa; nhưng trong khoảng thời gian tồn tại trong ba thế kỷ, nó đã hai lần đạt tới tầm vóc và tầm quan trọng thứ nhì, chỉ thua một đế quốc khác trên thế giới. Trong suốt quãng đời của Đế Quốc, nước Pháp được cai trị bởi hai triều đại quân chủ, hai nhà độc tài dòng họ Bonaparte, và năm nền cộng hòa. Song trong lịch sử lâu dài và biến đổi của nó, một chủ đề đã được lặp lại nhiều lần: chủ đề “đồng hóa.” Người Pháp chưa bao giờ hoàn toàn chắc chắn về ý nghĩa của nó. Nó khiến chúng ta suy nghĩ về cả điều mà người Pháp gọi là sứ mệnh khai hóa của của họ (mission civilisatrice) — sự truyền bá văn hóa và tôn giáo Pháp tại những vùng đất trên thế giới vì kém may mắn không phải là nước Pháp — lẫn một sự tin tưởng rằng mọi khu vực của thế giới trên đó có lá cờ Pháp tung bay phải là các bộ phận của một quốc gia Pháp với một chính quyền và một khuôn khổ luật pháp duy nhất.
Khía cạnh tôn giáo và văn hóa của chủ trương đồng hóa đã có một lịch sử tương đối liên tục. Sự phát biểu rõ ràng đầu tiên của nó có thể tìm thấy trong các chỉ dụ năm 1635 và 1645 tuyên bố rằng dân bản địa của những lãnh thổ dưới sự kiểm soát của Pháp, một khi đã được cải sang đạo Công Giáo La Mã, sẽ được xem là “các công dân và người Pháp tự nhiên.(1) Trong thực tế, Herbert Luethy, trong cuộc nghiên cứu sưu tầm của ông về quá khứ và hiện tại nước Pháp có nhan đề France Against Herself (Nước Pháp Chống Lại Chính Mình), đã lập luận với nhiều sự hợp lý rằng ý niệm đồng hóa có thể được đẩy lùi ít nhất về thời Trung Cổ, khi mà sắc dân Norman đặc biệt loan truyền văn hóa Pháp sang các nhiều khu vực khác chẳng hạn như Anh Quốc, miền nam Ý Đại Lợi, và vùng Thánh Địa (Holy Land). Trong suốt lịch sử nước Pháp, Luethy viết, đã có “một sự tin tưởng vô cùng trầm tĩnh và ngây thơ nơi tính chất bất khả hủy diệt trong con người và tinh thần của một dân tộc vốn không bao giờ nhắm tới một sự hợp nhất “chủng tộc”, mà đến sự hợp nhất văn hóa có khả năng đồng hóa mọi thành phần của nền văn minh nhân loại.” (2) Và bởi người Pháp đã có sự tự tín văn hóa này, sự đồng hóa là con đường hai chiều. Đúng y như trong thời Trung Cổ, các triết gia kinh viện tại Đại Học Paris đã hỗn hợp thành công các thành tố của tư tưởng Hy Lạp, Ả Rập và Do Thái với thần học Thiên Chúa Giáo trung cổ, nhờ thế trong thời hiện đại các thành tố của văn hóa Á Châu và Phi Châu đã thích nghi một cách thành công vào nghệ thuật và văn chương Pháp.
Khía cạnh chính trị của sự đồng hóa được phát biểu một cách rời rạc hơn. Sự biểu lộ rõ ràng nhất của nó được tìm thấy trong những năm khởi đầu nhiều hy vọng của từng mỗi một nền cộng hòa trong bốn nền cộng hoa đầu tiên. Thí dụ trong Hiến Pháp Năm Thứ III (1795), có phát biểu rằng “các thuộc địa Pháp, tại mọi phần đất trên thế giới, tạo thành một phần hợp nhất của cộng hòa Pháp, và tuân hành theo cùng các luật lệ hiến định”(3). Cùng khái niệm này đã được phát biểu hai thế kỷ sau đó tại Hội Nghị Brazzaville năm 1944 của Đế Quốc Tự Do Pháp, trong đó, ông Pleven, Ủy Viên phụ trách Các Thuộc Địa của tướng de Gaulle, đã tuyên bố rằng “trong nước Pháp thuộc đia rộng lớn hơn, không có các dân tộc để giải phóng hay sự kỳ thị chủng tộc để bãi bỏ … Có những người dân mà chúng tôi có ý định hướng dẫn từng bước tiến đến nhân phẩm, và những người dân trưởng thành nhất trong họ sẽ được cấp quyền tự đo chính trị, nhưng họ không ước muốn một sự độc lập nào ngoài sự độc lập của nước Pháp.”(4) Ngay lúc cả giấc mơ đồng hóa lẫn chính Đế Quốc Pháp đang sụp đổ, sử gia và cựu viên chức thuộc địa Hubert Deschamps còn có thể viết về sự đồng hóa chính trị rằng “nó phản ảnh tính khí của người Pháp, có tính cách phổ quát, và tập trung, trong tình yêu mến sự vĩ đại của tổ quốc của mình … Nghị Viện hiện thời của chúng ta, với thành phần bao gồm mọi chủng tộc và mọi màu da, xuất hiện như một sự toàn vẹn hợp lý của chính sách thực dân Pháp; nó biểu lộ tính chất của một dân tộc mà, xuyên qua nguồn gốc và sự cổ điển của nó, đã duy trì được ý nghĩa và khát vọng của sự hợp nhất nhân loại.” (5).
Song bài viết này xác định rằng ý niệm của Pháp về sự đồng hóa phần lớn là một huyền thoại. Nó là một huyền thoại một phần vì về mặt lịch sử nước Pháp đã không thực hiện được đúng theo lý tưởng đã tuyên bố của họ. Nó cũng là một huyền thoại theo một nghĩa rộng hơn của từ ngữ này. Chủ thuyết đồng hóa đã là một sự trình bày quá đơn giản nhưng hãy còn giá trị về sứ mệnh mà người Pháp xuyên qua nhiều thế kỷ rao truyền khắp thế giới và đem lại cho nó các phép lành của tôn giáo Pháp, văn hóa Pháp, và (dưới bốn nền cộng hòa đầu tiên của nó) thông điệp về sự tự do, bình đẳng và bác ái. Huyền thoại đồng hóa đã có một sự diễn đạt bi thảm thời hiện đại trong số phận của Georges Bidault [Bộ Trưởng Ngoại Giao và đai diên nước Pháp trong hội nghi về Đông Dương tại Geneva năm 1954, đã chia đôi Việt Nam khi đó, chú của người dịch], một trong ít nhân vật xuất sắc hàng đầu lãnh đạo Đệ Tứ Cộng Hòa, là kẻ đã trở thành một người lưu vong vô quốc gia hơn là tự hòa giải mình với sự tan biến của giấc mơ đế quốc Pháp.
Kinh nghiệm của Pháp tại Đông Dương mang lại một ví dụ tiêu biểu về sự khác biệt giữa lý thuyết và thực hành của chủ nghĩa đế quốc Pháp.
Sự quan tâm của Pháp tại khu vực giờ đây [bài này được ấn hành trong năm 1967, chú của người dịch] bao gồm Bắc và Nam Việt Nam, Cam Bốt và Lào có nhật kỳ khởi đầu hồi hậu bán thế kỷ thứ mười bẩy. Các giáo sĩ ngưòi Pháp đã bắt đầu đến nơi đó hồi thập niên 1660, được gửi sang bởi Hội Truyền Giáo Hải Ngoại mới được thành lập. Trong năm 1664, một số công cuộc thương mại đã khởi sự trong vùng bởi Công Ty Đông Ấn của Pháp. Hội truyền giáo và công ty mậu dịch đã hợp tác với nhau trong việc tìm cách thiết lập ảnh hưởng của Pháp trong khu vực. Bởi vì cả các giáo sĩ Bồ Đào Nha và dòng Tên đều được cấp các quyền truyền giáo từ trước tại Đông Dương, các giáo sĩ người Pháp thường hoạt động tại đó với tư cách nhà mậu dịch bán thời gian cho Công Ty Đông Ấn Độ. Sự quan tâm của chính phủ Pháp tại khu vực không bao giờ mạnh mẽ, và khi sự tuyên xác thành lập đế quốc tại Ấn Độ và Gia Nã Đại đã kết thúc với Hòa Ước Paris năm 1763, các hoạt động của Pháp tại Đông Dương, ngoại trừ của các giáo sĩ và một số ít các kẻ phiêu lưu tư nhân, đều đã được đình chỉ. Các thượng thư của hoàng gia phác họa các kế hoạch cho các cuộc viễn chinh của Pháp sang bờ biển Việt Nam trong năm 1769 và sau này trong năm 1775, nhưng phần lớn bởi có sự lãnh đạm và thiếu tiền tại triều đình, nên không dự án nào được tiến hành ra gì cả.
Cuộc phiêu lưu sau chót của Pháp tại Đông Dương dưới Chế Độ Cũ [chỉ thời trước khi có cuộc Cách Mạng Pháp năm 1789, chú của người dịch] xem ra phần nào có kết quả. Trong năm 1765, một linh mục Pháp trẻ tuổi tên Pigneau de Behaine đã được phái sang Căm Bốt bởi Hội Truyền Giáo Hải Ngoại. Ông ta bị cưỡng bách rời khỏi Đông Dương bởi có sự chống đối của người bản xứ và đã trú ngụ tại khu định cư riêng của người Pháp tại Pondichery, miền nam Ấn Độ. Khi quay trở về Đông Dương mười năm sau đó, với tư cách giám mục phụ trách toàn thể khu vực, ông nhận thấy hai miền An Nam (Đàng Ngoài) và Cochin China (Đàng Trong) ở vào tình trạng nôi chiến; một cuộc nổi dậy đã đánh đuổi gia tộc cầm quyền họ Nguyễn ra khỏi ngôi Chúa. Pigneau de Behaine đã quyết định làm những gì ông có thể làm để tái lập vì hoàng đế bị lật đổ trở lại ngai vàng, hy vọng rằng xuyên qua nhà vua này sẽ đưa đến sự thiết lập của cả Thiên Chúa Giáo La Mã lẫn ảnh hưởng của Pháp tại vương quốc An Nam. Trong năm 1787 Pigneau đã cầm đầu một phái đoàn đển điện Versailles để tìm kiếm sự ủng hộ của hoàng triều cho cuộc mạo hiểm của ông. Sau ba tháng tại triều đình, cuối cùng ông có được một cuộc hội kiến với vua Louis XVI. Bài nói chuyện của ông với nhà vua đã được tái tạo bởi nhà viết tiểu sử của ông qua các văn bản ghi chú còn lại của hai vị thượng thư triều đình hiện diện khi đó. Sự đồng hóa không đóng vai trò nào trong các lập luận của giám mục; thay vào đó ông đã tập trung vào tầm quan trọng về thương mại và quân sự của Cochin China (Nam Kỳ) như một đối lực với nước Anh. Một sự thiết lập tại Cochin China, theo lời ông, sẽ giúp cho nước Pháp có thể khống chế các đại dương chung quanh Trung Hoa và sẽ biến nó trở thành chủ nhân “của mọi hoạt động thương mại trong phần đất đó của thế giới.” (6)
Các lập luận của Pigneau có vẻ như đã thuyết phục được triều đình. Khi một phái đoàn nhỏ giong buồm trở lại Ấn Độ vào cuối năm đó, giám mục có mang theo mình một hiệp ước giữa Pháp và Chúa Nguyễn, người đang tranh chấp ngôi vua, theo đó Pháp đồng ý cung cấp sự trợ giúp quân sự đổi lại với sự kiểm soát của Pháp hải cảng Đà Nẵng cùng sự bảo vệ và các đặc quyền mậu dịch cho người Pháp. Sự chiến thắng của Pigneau chỉ là ảo tưởng, bởi nhà vua Pháp, lúc bấy giờ đang tiến đến hồi khủng khoảng cuối cùng, hoặc đã không có tiền hay sự quan tâm để chu toàn nghĩa vụ của nó theo bản thỏa thuận. Do đó, vị thống đốc tại Pondichery đã có thể từ chối sự trợ giúp dành cho ông Pigneau. Vị giám mục được biết đã nói rằng ông “có thể một mình làm cuộc cách mạng tại Cochin China” (17) và, bác bỏ một đề nghị giúp đỡ của nước Anh, ông đã thu góp tiền bạc từ một nhóm các thương nhân Pháp. Pigneau và một đội quân nhỏ bé gồm các người tình nguyện Pháp đã đến Cochin China hồi cuối tháng Sáu năm 1789. Họ đã huấn luyện đội quân của vị Chúa Nguyễn tranh ngôi theo các kỹ thuật quân sự Pháp, họ đã xây dựng các thành lũy kiểu Pháp (một số thành vẫn còn sót lại), và Pigneau đã trở thành cố vấn chính yếu cho Chúa Nguyễn.
Pigneau đã chết vì bịnh kiết lỵ trong năm 1799. Chỉ còn bốn người Pháp tình nguyện ở lại với Nguyễn Ánh năm 1802 khi ông ta đặt Cochin China (Nam Kỳ), An Nam (Trung Kỳ) và Đông Kinh (Bắc Kỳ) dưới sự kiểm soát của mình và tự tuyên cáo trở thành hoàng đế Gia Long. Những người Âu Châu được vinh danh bằng các chức vụ cao cấp trong chính phủ, nhưng ảnh hưởng của Pháp tại triều đình đã tàn lụi dần dần. Chiến tranh tại Âu Châu đã ngăn cản Napoléon khỏi việc thiết lập các quan hệ ngoạI giao và thương mại với vị tân hoàng đế. Khi mà người Pháp sau hết tìm cách làm điều gì đó đề ký kết một hiệp ước với đế quốc Việt Nam, khi đó là năm 1820, vua Gia Long vừa thăng hà và được kế vị bởi con trai ông, vua Minh Mạng, một thanh niên chống đối mạnh mẽ việc mở bất kỳ sự điều đình nào vớI Âu Châu hay dung chấp tôn giáo của họ. Chính vì thế, các sự khai thác của Pigneau de Behaine và nhóm nhỏ các người Pháp tình nguyện hầu như không đi đến đâu. Các giáo sĩ Pháp đã có nhiều thành công hơn; trong năm 1800 đã có vào khoảng 310,000 tín đồ Thiên Chúa Giáo La Mã trong số dân bản xứ Đông Dương, đa số trong họ là người Việt Nam.(8) Bấy giờ, vào năm 1820, là năm bắt đầu đối với họ một thời khoảng 65 năm ngược đãi dữ dội.
Trong khi đó, nước Pháp đã trải qua các sự thay đổi vĩ đại. Cuộc đại Cách Mạng bắt đầu diễn ra ngay vào lúc mà Pigneau giong buồm sang Pondichery. Vấn đề về một chính sách liên quan đến các thuộc địa đã dẫn đến một sự tranh luận chua chát tại Quốc Hội trong năm 1789 và 1790. Một nhóm các dân biểu, hội viện của Hội Thân Hữu của Người Da Đen, biện hộ cho một sự giải phóng tức thời và cấp quyền công dân cho các người Da Đen tại vùng đảo phía Tây Ấn Độ (West Indian Negroes). Họ bị chống đối mạnh mẽ bởi các nhóm có quyền lợi thuộc địa. Một sự thỏa hiệp về vấn đề thuộc địa và, trong thực tế, về chủ trương đồng hóa được phác thảo trong năm 1790 trong một sắc lệnh dành quyền tự quản hạn chế cho các thuộc địa và hứa hẹn rằng không có luật lệ nào liên quan đến quy chế của các cá-nhân-không-tự-do lại sẽ được chấp nhận trừ khi nó được đề nghị trước tiên bởi chính các quốc hội của các thuộc địa. (9)
Vào năm 1794, chính sách của họ đã bị đảo ngược. Trong suốt thời ngự trị của Đệ Nhất Cộng Hòa, chế độ đã xác định chủ nghĩa phổ quát và sự bình đẳng cơ bản vốn là một di sản của Thời Kỳ Giác Ngộ (Enlightenment). Hội Nghị Toàn Dân đã giải phóng nô lệ và tuyên bố rằng “mọi cư dân tại các thuộc địa, không phân biệt màu da, đều là các công dân Pháp và được hưởng mọi quyền được bảo đảm bởi Hiến Pháp.”(10) Trong các cuộc tranh luận liên quan đến Hiến Pháp năm III hồi mùa hè 1795, một học thuyết về sự đồng hóa chính trị dựa trên cùng các tiền đề của Thời Kỳ Giác Ngộ đã có nhiều sự phát biểu hơn nữa. Trong một bài diễn văn dài ngày 4 tháng Tám, một dân biểu nổi tiếng, ông Boissy d’Anglas, đã thúc dục rằng Hiến Pháp cần được trải rộng đến các thuộc địa. “Cuộc Cách mạng mà quý ông đã hoàn thành,” ông ta nói, “không phải chỉ dành cho Âu Châu; nó dành cho toàn thể thế giới.” Các nguyên lý của Cách Mạng không thuộc quyền chuyên độc của một nhóm nhỏ các dân tộc có các đặc ưu quyền; chúng là “tài sản của loài người.” Ông Boissy đã nhắc nhở quốc hội về các lợi lộc kinh tế mà sự liên lập (interdependence) mang lại cho cả thuộc địa lẫn mẫu quốc. Hơn nữa, sự thụ đắc các thuộc địa vừa tăng cường sức mạnh quân sự của Pháp, vừa bảo vệ cho các dân bản xứ khỏi bị chinh phục bởi “quân cướp.” Ông đã kết luận: “Hãy để các thuộc địa sẽ mãi mãi là nước Pháp … hãy để chúng tạo thành một phần của nền cộng hòa bất khả phân chia của chúng ta … Nhờ đó, quý ông sẽ mang lại cho những phần đất này của Đế Quốc Pháp sự đoan chắc mà chúng chưa từng có, của việc được đồng hóa thực sự … với các phần khác của chế độ cộng hòa.” (12) Cùng các tư tưởng về sự bình đẳng và tính phổ quát và cũng như ý nghĩa về sứ mệnh đã là các đặc trưng cho sự phát biểu trong ngôn từ của chính sách thuộc địa của các nền Cộng Hòa Thứ Nhì, Thứ Ba, và Thứ Tư. Tuy nhiên, sự thực thi ở thuộc địa lại là một vấn đề khác. Sự giải thích cục bộ cho sự kiện này nằm ở sự kiện rằng trong phần lớn thế kỷ thứ mười chín, chính sách thuộc địa của Pháp đã được đánh dấu bởi một sự đảo ngược trở về các phương thức trước năm 1789 với chính quyền riêng biệt cho các thuộc địa cùng quy chế pháp lý và xã hội khác biệt giữa người Pháp và dân bản xứ. Đây là việc xảy ra dưới hai thời Đế Chính Napoléon và dưới cả chế độ quân chủ của giòng họ Bourbon lẫn Orleans. Đệ Nhị Cộng Hòa tuyên bố sự tái sáp nhập các thuộc địa vào nước Pháp năm 1848, nhưng cộng hòa này chỉ tồn tại trong ba năm. Sự chia cắt ra khỏi một đế quốc hầu như hoàn toàn là thành quả của các chế độ không phải là cộng hòa. Ngay cả sau khi có sự thiết lập Đệ Tam Cộng Hòa năm 1870, đa số các người xây dựng đế quốc là các quân nhân hay các giáo sĩ đều lãnh đạm hay thực sự thù nghịch với kỷ nguyên cộng hòa trong đó lý tưởng của phe chủ trương đồng hóa Thời Kỳ Giác Ngộ và Cách Mạng đã có một sự phát biều trọn vẹn nhất. Ngược lạI, các nhân vật cộng hòa lương thiện trong thế kỷ thứ mười chín thường lãnh đạm hay thù nghịch với đế quốc thuộc địa, một thành quả của phe Bảo Hoàng và Thiên Chúa Giáo. (13)
Sự quan tâm của Pháp tại Đông Dương trong thời kỳ giữa 1820 và 1860 thì lưỡng lự và không nhất quán trừ một ngoại lệ: các giáo sĩ truyền đạo. Hội Truyền Giáo Hải Ngoại, bị giải tán năm 1792, đã được tái thiết lập sau năm 1815. Một sự hồi sinh tôn giáo thực sự đã thổi ngang nước Pháp, và một khía cạnh của sự phục sinh là việc tái tục hoạt động truyền đạo tại Đông Dương và những nơi khác. Các nỗ lực của các giáo sĩ đã được thừa nhận bởi Giáo Hoàng trong năm 1839 khi ông nhìn nhận vị thế hàng đầu của Pháp trong các hoạt động truyền đạo tại Viễn Đông.
Tại Pháp, ảnh hưởng chính trị của Thiên Chúa Giáo đã gia tăng một cách vững chắc dưới Chế Độ Quân Chủ Orléans, Đệ Nhị Cộng Hòa, và Đệ Nhị Đế Chính. Họ ngày càng trở nên náo động về các sự ngược đãi mà vua Minh Mạng và các vị vua kế ngôi gây ra cho các giáo sĩ người Pháp, một số ít người trong họ đã bị hành quyết. Trong năm 1857, một Pigneau de Behaine thứ nhì sau này đã được hiện thân nơi Đức Giám Mục Pellerin, một giáo sĩ đã được cứu thoát khỏi Việt Nam trước đây bởi một sứ giả của Bộ Ngoại Giao Pháp. Ông ta đã thúc dục hoàng đế Napoléon III hãy can thiệp bằng quân sự vào Đông Dương. Ông đã vạch ra các lợi thế kinh tế và chính trị sẽ đến với nước Pháp và đã trình bày với Hoàng Đế rằng sự sống còn của đạo Cơ Đốc tại Đông Dương đang ở tình trạng nguy ngập. Hoàng Đế Napoléon đã tỏ vẻ quan tâm; thời điểm xem ra đặc biệt thuận lợi bởi vì nước Anh đang dính líu đến Cuộc Nổi Loạn ở Ấn Độ vào năm 1857 và do đó sẽ không đủ sức mạnh để ngăn cản việc dành một bàn đạp tại Đông Nam Á của Pháp. Và điều này đã khêu gợi sự hấp dẫn đến nỗi một lực lượng hải quân Pháp biệt phái, được tháp tùng bởi Giám Mục Pellerin, đã thực hiện một cuộc đổ bộ tại vịnh Đà Nẵng (Tourane) nằm 1859 nhằm áp đặt các sự nhượng bộ từ phía hoàng đế Việt nam, một người trẻ tuổi có tên là Tự Đức. Người Pháp đã phải rút lui. Bịnh tật, sự vắng bóng hậu thuẫn của dân bản xứ mà Pellerin đã tiên đoán, và các sự vướng mắc quân sự của Pháp tại Trung Hoa và Ý Đại Lợi trong năm 1859, tất cả các điều đó đã đe dọa biến cuộc viễn chinh trở thành một vu đổ bộ ở Vịnh Con Heo của thế kỷ mười chín [để chỉ cuộc đổ bộ thất bại của Hoa Kỳ lên Vịnh Con Heo của Cuba hồi năm 1961, chú của người dịch]. Pellerin thúc dục hải quân hãy tấn công Hà Nội tại miền Bắc, nơi giáo dân Thiên Chúa Giáo tương đối đông, nhưng hải quân thay vào đó đã lựa chọn mục tiêu yếu kém hơn là Sàigòn tại miền Cochin China ở phía Nam. Vào năm 1862 nước Pháp đã thành công trong việc bắt ép vua Tự Đức phải ưng chịu theo các điều kiện của họ: sự chiếm hữu phân nửa miền Cochin China của Pháp, một khoản bồi thường nặng nề, và một lời hứa rằng các quyền lợi thương mại và tôn giáo của Pháp tại Việt Nam sẽ được tôn trọng.
Một chuỗi các biến cố theo đó nước Pháp đã thụ đắc một đế quốc tại Đông Dương trong các thập kỷ sau năm 1862 thì quá hỗn độn để có thể mô tả chi tiết ở đây. Có điều cần phải được nhấn mạnh như sau: nước Pháp nói chung chẳng bao lâu đã mất đi sự quan tâm đến Đông Dương. Sự tạo lập của nó là kết quả của một số ít hạm đội hải quân, một số các kẻ phiêu lưu, và một nhóm nhỏ các chính khách phe chủ trương chủ nghĩa đế quốc tại Paris. Khái niệm về sự đồng hóa người Việt vào cộng đồng chính trị và văn hóa của Pháp đã đóng một vai trò nhỏ bé trong động lực của các nhân vật này; và số phận các giáo sĩ người Pháp cũng xảy ra như thế. Như ông Henri Brunschwig đã vạch ra, có một sự rất mỉa mai trong sự kiện rằng nước Pháp đã sở đắc các căn cứ cho các đế quốc ở Phi Châu và Á Châu trong thời khoảng giữa các năm 1820 đến 1860 khi mà công luận không còn quan tâm và công cuộc mậu dịch hải ngoại bị sút giảm. Sự giải thích nằm nơi các áp lực thay đổi nhưng khẩn khoản của Thiên Chúa Giáo, của các nhóm có quyền lợi vận tải hàng hải, và của các phát ngôn viên của lục quân và hải quân. Trên cùng hết, đã có ước muốn của vua Charles X, Louis Philippe, và Louis Napoléon “để khẳng định, trước mặt toàn thế giới, sự hiện diện, sự vĩ đại, sự vinh quang của nước Pháp.” (14)
Vào năm 1873, hoàng đế Việt Nam đã bị cưỡng ép phải nhường cho Pháp sự kiểm soát vùng Cochin China (Nam Kỳ). Vấn đề chuyển hóa một sự chiếm đóng hải quân sang một chính quyền dân sự sẽ phải được giải quyết. Bộ Trưởng Hải Quân đã thông báo lên Tổng Thống cộng hòa Pháp rằng nếu sứ mệnh khai hóa (mission civilisatrice) mà nước Pháp đảm nhận tại khu vực đó sẽ phải được hoàn thành, nhất thiết sẽ phải có một chính quyền dân sự cần được huấn luyện về các luật lệ, ngôn ngữ, và phong tục của cả Pháp lẫn Cochin China, những người có thể thi hành “công tác đồng hóa” của hai nền văn hóa. (15) Công việc hành chính tại Đông Dương chưa bao giờ chu toàn các sự kỳ vọng này. Chính phủ Pháp, với khuynh hướng nghiêng về sự tập trung quyền hành và chế độ thư lại, đã tuyển dụng một số lớn người Pháp, ngay cả trong các công việc bàn giấy tương đối thấp. Bởi vì lương bổng và các điều kiện sinh sống tại Đông Dương nói chung đáng lo sợ, trước Thế Chiến I, những người đi sang đó, tổng quát, có một số phận đáng thương. Cũng có một số người sang Đông Dương nung nấu một sứ mệnh khai hóa, nhưng sự lãnh đạm của chính phủ Pháp và của công luận đối với các vấn đề thuộc địa và sự vô khả năng của chế độ thư lại thuộc đia đã sớm làm nản lòng họ. (16)
Một người trẻ tuổi tên Eliacin Luro đã là một nhân vật ngoại lệ. Trong năm 1874, anh ta tổ chức một trường huấn luyện bị yểu tử dành cho các nhà hành chánh tương lai tại Đông Dương. Trong giảng khóa mà anh ta soạn thảo cho trường học, Luro đã đưa ra một sự phát biểu rõ ràng và hấp dẫn về lý tưởng đồng hóa, được thích nghi để phù hợp với tình hình Đông Dương. Quyền lực thực dân hóa, anh ta viết, phải tiến bước chậm rãi trong việc thay đổi các phong tục, ngôn ngữ và các luật lệ bản xứ: “Điều cần thiết là phải hiểu rõ, phải xâm nhập vào nền văn minh của người dân bị chinh phục, phải biết về ngôn ngữ của họ … sau đó, tiến từng bước ngắn một, một cách kiên nhẫn … Sau hết, đến mức độ mà sự trao đổi các ý tưởng giữa hai dân tộc được hoàn tất, tới mức độ mà cuộc cách mạng kinh tế, phát sinh từ sự thỏa thuận tự nguyện, sẽ dần dần đưa đến việc thay đổi các truyền thống, việc sửa đổi và thay thế các luật lệ cần tiến hành một cách từ tốn.” (17) Bất kể các nỗ lực của Luro, chính phủ đã bỏ rơi dự án của anh ta chỉ sau bốn năm thử nghiệm. Việc huấn luyện các hành chính gia thuộc địa sau đó nói chung là không được đầy đủ. Chính phủ từ đó trở đi đã hoạt động với sự giả định rằng sự huấn luyện chuyên môn là không cần thiết cho nền công vụ tại thuộc địa.
Một sự chiến thắng có tính cách hình thức cho nguyên tắc đồng hóa đã có được trong năm 1880, khi một thuộc địa nhỏ của dân định cư gốc Pháp tại Cochin China đã thuyết phục được Paris hãy để cho họ tuyển cử một dân biểu vào Viện Dân Biểu Pháp. Trong lời thỉnh cầu của họ, các dân định cư đã hãnh diện loan báo rằng danh sách bàu cử của họ trong năm đó có tổng số là 1,142 cử tri, nhiều hơn con số mà một vài thuộc địa khác sẵn có sự đại diện tại Paris đã có thể khoe khoang. Trong tương lai, bản thỉnh cầu nói tiếp, mọi người Pháp tại Cochin China phải có một tiếng nói mang danh dân biểu; và sau đó, sau “một cuộc nghiên cứu đặc biệt: une étude spéciale”, các người dân bản sứ có thế được gồm vào. (18) Tiếng nói của sự đồng hóa có thể được nghe thấy, mặc dù khá yếu ớt.
Thiên Chúa Giao La Mã vẫn tiếp tục là một con đường dẫn đến sự đồng hóa, mặc dù nơi đây cũng thế, thực tế hãy còn xa vờI đối với giấc mơ mà Pigneau và các giáo sĩ thế kỷ thứ mười chín đã mơ tưởng về một Đông Dương trong đó Chủ Nghĩa Thiên Chúa Giáo sẽ chiến thắng. Giáo Hôi đã sống sót qua các sự ngược đãi; số dân Đông Dương trở thành tín đồ Thiên Chúa được ước lượng vào khoảng một triệu người tính đến năm 1914. Nhưng sự chiến thắng của người Pháp tại Đông Dương, được tiến hành một phần với danh nghĩa các nhà truyền giáo, đã chỉ mang lại nhiều nhất một sự ban sủng hỗn hợp cho giáo hội. Mặc dù cả các viên chức chính quyền lẫn các giáo sĩ đều đồng ý rằng dân bản xứ phải được biến thành vừa là người Pháp về văn hóa, vừa là tín đồ Thiên Chúa về tôn giáo, vấn đề giáo hội-nhà nước vốn là một vấn đề có tầm quan trọng tại Pháp cũng lan tới Đông Dương như thế. Đã có sự hợp tác sơ sài và sự đụng chạm từng lúc giữa nền thư lại cộng hòa và các giáo sĩ (thường nghiêng về phe bảo hoàng). Hậu quả, chính quyền và Giáo HộI thường là các kẻ cạnh tranh trong các hoạt động an sinh xã hội và giáo dục và đã phí phạm thời giờ và nỗ lực mà họ có thể sẽ tiết giảm được nếu có sự hợp tác. Giáo Hội tiếp tục khuyến dụ dân bản xứ cải đạo, nhưng một Đạo Phật chiết trung và lãnh đạm vẫn tiếp tục là tôn giáo của phần lớn người Việt Nam. Đạo Thiên Chúa thì quá cứng rắn và quá xa lạ, và Giáo Hoàng từ chối không cho phép các giáo sĩ thích nghi tôn giáo của họ với các tập tục của dân bản xứ. Không còn các sự cải đạo toàn bộ các làng xã hay quận huyện sau khi có sự chinh phục của Pháp, phần lớn là vì các phái bộ truyền giáo không còn là nơi ẩn náu duy nhất tránh quân cướp và các tiểu vương độc tài hay là nơi duy nhất có thể học hỏi các kỹ năng của Tây Phương. (19)
Trở về Pháp, những người vốn quan tâm đến chính sách thuộc địa vẫn tiếp tục tán thành sự đồng hóa, đặc biệt là với sự chiến thắng của chế độ Cộng Hòa và phe chủ trương Cộng Hòa sau năm 1879. Điển hình cho nhóm tương đối nhỏ nhưng tận tụy này là Paul Gaffarel, một giáo sư lịch sử tại Đại Học University de Dijon. Trong một tuyển tập các bài khảo luận được ấn hành năm 1880, ông đã nói về sự vinh quang và các lợi lộc thương mại mà Pháp đã nhận được từ sự thụ đắc vùng Cochin China, nhưng sự nhấn mạnh của ông nhắm vào bổn phận của nước Pháp để hướng dẫn và giáo dục người dân bản xứ, những người mà ông mô tả như là “các đứa cháu vừa mới được thu nhận vào nền văn minh.” Ông viết tiếp: “Các người trợ lực hữu dụng nhất của chúng ta sẽ là các giáo sĩ truyền đạo và các nhân viên dạy học.”Còn lực lượng nào có thể kháng cự lại hai đòn bẩy của tôn giáo và khoa học? Chúng ta hãy học cách sử dụng họ và chúng ta sẽ hoàn thành được một công tác hữu dụng và đầy lòng yêu nước.” (20) Arthur Giraud, giáo sư luật học và tác giả một cuộc nghiên cứu được đọc một cách sâu rộng về pháp chế thuộc địa, đã mô tả sự đồng hóa như là một “chính sách hòa hợp yêu nước và lòng bác ái bao la” mà “tính ưu việt về tinh thần không thể dị nghị được” sẽ được tìm thấy nơi “Nghị Viện độc nhất, bao gồm các con người nói cùng một ngôn ngữ bất kể đến sự khác biệt về nguồn gốc của họ, đến từ mọi phần đất của thế giới …đề thảo luận về các quyền lợi tổng quát của tố quốc chung của họ” của nước Pháp. (21) Và tại Các Hôi Nghị Thuộc Địa được tổ chức tại Paris trong các năm 1889-1890 liên kết với Hội Chợ Triển Lãm Paris (Paris Exposition), một nghị quyết chung đã được chấp nhận bởi nhóm dân tộc có tuyên bố rằng “tại tất cả các phần đất hải ngoại nằm dưới thẩm quyền nước Pháp, các nỗ lực của chính sách thuộc địa sẽ phải truyền giao cho dân bản xứ ngôn ngữ, các phương pháp làm việc, và, một cách cấp tiến, tinh thần và văn minh của Pháp.” (22)
Nếu người Pháp chưa bao giờ tiến tới lý tưởng đồng hóa này trong thực tế, một trong những lý do là vì Đông Dương không mấy thích hợp với lý tưởng đó. Người Việt Nam đã không phải là “các đứa cháu nhỏ” không có văn minh, mà lại là một dân tộc quá văn minh nhưng đúng là đang suy thoái, vốn sở đắc một hệ thống xã hội cực kỳ phức tạp, cùng vớI một lịch sử và một nền văn hóa lâu đời hơn lịch sử và văn hóa của nước Pháp. Các kẻ theo chủ nghĩa thực dân đã xem người Việt Nam là quỷ quyệt, xấu xa, và không có sức sống mà họ tìm thấy nơi các dân tộc tại các thuộc địa Ấn Độ và Bắc Phi Châu của họ. Tại vùng bình nguyên dọc bờ biển và các đồng bằng dọc các con sông nơi có đông đảo dân chúng và chuyên chở nhiều tài nguyên phong phú nhất, mặt đất thì phẳng và buồn bã, khí hậu thì oi bức và gây uể oải. Bởi vì người Pháp đã từ khước hoặc phải thích ứng các thói quen sinh hoạt của họ với vùng nhiệt đới hay xây dựng các căn cứ trên đồi núi như người Anh, ngay từ lúc khởi đầu đã có một số tổn thất nhân mạng tăng cao và một sự luân chuyển mau lẹ các nhân viên. (23)
Một phần do kết quả của kinh nghiệm tại Đông Dương và các nơi khác, một phần là vì các lý thuyết mới, trong thập niên 1890, chính sách đồng hóa đã khởi sự được tái lượng giá. Các sự chỉ trích thì mạnh mẽ và biến đổi. Các cuộc nghiên cứu của các nhà nhân chủng học và xã hội học vạch cho thấy tính chất đa trạng của xã hội loài người. Các kẻ kỳ thị chủng tộc và theo thuyết Darwin về xã hộI nói rằng cuộc sống như là một cuộc tranh đấu trong đó các người Âu Châu ưu việt sẽ phải thống trị. Sự thành công ở thuộc địa của người Hòa Lan và đặc biệt của người Anh đã dẫn dắt các người chỉ trích đến việc đối chiếu các chính sách của các quốc gia này với các chính sách của nước Pháp. Tại một trong các cuộc tấn công có nhiều hiệu quả hơn vào học thuyết đồng hóa, Leopold de Saussure, một cựu sĩ quan hải quân vô danh, lý luận rằng mưu toan để chuyển giao ngôn ngữ và các định chế của Pháp vào một khu vực như Đông Dương là một việc vô ích; dân bản xứ không phải là người Pháp và sẽ không bao giờ là người Pháp. Chủ trương đồng hóa là sản phẩm của thời Giác Ngộ và một tín điều Cách mạng giả dối về sự hợp nhất nhân loại; và nó là một sai lầm khổng lồ. (24)
Có lẽ kẻ chỉ trích dễ được nhận diện nhất về chính sách đồng hóa là Jules Harmand, người, sau một chức nghiệp xuất sắc trong vai trò một hành chính gia và nhà ngoại giao tại Đông Dương và Ấn Độ, đã ấn hành một quyển sách nhan đề Domination et Colonisation: Sự Đô Hộ và Chính Sách Thuộc Địa Hóa trong năm 1910. Một thuộc địa, ông viết, phải là một khu vực ở đó có sự định cư đông đảo của người Âu Châu; chính vì thế, ở các khu vực như Đông Dương trong đó thẩm quyền được áp đặt bởi một nhóm nhỏ người Âu Châu trên một xã hội bản xứ chặt chẽ và khá lớn phải có một vài danh xưng nào khác: ông ta mệnh danh có vùng đất đó là các lãnh địa đô hộ hay lãnh địa. Bởi vì họ tạo thành tuyệt đại đa số trong dân số và do đó mang tính chất cốt yếu cho sự thịnh vượng của nó, các người dân bản xứ đã là thành phần quan trọng trong sự thành công của một vùng lãnh địa. Người Âu Châu phải hướng dẫn và bảo vệ họ, nhưng các ý tưởng và các định chế của các xã hội bản xứ phải được giữ nguyên càng nhiều càng tốt. Harmand tin tưởng rằng một khu vực thuộc quyền thống lãnh của Âu Châu chẳng hạn như vùng Đông Dương phải có cùng loại tự trị về hành chánh và tài chánh mà Ấn Độ đã có. Trong thực tế, ông viết, họ phải có các tình trạng khác biệt trong mọi khía cạnh ngoại trừ sự độc lập về chính trị. (25) Ông ta đã chấp nhận sự thụ tạo đế quốc bằng sức mạnh quân sự như một sự cần thiết, nếu không phải là một điều miễn cưỡng, trong một thế giới có các quốc gia cạnh tranh. Harmand còn bước xa hơn: bởi vì sự chinh phục trong thực tế là vô đạo đức, kẻ chinh phục không bao giờ có thể kỳ vọng rằng dân bị khuất phục lại chấp nhận kẻ chinh phục hay các ý tưởng của người đó, “Đây là sự trừng phạt dành cho sự bạo động của người đó,” ông đã viết, vết máu dơ bẩn không có gì tẩy rửa được ra khỏi bàn tay của người đó.” (26) Chính vì thế bất kỳ lời nói nào về sự đồng hóa vào đất mẹ đều có tính cách lố bịch, và các giấc mơ về sự tự do, bình đẳng và bác ái đều không thích hợp.
Harmand đề nghị một giải pháp thay thế cho sự đồng hóa, điều mà ông gọi là sự liên kết (association). Từ ngữ này thì ăn khách; trong thực tế nó trở thành bán chính thức. Nhưng theo ý kiến của Harmand, sự liên kết có nghĩa rằng nước Pháp sẽ tự giới hạn mình vào các công trình công chánh, giáo dục căn bản và kỹ thuật, cùng sự phát triển kinh tế. Như Lugard đã từng làm tại Nigeria, chính quyền Âu Châu phải có tính cách gián tiếp, với các định chế bản xứ được cổ võ và các phong tục bản xứ được tôn trọng. Tuy nhiên, khi được áp dụng bởi chính phủ Pháp, sự liên kết sớm trở nên rất khó phân biệt với sự đồng hóa. Sự khác biệt duy nhất có vẻ là giờ đây chỉ có tầng lớp thượng lưu bản xứ là sẽ được Pháp hóa [trong nguyên bản là Gallicised, để chỉ việc biến thành sắc dân Gaulois, tức người Pháp chính tông, chú của người dịch]. Sự kiểm soát vẫn nằm trong tay các giới chức thẩm quyền tại Paris, là những kẻ vẫn tiếp tục hành động như thể đế quốc là một bộ phận chính trị, kinh tế và văn hóa của mẫu quốc Pháp vĩ đại. Hồn ma của Boissy d’Anglas hãy còn động đậy.
Sự rỗng tuếch của niềm tin của phe chủ trương đồng hóa khi được áp dụng tại Đông Dương còn có thể được biểu lộ sâu xa hơn khi xem đến các bản văn của hai nhân vật chịu trách nhiệm trực tiếp nhất cho sự thụ tạo của Pháp vùng Bắc Kỳ: Francis Garnier và Jules Ferry. Cả hai người đều nói đến sứ mệnh khai hóa: mission civilisatrice và về bổn phận của nước Pháp để mang các dân tộc bị giam hãm trong bóng tối đến nền văn minh, nhưng cả hai chủ yếu quan tâm đến việc thuyết phục đồng bào lãnh đạm của họ hãy chấp nhận nhu cầu cần lập một đế quốc của Pháp. Có lẽ vì lý do này họ đã tập trung vào các lợi điểm kinh tế và ngoại giao và, trên hết, vào chủ đề tâm đắc của de Gaulle[Tổng Thống Đệ Ngũ Cộng Hòa Pháp, hồi thập niên 1960, chú của người dịch]: sự vinh quang của nước Pháp: la gloire de la France.
Garnier, hậu duệ của một gia đình theo phe Bảo Hoàng không phục hồi được, đã theo học tại Học Viện Hải Quân, nơi, vì kích thước nhỏ bé và các tư tưởng lớn lao của anh ta, các bạn đồng lớp đã gọi anh ta là “Cô Bonaparte.” (28) [Bonaparte là họ của Nã Phá Luân, Hoàng Đế nước Pháp, cũng có tác người nhỏ bé, chú của người dịch]. Anh ta đã sang Nam Kỳ (Cochin China) với tư cách một nhà hành chánh không lâu sau khi khu vực này được sáp nhập vào năm 1862. Anh ta trở nên quan tâm đến việc thám hiểm dòng sông Cửu Long (Mekong) chảy ngang qua phía bắc Sàigòn, nhằm tìm hiểu xem rằng liệu đường hải hành của nó có thể giúp cho nước Pháp xâm nhập miền nam Trung Hoa trước khi người Anh có thể mở rộng ảnh hưởng đến nơi đó từ Miến Điện hay không. Sau một cuộc thám hiểm kỳ thú ngược dòng sông trong các năm 1866-1867, Garnier biết được rằng sông Cửu Long không phải là một lộ trình thỏa đáng. Tuy nhiên, anh ta khám phá ra được rằng con sông Hồng, đổ ra biển tại Hà Nội [?] trong vùng Bắc Việt, sẽ là một con đường tuyệt hảo. Quả quyết muốn nhìn thấy nước Pháp sẽ được thiết lập tại khu vực đó, anh ta và một nhóm nhỏ các thủy thủ đã mưu toan chiếm giữ thành phố trong năm 1873. Garnier đã bị hạ sát trong một cuộc tấn công. Chính phủ Pháp, hãy còn bị rúng động bởi thảm họa năm 1870 [Pháp bị thất trận trước Đức và phải trả một khoản bồi thường chiến phí khổng lồ cho Đức, chú của người dịch] và hơn nữa lo sợ sự can thiệp của Anh Quốc, đã từ chối không chịu hoàn tất dự án.
Phần lớn các ý tưởng của Garnier được trình bày trong hai tập sách nhỏ mà anh ta đã viết trong các năm 1864-1865 và trong bản báo cáo nổi tiếng của anh ta về cuộc thám hiểm sông Cửu Long. Anh ta bị ám ảnh bởi sự vĩ đại của nước Pháp và lấy làm kinh sợ về viễn ảnh một thế giới bị thống trị bởi sắc dân Anglo Saxons (Anh Cát Lợi). Anh ta lập luận rằng căn cứ của Pháp tại Nam Kỳ (Cochin China) phải là hạt nhân cho sự bành trướng ảnh hưởng lên phương bắc. Các người dân bản xứ, anh ta quả quyết, sẽ đón nhận sự kiểm soát của người Pháp nếu nó mang lại trật tự, sự vệ sinh và hoạt động thương mại. (29) Anh ta nói một cách mơ hồ về trách nhiệm của nước Pháp trong việc khai hóa khu vực, nhưng nhiệm vụ chính yếu của Garnier là nhằm vinh danh nước Pháp (và chính anh ta) bằng việc cắt xẻ đế quốc ở Á Châu mà người Anh đã chiếm đoạt từ tay người Pháp trong thế kỷ thứ mười tám. Đặc biệt là sau sự sỉ nhục của cuộc chiến tranh Pháp-Phổ [tên gọi của nước Đức lúc bấy giờ, chú của người dịch], Pháp phải tự mình chứng minh là một đại cường, và sự thụ đắc đế quốc là cách thức tốt đẹp nhất để làm điều đó. (30)
Jules Ferry thường được trình bày như một thí dụ cổ điển về một kẻ chủ trương đế quốc được thúc đẩy bởi động lực kinh tế. Hiển nhiên đây là một xuyên tạc sự thực; Ferry có vẻ đã có cùng một sự nhiệt thành cho sự vinh quang và cho sứ mệnh khai hóa y như các thành viên khác trong nhóm chủ trương thành lập đế quốc. Không rõ điều gì đã dẫn dắt Ferry trở thành một kẻ chủ trương đế quốc. Trước nhiệm kỳ Thủ Tướng lần thứ nhì của ông trong các năm 1883-1885, ông ta đã quan tâm chính yếu đến nền giáo dục công lập, làm suy yếu quyền lực của Giáo Hội Công Giáo La Mã tại Pháp, và tái lập các quan hệ hòa bình với nước Đức của Thủ Tướng Bismarck. Và với tư cách một kẻ theo phe cộng hòa năm 1848 chân thành, Ferry lấy làm ngờ hoặc về các cuộc phiêu lưu nhằm thành lập thuộc địa của phe bảo hoàng và Thiên Chúa Giáo. Các bài diễn văn và các bài viết của ông cho thấy dần dà, giữa các năm 1881 và 1883, Ferry trở nên tin tưởng rằng sự bành trướng thuộc địa sẽ cung cấp cho người dân Pháp một cảm giác về sự vĩ đại và sứ mệnh, cảm giác có thể giúp cho dân tộc bình phục từ cơn chấn thương năm 1870. (31) Chưa bao giờ là một nhân vật có cảm tình của quần chúng, Ferry đã trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công từ cánh Hữu và cánh cực tả vì chính sách mở rộng đế quốc của ông ta. Dù sao đi nữa, chính Chính Phủ của ông đã hiện thực được điều mà Garnier và các người khác đã tìm kiếm: một đế quốc tại Đông Dương, bao gồm thuộc địa Nam Kỳ (Cochin China), các vương quốc bảo hộ Lao và Căm Bốt, và giờ đây các xứ bảo hộ tại Trung Kỳ (An Nam) và Bắc Kỳ (Đông Kinh).
Trong năm 1885, các chính trị gia và báo chí đối lập đã thổi phồng một sự thất trận quân sự tại Bắc Việt thành một thảm họa to lớn. Một chiến sĩ đảng Cấp Tiến kỳ cựu, ông Clémenceau, kẻ trước đây có nói chính sách thuộc địa của Ferry làm nguy hại đến nền an ninh của Pháp tại Âu Châu, giờ đây đã tố cáo ông ta về tội “phản quốc nghiêm trong.” Ở một trong nhiều hoạt cảnh vô cùng ồn ào vốn là nét đặc trưng của quốc hôi Pháp, Ferry bị bắt buốc phải từ chức, bị mất tín nhiệm đến nỗi không bao giờ ông ta có thể trở lại để phục vụ như một bộ trưởng nữa. Tính tình lạnh lùng và kín đáo, các chính sách đối nội, và thái độ “mềm dịu” của ông đối với Bismark {Thủ Tướng Đức khi đó, chú của người dịch] đã góp phần vào sự sụp đổ của ông, nhưng biến cố ở Bắc Kỳ đã là chất xúc tác. (32) Ferry đã rời chức vụ với sự hay biết rằng hòa bình tại Bắc Việt đang gần kề và cùng với điều đó là sự thừa nhận của Trung Hoa về quyền chủ tể của Pháp trên toàn cõi Đông Dương. Trong một cuộc bỏ phiếu rất khít khao, chính phủ mới đã thành công trong việc thuyết phục Quốc Hội bỏ phiếu chấp thuận chi tiền cần thiết để sáp nhập Bắc Kỳ (Đông Kinh) vào một đế quốc Đông Dươing. Dù có muốn hay không, nước Pháp đã có một đế quốc tại Á Châu.
Hầu hết mọi bài viết của Ferry về chủ nghĩa đế quốc đã được viết sau khi đã có sự sáp nhập thành công vùng Bắc Kỳ. Ông tập trung vào ba sự biện chứng cho sự bành trướng thuộc địa: kinh tế, chính trị, và nhân đạo. Các lập luận về kinh tế xem ra đã xảy ra sau này trong tư tưởng của ông và đã được dùng như các sự lý giải hậu thiên cho các sự kiện. Ông ta biết rằng đế quốc Đông Dương mới có tiềm năng kinh tế lớn lao và hy vọng gây sự chú ý cho một công luận người Pháp cho đến bấy giơ hãy còn thờ ơ đến việc khai thác tiềm năng này. (33) Ferry đã tin rằng nước Pháp có một bổn phận để truyền bá văn minh tại đế quốc mới của nó. Ông viết: “Dân tộc ưu việt không chinh phục vì khoái lạc, nhằm khai thác chủng tộc yếu kém hơn, mà đúng hơn để khai hóa nó và để nâng cao nó lên trình độ của chính dân tộc ưu việt.” (34) Song trong tư tưởng của Ferry, sự vinh quang của nước Pháp đã là nguyên do chính yếu cho sự bành trướng. Như ông có viết trong năm 1881 cho Leon Gambetta, mục tiêu của chính sách đế quốc của họ phải là để tái lập “nước Pháp trở về hạng một đại cường.” (35)
Một lời bình luận đáng chú ý trên sự ước lượng của Ferry về công luận Pháp cho hay rằng, trong bài viết quan trọng nhất của ông ta liên quan đến Đông Dương, ông đã tập trung hoàn toàn vào các lập luận về kinh tế và chính trị, mà không đếm xỉa gì đến công tác nhân đạo. Trong quyển Le Tonkin et la Mère-Patri (Đông Kinh và Mẫu Quốc) (1890), một tuyển tập các tài liệu được đề tựa bởi một bài giới thiệu dài của Ferry, ông đã viết rằng “một phong trào bất khả kháng cự đã quét ngang các nước lớn ở Âu Châu dẫn đến sự chinh phục các vùng đất mới. Nó giống như một cuộc chạy đua việt dã [băng qua đồng, chú của người dịch] trên con đường dẫn đến nơi chưa biết.” (36) Trong cuộc chạy đua này, sự nhấn mạnh phải nhắm vào kinh tế. Chính sách thuộc địa, trong cách đặt câu nổi tiếng của ông, là đứa con gái của chính sách kỹ nghệ. Bởi vì Âu Châu đã “bão hòa”, các đại cường phải mở rộng ra hải ngoại để tìm kiếm các thị trường mới. Đối với các kẻ giáo điều và các nhà yêu nước chuyên nghiệp hay tuyên bố rằng nước Pháp phải tập trung vào sự phòng vệ chống lại nước Đức ác độc, và những kẻ vẫn nói rằng nước Pháp hãy còn yếu sau sự thất trận nhục nhã năm 1870, ông than vãn rằng: “Các ông nghi ngờ nước Pháp quá đáng!: Vous doutez trop de France!” Nước Pháp đã là một dân tộc vĩ đại, và một sự thử thách tính chất vĩ đại chính là sự tham dự vào cuộc chạy đua dành đế quốc. (37) Nước Pháp, ông kết luận, phải biết ơn các người theo phái thực dân, các nhà hành chính, và các lãnh đạo quân sự, bất kể việc bị ngăn cản thường trực tại Paris, đã tạo lập ra một đế quốc to lớn và có sinh lợI. Các người dân bản xứ thì “dễ trị”, hòa hoãn, và siêng năng làm việc, và dưới sự chỉ đạo của các ngườI theo phe thực dân, Đông Dương sẽ phát triển thịnh vượng. Tất cả những gì mà các kẻ thực dân yêu cầu là sẽ được phép vay mượn tiền tại nước Pháp. Họ không muốn có hay không cần đến sự kiểm soát được áp đặt lên họ từ Paris. (38) Không có một từ nào trong 55 trang viết của Ferry có bất kỳ một sự tham chiếu đến sự đồng hóa hay đến các lý tưởng quan hệ đến nó. Thuộc đia hiện hữu thuần túy vì các lý do chính trị và kinh tế. “Sứ mệnh” không được đếm xỉa tới.
Tình hình tại Đông Dương ra sao vào lúc sắp xẩy ra Thế Chiến I? Theo Albert Sarraut, hai lần đảm nhận chức toàn quyền trong khoảng giữa năm 1911 và 1919, nước Pháp đã cung cấp cho các người dân bản xứ mọi ân sủng của nền văn minh Tây Phương. Trong một bài diễn văn tại Hà Nội năm 1912, Sarraut đã bắt đầu như sau: “Tôi đã nhìn thấy những gì nươ/c Pháp đã thực hiện tại Đông Dương, và tôi lấy làm hãnh diện về đất nước chúng ta … Chúng ta đã đến nơi đây để đảm đương một sứ mệnh khai hóa vĩ đại; chúng ta đã giữ đúng đắn các lời hứa của chúng ta. (39) Các viên chức người Pháp tại Đông Dương, ông Sarraut tiếp tục, phải nói cho người dân bản xứ như sau: “Hãy so sánh hiện trạng của các người với tình trạng trước khi có sự chiếu sáng của tâm hồn nước Pháp tại xứ sở của các người.” Nước Pháp đã đem lại hòa bình và an ninh, các quyền tự do của công dân, và nền công lý tây phương; nước Pháp đã xây dựng các hầm mỏ và các đồn điền, làm đường xá, và đã cung ứng “các sản phẩm của sức lao động từ các dân tộc văn minh vĩ đai.” Người dân bản xứ phải đốI chiếu “ngôi trường học sơn trắng mỉm cười đón nhận con cháu của các người” với “sự ngu dốt khốn khổ” của họ trước đây. “Hãy nhìn kỹ vào tất cả những điều này,” ông kết luận, “và hãy tự vấn rằng liệu sự bảo vệ của nước Pháp có phải chỉ là một lời nói suông, rằng liệu có một dân tộc nào khác trên thế giới lại có thể mang lại cho các người các sự thuận lợi như thế hay không, và rằng liệu tự các người có khả năng … cung cấp cho chính mình một tập hợp sự tiến bộ và các lợi ích này hay không.” (40)
Thực tế thì không lạc quan nhu thế. Trong thực tế, Đông Dương đã được bình định vào khoảng 1914, nhưng chỉ sau nhiều năm kháng cự của người dân bản xứ. Một số trường học được xây cất, nhưng chưa đến mức gần đủ. Một giới thượng lưu Pháp hóa được sinh sản ra, nhưng người Việt Nam đã phải đi đến chính nước Pháp mới học được các tư tưởng Cách Mạng và những lý tưởng đã tạo thành phần lớn căn bản của ‘sứ mệnh” được giả định của Pháp. Người Việt Nam do Pháp giáo dục có thái độ không mấy khác với người Ấn Độ do Anh giáo dục hay người Nam Dương do Hòa Lan giáo dục. Nếu có điều gì xảy ra, người đó có thể còn thù nghịch nhiều hơn với sự cai trị của Âu Châu bởi vì người đó bị gạt ra ngoài phần lớn các công việc chính phủ tại Đông Dương, nơi mà một “giới vô sản da trắng” lấp đầy ngay cả các chức vụ thấp kém vốn được dành cho người bản xứ tại các đế quốc thuộc địa khác. (41)
Sau khi thụ tạo được Đông Dương, nước Pháp xem ra không biết rõ những gì mà nó muốn làm với nó. Sự chinh phục và công cuộc bình định Bắc Kỳ và Trung Kỳ đã tốn kém rất nhiều so với trị giá của nó như phần lớn người Pháp đã nghĩ, và do đó đã không có mức gần đủ về các nguồn tiền công cộng và tư nhân được dùng cho sự phát triển chúng. Trong năm 1913 chỉ có 24,000 người Âu Châu trên toàn cõi Đông Dương, và phần lớn các người này hoặc là nhân viên hành chính hay quân sự. Chỉ có rất ít người trong các người này đã từng xem Đông Dương như “quê hương.” Sự quan tâm của quần chúng đến đế quốc mới chiếm được thì nhỏ nhoi và hời hợt khi so sánh với sự nồng nhiệt rộng lớn về đế quốc tại nước Anh trong cùng thời kỳ. Tại Quốc Hội, chính sách thuộc địa hiếm khi là một đề tài tranh luận và chưa bao giờ trở thành một vấn đề trong cuộc tranh cử. Công chúng Pháp thì đơn giản là không để ý đến. Jules Ferry, đến tham dự màn phụ diễn tại Hội Chợ Triển Lãm Paris năm 1898, được tường thuật là đã nêu nhận xét với sự chán ghét: “Đó là tất cả những gì mà họ hay biết về đế quốc – màn múa bụng.” (42)
Trong nhiều thập niên trước năm 1914, các lý thuyết gia phe chủ trương thực dân người Pháp đã chuyển từ học thuyết “đồng hóa” sang một học thuyết về sự “liên kết”, nhưng sự thay đổi này không có một ảnh hưởng lâu dài trên chính sách của chính phủ. Đông Dương có một sự thừa nhiệm mau lệ các viên toàn quyền, phần lớn là các nhân vật tầm thường chỉ nhận lịnh từ Paris. Mục đích của họ mơ hồ về sự ghi khắc các giá trị của Pháp và sự thiết lập các định chế của Pháp, nhưng trong phần lớn thời gian giới thư lại Pháp chỉ lấy làm hài lòng về việc duy trì trật tự.
Trong các nhiệm kỳ của hai viên toàn quyền năng động, Paul Doumer (1897-1902) và Albert Sarraut (1911-1914 và 1916-1919), đã có một số sự cải thiện. Các dự án công chánh đã được khởi sự và nền y tế công cộng được cải thiện, nhưng cũng phải trả giá. Các sắc thuế trên người dân bản xứ chiếm gọn một phần năm số thu nhập của họ; đặc biệt gây khó chịu là thuế gián thu xuyên qua các thị trường độc quyền của chính phủ về muối, thuốc phiện và rượu, cả ba sản phẩm mà người bản xứ bị bắt buộc phải mua. Doumer đã cải thiện hiệu năng của chính phủ bằng cách trở thành một kẻ độc đoán triệt để và bởi việc gia tăng tình trạng độc quyền của người Âu Châu trong mọi chức vụ chính thức. Và các ngân sách của ông trong các năm 1899-1902 phát lộ hai sự kiện gây bối rối; hơn một nửa số thu của chính phủ mỗi năm phát sinh từ số thuế gián thu {thông thường số thuế trực thu như thuế lơi tực cá nhân và công ty phản ảnh sự công băng thuế khóa hơn vì dựa trên số thu nhập va do đó khả năng đóng thuế của từng cá nhân cụ thể, trong khi thuế gián thu như thuế tiêu thụ bắt người nghèo tuy ít lợI tức hơn nhưng phải chịu cùng một khoản thuế như người giàu, chú của người dịch] và phần chi tiêu để duy trì số nhân viên hành chánh và quân sự cũng ngang bằng vớI số chi cho tất cả các công tác công chánh cộng lại [chỉ ngân khoản đầu tư công trình chung ít, chú của người dịch]. (43)
Toàn quyền Paul Doumer
Khi tổng kết về chính quyền của chính mình, Doumer đã viết rằng Đông Dương đã được hưởng “trật tự hoàn hảo” và rằng “cuộc bình định cụ thể, đạt được kể từ năm 1897, đã hoàn thiện cuộc chinh phục tinh thần dân chúng.” (44) Doumer đã phát biểu quá sớm: trong năm 1908 một cuộc nổi dậy khác đã bùng nổ tại Bắc Việt. Chỉ với sự bổ nhiệm Sarraut trong năm 1911 mới tìm thấy một viên toàn quyền khác có đủ uy tín và quyết tâm để điều khiển chính sách thuộc địa của chính mình. Giống như Doumer, Sarraut đã mở rộng các công trình công chánh, đặc biệt trong các lãnh vực giáo dục và y tế. Sarraut đã tiếp tục các nỗ lực của một vài vị tiền nhiệm không phải chỉ cắt giảm guồng máy thư lại cồng kềnh mà còn thay thế phần lớn các thư ký người da trắng và các viên chức cấp nhỏ bằng người bản xứ. Mặc dù sự bất ổn ở bản xứ hãy còn diễn ra từng chặp, Sarraut là một viên toàn quyền được lòng dân, một kẻ tôn trọng các định chế của Việt Nam hơn nhiều người khác và hơn nữa ít quan tâm đến việc đóng vai trò cảnh binh. Trên bề mặt, Đông Dương ở vào một tình trạng tốt đẹp hồi năm 1914. Thịnh vượng và tự túc, nó mang vẻ rằng ngay dù Sarraut có nói thái quá, Đông Dương sau rốt có thể sẽ tiến đến một hoàn cảnh giống như sự mô tả của ông ta trong bài diễn văn năm 1912.
Nó không bao giờ làm được điều đó. Chính sách của Pháp tiếp tục không phô bày sự mạnh lạc hay liên tục. Chiến tranh mang lại sự gia tăng thịnh vượng, nhưng nó cũng đưa đến sự cưỡng bách trưng binh và các lời hứa không được giữ đúng. Ông Sarraut được kính trọng quay về Pháp sau cuộc chiến để trở thành Bộ Trưởng Bộ Thuộc Địa, nhưng ông không bao giờ có khả năng thực hiện các sự cải cách mà ông đã hứa hẹn, chưa kể đến việc thỏa mãn các đòi hỏi của tầng lớp người Việt theo chủ nghĩa dân tộc vừà trổi lên. Các sắc thuế vẫn còn cao, thẩm quyền tối hậu vẫn nằm ở Paris, và chính quyền thuộc địa đã thất bại trong việc bảo vệ người dân bản xứ chống lại sự bóc lột của người Âu Châu. Một số rất ít người Việt Nam nhận đượ c quốc tịch Pháp; tệ hơn nữa, chỉ với sự nghi ngờ nhẹ nhàng nhất về sự bất ổn họ sẽ bị từ chối các quyền tự do dân sự và chính trị thông thường vốn được giả định là một bộ phận của di sản nền tảng của Pháp. (45)
Không thể phủ nhận rằng sự chiếm đóng của Pháp là không có mang lại các lợi ích cụ thể cho Đông Dương và dân chúng của nó. Khoa học và các ý tưởng Tây Phương có để lại một dấu ấn vĩnh viến, nhưng với giá phải trả thì đắt. Người Pháp đã làm bật rễ nhiều cơ cấu xã hội đặt nền trên làng xà và gia đình cổ truyền dưới danh nghĩa chủ nghĩa cá nhân và tính hiện đại, nhưng hậu quả là một sự xáo trộn trầm trọng của xã hôi và trong nền kinh tế đã mang đến nhiều sự đau khổ. Một số lương lớn các thanh niên Việt Nam thuộc các tầng lớp bên trên có đồng hóa với văn hóa Pháp, nhưng bởi không chỉ trong guồng máy hành chánh mà cả trong ngành tài chính và công nghiệp đại đa số các công việc bàn giấy dành cho người Âu Châu, công ăn việc làm đã không được cung ứng cho họ. Và bất kể các nỗ lực kiểm duyệt của các giới chức thẩm quyền người Pháp, thế hệ mới đã học hỏi được hai khía cạnh của truyền thống Tây Phương nguy hại cho lý tưởng đế quốc của người Pháp: chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa cộng sản Mác-xít. (46) Song bất kể đến sự thù nghịch của người bản xứ, tình trạng vô hiệu quả của guồng máy hành chánh, và sự lãnh đạm của công chúng, giấc mơ vẫn tồn tại: Đông Dương một ngày nào đó, theo một cách nào đó, sẽ trở thành một bộ phận của nước Đại Pháp, nối kết với mẫu quốc bằng những mối ràng buộc không thể phân ly được. (47)
Bị che mắt bởI sự kiêu hãnh dân tộc và huyền thoại đồng hóa, người Pháp đã từ khước không nhìn nhận sự kiện rằng Việt Nam đã sẵn có một nền văn minh. Bất kể sự tham nhũng, chính quyền vẫn vận hành; bất kể không có sự tiến bộ, nhưng không có ai chết đói. Người Pháp đã xuyên tạc hay phá hủy các định chế cổ truyền nhưng không mang lại cho người Việt Nam giải pháp gì tốt đẹp hơn. Bất kể đến các nỗ lực trong ba trăm năm của các giáo sĩ truyền đạo, đạo Thiên Chúa đã không được chấp nhận trừ ở một số ít khu vực. Các chủ đồn điền người Pháp, các chủ cho vay tiền lấy lời cắt cổ người Ấn Độ, và các thương gia người Trung Hoa đều đã giàu có lên, nhưng đối với đại đa số quần chúng, sự cai trị của Pháp chỉ mang lại các sưu thuế, các khoản nợ, và đôi khi sự chết đói. Trong sự biện hộ cho nước Pháp, hai yếu tố gây trở ngại cho họ cần được nhắc tới: sự tiếp tục thờ ơ của dư luận Pháp đối với Đế Quốc và một sự bùng nổ dân số làm gia tăng gấp đôi dân số của Đông Dưong.
Không thể không xem kinh nghiệm của Pháp tại Đông Dương là một sự thất bại. Giáo sư Cady đã là một nhà tiên tri tài giỏi trong năm 1954 khi ông viết rằng “điều có thể chứng minh sẽ là một trong những thảm kịch của sự suy giảm ảnh hưởng của Tây Phương tại Á Châu là việc Pháp đã không thể nhìn nhận khả tính của sự bình đẳng văn hóa và chính trị với chính nó … mà lại không có vẻ phủ nhận không những chỉ vị thế của nó như một cường quốc thế giới mà đến cả chính sự hợp lý về vai trò của nó trong các sự vụ của thế giới.” (48) Sự đồng hóa được chứng minh là một huyền thoại đã che mắt người Pháp không nhìn thấy các khiếm khuyết trong chính quyền thuộc địa của họ và tính bất khả thực hiện của các mục tiêu đế quốc của họ. Thảm kịch ở chỗ chủ trương đồng hóa, giống như mọi huyền thoại thực sự nào khác, tượng trưng cho điều gì cao cả: các lý tưởng và các định chế của Chế Độ Cũ và nước Pháp Cách Mạng đã làm nó trở nên thực sự vĩ đại. Nước Pháp đã thất bại trong việc tiếp truyền hạt giống của chính nó ở hải ngoạI, nhưng đã phải mất hết tám năm chiến tranh tại Đông Dương và sau đó tám năm chiến tranh tại Algeria trước khi nó nhận thức ra sự kiện./-
—-
CHÚ THÍCH:
1. Được trích dẫn trong quyển sách của Raymond F. Betts, Assimilation and Association in French Colonial Theory, 1890-1914 (New York, 1961), trang 12.
2. Herbert Luethy, France against Herself(New York, 1955), các trang 209-210.
3. Réimpression de l’ancien Moniteur, seule histoire authentique et inalterée de la Révolution francaise depuis la reunion des États-généraux jusqu’au Consulat (mai 1789-1799) avec des notes explicatives (Paris, 1843-45), XXV, 420.
4. Được trích dẫn trong Luethy, France against Herself, trang 218.
5. Hubert Deschamps, Les méthodes et les doctrines coloniales de la France (Paris, 1953), các trang 213-214.
6. Được trích dần trong Alexis Faure, Mgr. Pigneau de Behaine, eveque d’Adran (Paris, 1891), trang 84.
7. Joseph Buttinger, The Smaller Dragon: A Political History of Vietnam (New York, 1958), các trang 239-241.
8. Kenneth Latourette, Christianity in a Revolutionary Age: a History of Christianity in the Nineteenth and Twentieth Centuries (New York, 1958-62), III, các trang 423-424.
9. Betts, Assimilation and Association, trang 13.
10. Được trích dẫn trong Martin Deming Lewis, “One Hundred Million Frenchmen: the “Assimilation” Theory in French Colonial Policy”, Comparative Studies in Society and History 4 (1962): các trang 129-153, 134.
11. Réimpression de l’ancien Moniteur , XXV, trang 415.
12. Cùng nơi dẫn trên, trang 419.
13. Betts, Assimilation and Association, các trang 14-18; Luethy, France against Herself, trang 213.
14. Henri Brunschwig, Mythes et réalités de l’imperialisme colonial francais 1871-1914 (Paris, 1960), trang 16; cũng xem Gordon Wright, France in Modern Times: 1760 to the Present (Chicago, 1960), trang 257.
15. Georges Taboulet. Ed., La Geste francaise en Indochine: Histoire par les textes de la France en Indochine des origines à 1914 (Paris, 1955), II, trang 585.
16. Denis W. Brogan, France under the Republic: the Development of Modern France (1870-1939) (New York, 1940), trang 239.
17. Taboulet, La Geste francaise, II, trang 600.
18. Cùng nơi dẫn trên, trang 607.
19. Latourette, Christianity, III, các trang 423-424; Virginia Thompson, French Indochina (New York, 1942), các trang 272-274.
20. Được trích dẫn trong Agnes Murphy, The Ideology of France Imperialism 1871-1881 (Washington, 1948), các trang 204-205.
21. Được trích dẫn trong Deschamps, Les methodes et les doctrines coloniales, trang 144; cũng xem, Betts, Assimilation and Association, các trang 27, 31-32.
22. Được trích dẫn trong Lewis, “One Hundred Million Frenchmen,” trang 143.
23. Đặc biệt, xem Thompson, French Indochina, các trang 429-450.
24. Deschamps, Les methodes et les doctrines coloniales, các trang 146-147; Betts, Assimilation and Association, các trang 69-70.
25. Deschamps, Les methodes et les doctrines coloniales, các trang 148-149; Betts, Assimilation and Association, các trang 52-54.
26. Được trích dẫn trong Betts, Assimilation and Association, trang 104.
27. Cùng nơi dẫn trên, tranmg 165-168; Lewis, “One Hundred Million Frenchmen”, các trang 149-151.
28. Taboulet, La Geste francaise, II, trang 542.
29. Cùng nơi dẫn trên.
30. Cùng nơi dẫn trên, các trang 544-545; Brunschwig, Mythes et Réalités, các trang 24-25.
31. Về các động lực của Ferry ủng hộ chủ nghĩa đế quốc, xem Wright, France, các trang 309-310, 382-383; quyển tiểu sử có tính cách tán tụng của Maurice Réclus, Jules Ferry, 1832-1893 (Paris, 1947), các trang 291-292, 296-298; và Brunchswig, Mythes et Réalités, trang 55.
32. E. Malcolm Carroll, French Public Opinion and Foreign Affairs, 1870-1914 (New York, 1931), các trang 101-107.
33. Wright, France, trang 382; Brunchswig, Mythes et Réalités, trang 61.
34. Được trích dẫn trong Reclus, Jules Ferry, trang 304.
35. Được trích dẫn trong Brunschwig, Mythes et Réalités, trang 55.
36. Jules Ferry, Le Tonkin et la Mère-Patrie (Paris, 1890), trang 37.
37. Cùng nơi dẫn trên, các trang 46-48.
38. Cùng nơi dẫn trên, các trang 53-55.
39. Taboulet, La Geste francaise, II, trang 916.
40. Cùng nơi dẫn trên, các trang 916-917. Sarraut dùng một đại danh từ suồng sã tu, thích hợp để nói với các con chó, trẻ con, và các gia nhân.
41. Ellen Hammer, The Struggle for Indochina (Stanford, 1954), các trang 60, 73; Rupert Emerson, From Empire to Nation: the Rise to Self-Assertion of Asian and African Peoples (Cambridge, Mass, 1960) trang 69.
42. Được trích dẫn trang Wright, France, trang 383; cũng xem cùng nơi dẫn trên, trang 377; Brunschwig, Mythes et Réalités, các trang 139-141; và Charles Robequain, The Economic Development of French Indo-China, thông dịch bởi Isabel Ạ Ward (New York, 1944), các trang 21-25.
43. Paul Doumer, Situation de l’Indo-Chine (1897-1902) (Hanoi, 1902), các trang 3, 551-554.
44. Cùng nơi dẫn trên, trang 126.
45. Thompson, French Indochina, các trang 89-91; Lê Thành Khôi, Le Vietnam, histoire et civilisation (Paris, 1955), I, trang 401.
46. Brunschwig, Mythes et Réalités, các trang 187-188; Hammer, Struggle for Indochina, các trang 63-74.
47. Thí dụ, xem Robequain, The Economic Development of French Indo-China, các trang 9-13; hay Deschamps, Les methodes et les doctrines coloniales, các trang 213-214.
48. John Frank Cady, The Roots of French Imperialism in Eastern Asia (Ithaca, 1954), các trang 295-296. Các sự lượng định tương tự về tình trạng nghịch lý của chủ nghĩa đế quốc Pháp được trình bày bởi Luethy, France against Herself, trang 218 và Betts, Assimilation and Association, các trang 174-175.
—
Phụ Chú của người dịch: Về các ý niệm dân tộc, chủ nghĩa dân tộc, quốc gia, quốc-dân, xứ sở: (*a) kèm sau chú thích số 46 của nguyên bản:
Theo các tác giả Jack C. Plano và Roy Olton, trong quyển The International Relations Dictionary, New York: Holt, Rinehart and Winston, Inc., 1969, chủ nghĩa dân tộc (nationalism) được định nghĩa như “ tinh thần ràng buộc, lệ thuộc vào nhau hay sự kết hợp nhằm duy trì cá tính của một nhóm bởi việc định chế hóa nó dưới hình thức một quốc gia. Chủ nghĩa dân tộc có thể được tăng cường bởi các mối dây nối kết về chủng tộc, ngôn ngữ, lịch sử, và tôn giáo chung. Nó cũng thường được gắn liền với một lãnh thổ riêng biêt…. Chủ nghĩa dân tộc được phát triển đầu tiên tại Tây Âu xuyên qua sự củng cố các đơn vị phong kiến cá biệt thành các vương quốc. Tuy nhiên, cho mãi tới Cuộc Cách Mạng Pháp và các cuốc chiến tranh của Nã Phá Luân, chủ nghĩa dân tộc mới trở nên khả thức đối với người dân thường.” Trong phần giải thích ý nghĩa, các tác giả trên đã viết như sau: “Chủ nghĩa dân tộc như một cảm xúc tập thể là một lực chính trị mạnh mẽ nhất tạo hiệu quả tại thế giới. Nó khiến cho dân tộc trở thành tiêu điểm tối hậu của lòng trung thành cá nhân. Lòng trung thành này được thao tác và được duy trì sinh khí bởi sự vân dụng nhiều loại biểu tương – các anh hùng dân tộc, … các lời thề trung thành với dân tộc, các ngày quốc khánh … chủ nghĩa dân tộc có thể phát huy sự liên đới và một cảm thức về sự tùy thuộc. Nó cũng có thể đưa đến sự thù hận, sự phân hóa, sự căng thẳng giữa các nhóm hay chủ nghĩa dân tộc cạnh tranh nhau. Kể từ Thế Chiến II, chủ nghĩa dân tộc … tạo ra sức năng động cho hàng triệu người dân lệ thuộc tại Á và Phi Châu trong sự biến đổi của họ sang nền độc lập….”
Từ ngữ “nation: hay được dịch sang Việt ngữ là dân tộc” được các tác giả trên định nghĩa như “một nhóm xã hội chia sẻ một ý thức hệ chung, các định chế và phong tục chung và một cảm nghĩ về sự đồng nhất. Một dân tộc có thể nằm trong một quốc gia, hay nằm kề cận một quốc gia, hay trải quá các biên giới của một quốc gia duy nhất.… Ý niệm dân tộc nhấn mạnh đến dân chúng … Trong cách nói thông thường, các từ “country: xứ sở, đất nước”, “state: quốc gia” và “nation: dân tộc” thường hay được sử dụng một cách đồng nghĩa, thế nhưng chúng không có nghĩa để chỉ cùng một sự kiện. Từ “xứ sở, đất nước” có các ý nghĩa về địa dư, “quốc gia: state” để biểu lộ tố chức pháp lý của xã hội, nhưng từ ngữ “dân tộc:nation” thì liên hệ đến một nhận thức văn hóa-xã hội của nhóm người. Từ ngữ có gạch nối “state-nation: quốc dân, tức quốc gia-dân tộc” mô tả một cách chính xác một nhóm người dân đồng nhất về mặt văn hóa và xã hội sở đắc một sự tổ chức pháp lý để tham dự vào chính trị quốc tế.”
Karl Marx, vì muốn xóa bỏ “quốc tịch: nationality” mà ông xem là một rào cản pháp lý sự tư do đi lại của công nhân và hạn chế sự lưu thông của sức lao động, do đó đã khiến cho mác-xít trở thành một chủ nghĩa quốc tế và phủ nhận chủ nghĩa dân tộc.
Ý niệm chủ nghĩa dân tộc này, từ cái nhìn của chính trị học Tây Phương, đã thích nghi và phù hợp với công pháp quốc tế cũng như tình hình chính trị thế giới sau Thế Chiến II, với nhiều quốc gia độc lập mới được thành hình tại Á va Phi Châu cùng với phong trào giảI phóng thực dân. Tác giả của bài viết được dịch ở trên, có lẽ không am hiểu lịch sử Việt Nam nên đã không hiểu rằng thực sự ngườI Việt Nam đã có một ý thức về chủ nghĩa dân tộc rất mạnh mẽ từ xa xưa, ít nhất là phải kể từ khi có bài thơ được xem là của Lý Thường Kiệt, được đọc để khích lệ quân đội trong trận đánh chống quân Tống ở sông Như Nguyệt n ăm 1077:
Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên định mệnh tại Thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm!
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
Bài thơ xúc tích, quyết liệt, đầy hào khí xác định rõ một xứ sở riêng biệt, một chính quyền riêng biệt và cá tính của một tập hợp dân chúng riêng biệt này phải được xem là bản tuyên ngôn về sự độc lập chính trị đầu tiên và đã thể hiện trọn vẹn nhất chủ nghĩa dân tộc Việt Nam từ một nghìn năm trước./-
Nguồn: Clarke W. Garrett, The Myth of Assimilation – The French Theory of Imperialism in Vietnam before 1914, Asian Studies, 1, ed. by Balkrishna G. Gokhale, New York: Humanities Press, 1967, các trang 56-76.