Vấn đề Bắc Kỳ hay Pháp tại vùng Viễn Đông

Tác giả: C. B. Norman, Đại Úy Ban Tham Mưu Bengal và Đoàn Quân Khinh Binh 90

Người dịch: Ngô Bắc

Lời Người Dịch:

Dưới đây là các đoạn trích dịch phần Đề Tựa và chương về Địa Dư, Phong Tục Của Bắc Kỳ và Tính Bất Thích Hợp Để Thuộc Địa Hóa trong tác phẩm nhan đề “Tonkin or France In The Far East” của C. B. Norman, sĩ quan tham mưu của quân đội Anh tại vùng vịnh Bengal. Tác phẩm này được xuất bản tại London vào năm 1884, không lâu sau khi Pháp chiếm cứ nốt Bắc Kỳ và đặt ách thực dân lên toàn thể Đông Dương. Đây là một trong các tác phẩm của Anh Quốc vào thời điểm cực thịnh của chủ nghĩa thực dân Âu Châu; không ít điều đề cập đến Việt Nam không được xác thực hay không được dẫn chứng có thể chứng thực, nhưng quyển sách lại chất chứa những sự chỉ trích mạnh mẽ nhất đối với những gì người Pháp đang thi hành tại Việt Nam khi đó.

ĐỀ TỰA
Trong vài tháng qua nước Pháp bị tràn ngập bởi một trận mưa rào các tác phẩm liên quan đến vấn đề Bắc Kỳ (Tonkin). Không tác phẩm nào trong số này – và tôi nghĩ tôi đã đọc kỹ gần như mọi đọan văn viết về chủ đề này — mà tôi lại khám phá ra được bất kỳ triệu chứng nào của sự kinh ngạc, bất kỳ sự biểu lộ nào của sự bài xích, về đường lối được Chính Phủ Cộng Hòa [Pháp] chấp nhận trong chính sách chính trị hay quân sự của mình. Công luận Pháp và báo chí Pháp xem là chuyện đương nhiên rằng các Bộ Trưởng Ngoại Giao của họ mắc tội gian dối và các chỉ huy quân sự của họ mắc tội độc ác. Không có lời quở mắng nghiêm khắc nào được gửi đến ông Ferry vì điện tín sai lạc liên quan đến sự phủ nhận bởi Chính Phủ Bắc Kinh của Hầu Tước họ Tseng (Tăng), hay để lôi Đô Đốc Courbet hay Tướng Bouet ra khiển trách vì việc họ hành quyết hàng loạt tù binh. Ngược lại, các tác giả Pháp lại ca ngợi các hành vi thái quá này, “Pas de quartier pour ces brigands qui ont assassin les notres! Quant aux mandarins qui nous ont trahis, il faut en faire une razzia complète et les fusiller sans pitié!” [tiếng Pháp trong nguyên bản, chú của người dịch] Loại ngôn từ như thế được chấp nhận bởi một dân tộc đóng vai quán quân của nền văn minh và của đạo Cơ Đốc.
Cuộc tranh chấp giữa Pháp và Trung Hoa khiến chúng ta quan tâm không ít; sau rốt chúng ta sẽ phải can dự hoặc như một kẻ điều giải hay như một đồng minh. Để duy trì hòa bình thế giới và mối giao kết thân thiện (entente cordial) đang hiện hữu giữa văn minh Tây Phương với Văn minh Đông Phương, điều khôn ngoan hơn là sự can thiệp của chúng ta phải được diễn ra tức thời. Một khi những chú chó hiếu chiến đã được thả ra, sẽ thật khó để bắt chúng chúng trở lại, và sự điều giải của chúng ta khi đó sẽ không mấy được đón nhận. Mọi quan sát viên vô tư đều đồng ý về đường hướng không thể biện minh được mà nước Pháp đang theo đuổi, không chỉ đối với An Nam mà còn đối với cả đảo quốc Madagascar. Trừ khi các Đại Cường Âu Châu nói chuyện một cách thẳng thắn với nước Pháp, những ngọn lửa chiến tranh mà Pháp đang nhóm lên tại các hải phận Phương Đông sẽ mau chóng lan sang phía tây, và chúng ta sẽ bị liên lụy vào một cuộc chiến mà với sự cương quyết hợp lý vào chính thời điểm này rất có thể cứu vãn được.
Cộng Hòa [Pháp] đang chơi trò chơi của một kẻ khoác lác. Nó cảm thấy rằng ngay chính sự sống còn của mình lệ thuộc vào việc nước Pháp được nuôi dưỡng bằng sự vinh quang, và các Bộ Trưởng của nó đắm mình vào các hy vọng hão huyền rằng gánh nặng đau đớn về thuế khóa sẽ bị lãng quên trong hào quang của một chiến dịch thành công. Nhưng chiến tranh nuôi dưỡng chiến tranh, và thất bại song hành với chiến thắng. Sedan đã là một hệ quả tất yếu của Mexico, liệu Sơn tây sẽ được trả thù tại Paris hay chăng?
Trong các trang kế tiếp, tôi sẽ gắng sức để thuật lại diễn tiến chân xác của vấn đề Bắc Kỳ. Tôi đã dẫn chứng phần lớn từ các văn thư chính thức, và để tránh việc tôi có thể bị tố cáo về các bản dịch xuyên tạc, tôi đã đưa ra nguyên bản thực sự một cách hoàn toàn tự nguyện. Từ cửa miệng của các viên Bộ Trưởng của chính mình, nước Pháp bị tố cáo vì sự bạo ngược, tham lam, độc ác, và vô lương tâm; và nếu tôi có thể mang sự cáo giác này đến bất kỳ ai hiện còn đang tin tưởng nơi sự thanh khiết và vô tư của các tư tưởng của Cộng Hòa Pháp, tôi cảm thấy được mãn nguyện.

B. NORMAN
ĐỊA DƯ & PHONG TỤC CỦA BẮC KỲ,
VÀ TÍNH BẤT THÍCH HỢP ĐỂ THUỘC ĐỊA HÓA

Bán đảo to lớn đó nằm ở phía đông vùng đất của người Ấn Độ, được biết đến bởi chúng ta qua danh xưng Vùng Xa Hơn Ấn Độ (Further India), bởi người Pháp qua tên gọi Indo-Chine, đã là một phần liên hợp của Đế Quốc Thiên Triều [sic], cho đến lúc khởi đầu thế kỷ thứ mười lăm. Từng bộ lạc một trong nhiều bộ lạc đã lần lượt tháo bỏ ách cai trị của Trung Hoa, và tự tập họp tại ba vương quốc riêng biệt, Miến Điện, Xiêm La, và An Nam, nhưng mặc dù các mối ràng buộc giữa Trung Hoa và các tỉnh hạt xa xôi của nó đã được nới lỏng, chúng không có nghĩa cắt rời; điều có lợi hỗ tương của chúng là sự liên hệ giữa chúng vẫn nên giữ tiếp tục, và mặc dù các vị chúa tể của các vương quốc mới thực sự độc lập, họ vẫn thỉnh thoảng gửi cống phẩm đến Bắc Kinh, và các nhà vua lên ngôi đòi hỏi sự thừa nhận các quyền hạn của họ.
Vương quốc An Nam tạo thành viền phía đông của bán đảo lớn rộng này, và Bắc Kỳ (Tonkin), như tên gọi của nó ám chỉ, là phần phía bắc của lãnh địa. Trước chiến dịch năm 1862, khi các tỉnh bên dưới bị chinh phục và sáp nhập bởi người Pháp, Vương Quốc An Nam bao gồm 31 tỉnh, các tỉnh này tạo thành ba nhóm khác biệt, mà để thuận tiện, có thể được phân chia ở đây như sau.
Miền Thứ Nhất hay Miền Nam, đôi khi được đặt trên là vùng Hạ Nam Kỳ, bao gồm các tỉnh Sàigòn, Biên Hòa, Mỹ Tho, Kulong [? Cửu Long], Châu Đốc [trong nguyên bản viết sai là Chandoc, chú của người dịch], và Hà Tiên. Trong các tỉnh này, ba tỉnh đầu tiên đã bị sáp nhập bởi Pháp chiếu theo các điều khoản của Hiệp Ước năm 1862, mà nhà vua đã bị cưỡng bách phải ký kết sau cuộc pháo kích và chiếm giữ Sàigòn. Ba tỉnh kể tên sau đã bị chiếm cứ và sáp nhập vài năm sau đó, nhưng lực lượng chủ lực chỉ thừa nhận sự chiếm đóng của họ sau khi bản Hiệp Ước với lời lẽ rất lỏng lẻo năm 1874 xác nhận nhường chúng cho Pháp.
Miền Thứ Nhì hay Miền Trung, giờ đây được gọi là An Nam. Miền này bao gồm mười hai tỉnh duyên hải nhỏ hẹp là Bình Thuận, Khán[h] Hòa, Phú Yên, Bìn[h] Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Quảng Đức [?], Quảng Tài [?], Quảng Bình, Hà Tĩnh, Ng[h]ệ An, và T[h]an[h] Hóa. Cho đến năm 1883, các tỉnh này vẫn còn thuộc quyền sở hữu không tranh cải của nhà vua; nhưng trong Tháng Tám năm đó, cuộc bắn phá và chiếm đóng Huế như một phương cách để mở ngỏ sông Hồng cho hoạt động mậu dịch làm phương hại đến chính sự tuyên xác của chúng về sự độc lập, Chính Phủ Cộng Hòa Pháp đã phủ trùm một chế độ bảo hộ lên toàn thể vương quốc qua một đoạn văn trong bản Hiệp Ước năm 1874, nguyên văn được cung cấp nơi trang 148 [của nguyên bản, chú của người dịch].
Miền Thứ Ba hay Miền Bắc, được gọi là Đông Kinh (Tonkin); nó bao gồm mười ba tỉnh là Cao Băn[g], Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Quảng Yên, Hưng Hóa, Bắc Ninh, Sơn Tây, Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định và Ninh Bình; nói cách khác, Đông Kinh bao gồm tất cả các tỉnh thuộc lưu vực sông Hồng và các sông nhánh của nó. Miền này không chỉ là một vùng bảo hộ như được tuyên bố bởi người Pháp, nhưng xem ra họ có ý định chiếm đóng nó một cách thường trực y như họ đã làm đối với nhóm tỉnh phía nam của An Nam.
Bao gồm cả miền hạ Nam Kỳ, phần dĩ nhiên giờ đây có thể được xem như một lãnh thổ chiếm hữu của Pháp, Vương Quốc An Nam có diện tích tính tròn gần 300.000km2. Nó bao gồm một dải đất hẹp chạy song song với biển, sâu vào trong khoảng 40 đến 50km, cho đến cửa Sông Hồng đổ ra biển, nơi mà địa hạt của Bắc Kỳ có hình dạng chữ V. Đường ven biển bắt đầu từ biên giới thuộc địa Pháp, chạy theo hướng đông bắc một khoảng 320km cho đến Mũi Padaran [?Phan Rang], sau đó nó chạy theo hướng bắc cho đến vĩ độ thứ mười lăm, khi nó đi theo hướng tây bắc mãi cho đến thành phố Vinh; tại đây, nó quay theo hướng đông bắc và giữ theo hướng này cho tới khi chạm vào biên giới Trung Hoa; toàn thể bờ biển dài hơn 1600km. Một rặng núi chạy song song với bờ biển với một khoảng cách ít khi rộng hơn 65km, chuyển theo hướng tây bắc sau khi băng ngang qua tỉnh Thanh Hóa, do đó tạo thành lưu vực cho các phụ lưu phía nam của sông Hồng.
Bờ biển tỉnh hạt cực nam của An Nam, tức Bình Thuận, bị chia cắt thành một số vịnh cạn, không vịnh nào có giá trị để thành các hải cảng mang lại sự trú ẩn cho tàu hải vận. Tỉnh lỵ của tỉnh này được củng cố cho đến cuối thế kỷ vừa qua bởi Đại Tá Ollivier [? Olivier], một sĩ quan Pháp tháp tùng phái bộ của Đức Ông Pigneau de Béhaine sang An Nam năm 1788.
Ngay phía bắc của Mũi Padaran, là chỗ giáp ranh với tỉnh Khánh Hòa; tỉnh này, cùng với Phú Yên và Bình Định, tạo thành các quận hạt cực đông của xứ sở. Bờ biển bị cắt sâu vào trong bởi một số vịnh, cung cấp các nơi ẩn náu tuyệt hảo. Quan trọng nhất trong các nơi ẩn náu này là Qui N[h]ơn, nằm trong tỉnh Bình Định, một trong các hải cảng được mở ngỏ cho hoạt động thương mại theo Hiệp Ước năm 1874. Chiều dài của vịnh này vào khoảng 8km, với chiều ngang khoảng hơn 30km, và một độ sâu trung bình là 8m. Hải cảng là trú sở của một lãnh sự Pháp, với một đoàn hộ tống gồm một trăm người. Ba tỉnh này, trên phần lớn diện địa, thì bằng phẳng, được tưới nước dồi dào, và được canh tác phì nhiêu; gạo và lụa tạo thành sản phẩm xuất cảng chính. Ngoài khơi tỉnh Quảng Nam tọa lạc Cù Lao Chàm, với một vũng tàu (roadstead) tuyệt hảo che chắn mọi luồng gió phương bắc. Địa điểm quan trọng kế đó được tìm thấy trên bờ biển là Vịnh Tourane (Đà Nẵng). Được che chắn ở phía bắc bởi bán đảo có cùng tên, nó được bảo vệ bởi hai đồn bị bắn phá vào năm 1859, trước khi có sự chiếm đóng tạm thời của Pháp tại mũi đất này – một sự chiếm đóng kéo dài trong tám tháng, và làm Đế Quốc tổn thất, như được nói, hơn một nghìn nhân mạng, mà xương cốt giờ đây phơi trắng trên cát của vùng bờ biển hay gây bệnh sốt. Vịnh có chiều dài kéo dài tới gần 15km và ngang hơn 11km, với chiều sâu, ở mực nước thấp, là gần 5m.
Phía bắc Tourane chúng ta gặp Mũi Cape Choumaie [Chân Mây?], và vượt quá đó là mũi đất Thuận An, bên dưới chỗ mà sông Trường Tiền, hay sông của Huế, đổ ra biển; Huế, kinh đô, tọa lạc cách xa bờ biển khoảng 24km. Lối vào dòng sông được bảo vệ một cách tự nhiên bởi một cồn cát, chỉ đón nhận cho thông qua các con tàu với tầm nước dưới 3,6m. Các tàu lớn hơn bị buộc phải nằm tại hải cảng Thuận An. Dòng chảy của sông Trường Tiền từ Huế ra đến biển có đóng rải rác ở hai bên bờ sông với các đồn lính, và từng khúc, dưới tầm hỏa lực của các đồn trại, các chướng ngại vật đã được dựng lên khiến cho lối tiếp cận tới kinh đô thêm khó khăn.

Huế, nằm bên tả ngạn của sông Trường Tiền, được nói chứa 100.000 cư dân. Nó được bao quanh bởi một bức tường thành bằng gạch và đường hào; thành lũy có hình vuông, mỗi chiều dài khoảng 1,8km; chúng được xây bằng gạch và có chiều cao là 10m, hào sâu 4,5m và có thể cho ngập nước tùy ý. Tường thành bên trong mang lại sự che chở cho đội quân trú đóng; trong khi đó công trình thứ ba, tức tòa thành, là nơi cư ngụ của hoàng gia. Tòa thành được xây dựng trên phạm vi hiện tại bởi các sĩ quan Pháp vào cuối thế kỷ trước, và, với các tuyến phòng thủ cạnh sườn tuyệt hảo, trong thời đại đó, đã là một công trình rất đáng nể sợ; tuy nhiên, rất nhiều các vũ khí hiện đại đã bị giảm bớt hiệu lực, bởi một số ngọn đồi cách khoảng 1500 thước Anh ở phía đông nam đã hoàn toàn khống chế thành phố, và do đó biến nó, từ một quan điểm quân sự, thành không mấy quan trọng; trong khi đó cồn cát đáng sợ tại cửa sông Trường Tiền mãi mãi ngăn cản nó sở đắc được một vị thế như một cảng thương mại.
Bắc Kỳ — miền, như đã nói trước đây, bao gồm mười ba tỉnh phía bắc của Vương Quốc An Nam – được bao bọc ở phía tây bởi các địa hạt đông bắc của Xiêm La và Miến Điện, ở phía bắc bởi các tỉnh Vân Nam và Quảng Tây, và phía đông bởi đại dương. Nó nằm giữa các bắc vĩ độ 18 và 22, và đông kinh tuyến 104 đến 106, và gồm một diện tích khoảng hơn 180.000km2, với dân số ước lượng khoảng 12 triệu người.
Các biên cương phía bắc và phía tây của xứ sở được tạo thành bởi các dẫy núi cao, phủ chùm bởi các khu rừng hoành tráng với cây gỗ teak và các loại gỗ quý giá khác. Từ các rặng núi này phát sinh ra vô số các con sông, chảy ngang qua các đồng bằng trung tâm theo mọi hướng, khiến chúng trở nên phì nhiêu một cách tuyệt diệu. Ngoài các phương cách tự nhiên của việc tưới tiêu này, người dân Bắc Kỳ đã xây dựng một mạng lưới rộng lớn các kinh đào nối liền các dòng nước, do đó giúp chúng tràn ngập các cánh đồng lúa bao phủ các đồng bằng màu mỡ này; và mặc dù sự phong phú về nông nghiệp của xứ sở họ được nâng cao, và các phương tiện giao thông đường thủy bằng các thuyền đáy bằng với tầm nước khá nông khá dễ dàng, sức khỏe tổng quát của các cư dân đã bị phá hoại bởi bệnh sốt, và các con đường bộ thực sự không được biết đến. Các dòng nước nhỏ này, bất luận từ các núi non tại vùng biên giới Xiêm La hay Trung Hoa, tất cả đều tìm lối đổ vào sông Hồng, bổ sung trào lượng nhỏ bé của chúng cho khối lượng nước khổng lồ trên đó người Pháp hy vọng tìm thấy một cách tiếp cận dễ dàng với các tỉnh phía nam của Trung Hoa. Khi tiến vào các phần đất phù sa nằm dưới thấp tại phía đông Bắc Kỳ, sông Hồng tỏa ra thành bốn nhánh, mỗi nhánh có cửa khẩu riêng của nó; tất cả đều có thể thủy hành đến điểm chúng rời con sông mẹ, nhưng tuyến qua lại nhiều nhất được biết đến là Cửa Thái Bình; ngay nhánh này, mặc dù là một con sông trông quý phái, cũng không thể thủy hành cho các tàu thuộc bất kỳ kích cỡ nào, bởi bùn chất đống tại cửa sông của nó, và sự lơ là của Chính Quyền An Nam trong việc cải thiện lối vào bằng cách vét lòng sông.
Hai phụ lưu chính của sông Hồng là Giango Ho [? Sông Đà] và Tsin Ho [?, sông Lô]. Sông kể tên trước, phát sinh từ vùng biên cương Xiêm La, đổ vào sông chính bên dưới Huang Ho [?Hưng Hóa]; nó có thể thủy hành đến Pho Yen [?Phúc Yên], một thị trấn khá lớn ngược dòng sông khoảng 80 dặm. Tại điểm này việc thủy hành bị trở ngại bởi một thác nguy hiểm, được nói có thể được phá bỏ một cách dễ dàng. Vùng đất lân cận sông Giango Ho nằm trong các vùng đất phì nhiêu nhất tại Bắc Kỳ.
Sông Tsin Ho, hay Claire River trong tiếng Pháp [người Việt gọi là Sông Lô, chú của người dịch], được tạo thành bởi hai chi lưu, chi lưu phía cực tây phát sinh gần Vân Nam, chi lưu phía đông từ tỉnh Quảng Tây của Trung Hoa. Cho đến tận Doanghong [?], địa điểm giao nhau của chúng, sông Lô có thể lưu hành được; cả hai chi lưu băng ngang qua các miền đồi núi, ít được canh tác, nhưng được giả định là chứa đựng nhiều khoáng sản; cho tới Doanghong về phía bắc, vùng đất được dành cho việc trồng lúa gạo.
Song song với sông Hồng là một con sông lớn khác, được gọi là sông Thái Bình; nó cũng tự đổ ra biển bởi nhiều chi nhánh, làm màu mỡ các địa hạt trồng lúa gạo ở phía bắc của các cửa của sông Hồng. Nhiều kênh đào ngang hông nối liền các con sông chính này, quan trọng nhất là Kênh Các Ghềnh Thác (Canal of the Rapids?), chạy từ Hà Nội đến Bin Ninh [?]. Bởi có các sự bồi đắp khổng lồ chất phù sa tại cửa sông Hồng, sự lưu thông chính yếu giữa Hà Nội và biển là qua con sông Thái Bình và các kênh đào bắt ngang nối liền hai con sông.

Thủ phủ của Bắc Kỳ là Hà Nội; trong thực tế, nó hơi thua kém trong mọi phương diện so với Huế, thành phố chính của vương quốc. Trước khi miền bắc rơi vào sự thống trị của các nhà vua An Nam, Hà Nội là kinh đô của một vương quốc; và dù thế, kể từ khi có sự sáp nhập đất Đông Kinh (Tonkin) bởi An Nam, chỉ còn là thủ phủ của một tỉnh, nó vẫn còn là một trong những thành phố lớn nhất và quan trọng nhất của xứ sở. Dân số của nó được ước lượng khoảng 100.000 người, một số lượng lớn trong họ được tuyển dụng cho việc sản xuất ra hàng tơ lụa. Đại học chính của vương quốc, được nói đã khoe có tới 3000 sinh viên, cũng tọa lạc tại Hà Nội. Thành phố là một trong nhiều thành phố đã được củng cố bởi các sĩ quan Pháp vào lúc khởi đầu của thế kỷ, và mặc dù các sự phòng thủ của nó ít có giá trị ngày nay, khi Đại Tá Ollivier cho bao quanh nó với đường nét của thành lũy của Vauban, nó có thể đã từng được xem là một trong các thị trấn vững mạnh nhất ở vùng Quá Ấn Độ (Further India). Vị trí địa dư của Hà Nội bảo đảm cho nó một tương lại vĩ đại, nhưng chỉ khi nào tương lai được ủy thác cho những kẻ có đầu óc sáng suốt và phóng khoáng. Sông Hồng trong mọi thời tiết có thể lưu hành đến địa điểm này, ngay cả trong mùa khô bởi các tàu có tầm gần 2m, và trong mùa mưa, bởi tàu có tầm nước sâu 2,6m, và cho một khoảng cách 150 dặm xa hơn nữa bằng thuyền đáy bằng có tầm nước 1m. Sông Hồng nối liền tỉnh giàu có Vân Nam, tại miền nam Trung Hoa, bởi một đường thủy hành ngắn, với biển, và nếu mở ngỏ cho hoạt động thương mại, hẳn nhiên đưa đến việc thu hút mậu dịch và văn minh đến các tỉnh hạt nơi mà cả hai điều trên chưa thực sự được biết đến.
Khí hậu của Bắc Kỳ thì cực kỳ nguy hiểm; sự tưới tiêu quá độ khiến nó trở nên ẩm ướt và sinh bệnh sốt, và tình trạng này bổ sung cho cái nóng cực độ được chứng tỏ gây mệt nhọc nhất cho người Âu Châu. Trong mùa mưa, kéo dài từ Tháng Năm cho đến Tháng tám, các chứng bệnh dịch thường hoành hành; và các đội quân đồn trú nhỏ của Pháp từ năm 1870 đã chiếm đóng một số các thị trấn chính yếu, đã có một tử suất lên đến mười hai phần trăm.
Các sản phẩm thiên nhiên là lúa gạo, tạo thành khoản xuất cảng chính và thực phẩm chủ yếu của đất nước, khoai lang, bông vải, quế, hạt thầu dầu, đường mía, cây chàm, và dâu tằm. Tất cả các sản phẩm này phần lớn được xuất cảng, trong khi còn có trà, trầu và cau được xuất cảng, nhưng với số lượng ít hơn. Các khu rừng thì hoành tráng, và chứa gỗ teak, gỗ sơn tiêu (satinwood), gỗ óc chó (walnut), và các cây có hương thơm khác rất quý đối với các Phật Tử để dựng các ngôi chùa của họ. Về sự phong phú về khoáng sản, ít điều thực sự được hay biết, mặc dù các kỳ vọng vĩ đại đã được nêu lên vào thời điểm này. Chắc chắn rằng các mỏ thiếc và đồng có hiện diện tại vùng đồi núi xuyên qua đó dòng sông Lô băng ngang, và điều được đồn đại rằng mỏ vàng và bạc cũng đầy rẫy tại cùng các khu vực này.
Than đá đã từng được khám phá trong hơn một phần tư [thế kỷ?], và các cuộc thử nghiệm trên đó cho thấy nó sẽ thuộc vào loại rất thích hợp cho các việc đốt tàu hơi nước. Bởi một số lòng chảo của vật phẩm phụ đới quý giá này cho chiến tranh trên biển được tìm thấy sát biển, người Pháp, chỉ với sự khám phá này thôi sẽ thu được một sự đền bù vượt xa mọi quý kim trên đất liền có thể mang lại cho họ. Chúng sẽ được đánh giá vượt quá nhu cầu lệ thuộc vào nguồn tiếp liệu bấp bênh từ các hầm mỏ của Đại Anh Cát Lợi, điều mà trong trường hợp chiến tranh có thể, vì một quyền lực mạo hiểm, hoàn toàn bị cấm đoán đối với họ. Đối với nước Pháp, ở vị trí mà nó tọa lạc, các mỏ than ở Bắc Kỳ là một phần thưởng đáng để gắng sức.
Các cư dân Bắc Kỳ phần lớn thì gầy còm và thấp dưới mức trung bình, có các đường nét giống như người Trung Hoa mặc dù nước da đen hơn; hình dáng của họ uyển chuyển và thanh nhã hơn, trong khía cạnh này họ giống người Mã Lai hơn. Họ chất chứa nhiều sự thông minh, và về tài ngoại giao, nhiều phần trội vượt hơn các kẻ chinh phục Tây Phương của họ; mặc dù trên chiến trường, sự ngu dốt về các chiến thuật hiện đại của họ và việc họ không sở hữu được các vũ khí chính xác dẫn đến sự thất trận khi đối đầu với cùng quân số được trang bị tốt hơn và được chỉ huy giỏi hơn, là một điều chắc chắn. Họ không bao giờ thiếu can đảm, và, mặc dù bị đánh bại và đuổi ra khỏi các vị trí, sẽ quay trở lại để tấn công vào ngày kế tiếp với sự quyết tâm và điềm tĩnh (sang-froid) không kém. Hoàn toàn bị thiếu pháo binh, người dân Bắc Kỳ xứng đáng được ghi công trong phương cách mà, chỉ được trang bị chính yếu bằng cung và tên, họ không ngần ngại đối diện với đại bác hạng nặng của các thuyền vũ trang của Pháp hay các khẩu súng liên thanh của các thủy thủ Pháp. Mặc dù là các tín đồ của Đức Phật, người dân Bắc Kỳ không quá mù quáng trong tín ngưỡng của họ. Đàn bà trong họ chỉ giữ một địa vị rất thấp kém,và nạn đa thê thì lan tràn, đặc biệt tại các quận hạt phía bắc. Các nhà ở của dân nghèo và các tầng lớp trung lưu thường được dựng bằng gỗ; đa số được lợp bằng tranh, nhưng một ít nhà được nhìn thấy có lợp bằng ngói. Hiếm khi nhìn thấy một ngôi nhà biệt lập; chúng thường được quây quần bên nhau, được bao quanh bằng các lũy tre xanh, vốn không chỉ phục vụ như một tấm khiên che chở khỏi các hiệu quả của các cơn bão chết người tàn phá xứ sở, mà còn như một rào cản rất hữu hiệu chống lại sự tấn công của các kẻ thù đồng loại.
Chính Phủ An Nam là chính phủ của một nền quân chủ chuyên chế, nhà vua thực sự có quyền lực vô giới hạn; nhưng, như trong trường hợp của mọi vị chúa tể độc đoán, quyền lực thường bị nắm giữ bởi các cá nhân không mấy cẩn trọng, các kẻ, dành được ưu thế đối với nhà vua, cai trị nhân danh nhà vua; và, như trong trường hợp các xứ sở không mấy cách xa với bờ biển chúng ta, quyền lực độc đoán này thường được nắm giữ thông qua công cụ của một số phụ nữ được sủng ái. Trên danh nghĩa, nhà vua được trợ giúp bởi một hội đồng cơ mật bao gồm sáu thượng thư:
Lễ Bộ Thương Thư [trong nguyên bản chức vụ Thương Thư bị ghi sai là thuong then, chú của người dịch] (Minister of Religion).
Hộ Bộ Thương Thư (Minister of Finance).
Bin[h] Bộ Thương Thư (Minister of War).
Hìn[h] Bộ Thượng Thư (Minister of Justice).
Lại Bộ Thương Thư [trong nguyên bản ghi sai là Thai bo thuong then, chú của người dịch] (Minister of the Interior).
Công Bộ Thương Thư (Minister of the Public Works).

Các thượng thư này được tuyển chọn hầu như không thay đổi từ số các quan lại, mặc dù đôi khi một số cận thần thuộc tầng lớp hạ lưu có đảm nhận các chức vụ hàng đầu của quốc gia.
Nhà vua không giao tiếp một cách trực tiếp với vị thượng thư nào của ông; ông ta sống hoàn toàn bị vây quanh bởi các bà vợ và các nàng hầu, người đua tranh về số thê thiếp với Nhà Vua Solomon. Một khi một phụ nữ được thu nhận vào trong vòng lôi cuốn này, cô ta phải từ bỏ mọi sự giao tiếp trực tiếp với thế giới bên ngoài, nhưng bị vây quanh bởi một đám đông các đầy tớ, là các kẻ hành động như các kẻ trung gian, cô ta nhận thấy không khó khăn để thực hiện sự liên lạc bí mật, và các cuộc giao tiếp hiển nhiên là bí mật. Vị thế của các phụ nữ này cũng hèn kém và ô nhục như vị thế của các ái thiếp của một vị Lãnh Chúa Thổ Nhĩ Kỳ. Trong các vấn đề Quốc Sự, nhà vua không bao giờ chấp thuận một cuộc hội kiến với các thượng thư của mình. Mọi vấn đề được đệ trình lên nhà vua bằng văn bản, và được trả lời bởi một số thư ký phái nữ có học tiếng Hán. Người đàn bà với một học thức nông cạn chiếm giữ một vị trí quan trọng trong hậu đình hoàng triều – một vị trí mà các mệnh phụ An Nam sẽ không chậm bước để tiến tới việc đảm nhận. Trong một số trường hợp hiếm có nào đó của nghi lễ Quốc Gia, chẳng hạn như khi có một đại sứ ngoại quốc đến, hay việc phái đi một sứ bộ triều cống ba năm một lần sang Trung Hoa, Hội Đồng Sáu Vị Thượng Thư được phép vào hội kiến nhà vua, và sau đó tiếp nhận các chỉ thị của nhà vua về vấn đề đưa ra trước mắt, nhưng các vấn đề khác không bao giờ được đề cập tới. Chính vì thế, điều dễ được nhận thấy rằng mặc dù trên danh nghĩa là một vị quân vương tối thượng, nhà vua chỉ sở đắc ít quyền lực thực sự, và rằng nếu hội đồng cơ mật đồng lòng chống lại nhà vua, ông ta có thể dễ dàng bị che dấu về mọi vấn đề liên quan đến chính quyền tại vương quốc của ông.

Các quan lại được chia làm hai bên rõ rệt.

Trước tiên, các Quan Văn [tiếng Việt trong nguyên bản, chú của người dịch] (the Civilian Class). Những người này được tuyển chọn từ số các sĩ tử của các trường đại học đã thi đậu các kỳ khảo hạch văn chương một cách mỹ mãn nhất. Những người này sẽ được giao phó cho mọi loại chức vụ hành chính, và đôi khi họ còn được ủy thác để chỉ huy các công tác quân sự.
Loại thứ nhì hay Quan Võ (Military Class) được lựa chọn trong số các quân nhân xuất sắc nhất, những kẻ đã không chỉ thụ đắc một tiếng tăm về khả năng chuyên môn, mà cũng còn phải thi đậu một kỳ trắc nghiệm bậc đại học. Trong thực tế, An Nam, giống như Trung Hoa, là vùng đất của các kỳ khảo hạch đua tranh.

Các quan lại, bất luận thuộc ngành văn hay võ, được chia ra làm chín bậc chính, mỗi bậc đều có các thành viên thuộc cả bên võ lẫn bên văn.

Nhất Phẩm Chánh Nhất Phẩm Ngài Chánh Án Cao Nhất, Tư Lệnh Quân Đội
Tòng Nhất Phâm Các Chánh Án Tối Cao, Thống Chế Quân đội, Chỉ Huy Hạm Đội
Nhị Phẩm Chánh Nhị Phẩm Chánh Án Các Tòa Án Chính, Tổng Đốc Các Tỉnh, Tướng Lĩnh Trong Quân Đội, Các Đô Đốc, Quân Trấn Kinh Đô Huế
Tòng Nhị Phẩm Phó Chánh Án Các Tòa Án Chính, Tuần Phủ Địa Phương tại Các Tỉnh, Các Đề Đốc Hạm Đội
Tam Phẩm Chánh Tam Phẩm Tổng Đốc Dân Sự tại Huế, Cấp Đại Tá Chỉ  Huy  Các Trung Đoàn, Chỉ Huy Trưởng Dân Quân Cấp Tỉnh, Chánh Án Tòa Tư Pháp Cấp Tỉnh
Tòng Tam Phẩm Các Thư Ký Cấp Bộ, Các Tuần Phủ tại Huế, Cấp Trung Tá thuộc  cấp Trung Đoàn.
Tứ Phẩm Chánh Tứ Phẩm Thẩm Phán cấp Tỉnh, Phó Thư Ký của Các Thượng Thư
Tòng Tứ Phẩm Các giáo sĩ tuyên úy của Nhà Vua
Ngũ Phẩm Chánh Ngũ Phẩm Các Đốc Học Cấp Tỉnh
Tòng Ngũ Phẩm Các Ủy Viên cấp Huyện

Các quan lại hàng lục, thất, bát, và cửu phẩm bao gồm tất cả các viên chức các ngành Tư Pháp, Hành Chính, và Giáo Dục, và tất cả các sĩ quan trong Lục và Hải Quân; các sĩ quan kể sau đều nằm dưới sự chỉ huy của một vị quan Nhất Phẩm, được gọi là Đại Thống Chế; ông đích thân phụ trách việc phòng thủ kinh thành Huế, và luôn luôn ứng trực bên cạnh vị chúa tể.
Lục quân, một tổ chức hiện hữu theo giấy tờ, gồm trên danh nghĩa tám mươi tiểu đoàn, mỗi tiểu đoàn có 500 lính. Cũng có các đội dân quân địa phương [lính kêu, tiếng Việt trong nguyên bản, chú của người dịch], những đàn ông chỉ có thể bị kêu gọi để phòng thủ quận hạt của chính họ. Điều được giả định một cách tổng quát rằng, trong một cuộc xâm lăng vào xứ sở, sự kháng cự cương quyết nhất sẽ gặp phải là khi đối diện với lính kêu. Về mặt tập luyện, kỷ luật, và trang bị vũ khí, các lực lượng An Nam tương đồng với các dân tộc Đông Phương khác không chấp nhận các tư tưởng của Tây Phương. Hải quân của họ bao gồm năm thuyền vũ trang bằng gỗ, được tặng dữ bởi Pháp trong năm 1874, và nay trở lại sự cai quản của các sở hữu chủ nguyên thủy của chúng.
Trên danh nghĩa, mọi nam thanh niên hai mươi mốt tuổi đều phải thi hành nghĩa vụ quân dịch; như một quy luật, số quân trưng tập hàng năm không quá bẩy phần trăm, trong số các kẻ đã ghi danh vào sổ đinh của các vị kỳ lão trong làng. Thời hạn quân dịch được ấn định là mười năm, nhưng được phép kéo dài sự phục vụ vô hạn định; việc đào ngũ hiếm khi xảy ra, bởi các làng phải chịu trách nhiệm về bất kỳ sự tổn thất nào diễn ra, và không chỉ bị bắt buộc phải cung cấp kẻ điền thế mà thường còn bị phạt một khoản tiền rất đáng kể, nếu viên quan binh trung đoàn là một kẻ có ảnh hưởng ở Triều Đình.
Tô/ chức hành chính nội bộ của xứ sở tiến bộ hơn nhiều so với sự quản trị quân sự. Mỗi tỉnh trong hai mươi lăm tỉnh được cai trị bởi một quan Tổng Đốc [tiếng Việt trong nguyên bản, chú của người dịch] (governor-general), người có bên dưới mình một số phụ tá tổng đốc nào đó (các Tuần Phủ: lieutenant-governors), tùy theo kích thước và tầm quan trọng của tỉnh. Các viên chức này phụ trách các ban ngành, kế đó được phân chia nhỏ hơn xuống cấp huyện và phân huyện [subdistricts: ?tổng], phần kể sau bao gồm ở thôn quê, một nhóm nhiều làng (xã). Mọi nam cư dân đến hai mươi mốt tuổi, với sự dự liệu rằng anh ta hoặc sở hữu một số lượng tài sản nào đó, hay theo đuổi một chức nghiệp, hội đủ điều kiện để bỏ phiếu trong cuộc bầu cử các kỳ lão trong làng, các kẻ kế đó đề cử một số hội viên nào đó của chính họ làm đại diện trong hội đồng hành chính của cấp tổng. Hội đồng này được chủ tọa bởi một viên chức không được trả lương: mặc dù được tuyển chọn bởi các đồng sự (confrères) của mình, ông ta vẫn phải được chấp thuận bởi các tuần phủ ở cấp huyện. Ông ta sở đắc các ấn tín của thẩm quyền, và, mặc dù ông không có quyền hạn tư pháp, là một nhân vật vô cùng quan trọng cả ở trong lẫn ngoài các phạm vi của chính quyền ông ta. Các hội đồng cấp tổng này được tự quản, và có các quyền hạn được xác định rất rõ ràng với tầm mức rất đáng kể; bất kỳ hành vi nào của họ cũng có thể bị phủ quyết bởi tuần phủ, nhưng sự hành xử đặc ưu quyền này hiếm khi xẩy ra. Chúng phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện và sửa chữa mọi công trình công chánh: các đường lộ, các kênh đào, và những chiếc cầu nằm dưới sự chăm sóc của một ủy ban; nhiệm vụ thứ nhì được ủy thác là việc quản trị cảnh sát; nhiệm vụ thứ ba là những sự thu xếp về tài chính, đánh các sắc thuế không chỉ cho chính chúng mà còn cho các hoạt động của Chính Phủ; nhiệm vụ thứ tư là giám sát giáo dục công cộng; nhiệm vụ thứ năm là điều giải mọi vụ tranh chấp thương mại và nông nghiệp; trong thực tế, sự quản trị hành chính nội bộ của vương quốc được thi hành, trong hầu hết công việc của nó, bởi các nghị hội nhỏ bé này.
Danh sách các cử tri được tái duyệt hàng năm bởi các kỳ lão trong làng, và được họ đệ trình lên hội đồng cấp huyện, cơ cấu sắp xếp việc đánh thuế địa phương và hoàng triều, các sự trưng tập cho quân dịch, và các nhiệm vụ khác tương tự như thế. Các sắc thuế hoàng triều chính bao gồm một sắc thuế về đất đai và một sắc thuế thân, nhưng một khoản thu nhập đáng kể cũng phát sinh từ sự cấp quyền đặc nhượng đánh cá và khai thác hầm mỏ, cấp giấy phép cho các tàu đi biển và đi đường sông, tất cả đều nằm dưới sự giám sát của các hội đồng cấp huyện. Các sắc thuế quan đánh trên hàng xuất và nhập cảng được hành thâu bởi các viên chức triều đình không có sự liên hệ với các chính quyền địa phương. Mọi nam công dân ghi danh trên sổ cử tri phải cung cấp cho Nhà Nước hàng năm bốn mươi tám ngày công; bằng cách này các đường lộ công cộng, các chiếc cầu, và các kiến trúc đã được bảo trì trong tình trạng tuyệt hảo. Thuế đất là một khoản định lượng biến đổi. Hội Đồng Nhà Nước tại Huế hàng năm chuyển tới Tổng Đốc các tỉnh một bản công bố số lượng mà mỗi tỉnh bị yêu cầu cung cấp, và tổng đốc kế đó chuyển sự đòi hỏi xuống hội đồng huyện, cơ cấu một lần nữa cung cấp các yêu sách trưng dụng đến các kỳ lão ở làng xã. Thuế được thu một phần bằng tiền, một phần bằng hiện vật như đối với đất đang canh tác lúa gạo, nhưng tất cả các loại đất khác bị bắt buộc phải thanh nạp bằng tiền đồng (in specie).
Về mặt thương mại của đất nước, các thống kê chính xác không thể lấy được; nhưng điều được tiên liệu bởi người Pháp rằng việc mở ngỏ Sông Hồng sẽ tức thời tạo ra một hoạt động mậu dịch có trị giá từ một đến ba triệu đồng sterling [đơn vị tiền tệ của Anh, chú của người dịch] trong một năm, nhưng bởi các sự tính toán này dựa trên các giả thiết, chứ không trên bất kỳ dữ liệu có thể chứng thực nào, chúng nên được đón nhận với sự cẩn trọng. Tuy nhiên, một câu hỏi mở ra là liệu nước Pháp sẽ hưởng lợi lớn lao bởi hoạt động mậu dịch hay không, vì trong năm 1881, trong số 253 chiếc thuyền Âu Châu tìm đường đến cảng Hải Phòng trên Sông Hồng, chỉ có mười một chiếc mang cờ ba màu. Cho đến khi đội thương thuyền hơi nước của Pháp được gia tăng một cách rất to lớn, không thể nào nó lại có khả năng cạnh tranh với Anh và Đức Quốc tại hải phận Phương Đông; chính vì thế, ngay về các mục đích thương mại, thật đáng ngờ là nước Pháp sẽ hưởng lợi một cách trực tiếp hay gián tiếp qua sự chiếm cứ An Nam. Về mặt thuộc địa hóa, xứ sở này không có giá trị; ngay dù người Pháp có được các tính chất cần thiết để trở thành những kẻ định cư lương hảo, khí hậu sẽ hoàn toàn ngăn cấm bất kỳ nỗ lực nào trong chiều hướng này đi đến sự thành công. Trong hai mươi hai năm, lá cờ Tam Tài (Ba Màu) đã tung bay trên tường thành Sàigòn, song cộng đồng người Pháp không chính thức tại toàn thể Nam Kỳ trong cuộc kiểm kê dân số cuối cùng, theo Dân Biểu Nghị Viện Delafosse, chưa đến 700 người, và những người này phần lớn là các thương nhân, chủ cửa hiệu, các nhà cung cấp đồ trang bị cho tàu thủy, và các thư ký. Về dân định cư, như chúng ta hiểu về từ ngữ này, không có ai cả. Ngay tại Algeria, nơi mà khí hậu lành mạnh và đều đặn hơn, người định cư vẫn hiếm thấy, và số ít người định cư là những người hy vọng kiếm đủ tiền bằng mậu dịch hầu giúp họ sống thoải mái và chết đi trong sự an bình tại ngôi làng quê quán của chính họ. Một người Pháp hiếm khi tự cắt rời khỏi cộng đồng sinh quán của minh; thực tế các luật lệ hiện nay ngăn cấm người đó làm như thế. Tôi biết trường hợp trong đó một người đàn ông, nghĩ rằng mình sẽ khá hơn khi làm một nhà thầu nhỏ tại Algeria, đã bị bắt giữ tại Marseilles và gửi về dưới sự giám sát của cảnh sát tại làng của anh ta, bởi anh ta chưa hoàn tất quân dịch trong hai mươi năm mà xứ sở đòi hỏi nơi anh ta. Các thí dụ tương tự không hiếm có. Cách đây không lâu một trong những người lính cứu hỏa trên chiếc tàu hơi nước St. Malo đã bị kết án một tháng tù và một sự giám sát của cảnh sát kéo dài vì đã thực hiện một chuyến du hành sang Nam Mỹ nhằm tìm việc làm khi mà hạn kỳ trưng tập của anh ta sắp đến. Khi trở về từ Pernambuco, anh ta bị bắt giữ tại Havre và bị kết tội mà không có quyền kháng cáo. Tôi có hay biết nhiều trường hợp các thợ có kỹ năng chuyên môn tỏ ý muốn sang Canada hay Mỹ, nơi mà kỹ năng được đánh giá cao – không với mục đích trở thành các kẻ định cư, bởi không một người Pháp nào nghĩ đến việc đó, nhưng để thu thập một khoản lợi tức nhanh hơn khả tính tại Pháp – song với sự hay biết về việc chắc chắn bị bắt giữ và giam tù tại hải cảng khởi hành đã ngăn cản họ chuyển ý đồ của mình thành hành động.
Lời tuyên bố rằng chính sách nóng bỏng hiện nay của Pháp bị phán định với quan điểm cung cấp nơi ở cho dân số thặng dư của nó là phi lý. Trước tiên, các ngôi nhà mới này đang được cung cấp tại các vùng khí hậu chết người đối với thể chất Âu Châu; thứ nhì, Chính Phủ Pháp kết án tội hình mọi nỗ lực định cư của những đàn ông dưới bốn mươi tuổi. Với một chính sách nội vụ ngăn cấm sự xuất cảnh, và một chính sách ngoại giao khuynh đảo không kém lẽ công bằng, nếu không phải là thiếu danh dự, nước Pháp đang nuôi dưỡng sự bất mãn trong nước và tạo ra sự nghi ngờ ngoài biên cương của nó./-

____

Nguồn: C. B. Norman, Tonkin or France In The Far East, London: Chapman & Hall, Limited, 11, Henrietta Street, Covent Garden, 1884, trích dịch phần Preface, các trang v-vii, và Chapter II: The Geography of Tonkin, Its Customs and Unsuitability For Colonisation, các trang 16-38.

 

BÌNH LUẬN