Pháp tại Nam Kỳ: Vấn đề hoàn trả ba tỉnh miền Đông 1862-1865

Nguồn: Bài viết “France In Cochinchina: The Question of Retrocession 1862-1865″, Tác giả: R. Stanley Thomson, in trong tạp chí “The Far Eastern Quarterly”, Volume 6, năm 1946-1947, các trang 364-378.

Các quan hệ rối loạn hiện nay giữa Pháp và cộng hòa Việt Nam làm gia tăng một tầm quan trọng đặc biệt cho câu chuyện làm thế nào mà nước Pháp, trong các năm 1863 và 1864, đã suýt từ bỏ thuộc địa của mình tại Cochinchina. Chính nhờ việc sử dụng ba tỉnh phía nam Cochinchina chinh phục từ tay An Nam mà Pháp tiếp sau đó đã thiết lập chế độ bảo hộ trên đất Căm Bốt, sáp nhập ba tỉnh còn lại của Nam Kỳ, và chung cuộc đã mở rộng chủ quyền của mình tại An Nam, Bắc Kỳ (Tonkin) và Lào. Nếu Pháp không quyết định giữ lại Cochinchina, khó có thể nghĩ là Pháp lại vươn lên hàng ngũ các đế quốc quan trọng tại vùng Viễn Đông.

Trước khi chúng ta bước đến câu chuyện “hiện diện hay không hiện diện” tại Đông Dương, điều quan trọng mà chúng ta cần nhớ là quan hệ của Pháp với thuộc địa Viễn Đông của nó đã không được thảo luận trong nước như một vấn đề riêng rẽ.  Cochinchina chỉ là một đề tài trong cuộc tranh luận liên quan tới các cuộc phiêu lưu xa xôi nói chung. Cuộc tranh luận đó đã thực sự diễn ra trước khi việc chinh phục Nam Kỳ được hoàn tất, và được kéo dài mãi cho đến khi chính quyền sau rốt quyết định sẽ ở lại trên phần đất mà nó đã giành được.

Bản đồ Nam Kỳ Lục Tỉnh giai đoạn 1841-1862  (Ảnh: Wikipedia)

Trách nhiệm khởi sự bước chuyển động nhằm thu hồi các tỉnh đã bị chinh phục nằm nơi phía An Nam, nước đã đòi hỏi việc xem xét lại các điều khoản hòa bình gần như  ngay sau khi vừa ký kết hòa ước năm 1862. Nhưng yêu cầu này sẽ không được đếm xỉa đến tại Pháp nếu không có sẵn một công luận mạnh mẽ chống lại mọi sự bành trướng thuộc địa. Những người bênh vực cho việc tái duyệt bản hiệp ước có mặt cả trong lẫn ngoài chính phủ. Chỉ có lập trường của Napoléon III là không rõ rệt. Năm 1866, khi nhìn lại sự việc, dân biểu Taillefer đã nói với các bạn đồng viện, “việc đầu tiên đã làm khi chúng ta nói về Cochinchina là bày tỏ lòng cảm ơn của chúng tôi với Hòang Đế là người đã chống lại ý tưởng hoàn trả đang tràn ngập nội các, cũng như tuyên dương bộ trưởng hải quân cùng các bộ trưởng khác đã liên kết với ông trong việc phản bác này.”(2) Nhưng, nếu hoàng đế đã chống lại đến cùng, nói chung có vẻ như lời phán quyết cuối cùng của nhà vua phần lớn cũng là kết quả của áp lực y như quyết định trước đó mà rõ ràng là ông đã lấy trong một chiều hướng đối nghịch.

Hai quan điểm, tán đồng và chống đối sự bành trướng, được thể hiện trong các cuộc tranh luận tại nghị viện năm 1862. Đại diện cho quan điểm tán thành là Nam Tước Brenier, kẻ đã tranh luận trước Thượng Viện về việc đề cập cụ thể đến Nam Kỳ trong một bài thuyết trình gửi lên Hoàng Đế và thúc giục rằng sự bao hàm thuộc địa sẽ khích lệ các thủy thủ và chiến sĩ anh hùng trong “sự nghiệp to lớn” của họ, một sự nghiệp mà bài diễn văn của hoàng đế đã nói đến như là “sự thống trị của chúng ta tại Cochinchina.” Ông nhìn nhận rằng các cuộc viễn chinh thuộc địa gây tốn kém nhưng kêu gọi để ý đến lời nói của Napoléon I, là người, khi tiên đoán sự mất mát của đế quốc Pháp vĩ đại xuyên Đại Tây Dương, đã vạch ra cho Hôi Đồng Quốc Gia của ông nhu cầu tìm kiếm một vài cách thức nào đó để thành lập các cơ sở tương tự ở nơi khác nữa. Điều này, theo Brenier, là lời cố vấn của một chính khách khôn ngoan. Ông tán dương các lợi thế to lớn về hàng hải, thương mại, và chính trị của vùng Nam Kỳ, sự phì nhiêu, các tài nguyên hầm mỏ phong phú của nó.  Suy xét về mặt tài chính hoàn toàn là một điều tốt, nhưng nước Pháp không nên bỏ quên các quyền lợi chính trị và kinh tế của mình.(3)

Đại biểu cho phái chống lại chủ nghĩa đế quốc vào khoảng gần thời điểm đó, ông Plichon đã nhấn mạnh tại Viện Lập Pháp đến việc nhận thức về mục tiêu của chính phủ tại Cochinchina. Mục tiêu đó có phải nhằm đạt được sự kính trọng dành cho các nhà truyền giáo hay để tạo lập một cơ sở ở một địa điểm nào đó trong lãnh thổ đã chinh phục, hoặc là nhằm thống trị toàn thể lãnh địa hay nhằm thiết lập một chế độ bảo hộ? Những cuộc chinh phục về tôn giáo về bản chất là các cuộc chinh phục hòa bình, ông có nêu rõ như vậy. Sự can thiệp sẽ khiến cho họat động truyền giáo bị nghi ngờ và khiến những kẻ cải đạo bị xem là quân nổi loạn. Ở cả Trung Hoa lẫn Cochinchina, sự can thiệp đã dẫn tới “việc tưới thẫm mặt đất bằng máu của các tín đồ Thiên Chúa bất hạnh bị hy sinh vì sự trả thù và nghi ngờ chủng tộc.”  Chỉ trong những tình huống vô cùng đặc biệt mới nên để quyền lợi của sự truyền giáo quyết đoán cho “hoạt động quân sự phương xa” của nước Pháp.  Nếu nước Pháp cứu xét đến việc chinh phục, xin hãy nhớ lại trường hợp Algeria.  Phương cách duy nhất để nước Pháp có được một vùng Cochinchina hòa bình là phải chiếm cứ nó hoàn toàn. “Cuộc chinh phục cục bộ dẫn đến sự chinh phục toàn diện,” ông cảnh cáo, “và tôi xin hỏi các ngài, các ngài không sợ hãi về viễn ảnh các phí tổn theo sau việc thành lập một vùng Algeria cách xa nước Pháp 6.000 dặm hay sao?” (4)

Ông Billault bác bỏ bất kỳ sự tương đồng nào với Algeria và tuyên bố rằng sự chiếm đóng là “một sự nghiệp vĩ đại và có hiệu quả.”(5) Đương thời quốc hội được ghi nhận là thỏa mãn rằng các cuộc viễn chinh tại Trung Hoa, Nam Kỳ và Mehico đã bảo đảm cho danh dự của nước Pháp và để bảo vệ cho các kiều dân Pháp, nhưng cũng hy vọng rằng “các cuộc viễn chinh tốn kém và xa xôi này” sẽ bảo kê cho sự tôn trọng quốc kỳ nước Pháp và khai mở các thị trường thường trực cho nền thương mại của Pháp quốc. Nam Kỳ, được cai trị với tinh thần này, xem ra chứng thực cho việc tưởng thưởng các hy sinh mà sự chinh phục nó đòi hỏi.”(6)

Sự mơ hồ trong tư tưởng và sự chia rẽ trong chính sách về cuộc phiêu lưu tại vùng Viễn Đông này được tóm tắt một cách rõ rệt nhất, hơn bất cứ nơi đâu, trong một bức công điện hồi tháng Chín năm 1863, được gửi đi từ viên bộ trưởng hải quân, Bá Tước Proper de Chasseloup-Laubat cho Đô Đốc Grandière, thống đốc vùng thuộc địa mới. Điểm duyệt các cuộc tranh luận của các tháng trước đó, viên bộ trưởng đã sắp xếp các cá nhân thành ba trường phái tư tưởng: nhóm đầu tiên là những người tán thành việc giới hạn nước Pháp vào một “nhà máy” ở Sàigòn; nhóm thứ nhì là những người muốn chiếm giữ một số địa điểm chiến lược nào đó như Sàigòn, Bà Rịa, Biên Hòa, và Mỹ Tho như là các phương tiện cho sự kiểm soát xứ sở và để bảo đảm cho Pháp Quốc sự buôn bán với Căm Bốt và các tỉnh địa phương; nhóm thứ ba là những người, mà chính viên bộ trưởng đã gia nhập, muốn thành lập Cochinchina thành một thuộc địa trọn vẹn.(7)

Chưa hề có một sự lưỡng lự nhỏ nhoi nào tại Sàigòn về định mệnh tối hậu của các tỉnh đã được chinh phục. Đô Đốc Bonard, người đã thương thảo hiệp ước [Nhâm Tuất, chú của người dịch], kiên quyết chống lại sự hòan trả nhượng địa, và người kế nhiệm ông ta, Đô Đốc Grandière, cũng thế. Ông Bonard đã quy trách việc nêu lên vấn đề hoàn trả nhượng địa cho sự trì hoãn kéo dài việc phê chuẩn hiệp ước.  Sự trì hoãn đã đem lại cho các kẻ chống đốI hiệp ước tại Huế một cơ hội để thảo luận và kháng nghị nhiều điều khoản.(8)

Lãnh tụ của sự phản đối chống lại hiệp ước là vị thượng thư thương mại [bộ Hộ?, chú của người dịch], phụ trách việc điều khiển các quan hệ ngoại giao.(9) Ông ta nhấn mạnh rằng trong các cuộc thương thảo hiệp ước Bonard đã tuyên bố rằng ông ta chỉ muốn có một hải cảng trên lãnh thổ An nam, và rằng nước Pháp sẽ chỉ cầm giữ các tỉnh như một vật cầm thế cho sự thi hành đứng đắn các điều khoản của bản hiệp ước.  “Đế quốc cao cả của ngài,” ông đã viết cho Bonard, “chỉ phải lựa chọn địa điểm được xem là phù hợp nhất cho một cơ sở thương mại tại ba tỉnh Biên Hòa, Gia Định, và Định Tường.  Về sự sở hữu hoàn toàn đảo Côn Sơn (Poulo-Condor) bởi Đế Quốc cao cả của ngài, chính phủ chúng tôi hoàn toàn thừa nhân.”(10)  Một cách cụ thể, ông yêu cầu rằng bản hiệp ước cần được sửa đổi để bắt buộc các thuyền mua bán với Căm Bốt xuyên qua ba tỉnh còn nằm trong quyền sở hữu của An Nam, các tỉnh Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên, phải có sự cho phép từ phía An Nam và phải trả thuế; không cho phép các tàu chiến của Pháp được cặp bến các hải cảng của các tỉnh này. Ông nêu câu hỏi về ý nghĩa của điều 4 bắt buộc An Nam phải tham khảo với Pháp trước khi nó nhượng bất kỳ phần lãnh thổ nào của mình. Ông nêu câu hỏi, như thế An Nam không phải là một nước độc lập hay sao?  Vì thế, không thể đặt vấn đề gì về việc nhượng địa. Ông đã sắc sảo lập luận chống lại Bonard bằng cách dùng các lời phát biểu của Đại Tá Palanca, người đã tham dự các cuộc thương thảo hỗn hợp với An Nam trong năm 1862 với tư cách đặc sứ toàn quyền của Tây Ban Nha.  Palanca được trích dẫn là đã tuyên bố, “cướp đoạt bất kỳ phần lãnh thổ nào của một xứ sở là làm mất đi sự yêu mến của một nước anh em.”  Vị thượng thư có nói thêm một cách ngọt ngào rằng những tình cảm của Bonard nên giống như những tình cảm của viên đồng sự Tây Ban Nha của ông. Ông đã kết luận bức thư của mình với lời tuyên bố các ý định của chính phủ ông là sẽ gửi một sứ đoàn sang Paris nếu vị đô đốc nhận thấy không thể sửa đổi được bản hiệp ước .

Bonard nhận ra rằng trong đầu óc của vị quan chức họ Trương này [Trương Đăng Quế, chú của người dịch], người cầm đầu phe chủ chiến tại Huế, có mục tiêu nhằm đẩy nước Pháp ra khỏi Nam Kỳ. Ông đã sẵn phải đương đầu với một cuộc khởi nghĩa tại Gò Công, lãnh đạo bởi Quản Định [tức Trương Công Định, chú của người dịch], và ông ngờ vực rằng vị thượng thư An Nam đã bí mật hỗ trợ cho vị lãnh tụ khởi nghĩa bất kể đến sự phủ nhận công khai về bất kỳ sự thông đồng nào.(11)  Vào tháng Mười Hai sự bất mãn lan tràn.  Cuộc khởi nghĩa đã bùng nổ đồng loạt ở khắp mọi nơi, “và ông thấy mình phải thu về để phòng thủ, các phương tiện hành động của ông ở vào tình trạng tê liệt.”  Cần phải có hành động tức thời.(12)  Nước Pháp hoặc là phải giữ nguyên hiệp ước năm 1862, hay phải mở các cuộc thương thảo mới với Huế.  Không thể có giải pháp nào khác, và ông thúc dục việc giữ nguyên hiệp ước. Điều này có nghĩa phải tức thời tăng cường cho ông ta, nhưng nước Pháp sẽ phải sử dụng vũ lực trong bất kỳ trường hợp nào.  Nếu trì hoãn, nước Pháp sẽ phải gửi thêm quân nhiều hơn mức mà ông ta yêu cầu khi đó, và hơn thế nữa nước Pháp phải nhúng tay vào một xứ sở bị tàn phá và mất người vì chiến tranh.(13)

Vào lúc mà ông ta trình bày lời kêu gọi hỗ trợ khẩn cấp lên Bộ Ngoại Giao, Bonard phải đối diện với sự thách đố không khoan nhượng từ phía quân khởi nghĩa: “Nếu các ông muốn hòa bình vào lúc này, không có gì khó khăn cả; hãy trả lại cho Nhà Vua chúng tôi phần đất mà các ông chiếm đoạt.  Chúng tôi chỉ chiến đấu cho mục tiêu này thôi.  Các ông có muốn nhận khỏan tiền chuộc hậu hĩ cho phần lãnh thổ của chúng tôi hay không?  Chúng tôi sẽ vui lòng đồng ý … các ông còn muốn có một địa điểm trên lãnh thổ nơi mà các ông có thể lui tới để buôn bán hay không?  Chúng tôi sẽ thỏa thuận về điểm đó.”(14)  Dưới danh nghĩa các văn thân (lettrés), nhân dân và binh sĩ của tỉnh Gia Định, “tư lệnh tối cao quân nổi dậy dũng cảm, vị tướng bình Tây, thống chế Trương [Công Định] đe dọa rằng “người dân trong sự phẫn nộ sẽ kháng cự cả hai chính phủ một khi các tỉnh không được hòan trả với một khoản tiền chuộc và khi không còn tuân theo các mệnh lệnh của chính chính phủ của mình, họ sẽ chỉ cần biết rằng họ đang hành động theo sự hợp lý” (18)

Trong tháng Sáu năm 1863, vua Tự Đức, Hoàng Đế An Nam, có gửi một bức thư đến Napoléon [III] về vấn đề tái xét bản hiệp ước.  Loan báo sự khởi hành của ba vị đại sứ sang Pháp, mang theo các thư từ và quà tặng, ông đã bắt đầu lời yêu cầu bằng việc nói rằng các đặc sứ tòan quyền của cả nước Pháp và Tây Ban Nha tham dự các cuộc thương thảo đã chỉ đề cập đến việc truyền bá đạo Thiên Chúa và sự tự do thương mại.  Nhưng bản hiệp ước đã áp đặt trên An Nam không chỉ một khoản bồi thường chiến phí mà còn cả một sự chia cắt lãnh thổ, và là phần đất bao gồm “sự phì nhiêu đáng quý nhất của một Vương Quốc.”  Nhà vua tiếp tục khai triển chính đề này.  Sáu tỉnh của miền hạ lưu Nam Kỳ cấu thành một lãnh thổ duy nhất.  Nếu nước Pháp giữ lại ba tỉnh này, khi đó sự giao thương giữa ba tỉnh còn lại với phần lãnh thổ còn lại của đế quốc An Nam bằng đường bộ và đường thủy sẽ bị gián đoạn, và chính quyền An Nam sẽ ở vào tình trạng bất tiện trầm trọng.  Do đó, nhà vua đề nghị sẽ nhượng Sàigòn, một địa điểm bên ngoài thành Mỹ Tho, và Thủ Dầu Một tại tỉnh Biên Hòa cùng đảo Côn Sơn (Poulo Condor); đồng thời sẽ trả một khoản bồi thường nhiều hơn, nhưng nhà vua mong đợi một sự kéo dài thời hạn thanh trả hơn.  Nhà vua yêu cầu sự đình chỉ điều khoản của hiệp ước đòi hỏi rằng Pháp Quốc phải được tham khảo một khi có bất kỳ vấn đề nhượng địa nào.(16)

Trong tháng Chín 1863, các đại sứ đến nước Pháp.(17)  Sự hiện diện của họ đã kích thích một sự tái lập các cuộc tranh luận về số phận của thuộc địa vốn tạm thời ngưng lại sau khi có sự dập tắt cuộc nổi dậy ở Gò Công và sự phê chuẩn bản hiệp ước.  Napoléon [III] đã cuốn buồm để thay đổi chiều hướng và đã chỉ thị cho Drouyn de Lhuys và Chasseloup-Laubat, lần lượt là các bộ trưởng ngoại giao và bộ trưởng hải quân, sọan thảo một bản dự thảo cho một hiệp ước mới nhắm cho một sự chiếm đóng hạn chế.(18)  Sau đó một bản bằng Hán tự của dự thảo này, cùng với bản dự thảo một hiệp ước thương mại và hải vận đính kèm, đã được trao cho các đại sứ An Nam để đệ trình lên vị chúa thượng của họ.(19)

Drouyn de Lhuys nhìn nhận rằng các đề nghị của vua Tự Đức thì “hoàn toàn phù hợp với các quyền lợi của chúng ta,” (20) nhưng ông Herbet, giám đốc tại Bộ Ngoại Giao, không đồng ý.  Trong một văn thư sọan thảo bởi ông ta gửi lên [bộ trưởng] Drouyn de Lhuys trong tháng Mười ông đã khảo sát và nêu ý kiến về bốn chiều hướng hoạt động để lựa chọn như sau: Thứ nhất, các tỉnh có thể được trả về cho An Nam để đổi lấy một khoản tiền bồi thường; nhưng danh dự và quyền lợi của nước Pháp đều ngược lại với giải pháp này.  Thứ nhì, Pháp có thể cầm giữ những gì nó đã có và chinh phục cùng sáp nhập ba tỉnh còn lại; nhưng điều này sẽ kéo theo một chiến dịch tốn kém và không thể được cứu xét vì lý do đó.  Thứ ba, nước Pháp có thể giới hạn sự chiếm đóng của mình trong Sàigòn và các vùng lân cận; kế hoạch này có thể được xem là thuận lợi hơn kế hoạch thứ nhất và thứ nhì và Sàigòn sẽ gây ít tốn kém cho Pháp hơn Malta và Gilbraltar đã tạo ra cho Anh Quốc.  Tuy nhiên, ưu điểm cho sự chiếm đóng hạn chế này phải nhường bước trước lời khuyến cáo của các chuyên viên rằng sự sỡ hữu phần lớn toàn thể Nam Kỳ là điều kiện phải có cho sự tồn tại của Sàigòn.  Thứ tư, nước Pháp có thể giữ nguyên bản hiệp ước 1862.  Giải pháp sau này xem ra là một giải pháp như được biểu thị có đưa ra một vài chính sách hành chánh nào đó đã được chấp nhận, bao gồm cả một nền hành chánh bản xứ, một thống đốc dân sự, quyền tự do xuất cảnh, và một hải cảng tự do. Ông Herbet nhìn nhận một cách thẳng thắn rằng dân chúng nước Pháp cho đến giờ tỏ vẻ lãnh đạm với công cuộc thuộc địa hóa, bởi vì các dự án có vẻ như chỉ là các cuộc phiêu lưu hào nhoáng góp phần vào sự vinh quang của quân đội Pháp nhưng không mang lại các lợi điểm tích cực nào so với các sự hy sinh của Pháp quốc.(21)

Đô Đốc Bonard, thường xuyên chống lại sự hoàn trả nhượng địa, một lần nữa lên tiếng phát biểu ý nghĩ của mình, lần này trong một lời thỉnh cầu trực tiếp lên hoàng đế về điều có lợi cho nước Pháp. Ông ta phủ nhận bất kỳ sự quan tâm nào cho uy tín cá nhân của mình. Ông tiên đóan rằng nếu nước Pháp minh thị biểu lộ quyết tâm giữ lại thuộc địa, Cochinchina tự nó có thể tự lực tự túc được trong vòng ít năm.  Nhưng việc chấp nhận các sự sửa đổi yêu cầu bởi An Nam sẽ mang lại các hậu quả khốc liệt: thuộc địa sẽ trở thành một gánh nặng cho mẫu quốc; nó sẽ không thể phòng vệ được một khi có chiến tranh; nước Pháp sẽ không thể có khả năng bảo vệ các kiều dân Thiên Chúa hay các công dân Âu Châu, các người dân bản xứ đã bày tỏ tình cảm với nước Pháp sẽ phải khổ sở vì việc bày tỏ cảm tình như thế.(22) Đô Đốc Grandière, người kế nhiệm Bonard tại Sàigòn cũng không kém phần hăng say. Ông bày tỏ lòng bất tin tưởng hoàn toàn nơi triều đình Huế.  An Nam sẽ hứa hẹn bất kỳ điều gì để lấy lại các tỉnh và sẽ không tôn trọng bất kỳ quy ước mới nào hơn việc tôn trọng hiệp ước hiện hữu.  Thay vì thương thảo một sự dàn xếp mới, điều tốt hơn cho nước Pháp là giữ lấy những gì nó đã có sẵn và tự thanh thỏa dứt khoát một lần khoản bồi thường còn thiếu bằng các chiếm giữ ba tỉnh còn lại.  “Cuộc chinh phục sẽ dễ dàng, mau chóng và không gây tốn kém gì cả.”(23)

Chasseloup-Laubat đồng ý với ông Herbet và với hai ông đô đốc. Ông đã phác họa sự lý luận của mình một cách đầy thuyết phục trong một điện văn gửi cho Grandière, yêu cầu người nhận thư hãy đúc kết các lập luận của chính mình nhằm sẽ hoặc để cổ võ ông trong  các lời kết án của ông hay giúp ông ta phòng vệ chống lại các sự buộc tội.

Đối với tôi sự việc có vẻ thực sự khó khăn, nếu không muốn nói là bất khả, để tự giới hạn chúng ta vào một trạm mậu dịch.  Sàigòn là một hải cảng nội địa và không giống như Singapore hay một địa điểm cần thiết trên tuyến thương mại; vì thế, nó sẽ đòi hỏi các lực lượng khá lớn để bảo vệ cho nó và để bảo đảm cho sự tiếp cận với nó.  Nếu triều đình ở Huế muốn, họ có thể mau chóng cô lập chúng ta; khi đó thương mại sẽ bị đình chỉ.  Về việc chiếm đóng một số địa điểm, dành sự cai quản hành chánh cho một chính quyền bản xứ, và duy trì một lọai chế độ bảo hộ, điều này sẽ đòi hỏi các lực lượng tương đương với các lực lượng chúng ta đang có và rồi chúng ta vẫn không khác gì hơn là các người xa lạ đối với một quần chúng thuộc quyền một thẩm quyền khác và kết quả bị trấn áp bởi hai chủ nhân ông.  Sau hết, chúng ta sẽ không bao giờ có thể nhìn thấy việc mở rộng ảnh hưởng của Thiên Chúa Giáo, điều mà trong quan điểm của tôi, sẽ phải là căn bản của nền văn minh chúng ta tại các xứ sở này.(24)

Tuy nhiên, ở thời điểm đó, sự chiến thắng nằm trong tay các kẻ biện hộ cho sự hoàn trả nhượng địa.  Thuyền trưởng Aubaret, người đã đóng vai thông dịch viên cho các đại sứ An Nam, đã được lựa chọn bởi bộ Ngoại Giao làm phái viên trong việc thương thảo một hiệp ước mới dựa trên bản dự thảo đã nằm trong tay phía An Nam.(25)  Viên sĩ quan này đã từng tuyên bố trong một văn thư hồi tháng Bẩy 1863 rằng sự tái lập các tỉnh cho An nam là điều không tưởng.  Quan tâm duy nhất của ông vào lúc đó là làm thế nào bảo đảm được sự thành công của thuộc địa; và ông khuyến cáo lập một chính quyền dân sự, áp dụng các luật lệ và phong tục bản xứ, thay thế các quan lại văn thân (lettrés) bằng người Pháp, khuyến khích giáo dục, và phát triển nông nghiệp. Ông nhìn thấy ảnh hưởng của nước Pháp sẽ được bảo đảm nếu nước Pháp biết “cách duy trì một vị thế đáng ngưỡng mộ mà nó đã từng đạt được ở Cochinchinạ”(26) Đây là những cảm nghĩ của Aubaret trong tháng Bẩy 1863; nhưng ông ta không còn tán đồng các ý nghĩ này nữa khi ông chấp nhận nhiệm vụ thực hiện sự sắp xếp mới với triều đình tại Huế.

Các căn bản của sự giải quyết mới sẽ không được mở ra để thảo luận nữa.  Nhưng Aubaret được trao cho một số thẩm quyền quyết đoán nào đó trong vấn đề ấn định các chi tiết. Điều được thừa nhận rằng ông sẽ ở vào một vị thế hành sử quyền chuyên quyết này sau khi đã tham khảo với Đô Đốc Grandière tại Sàigòn.  Nước Pháp đã chuẩn bị để trả lại chính quyền và cơ quan hành chánh tại ba tỉnh Biên Hòa, Gia Định, và Định Tường cho phía An Nam.  Các đia điểm ngoại trừ là thành phố Sàigòn, hải cảng Thủ Dầu Một, thành Mỹ Tho, các kinh đào Poste [?], Bobo, và Benduc [Bến Lức?, chú của người dịch], núi Ganh Ray [Gành Rãy?, chú của người dịch.] kể cả mũi Vũng Tàu (Cape St. Jacques), các bến tàu tại Gành Ray và Cần Giờ, các hành lang thông quá tại Cua Tiên [Cửa Tiểu?, chú của người dịch] và Cửa Đại, cùng đảo Côn Sơn (Poulo Condor) .  Về các hành lang thông quá, Drouyn de Lhuys cảm thấy rằng chúng có thể trao trả lại cho An Nam, với việc dự liệu rằng Pháp, để đổi lại sự hoàn trả nhượng địa, có quyền tự do xây cất, bất cứ lúc nào, các đồn lũy trên đó cần thiết cho sự phòng thủ Mỹ Tho.  Nước Pháp sẽ được thừa nhận là một kẻ bảo hộ trên sáu tỉnh Nam Kỳ theo đó hoàng đế An Nam sẽ phải nạp một khoản tiền cống hàng năm là ba triệu phật lăng cho ba năm đầu tiên và hai triệu cho các năm kế tiếp sau đó ngoài khoản bồi thường đã quy định trước đây trong hiệp ước năm 1862.(27)

Quyết định phái Aubaret sang Huế biểu thị sự thắng lợi của phe chống đối sự bành trướng hải ngoại.  Nhưng cuộc tranh luận, còn lâu mới bị dập tắt, vẫn tiếp tục trong phân nửa đầu tiên năm 1864 mà không có dấu hiệu mệt mỏi nào của các phe đối nghịch.  Viện Lập Pháp ghi nhận rằng nhiều người đã lấy làm lo lắng về cuộc viễn chinh hải ngoại và đã kín đáo nêu ý kiến với vị hoàng đế rằng họ sẽ vui sướng được nhìn thấy các kết quả tốt đẹp mà ông đã dẫn dắt họ hãy hy vọng sẽ “được thực hiện trong một tương lai gần.”(28)  Louis Adolphe Thiers, một nhân vật đối lập hay phê bình chính phủ một cách chua chát, đã được trích dẫn – dĩ nhiên không có sự chấp thuận – là đã từng nói, “Danh dự không đi xa hơn phương tiện của  chúng ta [để duy trì nó].”(29)

Yếu tố phí tổn thường xuất hiện nhiều trong các lời phê bình của cả phe bênh lẫn phe chống.  Sự phát hiện tầm quan trọng của nó, cho đến mức độ liên quan đến Cochinchina, được tìm thấy trong một bài diễn văn được đọc bởi ông Arman hồi tháng Năm và trong sự trả lời tiếp theo sau.  Arman tự nhận mình là phát ngôn viên của các thương nhân mua bán với thuộc địa, những người đã mua đất đai hay đã thành lập các xí nghiệp to lớn tại đó. Ông nhấn mạnh rằng nước Pháp có các nghĩa vụ không chỉ với các công dân của mình – các nghĩa vụ vẫn sẽ không được giải trừ bởi sự hoàn trả nhượng địa – mà còn với cả dân bản xứ của các tỉnh này và với chủ tể nước Căm Bốt. Ông ta đã van nài “các đồng viện khả kính trong ủy ban ngân sách và các nhân vật quan tâm đến các cuộc viễn chinh phương xa hãy tin tưởng rằng không phảI việc từ bỏ một lãnh thổ quý báu như thế vào ngay sau ngày vừa chinh phục xong lạị có nghĩa rằng chúng ta đang làm một việc có lợi về kinh tế hay khôn ngoan về bất kỳ khía cạnh nào khác, mà rằng chúng ta sẽ làm tốt hơn với việc tổ chức một thuộc địa mà không bao lâu sẽ không có đối thủ nào cạnh tranh được.”(30)  Ông vạch ra sự kiện cho thấy không có khoản chuẩn chi nào dành cho Nam Kỳ hoặc trong ngân sách thường lệ của năm 1865 hay trong ngân sách bất thường, rằng đây không phải là một sự bỏ sót do quên lãng, mà bởi vì chính phủ có nói với ủy ban ngân sách rằng tình trạng ngờ hoặc hiện hữu khi đó khiến không thể đưa ra được một khoản chuẩn cấp chính xác. Ông tiếp tục nêu lên rằng, bất kể đến bản chất của sự cam kết của nước Pháp ra sao, nhất thiết phải có các khoản chi phí.  Sự khác biệt giữa việc giữ lại các tỉnh với việc giao trả chúng theo bản hiệp ước đề nghị tương đương với một khỏan tiền có ngạch số ước lượng là 700,000 phật lăng.  Liệu nước Pháp sẽ đưa ra quyết định từ bỏ một thuộc địa trên căn bản để tiết kiệm 700,000 phật lăng hay chăng? Ông cũng lý luận rằng khỏan tiền bồi thường thanh trả bởi An Nam được thể hiện trên sổ sách kế toán như một khỏan thu phải được chuyển sang bên tá phương (bên ghi nợ, debit side) của sổ cái (ledger) và bút toán nơi đó như là một khoản chi phí cho thuộc địa.

Trong khi cuộc tranh luận về ngân sách tiếp diễn, Báo cáo viên của ủy ban ngân sách nhấn mạnh rằng các khỏan nhận được từ sự bồi thường phải được xem là các khoản thu đặc biệt và do đó không thể nào được thừa nhận như một mục khỏan cho bút toán thải ghi (credit entry) dành cho thuộc địa để từ đó có thể rút tiền ra trang trải các chi phí của nó.  Ông cũng nhắc nhở quốc hội rằng ủy ban trong nhiều dịp đã đòi hỏi chính phủ một trương mục trong ngân sách thường lệ dành cho các số thu và các kinh phí của Nam Kỳ.  Liên quan đến ngân sách năm 1865, chính phủ đã trả lời rằng tình trạng hiện hữu của Cochinchina đang có tính cách chuyển tiếp, và một giải pháp rõ rệt cho thuộc địa này sẽ được chấp nhận ngay khi có thể.(31)  Bài diễn văn của Arman đã không thành công trong việc đòi mở một trương mục cho Nam Kỳ trong ngân sách, nhưng ít nhất quốc hộI đã nghe thấy một lời khẩn cầu mạnh mẽ rằng chính phủ hãy gấp rút giải quyết sự trì trệ và bác bỏ bất kỳ hiệp ước nào mà Aubaret có thể đang thương thảo.(32)

Vào tháng Sáu 1864 tình trạng bất ổn tại các tỉnh trở nên đe đọa đến nỗi Drouyn de Lhuys sau rốt bị thuyết phục rằng mối nghi ngờ của Grandière về phía An Nam là có căn bản vững chắc, và rằng khó tin tưởng là một bản thỏa hiệp mới lại có thể được tôn trọng một cách trung thực.  Các chỉ thị đã được đánh điện cho Aubaret tại Huế để đình chỉ các cuộc thương thuyết và chờ đợi các mệnh lệnh mới khác.(33) Tuy nhiên, Aubaret đã không kịp nhận các chỉ thị này, mãi cho đến khi ông ta trên đường quay lại Sàigòn sau khi đã hoàn thành xong nhiệm vụ của mình. (34)

Các cuộc thương thảo tại Huế giới hạn chính yếu vào ba điểm — khoản bồi thường, sự chấp nhận các lãnh sự ngoại giao nước Pháp vào An Nam, và sự bảo hộ trên sáu tỉnh.  Về vấn đề bồi thường, Aubaret báo cho phía An Nam hay rằng ông ta không có thẩm quyền để thảo luận bất kỳ sự sửa đổi nào trong điều khoản dự thảo.  Phía An Nam cương quyết từ chối chấp nhận đòi hỏi của Pháp, nhưng họ đồng ý thảo luận tất cả các phần khác của bản hiệp ước.  Thay cho điều khoản dự thảo về khoản bồi thường, họ có soạn thảo một văn bản riêng mà Aubaret đã từ chối ký kết nhưng đồng ý sẽ chuyển về Bộ Ngoại Giao, bởi vì, theo thư ông viết cho Bộ Trưởng Drouyn de Lhuys, “Tôi tin rằng chúng ta nên cứu xét nghiêm chỉnh về tình trạng thống khổ sâu xa của xứ sở này.”  Vì thế, thay cho khoản triều cống hàng năm được quy định bởi Drouyn de Lhuys, An Nam cho thấy họ sẵn lòng trả một khỏan tiền cống là 2,000,000 phật lăng mỗi năm trong bốn mươi năm ngoài số tiền bồi thường là 20,000,000 phật lăng phải trả theo hiệp ước năm 1862 hay một tổng số là 100,000,000 phật lăng.  Bởi vì phía Việt Nam ngần ngại trên cách hành văn của điều khoản thiết lập sự bảo hộ, Aubaret nhận thấy cần bổ túc vào dự thảo nguyên thủy cụm từ, “Điều được hiểu rõ là chế độ bảo hộ không liên hệ đến bất kỳ ý tưởng nào với tình trạng chư hầu.” (35)

Trong các điện văn gửi về Bộ Ngoại Giao, giải thích diễn tiến của các cuộc thương thảo, ông tỏ rõ rằng ông tán thành sự phê chuẩn công trình của ông.  Tuy nhiên, ông có ghi nhận từ những báo cáo từ Sàigòn rằng Napoléon III “lấy làm hối tiếc về quyết định mà ông đã lấy,” và bày tỏ sự hy vọng rằng Aubaret sẽ gặp phải các trở ngại tại Huế đủ khiến đưa đến một sự gián đoạn các cuộc thương nghị.  Vì thế, ông nhắc nhở bộ trưởng Drouyn de Lhuys rằng bản hiệp ước có thể bác bỏ nếu ông bộ trưởng muốn làm như thế trên căn bản là ông, Aubaret, đã không đồng ý với điều khoản liên quan tới khoản bồi thường hàng năm, mặc dù một cách riêng tư, ông hoàn toàn tán đồng điều khoản đó.  Trong thực tế, Aubaret đã nghĩ rằng chính phủ An Nam phải được nhìn nhận là thẳng thắn trong việc cương quyết từ chối chấp nhận dự thảo nguyên thủy của Pháp, bởi vì, họ có thể lựa chọn việc ký kết các điều khoản vô lý nhất với ý định thoái thác sau đó. Ông tán dương chính sách biểu trưng trong bản hiệp ước.  Sự chiếm đóng bằng quyền hạn thỏa thuận được ưa thích hơn bởi các kẻ quan tâm đến việc xâm nhập vào trung tâm của vương quốc, tức giới thương gia và đặc biệt là giới truyền đạo, các kẻ khai hóa văn minh tối cao.  Một ảnh hưởng chính đáng và vững chắc đặt nền trên đức tin tôn giáo và công cuộc thương mại và bành trướng trên toàn thể vương quốc, hơn nữa, sẽ hòa hợp vớI bản năng của nước Pháp hơn là sự chiếm hữu bằng cuộc chinh phục các tỉnh sẽ không bao giờ lôi cuốn được tư bản của Pháp. (36)

Chính vì thế, ngay dù Aubaret đã lập luận một cách khéo léo cho một hiệp ước mà Bộ Ngoại Giao đã cố gắng ngăn chặn ông ngưng thương thuyết, ông ta chiến đấu cho một sự thất bại.  Như ông Arman đã nói tại Viện Lập Pháp, “Chữ ký của một sĩ quan hải quân không thể ràng buộc nước Pháp.  Cần phải có sự phê chuẩn của chính phủ và tôi thỉnh cầu chính phủ đừng phê chuẩn.”(37)   Nhưng vào thời điểm này chính chính phủ không còn cần đến sự thỉnh cầu nào cả.  Vào ngày 20 tháng Giêng năm 1865, Đô Đốc Grandière đã gửi bằng đường bộ nguyên bản các văn kiện loan báo với chính phủ An Nam quyết định giữ nguyên bản hiệp ước năm 1862.  Các bản sao của các văn kiện này được gửi bằng đường biển đến hải cảng Đà Nẵng (Tourane).(38)  Một cách mỉa mai, lá thư trong đó Grandière loan báo quyết định của Pháp Quốc đụng độ với một lá thư từ vị thượng thư bộ Hộ của An Nam trong đó ông hỏi thăm về ngày và tháng mà các đặc sứ toàn quyền của Pháp sẽ khởi hành sang Huế để trao đổi các sự phê chuẩn bản hiệp ước mới.(39)  Grandière đã trả lời sự dò hỏi này bằng lời tuyên bố đơn giản rằng nó không còn giá trị nào nữa.(40)  Sau hơn hai năm lưỡng lự, nước Pháp đã quả quyết xác định đường lối của nó tại Viễn Đông.

Chasseloup-Laubat

Nếu có bất kỳ một cá nhân nào chịu trách nhiệm cho quyết định hệ trọng về việc duy trì thuộc địa, người đó xem ra phải là Chasseloup-Laubat. Ông ta là tác giả của văn thư đáng lưu ý đề ngày 4 tháng Mười Một, 1864, trong đó ông đưa ra một sự tóm lược toàn thể lịch sử của sự chinh phục và kết luận bằng một sự tiên đoán đầy hứng khởi về một tương lai tươi sáng của thuộc đia. Ông xác nhận trong văn thư này sự nhận xét trước đây của ông Herbet rằng công luận nước Pháp không quan tâm đến “các cuộc viễn chinh xa xôi.”  Hơn nữa, người dân hỏang sợ vì sự tốn kém của chúng.  Liên hệ đến Nam Kỳ, họ không nhận thức được rằng tất cả các chi phí của Bộ HảI Quân và Các Thuộc Địa chi cho Trung Hoa và Nam Kỳ nhất thiết đã được gộp chung vào với nhau trong các năm 1860 và 1861, khi nước Pháp đã tham gia vào các cuộc giao chiến tại cả hai chiến trường.  Các chi phí trong năm 1862 tại Cochinchina đã được giảm bớt rất nhiều nhưng vẫn còn cao.  Cũng chính các nhân vật đã không nhận thức được rằng Đô Đốc Bonard đã bị ngăn trở bởi nhu cầu quân sự nên không thi hành được các dự án kinh tế cần thiết nay lại tin tưởng rằng nước Pháp có thể đạt đưoợc các mục tiêu của mình tại Cochinchina qua sự chiếm đóng hạn chế.  Các lập luận của họ như sau: lợi thế thương mại trong tư tưởng của họ chính yếu nằm trong việc tạo lập một cơ sở tại Sàigòn.  Mà các lãnh thổ mở rộng không cần đến để lôi cuốn thương mại đến các nơi đó.  Hồng Kông là một bằng chứng cho điều này; đó là một mô hình tốt để Pháp bắt chước hơn là Ấn Độ là nơi mà người Anh thấy mình lọt vào sự tấn công không ngừng, và là nơi mà đế quốc của họ được đặt trên một nền tảng lung lay.

Trả lời lập luận này, Chasseloup-Laubat vạch ra rằng, bởi địa hình của Đông Dương, nước Pháp không bao giờ có thể kỳ vọng rằng Sàigòn sẽ trở nên một thị trường khổng lồ của nền mậu dịch thế giới.  Người ta phải nhớ rằng Sàigòn nằm cách xa bờ biển đến 55 hải lý.  Nhưng sự lưu giữ một số địa điểm nào đó xem ra là cần thiết – Mũi Vũng Tàu (Cape de St. Jacques) với ngọn hải đăng của nó, được xây cất bởi người Pháp; Mỹ Tho, vốn bao gồm phụ lưu quan trọng nhất của sông Cửu Long; và các con kinh được biết như kinh Poste [?] và kinh Vaico [Vàm Cỏ ?, chú của người dịch].  Tương tự, các vùng bao quanh các khu vực chiến lược này cũng phải được giữ lại bởi Pháp Quốc.  Chính vì thế, bất kể đến việc từ bỏ các vị trí quân sự và các trung tâm thương mại, nước Pháp tuy thế thấy mình vẫn có nghĩa vụ phải duy trì các thị trấn, các vùng đất và các thủy lộ, mà sự bảo vệ sẽ đòi hỏi một chi phí đáng kể và một đội quân khá lớn.  Nhưng các kẻ biện hộ cho sự chiếm đóng hạn chế đã nghĩ rằng nước Pháp sẽ trút bỏ được gánh nặng quản trị nơi mà họ tin rằng đó là một xứ sở thù nghịch.  Như để bù đắp nhiều hơn nữa cho gánh nặng bảo vệ, họ đã nêu ra rằng cuộc mậu dịch tại Sàigòn sẽ phát triển với nền hòa bình mà họ dự liệu sẽ đến.

Một hiệp ước đã được thương thảo bởi Aubaret.  Vấn đề là: Có nên phê chuẩn nó hay không?  Chasseloup-Laubat đã tiến tới việc đả kích tất cả mọi giả thiết của phe ủng hộ sự hòan trả nhượng địa. Ông tuyên bố rằng nước Pháp có các mối quan hệ thân thiện với nước Xiêm La hơn bao giờ hết kể từ khi thiết lập chế độ bảo hộ trên Căm Bốt.  Bởi nhờ sự bảo hộ này, vốn được tôn trọng, miền bắc thuộc địa Nam Kỳ nay đã được củng cố.  Về mặt tài chính, nước Pháp có thể nhìn tương lai của vùng thuộc địa với sự lạc quan.  Các chi phí địa phương được tính cho thuộc địa vốn đã sẵn chia sẻ phí tổn về quốc phòng.  Các số thu gia tăng một cách vững chắc, với phần thu cho năm 1864 được ước lượng là 3,000,000 phật lăng.  Tuy nhiên, chắc chắn chúng sẽ lên tới 4,000,000 và 2,000,000 phật lăng bổ túc phải được thải ghi dưới hình thức các công trình công chánh, các cầu, và đường vận tải, được thực hiện bởi lao đông dân công (corvées).  Các chi phí đang giảm dần trong khi số thu gia tăng.  Các chi phí đã được giảm xuống mức 14,000,000 phật lăng trong năm 1864; và không nhất thiết cần đến hơn 8,000,000 phật lăng trong ngân sách bất thường của năm 1865.  Ngoài ra, thuộc địa có một ngân quỹ dự trữ.  Các ý định tốt của chính quyền thuộc địa đã được thể hiện các các khỏan phân chia ngân sách cho việc truyền đạo, giáo dục, các nhà thương, các công trình công chánh, các nhân viên nhà thờ, các vật liệu, và lao động để xây cất các nhà thờ.  Trong số các thành quả của chính quyền thuộc địa ông có kể đến sự tổ chức ngành tư pháp và sự xây dựng 400 kilomét đường dây điện tín.  Thương mại đã không dậm chân tại chỗ, mặc dù nó bị cản trở bởi tình trạng bất trắc về số phận tối hậu của thuộc địa. Ông quy kết sự thành công đã đạt được cho chính sách tôn trọng sự tổ chức của An nam, cho phép các xã thôn giữ quyền kiểm sóat các dân quân, chuẩn bị thuế thân và hành thu các sắc thuế, cùng bàu cử các chánh tổng của chính họ.  Các quan tổng đốc của các tỉnh và quan huyện nói và viết chữ Hán tạo ra sự lo sợ dưới chế độ cũ với tư cách đại biểu của triều đình Huế, nhưng nay họ không còn quyền hành trên dân chúng nữa bởi vì họ đã bị cắt rời khỏi Huế.  Có nhiều bằng cớ về sự trung thành của quần chúng.  Họ đã mau mắn bày tỏ sự tận tậm với nước Pháp ngay khi họ hiểu rằng họ có thể gìn giữ phong tục riêng của mình.

Sau khi đưa ra lịch sử của thuộc địa cập nhật hóa với chiều hướng thuận lợi trong một báo cáo về tình hình đương thời, Chasseloup-Laubat kế đó đã hướng sự chú ý đến bản hiệp ước của Aubaret, và đã đả kích từng điều khoản một. Ông ghi nhận sự sửa đổi đáng kể nơi các điều 3 và 13, liên quan đến các ranh giới và sự di chuyển của các công dân Pháp. Ông phản bác sự sửa đổi một phần của điều 16 được ghi “Hoàng Đế An Nam chuẩn cấp một sự ân xá toàn diện cho những ai vốn là thần dân của Ngài trước đây có sống trong vùng cai trị của Pháp và nay muốn trở về các tỉnh của họ”  Từ ngữ ân xá không có trong bất kỳ nơi đâu trong bản dự thảo nguyên thủy. Ông cáo buộc rằng sự sử dụng từ ngừ đó sẽ thừa nhận và hợp pháp hóa tất cả mọi điều mà vua Tự Đức đã thực hiện. Điều 14, liên quan đến tôn giáo ông thấy tự nó có sự mâu thuẫn.  Một mặt nó cho phép người dân An Nam trở thành người theo đạo Thiên Chúa, và mặt khác nó sẽ trừng trị các người dân An Nam vi phạm các luật lệ của vương quốc, trong đó có các luật lệ cấm đoán việc cải đạo theo Thiên Chúa Giáo.  Bởi vì Aubaret đã ghi vào trong bản hiệp ước một sự tuyên bố rằng chế độ bảo hộ không liên hệ đến bất kỳ ý nghĩ nào về tình trạng chư hầu, Chasseloup-Laubat đã phủ nhận rằng trong thực tế một chế độ bảo hộ đã được thiết lập.  Tất cả nội dung của bản hiệp đúng ra là để quy định về một sự mua, chuộc lại thuần túy và đơn giản, nhưng giá cả lại sẽ được trả dưới hình thức niên kim trong 40 năm.  Xét đến tầm quan trọng của các sự sửa đổi so với bản dự thảo hiệp ước nguyên thủy của Pháp, ông cảm thấy rằng chính phủ có thể cứu xét vấn đề chấp nhận hay bác bỏ bản hiệp ước với một ý thức trong sáng.  Quyết định chỉ nên được đặt căn bản trên quyền lợi của nước Pháp.

Và quyền lợi này của nước Pháp đã là gì?  Không giống như Singapore hay Thượng Hải, Sàigòn không phải là một hải cảng không có không được cho sự xuất khẩu thương mại của Đông Dương.  Mỹ Tho cũng không phải.  Nếu chúng là các địa điểm như thế, chúng có giá trị hoàn hảo với nước Pháp, khi đó nước Pháp sẽ phải tự mình chiếm đoạt toàn thể xứ sở.  Ngược lại nó sẽ không thể ngăn cản công cuộc thương mại đi vòng lách bên ngoài Sàigòn.  Nếu nước Pháp không chiếm giữ toàn thể xứ sở, cách thức duy nhất mà nó có thể bảo đảm rằng công cuộc thương mại sẽ đi ngang qua Sàigòn là việc thuyết phục dân chúng rằng chính vì quyền lợi của họ mà dân chúng nên di chuyển đến Sàigòn.  Việc này sẽ khó khăn.  Với một sự chiếm đóng giới hạn, nhiều xác xuất là dân chúng sẽ trở nên thù nghịch, rằng sẽ có một sự xuất cảnh khỏi những địa điểm bị chiếm giữ bởi người Pháp. Ông còn trích dẫn ngay chính Aubaret hồi năm 1863 là đã từng tuyên bố sự chiếm đóng hạn chế sẽ tương đương với sự di tản.  Hoàn trả nhượng địa sẽ có nghĩa là hy sinh các công trình tu bổ [hạ tầng cơ sở] đã được kiến tạo cùng với các khoản thu từ thuộc địa, và nó không làm giảm các chi phí.  Nhưng còn một sự cứu xét nữa đáng quan tâm hơn đối với nước Pháp; đó là viễn ảnh rằng người dân sẽ bị bỏ rơi cho sự trả thù của An Nam.  Thảm kịch này sẽ không thể ngăn cản được bởi vì nước Pháp sẽ bị bắt buộc triệt hạ các đồn lũy, các đường dây điện tín, và các trạm phòng thủ đã được xây dựng để bảo vệ các làng mạc. Ông nghĩ rằng sẽ chẳng cần vạch ra rằng uy tín của nước Pháp tại Phương Đông sẽ bị ảnh hưởng bởi sự hoàn trả nhượng địa.

Chasseloup-Laubat kết luận bản thuyết trình xuất sắc về việc giữ lại Nam kỳ bằng một lời kêu gọi đơn giản nhưng hùng hồn trong đó ông đã trộn lẫn tất cả các động lực tinh thần và vật chất quen thuộc dể biện minh cho chế độ thực dân của thời đại hiện nay: “Khi mà nước Pháp hờ hững vượt quá Đại Tây Dương để thành lập một đế quốc, để cải tạo một dân tộc và để cứu vớt họ khỏi sự xâm phạm của một chủng tộc khác, liêu nó có thể ngập ngừng trong một sự nghiệp mà, để cho phép nó hoàn thành được nhiệm vụ cao cả xem ra nó đã được đón nhận trên thế giới, sẽ mang về cho nó một phần thưởng đến bù cho các sự hy sinh của nó?”(41)

Chưa đầy ba tháng sau khi có sự soạn thảo “văn bản” này, chính phủ đã lấy một quyết định hệ trọng là giữ nguyên hiệp ước năm 1862 và ở lại Nam Kỳ (42)  Chắc chắn rằng sự nghi ngờ về các chủ định của An Nam đã góp một phần nào đó trong quyết định này.  Nhưng các lý do nền tảng một cách gần như chắc chắn đều có tính cách tích cực và không mang vẻ tiêu cực – các lý do này gồm: ước vọng về uy tín tại Đông Phương; niềm tin rằng nước Pháp có một nhiệm vụ khai hóa chân chính, một sứ mệnh theo Thiên Chúa Giáo một khi đã khởi sự nó không thể bỏ rơi; trên hết, một cảm giác tự tin rằng phần đất mới sáp nhập nhất và xa xôi nhất của “Pháp Quốc hải ngoại” nhất định sẽ có được một tương lai sáng lạn. Đó chính là giá trị của Chasseloup-Laubat khi nhìn tương lai đó dưới chiều kích vĩ đại về mặt tinh thần cũng như vật chất cho cả nước Pháp lẫn thuộc địa của nó./.

Ngô Bắc dịch

Nguồn: France In Cochinchina: The Question of Retrocession 1862-1865, R. Stanley Thomson, The Far Eastern Quarterly, Volume 6, 1946-1947, các trang 364-378.

 

CHÚ THÍCH:

1.Tài liệu cho bài viết này được thu thập nhờ khoản trợ cấp của Social Science Research Council.
2. Annales de Sénat et du Corps Législatif, 1866 (từ đây trở đi, gọi tắt là Annales), Corps Législatif, Mar. 6, vol. 2, trang 144.
3. Annales, 1862, Sénat, Feb. 27, vol. 1, trang 318.
4. Cùng tài liệu dẫn trên, Corps Législatif, Mar. 13, vol. 2, các trang 165-66.
5. Cùng nơi dẫn trên, trang 167.
6. Cùng nơi dẫn trên, trang 168.
7. MSS. Ministère des Colonies, Chasseloup-Laubat gửi Đô Đốc Grandière, Sep. 17, 1863, Bản sao.
8. MSS. Ministère des Affaires Étrangères, Asie 28: Indo-Chine 2, 1862-1863 (từ giờ trở đi gọi tắt là Asie 28), trang 221, văn thư của Bonard gửi bộ trưởng ngoại giao Drouyn de Lhuys, Dec. 18, 1862.
9. Cùng nơi dẫn trên, trang 286, văn thư của Bonard gửi Drouyn de Lhuys, Jan. 14, 1863.
10. Cùng nơi dẫn trên, các trang 225-29, văn thư của thượng thư bộ hộ [Trương Đăng Quế?, chú của người dịch] gửi Bonard, Nov. 2, 1862.
11. Cùng nơi dẫn trên, trang 287, Bonard gửi Drouyn de Lhuys, Jan. 14, 1863.
12. Cùng nơi dẫn trên, trang 223, Boanrd gửi Drouyn de Lhuys, Dec. 18, 1862, phần tái bút, Dec. 20, 1862.
13. Cùng nơi dẫn trên, các trang 287-88, Bonard gửi Drouyn de Lhuys, Jan. 14, 1863.
14. Cùng nơi dẫn trên, trang 290, Bonard gửi Drouyn de Lhuys, Jan. 14, 1863, phần phụ lục.
15. Cùng nơi dẫn trên, trang 326, Bonard gửi Drouyn de Lhuys, Jan. 14, 1863, phần phụ lục.
16. Cùng nơi dẫn trên, các trang 432-36, thư của vua Tự Đức, Hoàng Đế An Nam gửi Napoléon III.
17. Cùng nơi dẫn trên, trang 493, cơ quan của Bộ Ngoại Giao tại Marseilles gửi Drouyn de Lhuys, Sep. 12, 1863.
18. Cùng nơi dẫn trên, trang 516,Drouyn de Lhuys gửi Chasseloup-Laubat, Nov. 2, 1863; cũng xem Ministère des Affaires Étrangères, Asie 29: Indo-Chine 3, 1864-1866 (từ giờ trở đi, gọi tắt là Asie 29), trang 46, Drouyn de Lhuys gửi Grandière, Jan. 9, 1864.
19. Asie 28, trang 525, bản dịch thư cảm ơn của các sứ giả An Nam về việc tiếp nhận các bản hiệp ước về hòa bình, thương mại, và hải hành, Nov. 7, 1863.
20. Asie 29, trang 46, Drouyn de Lhuys gửi Đô Đốc Grandière, Jan. 9, 1864.
21. Asie 28, các trang 507-12, Văn thư đệ trình bộ trưởng Drouyn de Lhuys, soạn thảo bởi ông Herbet, Oct. 12, 1863.
22. Asie 29, các trang 23-28, Bonard gửi Hòang Đế Napoléon.
23. Cùng nơi dẫn trên, các trang 103, 94, các trích đoạn từ các thư của Grandière, June 8, 1864, và May 30, 1864. Ông cũng đề nghị việc chiếm đọat luôn ba tỉnh còn lại trong một lá thư đề ngày Nov. 6, 1863 (xem Asie 28, trang 520)
24. Ministère des Colonies, Chasseloup-Laubat gửi Grandière, Sep. 17, 1863.  Bản sao.
25. Asie 28, trang 634, Aubaret gửi Drouyn de Lhuys, Dec. 29, 1863.
26. Cùng nơi dẫn trên, các trang 455-64, Aubaret, hồi ký liên quan đến Cochinchina, July 15, 1863.
27. Asie 29, các trang 44-48, Drouyn de Lhuys gửi Đô Đốc Grandière, Jan. 9, 1864.
28. Annales 1864, vol. 4, trang 78.
29. Cùng nơi dẫn trên, vol. 3, trang 297.
30. Cùng nơi dẫn trên, Corps Législatif, May 18, vol. 7, các trang 303-05.
31. Cùng nơi dẫn trên, trang 306.
32. Cùng nơi dẫn trên, trang 305.
33. Asie 29, trang 99, Drouyn de Lhuys gửi Chasseloup-Laubat, Jun. 6, 1864.
34. Cùng nơi dẫn trên, trang 165, Aubaret gửi Drouyn de Lhuys, July 24, 1864.
35. Cùng nơi dẫn trên, các trang 105-38, 142-48, Aubaret gửi Drouyn de Lhuys, June 18, 1864, June 20, 1864, June 24, 1864, July 16, 1864, July 18, 1864.  Hiệp ước được thương thảo bởi Aubaret, cùng với bản dự thảo nguyên thủy, được tìm thấy trong Asie 29, các trang 119-34.
36. Cùng nơi dẫn trên, các trang 136-37, Aubaret gửi Drouyn de Lhuys, July 16, 1864.
37. Annales 1864, Corps Législatif, May 18, vol. 7, trang 305.
38. Asie 29, các trang 265, 266, Grandière gửi Drouyn de Lhuys, Jan. 29, 1865, và Grandière gửi Chasseloup-Laubat, Jan. 30, 1865.
39. Cùng nơi dẫn trên, các trang 266 và phụ lục và trang 269, Grandière gửi Chasseloup-Laubat, Jan. 30, 1865; thư của thượng thư bộ hộ của An Nam gửi Grandière.
40. Cùng nơi dẫn trên, trang 266, Grandière gửi Chasseloup-Laubat, Jan. 30, 1865.
41. Cùng nơi dẫn trên, các trang 196-228, sổ ghi chú của Chasseloup-Laubat, Nov. 4, 1864.
42. Cùng nơi dẫn trên, trang 265, Grandière gửi Drouyn de Lhuys, Jan. 29, 1865.

 

 

 

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN