Đông Dương thuộc Pháp cuối thế kỉ 19

SMITH D. WARRES

Ngô Bắc dịch

Lời Người Dịch:

      Dưới đây là bản dịch Vài Hàng Mở Đầu cùng phần về Đông Dương trong tác phẩm nhan đề European Settlements in the Far East, của Smith D. Warres, được ấn hành tại New York vào năm 1900, không lâu sau khi có sự thiết lập chế độ thuộc địa của Pháp tại vùng Viễn Đông này. 

       Bản văn có một vài sự sai sót, nhưng đã cung cấp các tọa độ địa dư, dân số, ngân sách, các thông kế ngoại thương chính xác của các vùng và đia phương được nói đến, và do đó cũng có được tính khả dụng phần nào trong việc nghiên cứu.

VÀI HÀNG MỞ ĐẦU

Sự xuất hiện thường xuyên trên báo chí, ở cả hai bên bờ Đại Tây Dương, của các cụm từ “Các Khu Vực Ảnh Hưởng” và “Cánh Cửa Mở Ngỏ”; sự nổi bật lớn lao được dành cho vùng Viễn Đông, cả về mặt chính trị lẫn thương mại, và vai trò quan trọng xem ra nó nhất định phải đóng giữ trong chính trị Âu Châu trong tương lai gần, khiến cho soạn giả tin tưởng rằng tập tường trình ngắn gọn này về Các Khu Định Cư của người Âu Châu tại Viễn Đông sẽ không phải không được chú ý đến bởi nhà nghiên cứu chính trị, thương nhân, và quần chúng nói chung.

Cũng hy vọng rằng nó sẽ có giá trị đối với đoàn du khách ngày càng gia tăng như một quyển sách hướng dẫn đến nhiều nơi mà mặc dù chúng nằm ngoài lộ trình thông thường, sẽ rất đáng để đến thăm viếng.

W. S.

Hong Kong

Tháng Tư, 1900

 

ĐÔNG DƯƠNG

Thuộc địa của Pháp tại Đông Dương nằm giữa 8 độ 30 phút và 23 độ 23 phút Bắc vĩ tuyến, và 97 độ 40 phút và 107 độ Đông kinh tuyên (Paris) và bao gồm thuộc địa Nam Kỳ (Cochin-China), các xứ bảo hộ Căm Bốt, An Nam (Trung Kỳ), Đông Kinh (Tonkin tức Bắc Kỳ), và Lào, tất cả được đặt dưới sự chỉ huy của viên Toàn Quyền, người được phụ tá bởi “Thượng Hội Đồng Đông Dương” (Conseil Supérieur de l’Indo-Chine”).  Danh xưng kể sau là một bộ phận di động, được nhóm họp tại bất kỳ thị trấn chính yếu nào theo sự triệu tập của viên Toàn Quyền, nhưng Hà Nội, thủ đô của Bắc Kỳ, rõ ràng chiếm giữ ngôi thứ như vị trí trú đóng chính của cơ cấu hành chính.  Theo một sắc lệnh ngày 8 Tháng Tám năm 1898, Hội Đồng bao gồm Toàn Quyền, Chủ Tịch, Tổng Tư Lệnh Quân Đội, Tư Lệnh. Hạm Đội vùng Trung Hoa, Phó Toàn Quyền kiêm Thống Đốc Nam Kỳ, Các Thống Sứ Thường Trú tại Bắc Kỳ, Trung Kỳ, và Căm Bốt, một đại diện của chính quyền Lào, năm viên chức khác, Chủ Tịch Hội Đồng Thuộc Địa của Nam Kỳ, Chủ Tịch Các Phòng Thương Mại tại Sàigòn, Hà Nội, và Hải Phòng, Chủ Tịch Các Phòng Canh Nông của Nam Kỳ và Bắc Kỳ, Chủ Tịch Phòng Thương Mại và Canh Nông Hỗn Hợp của Trung Kỳ và Căm Bốt, và hai thành viên bản xứ được chỉ định bởi Toàn Quyền.  Toàn thể Hội Đồng nhóm họp mỗi năm một lần, và một điều khoản được đưa ra để thành lập một Ủy Hội thường trực nhằm đảm trách các công việc như thế có thể phát sinh giữa hai khóa họp.

Các châu thổ Nam Kỳ và Bắc Kỳ thì màu mỡ; Trung Kỳ, nối liền hai châu thổ, là một dải núi dài, với vùng duyên hải hẹp ở một bên, và một dải đồi dân cư thưa thớt, hoang vu vươn tới sông Mekong ở phía bên kia.  Gạo, bông vải, đường mía, hạt giống, thuốc lá, đồ gia vị, và cá, là các sản phẩm chính của những vùng đất phù sa. Các khoáng sản chính là than đá, có mỏ ở Tourane (Đà Nẵng), trên bờ biển Trung Kỳ, và tại Hòn Gai (Hongay) và Kebao [?] trên bờ biển Bắc Kỳ. Các khoáng sản khác, kể cả vàng, bạc, thiếc, đồng, chì, v.v… được nói là có hiện hữu tại vùng Bảo Hộ.  Các hải cảng chính là Hải Phòng tại Bắc Kỳ, Tourane (Đà Nẵng) và Thuận An (cho Huế) tại Trung Kỳ, và Sàigòn. Khí hậu nói chung nóng và ẩm. Một năm được chia làm hai mùa, mưa và khô.

Ngân sách tổng quát cho năm 1899 là $17,620,000 và các ngân sách địa phương như sau: – Bắc Kỳ, $3,993,639; Trung Kỳ, $1,845,835; Nam Kỳ, $4,550,000; Căm Bốt, $1.997,600; và Lào, $692,531; tạo thành số tổng cộng là $30,699,604.

Một khoản cho vay là 200.000 francs được các Nghị Viện Pháp chấp thuận dành cho việc kiến thiết đường xe lửa tại Đông Dương, và điều khoản cũng được đưa ra về một sự bảo đảm của Chính Phủ cho một tuyến dự phòng chạy sang Vân Nam, sẽ được xây dựng bởi một công ty tư nhân. Các tuyến xe hỏa được chấp thuận tại Đông Dương là: 1. Hải Phòng – Hà Nội – Lào Kay; 2. Hà Nội – Nam Định – Vinh; 3. Tourane (Đà Nẵng) – Huế – Quảng Trị; 4. Sàigòn – Thanhoa [Biên Hòa?] – Langbiang (Lâm Viên); 5. Mỹ Tho – Cần Thơ.

Dân số bao gồm ít nhất 17.000.000 người, phần lớn là người An Nam, người Căm Bốt và Lào, kế đó với dân số tương đương. Số người Trung Hoa vào khoảng 150.000, và người Âu Châu hơn 6.000 một chút. Dân Bắc Kỳ to cao và khỏe mạnh hơn dân Nam Kỳ, cũng thông minh và năng động hơn. Người Trung Hoa đã di dân với số lượng lớn vào phía nam Nam Kỳ, nơi họ chiếm được sự sở hữu gần như độc quyền các ngành công nghiệp và nền thương mại. Người dân Căm Bốt bản chất thờ ơ, và đã nhường bước cho người Trung Hoa và An Nam. Người Lào và người Mọi, bị trấn áp bởi những người láng giềng của họ, và bởi hệ thống quan lại của họ, thì lười biếng, nhút nhát và hay nghi ngờ. Người Mường, chiếm cứ tất cả lưu vực của sông Đen (River Noire, tức sông Đà) và sông Mã, thì đẹp đẽ và khỏe mạnh hơn người An Nam. Người Nùng (Nuns) giống người Trung Hoa [sic] và người Thổ (Thos) thuộc chủng tộc Khmer [sic, nguyên bản viết là Kmer, chú của người dịch].

Tổng số lực lượng của quân đội Pháp tại Đông Dương trong năm 1897 là 24.100 quân nhân.  Lực lượng bao gồm như sau: 3 trung đoàn thủy quân lục chiến, 4.800 binh sĩ; 5 tiểu đoàn lính lê dương  (lính nước ngoài đánh thuê: foreign legion), 3.600; 4 trung đoàn bộ binh bản xứ, 14.100; 6 khẩu đội pháo binh với binh sĩ Âu Châu, 800; và phụ lực quân pháo binh (Âu Châu), 500. Cũng cần bổ sung vào lực lượng kể trên các binh chủng yểm trợ và cảnh sát, mang tổng số lên tới 24.500 người, đặt dưới lệnh của một vị Tướng Cấp Sư Đoàn và hai chuẩn tướng cấp lữ đoàn. Cũng có tại Đông Dương một lực lượng dân quân bản xứ 10.000 người.

Mậu dịch của thuộc địa đang gia tăng một cách mau chóng, trị giá tăng lên từ 139.078.174 franc trong năm 1888 lên 205.231.545 franc trong năm 1897.  Số xuất cảng, có trị giá 67.665.437 franc trong năm 1888 lên thành 117.048.554 franc trong năm 1897.  Sản phẩm chính để xuất cảng là gạo, có 13.720.824 tạ (piculs) được chở đi trong năm 1897.  Tổng số nhập cảng lên tới trị giá là 39.388.286 franc trong năm 1888, và tới 51.922.684 franc trong năm 1897, sự gia tăng lớn lao chủ yếu là trong các hàng hóa nhập cảng từ Pháp, với trị giá gia tăng từ 9.687.119 franc trong năm 1888 lên 20.825.931 franc trong năm 1897, trong khi các số nhập cảng từ các nước ngoài chỉ tăng từ 29.701.167 franc lên 31.096.753 franc.  Trong mục khoản quan trọng về vải dệt theo khổ tiêu chuẩn (piece goods), dường như là món hàng chủ yếu phải chịu quan thuế biểu phân biệt nặng nề nhất, việc mua bán mau chóng trở thành độc quyền bởi người Pháp. Chính vì thế, sản phẩm trong năm 1888 thuộc loại này từ Pháp chỉ chiếm 1.944.138 franc, trong khi trong năm 1897 trị giá đã lên tới 10.662.422 franc, sản phẩm ngoại quốc mặt khác đã giảm từ 13.452.917 franc xuống còn 7.248.983 franc.

BẮC KỲ (TONKIN)

Từ cổ thời là một vương quốc độc lập, nhưng từ 1802 là một phần của An Nam, Đông Kinh (Tonkin) tọa lạc giữa Bắc vĩ độ 19 và 23, và Đông kinh tuyến ở giữa 102 độ và 108 độ 30 phút, giáp ranh phía bắc bởi Trung Hoa, phía tây bởi xứ Lào, phía nam bởi An Nam, và phía đông bởi Vịnh Bắc Bộ (Gulf of Tonkin). Vùng đất gần biển là một đồng bằng nhiều phù sa, được tưới nước tốt bởi nhiều con sông, và mang lại những con số thu hoạch lớn về gạo, trong khi mía, cây bông vải, các cây làm đồ gia vị, cây chàm, dâu nuôi tằm, và nhiều sản phẩm khác biệt khác cũng được nuôi trồng. Bắc Kỳ sở hữu nhiều mỏ giá trị về bạc, chì, chất antimon (antimony), và kẽm, và vàng và đồng cũng được biết có hiện hữu.  Các đặc nhượng được chuẩn cấp cho việc khai thác các mỏ than đá tại Kebao [?] và Hòn Gai (Hongay), và than có phẩm chất tốt từ Hòn Gai giờ đây phần lớn được xuất cảng. Theo bản Hiệp Ước ở Huế, ký ngày 6 Tháng Sáu năm 1884, Chính Phủ An Nam đặt Bắc Kỳ dưới một chế độ Bảo Hộ Của Pháp, và các công việc của nó được quản trị dưới sự giám sát của các Trú Sứ Pháp. Trong thực tế giờ đây nó thực sự là một Thuộc Địa của Pháp. Bắc Kỳ được chia thành 17 tỉnh, tức: Quảng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Hưng Hóa [trong nguyên bản ghi sai là Hong-hoa, chú của người dịch], Sơn Tây, Hà Nội, Ninh Bình, Hưng Yên, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, và Bố Chính.  Hà Nội, thủ đô, là thủ phủ của tỉnh có cùng tên gọi, và xuất hiện trên các bản đồ cổ là Kẻ Chợ (Ke-sho). Dân số được ước lượng từ 10 đến 12 triệu người. Một đường ray xe hỏa vài năm trước đây đã được xây dựng từ Phủ Lạng Thương đến Lạng Sơn, một khoảng cách dài hơn 100km, nhưng nó chỉ khá hơn đường xe điện một chút. Chiều rộng của đường ray này giờ đây được mở rộng từ 60cm lên 1 mét và nối dài xuống Hà Nội, một khoảng cách xa 45km, và một đặc nhượng đã được chuẩn cấp cho một sự nối dài hơn nữa từ Lạng Sơn sang tới Long Châu (Lungchow), trong tỉnh Quảng Tây của Trung Hoa.

Các số nhập cảng của Bắc Kỳ trong năm 1897 lên tới trị giá 31.540.958 franc, trong đó 14.732.857 franc là có nguyên gốc từ Pháp, và số xuất cảng là 19.803.948 franc. Số lượng gạo xuất cảng trong năm 1897 là 2.263.116 tạ.

HÀ NỘI

Hà Nội thủ đô của Bắc Kỳ, và nay là thủ phủ của Chính Quyền Đông Dương, tọa lạc trên sông Cái [trong suốt bài ghi là Songkoi, chú của người dịch], hay sông Hồng, cách cửa khẩu của nó gần 180km. Thành phố được xây dựng gần con sông, ở đây chiều ngang con sông rộng gần đến một dặm, và nhờ các hồ nước và cây cối rải rác, phô bày một vẻ khá ngoạn mục. Ngôi thành cổ chiếm giữ điểm cao nhất, và được bao quanh bởi một bức tường bằng gạch cao gần 3,7m và một hào nước. Nó gồm các doanh trại dành cho binh sĩ, kho vũ khí, đạn dược, v.v… và một Ngôi Chùa Hoàng Gia (Royal Pagoda) nằm bên trong tường thành. Phố cổ nằm ở giữa tòa thành và con sông, và các đường phố của nó mang lại một dáng vẻ khác lạ, nhờ ở kiến trúc độc đáo của các ngôi nhà.  Kể từ khi có sự chiếm đóng của người Pháp vào năm 1882, đã có những sự tu bổ lớn trong việc thiết trí thành phố và tạo lập các con lộ và các đường phố. Khu phố gần con sông nhất dần dần mang dáng vẻ thành phố Á Đông thuộc Pháp. Các đường phố mới rộng, dài, được trồng cây, và thắp sáng bằng điện, đã được xây dựng, trong đó Phố Rue Paul Bert là thông lộ buôn bán chính yếu, gồm các cửa hiệu Âu Châu, các khách sạn v.v…..  Tòa Thị Chính, Bưu Điện, Ngân Khố, Câu Lạc Bộ và Bục Hòa Nhạc (Band-stand) nằm sát Phố Bờ Hồ (Rue de Lac). Nhà Thờ Công Giáo, một công trình to lớn nhưng xấu xí, với hai tháp cao, tọa lạc tại một đường phố nằm phía sau Phố Rue Jules Ferry, lại vươn cao ngất ngưởng vì là kiến trúc dễ nhận ra từ phần lớn các nơi trong thành phố. Một bức tượng bằng đồng đẹp đẽ của Paul Bert được dựng tại Công Viên đối diện với Hồ Nhỏ (Petit Lac), và được khánh thành vào ngày 14 Tháng Bẩy năm 1890. Hồ Nhỏ [Hồ Gươm, Hồ Hoàn Kiếm] (Petit Lac) là một dải nước nằm giữa thành phố mới, mang lại vẻ đẹp như tranh bởi các ngôi đền lạ lùng chiếm ngụ các hòn đảo điểm họa cho nó. Các khách sạn khá tốt. Tại thành phố bản xứ, các đường phố được bảo trì rất tốt và rất sạch sẽ khi so sánh với phần lớn các thành phố phương Đông. Chúng đều được thắp sáng và khô ráo. Một số ngôi nhà trông rất kỳ lạ và đặc thù. Về các ngôi đền, ngôi chùa Đại Phật [?] (Grand Buddha?) bên bờ Hồ Lớn [Hồ Tây?] (Grand Lac), có lẽ là ngôi chùa quan trọng nhất, bởi nó chứa đựng một ngôi tượng của vị thánh bằng đồng vĩ đại [nhiều phần nói đến tượng đồng đặt tại đền Quan Thánh, bên Hồ Tây, chú của người dịch]. Một sân Đua Ngựa mới, mở cửa để sử dụng trong năm 1890, được tạo lập ngay bên ngoài thành phố mới.  Các cơ sở của viên Toàn Quyền và Tư Lệnh Quân Đội, Các Văn Phòng Chính Phủ, Nhà Thương, và một số kiến trúc công khác được đặt tại vùng trước đây là “Khu Đặc Nhượng” (Concession) gần bờ sông. Dân số trong năm 1897 là 102.700 người trong đó có 950 người Âu Châu, 100.000 người An Nam, 1.697 người Trung Hoa, và 42 người Ấn Độ.  Có vài tờ báo bằng tiếng Pháp được ấn hành trong thành phố. Các tàu chạy bằng hơi nước trên Sông Cái cho mãi đến tận Lào Kai, gần vùng biên cương với Vân Nam, và một hoạt động mậu dịch xuyên quá đang kể đang phát triển. Một đường xe hỏa nay đang được xây dựng từ Hà Nội đến Phủ Lạng Thương, nơi từ đó một tuyến đường chạy đến Lạng Sơn và vùng biên cương Trung Hoa. Một đặc nhượng đã được chấp thuận cho việc nối dài tuyến đường xe lửa cho đến Long Châu, trong tỉnh Quảng Tây [Trung Hoa].

HẢI PHÒNG

Đây là hải cảng vận chuyển tàu biển cho Hà Nội, Hải Dương và Nam Định, các trung tâm thương mại của Bắc Kỳ. Nó tọa lạc tại Bắc vĩ độ 20 độ 51 phút và Đông kinh độ 106 độ 42 phút trên cửa con Sông Cấm (Cửa Cấm), được nối liền bởi hai hay nhiều luồng hay các lạch nước với sông con sông vĩ đại, con sông thông đường từ Vân Nam ra tới Vịnh Bắc Việt, được gọi là Sông Cái. Thành phố Hải Phòng nằm cách hải đăng khoảng 25km. Hải đăng ở cửa vào con sông trên đảo Hòn Do [?], được nhìn thấy ở khoảng cách xa gần 10km.  Lối vào hải cảng bị ngăn trở bởi hai rào cản; rào cản bên ngoài bởi cát, bên trong bởi bùn. Hải Phòng tuy thế có thể tiếp cận được bởi các tàu có tầm nước từ khoảng 2 đến 2,5m.  Có rất nhiều nước tại con sông. Các tàu thả neo cách bờ khoảng 400m tại vùng nước sâu từ 12 đến 18m theo nhịp lên xuống của một lạch nước thông với Sông Cái. Các bờ của con sông thì cạn và chứa bùn phù sa, vì thế khiến thị trấn này cần đến nhân lực và phí tổn rất lớn để khai khẩn.

Hải Phòng chính danh tọa lạc ở cả hai bên bờ con lạch đã nói ở trên, và nằm giữa một vùng trồng lúa bị ngập nước trải rộng với đất lầy, nằm dưới thấp, bao quanh nó nhiều dặm, cảnh trí đơn điệu từ đằng xa được phá vỡ bởi các rặng đồi đá vôi thấp lởm chởm; và vượt quá các ngọn đồi này về phía bắc, cách xa khoảng 25m, là một rặng núi, ngọn cao nhất, được biết là Đại Thượng Đỉnh [?] (Grand Summit), có độ cao khoảng 1,5km. Phần lớn các kiến trúc bản xứ được xây dựng một cách tồi tàn bằng bùn, tre và rơm chiếu, nhưng một thị trấn Âu Châu được xây dựng đẹp đẽ với các đại lộ rộng rãi, được thắp sáng bằng điện, đã mọc lên, và đang mau chóng khoác màu sắc của một thành phố thịnh vượng. Khách Sạn Thương Mại (Hôtel du Commerce) là một kiến trúc lớn và đẹp đẽ, mái gấp cao vời của nó chế ngự mọi tòa nhà trong thị trấn. Có một nhà thờ thuộc Phái Bộ Công Giáo La Mã. Một bến đậu nhỏ và một số cầu tàu cùng nhà kho xinh xắn đã được lập. Một Vườn Hoa Công Cộng với một diện tích khá bị giới hạn, có bục hòa nhạc ở giữa, đã được trải ra một cách ngăn nắp ở cuối Đại Lộ Boulevard Paul Bert. Câu Lạc Bộ Thương Mại, một Hội được quản trị một cách chu đáo, được đặt trên Đại Lộ Boulevard Paul Bert, nơi cũng có tọa lạc Câu Lạc Bộ Banian [?], một Hội giàu có khác. Sân Đua Ngựa nằm cách thị trấn khoảng một dặm trên đường [dẫn đến] Đồ Sơn. Có một số tờ báo được ấn hành trong trị trấn. Dân số của Hải Phòng trong năm 1897 là 18.480 người, trong đó 900 là người Âu Châu, 5500 người Trung Hoa, 12.000 người An Nam, 35 người Nhật Bản, và 45 người Ấn Độ.  Một tuyến thường lệ bằng tàu hơi nước chạy trên sông được duy trì giữa Hà Nội và Hải Phòng bởi Công Ty Messageries Fluviales. Hải Phòng được nối liền bời đường dây điện tín ngầm dưới nước với Sàigòn và Hồng Kông. Thị trấn có đèn điện.

 

TRUNG KỲ (AN NAM)

Vương quốc An Nam, cũng gồm cả vương quốc cổ thời ở Bắc Kỳ, được chinh phục và sáp nhập bởi Vua Gia Long của An Nam năm 1802, giáp ranh về phía đông bởi Vịnh Bắc Việt và Biển Trung Hoa (China Sea?), phía tây bởi Xiêm La, Căm Bốt và các bang quốc người Shan (Shan States), phía bắc bởi các tỉnh Vân Nam và Quảng Tây của Trung Hoa, và phía nam bởi Nam Kỳ (Cochin-China). Nó được đặt dưới sự bảo hộ của Pháp. An Nam chính danh là một dải đất hẹp nằm giữa biển và núi non, lãnh thổ vượt quá nó bị chiếm ngụ bởi các bộ lạc bản địa thực sự độc lập. An Nam đối với Bắc Kỳ, trong cách nói của dân bản xứ, như vòng thắt eo lưng của chiếc áo chẽn, vùng đất là một lãnh thổ to rộng và phì nhiêu. An Nam chính danh là một vùng đất tương đối nghèo, lệ thuộc một phần sự tiếp tế lúa gạo từ Bắc Kỳ. Dân số An Nam không biết chắc, nhưng kể cả Bắc Kỳ, có thể ước lượng đại khái vào khoảng 20 triệu.  Vua Thành Thái, lên ngôi năm 1897.  Số nhập cảng của An Nam trong năm 1897 lên tới 4.719.349 franc, và số xuất cảng là 2.552.919 franc.

HUẾ

Huế, kinh đô của vương quốc An Nam, tọa lạc bên một dòng sông nhỏ, hiếm khi có thể hải hành được mang tên là Tràng Tiền, và được người Pháp gọi là con sông Huế, thoát ra trên bờ biển ở khoảng Bắc vĩ độ 16 độ 29 phút và Đông kinh tuyến 107 độ 38 phút. Huế là một thành phố có tường thành bao quanh và được xây cất theo các đường nét tương tự như một thị trấn Âu Châu được gia cố phòng thủ của thế kỷ thứ mười bẩy. Nó bao gồm hai phần khác nhau – thành phố chính danh và các khu phụ cận. Thành phố chính danh đặt giữa một hòn đảo vuông vắn, phân cách với các vùng phụ cận ở ba mặt bởi một con sông và mặt thứ tư bởi một kênh đào. Nó được phòng vệ bởi một hàng rào công sự (enceinte) bao quanh được gia cố, có chu vi là sáu cây số, được xây cất bởi các kỹ sư người Pháp theo hệ thống thiết kế kiểu Vauban, và có sáu cổng lớn. Bên trong hàng rào này là nơi tất cả các quan chức Chính Quyền cư ngụ. Các bức tường được xây bằng gạch và rất cao. Bên trong hàng rào vòng ngoài là tòa thành, được xây tương tự nhưng ít gia cố hơn, và có tám thay vì sáu cổng. Văn phòng của Lục Bộ nằm trong khu vực này, cũng như Thư Viện, Quốc Tử Giám (Mandarins’ College), Các Tòa Án Tư Pháp, Khâm Thiên Giám, và nhiều doanh trại và kho vũ khí khác nhau. Dinh của Hội Đồng Nhà Nước (Council of State), và nhiều công thự khác, tất cả đều là các cơ quan chính thức, nằm bên trong hàng rào thứ nhì này.  Đằng sau các tòa nhà này là một bức tường bằng gạch, băng ngang qua suốt tòa thành, chia cắt nó hoàn toàn thành hai phần.  Bức tường này, bao quanh các cung điện hoàng triều và hậu cung, có ba cổng; ở trung tâm có kiến trúc của một ngôi chùa, được thếp vàng và tô điểm với những nét chạm khắc tỉ mỉ. Phần lớn các ngôi nhà và ngay cả các công ốc tại Huế, tuy thế, rất tầm thường và cần nhiều sự sửa chữa. Cung điện Hoàng Gia, giống như cung điện tại Bắc Kinh, được lợp mái màu vàng, mái nhà của các quý tộc có màu đỏ. Dân số của thành phố và các vùng ngoại ô được ước lượng là 100.000 người, trong đó có 800 người gốc Trung Hoa. Những người Âu Châu duy nhất là viên Trú Sứ Pháp, nhân viên của ông ta, và lực lượng phòng vệ, gồm 300 lính Pháp. Cửa của con sông Huế được phòng vệ bởi các đồn quân sự, đã bị chiếm giữ bởi người Pháp hồi Tháng Tám, 1883, khi Chính Quyền Huế đầu hàng tức thời.

CÁC TỈNH CỦA AN NAM

ĐÀ NẴNG (TOURANE)

Hải Cảng Đà Nẵng tọa lạc khoảng 65km về phía đông nam của Huế, kinh đô của An Nam, nhưng bởi Cồn Cát Thuận An, nó chỉ có thể được tiếp cận bằng đường biển bởi tàu lớn trong vòng sáu tháng mỗi năm, từ cuối Tháng Ba đến cuối tháng Chín.  Đường bộ từ Huế, dài khoảng 110km, xuyên qua đèo của rặng núi Mây (Hải Vân) và là một con đường dễ đi lại cho người dùng ngựa hay đi bộ. Khu vịnh rộng lớn của Đà Nẵng được bao quanh bởi các ngọn đồi và mang lại chỗ thả neo cho những chiếc tàu lớn nhất. Các phương tiện vận tải của Chính Phủ, và các tàu chạy bằng hơi nước của Công Ty Hàng Hải Quốc Gia (Compagnie Nationale de Navigation) và của công ty Messageries Maritimes tìm thấy một nơi thả neo ở đây trong mọi tình huống thủy triều lên xuống và trong mọi thời tiết. Sông Đà Nẵng, có nguồn phát sinh từ các ngọn núi phía bên trong nội địa, đổ nước vào Vịnh. Nó chỉ có thể hải hành cho các thuyền nhỏ hay thuyền buồm, theo đó sự giao thông với các tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi được thực hiện. Thị trấn, được xây dựng kỹ lưỡng, trải dài khoảng hơn 3km dọc theo tả ngạn của con sông. Nó bao gồm nhiều công thự, kể cả Tòa Trú Sứ Pháp, một Bệnh Viện Quân Đội xinh xắn, các Doanh Trại rộng rãi và thoáng khí, Cơ Sở Quan Thuế, Ngân Khố, Bưu Điện và Các Văn Phòng Thị Chính, cũng như một số cơ sở kinh doanh được sắp đặt ngay ngắn, trong đó có thể nói đến Ngân Hàng Đông Dương, Ty Trồng Nha Phiến (Opium Farm), văn phòng công ty Messageries Maritimes, Khách sạn Gassier Hôtel, Khách Sạn Courbet Hotel, v.v…  Các Ngôi Chợ, được xây bằng gạch và đá, thì rộng lớn và gồm vài trăm quầy bán hàng. Bên hữu ngạn con sông cũng có một số tòa nhà, nằm trong khu đặc nhượng của người Pháp. Một xưởng se lụa được thiết lập ở đó. Đi bộ khoảng 25 phút từ khu vực này dẫn đến làng Mỹ Khê, cũng là tên được dùng cho bãi biển đẹp đẽ được dân Âu Châu thăm viếng nhiều. Mậu dịch của Đà Nẵng thì đáng kể, và nhiều tàu chạy bằng hơi nước mỗi tháng đến từ Hồng Kông, khi quay trở về chất đầy hàng hóa về đường mía, mây, tre, hạt cau, lụa, cây ba đậu (cassia), v.v…  Các công ty Messageries Maritimes và Compagnie Nationale de Navigation có các đại lý tại Đà Nẵng, và các tàu của các công ty này, cùng với các tàu đến từ Hồng Kông, mang lại tổng số khoảng một tá tàu cập bến hải cảng mỗi tháng. Ngoài các tàu này, một số lượng lớn các thuyền buồm đi biển [người Trung Hoa gọi là dương thuyền, chú của người dịch] từ Trung Hoa, Hải Nam, và các hải cảng của An Nam, Bắc Kỳ, và Nam Kỳ thực hiện một mậu dịch tích cực và đáng kể các sản phẩm của xứ sở. Trà, cà phê, và cây dâu nuôi tằm được canh tác trên một quy mô rộng lớn tại vùng lân cận, và có nhiều đồn điền được sở hữu bởi người Âu Châu. Cuộc du hành bằng thuyền chưa tới một tiếng đồng hồ từ thị trấn dẫn đến các Ngọn Núi Đá Cẩm Thạch (Marble Mountains), một đối tượng cho sự chú ý của các du khách, những người không thể nào đi ngang qua Đà Nẵng mà lại không đến thăm chúng. Dân số của Đà Nẵng trong năm 1897 là 4650, trong đó có 100 người Âu Châu, 50 người Trung Hoa, và 4500 người An Nam.

QUI NHƠN

Qui Nhơn được mở cửa cho ngoại thương chiếu theo sự ký kết hiệp ước giữa Pháp và An Nam, được ký vào Tháng Ba, 1874. Nó tọa lạc bên bờ biển An Nam ở khoảng Bắc vĩ độ 13 độ 54 phút và Đông kinh độ 109 độ 20 phút. Lối vào hải cảng bị ngăn trở bởi một cồn cát, tuy nhiên có thể băng ngang qua được bởi bất kỳ tàu nào có tầm nước không quá khoảng 4,8 đến 5m.  Các sản phẩm chính để xuất cảng là muối, lụa, nhiễu, các hạt đậu, dầu và bánh đậu phông, đường mía v.v….  Dân số của tỉnh là một triệu người; trong đó của hải cảng là 3000 người, gồm cả 20 người Pháp dân sự. Vùng đất được trồng trọt tốt, và các viễn ảnh thương mại của hải cảng được cải thiện mỗi năm. Một hoạt động mậu dịch đáng kể được thực hiện, chính yếu là với Hồng Kông, Hải Phòng, Sàigòn, Singapore, và Bangkok. Hoạt động mậu dịch hiện giờ chính yếu nằm trong tay người Trung Hoa.

 

NAM KỲ (COCHIN-CHINA)

Nam Kỳ là thuộc địa của Pháp. Tỉnh Gia Định, trong đó Sàigòn là hải cảng chính, bị chinh phục bởi hạm đội Pháp-Tây Ban Nha vào ngày 17 Tháng Hai năm 1859, nhưng Miền Hạ Lưu Nam Kỳ (Lower Cochin-China) (bao gồm các tỉnh Gia Định, Biên Hòa và Mỹ Tho, và đảo Côn Sơn (Pulo Condor) chưa thực sự bị chiếm đóng cho đến năm 1862, khi nó được chính thức chuyển nhượng theo hiệp ước; trong năm 1867 ba tỉnh nữa bị chinh phục bởi người Pháp và bổ sung vào phần sở hữu của họ, tức các tỉnh Châu Đốc, Hà Tiên và Vĩnh Long.  Các ranh giới thực sự của Nam Kỳ giờ đây như sau: ở phía Bắc là các vương quốc An Nam và Căm Bốt, ở phía Đông và Nam là Biển Trung Hoa [sic] (China Sea), ở phía Tây là Vịnh Xiêm La và Căm Bốt.

Thuộc địa Nam Kỳ được chia thành bẩy tỉnh lớn, bao gồm cả thảy 21 mốt khu thanh tra. Ngoài Sàigòn, là thủ đô của Nam Kỳ, đồng thời là thủ phủ của tỉnh Gia Định, các thị trấn chính yếu khác mang tên tỉnh liên hệ của chúng, tức Biên Hòa, Mỹ Tho, Châu Đốc và Hà Tiên. Lãnh thổ là một đồng bằng bao la với các ngọn đồi nhỏ ở phía Tây và một số ngọn núi ở phía Đông và phía Bắc; ba ngọn núi cao nhất là Batlen [?] cao 884 mét, Baria 493 mét, và các núi Mai [?] cao 550 mét và 600 mét. Các con sông chính là hai sông Vaico [?, Vàm cỏ], sông Sàigòn, và sông Đồng Nai. Các phần thuộc hạ lưu Nam Kỳ được chia cắt bởi các lạch nước nhỏ hay các con kênh (arroyos) đem lại sự giao thông dễ dàng và mau lẹ cho mọi miền của lãnh địa. Nhiều kênh đào mới được khai mở gần đây. Con sông Mekong hùng tráng, đổ xuống từ các ngọn núi ở Tây Tạng, sau khi chảy xuyên qua các lãnh thổ khác nhau, băng ngang Căm Bốt, tiến vào các tỉnh hạ lưu của Nam Kỳ, bởi hai nhánh, và tự nó đổ ra biển Trung Hoa [sic] ở năm [sic] cửa khẩu lớn được gọi lần lượt là Cửa Tiểu, Cửa Ba Lai, Cửa Cổ Chiên, Cửa Định An và Cửa Ba Tắc.

Sản phẩm chính của Nam Kỳ là gạo. Lúa gạo được trồng tại hầu hết mọi tỉnh trừ một vài quận hạt ở phía bắc. Sau loại ngũ cốc quan trọng này, các sản phẩm chính là mía đường, dâu nuôi tằm, hạt tiêu, hạt cau, bông vải, thuốc lá, và ngô (bắp). China-grass [?, không rõ chỉ loại thảo mộc hay thực vật nào, chú của người dịch], vừng (mè: sesamum, tiếng La Tinh trong nguyên bản, chú của người dịch), cây thầu dầu (palma-christi), cây chàm, cây nghệ (saffron), cánh kiến (gum-lac), gỗ vang (sapan wood), và cây canh-ki-na (cinchona) cũng hiện diện với số lượng khá lớn, cùng với nhiều loại sản phẩm ít quan trọng khác.

Các mỏ muối chính nằm tại tỉnh Bà Rịa. Các khu rừng chứa khối lượng lớn gỗ tốt, và đầy rẫy cho trò săn bắn với gần đủ mọi loại thú vật, trong số đó có thể nêu tên các con voi, tê giác, hổ, nai, heo rừng, và linh dương (elands), trong khi với các con vật có lông có thể kể đến công, gà gô, chim mỏ nhác (snipe), chim rẽ gà (woodcock), gà rừng hay gà hoang, gà lôi v.v…  Các con sông và các lạch nước nhung nhúc cá đủ loại và cá sấu có nhiều ở một số sông rạch.

Tại các thủ phủ của mỗi tỉnh đều có một tòa thành có binh sĩ đồn trú đầy đủ, và nhiều đồn quân sự trong nội địa duy trì và canh chừng an ninh của các cư dân.  Người An Nam là một chủng tộc dành sức chính yếu cho nghề nông; họ không chịu khó như người Trung Hoa và là các nhà buôn bán thờ ơ. Người Trung Hoa nắm giữ tỷ lệ lớn nhất các hoạt động mậu dịch trong tay họ.

Toàn thể các thuộc địa Pháp giờ đây được tập hợp dưới danh xưng Đông Dương (Indo-China), và gồm có thuộc địa Nam Kỳ (Cochinchina) và các xứ bảo hộ Bắc Kỳ (Tonkin), Trung Kỳ (An Nam) và Căm Bốt [và Lào, chú của người dịch], và được đặt dưới sự kiểm soát của viên Toàn Quyền, thường cư trú tại Bắc Kỳ. Chính phủ Nam Kỳ được điều hành bởi một viên Phó Toàn Quyền, được trợ giúp bởi một Cơ Mật Viện (Privy Council) bao gồm tất cả các vị Lãnh Đạo Các Bộ là các thành viên chính thức cùng nhiều thành phần không chính thức khác.  Hội Đồng Thuộc Địa Nam Kỳ, một số hội viên được bầu cử bởi các cư dân, gồm 16 thành viên, sáu người trong đó là người bản xứ. Các thành phố Sàigòn và Chợ Lớn được cai trị bởi Các Hội Đồng Thành Phố, với các thành viên của Hội Đồng một phần là người Pháp và phần kia là người bản xứ. Phòng Thương Mại tại Sàigòn cũng là một cơ quan chính thức được tuyển chọn bởi các thương nhân và các nhà mậu dịch; trước kia nó bao gồm người Pháp, các ngoại kiều và người Trung Hoa, nhưng trong năm 1896 hiến chương của nó được thay đổi, và giờ đây nó là một cơ quan chỉ còn người Pháp thôi.

Dân số của Nam Kỳ trong năm 1897 là 2.126.935, trong đó có 1.860.872 người An Nam, 172.231 người Căm Bốt, 74.210 người Trung Hoa, 4490 người Âu Châu (không kể các binh sĩ) và phần còn lại là người Ấn Độ, Mã Lai, và Mọi.

Các số nhập cảng của Nam Kỳ và Căm Bốt gộp chung lên tới trong năm 1897 là 51.922.684 franc, trong đó 20.825.931 franc là của hàng hóa gốc từ Pháp, và các số xuất cảng là 94.691.687 franc. Số lượng gạo xuất cảng trong năm 1897 là 10.555.804 tạ, và trong năm 1898 là 11.277.770 tạ.  Số tàu của mọi nước đã thông quá từ Sàigòn trong suốt năm 1898 là 351 chiếc, với trọng tải là 443.655 tấn; cộng với các tàu chạy bằng hơi nước của các công ty Messageries Maritimes, Messageries Fluviales, và Compagine Nationale, tổng số là 541 tàu và trọng tải là 714.875 tấn.  Các tàu của Anh Quốc chiếm 155 chiếc, với trọng tải là 215.735 tấn, hay khoảng một nửa trọng tải được thuê vận chuyển.

SÀIGÒN

Sàigòn, thủ đô của Nam Kỳ, tọa lạc bên sông Sàigòn, một nhánh của sông Đồng Nai, ở Bắc vĩ độ 10 độ 50 phút và Đông kinh độ 104 độ 22 phút. Nó cách Vũng Tàu [Cape St. James trong tiếng Anh, Cape St. Jacques trong tiếng Pháp, chú của người dịch] và có thể được tiếp cận bởi những chiếc tàu lớn nhất.  Kể từ khi có sự chiếm đóng của người Pháp, môi trường đã trải qua một sự biến đổi rất thuận lợi, nhờ ở các công trình vệ sinh khác nhau trong thị trấn, chẳng hạn như các ống thoát nước, việc san lấp các ao hồ, đầm lầy, v.v… Thị trấn phơi bày một dáng vẻ xinh đẹp, các đường lộ và lối đi được mở rộng và sắp đặt ngăn nắp. Trong số các công thự, Dinh Chính Phủ đáng kể nhất; nhiều triệu đồng franc đã được chi tiêu cho việc xây dựng và trang trí tòa nhà. Các công thự nổi bật khác là Dinh mới của viên Phó Toàn Quyền, Trụ Sở Bưu Điện mới và đẹp đẽ tại Công Trường Thánh Đường,  Nhà Quan Thuế, “Nha Nội Vụ”, Ngân Khố, Văn Phòng Điền Thổ, Ban Công Chánh, các Trường Học, và Tòa Án Tối Cao. Bệnh Viện Quân Đội là một kiến trúc đẹp và tốt, cũng như Kho Vũ Khí, Các Doanh Trại, và Công Viên Pháo Binh. Cũng có một Thánh Đường kiểu Gô Tích trang nghiêm với các kích thước to lớn. Một bức tượng bằng đồng xinh đẹp của Gambetta được đặt trên Đại Lộ Norodom. Sàigòn có hai công viên, “Vườn Của Thành Phố” (Jardin de la Ville) được bảo dưỡng với phí tổn của Thành Phố, và Vườn Bách Thảo” (Botanical Garden). Có chỗ cho tàu cập bến tốt, Bến Tàu Bassin de Radaub là một trong các bến tàu tốt nhất trên thế giới, có khả năng tiếp nhận các chiến thuyền lớn nhất, và có hai dàn nâng tàu nổi. Có hai nhà máy xay lúa chạy bằng hơi nước. Dân số Sàigòn trong năm 1897 là 32.561 người (không kể các lực lượng Hải Quân và Quân Đội, khoảng 1200 đến 1500 người).  Dân số người Pháp là 1753 người và 207 người Âu Châu khác.

Các tàu hơi nước của hãng M.M. ghé bến Sàigòn hai lần mỗi tháng trên các chuyến hải hành đi và về.  Sự truyền tin dễ dàng được cung cấp cho các thị trấn chính trong nội địa bởi các tàu chở thư chạy bằng hơi nước được trợ cấp, và có một đường ray xe lửa chạy đến Mỹ Tho. Tất cả các thị trấn chính yếu của Nam Kỳ đều có sự truyền tin bằng điện tín, một đường dây cáp ngầm dưới nước nối liền thuộc địa với Singapore, Hồng Kông, Hải Phòng,v.v….  Tổ chức bưu điện của Thuộc Địa rất đầy đủ và hữu hiệu; các thư tín có thể được gửi đi hàng ngày đến hầu hết mọi phần của xứ sở. Tờ Công Báo (Journal Officiel) được xuất bản hai lần mỗi tuần, và thường có một hay hai tờ báo được ấn hành, nhưng chúng thường xuyên thay đổi tên báo của chúng, và dẫn đến sự hiện diện không liên tục. Tờ Gia Định Báo là ấn bản bản xứ của tờ Công Báo.

CHỢ LỚN

Thị trấn này, cách Sàigòn bốn dặm, được nối liền bởi hai đường xe điện hơi nước, là địa điểm của phần lớn mậu dịch Trung Hoa tại Thuộc Địa. Chợ Lớn có thể nói là vựa lúa gạo của Nam Kỳ, và là địa điểm của nhiều hoạt động thương mại. Phần lớn các nhà máy xay lúa tọa lạc tại nơi đây, không ít hơn sáu nhà máy vận hành bằng hơi nước, và có vài nhà máy làm gạch lớn. Thị trấn, giống như Sàigòn, có một Hội Đồng Thành Phố, bao gồm một phần người Pháp, phần kia là người An Nam và Trung Hoa. Dân số vào năm 1897 là 67.712 người.

 

CĂM BỐT

Căm Bốt, trước đây được gọi là vương quốc Khmer, trải dài từ Đông kinh tuyến của Paris từ 101 độ 30 phút đến 104 độ 30 phút và từ vĩ độ 10 độ 30 phút đến 14 độ. Nó bị cắt giảm đến các kích thước hiện nay trong năm 1860 bởi sự sáp nhập hai tỉnh giàu có nhất của nó, Angkor và Battambang, vào Xiêm La. Diện tích của nó khoảng hơn 160.000km2. Nó được bao bọc về phía tây nam bởi Vịnh Xiêm La, phía đông nam bởi Nam Kỳ thuộc Pháp, phía bắc bởi Lào thuộc Pháp, và phía tây bắc và tây bởi Angkor và Battambang. Con sông Mekong cao cả chảy xuyên qua vương quốc, và sau khi băng ngang Nam Kỳ thuộc Pháp, tự nó đổ nước, qua một số cửa khẩu, ra biển. Sông Mekong là thủy lộ lớn lao của Căm Bốt, và giống như con sông Nile ở Ai Cập, nhấn chìm phần lớn xứ sở dưới nước hàng năm, làm gia tăng một cách vĩ đại sự màu mỡ của nó. Thổ nhưỡng của Căm Bốt thì phì nhiêu và nhiều hiệu năng, và gạo, hạt tiêu, cây chàm, bông vải, thuốc lá, mía đường, ngô, và cây bạch đậu khấu được trồng trọt.  Cà phê và đủ mọi loại đồ gia vị có thể tăng trưởng. Trong số lâm sản, gỗ mun, gỗ hồng mộc, gỗ vang, thông, thiết mộc, và các loại gỗ quý khác có hiện diện, không dưới tám mươi loại cây gỗ khác nhau được tìm thấy trong các khu rừng.  Kim loại có phẩm chất tốt được khám phá, và điều được xác nhận rằng có các mỏ vàng, bạc và chì ở các vùng núi. Ngư nghiệp của Căm Bốt rất hiệu quả, và cá muối tạo thành một trong các món chính yếu của số xuất cảng.

Căm Bốt từng có thời là một quốc gia rộng lớn và hùng mạnh và các bằng chứng cho thấy rằng nó đã có một nền văn minh cao hơn nhiều so với trình độ hiện hành tại xứ sở sẽ được tìm thấy nơi các di tích kiến trúc của sự vĩ đại trước đây. Các phế tích huy hoàng của thành phố cổ xưa Angkor là các công trình của một dân tộc ưu việt hơn nhiều sắc dân suy yếu hiện đang cư ngụ tại Căm Bốt. Người Căm Bốt khác biệt hoàn toàn với láng giềng của họ, người An Nam, cả về các tính chất lẫn phong tục. Chế độ đa hôn được thực hành trong họ. Tôn giáo thịnh hành là Phật Giáo. Người dân thì hờ hững và lười biếng, và đã để mậu dịch rơi vào tay người Trung Hoa, có khoảng 160.000 người trong nước. Toàn thể dân số của vương quốc trong năm 1893 là 1 triệu người. Tình trạng nô lệ, kể từ khi bị xóa bỏ bởi Hiệp Ước với Pháp năm 1884, hầu như đã hoàn toàn biến mất.

Chính quyền của Căm Bốt là một chế độ quân chủ, nằm dưới sự bảo hộ của Pháp. Nhà vua hiện tại, Somdach Pra Maha Norodom, kế vị cha ông là Vua Ang Duong vào năm 1860. Trong Tháng Sáu 1884, Norodom đã ký một hiệp ước mới với Pháp, theo đó nền hành chính đất nước được trao cho các trú nhân người Pháp. Kể từ định ước năm 1892, các công chức bản xứ được bổ nhiệm bởi nhà vua, dưới sự kiểm soát của Cơ Cấu Hành Chính của Pháp, và được trả lương từ ngân khố của vương quốc này.

Pnom Penh, kinh đô hiện thời của Căm Bốt, và nơi đặt Chính Quyền, tọa lạc bên con sông Mekong, gần trung tâm của vương quốc. Cung điện nhà vua là một kiến trúc lớn, và khu vực dành cho ông sử dụng được xây cất và trang bị theo kiểu Âu Châu.  Các xưởng tàu hơi nước của nhà vua, kèm theo bên cung điện, được quản đốc bởi các kỹ sư hải quân Pháp. Các công chức Pháp đảm trách ngân khố, quản trị tư pháp, quan thuế, công chánh và thuế vụ. Pnom-penh được cải thiện đáng kể dưới chế độ hiện nay, đặc biệt từ năm 1889.  Nhiều đường lộ được tạo lập và nhiều công trình vệ sinh được thực hiện trong thành phố, chẳng hạn như các công trình thoát nước, san lấp ao hồ, đầm lầy v.v…  Ngân Khố mới, theo kiểu kiến trúc Khmer cổ xưa, là toà nhà đáng kể nhất. Các công thự nổi bật khác là Bưu Điện, Bệnh Viện, Văn Phòng Đăng Ký và Nhân Viên, Ủy Hội Cảnh Sát, các doanh trại mới dành cho Thủy Quân Lục Chiến, Văn Phòng Công Chánh, Bảo Tàng Viện Thương Mại, Văn Phòng Hải Cảng, và các cơ quan của Ngân Hàng Đông Dương và công ty Messageries Fluviales. Viên Thống Sứ có một cư sở đẹp đẽ trong thành phố. Dân số của Pnom-penh được ước lượng là 39.000. Mặc dù đất nước nói chung hoàn toàn kém phát triển, mậu dịch hiện nay đang mở rộng một cách đáng kể. Căm Bốt không có các cảng biển ở tầm quan trọng nào, và mậu dịch nhập cùng xuất cảng đều thông qua hải cảng Sàigòn. Các sắc thuế quan được áp đặt kể từ Tháng Bẩy năm 1887, với các khoản miễn trừ thuận lợi cho các sản phẩm và sự vận tải bằng tàu của Pháp.  Quan thuế biểu được dựa trên thuế biểu tổng quát của Pháp, có sửa đổi một số điểm nào đó.  Hải cảng ở Kampot chỉ có thể được lui tới bởi các thuyền cận duyên bản xứ nhỏ từ Xiêm La hay bởi các thuyền buồm Trung Hoa. Sự thông tin dễ dàng được cung cấp cho các thị trấn chính yếu trong nội địa, Sàigòn, Angkor, và Battambang, cùng Stung-treng và Khone ở Lào, bằng các tàu chở thư tín chạy bằng hơi nước được trợ cấp của hãng Messageries Fluviales. Thông tin bằng điện tín hiện diện giữa các thị trấn chính yếu của Căm Bốt, và một đường dây trên đường bộ ngang qua Căm Bốt và Lào nối liền Nam Kỳ với Bangkok và Tavoy (Miến Điện)./-

_____

NguồnSmith D. Warres., chương về Indochina, European Settlements in The Far East, New York: Charles Scribner’s Sons, 1900, các trang 221-238.

 

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN